Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Mối quan hệ giữa cái tôi trần gian và cái tôi siêu việt trong thơ Trần Lê Khánh

Mối quan hệ giữa cái tôi trần gian và
cái tôi siêu việt trong thơ Trần Lê Khánh

Đời sống luôn đưa đến cho chúng ta những hiện thực không thể tranh cãi hay thay đổi. Đó là một hiện thực mà loài người thông thường vẫn chấp nhận/tiếp nhận như một ứng xử đương nhiên, vui buồn phụ thuộc vào những biến cố, may rủi. Nói như vậy thì có vẻ con người đã trở nên thụ động trước đời sống? Dù có ý chí và nỗ lực đến đâu nhưng vẫn có một đời sống đã rồi mà con người chỉ như một khách thể. Nhưng có-một-đời-sống-khác, đó là những tiềm ẩn của đời sống thực, và đây mới là đời sống thực sự riêng biệt của mỗi người. Tôi nghĩ nhiều về điều này khi đọc những trang thơ của Trần Lê Khánh. Nói một cách khác, thì đó là hai mặt của đời sống, ở đây không phải là sự luận bàn tốt xấu. Mà là giữa cõi thực và cõi mộng, nhận thức và vô thức. Và đây chính là lối dẫn để chúng ta đi tìm cái tôi trần gian và cái tôi siêu việt trong thơ Trần Lê Khánh.
Những người sáng tác là những người thuộc về một-đời-sống-khác như đã nhắc ở trên. Và ở đó mỗi người sẽ tự tạo tác nên một đời sống của riêng mình từ những tiềm ẩn của đời sống thực mà ai cũng phải tựa vào. Với Trần Lê Khánh, anh gây ấn tượng khi xác quyết thơ mình theo cách lấy hiện thực để lí giải cho hư vô, lấy cụ thể để diễn đạt cho phù du, lấy hữu hạn để đong đếm không cùng: Có khi đi qua một mặt người/ mịt mù để lại/ trùng trùng dấu chân/ vô hình, vô giới. Và ngược lại, lấy mênh mông để định hình bé nhỏ, gom những hư ảnh để tạo thành hình dung. mây xoa ngọn đồi/ sỏi đá mềm như khói/ tháng là ngày dần/ giờ là phút lân mẫn/ giây là chớp thậm thâm/ thuở sát na, trời lỡ tay thả núi trần/ thiên thu, là mây đong đưa chiếc áo.
Sức nặng của ngôn từ nằm ở trong tư tưởng người cầm bút, còn những mộng mơ thì dựa vào sự liên tưởng. Có được hai yếu tố này, nhà thơ là kẻ gây nên những lay động cố ý cho người đọc. Đó chẳng phải là điều mà các nhà thơ mong đợi? Tôi nghĩ điều này còn phụ thuộc vào quan niệm của mỗi người về thơ và đến với thơ. Đọc Trần Lê Khánh tôi chợt nghĩ, có lẽ những điều đó không quá quan trọng. Như một giọt sương trong khiết sớm mai thách thức sự nhận thức/nhận diện của muôn loài trước vẻ đẹp của nó. Thơ Trần Lê Khánh nhắc ta nên đọc chậm rãi và tinh tế nếu bạn không muốn vì bất cẩn mà làm rơi giọt sương. Bởi thơ anh quyết không phải là những rổn rảng, ồn ào mà là sự lắng đọng, lắng đọng đến mênh mông: gió/ nhặt tiếng lá rơi/ muôn đời/ còn sót lại. Chỉ vậy thôi nhưng bài thơ đủ gợi lên niềm tiếc nuối vô tận. đêm/ mây cựa mình thức giấc/ ngọn đồi ngủ/ trăm năm rồi/ ai mà nhớ tiếng ru. Tôi đang muốn nói về sức gợi mãnh liệt trong thơ anh. Bắt đầu từ sự thông thường, đêm như bao đêm, xao động nội tại bắt đầu từ những chuyển động ngoại giới, điều này đưa đến những suy ngẫm, trắc ẩn. Nhận thức và hoài niệm đưa con người dần về vô thức, và ở đó, đời sống khác nảy sinh. Ai mà nhớ tiếng ru, nghe sao nhẹ như một chối từ niềm nhớ nhưng đó lại là những hình dung sâu đậm, gan ruột nhất về hình ảnh mẹ.
Trần Lê Khánh không để lại dấu vết của sự gò công trong thơ mình cho dù đọc anh ta hiểu, càng cô đọng thì càng khổ luyện. Điều thú vị ở chỗ, chẳng thể đem lao động của một nhà thơ ra để so sánh với một người thợ rèn. Có lẽ thơ đã chọn Trần Lê Khánh theo một cách nào đó. Chiều đoạn chiều khúc biệt li/ mây vò mây lưu luyến gì/ sóng đẩy sóng ngang chốn cũ/ đáy lòng lay động mà chi. Có lẽ bởi những lay động không cách gì dừng lại, và không gì có thể diễn đạt thay nên thơ đã đến để thi sĩ trổ lòng mình. Và cho dù đã có lúc anh cho rằng thơ cũng chỉ là lời thì thầm ở lại lâu hơn một chút: Gió lạnh quá/ lời thì thầm/ trốn trong tai em/ lâu hơn một chút.
Lần này vỡ bong ra/ lớp lớp thời gian lợp mái nhà/ đến rồi để đi nữa vậy/ tróc hoài có giữ được phôi pha. Thời gian như một ám ảnh trong thơ Trần Lê Khánh. Đó là sự phai tàn nhưng đáng suy tư ở cách của sự phai tàn. Mùa thu trắng tinh như tờ giấy/ vì em đã vẽ/ anh và rừng lá xưa vàng úa/ làm thu lần này/ không còn gì để phai. Nếu nói về đề tài thì thời gian là một đại tự sự, cách thời gian hiện hữu trong thơ anh như sự xâm nhập âm thầm. Để thấy được sự hủy diệt lặng lẽ của thời gian hay vẻ đẹp của tàn phai? Điều đáng nói ở chỗ cách anh đưa đến và cách anh kết thúc, nhiều khi đó là sự kinh ngạc. Rất nhiều bài thơ của anh mở đầu bằng sự thông thường để rồi kết thúc bằng những khác thường. Điều này như một lí giải cho cái tôi trần gian/bình thường và cái tôi siêu việt/khác thường. Em đi tìm dấu vết hư vô/ lần theo dấu chân sắp bước/ thời gian rơi lả tả/ đỏ đôi tay trần/ giữ chặt mông lung.
Sẽ là rất cũ khi nói rằng nhà thơ là người nhìn thấy những điều người khác không thể thấy, nhưng những suy tư, dự cảm trong thơ Trần Lê Khánh dường như không đơn thuần đến từ cách nghĩ ấy: Con chim đậu trên chiếc lá vàng/ kiếp sau cả hai sẽ hóa người/ thành đôi tình nhân mỏi bước/ tìm về gốc cây cũ/ chờ nhau. Như một khắc khoải, như một tiền định, không chỉ là cho thân phận con chim và chiếc lá vàng ở kiếp sau, mà cho cả tác giả của bài thơ. Tôi không rõ anh đến với thơ như thế nào nhưng chắc chắn anh phải từng khắc khoải với thơ, thơ với anh như một tiền định. Chính những bài thơ là minh chứng cho điều đó.
Thơ là một thân phận, thân phận ấy phủ dụ cho bản mệnh của nhà thơ. Điều đó cho thấy thơ chính là diện mạo tâm hồn của người viết. Cái tôi của Trần Lê Khánh là cái tôi lí tính, tỉnh táo. Anh nhìn mọi thứ đều rõ ràng, sắc sảo cho dù ít nhiều mọi thứ đã được chất thơ làm mờ đi thì cá tính của anh vẫn thể hiện rõ nét: lá xuống tay/ thu đỏ rực/ gió rơi lả chả trong mây/ hàng cây đau hiện nguyên hình… Cái tôi thường hằng ấy trở thành cái tôi siêu việt trong sự thăng hoa của thơ ca. Điều này được minh định ở câu cuối: thu đi rồi/ nhát chém rung rinh. Đó không chỉ là một bài thơ hoàn tất, một bức tranh hoàn chỉnh. Đó là mối quan hệ giữa đời thường và nghệ thuật, giữa cái hiện hữu và cái khuất lấp, giữa cái tôi trần gian và cái tôi siêu việt – điều mà bài viết này luôn muốn trở đi trở lại để khẳng định thơ Trần Lê Khánh không phải sự thốt nhiên mà là một quá trình. Quá trình ấy in đậm dấu ấn của thế giới thực tại chúng ta đều thấy và thế giới thơ mà Trần Lê Khánh thấy. Như cái nhát chém kia còn rung rinh lay động trong tâm khảm, trong hình dung của mỗi người.
Trong một ví dụ khác cũng đưa đến một kết quả tương tự như trên cho dù những hình ảnh viện dẫn khiến ta ngỡ ngàng theo một cách khác: lão tiều phu/ chiều chiều/ vung búa bổ vào bóng mình/ đã tám vạn bốn ngàn lẻ tịch lần/ bó chặt từng cái bóng/ nhiều bó nặng/ gánh về đâu? Ai đã đọc Trần Lê Khánh hẳn cũng sẽ không quên được hình ảnh lão tiều phu vung búa bổ vào chiếc bóng của mình, như một ám tượng. Lão tiều phu là thực, chiếc bóng là hình ảnh phản chiếu. Cái tôi siêu việt chính là sự phản chiếu của cái tôi trần gian qua lăng kính thơ. Qua thơ ta sẽ soi chiếu lại mình một cách rõ rệt hơn, không ai giấu được mình trong tác phẩm. Thơ chính là sự phản ánh những diễn biến, cảm nhận bên trong nhà thơ trước những biến cố của ngoại cảnh.
Tôi luôn nghĩ về sự thăng hoa của thơ, và ở đó tôi bắt gặp nhà thơ ở ngay khoảnh khắc anh ta tự phơi bày mình. Sẽ không phải là sự gán ghép, ép uổng thông thường khi tôi muốn nhìn nhà thơ theo cách anh suy tư thơ: ngọn lửa/ men theo que diêm/ tìm bóng mình/ trên ngọn nến lung linh. Đó là phút giây bừng sáng mà mọi con người đều ao ước, cho dù có người muốn bừng sáng theo cách tán tụng của đám đông, trên ánh đèn sân khấu, trên đỉnh cao danh vọng, nhưng cũng có người bừng sáng trong lặng lẽ, theo cách muốn của họ. Ở bài thơ này tôi nghĩ về vẻ đẹp của sự nhân bản, sự tỏa sáng của nhân bản.
Trong sự khôn cùng của cõi người tôi đọc Trần Lê Khánh để thấy những khắc khoải kiếp người: sóng từ đâu đó biển khơi/ người từ đâu đó trong vời vợi nhau. Khắc khoải luôn song hành với kiếm tìm nhưng trong sự mênh mông của đời sống cả hai trạng thái ấy dường như không thể định hình. Anh khắc khoải điều gì? Anh kiếm tìm điều gì? Khó để có câu trả lời thấu đáo nhưng thơ luôn thấu suốt lòng người, cho dù chẳng thể rành rẽ. Trong sự vời vợi của thơ Trần Lê Khánh ta cảm thấy mình được đồng cảm và yên ủi. Chỉ một câu thơ cất lên thôi đã nói hộ bao nhiêu nỗi lòng, vậy thì cớ gì đâu ta phải cặn kẽ. Sự đồng điệu khi đọc thơ giống như gặp người tri kỉ, không cần nói cũng đủ hiểu lòng nhau. Đó là sức mạnh của thơ và là ý nghĩa của thơ mà đôi khi người ta vẫn cứng nhắc hỏi nhau, thơ là gì.
Những khắc khoải và kiếm tìm trong thơ chưa bao giờ là vô vọng, cho dù hiện thực lại đưa đến những điều bất khả: con cá đỏ/ khắc khoải tình nhân/ nó chờ dòng sông cạn/ đi tìm dấu chân; người như lá/ từng đôi rụng khỏi cây địa đàng/ miên man tìm nhau vô tận… Tôi muốn trở lại cái đời sống tiềm ẩn đã nhắc ban đầu. Nhà thơ là người kiếm tìm và âu lo hay dự báo về cái đời sống tiềm ẩn ấy. Và không gì khác hơn, đời sống tiềm ẩn ấy cũng chính là cái tôi siêu việt mà nhà thơ phát hiện và biểu đạt nó trong thơ mình.
Trần Lê Khánh khao khát chạm đến cái không cùng, đó là hư vô. Chớ đọc thơ anh để tìm ra một cái gì cụ thể. Sự xác tín làm người ta yên tâm nhưng chỉ những bí ẩn mới làm nên say đắm. Thơ Trần Lê Khánh vượt qua những giới hạn để chạm đến hư vô, và đó là nơi ta thấy rõ nhất những khả thể của con người. Ngày em về/ con đường mòn thức dậy/ dãy núi úp mặt vào bật khóc/ bên kia hư vô. Nhà thơ trao cho ta một sợi chỉ nhỏ như một nét phác gợi, như một chỉ dẫn để ta nắm níu vào rồi phiêu lưu trong cõi thơ của anh. Vậy nên dẫu khó nắm bắt, không định hình nhưng phải thừa nhận đó là cuộc phiêu lưu của cảm xúc và nghệ thuật đầy thi vị và mê đắm: dòng sông chảy dài hơn năm tháng/ chảy dài hơn đôi bờ/ uốn lượn phù du. Đôi khi trong cõi phù du con người ta hiểu mình và hiểu đời hơn bao giờ hết.
Khi cái tôi trần gian vượt thoát khỏi những rào cản, giới hạn, ở đây là trong tư duy và sáng tạo thơ ca để đạt đến cái tôi siêu việt là khi nhà thơ đã khẳng định được mình trong cõi chữ mông lung.
6/12/2021
Kim Nhung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...