Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Cái đẹp trong truyện ngắn "Muối của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp

Cái đẹp trong truyện ngắn "Muối
của rừng" của Nguyễn Huy Thiệp

Có những cái đẹp người ta có thể dễ dàng nhìn thấy, nhưng có những cái đẹp lẩn khuất khiến người đọc phải suy ngẫm, chiêm nghiệm mới nhận ra vẻ đẹp đằng sau câu chữ, cốt truyện, tình tiết trong truyện. Muối của rừng của Nguyễn Huy Thiệp là một truyện ngắn như vậy.
Trước hết là sự thức tỉnh của nhân vật trước vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên.
Truyện mở đầu bằng khung cảnh thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm. Cây cối nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Và cái nhã thú của người kể chuyện được đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần. Chỉ cần ba câu văn ngắn gọn, người kể chuyện đã gợi cho người đọc một không gian rất gần gũi, thân thuộc với con người. Thế nhưng không gian ấy dường như đối lập với suy nghĩ của ông Diểu,  nhân vật chính trong truyện.
Đọc truyện, người đọc không khỏi ám ảnh cảnh đi săn của ông Diểu. Khi thiên nhiên căng tràn sức sống, xanh tươi, mưa xuân ấm áp, rừng ẩm ướt cũng là thời điểm ông Diểu chọn đi săn và xem đó là cái thú đáng sống. Được con trai tặng khẩu súng săn hai nòng, ông Diểu chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi săn. Ông nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông đi giày cao cổ và cẩn thận mang theo nắm xôi nếp. Ông cân nhắc kỹ lưỡng khi vào rừng. Trong suy nghĩ của ông săn được con khỉ hay sơn dương mới đã đời. Nhưng sơn dương thì khó loài này săn được chỉ là ngẫu hứng, ông Diểu không tin vào vận may nên quyết định săn khỉ.
Săn khỉ đối với ông không khó dù chúng là loài thú khôn tựa người. Ông ngồi lặng lẽ quan sát con canh gác, con khỉ đầu đàn, chọn mục tiêu ba con khỉ quấn lấy nhau: khỉ đực, khỉ cái, khỉ con. Nhìn hành động đê tiện của khỉ đực chén quả ngon trước khi ném xuống đất cho hai mẹ con, ông Diểu bóp cò. Khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống. Nó cất tiếng gọi buồn thảm đau đớn. Khỉ cái liều mạng đến gần khỉ đực nâng nó lên. Ông Diểu ném khẩu súng đuổi khỉ cái đi vì cho rằng hành động của khỉ cái là gian dối. Khỉ con xuất hiện cướp súng của ông, nhưng nó lại bị rơi xuống vực. Từ dưới vực sâu hun hút vang lên tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ. Chứng kiến cảnh tượng đó, ông Diểu sợ hãi, bỏ chạy như ma đuổi.
Xưa nay, con người luôn có khát vọng chinh phục thiên nhiên, bắt thiên nhiên phục vụ cho con người, khẳng định sức mạnh và lòng quả cảm của con người. Thế nhưng tàn sát, hủy hoại thiên nhiên ấy lại là tội lỗi. Tiếng gọi buồn thảm, đau đớn của khỉ đực, tiếng rú thê thảm của khỉ con dưới vực sâu xoáy vào lòng người đọc tiếng gọi của rừng sâu, ám ảnh người đi săn. Điều đáng quý, nhà văn đã để cho nhân vật tự nhận thức vẻ đẹp bình dị của thiên nhiên qua dòng tâm trạng của nhân vật. Đó là trạng thái không buồn, không vui, không lo lắng, cũng không tính toán hàng nửa giờ dưới làn mưa xuân mỏng và mịn. Ông ngắm nhìn dãy núi đá cao ngất hùng vĩ để lượng sức mình. Ông nhẹ nhàng men theo chân núi, vương quốc của hang động đá vôi là Hoa Quả Sơn, Thủy Liêm Động của thung lũng. Ông nín thở trước một chùm dây màu sặc sỡ tung trước mắt. Ông ngồi lặng lẽ quan sát bầy khỉ…
Sự đa dạng của các loài muông thú: chim xanh, gà rừng, khỉ, sự hùng vĩ của núi non, hang động, sự tĩnh lặng của rừng xanh, sự quấn quít của ba con khỉ đối lập với tiếng súng săn dữ dội, tiếng kêu buồn thảm của khỉ đực, tiếng rú kinh hoàng của khỉ con đã đánh thức ông. Ông Diểu sợ hãi run lên. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng. Nhận ra thiên nhiên giản dị và đẹp cũng là lúc ông ý thức được hành động vừa làm điều ác của chính mình. Rõ ràng cái đẹp của thiên nhiên không chí đánh thức mĩ quan mà còn khơi dậy nhận thức, suy nghĩ tích cực của ông Diểu về vẻ đẹp của chính nó.
Vẻ đẹp của sự hướng thiện
Đi săn vào một ngày xuân đối với ông Diểu là điều đáng sống, là cơ hội để ông Diểu “khoe” cái sự dẻo dai, nhanh nhẹn và lòng dũng cảm của mình ở tuổi sáu mươi. Thế nhưng khi hạ gục được con mồi, ông Diểu lại hoảng sợ nghĩ mình đang làm điều ác. Chứng kiến sự hoảng loạn của đàn khỉ, khỉ cái liều mạng quay lại cứu khỉ đực ông  Diểu day dứt. Ông sẽ chết trước hai năm nếu bắn khỉ cái. Ông Diểu đã tha cho khỉ cái vì sự cuồng nhiệt hi sinh, bởi lòng cao thượng của nó. Gặp lại con khỉ đực ông vừa mới bắn đang nằm trên ngọn đá phẳng lì và khá chông chênh, nhìn khỉ đực bị thương giương ánh mắt cầu khẩn về phía mình, ông Diểu thương hại vơ nắm cỏ Lào vò nát, nhai kĩ đắp vết thương, cởi quần lót bó vết thương cho khỉ đực.
Tác giả bài viết: Nhà phê bình Chu Thị Hảo – Hội viên Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Ông Diểu vừa bế khỉ đực vừa tìm đường xuống núi với ý nghĩ sẽ bắt con khỉ đực về, mặc cho ông phải bỏ lại quần áo. Nhưng khi thấy khỉ cái lẽo đẽo đằng sau, lầm lũi xuyên rừng, ông Diểu thấy lòng buồn tê tái, sống mũi cay cay. Ông đã quyết định phóng sinh khỉ đực, rẽ sang lối đi khác. Điều gì đã khiến nhân vật hướng thiện nếu không phải là tình yêu? Cái đẹp của thiên nhiên có khả năng gợi cho nhân vật thấy được bản chất của chính mình nơi thiên nhiên, gợi cho nhân vật những rung cảm trước tạo vật và ý thức trách nhiệm của mình trước thiên nhiên. Hành động tha cho khỉ cái, phóng sinh khỉ đực của ông Diểu là minh chứng cho sự hướng thiện, tình yêu đối với thiên nhiên và tình yêu cuộc sống của nhân vật.
Cái đẹp hài hòa giữa thiên nhiên và con người
Truyện kết thúc bằng hình ảnh ông Diểu trở về nhà qua lối đi khác. Lối đi đầy bụi gai, nhưng loài hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Hoa tử huyền màu trắng, vị mặn, nhỏ như đầu tăm ba chục năm kết muối một lần, điềm báo may mắn, đất nước thanh bình. Lối đi khác mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thay đổi nhận thức và hành động của nhân vật. Loài hoa tử huyền mang ý nghĩa biểu tượng cho những điều tốt đẹp. Một người như ông Diểu khao khát chinh phục tự nhiên, ý thức được vẻ đẹp của thiên nhiên, có tấm lòng hướng thiện sẽ đón nhận những điều tốt lành trong cuộc đời.
Khép lại trang truyện Muối của rừng (Nguyễn Huy Thiệp) người đọc không còn ám ảnh bởi cảnh đi săn của ông Diểu mà chỉ thấy quá trình thay đổi nhận thức và vẻ đẹp trong tâm hồn của của nhân vật: yêu thiên nhiên, hướng thiện, có niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vẻ đẹp trong tâm hồn ông Diểu xét cho cùng cũng là vẻ đẹp trong tâm hồn người kể chuyện. Đó cũng là ý nghĩa vẻ đẹp trong truyện ngắn Muối của rừng.
13/9/2024
Chu Thị Hảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Sinh Tỏa Sáng Văn học vị nghệ thuật hay văn học vị nhân sinh? Có một giai đoạn văn học sử Việt, từng xảy ra tranh chấp giữa hai trư...