Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

"Thập tải phong trần" và tư tưởng nhân văn trong những bài thơ chữ Hán viết về người đẹp tài hoa của Nguyễn Du

"Thập tải phong trần" và tư tưởng nhân văn
trong những bài thơ chữ Hán viết về
người đẹp tài hoa của Nguyễn Du

Trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Du, bên cạnh tuyệt tác Truyện Kiều, thơ chữ Hán của ông cũng luôn có sức “vẫy gọi” người đọc bởi giá trị nhân văn đặc sắc. Nguyễn Du – một nhà Nho dù sống trong sự kiềm tỏa ráo riết của tư tưởng phong kiến, nhưng bằng sự tinh tế của một tâm hồn thấu đến “sáu cõi hồng trần” đã thấu hiểu và cảm thương sâu sắc thân phận đàn bà và đặc biệt những “khách má hồng” vốn tài hoa, xinh đẹp nhưng chịu bao nỗi truân chuyên…
1. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc Hà nêu danh phù Lê diệt Trịnh, nhiều trí thức phong kiến không hợp tác với Tây Sơn và trốn chạy, lưu lạc khắp nơi. Nguyễn Du là một trong số những người dám dấn thân bởi hai chữ “trung quân” và ông đã chấp nhận một cuộc sống “lưu đày” trên chính quê hương vợ – miền đất Hải An (tỉnhThái Bình) nghèo khó nhưng nặng nghĩa sâu tình. Trong niên biểu cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du, mốc thời gian Nguyễn Du ở Thái Bình (từ 1786 – 1796) được nhiều nhà nghiên cứu coi là giai đoạn “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi) của Đại thi hào. Sở dĩ nói như vậy bởi đây là một chặng đường Nguyễn Du phải sống nơi quê người với cuộc sống đau bệnh, khó khăn, khắc khoải âu lo thời loạn lạc. Nhiều bài thơ trong Thanh hiên thi tập (U cư – bài 1; U cư – bài 2; Thu chí; Tự thán…) cho thấy rõ bi kịch nội tâm của một trí thức phong kiến đầy hoài bão nhưng do thời cuộc đổi thay, phải sống nhốt mình trong chốn “U cư” nhàm chán, vô vị: “Thập tải phong trần khứ quốc xa, Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia. Trường đồ nhật mộ tân du thiểu, Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa…” (U Cư – Bài 1) Dịch:  “Mười năm gió bụi quê xa/ Phơ phơ tóc trắng nương nhà của ai/ Trời chiều bạn ít đường dài/ Mùa xuân bệnh cũ rét cài một gian…” (Ở nơi vắng vẻ – Bài 1);  Hình ảnh một nhà nho buồn chán vì bế tắc không làm gì được cho mình, cho đời trở đi trở lại nhiều lần: “…Trù trướng lưu quang thôi bạch phát, Nhất sinh u tứ vị tằng khai.” (Thu Chí) Dịch: “Buồn ngày trôi tóc bạc phơ/ Một đời ngẫm nghĩ bao giờ gỡ ra.” (Mùa thu đến); Và Nguyễn Du cũng hay than trách cho sự nghiệp của mình còn long đong hoặc cho rằng những khó khăn mình đang chịu đựng là do trời đất phú cho: “Sinh vị thành danh thân dĩ suy, …Thiên địa dữ nhân truân cốt tướng.” (Tự Thán – Bài 1).
Từ những áng văn chương ký thác niềm tâm sự của Nguyễn Du, chúng ta thấy rõ “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi) trên đất Thái Bình là giai đoạn mà cuộc đời ông chịu nhiều cơ cực, dằn vặt cay đắng… “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” (Truyện Kiều) đã thấm sâu trong tiềm thức Nguyễn Du, và phải chăng lớp lớp những “ẩn ức” đã làm nên “dự phóng” sáng tạo nghệ thuật sau này của Đại thi hào? Và đây cũng chính là vấn đề cần luận giải rõ để bạn đọc văn chương nhiều thế hệ hiểu hơn vì sao Nguyễn Du – một Con Người tài hoa, sinh ra và được nuôi dưỡng trong bầu khí quyển của giai cấp quý tộc phong kiến, từng sống cuộc đời phong lưu công tử ở chốn đế đô Thăng Long lại có thể để lại cho đời sau nhiều trang văn thấm đẫm yêu thương, nhân ái, trân trọng với những kiếp người hèn mọn, đặc biệt là những người đẹp, tài hoa,nhưng yếm thế, bị vùi dập tàn bạo bởi nhiều bất công phi lý của xã hội.
Bài viết này chúng tôi tập trung luận giải vấn đề tư tưởng nhân văn trong những bài thơ chữ Hán viết về người đẹp tài hoa nhưng “phận mỏng” của Nguyễn Du để từ đó phần nào thấy cuộc đời phức tạp sóng gió, đặc biệt là “thập tải phong trần” (mười năm gió bụi) trải nghiệm nhiều đau khổ của Nguyễn Du là cơ sở quan trọng, giúp bút lực Nguyễn Du thêm sắc sảo và để lại cho hậu thế những thi phẩm độc đáo với giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, đồng hành cùng bao thế hệ bạn đọc qua năm tháng…
2. Khảo sát thơ chữ Hán của Nguyễn Du, ta thấy số lượng bài viết về đề tài phụ nữ không nhiều và số bài viết về người phụ nữ vừa đẹp, vừa tài lại càng ít hơn. Trong tổng số 250 bài chỉ có khoảng 5 bài nhắc đến phụ nữ. Họ có thể là một bà phi, một cô hầu, một cô bé ngây thơ hay một kỹ nữ… Tuy hình ảnh người phụ nữ xinh đẹp, tài hoa xuất hiện trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du không nhiều nhưng sự xuất hiện của họ để lại ấn tượng và sự ám ảnh khôn nguôi trong lòng người đọc. Đó là nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh ký, là cô Cầm trong Long Thành Cầm giả ca, là người ca nữ đất La Thành trong Điếu La Thành ca giả.
Chúng tôi đồng ý với ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những thi phẩm bộc lộ rõ nỗi thương xót chân thành của tác giả về kiếp người bất hạnh, nhất là những phụ nữ khổ đau, bị vùi dập trong xã hội phong kiến. Song, ở những bài thơ trên theo chúng tôi còn ẩn chứa nhiều thông điệp nghệ thuật mang giá trị nhân văn sâu sắc.     Không dừng lại ở chỗ chỉ miêu tả, than vãn, thương cảm cho hoàn cảnh sầu thảm, bi đát, khốn cùng của những người phụ nữ đẹp, tài hoa hơn người mà đồng thời với việc tái hiện bi kịch cuộc đời của họ Nguyễn Du luôn bộc lộ thái độ trân trọng, nâng niu nhan sắc và tài năng của người phụ nữ. Trong thi phẩm của Nguyễn Du người đọc hôm nay có thể nhận thấy ông luôn đề cao vấn đề dân chủ, bình đẳng đối với phái đẹp. Phải chăng vì thế, những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du viết về người đẹp là những bài thơ hay nhất trong di sản thơ chữ Hán của ông. Bởi mỗi bài thơ đều lắng sâu những suy tư, trăn trở của Thi nhân về thân phận con người bị đọa đầy trong một xã hội mà mọi giá trị đều bị đảo lộn.
Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta thấy nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh ký,  cô Cầm trong Long Thành Cầm giả ca, người ca nữ không tên đất La Thành trong Điếu La Thành ca giả mỗi người mang một vẻ đẹp khác nhau. Chỉ qua một vài nét chấm phá, vẻ đẹp ngoại hình của những người phụ nữ trong thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện lên thật quyến rũ. Đó là vẻ đẹp phong nhã, kiêu sa, trong sáng ở cô Cầm đang độ tuổi hoa niên:
Áo hồng ánh lên mặt hoa đào/ Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương
(Long Thành Cầm giả ca)
Hay vẻ đẹp vừa e ấp, vừa rực rỡ, cuốn hút, rung động lòng người ở người ca nữ La Thành
Như cánh hoa thắm từ cõi tiên xuống/ Sắc đẹp uyển chuyển làm rung động cả sáu thành.
(Điếu La Thành ca giả)
 Còn nàng Tiểu Thanh, Nguyễn Du chỉ nhắc đến hình ảnh “Tây hồ hoa uyển” cũng làm người đọc mấy trăm năm sau xúc động, nhớ đến một vẻ đẹp phong lưu, ngọc ngà, kiều diễm được lưu truyền trong dân gian như huyền thoại. Thế nhưng những người phụ nữ tài hoa ấy có khi nào được sống hạnh phúc (!)
Có một vấn đề gần như là quy luật của muôn đời của cuộc sống đó là người đàn bà đẹp thường hay gặp gian truân, thiếu may mắn. Vì vậy, đã xuất hiện trong nhân gian những cụm từ “hồng nhan đa truân”, “hồng nhân đa đoan”,  “hồng nhan bạc mệnh”…điều này  như một tâm thức hiện sinh ám ảnh biết bao người, nhất là đối với phụ nữ.  Người đẹp đã thế, người đẹp mà tài hoa còn bị kịch hơn nhiều…Trong xã hội xưa họ bị lệ thuộc vào người khác theo những nguyên tắc lễ giáo khắc nghiệt đến phi lý của tư tưởng Nho giáo: “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”; người phụ nữ hoàn toàn không chủ động được cuộc sống của mình, họ không có quyền lựa chọn cho mình cách sống, cách ứng xử, hay thậm chí là không có quyền làm chủ thân xác và tâm hồn của mình. Nhiều khi nhan sắc của phụ nữ bị biến thành một trò mua vui, một thứ tiêu khiển của những kẻ lắm tiền nhiều của hay một phương tiện để mua quan bán tước của những kẻ có quyền hành trong xã hội. Thế nên, những người phụ nữ đẹp, tài hoa đã trở thành một lớp người đặc biệt trong xã hội. Họ được gọi là đào nương, ả đào, cô đào (điều này lý giải vì sao những người đẹp trong các tác phẩm của Nguyễn Du và một số tác giả khác đa số đều là kỹ nữ). Trong khi xã hội coi khinh vai trò của người phụ nữ, nhất là những mỹ nhân thì Nguyễn Du đã cảm nhận nhan sắc của những người phụ nữ mà ông tình cờ gặp gỡ trong cuộc đời với một tấm lòng trân trọng, nâng niu. Những phụ nữ mà Thi nhân không hề quen biết đã lưu lại trong cảm thức của ông những nét đẹp độc đáo – đó là vẻ đẹp thiên phú mà không phải ai cũng có. Khác với nhiều nhà nho trong xã hội đương thời, Nguyễn Du không coi vẻ ngoài của phụ nữ là thứ mua vui, tiêu khiển, ông coi nhan sắc  của người phụ nữ như là một giá trị, một nhân vị. Vì vậy, vẻ đẹp của họ qua cảm thức của Nguyễn Du  thêm phần lung linh lộng lẫy. Điều đó xuất phát từ sự trân trọng, ngưỡng mộ và cảm thông của ông đối với những mỹ nhân, tài hoa nhưng “phận mỏng”. Qua cách đặc tả của Nguyễn Du, chúng ta nhận thấy ông coi nhan sắc của những người phụ nữ như sự kết tinh của văn hóa – họ là những mỹ nhân mang vẻ đẹp bí ẩn, thấm đẫm hồn cốt văn hóa phương Đông: vừa e ấp, dịu dàng vừa rực rỡ, cuốn hút, quyến rũ đến mê hồn (Quan niệm này nhất quán trong tất cả các sáng tác cả chữ Nôm và chữ Hán của Nguyễn Du mà Truyện Kiều là đỉnh cao nhất – C.T.H).
Dù Nguyễn Du hiểu chính ông cũng rơi vào cảnh ngộ “lực bất tòng tâm”, không thể làm gì để giúp những kẻ “hồng nhan” tránh được kết cục “bạc phận” nhưng như một lẽ tự nhiên, sức mạnh của tình yêu thương vô hạn đối với con người vốn thường trực trong ông đã giúp ông vượt qua trường thành kiên cố, nghiệt ngã của hệ hình tư tưởng phong kiến. Thi nhân đã bày tỏ thiện chí, thể hiện thái độ vô cùng trân trọng nâng niu vẻ đẹp mong manh của những kẻ hồng nhan, dẫu họ chỉ là những người thuộc tầng lớp “dưới đáy” của xã hội, là những kiếp người hẩm hiu, thấp cổ, bé họng, luôn bị đọa đày, khinh rẻ. Và qua mấy trăm năm đã minh định: với cảm quan thẩm mỹ tinh tế, với trái tim nghệ sĩ đa tình Nguyễn Du đã thành công trong việc bất tử hóa cái Đẹp bằng nghệ thuật. Vẻ duyên dáng, kiêu sa, quyến rũ mê hồn của cô Cầm, nàng Tiểu Thanh, và ca nương đất La Thành… mãi mãi được tôn vinh trong tâm thức văn hóa của nhiều thế hệ bạn đọc khi tiếp nhận thơ Nguyễn Du. Bởi lẽ muôn đời nay, trong sự phát triển của nhân loại, ở những xã hội mà tư tưởng nhân văn được đề cao thì đối với phụ nữ, nhan sắc bao giờ cũng là một trong những giá trị quan trọng nhất, là thứ “của cải” tinh thần quý giá, nó không chỉ là niềm hãnh diện, tự hào mà còn là cội nguồn mang đến sức mạnh, sự tự tin để phụ nữ luôn được sống là chính mình, khẳng định mình trên hành trình  hướng đến chân trời ánh sáng văn minh, tiến bộ của nhân loại.
Song, những người phụ nữ chúng ta bắt gặp trong thơ Nguyễn Du không chỉ đẹp ở ngoại hình, họ còn là những phụ nữ mang vẻ đẹp nội tâm, là những người thực sự có tài năng nghệ thuật. Mỗi người có một tài riêng: Tiểu Thanh có tài thơ, cô Cầm có tài đàn, cô gái đất La Thành có tài ca hát. Và đặc biệt, tài năng của những người phụ nữ này trong cái nhìn của Nguyễn Du luôn là tài năng xuất sắc hơn người. Câu danh ngôn  “Sự thông minh và tinh tế ở người đàn bà là thứ nhan sắc không bao giờ tàn phai”, có lẽ rất xứng đáng dành tặng cho những người đẹp trong thi phẩm của Nguyễn Du.
Xưa nay, khi bàn về trước tác của Nguyễn Du, nhiều học giả cho rằng chính những bài thơ chữ Hán của Thi nhân đã cho hậu thế thấy phần sâu kín nhất trong tâm tư tình cảm của ông. Chúng tôi cho rằng nhận xét trên là hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên xem xét những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du về đề tài người đẹp, thiết nghĩ cần phải bàn rộng thêm một số giá trị khác như bên cạnh tiếng lòng xót thương thân phận người phụ nữ thì tiếng nói thể hiện quan niệm về quyền dân chủ, bình đẳng cho họ đã hiện diện trong thơ Nguyễn Du như thế nào?
Bài thơ Độc Tiểu Thanh ký của Nguyễn Du từng gây ra nhiều tranh luận nhất là về vấn đề tư liệu và hướng nghiên cứu. Để  hiểu bài thơ này người đọc thường phải gắn nó cùng câu chuyện như một huyền thoại về cuộc đời của một giai nhân họ Phùng tên Tiểu Thanh mà chúng ta đã từng biết. Như vậy, khác với cô Cầm và ca nữ đất La Thành là những người sống cùng thời, Nguyễn Du từng gặp đó đây trên mọi nẻo đường, Tiểu Thanh là người đẹp mà Nguyễn Du chỉ được ngưỡng vọng qua trang sách. Ở đây không nên quá quan trọng việc xem xét Tiểu Thanh có thật hay không có thật, sống trước Nguyễn Du ba trăm năm hay mấy trăm năm như nhiều người đã tranh luận, theo tôi bi kịch của nàng Tiểu Thanh chỉ là cái cớ nghệ thuật để Nguyễn Du giãi bày quan điểm của ông về kiếp người mong manh trong cõi trần ai đầy bất trắc, nhất là thân phận của những người phụ nữ vừa có nhan sắc vừa có  tài năng. Nguyễn Du tưởng nhớ Tiểu Thanh và ngưỡng mộ nàng là bởi nàng đoan trang, kiều diễm, cao quý, ngọc ngà, nhưng hơn hết còn bởi nàng là một phụ nữ thông minh, thơ phú tài hoa, tâm hồn phong phú. Di cảo thơ của nàng còn sót lại như tiếng vọng xa xăm kể về câu chuyện bi thương của cuộc đời nàng. Thương tiếc Tiểu Thanh, xót xa cho nỗi oan khổ của nàng, Nguyễn Du đã thốt lên:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kỳ oan ngã tự cư
dịch nghĩa: Những mối hận cổ kim, khó mà hỏi trời được. Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã (Vũ Tam Tập dịch).
Nguyễn Du tự coi nàng Tiểu Thanh là người cùng “một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng”.  Chưa dám bàn đến vấn đề Nguyễn Du đấu tranh vì quyền dân chủ, tự do, bình đẳng cho phụ nữ nhưng rõ ràng ở đây sự cảm thông, chia sẻ với nỗi đau khổ, oan trái mà người phụ nữ tài hoa, xinh đẹp phải gánh chịu đã đạt đến độ kết tinh sâu sắc về tư tưởng: đó là tư tưởng nam nữ bình đẳng, bình quyền. Không hề ngần ngại trước quan niệm “nam tôn nữ ti”, Tố Như tiên sinh đã nâng đỡ Tiểu Thanh – một phụ nữ yếu đuối, bất hạnh lên ngang bằng với chính mình, coi Tiểu Thanh như người tri âm, tri kỷ, đồng điệu với mình. Nguyễn Du –  đường đường một đấng nam nhi và hơn nữa lại là một quan chức sống trong xã hội bị bao phủ nặng nề bởi quan niệm trọng nam khinh nữ, khẩu hiệu “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” được đề cao như lẽ đương nhiên, vậy mà ông đã có một ứng xử trái ngược với “đám đông” đương thời. Ông đã dám vượt ra / lên khỏi hệ thống tư tưởng nho giáo để làm một cuộc cách mạng trong tư tưởng của mình, một cuộc cách mạng như một lựa chọn hiện sinh mà Thúy Kiều là một biểu tượng đẹp đẽ của sự chọn lựa ấy… Có lẽ hơn ai hết, xuất phát từ chính sự nghiệm sinh của cuộc đời cô độc đầy ưu tư dằn vặt của mình, Nguyễn Du thấm thía sâu sắc nỗi đau trước những bất công, phi lý luôn xảy ra với những kẻ hiền tài mà ông đã xót xa xác quyết trong Truyện Kiều bất hủ: “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Và với phụ nữ tài hoa mà bất hạnh, tôi đồ rằng trái tim đầy yêu thương, nhạy cảm của Nguyễn Du đã đau đớn vô cùng khi ông thấu hiểu về Tiểu Thanh và tấn bi kịch của đời nàng. Thi nhân đã lấy nỗi đau của mình để thấu hiểu nỗi đau của người, coi nỗi đau của người như nỗi đau của mình. Với ông, phụ nữ nhan sắc, trí tuệ, tài năng, phẩm hạnh… được coi như một cá thể hiện hữu. Họ không phải chỉ là chiếc xương sườn của A Đam như người đời thường nghĩ. Khát vọng, ước mơ về sự bình đẳng, bình quyền, tự do, dân chủ cho phụ nữ và vì sự phát triển của phụ nữ cho đến hôm nay vẫn luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của nhân loại… Xuất phát từ bi kịch của nàng Tiểu Thanh để suy ngẫm và bộc bạch quan điểm của bản thân về thế thái nhân tình, quên mình để nghĩ cho người phải chăng đó chính là hồn cốt làm nên hệ giá trị nhân văn sâu sắc trong sự nghiệp lớn lao của Nguyễn Du. Cho nên hai câu cuối của bài thơ vẫn là sự tiếp nối dòng cảm hứng đau đáu khát vọng của Thi nhân:
Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Đã có nhiều người khi bàn về hai câu kết trên cho rằng Nguyễn Du đã thương khóc nàng Tiểu Thanh, người sống cách ông ba trăm năm trước và ông cũng chờ mong sau mấy trăm năm có người lại khóc ông như thế. Những theo tôi, có lẽ trái tim nhân hậu bao dung, vị tha, giàu lòng trắc ẩn của một nghệ sĩ lớn như Nguyễn Du không thể dừng lại ở chỗ chỉ âu lo, băn khoăn về sự lưu danh thiên cổ cho riêng mình. Trong tột cùng của nỗi cô độc, không tìm đâu người tri âm, tri kỷ, Nguyễn Du hướng đến một dự báo: Mai sau liệu có ai là người khóc cùng ông những điều đáng khóc? Khóc cùng ông nỗi đau về thế thái nhân tình? Khóc cùng ông về những đau khổ bất công, đọa đày phi lý mà con người (đặc biệt là những giai nhân yếu đuối, mong manh, xinh đẹp, tài hoa như nàng Tiểu Thanh, hay những thi nhân một đời chỉ biết sáng tạo và trân quí cái đẹp như ông) phải gánh chịu? Tại sao một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, tài hoa như Tiểu Thanh lại phải chết oan ức đến vậy!?
Với ý nghĩa ấy, thông điệp mà bài thơ “Độc Tiểu Thanh ký” của Nguyễn Du ký thác cho đời sau có thể coi là một thông điệp vươn đến tầm tư tưởng nhân văn sâu sắc của nhân loại. Nguyễn Du đã đề cập đến vấn đề mà cả nhân loại đã, đang và sẽ tiếp tục luận bàn, đó là: quyền được làm vợ, được hưởng cuộc sống hạnh phúc không bị trói buộc, lệ thuộc vào đàn ông và quyền được bình đẳng, dân chủ, tự do trong mọi sáng tạo dành cho người phụ nữ.
Nếu qua số phận bi kịch của người đẹp Tiểu Thanh, bên cạnh tiếng kêu thương cho số phận bất hạnh của nàng, Nguyễn Du hé lộ cho chúng ta thấy tiếng nói khát khao về quyền bình đẳng, tự do, dân chủ và hạnh phúc cho người phụ nữ thì trong Long Thành Cầm giả ca, và Điếu La Thành ca giả ông lại có một góc nhìn khác về nhân vị của người những người đẹp, có tài năng hơn người.
Khác với Tiểu Thanh, cô Cầm và người ca nữ đất La Thành là những kỹ nữ. Trong quan niệm của xã hội, loại người này bị coi là “xướng ca vô loài”, luôn hứng chịu những thiệt thòi, bị xem thường, khinh miệt, coi rẻ. Song trong con mắt của Nguyễn Du, họ là những nghệ sĩ tài hoa điêu luyện chứ không phải đơn thuần chỉ là những kẻ mua vui cho thiên hạ.
Trong lần đầu gặp gỡ tình cờ nhưng Nguyễn Du đã nhận ra “chất ngọc” của  người đẹp đất Long thành, ông trân trọng ví cô như  “báu vật vô giá đất Trường An”:
Riêng thạo đàn Nguyễn/ Người trong thành bèn lấy chữ Cầm mà đặt tên/ Nàng học được khúc Cung Phụng trong cung tiền triều/ Đó là những khúc đàn hay nhất trời đất.
(Long Thành Cầm giả ca)
Nguyễn Du đã đặc tả một cách tài tình ngón đàn tuyệt diệu của kỹ nữ Long Thành trong một đêm tiệc lớn của các tướng lĩnh Tây Sơn. Tiếng đàn của nàng là sự tuyệt vời nơi thượng giới cũng như trong chốn nhân gian:
Khoan như gió nhẹ lướt qua rừng thông/ Trong như tiếng hạc kêu nơi xa xăm
Mạnh như tiếng sét đánh vào bia Tiến Phúc vỡ tan/ Buồn như tiếng rên của Trang Tích, ốm nhưng giọng quê vẫn không quên
(Long Thành cầm giả ca)
Trong cảm thức của Nguyễn Du, đây là tiếng đàn độc đáo, nó là sự kết tinh của trí tuệ mẫn tiệp tuyệt vời và tâm hồn phong phú, tiếng đàn lắng đọng bao cung bậc thăng trầm của cảm xúc diệu kỳ, vừa tinh tế, vừa da diết nồng nàn, vừa bay bổng thiết tha. Chính vì tiếng đàn “tuyệt kỹ” như vậy nên nó mê hoặc lòng người, có sức quyến rũ lạ thường khiến cho:
Các quan Tây Sơn trong tiệc đều ngả nghiêng/ Vui không biết chán thâu đêm/ Bên này bên kia tranh nhau khen thưởng/ Tiền bạc quăng ra như đất bùn/ Hào hoa lấn át cả công hầu/ Bọn trẻ Ngũ Lăng có đáng kể vào đâu
(Long Thành cầm giả ca)
Nàng Cầm được những người Tây Sơn quí trọng, hâm mộ chính là nhờ tài đàn những bản nhạc “hay nhất ở trên trời cũng như giữa cõi người”. Ngón đàn ấy không tàn phai theo năm tháng. Nó luôn trường tồn. Nhưng không phải lúc nào cũng có những khách tri âm hiểu và trân trọng. Nguyễn Du đau lòng “bồi hồi không yên, ngẩng lên, cúi xuống, ngậm ngùi cho cảnh xưa và nay” là vì vậy!? Trong âm vang lời thơ chúng ta như thấy vọng lại muôn câu hỏi nhức nhối xung quanh số phận hẩm hiu của người kỹ nữ. Nguyễn Du nhận thấy những người phụ nữ xinh đẹp, có tâm hồn tinh tế như cô Cầm, đã dâng tặng cho cuộc sống tiếng đàn điêu luyện, mê hồn – kết tinh những giá trị tinh thần cao khiết, họ kiếm sống bằng tài năng, bằng sức lao động chân chính, họ hoàn toàn tự lập, không dựa dẫm vào đàn ông, họ cũng là những con người luôn khát khao hạnh phúc và có ý thức về bản thân rất cao trên con đường đi tìm hạnh phúc vậy hà cớ gì mà họ luôn phải gánh chịu thiệt thòi, đau khổ, bi kịch?  Phải chăng trong sự xót xa cho số phận ca nữ, cho người ta trong cõi trăm năm, những sự vinh, nhục, buồn, vui thật không lường trước được, bao hàm cả sự xót xa cho chính bản thân mình của nhà thơ? Sự ngưỡng mộ đối với tài năng  cô Cầm đạt đến độ đồng cảm, tri âm sâu sắc của Nguyễn Du cho thấy ở ông xuất hiện một tư duy khác xa với nhiều kẻ đương thời. Với Nguyễn Du bên cạnh nhan sắc, tài năng của  người phụ nữ cũng là một hệ giá trị để khẳng định nhân vị của họ. Những phụ nữ có tài năng xuất chúng cũng hoàn toàn xứng đáng được hưởng sự vinh danh của xã hội và cộng đồng; tài năng không phân biệt giới tính, đẳng cấp sang hèn. Nguyễn Du đã tạc vào lòng người đọc hình ảnh người đẹp gảy đàn đất Long Thành như một biểu tượng của cái Đẹp và Tài năng con người.
3. Trong sự nghiệp văn chương Nguyễn Du, bên cạnh tuyệt tác Truyện Kiều, thơ chữ Hán của ông cũng luôn có sức “vẫy gọi” người đọc bởi giá trị nhân văn đặc sắc. Nguyễn Du – một nhà Nho dù sống trong sự kiềm tỏa ráo riết của tư tưởng phong kiến, nhưng bằng sự tinh tế của một tâm hồn thấu đến “sáu cõi hồng trần” đã thấu hiểu và cảm thương sâu sắc thân phận đàn bà và đặc biệt những “khách má hồng” vốn tài hoa, xinh đẹp nhưng chịu bao nỗi truân chuyên. Trong cảm thức nghệ thuật của Nguyễn Du, những mỹ nữ ấy đã hiện hữu với tư cách là một nhân vị. Họ không chỉ có nhan sắc tuyệt trần mà còn là người đa tài, đa cảm, đa tình, biết yêu cái đẹp và dẫu bi kịch đến đâu vẫn luôn khát vọng hướng đến tự do trong tình yêu và cuộc sống. Cùng với Truyện Kiều bất hủ, những bài thơ chữ Hán viết về số phận người phụ nữ đẹp, tài hoa trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du như Độc Tiểu Thanh ký, Điếu La Thành ca giả, Long Thành Cầm Giả Ca, … luôn tìm được sự đồng vọng trong lòng người đọc và tư tưởng nhân văn, đấu tranh cho nữ quyền của ông đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Như vậy từ niên biểu cuộc đời Nguyễn Du,  nghiên cứu về sự nghiệp văn chương của ông, hậu thế không thể phủ nhận: “Thập tải phong trần” (Mười năm gió bụi) đã ảnh hưởng sâu sắc của đến tư duy nghệ thuật của Nguyễn Du. Mười năm gian khó “nếm mật nằm gai”, chịu nhiều uất ức, đau khổ, bi kịch đã giúp Thi nhân có “vốn sống” để từ lòng mình hiểu cho lòng người, thông cảm sâu sắc được mọi cảnh ngộ éo le, sự oan trái, khổ cực của người đời. Đúng như Chu Mạnh Trinh trong bài tựa Truyện Kiều trong Thanh Tâm tài nhân thi tập (sách: Việt Văn diễn giảng (hậu bản) thế kỷ thứ XIX, Tài liệu giáo khoa, Hà Nội, 1954) đã viết: “Than ôi! Một bước phong trần, mấy phen chìm nổi!/Trời tình mù mịt, bể hận mênh mông/ Sợi tơ mành theo gió đưa đi, cánh hoa rụng chọn gì đất sạch!/ Ai dư nước mắt khóc người đời xưa?/ Thế mà giống đa tình luống những sầu chung, giọt lệ Tầm dương chan chứa; lòng cảm cựu ai xui thương mướn?/ Nghe câu Ngọc thụ não nùng/ Cho hay danh sĩ giai nhân, cũng kiếp hoa nghiêm nặng nợ/ Ngán nỗi non xanh đất đỏ, để riêng ai lưu lạc đau lòng”.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Trương Chính (giới thiệu), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Văn học, 1978
2. Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb. Văn học, H., 2008.
3. Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển 2, Quốc học Tùng thư xuất bản, SG.1963
4. Thảo Nguyên, Đọc và dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Nxb. Hội Nhà văn, 2007
5. Nguyễn Tường Phượng, Phan Văn Sách, Bùi Hữu Sủng, Việt Văn diễn giảng (hậu bản) thế kỷ thứ XIX, Tài liệu giáo khoa, Hà Nội, 1954
6. Ra man Selden, Phê bình nữ quyền, Hồ Thị Dương dịch, Nguyễn Tiến Văn hiệu đính, Tạp chí Sông Hương (số 277/ 2012), tr. 3-12.
6/2/2021
Cao Thị Hồng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...