Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Gặp lại người xưa

Gặp lại người xưa

Hơn bốn chục năm rồi ấy nhỉ?
Ngày ấy tôi còn là chú nhóc, tám chín tuổi gì ấy. Sáng đó tôi vừa tỉnh giấc, uể oải thức dậy, ngáp ngắn ngáp dài. Hôm nay sao nhà vắng vẻ thế? Chắc bố mẹ đi làm, anh chị đi học. Ngó qua cửa sổ sang nhà hàng xóm, cái nhà hoang vẫn đóng cửa im ỉm lâu nay, đập vào mắt tôi là một con bé. Nó cũng trạc, hay kém tuổi tôi. Một đứa lạ hoắc! Nó từ đâu nở ra thế nhỉ? Con bé ăn mặc rất lạ, không giống lũ trẻ con xóm tôi. Một cái váy hoa màu sáng dài quá gối. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy trẻ con mặc váy. Người mặc váy, thì tôi nhìn thấy rồi, mấy bà già, cả bà ngoại tôi, các bà mặc váy thâm và trông chả đẹp tí nào. Còn người trẻ và trẻ con mặc váy, tôi mới xem trong họa báo Liên Xô.
Con bé đang hí húi nghịch gì đó trước sân. Hình như nó trồng cây. Nó ngồi xổm, váy xòa lên nền đất. Rồi nó đứng lên ngắm nghía mấy cái cây nó trồng, sau đó nhảy chân cò vào nhà, một tý mang ra ca nước, tưới cho đám cây. Hình như miệng nó còn hát hò gì đấy. Tôi đứng xa, nên không nghe rõ tiếng nó hát.
Trong bữa ăn chiều, qua câu chuyện của mọi người trong nhà, tôi mới biết về con bé kia và nhà nó. Đó là nhà hàng xóm mới chuyển tới đây, là Việt Kiều từ Thái Lan hồi hương Hải Phòng, rồi sơ tán về Ninh Giang, cái thị trấn ven dòng sông Luộc quê tôi tránh bom Mỹ. Nhà ấy có bà mẹ, hai anh trai, hai chị gái và con bé. Trong câu chuyện, nhiều từ ngữ tôi không hiểu, như Việt kiều hồi hương, Cuộc ném bom của không quân Mỹ ra miền Bắc...
Sáng hôm sau, con bé vẫn luẩn quẩn trước sân, nhảy múa và tưới tắm mảnh vườn của nó. Tôi quan sát và thấy nhiều điều lạ ở nó. Tóc bện hai đuôi dài sau lưng và buộc cái gì ấy xanh xanh nơi đuôi tóc. Sau này tôi mới hay, đấy là thắt nơ và tóc bện đuôi sam. Còn nữa,… tôi chú ý quan sát, con bé trắng lắm, trắng như trứng gà bóc, chả như bọn trẻ xóm tôi, đen nhẻm.
Nó lúi húi tưới cây. Khu vườn hôm nay nhiều cây hơn hôm trước, nó trồng thêm mấy cấy nữa. Mà sao con bé thích thú “vườn” cây của nó thế. Chả bù cho tôi, chiều nào cũng phải hộc tiết tưới cho vườn rau nhà trồng, nào cà chua, nào cải, nào hành, tỏi…
Không hiểu sao tôi lại muốn làm quen và ra chơi với con bé.
Thế rồi tôi lân la ra sân. Loay hoay một lúc, tôi đã cách nó độ mươi bước. Con bé vẫn lúi húi với cái “vườn” của nó. Tôi ngồi xuống, kiếm cây que vẽ vẽ lên mặt đất… Tôi vẽ ô ăn quan,…. và loay hoay tìm những viên gạch, sỏi... Công việc tìm kiếm sỏi gạch và xếp ô ăn quan vô tình thu hút và làm tôi quên béng mất con bé. Bất chợt bên tai có tiếng hỏi:
- Đằng ấy… đang chơi ô ăn quan à?
Ngước nhìn, tôi thấy con bé đang đứng bên cạnh.
- Tao chơi…
- Chơi… chơi ô ăn quan một mình à. Buồn cười nhỉ. Lần đầu tiên tớ thấy người chơi ô ăn quan một mình đấy. Mà sao… ấy lại … xưng tao.
- Tao…
- Đấy … lại tao. Tớ là Hằng Phương. Ấy … là gì?
- An….
- Cho Hằng Phương chơi với!
Đấy, tôi làm quen với con bé như thế. Và chúng tôi mải miết chơi ô ăn quan với nhau. Nếu không có mẹ gọi về, không biết chúng tôi còn chơi đến bao giờ. Trước khi tôi chạy về, Hằng Phương bảo:
- Nhà tớ mới sơ tán về đây. Buồn quá! Tớ chưa quen ai, chỉ biết chơi một mình. Thỉnh thoảng An sang chơi với tớ nhé.
Chúng tôi đã là bạn của nhau từ sáng ấy. Lúc đầu, thỉnh thoảng tôi vẫn xưng tao với Phương và bị Phương sửa luôn:
- An chứ!
Sau này tôi chỉ gọi cụt lủn cái tên – Phương và xưng là An.
Trừ những lúc tôi và Phương đi học - tôi học lớp 2, còn Phương học lớp 1 - cứ tan học, hay rỗi lúc nào, là tôi ù sang nhà Phương. Phương đã có thêm mấy đứa bạn trong xóm, nhưng tôi và cô bé chơi với nhau thân nhất. Cái sân nhỏ trước nhà Phương thành nơi lũ trẻ xóm tôi tụ tập.
Phương có con búp bê rất xinh, mái tóc vàng bồng bềnh, hai mắt xanh biếc, chớp chớp được. Nó có hẳn cái tên do Phương đặt: em Bi. Sau này khi chơi đã thân rồi, Phương bảo, Bi là em chung của chúng mình nhé! Tôi gật đầu thích lắm. Chúng tôi có một đứa em chung.
Ngoài con búp bê, chúng tôi còn nuôi chung một con dế. Ban đêm con dế do tôi giữ, ban ngày hai đứa cùng nhau chăm sóc nó. Chúng tôi chuẩn bị cho con dế rất nhiều thứ, vặt cỏ về phơi khô, giả làm chăn, rải trong ống bơ cho dế nằm; lúc nào cũng có thức ăn để sẵn trong ống bơ cho dế ăn; trên miệng ống bơ phủ một miếng vải nhỏ, gọi là mái che của tổ dế.
Có lần tôi và Phương cho dế ăn, tôi ngẩn người nhìn Phương. Bất chợt ngước lên, thấy ánh mắt chăm chắm của tôi, Phương ngạc nhiên:
- An nhìn Phương gì thế?
- An… nhìn xem mặt trái xoan nó như thế nào, cả mắt bồ câu nữa. Chị An bảo, Phương có khuôn mặt trái xoan, … Mà sao Phương trắng thế?.
Phương cười khanh khách:
- Thế có thấy mắt Phương bồ câu không?
- An… An…
Ngoài con dế, tôi và Phương còn nuôi chung con cáy. Chúng tôi phát hiện ra một lỗ cáy ở bờ mương gần nhà chúng tôi. Con cáy có đôi càng đỏ mọng, rất to. Lần đầu tiên phát hiện ra nó, thấy cứ thập thò cửa hang, chúng tôi reo hò ầm ĩ, làm con cáy hốt hoảng, tụt sâu vào trong hang. Thế là chúng tôi quyết định, nhận con cáy là của mình. Tôi bàn với Phương, câu con cáy về nhà nuôi, phương không đồng ý, bảo:
- Để nó ở đấy. Ở đấy nó ngắm được dòng nước chảy.
Một lần tôi nghĩ ra sáng kiến, nhưng không bàn với Phương, mà bí mật tự làm một mình. Tôi câu một con cáy khác, nướng lên và thả nó vào trước cửa hang con cáy kia. Tôi rủ Phương ra xem, xem bữa ăn thịnh soạn mà tôi chuẩn bị cho con cáy chung của chúng tôi. Vừa nhìn thấy, Phương mắt tròn xoe, thảng thốt:
- Thôi chết rồi, An ơi! Cáy của chúng mình chết rồi…!
Nhìn Phương thảng thốt, nhất là vẻ thất vọng của Phương, tôi hoảng quá, vội giải thích. Nghe xong, Phương mặt xịu xuống buồn. Phương thương con cáy bị nướng và tình bạn của lũ cáy:
- Con cáy của chúng mình, nó không ăn thịt bạn nó đâu!
Cuối cùng tôi phải dùng que hất con cáy nướng đi. Không biết vì lẽ gì, mấy ngày sau, con cáy của chúng tôi không thấy đâu nữa. Có lẽ ếch, hoặc rắn đã bắt nó mất rồi. Phương buồn lắm, bảo: Tại tôi, nên nó bỏ đi. Con cáy buồn vì bạn nó bị giết. Phương còn bảo: An ác thế…!
Phương trách tôi nhiều lắm! Tôi chỉ biết im thin thít, chỉ sợ Phương giận, không chơi với tôi nữa.
Một lần tôi rủ Phương ra bãi sông Luộc bẫy cá hau. Mải chơi, quần áo hai đứa vấy nước và lấm láp bùn cát. Lúc về nhà, tôi bị mẹ vút cho mấy roi quắn đít. Đau thì đau, nhưng tôi lo và thương cho Phương, khi nghe tiếng khóc ré lên, Phương cũng bị mẹ vụt cho mấy vụt. Chiều muộn, tôi chạy ra sau nhà gặp Phương. Khi thì thầm hỏi nhau về trận đòn, Phương nhìn tôi cười:
- Sao Phương cười?
- Con trai mà khóc. Lúc nghe mẹ An đánh, Phương lo và thương An quá!
Nghe Phương nói tôi cảm động lắm, Phương cũng thương tôi như tôi thương Phương. Phương còn dúi vào tay tôi củ khoai nướng còn nóng ấm.
- An ăn đi!
Thời gian trôi đi, nhà Phương sơ tán đến quê tôi được hơn nửa năm. Chúng tôi, hai đứa trẻ vẫn mải mê chơi những trò chơi con trẻ bên nhau.
Trên trời, thỉnh thoảng nhìn thấy những tốp máy bay Mỹ và nghe tiếng rít xé gió của chúng. Mỗi lần như vậy, mọi người vội vã xuống hầm trú ẩn. Chưa thấy quả bom nào rơi xuống thị trấn Ninh Giang quê tôi.
Chị gái tôi học cùng lớp với chị gái Phương. Từ khi sơ tán về xóm tôi, nhà Phương thành nơi tụ tập, chơi bời của các chị cùng lớp trong xóm. Hôm ấy tôi và Phương hí húi chơi ngoài sân, chợt nghe rộ lên tiếng cười của các chị trong nhà. Chúng tôi chạy vào xem, thấy các chị ngả ngốn cười. Còn con búp bê – em Bi của chúng tôi, thấy ngã lăn quay trên mặt đất. Vừa thấy chúng tôi vào, một chị hi hí cười, chỉ:
- Kìa, con gái của vợ chồng chúng mày ngã kìa. Sao không đỡ nó lên.
Tôi ngượng chín cả người, còn các chị đấm lưng nhau thùm thụp:
- Kìa… đỡ con chúng mày lên chứ!
Tôi chạy tọt về nhà trong tiếng cười khinh khích của các chị… đuổi sau lưng. Về đến nhà rồi, tôi vẫn chưa hết ngượng, ngưỡng đến tận chiều, không dám bước chân ra khỏi cửa…
Kể từ hôm ấy, tôi không dám bén mảng sang nhà Phương, dù trong lòng rất muốn. Tôi cứ bứt ra, bứt rứt, thấp thó từ trong nhà, ngó sang nhà Phương. Hình như Phương cũng ngượng, mấy hôm không thấy ra sân chơi.
Được vài hôm, tôi nghe tin mẹ Phương ốm, phải đưa bà đi viện điều trị. Một tuần sau,…. thì mẹ Phương mất. Hôm đưa đám, tôi hòa vào dòng người đưa tiễn bà ra bãi tha ma. Tôi nhớ mãi hình ảnh Phương thắt khăn tang, vai rung lên từng nhịp. Phương khóc nhiều lắm, khóc tức tưởi, khóc... Phương đã thành đứa trẻ bồ côi. Lúc ấy tôi nghĩ, sẽ bảo, mẹ tôi là sẽ mẹ chung của hai đứa. Càng nhìn Phương, tôi càng thương, chỉ muốn lao đến an ủi bạn. Vậy mà tôi chỉ đứng đó, đứng từ xa chia sẻ…
Bom Mỹ bắt đầu dội xuống thị trấn nhỏ bé quê tôi.
Nhà tôi phải sơ tán và nhà Phương lại một lần nữa sơ tán tiếp, sơ tán đến một làng nào đó trong vùng, tôi không rõ. Thế rồi tôi thỉnh thoảng tôi nhận được những thông tin ít ỏi về Phương, nhận qua bà chị gái Phương đến chơi với chị gái tôi ở nơi nhà tôi sơ tán..
Thời gian trôi đi, cuộc ném của không quân Mỹ chấm dứt. Nhà tôi từ nơi sơ tán trở về; còn nhà Phương về thẳng TP. Hải Phòng.
Bất chợt một buổi, tôi đang ở nhà một mình, thấy ông bưu tá rẽ vào. Nhà tôi có thư và bức thư ấy gửi cho tôi. Tôi ngạc nhiên, không rõ ai gửi thư cho mình. Đấy cũng là lá thư đầu tiên tôi nhận được trong đời. Nét chữ tròn trịa. Tôi hấp tấp bóc thư:
An thân!
Thư của Hằng Phương. Tim tôi loạn nhịp và tôi ngấu nghiến đọc. Thế là gần năm năm, từ khi chúng tôi bị chế ghép là vợ chồng, đến hôm nay chúng tôi mới được "gặp lại nhau". Trong thư Phương kể nhiều chuyện, nhất là chuyện học hành. Phương sắp bước vào lớp bảy. Năm học trước, Phương trong đội tuyển của nhà trường tham dự thi học sinh giỏi quận.
Cuối thư có dòng tái bút:
Con dế của chúng mình thế nào rồi? Chắc nó lớn lắm. An nhớ chăm sóc nó chu đáo nhé!
Rồi thời gian lại trôi đi, một năm, hai năm, ba năm, đôi lúc thoáng nhớ về Phương và mỗi năm, cứ đầu hè khi hoa phượng nở đỏ, tôi đều nhận được thư của Phương. Những bức thư Phương ríu rít kể đủ chuyện…. Phần tái bút, bao giờ Phương cũng hỏi về con dế và khoe em Bi vẫn khỏe. Rất lạ, thư không một dòng địa chỉ nhà, hay trường lớp của Phương.
Năm 1979 tôi sinh viên về nghỉ hè, đúng dịp chị tôi và chị Phương hẹn nhau cùng về quê tôi. Hai chị tíu tít trò chuyện. Trong câu chuyện của họ, tôi thoáng buồn, khi hay tin, Phương đã vượt biên di tản sang Úc. Bất chợt chị Phương lục túi và bảo, tôi có thư. Tôi hồi hộp đón nhận lá thư từ tay chị. Xấu hổ đỏ mặt, tôi bước nhanh xuống nhà sau. Tôi biết, hai chị đang tủm tỉm cười nhìn theo tôi.
Thư - nét chữ vẫn tròn trịa, nhưng dày dạn hơn nét chữ những lá thư năm trước tôi nhận. Thư gửi trước khi Phương chuẩn bị vượt biên. Thư Phương viết rất dài, dài hơn những lá thư trước. Phương hỏi tôi còn nhớ trò chơi ô ăn quan và cả chuyện con cáy nướng, trận đòn đi bẫy cá hau,…. Con búp bê – em Bi của chúng tôi, Phương sẽ đưa nó vượt biên cùng. Cuối thư, phần tái bút: Nhớ chăm sóc con dế chu đáo nhé! An!
Hơn 40 năm rồi, tưởng chuyện xưa chỉ còn trong ký ức, tôi đã có một tổ ấm gia đình, một công việc yên ổn và tóc đã điểm bạc. Đôi lúc tôi cũng chợt nhớ đến cô bạn tuổi thơ… và thỉnh thoảng nghe những thông tin bập bõm về Phương, hình như Phương ở Men Bơn, hình như Phương vẫn thân gái dặm trường, hình như....
Tối qua, tôi đang ngồi làm việc, thì chuông điện thoại reo:
- A lô… Tôi An nghe đây!
Một giọng phụ nữ xa xôi trong ống nghe:
- Phương đây…. Phương - chị nuôi em Bi đây!
Tôi lặng đi khi nhận ra giọng Phương.
Phương báo cho tôi biết, sẽ về thăm quê. Vì anh chị đều sống xa Hà Nội, nên Phương nhờ tôi ra đón.
Sáng nay tôi ra sân bay Nội Bài rất sớm, sớm trước cả vài tiếng giờ máy bay hạ cánh.
Phòng đón đưa khách sân bay ồn ào. Thỉnh thoảng tiếng loa phóng thanh lại oang oang thông báo bằng tiếng Việt, tiếng Anh tình hình các chuyến bay.
Kìa, ở cửa khách đang ra. Người đi đón chen lấn, ríu rít vẫy gọi nhau í ới.
Tôi ngơ ngác tìm Phương.
Phương - cô bé mảnh khảch, có khuôn mặt trái xoan, tóc kết đuôi sam thắt nơ xanh của tôi đâu?
- An…Phương đây!
Tiếng gọi nho nhỏ ngay sát bên tôi. Giọng nói ấy, hơn bốn chục năm qua rồi... tôi vẫn nhớ.
Quay lại, tôi thẩn thờ nhìn:
Ngay bên tôi, một phụ nữ tay kéo túi hành lý, trên tay kia là con búp bê mắt xanh biếc. Mái tóc vàng óng của con búp bê - em Bi, bồng bềnh, trùm lên mái tóc điểm nhiều sợi bạc và khuôn mặt gày gò, mệt mỏi.
- Phương!
Phương của tôi đây.
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mù sương

Cõi mù sương Chương 1 Hôm ấy là một chiều cuối thu, lá vàng đã phủ đầy trên những thảm cỏ khô, gió hiu hiu trên rặng liễu đang xõa tóc trê...