Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Lòng dạ đàn bà

Lòng dạ đàn bà

Ngày còn con gái chị nổi tiếng đẹp nhất làng Ngọ – một làng nhỏ nằm ở vùng chân núi trung du miền Bắc. Chị có làn da trắng mịn, trắng như những bông tuyết chắc vì thế mà bố mẹ đặt tên chị là Tuyết. Cả làng có một cái giếng thành cao không tới đầu gối người lớn, sát bên cây mít trăm tuổi. Chiều nào làm lụng về đám con gái đều í ới rủ nhau ra gánh nước. Giếng sát đường chính của làng nên ai cũng tiện ghé. Chiều nào đám con gái làng rửa chân rửa mặt rửa rau tép ở đó là đám trai làng đều kiếm cớ tạt qua múc nước uống, kéo nước hộ, trêu trọc người mình thích.
Giếng tháng hạ sâu hun hút, kéo được gầu nước mỏi soãi cơ tay mà ai cũng rạo rực hớn hở, anh nào cũng muốn kéo nước, gánh nước về nhà hộ chị. Hai mươi tuổi, chị  xin thầy mẹ cho đi thanh niên xung phong. Nhà có độc mụn con, mẹ chị vật vã lẫy cơm mất mấy ngày. Thầy ngồi hút thuốc lào đến tận khuya, chả nói chả rằng. Mẹ mỗi sáng vừa tết tóc cho chị vừa rủ rỉ: Em định thế mẹ biết là phải nhưng nhà ta neo chiếc hay là em nghĩ lại chứ em đi nhỡ có mệnh hệ gì thì bà nội và thầy mẹ chết mất. Chị ngó lơ lên ngọn khế. 2 năm trước làng vui gái trai rôm rả mùa cấy mùa gặt, giờ làng toàn ông lão, trẻ con, đàn bà. Người chị thương chẳng biết giờ ở chiến trường nào, còn hay mất, vài tháng làng lại có tin báo tử chiến sĩ. Người ấy và chị chưa nói một câu hẹn hò nhưng chị nguyện chỉ đợi người ấy. Chị ngó lơ lơ cây chanh hoa trắng bung biêng dưới nắng mai. Lá chuối quạt phần phật đêm trước ngày chị lên đường. Sáng sau, vừa tết tóc cho chị mẹ vừa khóc: Em có mệnh hệ gì mẹ chết mất. Chị nói: mẹ để con đi, con sẽ trở về, con hứa. Chị thấy tay mẹ run run trên những cọng tóc mềm óng, ngọn suôn chấm thắt lưng.
Hòa bình lặp lại chị trở về làng – ngôi làng nhỏ chỉ vài chục mái nhà sống bình yên dưới một thung lũng có những suối, lạch đôi bờ cỏ, hoa dại tốt um, cua cá nhiều vô kể. Biền biệt hơn 10 năm trở về, chị nằm trong số ít người may mắn. Mẹ chị mắt mờ, tay run chẳng còn thắt nổi tóc cho chị, mà tóc chị cũng chẳng còn những cọng tóc mềm óng, ngọn suôn chấm thắt lưng, giờ chỉ còn một nắm xác xơ, động lược vài đường là rụng xuống vo nhám lòng tay. Từ lâu lắm, từ đận ở rừng đến giờ chị sợ chải đầu. Mộ bà nội giữa đồng, cỏ hoa dại phủ um tùm. Mộ thầy sát bên, chồi lên bụi cây sim mùa lại mùa qua hoa nở hoa tàn tím rìm rịm. Mẹ chị dặn khi nào bà chết, nhớ trồng sát mộ bụi cây sim. Cuối năm đó bà đi, thanh thản trong vòng tay chị. Nhà người ấy đắp cho anh nấm mộ gió trong vườn. Mẹ người ấy xuống tóc vào chùa làng bên đã mấy năm. Chị ngại qua nhà anh, chị né con đường qua cổng nhà anh. Lần nào qua chị cũng khóc, khóc không cầm được và đêm ấy chỉ toàn ác mộng, chỉ toàn thấy anh ngực vỡ toang, mặt đầy máu, đờ đẫn với gọi Tuyết ơi, Tuyết ơi…
Huyện có quyết định đưa chị về làm cán bộ phụ nữ xã, xã có 6 làng, làng này cách làng kia cánh đồng, xã có đủ ban bệ nhưng mọi việc từ làng trên làng dưới không có việc gì mà không đến tay chị, từ việc trồng trọt chăn nuôi đến việc vợ chồng xô xát, con trẻ  đánh cãi nhau, góp công góp của làm công ích… Có kẻ xỏ xiên hỏi chị tại sao đã ngoài 30 mà không tìm lấy một đám, chiến tranh hết rồi, người ấy hy sinh rồi, việc làng việc xã lo cả đời sao mà hết được, những lúc đó chị chỉ cười cho qua chuyện. Tuổi chị, lứa bạn ở nhà đã có đứa sắp lên chức bà ngoại. Ngày nối ngày công việc tất bật, nhưng mỗi buổi tối trở về chị cứ ngồi trước gương khóc, chị thấy mắt mình đang mờ dần, tóc đang rụng nhiều hơn. Ngày ở rừng Trường Sơn mấy chị em không ai mà không thèm thuồng có được mái tóc vừa dài vừa suôn của chị, cả đội tìm bồ kết rừng, hoa, lá thơm vò ủ gội cho chị, ngắm nghía, nâng niu như tài sản chung, vậy mà giờ đây mỗi lần đi đâu chị phải đội chiếc mũ vải tự khâu, cuốn cái khăn xoa vừa để che những để vùng da đầu hở lộ vừa bảo vệ những sợi tóc còn lại. Chị không thích đêm, bởi vì đêm xuống chị chỉ còn lại một mình, nỗi cô đơn bao trùm căn buồng chật. Và ở thung lũng này dường như đêm dài hơn ngày, bình minh rất muộn, 8 giờ mới thấy mặt trời đến, 4 giờ chiều hoàng hôn đã buông trùm. Chị cố ngắm nhìn mình vì chị sợ mai mốt không còn nhìn thấy chính mình được nữa, mắt đang mờ dần mỗi ngày. Nhiều đêm chị ao ước có một gia đình hạnh phúc như bao người đàn bà bình thường nhưng rồi nghĩ đến những vết tích trên thân thể mình, nghĩ đến chất độc hóa học trong lục phủ ngũ tạng đang hành hạ chị mỗi giây phút, lòng chị chùng khựng. Chị không muốn ai cùng chịu khổ với đời chị quãng còn lại.
Tháng ngày dần trôi. Chị không còn thấy những tia nắng ít ỏi chiếu xuống ngôi làng của mình nữa, trên đầu phải quấn khăn như tu sĩ. Chị làm việc nhiều hơn, người trong làng nói rằng chị làm cho quên bớt nỗi đau, nỗi cô quạnh. Họ khâm phục chị một nữ cựu chiến binh “tàn mà không phế”. Chị có thể đi hết nhà này đến nhà khác vận động bà con mà không cần ai dẫn đi. Hôm nào làng xa chị đi chung xe đạp với mấy chị cùng hội, gần gần chị dò gậy đi. Người ta khen chị tài, chị cười cười thủng thẳng con đường làng này có bao nhiêu cái ổ gà có bao nhiêu cái ngõ, có bao nhiêu mùi hương chị đều tỏ. Chị đi bằng linh cảm.
Một chiều, chủ tịch xã gọi chị lên thông báo huyện vừa xét xây cho chị một nhà nghĩa tình đồng đội. Cả làng xôn xao ai cũng mừng, ai cũng muốn chị có căn nhà mới vững chãi thay cho cái nhà ọp ẹp chị đang ở, vì xét về chiến công thì chị là người có nhiều thành tích nhất. Nhưng chị nói với lãnh đạo xã chị chỉ có một mình ở sao cũng được, chưa cần thiết phải xây bây giờ, để suất đó cho gia đình cô Châu có chồng hy sinh, một mình nuôi 2 con nhỏ. Sau khi nghe chị trình bày xã đồng ý, chủ tịch giao cho hội phụ nữ mà trực tiếp là chị lo lắng việc xây nhà cho chị Châu.
Chị quen anh từ cuộc đó, việc xây dựng khiến chị đi lại nhiều với anh chủ thầu tóc xoăn, dáng thư sinh, nói năng nhẹ nhàng. Người trong làng bắt đầu xì xào. Anh là một thợ xây có nghề trên phố huyện, cả mấy xã đều biết tiếng, cứ xây nhà là tìm mướn anh bằng được. Người đâu mà dễ tin, dễ mến, nhìn chả giống dân thợ vôi vữa gạch ngói, lúc nào cũng thanh cảnh, lịch thiệp. Đám thợ của anh cũng thế, nề nếp, chu đáo nổi tiếng xã trong xã ngoài. Anh đã có gia đình, hai con gái đã biết đi chợ theo mẹ. Vợ anh bán thịt lợn trong chợ phố huyện. Chị thích nghe giọng anh, nghe riết nghiền, nhiều đêm cố không nghĩ về anh. Đêm rất dài. Căn buồng chật chội nghe tiếng trở mình, thở nhọc của chị. Mấy đêm nay, chị lầm rầm ước có một đứa con.
Một chiều mưa, anh chở chị đi thanh toán tiền vật liệu. Khi quay về trời đã tối, mưa càng lúc càng lớn hạt, anh ngược mưa đạp xe, chốc chốc quay lại hỏi chị lạnh không, ướt không, đói không?. Chị ước gì đường dài hơn, nhà xa hơn. Anh mở cửa, đốt đèn, hai con người ngồi lặng lẽ, chị cố nén thở, lồng ngực chị như muốn vỡ bung, chị giơ tay vuốt ngực, nấc nấc, giật giật. Anh chạy đến bên chị hốt hoảng, bàn tay chị lạnh giá nằm gọn trong tay anh nóng hổi, cả ăn phòng chỉ còn nghe tiếng muỗi vo ve, tiếng thở gấp, tiếng kẽo kẹt của những thanh giường chưa bao giờ phải chịu sức nặng của hai người.
Căn nhà nghĩa tình xây xong cho chị Châu và đám con. Cả làng hớn hở góp gạo, góp gà vịt liên hoan tưng bừng. Chị âm thầm hạnh phúc vì sắp được làm mẹ. Cái bụng lớn dần, chị chẳng giấu che, mấy chị bạn thân trên huyện bảo cứ phải vênh lên, đấy là quyền của một người đàn bà, chị càng được quyền đấy. Đứa nào gièm pha xé nát mồm chúng ra, lũ thất đức. Chúng nó cứ gừm gừ những kẻ bêu xấu chị làm cán bộ mà chửa hoang. Bụng chửa vượt mặt chị vẫn nhờ người chở lên huyện bảo lãnh cho mấy hộ nghèo vay vốn sản xuất chăn nuôi, trong số ấy có đứa nói xấu chị nhem nhẻm. Chị âm thầm đi qua tháng ngày đặc biệt của đời mình, âm thầm nuốt hết vào lòng những chê bai, dè bỉu, thương cảm của nhân gian. Căn buồng chật chội đêm đêm lầm rầm tiếng trò chuyện, tiếng cười nựng khẽ khẽ.
Ngày chị sinh, người cân gạo nếp, người chục trứng gà, căn nhà nhỏ tấp nập người đến đi, oa oa tiếng trẻ, những xuýt xoa trầm trồ đứa bé kháu khỉnh, tiếng mắng yêu, gọi nựng. Thằng con của chị lớn lên trong sự bảo bọc của cả làng, chị đặt tiên nó là Tâm. Thằng con trai chị càng lớn càng đẹp, nước da trắng như da mẹ, đôi mắt giống hệt bố, tóc quăn dợn sóng đen nhánh. Cả làng biết bố nó là ai. Cả làng giờ thương chị. Bây giờ chị không còn buồn vào những buổi tối, thằng Tâm biết lật, lẫy, bò, nhổm rồi đi, bi ba bi bô gọi mẹ mẹ, nói cười ầm nhà, đêm đêm chị sờ mặt con để tưởng tượng khuôn mặt của nó, mắt chị không thấy nhưng trái tim chị thì thấy con rất rõ, Châu bảo nó đẹp lắm, nó giống anh như tạc, chị cứ ôm con riết vào lòng ngỡ mình đang mơ.
Anh không giữ nổi lời hứa với chị đêm ấy, từ khi biết tin chị sinh con, anh đã không muốn giữ lời hứa ấy. Một chiều, anh tìm đến căn nhà ọp ẹp, anh nhìn căn buồng chật chội nơi anh đã ngủ lại một đêm mưa lớn. Anh đứng lặng nhìn thằng bé môi đỏ tóc quăn dợn sóng đang cười như nắc nẻ dưới trận mưa hôn của mẹ. Nó giống anh quá. Chị như linh cảm được có người lạ đứng trước cửa, chị buông thằng bé quờ quạng ra phía cửa. Anh chạy tới ôm chị vào lòng. Họ khóc – những giọt nước mắt của khổ đau, mãn nguyện, day dứt.
Một chiều, vợ anh hay chuyện. Chị con gái cả một nhà buôn bán lớn ở chợ huyện, cao to rắn chắc, tay dao tay thớt thoăn thoắt, cười nói rổn rảng, khắp vùng này ai chả nể tiếng Lâm thịt lợn. Hai đứa con gái của anh cũng phong phanh chuyện bố có con riêng ở xã dưới. Khi nghe báo anh có vợ bé, chị giận điên cuồng, mặt đỏ bừng bừng chém mạnh con dao chặt xương sắc lẹm xuống thớt, chị gọi thêm hai cô em họ kéo nhau đi. Hỏi dò mãi cũng đến được ngôi nhà nằm ẩn mình giữa vườn chuối. Cái cổng xô xệch, lối vào cúc vàng nở thơm nồng nồng, chị ra hiệu cho lũ em họ dừng lại. Chị ngó người phụ nữ đang quờ quạng quanh đứa con, vừa nịnh vừa dò đút từng thìa đút cháo vào miệng con, lòng chị mềm lại. Chị đứng trước mặt người đàn bà gầy gò, đầu bịt khăn như tu sĩ, hai tròng mắt nâu mở to vô hồn. Chị lại gần thằng bé, tim thắt từng cơn, trời ơi, nó giống anh quá. Chị lại gần hơn để quan sát kỹ người đàn bà mù đang ngồi trước mặt. Chị như hoá đá khi thấy tình địch không hề hay biết sự xuất hiện của kẻ lạ, bình thản quờ quạng kéo giữ con vừa dỗ dành vừa cố đút thìa cháo vào miệng đứa bé. Lòng chị thon thót. Chị cầm tay tình địch và khóc. Hai người đàn bà ngồi bên nhau sùi sụt quên thời gian.
Một chiều, người làng thấy chị Lâm thịt heo chở mẹ con chị Tuyết mù lên phố huyện. Một chiều, người làng lại thấy chị Lâm thịt heo chở mẹ con chị Tuyết mù từ phố huyện về làng. Họ vừa đi vừa nói cười, thằng cu con ngồi ghế trước cũng toét miệng cười. Người viết truyện này, một chiều ghé sang nhà chị Tuyết vay gạo, đúng ngay khi chị Lâm mang thịt, sữa xuống cho thằng cu Tâm. Ngồi đợi ngoài thềm, tôi nghe họ chuyện, chị Lâm bảo “ thỉnh thoảng em để chị đưa con lên nhà chơi cho chúng biết chị biết em mà thương nhau, sau này nó lớn phải cho lên huyện học hành. Phải lo cho nó đàng hoàng. Đời em khổ mãi rồi, đời nó không thể khổ lây được. Còn có chị đây”. Tôi ngó vào, thấy chị Tuyết ngồi lặng nghe như nuốt những lời vợ anh nói, chị lần tìm và nắm chặt tay người đàn bà đã chia sẻ cho chị một phần hạnh phúc của mình nước mắt lã chã. Chị lắp bắp mãi cũng chỉ thốt được vài tiếng “chị ơi …chị …ơi, chị thương mẹ con em, em có tội với chị”. Tôi thấy họ ôm nhau. Hai người đàn bà bên nhau sùi sụt khóc quên thời gian. Thằng cu Tâm ngồi bệt dưới chân hai mẹ nó mải chơi với con ngựa gỗ và sợi dây. Chơi chán, nó sà vào lòng mẹ Tuyết rồi lại chạy sang sà vào lòng mẹ Lâm. Tôi ngồi ôm cái rá không nghĩ ngợi mông lung, hoàng hôm trùm lên khu vườn chuối ở giữa có căn nhà nhỏ ọp ẹp của người đàn bà mù và thằng cu tên Tâm mà đến tận giờ kí ức của tôi vẫn nhắc nhớ. Và cả lòng dạ một người đàn bà tôi vẫn nhớ tên.
Pleiku, 6/2/2017
Hoàng Thanh Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...