Thứ Sáu, 27 tháng 12, 2024

Làng Tằm còn chăng tiếng gà gáy sáng

Làng Tằm còn chăng
tiếng gà gáy sáng?

Trong thiết chế xã hội nền văn minh lúa nước, nhắc đến khái niệm làng quê là hiện thân của sự gắn kết giữa con người và gia súc, gia cầm như con trâu, con lợn, con gà… trồng trọt gắn với chăn nuôi vừa là có thịt ăn, vừa có phân gio bón cho cây trồng. Sở dĩ tôi nhắc lại khái niệm này, là vì một cái làng nhỏ có tên dân giã quen gọi là làng Tằm, ba bề được dòng sông Lô bao bọc, bồi đắp đang có nguy cơ bị phân lô bán nền, biến thành phố… bờ sông.
Những năm gần đây cuộc đua tốc độ nâng cấp từ huyện lên thị xã, từ thị xã lên thành phố, rồi khi đã lên thành phố thì phấn đấu từ đô thi loại 1 lên loại 2, chưa hết lại còn thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc trung ương… muốn nâng cấp thì theo quy định (cũng do chúng ta đặt ra) là diện tích, là số dân… thế là mở rộng. Sự phát triển, mở rộng tới tấp chưa có hồi kết được đảm bảo bằng tầm nhìn, quy trình cho tương lai vẽ ra trên giấy, không dám nói tất cả, nhưng không ít những tầm nhìn thiếu cơ sở khoa học, không tôn trọng, hài hòa với tự nhiên, do không khảo sát kỹ địa tầng đã gánh chịu hậu họa lở đất, sụt lún… đe dọa tính mạng con người.
A person smiling at the camera

Description automatically generatedNhà văn Đoàn Thị Ký
Trở lại cái làng nhỏ ven dòng Lô có tên làng Tằm, nơi tôi đã lớn lên và trưởng thành, cũng đang chịu sức ép của sự phát triển ồ ạt. Từ năm 2010 thị xã Tuyên Quang lên thành phố, làng Tằm thành ngõ 192 của đường Bình Ca, thay vì tên đội Quyết Tiến của thời hợp tác xã cấp cao “ Tiến nhanh, tiến mạnh…” Ngõ phố của gần bốn mươi nóc nhà chuyên cấy cầy, nhiều nhà 4, 5 đời gắn bó với bờ bãi, dòng sông. Tiêu biểu là gia đình cụ Vũ Thị Nguyệt, cụ Nguyệt tết này tròn trăm tuổi, cụ đã có chút nghĩa là đời thứ 5 tiếp nối. Thân sinh ra cụ Nguyệt là cụ giáo Trinh, cụ Nguyệt theo bố mẹ từ Hà Nội lên Tuyên Quang lúc 6 tuổi rồi lấy chồng, chồng cụ từng là kỹ sư Trường Canh, cụ ở nhà làm ruộng và nuôi dậy con cái. Mấy chục năm nay cụ không ra đồng ruộng, đầu óc vẫn minh mẫn, từng tràn bãi chuyên trồng đậu tương hay ngô nếp cụ vẫn kể ra vanh vách.
Theo cụ Nguyệt, đất Nông Tiến thời Pháp thuộc là đồn điền canh nông, chủ đồn điền tên là Luit Blang. Đồn điền chuyên trồng thí nghiệm các giống cây bản địa và di thực, cung cấp cho toàn cõi Đông Dương. Cây lấy bóng mát có bàng, sòi, thau, phượng vĩ, xà cừ… lấy dầu như cây sở, đen, trám,…thực phẩm như cây sấu, cam, quýt, cà phê, dâu và rất nhiều cây hoa hoàng lan, ngọc lan…. Những năm 70 thế kỷ trước vẫn còn con đường về làng Tằm trồng cây thau, cây sòi, cây nhội, mùa xuân lá non lấp lánh vảy vàng, vảy bạc, hay rặng trám trắng quả rụng cùng sương rơi… Ngày tôi ra Côn Đảo thấy rất nhiều cây bàng cổ thụ, hỏi ra được biết “lấy giống từ đồn điền Canh Nông ở  Bắc Việt”, thế thì đích thị có gốc gác từ làng Tằm của tôi rồi. Hòa bình lập lại thành Trường Canh nông của Bộ Nông nghiệp. Hiện tại, làng Tằm là dấu tích cuối cùng của sự biến thiên lịch sử, trong ký ức người dân Tuyên Quang truyền qua các thế hệ chưa bị mai một.
Làng nằm trên gò đất cao khá bằng phẳng, nhìn ra các cánh đồng do sông Lô bao đời bồi đắp. Này là cánh bãi Tàu bay nơi lên xuống của tàu bay trực thăng, nọ là bãi Ba lông có sân chơi thể thao. Biết tiếng Pháp cụ Nguyệt giải thích ballon là quả bóng, nơi đó thường có quả bóng rất lớn bay lên ( khinh khí cầu), tôi đồ rằng là tín hiệu của sân bay, dân mình gọi chệch đi là Ba lông; ven sông là bãi Dâu, bãi Mái, bãi Sậy… cùng với bến chính làng Tằm, còn có thêm các bến phụ gắn với những người dân cơ chỉ làm ăn, khai phá đất hoang như bến bà Vằn, bên ông Nhai, bến bà Trình, bến bà Lan,… nhớ lại để thấy làng Tằm là một vùng đất trù phú, từng là nơi cung cấp thực phẩm cho thị xã Tuyên Quang.  Trong ký ức của lớp người trên dưới 70 vẫn nguyên những chuyến đò đầy ắp quả đậu, bắp cải, xu hào, rau bí, ngô luộc…mùa nào thức ấy của làng góp mặt vào nhịp bán mua náo nức chợ Tam Cờ.
Vậy là, chưa cần hoạch định nào được tuyên bố này nọ thì bằng cảm quan của tôi cho thấy, vào những năm đất nước tập trung đánh Mỹ, sản xuất vùng ven đã góp phần phục vụ, ổn định đô thị, trong khí thế cả nước: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, dù bữa cơm có độn khoai sắn, nhưng của nhà làm ra vẫn lành, đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm tại chỗ. Thiết nghĩ cũng là một cách chủ động phòng ngừa sự cố bất trắc, ví như dịch bệnh sảy ra vừa qua chắc chắn có hiệu quả.
Nhắc lại có người lại nghĩ tôi đề cao vai trò kinh tế tự cung tự cấp, trong khi thời buổi nền kinh tế thị trường: “Bán cái người cần” đang là cứu cánh! Vâng, đó là ở tầm vĩ mô còn ở tầm vi mô, là tế bào sống trong từng gia đình mà cụ thể ở đây người nông dân làng Tằm, họ chỉ mong có cuộc sống no đủ, hài hòa với bến nước, với dòng sông. Nhưng sự thanh bình đó đang có nguy cơ mất đi, làng Tằm sẽ không còn tiếng gà gáy sáng khi bị cắt đất chia lô, mỗi hộ gia đình chỉ còn hơn trăm mét đất sinh sống, lấy đâu ra đất gieo trồng và chăn nuôi. Và như vậy thật tiếc cho các thế hệ sau, đâu riêng làng Tằm, không còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa trái trong bài thơ “Lửa đèn” của cố thi sỹ Phạm Tiến Duật: “ Anh đưa em sang bên kia cầu/ Nơi có những miền quê yên ả/ Nơi có những ngọn đèn thắp trong kẽ lá, Quả cây chín đỏ hoe/ Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu/ Trỏ lối sang mùa hè/ Quả cà chua như chiếc đèn lồng nhỏ xíu/ Thắp mùa đông ấm những đêm thâu…”, đặng làm giầu tâm hồn, mà cũng là khẳng định văn hóa Việt Nam, trong xu hướng hội nhập toàn cầu.
Chẳng là sau khi cầu Tỉnh Húc xây xong, đường dẫn lên cầu nối liền với đường Hồ Chí Minh đi qua cánh bãi Tàu bay, Ba lông thì làng Tằm không còn là vùng ngoại vi xa xôi, vị thế đất làng Tằm thành “ miếng gan, miếng tiết”, có cơ quy đổi, để làm đầy túi tiền ngân sách đang bội chi. Muốn quy đổi và cũng để bắt mắt người mua, công ty bất động sản nào đó đã vẽ ra và thuyết phục tỉnh, đầu tư làm con đường ven sông Lô chui  qua gầm cầu Tình Húc.  Con đường trải nhựa átphan men theo bờ sông, xuyên qua những cánh đồng bãi bồi có tên bãi Sậy, bãi Dâu, bãi Mái… bằng mắt trần tôi dám khẳng định,con đường dù chưa có mấy xe cơ giới qua lại, nhưng  đã và đang có dấu hiệu phá vỡ thế cân bằng của tự nhiên. (Kể cũng lạ đã có bài học nhãn tiền là con đường tỉnh lộ mở những năm 90 thế kỷ trước, đi từ thị xã Tuyên Quang  sang Thái Nguyên qua xã Thái Bình cũng men theo bãi bồi sông Lô, đất lở đe dọa con đường, sang đầu thế kỷ này tỉnh đã phải nắn lại con đường lui vào phía trong). Nhưng mà thôi. Nghe kể đầu tháng 11 vừa đây, kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh, dù chưa thông xe nhưng đèn cao áp hai bên đường đã bật sáng. Có bà giáo nghỉ hưu nói với tôi: “Cùng với sông Lô làng Tằm có thêm dòng sông ánh sáng, thật lãng mạn”. Âu xem đấy là cái được vậy!
Nhưng mấy ai biết để có sự lãng mạn ấy, ngoài tiền của chi ra đào phù sa bồi bỏ đi để rải đá, rải bê tông làm nền đường, nhà thầu đã phải đổ thêm biết bao nhiêu tiền bạc kè lại mấy trăm mét bờ sông. Nghe nói tiền ấy lấy từ quỹ phòng chống thiên tai. Quỹ nào thì tiền ấy cũng là tiền thuế của dân, chứ đâu phải trên trời rơi xuống…
Nhân nhắc lại con đường bên dòng sông đi qua thời điểm khúc sông đang bị các con tàu hút cát hành hoành, dịp đầu năm tôi cũng đã có bài viết: “Nghĩ từ bến nước làng Tằm”, đề cập tới hiện trạng lở bờ sông uy hiếp con đường đang thi công. Lúc đó con đường cách bờ sông chưa đầy trăm mét, vậy mà chưa đến năm cùng tháng tận của năm 2021, mép đường đã ăn sát mép bờ sông, vì nhà thầu phải vạt ta luy để cạp đá. Tuy vậy, hiện có điểm gần mé nước đã kè đá, nhưng phía trên bờ bãi vẫn đang lở. Nhìn sang bờ kia núi non xã An Khang vẫn xanh rì, bóng tre ngả tới mép nước, vì bên đó có đá Ghềnh Giềng che đỡ. Tuyên Quang là tỉnh miền núi, đá đâu có thiếu, cả dãy Tràng Đà kia lấy xuống dư lấp cả dòng sông, nhưng xin chớ đùa với thiên nhiên, nhất là với bà Thủy. Ai dám chắc điều gì khi chân nền đường là đất cát phù sa bồi, biết đâu có dòng chảy ngầm…
Viết đến đây tôi vụt nhớ trong chuyến du ngoạn châu Âu, được đi thuyền trên sông Sen của nước cộng hòa Pháp. Con thuyền chui qua có đến mấy chục cây cầu, có cây cầu rộng như mái nhà, thuyền qua giữa ban ngày ban mặt mà bỗng tối sầm, phản xạ tự nhiên, du khách bất ngờ cùng reo A, a… Âm thanh A, a cộng hưởng tạo ra sự phấn khích, giọng mình đấy mà nghe như tiếng của cao xanh, tôi như thấy mình được về lại tuổi thơ vục mặt vào chum nước hét thật to… Vâng. Nhưng đấy là ở châu Âu, lục địa cổ, họ có bắc bao nhiêu cây cầu chắc cũng không hề hấn gì đến đôi bờ, vì địa tầng kết cấu đã ổn định, sông thường ngắn và nhỏ.  Ngồi trên du thuyền tôi như nghe được tiếng đàn, nhịp trống của nhóm du ca biểu diễn trên bờ, còn bàn tay các màu da vẫy thì quá thường. Còn ở ta hệ thống sông ngòi thuộc lục địa trẻ, kết cấu địa tầng chưa ổn định, nếu cứ đối xử thô bạo với tạo hóa chưa chừng,… nói như cha ông ta là “Phú quý giật lùi!”
Có cây cầu, có con đường chạy qua, thế là những thửa bãi bao năm người nông dân canh tác được thu hồi và đền bù theo bảng giá đất canh tác rẻ như cho. Theo bảng quy hoạch treo ở đầu cầu Tỉnh Húc cắt bãi Ba lông: “Bản đồ quy hoach chi tiết xây dựng khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến, phường Nông Tiến, tỉnh Tuyên Quang”, thì toàn bộ đất canh tác “ bờ xôi bãi mật”, theo ông Nguyễn Ngọc Lâm, 69 tuổi, cựu chiến binh bị nhiễm chất độc da cam, con bà Nguyễn Thị Quảng năm nay 94 tuổi, bà có 70 năm tuổi Đảng, 4 đời sinh cơ lập nghiệp trên  đất làng Tằm. Ông Lâm cho biết: “Thành phố có chủ trương thu hồi đất khu dân cư, bán cho Công ty Kinh doanh bất động sản Hà Tuyên do ông Trần Đức Hùng làm giám đốc, tiếp tục liên kết với Công ty trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phú để kinh doanh san lô bán nền.” Theo dự án này, những cánh bãi của làng Tằm đang có cơ bí băm nát trở thành tổ hợp nhà ở, dồn những người nông dân vào sống trong những khối bê tông, không còn đất canh tác, thì làm gì ra của cải mà sinh cơ lập nghiệp, cuộc sống thường nhật sẽ ra sao? Chưa dám nghĩ đến “nhàn cư vi bất thiện”.
Và, chắc các cấp có thẩm quyền chưa lường đến các hệ lụy, khi những bờ bãi ven sông từ ngàn xưa dân ta cấy cầy nay biến thành nhà ở, nào nước thải, nào sự va đập … thực ra ít nhiều họ có biết, vì trình độ cán bộ giờ đây hầu hết đều qua đại học, nhưng vì lẽ gì họ cứ lấy danh nghĩa “Nhà nước thu hồi”, để ép buộc dân lành thì chỉ có họ mới tự trả lời được.
Tôi, người viết bài này đã đến thăm bạn bè sống ở các khu đô thị Ê co pắc, Revsai, chung cư Gon mắc… ở Hà Nội, những khu đô thị dù hiện đại đến đâu vẫn mang dáng dấp, hồn vía nông thôn Việt Nam truyền thống, có vườn, có hồ nước, thậm chí có cả dòng sông chảy lững lờ, thay vì sân đình là khu vui chơi cho người già, trẻ em (chí ít có chỗ để sau giờ học trẻ không chúi mắt vào chơi ghêm)… không gian sống ở những nơi đó thật lý tưởng… Cũng được biết hầu hết cư dân ở đó là những quan chức cao cấp nghỉ hưu, hoặc  đương chức có lương bổng cao, hay có con em ở nước ngoài chu cấp vì chi phí dịch vụ ở đó phải tiền triệu trở lên… thế thì, với người nông dân ở làng Tằm quanh năm bán mặt cho đất, làm ra lúa ngô nuôi sống mình, góp phần nuôi sống xã hội, hiện đang có cuộc sống thanh bình bên vườn tược, cây trồng vật nuôi, chúng ta đã không vun đắp thì thôi, bỗng chốc làm nháo nhác như có ma đuổi. Cũng theo ông Lâm, cách đây một tháng Công ty Hiệp Hòa đã cho người đến đo đạc, cắm mốc, vạch sơn, chia bình quân mỗi hộ gia đình có diện tích đất ở chiều dài 22m, chiều rộng 6 mét; nhiều gia đình có vườn cây ăn trái lâu năm sẽ bị thu hồi quá nửa, dù chưa có văn bản nào chính thức, đóng dấu đỏ của cấp thẩm quyền quyết định thu hồi đất của dân.
Để biến đất bãi bồi thành đất nhà ở, hướng nhà lại nhìn ra sông, hợp phong thủy, những người dân có tiền và biết lo xa: “Người đẻ chứ đất không đẻ” đã kết, nhưng còn e đất lở! Công ty đã tạo niềm tin bằng cách cùng với thu hồi diện tích đất ở của dân, kết hợp đổ đá tôn cao thêm bờ bãi thành đất nền để bán. Quả là sành điệu. Ý đồ đó người dân làng Tằm biết, nhưng các cấp chính quyền chưa có cuộc họp nào để đối thoại với bà con dân làng, lắng nghe nguyện vọng tâm tư con cháu, chắt những bậc tiền bối có công khai khẩn để hòa giải, tìm ra tiếng nói chung, cho nên ngày 5.11 bà con tổ 8 đã gửi đơn khiếu nại có chữ ký của 37 hộ dân tới ông Bí thư Thành ủy thành phố Tuyên Quang. Theo ông Lâm cho biết đến hôm 17.11.2021, thành phố vẫn chưa có hồi âm, nên bà con rất bức xúc, không yên tâm gieo trồng vụ đông.
Là một người con của làng Tằm, được ân hưởng phúc lộc của đất nước, có cơ hội biết đó biết đây,  cũng chỉ mong cho đất nước, cho quê hương điều tốt đẹp, tránh lặp lại những tổn thất không đáng có. Viết những dòng này, tôi chỉ mong các cấp lãnh đạo của thành phố Tuyên Quang, của tỉnh xem xét lại cơ cấu khu dân cư làng Tằm, một cái làng bao đời nay gắn bó với cây lúa, cây ngô, cây đậu… những giống cây ấm dạ người. Thiết nghĩ làng Tằm hiện tại, nếu được đầu tư thêm cơ sở vật chất, như sân chơi thể thao, có thể thành khu du lịch sinh thái cho du khách đến trải nghiệm cấy lúa, vun ngô… vào mùa này thì cùng hộ nhà anh Tuyển, anh Luận bứt lá đào để kịp ra hoa đứng cữ tết, chẳng hấp dẫn và độc đáo lắm sao.
Làng Tằm đến hôm nay, vẫn còn đấy chiếc bể ươm tơ, hiện vật cuối cùng của biến thiên lịch sử, ở góc vườn đào nhà anh Tuyển và hơn thế là những người dân cẫn mẫn, quý trọng đất đai. Như nhà chị Tính đây, chị là gái làng Ỷ La về làm dâu nhà ông Hàm làng Tằm. Ông bà Hàm cũng là một trong những cư dân lên khẩn hoang nay đã quá cố, cơ ngơi của ông bà để lại cho vợ chồng chị Tính cai quản. Ngày đầu năm thấy máy xúc đất bỏ đi để làm nền đường, vốc lên nắm đất phù sa mát lẽm, chị Tính bàn với chồng thuê thợ làm ngoài giờ đổ đất tôn cao chân vườn bao năm bị xói mòn, tính ra mất dăm triệu, nhưng đậu quả chị trồng vụ này mới hái lứa thứ hai đã gần đủ tiền thuê máy đổ đất, mà vụ đậu còn mấy lứa nữa mới tàn. Nông dân biết làm ăn giỏi đấy chứ đâu.
Trộm vía, nếu làng Tằm mất hết đất canh tác thì tôi đâu còn luôn có quà của cô em dì, dù cả hai vợ chồng đã là công chức làm công ăn lương, nhưng ngày nghỉ vẫn chăm bẵm vườn tược do bố mẹ để lại, chi chút gửi về Thủ đô khi bó rau ngót xanh mướt mắt, khi chục trừng gà. Cái giống gà di ăn ngô bãi bồi phù sa lòng đỏ cứ đỏ au, hệt mặt trời sắp lặn xuống chân dãy núi Là bên kia dòng Lô…
Làng Tằm, 18/11/2021
Đoàn Thị Ký
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xóm nhà lá

Xóm nhà lá "Xóm Nhà Lá" trong cái lớp học của tôi ngày xưa, không có nghĩa để phân biệt sự giàu nghèo như thế giới của người lớn...