Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Đoàn Vị Thượng và Cây cỏ hồn nhiên

Đoàn Vị Thượng và
Cây cỏ hồn nhiên

Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình…
1. Đọc thơ Đoàn Vị Thượng bằng mắt không thích bằng nghe Đoàn Vị Thượng tự đọc thơ mình.
Trong các văn hữu cùng thế hệ với tôi, Bùi Chí Vinh và Đoàn Vị Thượng là hai người thuộc thơ nhiều nhất. Không chỉ thơ mình, cả hai còn thuộc nhiều bài thơ hay của các thi sĩ khác. Mỗi lần ngồi lai rai và đàm đạo thi ca với Vinh và Thượng, thật thú vị khi nghe cả hai cao hứng “phun châu nhả ngọc”.  Bùi Chí Vinh giọng Nam bộ ngang tàng hào sảng, Đoàn Vị Thượng giọng Quảng Ngãi mộc mạc, chân chất, âm sắc hơi nhừa nhựa nghe rất duyên. Tôi nghĩ, phải yêu thơ cực kỳ mới có thể hứng thú và nhập tâm những bài thơ… không phải của mình đến vậy. Điều đó nói lên thái độ trân trọng với thơ và phải có tấm lòng liên tài đặc biệt, điều hiếm có với giới sáng tác vốn bị đóng khung trong thành kiến “văn mình vợ người”.
2. Những năm đầu thập niên 80, Đoàn Vị Thượng xuất hiện trên thi đàn với bài thơ Bụi phấngây ấn tượng mạnh tại các sân khấu trình diễn thơ. Trong buổi đọc thơ nào, bạn bè cũng yêu cầu Thượng đọc bài này.
Như khi lăn ngón tay tròn trên chứng minh thư
Tự hào với xứ sở, đất đai mình là người công dân trung thực
Làm sao nhớ rõ viên phấn nào đã hằn dấu tay tôi lần thứ nhất
Trước các em, cho đến sáng thu này?
Viên phấn ơi, sao chỉ nhỏ và gầy
Như một ngón tay trong bàn tay tôi đấy
Nào ai nỡ đánh rơi giữa chừng hay tính toan bẻ gãy
Sợ năm ngón tay kia thôi sẽ hết hồng
Lúc viết bài Bụi phấn, Đoàn Vị Thượng mới ngoài hai mươi tuổi, đang dạy học ở quận 11. Bài thơ mang đậm cảm hứng công dân – là cảm hứng chung của các nhà thơ trẻ trong thập niên 80 – lúc đất nước còn nghèo đói và thanh niên kéo nhau lên đường khai hoang và tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc 1979.
3. Công dân Đoàn Vị Thượng không chỉ băn khoăn về thời cuộc, về lẽ sống ở đời. Như mọi trái tim thanh xuân khác, Đoàn Vị Thượng còn biết yêu, và bạn đọc sẽ tìm thấy điều đó trong những bài thơ tình mượt mà của anh.
Xin lỗi em, vì một lý do nào
Thềm nhà tôi vắng tiếng chân em bước
Thì lúc ấy – lối đi ngoài cổng trước
Tôi vẫn tin, cỏ chưa vội lấp đầy
Cỏ độ lượng cỏ cần biết rõ
Tôi có gì xúc phạm với em đây.
Khác với chất giang hồ bụi bặm của Bùi Chí Vinh, màu sắc thị dân của Đỗ Trung Quân, cảm quan sinh viên trong thơ Cao Vũ Huy Miên, thơ Đoàn Vị Thượng gần với giọng thơ Trương Nam Hương ở khía cạnh bóng bẩy, đằm thắm, vỗ về nhưng cũng không kém phần tinh nghịch. Đoàn Vị Thượng và Trương Nam Hương đều là thi sĩ gốc Huế. Phải chăng đó là ADN của những người con của một vùng đất nổi tiếng mơ mộng trữ tình?
Đoàn Vị Thượng hơn một lần bùi ngùi nhắc đến Huế trong thơ:
Huế nuôi tôi đến trẻ trai
Rồi tôi đem tuổi ấy xài vu vơ
Miền Nam cũng có sông hồ
Nhưng con nước lạc bến bờ tôi sinh.
4. Dáng người nho nhã thư sinh, lúc đứng trên sân khấu đọc thơ Đoàn Vị Thượng có cốt cách thầy giáo giống một nhà-thơ-trên-bục-giảng khác là Nguyễn Thái Dương. Nhưng khi đã có hơi men ngà ngà, Thượng như biến thành con người khác – con người lãng tử. Mặt mày đỏ gay, hết đọc thơ Thượng lại ôm đàn hát say sưa. Cách anh chơi đàn cũng rất tài tử, vừa búng dây vừa gõ thùng đàn bồm bộp. Mỗi lần ngồi nhìn Thượng ngất ngây hát trong tiếng ghi ta bập bùng, tôi như bắt gặp lại chàng trai trẻ đôi mươi của một thời Bụi phấn.
Ôi, tuổi đôi mươi tươi đẹp! Bây giờ Đoàn Vị Thượng và bọn tôi đã gấp ba lần tuổi đó rồi – giống như tên một bài hát của nhạc sĩ Y Vân. Bụi phấn ngày nào đã tan vào kỷ niệm. Bây giờ chỉ còn lại bụi đường, bụi đời và bụi thời gian.
Cho nên tôi không hề ngạc nhiên khi đọc những bài thơ đầy suy tư của Thượng gần đây.
Thơ anh chiêm nghiệm hơn, đã chạm tới cái vô thường của đời người.
Kìa bông hoa nở
Quá chừng tự nhiên
Cũng như tôi thở
Cũng như tôi thiền.
Ồ, bông hoa rụng
Tự nhiên quá chừng
Sao tôi mất hứng
Sao tôi nổi khùng.
Tôi là hoa đó
Còn nghi ngại gì
Đến mùa thì nở
Hết mùa thì đi.
Ngay cả thơ tình Đoàn Vị Thượng về sau cũng đã phảng phất nỗi đăm chiêu. Như có loài mối sầu đang gặm nhắm từng câu thơ anh:
Chúng ta không trẻ không già
Chúng ta mặc áo thịt da chính mình
Em không cho, anh không xin
Chúng ta đổ bóng vào hình của nhau
Làm ơn ôm lấy anh lâu
Để anh đừng thấy bể dâu bên ngoài
Làm ơn ôm giữ anh hoài
Để anh che tiếng thở dài bên trong
Đó không còn là tình yêu hồn nhiên của “Xin lỗi em, vì một lý do nào. Thềm nhà tôi vắng tiếng chân em bước”, mà là một tình yêu mang ý nghĩa cứu rỗi, là chiếc phao cứu sinh của một linh hồn bị phù phép, bị thời gian trù ếm và định mệnh cầm tù.
5. Có phải chăng ngay cả “Một hôm nằm cạnh bên người”, tâm trí anh vẫn không ngừng nghĩ đến những muộn phiền của kiếp nhân sinh và những chuyến đi của cuộc đời. Đường biên thi ca, như vậy, đã được nới rộng đến chỗ vô cùng.
Thượng viết bài thơ Cuộc lữ:
Và tôi nghĩ đến ngày mai
Hàng cây kéo miết đường dài sẽ qua
Bụi mù bám cháy bông hoa
Tiếng chim gợi nỗi nhớ nhà mênh mông
Vâng, rằng khi đã lọt lòng
Đứng lên và bước. Mắt không ngó về
Vâng, từ khi phải rời quê
Nón bay ngược gió. Vẫn lê đôi giày
Tôi còn hẹn với trời mây…
Tôi còn hẹn với sông đầy, biển xa…
Tôi còn hẹn với người ta
Gặp nhau lạ mặt vẫn là anh em
Khi vùi mình xuống đất đen
Mộ phần tôi sẽ đắp thêm đường dài…
Bài thơ này Thượng viết đã lâu. Và tôi tin đến bây giờ anh cũng không nghĩ khác. Cảm hứng của thi sĩ, đến một lúc nào đó, rồi sẽ chạm đến đề tài muôn thuở này. Như Tưởng chuyện ngàn sau của Hồ Dzếnh, Nhạc sầu của Huy Cận, Lúc chết của Nguyên Sa – những bài thơ thuộc loại hay nhất của các thi nhân.
Với Cuộc lữ, Đoàn Vị Thượng đã đi một bước dài. Nhà thơ đã đạt tới cảnh giới hồn nhiên như cỏ cây. Bây giờ chắc Thượng không còn băn khoăn làm thế nào để mang nỗi buồn ra khỏi bản thân mình. Bởi khi con người đã đốn ngộ, tâm đã tịnh, không muộn phiền nào có thể quấy nhiễu được nữa.
25/10/2020
Nguyễn Nhật Ánh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...