Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

Sông ướt - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Sông ướt - Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Thị trấn phố huyện mới. Chật chội. Nó hẹp bề ngang, ngắn bề dài. Không như phố huyện cũ. Phố cũ là phố có từ thời Pháp thuộc. Phố huyện có chợ Giang sầm uất nức tiếng cả vùng. Phố tuy nhỏ nhưng nhiều ngõ, đủ các thành phần cư dân sống. Công chức có, tiểu thương có, dân làm nghề truyền thống có… Tạo nên một phố huyện ồn ào nhưng đa thanh. Lộn xộn một chút nhưng đa sắc.
Nhưng phố huyện ấy nằm lệch ở một phía (phía Bắc) của huyện. Nên lãnh đạo từ cấp xã đến cấp huyện quyết tâm dời phố huyện về địa điểm trung tâm (ở giữa huyện). Một suy nghĩ rất kỳ lạ!
Phố mới nằm lọt trong một cái thành cũ. Không hiểu thành có từ thời nào. Dấu tích để lại còn một dãy tường đất giờ đã xệ xuống như con đê nhỏ ngăn nước nằm ở phía Bắc. Rõ nhất là dãy ao vuông vức chạy dài hết mặt phía Đông và chiếm quá nửa phía Nam. Nghe kể, đó là dãy hào nước để làm bức phòng thủ, bảo vệ thành.
Cả phố chỉ có một con đường độc đạo chạy dọc từ đông sang tây. Có ba đường ngang cắt con đường chính. Tạo thành tám ô đất lớn lần lượt cho 8 cơ quan huyện đóng. Dân trong các xóm lân cận bảo rằng: Ngày xưa các cụ chọn đô thị, bao giờ cũng lấy vùng đất có thị, nơi buôn bán sinh sống của dân cư trước, rồi chọn đó để định đô. Tức đưa bộ máy hành chính đến. Nay, huyện này lập đô trước rồi quyết xây thị sau. Ý chí sẽ thắng! Chẳng biết thắng ai, thắng gì và có thắng không- không biết! Đến nay, phố huyện đã có trên 20 năm. Nó vẫn èo uột vậy. Có chăng thêm một sân vận động ở cách trung tâm khoảng 1 cây số. Có kỳ đài, có mái che chỏm chỏm trên khán đài A. Nhưng chưa thấy có trận thi đấu bóng đá hay hoạt động thể thao nào. Lại nữa, có thêm cái nhà văn hóa ở cách trung tâm huyện gần 2 cây số. Nhà làm to vật vã với trên 500 ghế ngồi. Nhưng có lẽ chỉ để phục vụ các kỳ đại hội 5 năm một kỳ cho Đảng bộ huyện và các đoàn thể. Đôi lần có thi văn nghệ quần chúng. Để xây 2 công trình này, một trường cấp 2 và một trụ sở Hợp tác xã nông nghiệp phải chuyển đi nơi khác.
Phố huyện sẽ cứ mãi như thế với con sông Phấn mải miết chảy qua ở phía Bắc. Con sông nhỏ, nguồn từ dãy Tam Đảo, ngoằn nghèo chảy qua 4 huyện, trên ba chục xã, mang dòng nước mát xanh, tắm cho các cánh đồng và cho làn da của hàng trăm thế hệ trẻ sống dọc sông.
Con sông Phấn đổ về phố huyện, bắt vào dãy hào bao phía đông và phía nam phố. Sau đó tách làm 2 nhánh, chảy về Đầm Vạc một nhánh, một nhánh chảy ra Sông Cái.
Dọc sông Phấn có một loại cây lá xanh mát một mặt, một mặt trắng bệch. Dân trong vùng gọi là cây Chan. Cây không cao, thoáng nhìn như cây lá gai, vẫn là thân nhỏ như cây sậy, vẫn lá hình trái tim có những đường gân nổi. Nhưng riêng mặt màu xanh mướt khi đón mưa xuống thì cùng đồng loạt cong mình, tạo thàn một lớp lá bóng loáng, nhìn từ xa, ướt mượt. Hàng tuần sau, lá vẫn ướt thế. Bà Duẩn bảo đấy là sông ướt. Sông có mưa xuống thì sông mới ướt, chứ nước sông chảy trong lòng sông thì không thể gọi là ướt được. Cũng như các cháu, khi đi học về bất chợt gặp mưa thì gọi là bị ướt áo. Chứ khi nhảy xuống sông tắm thì ai gọi là ướt da bao giờ? Duẩn nghe bà nói thì biết thế và lớn lên cùng phố huyện từ khi hình thành đến giờ. Vậy mà đã trên 20 năm.
Nhà Duẩn ở trong thành cũ. Khi các cơ quan huyện chuyển về, nhà bị thu hồi để xây Ngân hàng. Bố mẹ Duẩn được cắm một ô đất đền bù trong khu dân cư cùng với các gia đình cán bộ công nhân viên của huyện. Nhà cũ nằm trên mảnh đất gần một sào, tức trên 300 mét vuông, giờ ở trong các dãy nhà đều đặn nhau cùng 100 mét vuông. Làm gì cũng thấy chật.
Duẩn vốn con nhà nông nòi. Mình to đậm, chân tay chắc nịch, da đen sạm. Đi đứng cứ vầm vầm. Ở cùng lũ con cán bộ huyện, đứa nào cũng trắng bợt, đi đứng nói năng thì nhỏ nhẹ. Nhiều lúc Duẩn phải hét lên với chúng nó: “Chơi với chúng mày chán bỏ mẹ!”.
Lũ trẻ cùng lớn lên hồn nhiên như những cái măng tre. Tộc ngộc và khỏe mạnh. Nhưng đời Duẩn cứ bị cắt ngang vì những chuyện chẳng đâu vào đâu. Đang học dở cấp 2 thì huyện xây Nhà văn hóa. Trường học bị chuyển đi nơi khác. Địa điểm mới ở thôn Triềng- cách xa chỗ cũ gần 4 cây số. Vấn đề không phải là đi xa. Vấn đề là đi học phải lội qua con sông Phấn mới đến lớp được. Mùa cạn thì lũ trẻ xắn quần lội ào ào như đàn vịt. Mùa nước lũ, tuy không cuồn cuộn nhưng hai bên bờ bụi cây chan cứ trĩu xuống, cành lá nó ướt rượt đã đành, mà nó cứ rủ xuống dòng nước, làm dòng nước cứ xanh len lét, trông thì hiền mà không kém phần chảy xiết. Đàn trẻ thôn Tranh và mấy đứa phố huyện phải chờ đủ một thuyền nhỏ thì mới được ông phụ trách bến đò cho qua. Ông chèo đò theo phân công của Hợp tác xã Nông nghiệp. Gếch con đò gần nửa năm, đến mùa nước dâng thì kéo xuống, đưa bà con bên này sông sang chợ và lũ trẻ con đến lớp. Có buổi sáng ông lái đò không dậy đúng giờ hay ông bận đi ăn cỗ ở đâu đó. Lũ trẻ tự xuống thuyền, cởi dây buộc, chống sào sang lớp. Duẩn to con nhưng nhát nước. Mấy bận như thế. Nó bỏ học.
Mấy năm sau, Duẩn vào tuổi lao động, do có bố đang làm trong ban quản trị Hợp tác xã nông nghiệp, nên Duẩn được cho vào làm chân bảo vệ kiêm thủ kho. Mấy năm đổi mới, dân được giao khoán ruộng đất, kho lẫm Hợp tác xã chẳng có gì mà bảo vệ cũng như cất giữ. Duẩn đến trụ sở từ sáng đến tối, ngồi đánh tá lả chán lại rủ nhau đi câu cá. Sông Phấn còn nhiều cá từ sông Cái vượt vào. Thả cần câu, ngồi đợi, cá đớp mồi, phao nhay nháy, giật cần lên, cú cá phơi bụng trắng lốp dưới ánh trời chiều. Kể cũng lí thú.
Rồi thị trấn mở sân vận động, Trụ sở Hợp tác xã bị giải tán. Duẩn mất việc.
Về thuê đất ruộng ở làng Tranh, Duẩn bàn với bố, mà thực ra bố bảo với Duẩn thì đúng hơn. Bởi ông lo thằng con  trai lêu lổng sẽ sinh hư. Bây giờ từ làng ra phố huyện đã có cây cầu xi măng. Xe máy tối ngày chạy ầm ầm. Lũ thanh niên lao ra mấy quán karaoke và mấy quán cafe đèn mờ, tối ngày không biết đường về. Mà đi lại không phải đò giang cách trở như xưa nên lũ trẻ càng có điều kiện tiêu tiền của bố mẹ. Thế là chiếc xe công nông được cả nhà dồn tiền, vay mượn thêm của chú thím mua về. Duẩn đi học, lái chính. Được gần năm, chuyên chở vật liệu xây dựng, dong duổi từ tỉnh lỵ về phố huyện, phăm phăm lao từ đường làng ra cầu sông Phấn. Ánh đèn sáng quắc quét sáng rực trên những lớp lá Chan. Những đêm vừa mưa xong, lớp lá lại bóng nhẫy, chà xuống mặt sông. Đúng là sông đang ướt.
Rồi cũng chính con đường mở chạy xuyên qua thị trấn đã hại Duẩn. Hôm đó, Duẩn nhậu từ chiều, với mấy thắng bạn cùng lái xe công nông của xã. Chẳng biết có say không nhưng đêm về, cả xe và người húc qua lan can cầu sông Phấn, lao thẳng xuống nước. Duẩn bị đập chân vào thành cầu, ngất đi. May ngã xuống bãi bùn, chứ gặp nước thì chắc đã không còn sống nữa.
Có những đêm trăng, chống nạng ra đứng trên cầu sông Phấn, nhìn xuống dòng nước đen lờ lờ chảy, Duẩn lặng lẽ nghĩ về số phận của mình. Duẩn sinh ra và lớn lên cùng việc xây dựng thị trấn phố huyện này. Nhưng hình như Duẩn và nó có gì đó như đua tranh. Thị trấn làm gì cũng như đuổi sau lưng Duẩn. Nó xây nhà văn hóa, Duẩn mất trường học, Duẩn nghỉ. Nó xây sân vận động, Duẩn không còn được làm thủ kho kiêm bảo vệ hợp tác xã nữa. Nó xây con đường đôi, xuyên qua thị trấn thì Duẩn đổ xe.
Rồi cách đây 3 năm, một khu công nghiệp với tổ hợp Dệt- May Đài Thiên của Đài Loan được đón về gần phố huyện. Chao ôi! Dân đồng bằng mừng ơi là mừng! Tỉnh và Trung ương chủ trương tập trung cho phát trển công nghiệp ở các vùng trung du, đồi núi, đất nông nghiệp không hiệu quả. Vùng lúa đất xôi, ruộng mật thế này cần giữ để an toàn lương thực. Nhưng trong trào lưu kêu gọi đầu tư này, huyện đồng bằng cũng phải có cơ cấu công nghiệp bên mũi nhọn nông nghiệp. Nghe đâu lãnh đạo huyện chạy ngược, chạy xuôi mới có tổ hợp Dệt- May ấy. Hàng chục dãy nhà xưởng mọc lên giữa cánh đồng lúa. Hàng trăm nữ công nhân được tuyển, sáng sớm phố huyện ồn ã hơn với những chiếc xe máy mà chủ nhân với đồng phục có logo và chữ Đài Thiên trên lưng áo. Nhìn hình logo to, tròn màu đỏ gạch hằn trên nền áo màu xanh nhạt, bất giác Duẩn nghĩ đến một sự mang vác nặng nề của các thôn nữ. Một sự nặng nề chất chồng lên sự lo toan đầy cực nhọc của nhà nông. Những cái lưng áo như những cái mai rùa đang náo nức xếp hàng vào ca. Vợ Duẩn cũng trong số những người đó. Mà chuyện Duẩn cưới vợ cũng là chuyện đáng nói đến và nực cười. Vợ Duẩn người làng bên, cùng xã; mến nhau thế nào mà bụng to đùng ra khi cô nàng mới 17 tuổi. Bố làm ở xã, không dám cho cưới, sợ bị cho là tảo hôn. Ông lặng lẽ sang thưa chuyện với nhà gái rồi đón nhau về. Mãi khi thằng cò hơn 1 tuổi mới bồng trên tay bà ngoại, dự đám cưới mẹ.
Lương bổng công nhân rồi ngân sách cho huyện ra sao, không người dân nào quan tâm. Nhưng cái xưởng hấp nhuộm của doanh nghiệp dệt may Đài Thiên đã cho sông Phấn một dòng chảy từ xanh ngắt sang lờ đờ đỏ. Dân các làng đã bắt đầu lo lắng. Từ cái nước màu càfê cháy chảy từ 3 cái ống xả thải đã làm cho nước sông có mùi hăng hắc.  Đi qua, ai cũng muốn hắt hơi. Nào đâu chỉ có thế, xưa kia lũ trẻ các xóm cứ tồng ngồng nhảy xuống sông tắm và đùa nghịch đến lúc trăng lên. Nay, chỉ cần có việc, lội xuống sông, về nhà đã ngứa ngáy không chịu nổi.  Sông Phấn hết sự ríu ran của lũ trẻ. Và,  21 cái bè cá của Duẩn và 5 anh em ở làng Tranh, làng Dầu đã nhận đủ. Cá chết lác đác rồi đồng loạt phơi bụng trắng phớ trong một ngày tháng 6 nắng rợn. Đơn từ, giải thích, đôi co, đền bù… đủ cả. Nhưng không còn ai dám, mà cũng không ai còn muốn thả cá lồng nữa. Sông Phấn hết nốt sự  rộn rịp của những mùa thu hoạch cá. Sông  Phấn giờ cứ hờ hững chôi, qua các dãy cây Chan bị chặt nham nhở, qua các lũy tre đã tạt gần hết gốc. Nó như cũng nhăn mũi, cũng chùn mình khi qua phố huyện . Sông có hận chi với dân làng và Duẩn đây? Thị trấn giờ sáng quắc ánh đèn đêm. Ánh đèn hắt ánh sáng vàng xanh lên những căn nhà tầng của phố huyện, cái phố huyện lác đác bóng cây…
Duẩn ôm đứa con trai 5 tuổi. Cái tuổi hay hỏi đủ thứ chuyện. Nó chỉ dòng sông Phấn rồi hỏi:
– Sông gì đây bố?
– Sông Phấn con ạ!
– Sao gọi là sông Phấn?
– À, con có nhìn thấy mấy cây chan còn sót lại kia không?
– Có ạ!
– Ngày xưa, cây mọc um tùm hai bên bờ sông, lá xanh bóng, mỗi khi ông mặt trời sắp đi ngủ, hắt ánh nắng hồng lên trời, từ trời xanh, ánh nắng hồng lại hắt xuống dòng sông này, phủ lên lớp lá chan, lá đồng loạt có màu hồng hồng như được thoa phấn con ạ.
– Thế sao nước sông không được thoa phấn?
– À, nước sông xanh đậm, bây giờ lại nhuộm đục rồi nên không có phấn con ạ!
– Phấn ấy giống phấn mẹ vẫn bôi lên mặt ạ?
– Ừ… cũng gần như thế.
– Sao mẹ lâu về thế hả bố?
– Ừ! Mẹ đi làm, mẹ bận nhiều. Mẹ đi làm để có nhiều tiền, mua quần áo và sách vở cho Cò sang năm đi học lớp 1 chứ!
– Ứ! Con chẳng đi học đâu!
– Sao thế?
– Con chờ mẹ về đưa con đi học cơ. Mẹ đi xe máy, chứ bố què chân có đi xe máy được đâu. Mà người mẹ thơm nữa. Bố tanh toàn mùi cá với bùn thôi.
Duẩn ôm chặt đứa con vào lòng, bâng khuâng, mơ hồ lo lắng về vợ ở nơi xa. Nàng được chọn đi học lớp 9 tháng ở Đài Loan để về làm ở trong khu công nghiệp Đài Thiên. Thế mà đã 13 tháng 26 ngày rồi, chưa thấy về. Thư điện tử có hôm đang viết dở bỗng bỏ đấy. Duẩn vẫn thấy đèn báo sáng, tức là máy vi tính của vợ vẫn đang mở. Có hôm nàng để máy mở qua cả đêm. Nhưng Duẩn nhắn tin, viết email, rồi gọi qua zalo rồi gọi qua Messenger  cũng không thấy trả lời. Thư, Nàng bảo còn cố vừa học vừa làm thêm để kiếm tiền.
Tiếng xe đổ đá ầm ầm làm Duẩn bừng tỉnh. Họ đang kè đá hai bờ sông Phấn. Rồi đây mưa có to đến đâu,  mưa có dài đến đâu thì cũng không còn lớp lá Chan bóng mướt mát làm thành dòng sông ướt nữa rồi. Sông sẽ trắng dã một màu đá, cứng một màu bê tông.
Bà cũng đã mất gần chục năm rồi.
Còn sống chắc bà cũng không nhận ra dòng sông Phấn nữa!.
16/9/2024
Đỗ Hàn
Theo vnhttps://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

​ 36 giờ Hắn ngồi uể oải trên băng đá cạnh khu chợ trong sự bất an không ai hiểu được. Người chủ thuê hắn dán những cuộn giấy để luồn ...