Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Luật Giời

Luật Giời

Vì công việc, vì gia đình và trăm thứ lý do khác, nên lâu lắm rồi tôi mới về quê, cái thị trấn nhỏ giáp ngã ba sông. Ân hận quá. Hay tin bạn ốm, nghĩ chắc chỉ cảm cúm qua loa, thế mà nó chết. Nghe kể, tang lễ trang trọng lắm, có cả ông chủ tịch xã đọc điếu chia buồn. Ai cũng nhắc câu, ơn giời, ra đi thanh thản lắm! Trước nấm mồ hương khói, những vòng hoa thật, giả lẫn lộn, rũ héo... Tất cả chỉ để được thế này ư,... dưới ba thước đất?
Viếng bạn xong tôi trở về nhà mình. Căn nhà hoang lạnh, lâu rồi bỏ không. Nhìn quang cảnh mà lòng rưng rưng. Chính nơi này đây ta từng cất tiếng khóc chào đời, rồi khôn lớn,… Thế mà nay, rời xa, bỏ mặc. Sân rêu, lá rụng. Dặng tre kẽo kẹt xõa phủ lên mái nhà rạ mủn mốc. Trong vườn khóm chuối xác xơ, có mấy cây, buồng buông dài tận gốc, dúm dó quả đen, quả thối. Nào ai người chặt dấm, chuối ơi.
Thẫn thờ ngó cảnh buồn hoang nhà mình, ánh mắt vô tình tôi ngó sang nhà hàng xóm bên kia dậu. Nhà ấy cũng xác xơ xơ xác, xác xơ hơn cả nhà tôi. Mái tranh hơ huếch, cửa dả tềnh toàng. Kìa, giữa nhà là thằng đàn ông tiều tụy, tóc tai dài cợp. Nó đang ngồi lơ ngơ, ngó ra sông, hờ khóc. Nghe nói, giờ nó thành thằng điên rồi. Kỷ niệm xưa chợt ập đến trong tôi. Ngày ấy cách đây hơn 30 năm. Tuổi tôi lúc đó còn dạng bẻ gãy sừng trâu. Nhà hàng xóm có ông bà già và hai thằng trai. Đứa lớn hơn tôi dăm, ba tuổi, đã lập gia đình và thằng bé, xấp xỉ tuổi tôi. Mới đầu nhà họ quần tụ dưới một nếp nhà. Rồi nhà ngăn đôi bằng tấm vách, thằng trưởng và vợ một gian; gian kia là ông bà già và thằng út.
Nói về nhà này, đáng nhắc tới nhất là thằng trưởng. Nhà nó lúc nào cũng rộn rã tiếng… chửi. Công nhận rằng, đàn ông, mà nó chửi bới ngoa ngoắt, bài bản lắm. Kẻ bị nó chửi là cô vợ. Tuần, có khi đôi ngày, đến dăm bữa, nó chửi. Cứ đều đặn, tục tĩu... Chửi vì nhiều lý do, túng tiền, vắng khách - nó là thợ cúp tóc, hoặc rỗi mồm, buồn miệng, thì mang vợ ra đánh chửi. Chửi cả điều vợ nó đẻ ra toàn lũ vịt, sau này chết, không có thằng chống gậy. Hồi ấy, dân xóm tôi sống thoải mái thật. Việc ai nhà nấy lo. Đánh vợ, chửi con, cứ thoải mái, không có ông chính quyền, xã hội nào can thiệp. Thế nên, thằng cả hay mang vợ ra đánh chơi. Đánh bể đầu, đánh vợ lê lết, vừa đánh chửi, vừa rêu rao, kêu gọi xóm ngõ ra xem nó đánh vợ.
Nó chửi đánh vợ như vậy, mà bà mẹ chồng tịnh không dám lên tiếng bênh vực nàng dâu. Có một bận bà cụ vừa mới ấm ớ được mấy câu, thằng giai trưởng đã chỉ thẳng tay vào mặt bà mẹ:
- Già rồi thì biết quái gì. Đến đẻ còn không xong. Đấy, đẻ ra chúng tôi, mà để khổ thế này đây. Thế cũng đòi đẻ!
Còn ông bố, thì cụ hiền như cục đất. Ngày trước cứ sáng sáng ông già xách hòm đồ đi cắt tóc dạo. Mấy năm nay già yếu, gần bảy mươi rồi, đành ở nhà chầu chực sống nhờ con. Tôi nhớ lần nghe nó chửi vợ, mà khiếp. Ấy là một đêm khuya, sau khi đánh vợ thỏa thuê, cô vợ rống lên khóc và chạy trốn, nó ra sân trước nhà, gióng giả:
- Ông truyền đời báo kiếp cho con đĩ nhé. Mày ngủ với thằng nào, con nào, thì mặc xác bố mẹ mày. Ông thèm vào. Ông thích, thì ông ngủ với chán vạn đứa. Còn mày, ông cứ đem chặt phăng bố cổ mày đi, dựng ngược thây ở bến đò này, cho ông đi qua, cho bà đi lại, nhìn cái xác lộn ngược không đầu của mày. Rồi ông thắp hương, gọi hồn thằng ông, con bà mày về đây, ông chửi tiếp.
Nghe mà rùng mình. Đêm khuya, đang luyện ôn thi đại học, tôi phát khiếp, vột tắt đèn, trùm chăn đi ngủ.
Nhớ chuyện ngày thằng út cưới vợ. Nhà này hàng phố quan hệ thưa vắng. Lý do cũng bởi thằng út. Thằng này to như con tượng, bắp chân, bắp tay cuồn cuộn. Ngực xăm con rồng xanh vuốt nanh dữ tợn. Nghề nghiệp chính của nó là đánh củi. Suốt ngày bổ bổ, cuốc cuốc, mà về nhà, sau cuộc rượu tối khề khà khoảng nửa lít, nó cũng huỳnh huỳnh múa võ trước sân. Nó khoe là có võ Tàu. Tính thằng này rất cục súc, không vừa lòng ai, nó chửi vỗ mặt và cần là đánh nhau liền. Hủi như nó, hàng ngõ, ai nào dám quan hệ, rây vào. Thế nên khi nó cưới vợ, lúc đón dâu, nhà lưa thưa có mấy khách.
Ngày cưới, thằng út bày vẽ ra trước hiên nhà cái chõng tre và mấy chiếc ghế. Chào mời mãi, hàng xóm chả có ai. Nó chạy sang, níu kéo mời tôi. Nể quá, tôi miễn cưỡng sang dự. Uống qua quýt ngụm nước chè tươi, rồi kiếu, tôi tếch thẳng. Cô vợ nó, hình như quê cũng làng bên đâu đó. Chẳng hiểu thằng ấy cưa kéo kiểu gì, cô nàng hơ hớ tuổi trăng tròn, lại chịu về làm vợ thằng đánh củi. Chắc cô nàng mê thằng kia, vì nó là dân phố huyện, tiêu chuẩn tháng được đong 13 cân gạo bông. Lúc đón dâu, nó mượn được ở đâu ra cái xe đạp. Chú rể bổ củi mà cũng sơ mi trắng, quần ka ki sẫm, cô dâu áo phin trắng chiết eo, ngồi sau xe, lúi dúi về nhà chồng. Đưa dâu là dăm ông bác, bà cô tung tẩy xe đạp. Đến nhà trai, thấy dân phố mà gia cảnh xơ xác. Chắc họ nhà gái trong bụng thầm ngán ngẩm thở dài. Nhưng ván đã đóng thuyền rồi.
Dịp ấy, tự dưng ông bố nhà ấy ốm mệt. Anh em chúng đưa bố vào viện. Bệnh viện cách nhà chừng già hai cây số. Chạy chữa được dăm hôm, bỗng dưng hàng xóm hay tin, ông cụ chết mất rồi. Chữa trị tại bệnh viện, mà chết lại tại gia. Tối trước, hai thằng con cõng ông bố về. Lạ quá, “vừa về tới nhà, ông cụ nhà tôi lăn đùng ra chết” - ấy là lời hai thằng con toe toe khoe với dân xóm.
Đám ma tưng bừng, kèn trống, gậy tre, nùn rơm, cờ phướn, bùa chú dán khắp nhà, nghĩa là ỏm củ tỏi. Nhà đám còn rước về một ông thày cúng. Ông thày này trông rất dị tướng. Người nhỏ thó, đầu trọc lốc, cằm và miệng lưa thưa mấy sợi râu. Người thì nhỏ, mà cả xóm nghe tiếng ông ta lanh lảnh – hô hoán đuổi tà ma. Trưa ấy dân xóm được bữa thất kinh, sau khi phần đầu bài thần trú niệm xong, thằng út hạ mâm cỗ cúng, mời ông thày cùng hưởng lộc. Rượu vào lời ra, một bên là gã thày cúng khoe từng nhiều bận đả ma trừ quái, một bên là thằng đánh cúi có võ Tàu, khoe hạ gục khối tay giang hồ. Vừa ăn uống vừa khoe, hai gã say lúc nào không hay biết, chúng chuyển sang đánh nhau bằng mồm, rồi xông vào đọ tài bằng tay chân. Lão thày cúng kia chịu sao được mấy cái gạt tay, phi chân của thằng đánh củi. Chỉ một thoáng đã thấy lão oai oái la hét, không có mấy người xúm vào lôi ra, thì thằng út bóp cổ chết tươi lão thày cúng. Tưởng vụ đánh nhau đã yên, nhà đám não nề kèn trống tiếp rồi, lại ré lên tiếng thét của thằng út nữa:
- Ông giết!
Chuyến này thì thằng cục súc ấy giết lão thày cúng rồi. Hàng xóm bủa sang. Họ phát hoảng khi thấy máu me bê bết chảy trên nắp cỗ quan tài. Dưới nền nhà, không phải là lão thày cúng mà là con mèo, đầu vỡ toang, nằm giãy giãy. Chuyện là thế này. Người thì đang lo việc ma buồn. Nhà có người chết, kị nhất là giống mèo. Vô phúc nó nhảy qua thây ma, là khốn đấy, cứ là quỷ nhập tràng. Nhà này có con mèo, đã nhốt kỹ rồi, không hiểu sao, nó xổng được ra. Lúc ấy con mèo kia lớ xớ mò ra chỗ cỗ áo quan, ngó nghiêng nhìn ngó tấm màn xanh đỏ treo trước khung ảnh thờ. Tấm vải màn đong đưa theo gió. Tưởng là chim, hay bướm bay, con mèo định nhảy lên vồ. Trong cơn lơ mơ say, lại còn hậm hực với lão thày cúng, thấy con mèo nhún nhún, định nhảy lên ma bố nó, thằng út chụp ngay lấy, thẳng tay giáng vào tấm thiên cỗ gỗ.
Đêm bến đò thanh vắng, nhà đám cửa mở toang, cỗ áo quan chình ình kê giữa nhà, nhị kèn não nề, hương khói nghi ngút, nhất là ông thày cúng miệng rú rít, thỉnh thoảng phun phì phì ngụm rượu hòa tàn nhang bùa chú, chỉ bó hương trên tay vào, lửa thêm cháy bùng bùng, làm cho không khí đêm khuya càng thêm ma quái. Dân xóm kinh hãi, nhà nào nhà nấy đóng kín cửa, sợ.
Sau hôm đưa ma ra đồng, chị hàng xóm giáp vách nhà ấy, thì thầm với mẹ tôi:
- Bà ơi! Hình như anh em nó giết ông cụ. Giết vào đêm chúng đưa ông cụ từ viện về. Anh em chúng thay nhau cõng quật, cõng cho đến kỳ chết ông cụ.
- Thôi thôi chị ơi, liệu mà kín lời. Đừng rây với chúng. Rầy rà đấy!
Thế rồi những chuyện xảy ra sau đó đến lạ và kinh hãi. Bố chết, chúng yểm con cóc, yểm trong cái niêu đất. Được nửa tháng, thì đào lên. Lạ thay, con cóc kia không chết, lại trắng ơn ởn ra, mắt thì tháo láo mở và ngóc đầu kêu... cóc cóc. Cả hai thằng sợ vãi linh hồn, tá hỏa, quăng cả cóc lẫn niêu ra sân. Cái niêu đất vỡ tan, chỉ còn con cóc phình bụng, ngóc ngóc đầu, rồi chầm chậm nhảy cóc, cóc. Hai thằng trai đứng lặng trong nhà, ngó con cóc ma ám mà kinh hãi.
Đêm ấy tự dưng mưa to gió lớn, sấm chớp đùng đoàng. Gió quật từng cơn sầm sập. Bất chợt một cơn gió giật tung cửa liếp nhà ấy. Trên ban thờ, đèn nến tắt phụt, chỉ còn mấy nén nhang sáng lập lòe. Nhìn lên ban thờ bố, thằng út thấy cờ phướn phần phật bay. Trên khung ảnh thờ, con đom đóm bay vào đậu từ lúc nào, chiếu sáng làm gương mặt người khuất xanh lòe.
- Ma… Ối làng nước ơi ma!
Giữa đêm mưa chợt nghe tiếng thét thất thanh, dân xóm giật cả mình. Họ thấy hết thằng anh, đến em, mỗi đứa một dao, huơ huơ, gào thét, ròng ròng chạy khắp xóm chém đuổi ma bố. Vì quá khiếp sợ, ngay nhập nhoạng tối hôm sau, hai thằng con len lén gỡ bỏ ban thờ, nào màn trướng, nào cờ phướn, nào thân chuối, âm thầm ném ráo xuống sông. Cả chiếc giường cũ vốn của ông bố nằm, cả chăn chiếu nữa, quẳng ráo.
Giữa tháng bảy âm, đang mùa lũ. Nhà ấy nằm giáp mép sông. Nơi ngã ba sông, dòng nước chảy quẩn, tạo ra cái vật xoáy cuồn cuộn ngay sau nhà ấy. Vật nước lúc thì xoáy ngược, lúc lại đảo xuôi. Mỗi khi vật xoáy tụt xuống, phát ra những âm thanh khùng khục, nghe như ma cười quỷ khóc. Đám đồ đạc vứt xuống sông, đã không trôi đi, lại cứ dập dờn xuôi ngược. Mặt sông trăng giữa tháng soi bàng bạc. Ngó ra sông, trên mặt nước, trông lộ lộ lúc cái thành gường, lúc cái giát giường, lúc bó chăn, rập rềnh trôi ngược xuối. Khi bị cuốn vào vật xoáy, chúng quay tròn, bất thần đứng dựng lên, rồi thụp xuống, lặn mất tăm, cứ lật đật như đám âm binh dậy non phù thủy Cao Biền tập trận trên sông. Thật đúng là ma trêu, quỷ ghẹo. Lũ con càng nhìn, càng khiếp kinh.
Dịp ấy dân xóm bị vạ lây. Đêm hôm chẳng mấy ai dám lớ xớ ra đường. Họ chỉ ở trong nhà sợ và nghĩ: Sao bà già cứ nỉ non khóc. Tiếng khóc khác lạ, ai oán, như là trách hận ai đấy. Sao bố mất mà yểm bùa, dán chú khắp nhà, khắp sân. Lại tiếng trống điếm canh đê ngũ liên gõ rập rồn, báo nước sông lũ lớn. Cũng vào dịp ấy, nhà ai đó trong xóm để xổng ra con tắc kè núi. Khuya khuya, tiếng nó khắc khoải: tắc kè, tắc kè. Cả con mèo của nhà ai nữa động dục, ư ử kêu như trẻ mỏ khóc. Chắc nó tưởng con mèo của nhà kia còn sống, nên thảm thiết gào gọi bạn tình. Và lắm đêm dân xóm giật mình, tiếng hai thằng trai hú hét, huỳnh huỵch đánh đuổi ma bố khắp xóm.
Không rõ, giờ gia cảnh thằng lớn thế nào. Chỉ hay rằng, nó bán nhà, chuyển đi đâu đó. Giờ nó không còn đánh chửi vợ con nữa, vì cô vợ cặp bồ với ông già giàu tú hụ, anh chồng chả dám đánh. Thằng út thì sao? Vợ nó, giờ cũng bỏ rồi. Nay nó thành một thằng khùng điên. Đấy, nó đang ngồi vật vờ hờ khóc bố nó đấy!.
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mù sương

Cõi mù sương Chương 1 Hôm ấy là một chiều cuối thu, lá vàng đã phủ đầy trên những thảm cỏ khô, gió hiu hiu trên rặng liễu đang xõa tóc trê...