Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Kẻ trông chùa

Kẻ trông chùa

Chùa làng tôi nằm trên gò đất cao cuối làng, cây cối um tùm. Từ xa thấy thấp thoáng mái chùa và cây si già. Ngày bé, quãng chín mười tuổi tôi thường theo bà đến đấy. Bà tôi già lắm. Cứ mồng một hôm rằm bà đi lễ Phật. Bố sai tôi theo bà, bố sợ bà già yếu đi một mình. Bà rất nhớ ngày sóc vọng, trước một hai hôm, đã nhắc sắp và tắm gội sạch sẽ. Bà giở bộ quần áo mới trong bồ hay chọn thứ lành lặn mặc, khoác ngoài tấm áo dài nâu. Tôi xách làn đựng nải chuối, thẻ hương, lăng xăng bước theo bà.
Trông nom chùa là một nhà sư nữ. Cụ cũng già như bà tôi, mặt mũi răn reo. Cụ luôn trùm chiếc khăn nâu nhưng có lần tôi phát hiện, đầu cụ sư nhẵn thín. Tôi ghé tai bà nội hỏi:
- Bà ơi, sao đầu cụ sư nhẵn thế? Tóc rụng à?
- Hỗn nào! Cụ đi tu, cạo đầu. Lần sau cháu không được nhìn cụ thao láo như vậy!
Đến cổng chùa bao giờ bà tôi cũng dừng lại, soát hàng cúc, vuốt vạt áo, đưa gậy cho tôi hoặc kẹp vào nách, hai tay bà chắp lại trước ngực thành kính. Tôi cảm thấy sờ sợ, bước sát theo bà. “Nam mô a di đà Phật!”- tiếng bà tôi dưới sân chùa. “Nam mô a di đà Phật”- tiếng nhà sư trong chùa vọng ra. Bà tôi thành kính xếp lễ lên ban. Khi bà lùi ra chuẩn bị lễ cũng là lúc sư cụ thỉnh chuông. Tiếng chuông ngân nga... Tôi khép nép túm vạt áo bà đứng sát vào hơn. Nghe tiếng chuông tôi cứ tưởng tượng, các vị thần linh trên trời đang chứng kiến lời thỉnh cầu khấn lạy của bà tôi. Qua làn khói hương, tôi thấy các pho tượng như xao động, mắt chằm chằm nhìn vào tôi. Sợ hãi, tôi cúi gằm, miệng luống cuống: “ Cháu không phá tổ chim, cháu chỉ xem thôi. Cháu đi mót lúa hợp tác, chứ không bốc tuốt trộm đâu. Cháu...”
Lễ xong bao giờ bà tôi cũng ngồi nói chuyện và uống nước với sư già, thứ nước vối nhần nhận đắng và ngọt, quê tôi nhà nào cũng uống. Hai người già nói chuyện về con đường trước chùa, khéo mưa xuống lầy lội mất; về thời tiết thay đổi, các khớp xương đau; nói về thu hoạch mùa màng... Câu chuỵện không mấy thú vị, đã nhiều lần nghe, tôi bỏ ra sân chơi, nhặt hoa đại hay trái si vàng nhỏ rụng đầy sân chùa. Lần nào ra về bà cũng được nhà chùa phát lộc, khi chiếc oản, khi thì mấy quả chuối, có bận là vài trái chay chín vườn chùa. Miệng tôi ứa nước bọt, đến cổng đã háo hức mở ra xem, bà mắng:
- Hư nào! Để về bà chia, cả nhà thụ lộc.
Trẻ con nhanh nhớ chóng quên, chỉ quãng ngắn tôi đã quên chỗ lộc vì mải hỏi bà những điều nhìn thấy ở chùa:
- Bà ơi, cái người nhỏ tẹo, đen sì, một tay giơ lên giời, một tay trỏ xuống đất là ông gì đấy?
- Hỗn nào! Không được gọi Ngài bằng cái. Ngài là Phật Tổ.
- Thế cái Ngài nhiều tay là ai?
- Hư nào! Ngài là Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát, ngài thấu hiểu mọi điều đau khổ của chúng sinh. Người làm điều tốt Ngài phù hộ; kẻ làm điều xấu Ngài quở phạt.
- Thế thằng Hải hôm qua trảy trộm bưởi nhà ông Sửu ăn Ngài biết không?
- Chết chết! Ngài biết. Lần đầu Ngài tha; lần sau thì Ngài phạt đấy!
Bà tôi hay kể câu chuyện Ngài trị kẻ ác làm việc xấu. Hồi ấy Tây càn, Tây bắn súng cối vào làng tôi, một viên trúng chùa nhưng đạn thối. Bọn Tây không vượt nổi hàng rào lũy tre làng, nhiều đứa phải bỏ mạng. Bao giờ bà cũng kết thúc câu chuyện một cách thành kính: Nhờ có Ngài phù trợ đấy! Và những câu hỏi bất tận, lời giải thích rỉ rả của bà cứ từ từ thấm vào đầu óc non nớt của tôi lúc nào không hay biết: Không được bắt giết chim chóc, không hái trộm quả nhà người, hãy thương kẻ khó... Song có những điều lớn lên tôi mới hiểu, như về cõi trời đất, về tạo hóa, về thế giới tâm linh, tinh thần, vật chất, về đạo sống ở đời. Giờ đây, có lúc chợt nhớ đến câu chuyện bà kể và những giấc mơ đẹp tuổi thơ, Bụt hiện lên, Ngài cho tôi đồ chơi, bánh kẹo, con ngựa hồng... tôi lại ước ao, giá được sống lại tuổi thơ.
Hồi ấy, một lần, bố tôi đi họp về. Trong bữa cơm tối, bố nói chuyện với bà và mẹ, làng sắp dọn chùa, tất cả tượng và đồ thờ chuyển xuống nhà tổ, người ta phân công bố vào đội dọn.
- Trời! Sao lại dọn chùa. A di đà Phật! Không được làm điều ác!
Bà tôi bỏ ăn đứng lên, bố nói thế nào bà cũng không ngồi xuống ăn tiếp nữa. Ngay tối đó bà sai mẹ tôi đốt ngọn đèn bão đưa bà ra chùa. Khuya mới thấy tiếng gậy khua lóc cóc trên sân của bà, hai người đã về. Lúc đó tôi lơ mơ ngủ, loáng thoáng nghe bà bảo bố:
- Con ơi! Con đừng theo ai làm điều xấu. Mẹ già rồi chẳng nói làm gì, dưng con phải nghĩ tới các cháu...
Tôi nghe bố dạ một tiếng nho nhỏ. Sáng hôm dọn chùa, bố mẹ tôi đi sớm. Nghe mẹ nói với hàng xóm, có tin nhắn sang, ông ngoại mệt - quê mẹ tôi ở làng bên. Hôm đó bà cấm tôi không được ra ngoài. Thắp hương quỳ trước ban thờ, bà khóc nạn. Trẻ con hiếu động, nghe tiếng người lao xao kéo xuống cuối làng, không chịu nổi, tôi lẻn đi xem. Ngoài chùa, trẻ con người lớn vòng trong vòng ngoài, ông Hội là người chỉ huy việc dọn chùa. Chiều ấy bố về, tôi bị trận đòn nên thân. Tôi gào gọi bà như những lần bị bố đánh, bà không ra can, chỉ thấy mắt bà đỏ hoe, trong nhà nhìn ra.
Tượng, đồ thờ của chùa làng tôi gom hết lại, chất đống vào nhà tổ. Xếp không hết, chỗ thừa theo lệnh ông Hội chuyển đến trại chăn nuôi và lò gạch HTX. Ông Hội nói: Đám ấy toàn gỗ khô, than đượm, trại chăn nuôi và lò gạch không đun đốt cả tháng. Khu chùa dọn rồi, dãy nhà trống thành mấy lớp học của bọn tý nhau chúng tôi. Thỉnh thoảng tôi thấy sư già quờ quạng gậy, bước dưới sân sau chùa. Được vài tháng thì cụ sư mất. Đám ma của cụ nhiều dân làng đưa tiễn, nghĩa tử là nghĩa tận. Khổ thân, sư cụ về tu chùa làng tôi ngót nghét năm chục năm trời, vậy mà... Vài năm sau thì bà tôi mất. Tôi nhớ, buổi chiều ấy đi học về, mẹ bảo bà muốn gặp tôi. Tôi vội chạy vào, bà quờ, nắm tay tôi lỏng lẻo, giọng thều thào:
Cháu ơi... bà sắp về nhà bà đây... Lớn lên cháu nhớ: Đức Phật... Ngài có ở khắp mọi nơi.... Ngài biết việc ta làm... Khinh bỉ... căm ghét của người đời... cũng là sự quở phạt của ngài đấy... cháu ạ!
Tôi hiểu bà đang nói với tôi điều gì.
Thấm thoắt đã ba chục năm rồi tôi xa làng đi học và ra công tác. Vì công việc lại bận rộn chuyện gia đình tôi hiếm khi về làng. Đợt này tôi mới có dịp cùng chồng con về thăm bố mẹ, thăm quê. Lâu ngày mẹ con bà cháu gặp nhau, biết bao chuyện. Đang câu chuyện chợt mẹ khoe:
-Làng ta sửa chùa rồi con ạ! Đình thì không dựng lại được, Tây càn đốt cháy tiệt... mà tiền của đâu. May còn ngôi chùa mới chỉ dột nát...
- Thế ai trông nom chùa làng mình? Sư già mà còn sống nay cụ ngoài trăm tuổi!
Không thấy mẹ trả lời câu hỏi của tôi, chỉ thấy mẹ ngước nhìn ảnh bà nội trên ban thờ. Bố tôi ngồi đó chép miệng:
- Ôi dào, cái lão nhập nhằng sổ sách thời hợp tác, bị...
Bố vừa nói tới đây mẹ đã gạt đi:
- Thôi ông... có giời...!
Rồi mẹ quay sang bảo tôi, mai vợ chồng nhớ đưa các con đi lễ chùa. Sáng hôm sau mẹ chuẩn bị sẵn đồ lễ trong chiếc làn, nải chuối bó hương cùng đĩa hoa hái vườn nhà. Trước khi đi, tôi thắp nén hương lên ban thờ bà nội:
- Bà ơi, cháu chuẩn bị ra chùa làng mình lễ đây! Cháu đưa cả thằng chắt Cún của bà đi lễ đấy, bà có dặn cháu gì không?
Từ xa đã thấy mái chùa làng tôi đỏ tươi màu ngói mới. Đám cây cổ thụ quanh chùa không còn nữa. Xung quanh chùa bờ tường cao mới xây vôi quét trắng toát. Nghe tiếng đẩy ken két của chiếc cổng sắt, cổng mới dựng, một ông già dáng đậm chạy ra. Tôi sững lại, ông Hội. Ông Hội chưa nhận ra tôi, tiếng ông dểnh dảng:
- A di đà Phật! Cậu mợ là cánh con cháu nhà ông bà nào mà tôi chưa nhận ra nhảy? à... à, cánh nhà cụ Nhất phải không? Giời ơi, có Phật đây chứng giám, tôi nghe nói cậu mợ trên Hà Nội làm ăn phát đạt lắm! Trời Phật phù hộ đấy. Hôm làng quyên giáo sửa chùa, hỏi thăm các cụ đằng nhà dưng Hà Nội rộng lớn vậy, biết đâu mà tìm. Có Phật đây...
Thoạt trông, có vẻ ông ta khác ông Hội năm nào, mềm mại trong bộ đồ ta màu hạt dẻ, ăn nói nhún nhường, mỗi câu lại đế thêm từ “có Phật”, nhưng nhìn kỹ tôi vẫn nhận ra cái ông Hội xưa. Ông đon đả dẫn khách đi giới thiệu việc công đức sửa sang nhà chùa. Nào pho tượng Thiện, ác là cánh con cháu nhà cụ Tuất ở Hà Nội cung tiến, ông nói, để làng ta nhiều điều thiện, ít cái ác. Còn pho tượng Thích Ca, chi phái nhà Mão, con cháu ở thành phố Hồ Chí Minh công đức. Nghe ông say sưa giới thiệu, tôi thoáng nghĩ, hay giờ ông ta ân hận những điều mình làm trước đây, ông ra chùa trông nom để chuộc lại...? Chờ tôi bày lễ thắp hương, ông Hội lùi xuống thỉnh chuông. Tôi lạnh người nhớ đến tiếng chuông của sư già thuở nào. Sao tiếng chuông ông Hội thỉnh nghe không giống tiếng chuông chùa ngày trước. Khi tôi lễ xong các ban, ông Hội mời vợ chồng tôi đến trường kỷ xơi nước. Tiếng cánh chè rơi loong coong trong chiếc ấm trà Trung Quốc làm tôi chạnh nhớ đến những chiếc bát sành cũ kỹ sư già mời bà tôi uống nước vối xưa. Ngay đối diện với bộ trường kỷ là bệ xây, ngày trước có đâu! Cùng với đồ thờ, trên bệ còn có chiếc hòm gỗ đỏ, đập vào mắt khách là hàng chữ CONG ĐUC vàng choé. Vừa mời vợ chồng tôi xơi nước, ông Hội vừa giới thiệu việc cung tiến của dân làng, đặc biệt là người xa quê. Ông nói, chùa làng còn nhiều công trình cần công đức lắm, như cất tháp mộ sư già, xây sửa lại nhà tổ, sắm đồ thờ thiếu... Xen mỗi câu là tiếng cười của ông Hội.
- Cậu mợ... vâng, đây là điều để phúc cho con cháu. Phật, Ngài không quên đâu... He he he...
Tôi như đã nghe tiếng cười đó ở đâu? Còn chồng tôi, thấy ông Hội gợi ý, anh nhanh nhảu rút ví. Rất nhanh cái đĩa đã sẵn trên tay ông Hội từ lúc nào, đón lấy những tờ xanh xanh đỏ đỏ.
- He he he... Phật, Ngài nghìn mắt nghìn tay, Ngài sẽ phù hộ độ trì cho cậu mợ và các cháu... He he he...
à, tôi nhớ ra tiếng cười ấy rồi, khi đôi tay ngai đầu rồng gãy cậc, sư già rúm ró sợ, là lúc tiếng cười he he của ông Hội cất lên trên sân chùa thuở nào.
1996
Trọng Huân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi mù sương

Cõi mù sương Chương 1 Hôm ấy là một chiều cuối thu, lá vàng đã phủ đầy trên những thảm cỏ khô, gió hiu hiu trên rặng liễu đang xõa tóc trê...