Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Thanh Tâm Tuyền - Tiểu luận của Huỳnh Phan Anh

Thanh Tâm Tuyền - Tiểu luận
của Huỳnh Phan Anh

“Tác phẩm Thanh Tâm Tuyền là cuộc phiêu lưu của lời nói, của một lời nói. Lời nói dàn trải trên các trang sách, các dòng chữ, và cùng dàn trải với nó cái hơi thở giá băng của sự sống hay đúng hơn của chính cái chết cưu mang trong nó. Có thể nói rằng, sự sống, tình yêu, con người… thể hiện trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, tất cả được nhìn qua tấm lăng kính duy nhất: lăng kính của cái chết”- nhà phê bình Huỳnh Phan Anh nhận định về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền từ hơn nửa thế kỷ trước…
Sau Tôi Không Còn Cô Độc (1956) và Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy (1964) Thanh Tâm Tuyền không cho ra đời thêm tập thơ nào nữa. Sự thật có lẽ là ông đã ít làm thơ đi hay không làm thơ nữa. Còn nhớ mấy năm trước đây, một câu nói của ông được ghi lại trên một tờ tuần báo, câu nói cho biết là ông không làm thơ được nữa. Và cũng trong bài cho một tựa tập thơ – Tiếng Nói Của Một Người, của Trần Lê Nguyễn – xuất bản khoảng những năm 60, ông đã đặt nên câu hỏi là tại sao làm thơ giữa lúc này. Một người làm thơ thú thật không làm thơ được nữa và hỏi một người làm thơ khác tại sao lại làm thơ giữa lúc này. Tại sao niềm im lặng đó và tại sao câu hỏi “tại sao” kia. Niềm im lặng của một người làm thơ phải là một việc bất thường, và càng bất thường hơn nỗi kinh ngạc của người làm thơ đó trước chính công việc làm thơ của một người khác. Niềm im lặng và câu chất vấn ở đây không tình cờ mà có, không tự nhiên mà có. Cả hai sự việc bao gồm một chọn lựa, một thái độ. Thái độ của người làm thơ trong trường hợp nầy có tính cách quyết liệt. Bởi người làm thơ đã thể hiện một sự phủ nhận triệt để. Gọi là triệt để vì Thanh Tâm Tuyền không chỉ nói “không” trước một tác động làm thơ nào đó hay trước một hình thức thơ nào đó mà trước chính thơ, trước chính người làm thơ, dù người đó là ông hay một ai khác. Ông không làm thơ được nữa. Tại sao làm thơ giữa lúc nầy. Có thể vào một lúc nào khác ông lại làm thơ và không thấy kẻ khác làm thơ, còn tiếp tục làm thơ là điều phi lý khó hiểu nữa. Nhưng ít ra là trong “lúc nầy”, trước niềm im lặng của ông, thơ không còn lý do tồn tại nữa và thi sĩ đã trở nên thừa thãi, muộn màng. Có một thời của thơ. Cũng có một thời để thơ im lặng và để cho người làm thơ nương náu trong niềm im lặng đó: Niềm im lặng của thơ. A! Có lẽ chỉ có người làm thơ mới sống hết cái niềm im lặng đó bằng tất cả tâm hồn của mình. Có lẽ chính niềm im lặng đó (của thơ của thi sĩ) cũng cưu mang một cái gì, cũng đáng được tìm hiểu lắng nghe. Ở đây tôi không muốn nhắc tới Rimbaud, tới Holderlin là những người làm thơ đã từng biết tới, sống qua niềm im lặng đó, niềm im lặng bao gồm ý nghĩa một giá trị bạo động trên chính thơ. Dĩ nhiên, có im lặng và im lặng. Cũng như có trăm ngả đường thơ mù mịt. Niềm im lặng có thể bắt nguồn từ những căn cớ khác biệt nhau, đối nghịch nhau nếu cần, nhưng nó thiết yếu đưa tới, thiết yếu bao gồm trong nó một thức tỉnh sâu xa trước chính thân phận thơ. Niềm im lặng của thơ cũng là niềm im lặng đặt thơ thành vấn đề, đặt thơ thành dấu hỏi tại sao thơ và tại sao thi sĩ? Trong câu hỏi đặt ra thơ không còn là một thực hữu tất yếu, hiển nhiên, nó lung lay ngay từ gốc rễ của nó, nó bắt đầu lâm nguy đến sự sống còn của nó. Trong câu hỏi đặt ra, thơ không chỉ đứng trước giới hạn của nó mà còn đứng trước chính cái chết của nó, cái chết như một nỗi chờ đợi, bởi vì nó hứa hẹn cho thơ một cuộc lột xác toàn diện. Tôi nghĩ mai đây nếu Thanh Tâm Tuyền có trở lại với thơ, khó khăn đầu tiên mà ông sẽ gặp có lẽ là phải làm sao dứt khoát với chính dòng thơ cũ của ông, dòng thơ của Tôi Không Còn Cô Độc, của Liên Đêm Mặt Trời Tìm Thấy. Cũng như tôi vẫn nghĩ rằng phải chăng vì không chặt đứt nổi cái quá khứ thơ của mình mà Rimbaud đã đi tới cùng trong niềm im lặng của thơ bất lực trước con người cũng là niềm im lặng của con người bất lực trước thơ.
Thanh Tâm Tuyền không làm thơ nữa. Thanh Tâm Tuyền hỏi tại sao làm thơ giữa lúc nầy. Lý do nào đã thúc đẩy ông đi tới thái độ đó. Lý do chủ quan. Lý do khách quan? Không. Lý do đó không chủ quan cũng không khách quan. Lý do đó nằm ngay trong thơ, nằm ngay trong quan niệm của tác giả về thơ hay đúng hơn về văn chương và về sự sáng tạo. Vâng, người ta có thể tìm thấy điều đó trong loạt bài mới nhất của Thanh Tâm Tuyền còn đang tiếp tạo trên mặt báo nầy: Âm Bản. Âm Bản có thể được xem là những dòng kiểm thảo của Thanh Tâm Tuyền trên chính kinh nghiệm sáng tác của ông. Đó là thứ tiếng nói khác thốt lên bên lề một tác phẩm còn đang tiếp tục trong dang dở của nó. Đó cũng là thứ tiếng nói cần thiết của con người sáng tạo, luôn luôn thức tỉnh trước chính công việc của mình. Tiếng nói đó có thể không giúp ích gì cho người đọc trong việc tìm hiểu giải thích hay phê phán tác phẩm bởi vì tác phẩm tự nó là một tiếng nói đầy đủ, đầy đủ ngay trong cô đơn trong thiếu hụt, nó không cần kêu gọi tới một yếu tố nào khác ở bên ngoài nó, dù là một lời nói bổ túc của chính tác giả cũng trở nên vô ích, thừa thải đối với nó.
Tôi tìm thấy trong Âm Bản không phải một lời biện minh cho tác phẩm Thanh Tâm Tuyền mà là lời biện minh cho chính thái độ sáng tác của ông, cho chính quan niệm của ông về văn chương, chữ nghĩa. Và gần gũi hơn hết là lời biện minh, có phần nào ẩn giấu, liên quan tới niềm im lặng của ông trước thơ được nhắc nhở tới trên đây. Ông phân biệt thơ và sự tích. Ông phân biệt thơ và văn (chương). Bằng một thứ ngôn ngữ rõ ràng, chính xác, ông nói về văn chương, về tác phẩm không như những gì ở ngoài mà ở ngay trong kinh nghiệm của chính ông. Ông nói về những gì ông còn giữ lại hay đã đánh mất, những gì ông còn tin hay không tin nữa. Không thể chối cãi rằng với loạt bài mang tựa đề Âm Bản kia, ông đã mặc nhiên làm một cuộc xét lại (Niềm im lặng của ông trước thơ đã không phải là một thái độ xét lại đầu tiên?). Ông đã nói gì trong cuộc soi gương, nhìn lại, xét lại nầy? “Một bài thơ tự đầy đủ, không khi nào cần kêu gọi đến những gì ở ngoài nó. Mỗi câu thơ cũng vậy”. “Anh đọc thơ, chẳng cần biết đến người làm. Không thiệt hại gì đến thơ. Người làm thơ không có tiểu sử (hay tiểu sử của mọi người – sinh ra, lớn lên, yêu thương, thù hận, chết…) người làm thơ, chẳng cần tiểu sử, không viết nhật ký lẩm cẩm, không tạc tượng, không ồn động (thơ dại, thơ ngây)”. Đó là thơ. Thế còn văn (chương)? “Văn chương không thế. Lời nói buộc chặt người nói, lúc nói, chỗ nói… Văn chương không bao giờ thơ ngây, chẳng bao giờ thơ ngây. Bởi văn chương xuất hiện như một tiếng nói đầy tham vọng quyền lực. Người ta sẽ truy tầm đến bằng được tông tích nó”. “Văn chương cần biện minh, chính nó là một biện minh cho một cái gì ở ngoài…”.
Nếu tin vào những lời ông, rõ ràng có một hố sâu ngăn cách giữa thơ và văn (chương). Chúng phân biệt nhau không thể lẫn lộn vào nhau được. Chúng đối nghịch nhau triệt để. Chúng hủy diệt nhau không thương tiếc. Nghĩa là người ta khó lòng vừa làm thơ vừa viết văn và đồng thời tránh được cái tình trạng phân ly thảm bại ngay từ tâm hồn mình. Nghĩa là để trung thành với sự thức tỉnh của mình, thức tỉnh trước ý nghĩa nền tảng của thơ cũng như của văn (chương), để sống chính cái kinh nghiệm thức tỉnh đó, người ta dù muốn, dù không phải chọn lựa, hoặc làm thơ hoặc viết văn. Phải chăng trong những năm gần đây Thanh Tâm Tuyền đã mặc nhiên chọn lựa văn (chương), ông viết văn thay vì làm thơ, hoặc là vừa làm thơ vừa viết văn (như chính ông đã từng tuyên bố: tác phẩm đầu tiên của ông vừa là Tôi Không Còn Cô Độc, thơ, vừa là Bếp Lửa, truyện). Tại sao ông không làm thơ nữa? Tại sao niềm im lặng đó. Và tại sao câu hỏi của ông về thơ. Có lẽ một nửa cần phải hỏi trên niềm im lặng của một người làm thơ cũng như trên chính câu hỏi của người làm thơ đó. “Một bài thơ tự đầy đủ”. Thơ tự đầy đủ. Có lẽ ở đây, ta nên mượn một công thức quen thuộc của Blanchot mà nói thêm rằng: Thơ tự đầy đủ bởi vì thơ đã gói trọn trong nó câu trả lời. Thơ không hỏi, cũng không hứa hẹn tìm đến câu hỏi. Trái lại, chính thơ mang đến câu trả lời, chính thơ là câu trả lời, và đúng hơn nữa cho những câu hỏi, chính thơ là câu hỏi trả lời và đồng thời hủy diệt câu hỏi. Cho nên thơ là hình ảnh của con người và vũ trụ ở ngoài mọi vấn đề. Có những thời buổi của thơ và cũng có những thời buổi khác không phải để thơ lên tiếng mà để thơ vắng bóng. Nếu không muốn bị lạc loài, bị cuốn trôi theo giông bão cùng những dòng nước xoáy. Tôi tự hỏi có chăng một loại thơ chính trị, đấu tranh hay cách mạng…Tất cả những hình thức thơ nhằm đặt con người vào thực tại thành vấn đề, thành câu hỏi. Hay tất cả chỉ là những bước đường sa đọa, đày ải của thơ, sự hủy diệt của thơ. Của thơ và từ đó của chính người làm thơ.
Holderlin đã từng lên tiếng: “tại sao lại có lắm thi sĩ ở vào thời đại nhiễu nhương tao loạn nầy”. Tại sao thi sĩ. Tại sao thơ. Dù ở đâu và dù ở miệng một người nào đó chính là câu hỏi, đặt thơ và người làm thơ vào chỗ lâm nguy. Bởi đó là câu hỏi định mệnh. Câu hỏi đầu tiên và sau cùng bởi nó chấm dứt một giai đoạn. Nó đánh dấu một sự cáo biệt với thơ, cáo biệt trong một giai đoạn, một thời gian, cũng có thể là cáo biệt trong mãi mãi, như Rimbaul, chàng với thơ cáo biệt trong một giai đoạn thời gian, cũng có thể là cáo biệt trong mãi mãi, như Rimbaul, chàng thi sĩ tự phủ nhận mình là thi sĩ đã quay lưng đi trước thơ, ném mình vào cuộc sống, để sau cùng tìm thấy cái chết ở lưng chừng một quãng phiêu lưu.
Thanh Tâm Tuyền không làm thơ nữa. Ông viết văn. Điều đáng nói là đây. Lời giải thích đơn sơ và vững vàng nhất cũng ở chỗ nầy. Từ giã câu trả lời của thơ, ông tìm đến, quay về với câu hỏi của văn xuôi. Văn xuôi (Thanh Tâm Tuyền gọi: văn chương), thứ “tiếng nói đầy tham vọng”, thứ tiếng nói dấn thân, không ngớt kêu gọi, tra hỏi và đặt thành vấn đề. “Lời nói buộc chặt người nói, lúc nói, chỗ nói”, nghĩa là lời nói mặc nhiên thiết định nên một tình cảnh, một vấn đề. Lời nói không đứng yên một chỗ, không dừng lại bao giờ. Lời nói chỉ còn biết tiếp tục một khi đã bắt đầu. Lời nói chuẩn bị cho những lời nói tiếp theo sẽ luân phiên nhau, sẽ thay thế nhau, sẽ khử trừ nhau. “Có một điều ta đang cố hiểu: còn chút gì, ấy là văn chương. Lúc nầy tôi đang muốn hiểu điều ấy. Hơn lúc nào hết. Bởi lẽ tôi đang viết, tôi sẽ còn phải viết, tôi cũng không giả bộ”. Người ta viết cũng như người ta nói: mãi mãi không thôi, người ta chỉ đầu hàng, im tiếng trước cái chết. “Các nhà văn lớn đều là những kẻ lắm mồm lắm miệng, nói hoài không biết chán”. Ông không làm thơ nữa, tìm đến giấc mơ quyển sách mà chính ông cho là hão huyền. “Anh không viết hoặc anh bị đày viết mãi, viết dài dài theo đời quẩn quanh vài ba câu, có khi một câu viết mãi chẳng xong… Người viết nào cũng sống với một quyển sách sẽ viết, quyển sách không bao giờ viết được. Và đến cùng, thành thật đến cùng, là đối mặt với nỗi bất lực yếu nhược”. Có một chút gì hơi trái ngược, nghịch lý ở đây. Ông rũ bỏ (dù là trong tạm thời) thế giới “tự đầy đủ” đầy sự hồn nhiên và sung sướng, thế giới không sự tích, không tiểu sử, không ồn động, để tham dự vào một thế giới khác, không ngớt trở thành, không ngớt đặt thành vấn đề, thế giới của những giọng nói và lời kể, thế giới nhiều tham vọng và quyền lực nhưng cũng là thế giới của thất bại và tan nát. Ông tình nguyện “quên lạc giữa thinh không một mình” với “giọng nghi hoặc tự chính trong mình”, viết và sống chính sự “phân cách ly tan từ mỗi lời”, viết và sống chính cái thất bại, hụt hẫng của văn chương, của chữ nghĩa, sự thất bại kỳ diệugóp phần làm nên chính thnâ phận của văn chương và chữ nghĩa, sự thất bại nền tảng đồng thời lại là ý nghĩa nền tảng: “anh không viết hoặc anh bị đày viết, mãi viết dài dài theo đời quẩn quanh vài ba câu, có khi một câu viết chẳng xong”, bởi vì “cái giấc mơ cuốn sách là hão huyền”.
Đã tới lúc đi vào thế giới Thanh Tâm Tuyền, cái thế giới làm nên từ lời kể, giọng kể, làm nên từ những chữ. Đi vào thế giới Thanh Tâm Tuyền, đọc ông, phê bình ông. Tôi muốn dừng lại trong khuôn khổ của những dòng này, ở một giọng kể lời kể trung thành của chính ông qua những tác phẩm quan trọng mà ông đã cho xuất bản. Phải chăng thế giới của ông trước tiên là thế giới của một giọng kể, giọng kể, giọng kể như một hơi thở, một dòng suối chạy dài qua khắp các tác phẩm, các trang sách, các dòng chữ, tạo cho chúng một sự sống, một đời sống. Và đọc Thanh Tâm Tuyền phải chăng là tìm đến, trung nguyên cái thứ tiếng nói, không bộc lộ mà ẩn giấu, không ngớt thì thầm ở phía sau những chữ được viết nên, lẩn khuất ở đâu đó trên những trang sách, trên khắp các cuốn sách, thứ tiếng nói vừa ở bên trong vừa ở bên ngoài tác phẩm, bởi vì nó không chỉ bắt đầu khi tác phẩm được đọc tới và cũng không chấm dứt khi tác phẩm được xếp lại. Bởi đó là thứ tiếng nói bá chủ còn hứa hẹn tiếp tục, còn thì thầm vang vọng mãi khi nhà văn “còn phải viết”. Bởi viết trước tiên là một chọn lựa. Bởi sự chọn lựa của nhà văn có tính cách quyết định ngay từ đầu. Sự chọn lựa mai đây sẽ là một định mệnh cho hắn. Hắn sẽ phải tiếp tục trung thành với sự chọn lựa đó cũng như trung thành với chính mình. “Mới đầu người ta kể các sự tích. Vô số các sự tích khác nhau. Rồi tìm cách kể khác nhau. Dần dần người ta cũng nhận thấy sự tích chỉ là cái cớ để được nói, được nghe, người ta đi tìm những giọng nói khác nhau. Trong cuộc rượt tìm giọng nói, người ta quên lạc giữa thinh không một mình”. Viết, bây giờ còn lại là quyết định cho mình một giọng nói, một giọng kể. Từ Bếp Lửa qua Cát Lầy, cho đến Mù Khơi là cuốn sách được in trong những ngày gần đây nhất, tôi tìm thấy ở tác giả chung một hình ảnh mẫu mực, chung thủy, có thể đã biến thành một niềm tin mà ông muốn trung thành, muốn đi tới cùng với nó cũng một thứ tiếng nói quen thuộc mang chúng đến gần nhau, ràng buộc chúng vào nhau, đặt chúng vào một mối tương quan. Tưởng tượng chúng không phải là những tác phẩm đã hoàn tất đã đứng yên, riêng rẻ ở từng nơi từng chỗ mà là những phần những mảnh của cùng chung một tác phẩm luôn luôn cần được quy chiếu với nhau, ném trả về nhau để làm nên một tác phẩm duy nhất. Tôi nghĩ cuốn Bếp Lửa, mà tác giả cho là “chưa thành hình dáng”, phải có một địa vị quan trọng đối với sự nghiệp của ông. Cuốn sách đầu tiên có thể mang ý nghĩa một thử thách của một kẻ “chưa phải là nhà văn, không muốn là nhà văn…, chưa biết mình muốn gì vì (…) muốn tất cả”, nhưng chính nó lại mang một tầm quan trọng quyết định bởi vì nó thể hiện một quyết định: quyết định viết (có thể khác với quyết định trở thành nhà văn), quyết định viết cái gì, quyết định viết thế nào. “Hắn viết với ý nghĩ trong khi mình viết, kẻ khác chết”. Kẻ khác chết, đó chính là sự thật “truyền lưu cho kẻ sống sót”. Và tác giả đi tới một nhận định gói trọn trong đó tất cả lo toan và chọn lựa nền tảng: “Mỗi nhà văn là một kẻ sống sót”. Cuốn sách mở ra một chân trời mai đây sẽ chính là chân trời của Tác Phẩm, mở ra một tiếng nói mai đây sẽ là thứ tiếng nói thân mật không ngừng thốt lên, lướt đi, lãng vãng trên khắp những trang sách, những quyển sách, góp phần làm nên Tác Phẩm, thực hiện cái giấc mơ Tác Phẩm của nhà văn. Tiếng nói đó có thể đầy “mê hoặc, ảo ảnh” hứa hẹn một sức mạnh “toàn năng vang động và làm biến dạng được sự vật một cách cụ thể”. Hoặc nó chỉ là “những lời thì thầm giữa hỗn độn của lịch sử, lời cô đơn không sức mạnh bị lấn áp ở mọi phía”. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đó vẫn là tiếng nói của một cá nhân, của một con người định nghĩa như một Ý THỨC cô đơn bị bủa vây giữa trăm ngàn hiểm nguy và bất trắc đồng thời phải thường xuyên chạm mặt với hư vô, hư vô như một cám dỗ lớn lao, hư vô như một ám ảnh hủy diệt hãi hùng, hư vô không chỉ như là một cảm thức, mà còn là một kinh nghiệm từng phút từng giây đốt cháy thịt da và mộng tưởng. Vâng, dù trong hoàn cảnh nào, tiếng nói bàng bạc ngời ngời kia vẫn là tiếng nói của chính một ý thức vẫy vùng trong những cơn giông bão của lịch sử hay thất lạc trong một đêm tối không cùng. Một ý thức mang nặng lo âu và khắc khoải. Một ý thức gồm thâu, cưu mang trong đó cả một sức mạnh của định mệnh con người và lịch sử. Một ý thức mai đây không cho phép con người được bình yên nữa, nó là cái chết ngày một lớn lên, nó là hư vô ngày một rộng mở, lớn lên và rộng mở ngay trong lòng sự sống con người, nó như con sâu đang tàn phá và đục khoét thịt xương, nó chính là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”. Bếp Lửa là giai đoạn thứ nhất của một chuyến đi mai đây còn hứa hẹn tiếp tục. Bếp Lửa là bước đầu tiên nhưng cũng là bước định đoạt. Bởi tác giả còn phải đi trở lại trên chính những dấu chân của mình, những dấu chân vạch đường, mở lối.
Không phải là sự trùng hợp khi ba tác phẩm quan trọng của Thanh Tâm Tuyền (Bếp Lửa, Cát Lầy, Mù Khơi) đều viết theo thể tự thuật. Mỗi cuốn sách là lời kể, giọng kể của một người xưng “tôi”. Tác giả viết dưới hình thức một câu chuyện, một sự tích (tạm gọi như thế) được kể lại do một người xưng “tôi”. Viết trước tiên có nghĩa là chọn lựa, quyết định, chỉ định ai lên tiếng trong tác phẩm mình, ai cất lời nói năng dưới ngòi bút của mình, trên những dòng chữ của mình. Nhà văn viết, nhưng nhà văn không nói: chính hắn cho phép một kẻ nào đó nói trong hắn, chính hắn biến thành cơ hội của một lời nói được nói lên và của một chủ thể, một kẻ nào đó được phép mở lời. Nhà văn viết, điều này có nghĩa là hắn tìm cách tự bôi xóa chính mình, biến mất sau những chữ, hắn dấu mặt, lẩn tránh vào trong lời nói, đúng hơn vào trong chủ thể của lời nói đã từng nhờ hắn mà xuất hiện. Ở đây điều quan trọng đối với nhà văn dường như không phải là tạo nên một nhân vật với một lai lịch hoặc đặc tính cần thiết, ném nhân vật đó vào một hoàn cảnh với một số dữ kiện cần thiết. Nói một cách khác hơn, nhân vật đã không còn là nhân vật, hắn chỉ còn là lời nói, hiện hữu của hắn và hiện hữu của lời nói hắn là một. Nhà văn không là kẻ quyết định sự sống cũng như cái chết của nhân vật, hắn chỉ là kẻ trao lời cho một chủ thể được lên tiếng. Chủ thể ở đây không nhất thiết là một nhân vật. Hắn chỉ là một kẻ nào đó, chính điều nầy cũng không lấy gì làm quan trọng nữa. Hắn chỉ là một lời nói. Nhân vật Thanh Tâm Tuyền có thể gọi là Tâm như trong Bếp Lửa, Trí như trong Cát Lầy, Phúc như trong Mù Khơi, điều đó không hề hấn gì, bởi dù là Tâm, là Trí hay là Phúc, hắn vẫn là một chủ thể hiện hữu bắt đầu từ một lời nói, một giọng kể. Tôi muốn dùng một tiếng nào khác để gọi những nhân vật tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền. Tôi muốn tạm thời dừng lại, bằng lòng với tiếng chủ thể. Bởi trước tiên, nhân vật Thanh Tâm Tuyền, trong chủ quan của tôi, chỉ là chủ thể của ý thức, một bộ mặt của ý thức. Dù có khoác lên nó nhiều bộ mặt khác nhau, ý thức cũng vẫn là nó, không đổi thay, không mất mát.
Tác phẩm Thanh Tâm Tuyền đã vẽ một cuộc hành trình mà mỗi cuốn sách chỉ là một giai đoạn. Những giai đoạn của cuộc hành trình kia có thể không liên tục, trái lại, giai đoạn nầy có thể chồng chất lên giai đoạn kia, xóa nhòa giai đoạn kia và đồng thời hứa hẹn, kêu gọi một giai đoạn nào khác. Cuộc hành trình có thể không đưa tới đâu, không dừng lại bao giờ, hoài hoài dẫn dắt tới gian nguy và bất trắc. Đó không phải là cuộc hành trình của một hay nhiều người. Đó là cuộc hành trình của một ý thức, của một tiếng nói ý thức đó thể hiện. Tác phẩm Thanh Tâm Tuyền hay là cuộc phiêu lưu của một ý thức. Và đọc Thanh Tâm Tuyền tức là một cách nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một ý thức cô đơn lạc loài và bất hạnh.
Những nhân vật của Thanh Tâm Tuyền những Tâm những Trí những Phúc – những cách thế xuất hiện của cùng chung một chủ thể, những chiếc mặt nạ của cùng chung một ý thức, những mảnh vỡ của một tấm gương duy nhất… – những con người đó, những kẻ phiêu lưu đó, những kẻ “sinh ra để đi một mình suốt đời” đó, họ vẫn tìm kiếm, họ tìm kiếm cái gì, họ vẫn đi, họ đi về đâu. Nhất là họ đi về đâu với “con sâu ở giữa tim giữa hồn giữa não” với hư vô trải rộng trong họ, với những hư hỏng và đổ vỡ mọi bề. Họ đi về đâu khi mọi sự đã rồi, không phương hàn gắn, sửa đổi. Họ đi về đâu với cái chết trong họ, đồng hóa với chính họ, cái chết hay là bộ mặt chân thật nhất, tan nát nhất của ý thức. “Hơn bao giờ tôi hiểu rõ cái đích của trí tuệ không ràng buộc là cõi chết, cõi chết hun hút không cùng như sự mở rộng ngoài giới hạn của một ý thức chờn vờn không đối tượng. Cái ý thức tự ôm lấy mình, quay tròn theo một sức hướng tâm, chống chỏi với ngoại giới muốn hút nhập mọi sự vật, thể hiện tuyệt đối của tự do trong suốt kỳ cùng; nỗi câm nín xao xuyến như những cụm sóng gầm gào giữa biển khơi, những đùn mây bay xóa trên lưng trời”. Cái chết chính là nơi hẹn hò sau cùng của ý thức khốn khổ, ma quái luôn đòi hỏi sự hủy diệt, sự hủy diệt của tha nhân, tha giới (“Cuộc hiện hữu khốc liệt đòi sự tự hủy của những hiện hữu kế cận, thâu gồm mọi tự do cho riêng mình”), cũng như sự hủy diệt của chính mình (“Trí, mầy phải chết, mầy phải chết vì cơn điên thực sự không đến được, không đến với mầy mà chuyển nhập đến người khác”). Người đọc Cát Lầy hẳn không ngạc nhiên chút nào trước những cái chết xảy ra liên tiếp trong đó, dù chúng mang tên là Thuận, Trí hay là Diệp. Họ đi tìm cái chết. Họ nóng lòng đến với cái chết. Họ tự tử. Tự tử chính là cuộc bạo động sau cùng của ý thức khốn khổ, bạo động như một cánh cửa mở ra một bầu trời thênh thang bát ngát, bạo động như một cách duy nhất để lấp đầy những hao hụt tan hoang. Và cái chết, nó như câu trả lời sau cùng cho con người trong nỗi đam mê vô hạn của nó. Trong đêm tối không cùng của ý thức, con người chỉ còn sở hữu cái chết của chính nó. Ngay cả tên tuổi và bản ngã nó cũng đã lìa xa, trôi dạt. Cuốn Cát Lầy, và cả cuốn Mù Khơi có thể được xem như là những đoạn đường dài vô vọng của con người truy nguyên, tìm lại chính mình, bắt đầu từ chính tên tuổi của mình. Nghĩa là con người đánh mất tất cả. Nó đánh mất chính nó ngay trong nó. Nó tự đánh mất chính nó hay đúng ra là nó tự mình phủ nhận chính mình. Nó không còn là nó nữa. Một kẻ nào khác đang sống trong nó, xa lạ hoàn toàn. Cũng không phải một kẻ nào khác đang sống trong nó. Nó chỉ còn là một ý thức trần trụi, cô đơn đang rên rỉ, đang kêu đòi, đang gào thét một cách âm thầm xót xa hay dữ dằn man rợ, một ý thức đang oằn oại trong khát vọng và đam mê của sự phá phách, của sự hủy diệt. Người ta thấy bàng bạc trên khắp các trang sách của Cát Lầy những tiếng kêu điếng hồn, thì thầm hay thất thanh, của một kẻ không ngớt hồ nghi, bàng hoàng trước tên mình. “Mầy là Trí, mầy vẫn là Trí”. “Tôi có phải là Trí không?”. “Tôi không là Trí” v.v… Những tiếng kêu thốt lên từ cái phần tăm tối nhất của bản thể, những tiếng kêu thốt lên từ những bóng đêm thăm thẳm của địa ngục, những tiếng kêu dồn đẩy, nhào trộn với nhau, biến thành những điệp khúc man rợ, những đoạn kinh cầu hồn. Bởi vì, “Trí mầy phải chết”. Câu nói của một người tên Trí trong Cát Lầy cũng có thể là câu nói của một người tên Tâm trong Bếp Lửa hay một người tên Phúc trong Mù Khơi. Câu nói đó chính là cái chìa khóa mở ra những điều bí ẩn mà những chủ thể ý thức (chủ thể như một ý thức) của Thanh Tâm Tuyền hốt hoảng tìm đến. Câu nói đó là một mệnh lệnh tối hậu từ miền sâu thẳm của ý thức. Câu nói đó cũng chính là câu trả lời nằm sẵn trong bản thể của ý thức mà chính ý thức không ngớt dò tìm, tra hỏi. “Ngực tôi trống rỗng xốn xang, một tách cà phê có thể vật ngã tôi bất cứ lúc nào không hay. Tôi muốn thế, đột nhiên trời đất trời sầm trước mắt và tôi bằn bặt trong hôn mê chỉ còn một đốm sáng nào đó bay lượn quanh tôi thảm hại như một con vật hấp hối… lúc ấy tôi như là một… một cái gì… Tôi nào đâu cần biết… Tôi ngu ngơ cuồng phóng…”. Con vật hấp hối, không ai đâu khác, đó chính là Phúc cũng như là Tâm, là Trí, những kẻ ngay từ đầu (từ đầu một cuốn sách? Từ đầu một sự thức tỉnh kinh hoàng?) đã sống chính cái chết của họ, cái chết hòa hoãn, chậm chạp nhưng ngày một trở nên chắc chắn, hiển nhiên. Cái chết của người tên Trí ở trang cuối cùng của quyển sách không gây ngạc nhiên ở mọi người, lại càng không gây ngạc nhiên cho chính hắn bởi chính hắn đã sửa soạn cái chết cho hắn, bởi chính hắn ngay từ phút đầu đã làm quen, “ăn nằm” với cái chết, bởi kinh nghiệm sống của hắn chẳng qua chỉ là kinh nghiệm chết, kinh nghiệm của cái chết, bởi chính cái chết đã tìm thấy đất sống êm đềm của nó ngay trong tâm hồn hắn.
Cái chết. Vẫn là cái chết. Luôn luôn là cái chết. Nó làm nền cho nhân vật Thanh Tâm Tuyền, nó cũng làm nền cho tác phẩm Thanh Tâm Tuyền. Nó không là một cách thế giải quyết của tác giả cũng không là đường lối thoát ly của nhân vật hay tác phẩm. Nó không là điểm kết thúc ở cuối một con đường. Trái lại nó chính là khởi điểm từ đó mọi sự sẽ lần lượt được vẽ ra, được dựng lên. Nó chính là khởi điểm của lời nói. Vâng khởi đầu là cái chết, cái chết nằm trong ý thức. Và ý thức: “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”.
Tác phẩm Thanh Tâm Tuyền là cuộc phiêu lưu của lời nói, của một lời nói. Lời nói dàn trải trên các trang sách, các dòng chữ, và cùng dàn trải với nó cái hơi thở giá băng của sự sống hay đúng hơn của chính cái chết cưu mang trong nó. Có thể nói rằng, sự sống, tình yêu, con người… thể hiện trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, tất cả được nhìn qua tấm lăng kính duy nhất: lăng kính của cái chết. “Tình yêu của chúng tôi. Không đúng, không thể gọi được như thế. Đó không còn là tình yêu, nó là một cái gì hơn thế. Nó là một mối ràng buộc chỉ thắt lại trong cõi chết, mối ràng buộc vô lý ở ngoài tầm sống…”, “tình yêu cũng chỉ là sự toa rập với nỗi chết lớn lao trong đáy cùng của hữu thể”. Người ta không yêu nữa. Người ta không yêu bao giờ. Yêu chỉ còn là một cách thế nhìn ngắm, sống chính cái giới hạn, cái định mệnh khốn khổ của mình: “Điệp chính là hiện thân của ý thức ngông cuồng của khởi thủy vụt sáng rỡ muốn rứt bỏ mọi ràng buộc, rứt bỏ cái quá khứ để thực hiện như bị đè nặng, trấn áp vì những sức lực vây quanh. Điệp chính là tôi, thân thể nàng là một phần của tôi, linh hồn nàng tôi đã quyến rũ để chứa chấp tôi. Tôi nhìn rõ buổi mai ấy, buổi mai chết lặng như từng mờ ảo tưởng, như một vết thương vẫn ngấm ngầm làm độc, buổi mai chất chứa trong nó cả một đời phải sống, một tình yêu phải nhận. Chỉ còn hai chúng tôi nhìn thấy nhau như soi trong một tấm gương chung”. Người ta yêu hay thật sự yêu nỗi chết của chính mình thể hiện nơi tha nhân. Đâu là ý nghĩa của tình yêu, của cuộc sống, của tất cả mọi sự trong một thế giới hoang vu chỉ còn lại có ý thức trơ vơ gói trọn lấy cái chết trong nó. “Trí tưởng tôi phiêu lưu trong một thế giới tự do hoàn toàn, mọi sự đều khả hữu nên trở thành vô nghĩa. Chỉ nơi đích của cuộc phiêu lưu ấy mới tỏ ngược về những lối đã qua. Đích đó là đâu. Bây giờ tôi rất rõ cái đích của trí tưởng không ràng buộc”. Cái đích đó chính là cái chết, vẫn là cái chết, luôn luôn là cái chết.
Tại sao cái chết, luôn luôn là cái chết.
Câu hỏi không đặt ra cho tác phẩm, mà đặt ra cho con người, con người trong những chiều hướng siêu hình của nó.
29/1/2021
Huỳnh Phan Anh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...