Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Đồi thỏ - Bản trường ca kỳ vĩ về loài thỏ và cuộc sống vận hành

Đồi thỏ - Bản trường ca kỳ vĩ về
loài thỏ và cuộc sống vận hành

“Đồi thỏ” là tiểu thuyết viết cho thiếu nhi của nhà văn người Anh Richard Adams, được dịch giả Hồng Vân chuyển ngữ sang tiếng Việt và Nhà xuất bản Hội Nhà văn tái bản năm 2020. Tác phẩm từng được BBC bình chọn nằm trong 100 cuốn sách của mọi thời đại. 
“Đồi thỏ” kể về chuyến hành trình của mười một chú thỏ liều lĩnh bỏ lại đồi Sandleford để đi tìm vùng đất mới. Với linh cảm đặc biệt mạnh mẽ, Thứ Năm thấy Sandleford sẽ bị con người san phẳng, bèn báo cho Cây Phỉ và Cây Phỉ kêu gọi tất cả đi trốn. Đàn thỏ trải qua vô vàn gian khó, từ thoát khỏi Đội Cốt cán của chúa Thanh Lương Trà nơi quê nhà, vượt sông, ngủ trong đêm mưa rét và nguy hiểm, đến gặp gỡ Anh Thảo Vàng, rơi vào cánh đồng Efrafa của Thống soái Hoắc Hương, đi giữa ranh giới của sự sống và cái chết, chiến đấu rồi tiếp tục chiến đấu. Một cuốn sách dày hơn 500 trang cùng rất nhiều nhân vật và địa danh dường như quá nặng đối với thể loại sách thiếu nhi, song mặt khác đã bộc lộ được tài năng của nhà văn Richard Adams: mở ra nhiều cuộc phiêu lưu đầy hấp dẫn và mang đến cho độc giả bao bài học quý giá.
Có thể nói “Đồi thỏ” là bản trường ca vĩ đại về loài thỏ, đó còn là bản trường ca về sự vận hành của cuộc sống, thiên nhiên và con người. Bằng hiểu biết sâu rộng tập tính loài thỏ, Richard Adams đã khởi lên một chuyến hành trình thật kì diệu. Người đọc được cuốn theo nhịp điệu vội vã mỗi lần cả đàn thỏ trốn chạy, hào hứng khi Cây Phỉ hoặc Mâm Xôi tìm ra lối giải thoát, hay cảm thấy ấm áp khi các chú thỏ gắn kết nhau và có những phút tiếp xúc với người bạn mới dễ thương. Tác giả đã xây dựng hệ thống nhân vật thật ấn tượng, tính cách sắc nét và ngòi bút miêu tả tâm lí từng nhân vật rất sinh động, tài tình.
Bên cạnh chuyến hành trình dài, Richard Adams còn đan xen nhiều câu chuyện về El-ahrairah, thỏ Đen Inlé, cùng các vị thần qua câu chuyện kể của những chú thỏ. Đó là bản sử thi hùng tráng của tổ tiên chúng, là nguồn động lực cho đàn thỏ mỗi lần rơi vào bế tắc. Cha ông chúng bản lĩnh, khôn khéo như thế, chúng bây giờ đối mặt với hiểm nguy cũng kiên cường, đoàn kết và lanh lợi chẳng kém. Tác giả đặt hai thế hệ song hành, như sự soi chiếu, bổ trợ, càng làm nổi bật tài năng, sức mạnh của loài thỏ.
Là truyện về loài vật với đầy đủ tập tính riêng biệt của loài, nhưng ta lại thấy ở đó có sự phân chia cấp bậc, cách quản lí một tập thể như thế giới con người. Và miền đất hứa mà loài thỏ tìm đến, có phải là biểu tượng cho nơi mà con người có thể sống với nhau bằng tình yêu thương, niềm tin tưởng chứ không phải áp bức đè nén, sống cuộc đời có lao động và có niềm vui?
Theo hành trình trong “Đồi thỏ”, người đọc gặp đồi Sandleford bị phá huỷ thành công trường; gặp cánh đồng của Anh Thảo Vàng đầy đủ thức ăn nhưng tù túng, bạc nhược, luôn phảng phất hơi lạnh của bẫy thép; gặp cánh đồng Efrafa với lịch sử của nó và người đứng đầu nơi đây là Thống soái Hoắc Hương cũng bị tác động bởi con người; gặp trang trại Nuthanger, dòng sông Test. Và cuối cùng, tới được Watership, “đồi thỏ”– một nơi cao ráo, an toàn, tránh xa mọi đe dọa. Có lẽ khát vọng về “đồi thỏ” là thế, là nơi con người không duy ý can dự thô bạo vào thiên nhiên, nơi loài vật được tự do và sinh sống đúng như bản chất, thiên tính của chúng.
Trong thế giới mà con người là một mối nguy cơ của loài thỏ, may sao vẫn còn cô bé Lucy và bác sĩ, giúp đỡ Cây Phỉ thoát khỏi đám mèo nhà, trở về đồi. Vậy thôi cũng làm thiên truyện lấp lánh vẻ đẹp nhân đạo: rằng vẫn luôn tồn tại những điều tử tế trong cuộc đời, rằng tấm lòng trắc ẩn của con người vẫn là bản/ căn tính. Lucy đã gieo được hạt niềm tin trong độc giả: cô bé ấy, cũng như rất nhiều đứa trẻ khác sẽ lớn lên với tình yêu thiên nhiên và lòng kính trọng muôn loài!.
22/9/2024
Phương Hồng
Theo vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhân Sinh Tỏa Sáng Văn học vị nghệ thuật hay văn học vị nhân sinh? Có một giai đoạn văn học sử Việt, từng xảy ra tranh chấp giữa hai trư...