Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Phía ánh sáng - Tiểu luận Vũ Thanh Hoa

Phía ánh sáng
Tiểu luận Vũ Thanh Hoa

Albert Camus – nhà văn, triết gia người Pháp từng được trao tặng Giải Nobel Văn học năm 1957 có nói rằng: “Mục đích của người viết văn là giữ cho nền văn minh không tự hủy diệt.” Đó có thể là quan điểm cá nhân của ông nhưng cũng phần nào bao quát được sứ mệnh vĩ đại của Văn chương đối với thế giới loài người cũng như vai trò quan trọng của Nhà Văn được coi như thiên sứ gìn giữ và phát triển sức mạnh tinh thần của nhân loại.
TÀI NĂNG VÀ NHÂN CÁCH
Ở đây lại bàn đến quan niệm sáng tác của nhà văn sẽ quyết định đến sự nghiệp văn chương của người đó. Sẽ có nhiều bạn bảo tôi rằng ai viết văn chung quy cũng là để chia sẻ, giãi bày thân phận mình nhằm cộng hưởng cảm xúc cùng cộng đồng. Điều này không sai nhưng có lẽ chưa đầy đủ, nhà văn đích thực không chỉ là “thư ký” thời gian ghi chép lại cảm xúc hiện tại, giải tỏa những dồn nén, căng thẳng tâm lí, những vui buồn mất mát của mỗi phận người. Nhà văn còn tiếp nhận một sứ mệnh quan trọng hơn, cao cả hơn đó là tiên phong phát hiện ra cái mới, cái đẹp trong những cái bình thường, thậm chí từ trong chính những điêu tàn, đổ nát và bằng khả năng của mình gìn giữ và tôn vinh.
Đến đây thì ta sẽ nhận ra rằng điều này không hề dễ dàng bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào cái tài, cái tầm và nhất là nhân cách của mỗi người sáng tác.
Một câu nói rất cũ “Văn là người” luôn đúng trong trường hợp này. Bạn có thể che đậy bản thân trong một vài tác phẩm nhỏ, trong một nhóm nhỏ. Nhưng nếu để đi dài hơi trong văn chương, bạn sẽ “lộ diện” trong một ngày tới. Viết văn để “thả thính” để ăn theo cơ hội, để “làm tiền”, để làm oai, làm sang… thôi thì muôn hình vạn trạng. Có những người không chừa thủ đoạn nào để đạt được mục đích của mình: Mua giải thưởng, chạy chọt vị trí trong những tổ chức văn học nghệ thuật, trở thành những tên trộm vặt trong những vụ đạo văn nhan nhản trên các diễn đàn văn chương, thậm chí cả những tờ báo chuyên ngành uy tín. Tất nhiên những cái tên này sẽ chẳng đi đến đâu trong hành trình nhọc nhằn sáng tạo nhưng nó cũng khiến cho bộ mặt văn chương nước nhà xấu xí và nhiễu loạn những giá trị thật sự. Và sự trả giá sau cùng của những cá nhân này cũng gây không ít tổn thương cho những cây bút chân chính.
Vậy thì ta trông đợi ở những người có tài năng thật sự. Nhưng tôi lại đồ rằng chỉ những tài năng thật sự mới dám nhìn nhận những tài năng thật sự. Nhà văn Mỹ Elbert Hubbard từng nói: “Còn có thứ hiếm hơn, tốt đẹp hơn, khó kiếm hơn cả tài năng. Đó là có thể nhận ra được tài năng.” Những kẻ cơ hội, vụ lợi thường chỉ nhìn ra lợi ích vặt đi kèm với khả năng vặt (tôi không gọi là tài năng), tìm cách thỏa hiệp với lối suy nghĩ bảo thủ, trì trệ và sáo rỗng, cô lập lối tư duy mới mẻ, thái độ lao động chân chính, công tâm. Lịch sử văn chương không hiếm những thiên tài bị ghẻ lạnh thậm chí là đọa đày vì dám một mình đi trên con đường sáng tạo, ngược lại với số đông quyền lực như đại văn hào Pháp Victor Hugo, thi hào Chile Pablo Neruda, văn hào Nga Mikhalovic Dostoevski… Có người trong số họ đến gần 1 thế kỉ sau khi qua đời, những di sản văn học mới được nhìn nhận là kiệt tác của nhân loại.
TÀI NĂNG VÀ TRÍ TUỆ
Tôi cho rằng điều kiện cần có của tài năng là độ nhạy cảm và sự tiết chế cao. Bạn đủ nhạy cảm mới đủ tinh tế để biết mình đang theo đuổi điều gì, mình đang ở đâu trong hành trình sáng tạo. Nhạy cảm để hiểu rằng văn chương không có chỗ cho kẻ dối trá.Trung thực với bản thân để nhận ra những hư danh được thổi phồng ồn ào và nịnh hót của đám đông và điểm mặt những kẻ mưu toan khống chế bạn bằng những ảo vọng tầm thường. Nhiều người viết văn ngại người khác biết thận phận thực sự của mình, trình độ thực sự của mình. Nhưng điều này sẽ không hiện trên tấm áo giả tạo bạn khoác lên dù ra vẻ cao sang mấy. Nó sẽ hiện ra từ tác phẩm của bạn, đó chính là thước đo tri thức rõ nhất. Nhà văn có thể lập dị, ngơ ngác trước danh lợi nhưng chắc chắn phải là người minh triết, thông tuệ trong sáng tạo. Ở đây tôi không bàn đến bằng cấp, danh hiệu, học vị bởi có vị có cả đống thứ này nhưng chẳng viết được một câu minh triết! Tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ, tác giả chính của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ – Thomas Jefferson từng nói: “Trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ.”
Còn khả năng tự tiết chế giúp nhà văn nhận ra khi nào cần bùng nổ, khi nào cần lặng lẽ. Hiểu được giới hạn của mình trước vô hạn mênh mông của nghệ thuật. Nhận ra cái tôi nhỏ nhoi giữa bao la vũ trụ và sự cần thiết học hỏi, lắng nghe, và cả biết bảo vệ mình
TÀI NĂNG VÀ TÁC PHẨM ĐỂ ĐỜI
Nhà văn nào cũng có quyền mơ ước tác phẩm của mình “để đời”. Nói không quá rằng xã hội văn minh đến mức nào tùy thuộc vào óc tưởng tượng không giới hạn của chính các nghệ sĩ. Đó chính là bệ phóng cho các nhà khoa học nghiên cứu, chế tạo, thử nghiệm và hiện thức hóa những giấc mơ, những câu chuyện mà thoạt đầu có lẽ nhiều người vẫn cho là hoang tưởng, điên rồ, vô nghĩa. Vì thế mỗi khi viết cần coi như đó là tác phẩm cuối cùng, tác phẩm để đời, tác phẩm bất hủ… để trân trọng, nâng niu và bảo vệ đến cùng. Điều này lại lần nữa cần thiết sự nhạy cảm và tiết chế. Đừng nghe đám đông trên mạng xúm xít suýt soa, đám đồng nghiệp trả lễ hay nguy hiểm hơn là đám phê bình viên hè nhau “khen cho nó chết”. Không có vùng an toàn nào là an toàn cho sáng tạo. Bứt phá khỏi những ấu trĩ, những luyến tiếc cũ kĩ, những cố thủ rêu phong của chính bản thân mình để vượt qua mình trước đã, sẽ có tác phẩm “để đời” dù chỉ với chính mình. Erich Fromm – Triết gia người Đức cho rằng: “Sự sáng tạo đòi hỏi phải có can đảm để buông tay khỏi những điều chắc chắn”.
Không có định nghĩa nào cho tài năng và sáng tạo bởi khi bạn trói buộc vào định nghĩa bạn đã bắt đầu hủy hoại nó rồi. Vậy thì cứ trung thực, hồn nhiên và cả dại khờ hiến thân cho văn chương nghệ thuật, để ta thanh thản, hạnh phúc sau những vật vã, khó nhọc và cả đánh đổi.
4/2/2021
Vũ Thanh Hoa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...