Thứ Năm, 16 tháng 1, 2025

Chậu mai chiều 30

Chậu mai chiều 30

Chất xong mấy cây mai, cho quá giang xe tải về trồng lại, Ba Đực thở phào. Mai năm nay đẹp, giá lại thấp hơn năm ngoái, vậy mà ít khách. Chắc năm rồi làm ăn khó, người ta để tiền, mua những thứ cần thiết hơn cho ba ngày Tết. Tánh Ba Đực ngang, đói thì chịu, nhứt định không phá gía! Công lao cực khổ cả năm trời, bán đổ bán tháo lão xót, thà đem về dưỡng cho năm sau…
Đã quá trưa 30, chợ bắt đầu thưa người. Ba Đực đứng tần ngần ngắm hai cây mai đẹp nhứt để lại, hy vọng từ giờ tới chiều, có người mua, vớt cú chót rồi về. Lão lẩm nhẩm hát, bài hát lão thích nhứt hồi trẻ:
“Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa…”(TTT)
Có mai nở là có mùa xuân. Thấy mai là thấy Tết. Ba Đực nhớ những ngày ở rừng. Những ngày ở gần cái chết. Sự sống ở màu vàng mai, làm thoát ra khỏi cái u ám, cái tối tăm đe doạ của bạt ngàn cây lá. Mai không có mùi thơm. Mai mang mùi bình yên, mùi của sự sống. Cái mùi làm cho buổi sớm thanh thản, nhẹ nhàng hơn. Ba Đực không ngửi mà cảm thấy rất rõ, sau mỗi phiên gác đêm, trong cái chòi nhỏ ven rừng. Mùi mai trong gió, trong hơi thở của rừng. Ba Đực mang theo, làm thành cái nghề mới.
Tiếng con Lành phía sau:
– Dọn sớm vậy cậu Ba?
– Ừa, sớm gì nửa, cho nó đỡ cực! Sớm là bây kìa. Bữa nay cũng mần nữa ha?
– Làm gì có, thiên hạ về với gia đình hết rồi, ế độ ra chơi với cậu thôi…
– Cúng kiến gì chưa?
– Chưa cậu ơi, còn cậu?
– Qua hả? Khoẻ re, có một mình với mấy con chó, về tới dưới, mần thịt con gà là xong. Mình nghèo, lo kiếm ăn, ông bà khuất mày, khuất mặt, đâu có chấp!
Lành im lặng một lát, rồi ngập ngừng:
– Tui cũng mình ên! Buồn đứt ruột! Vô tui chơi đi cậu Ba, chiều về…
– Thôi! Qua già rồi…
– Đừng thôi mà cậu Ba, cậu làm không được thì tui… làm cho cậu! Tui năn nỉ mà…Coi như xả xui cuối năm đi cậu…
Vừa nói, Lành vừa nắm tay Ba Đực lắc lắc. Thấy con nhỏ gần muốn khóc, Ba Đực cầm lòng không đặng. Lão ngó ra chỗ khác, rồi gật:
– Vô trước đi, chút qua vô
– Thiệt nghen, thề nghen cậu Ba…
Ba Đực lại gật lia lịa. Lành đi khuất, tự nhiên lão cũng thấy bồn chồn. Lâu rồi, không gần đàn bà, giờ nhắc cũng thèm. Hồi thiếu uý, dính hết 1 năm cải tạo! Ba Đực mới 22, ra tù lủi về quê, sống cu ky với mấy công ruộng, ông bà gìa để lại. Anh em tứ tán, thân ai nấy lo. Có con bồ thì vượt biên mất biệt! Ba Đực chán đời, ở vậy mà sống.
Làm ruộng thất, Ba Đực lên vườn, trồng mai bán Tết, cũng có ăn. Năm nào 23 Tết, đem mấy chục gốc mai lên đúng chỗ này, ăn dầm nằm dề, bán lai rai tới 30 thì rút. Ngồi bán ngắm thiên hạ sắm Tết cũng vui. Riết rồi ghiền cái không khí Tết của chợ. Mấy năm trước không, năm nay lại có thêm con Lành. Chỗ Ba Đực bán, nhè ngay đầu hẻm nhà trọ của nó. Lành bán bia ôm và đi khách luôn ở cái quán tuốt ngoài đường rầy xe lửa.
Chiều qua, quán nghỉ. Lành lang thang chán, mò về ngang qua chỗ bán mai của Ba Đực. Đúng lúc lão đang nướng con khô sặc ăn cơm. Mùi thơm lừng. Con Lành ghé vô làm quen, rồi ăn cơm với lão luôn. Chập tối, khách coi mai đông, nó cũng líu lo chào mời, phụ với Ba Đực tới khuya, còn tự nguyện đi mua cho lão tô mì gõ, rồi mới chịu đi ngủ…
Ngồi trầm ngâm một lát, chừng như hài lòng với quyết định của mình. Ba Đực đứng phắt dậy, gửi 2 cây mai cho bạn hàng bên cạnh. Dắt chiếc Dream dông xuống dốc Cầu Bông, mua con vịt quay, mấy ổ bánh mì với lít rượu đế. Về lại chỗ bán. Ba Đực cột thêm miếng ván phía sau yên, chất một cây lên đó. Còn lại một cây, Ba Đực lục túi lấy cuốn sổ, kiếm cái số nhà, rồi kêu tay xe ôm quen. Tay này ngày thường chở người. Tết chở cây kiểng kiếm ăn. Ba Đực đưa cho hắn tiền và cái địa chỉ, dặn:
– Nói với thầy Tân là cây mai này tui biếu thầy chơi Tết. Chúc thầy ăn Tết vui vẻ, năm sau gặp.
Ba Đực chỉ mới biết thầy Tân mấy năm sau này. Lần nào lên bán cũng gặp. Thầy có vẽ thích và rành về mai. Chắc hồi trẻ phong lưu lắm. Có thầy ghé qua, Ba Đực cũng pha ấm trà mời. Rảnh thì tiếp chuyện, không thì thầy cứ ngồi đó, nhâm nhi trà mà ngắm mai thoải mái. Thầy Tân nói hồi chiến tranh, gia đình thầy không còn ai trong cái Tết năm nào. Thầy lưu lạc luôn từ đó! Cái ấm cúng, cái hạnh phúc của gia đình thầy, như chỉ chờ mai nở mà hiện về. Ngồi giữa những chậu mai đầy hoa của Ba Đực, thầy như sống lại được những ngày tháng êm đềm cũ. Chỉ có vậy, chưa bao giờ nghe thầy hỏi mua. Mai bây giờ là cái thú, cái khoe sự sung túc. Ba Đực biết thầy Tân thích lắm. Ra ngồi chơi thôi, mỗi lần Ba Đực bán đi cây mai đẹp nào, khách chở đi. Thầy Tân đều ngó theo, ánh mắt đầy tiếc rẻ. Nhưng mai quá mắc, mua không nổi so với hoàn cảnh của thầy hiện nay. Ba Đực biết, thầy Tân mượn cớ, có buôn bán, làm ăn gì đâu, mà nhờ mai nở rộ, đặng cầu tài cầu lộc, rồi làm bộ ngó lơ, nuốt nước miếng mà nhịn…
Chào từ giả và chúc tết bạn hàng chung quanh xong. Ba Đực chậm rãi chở cây mai còn lại vô nhà Lành. Hẻm nhỏ, người ta ngồi đầy bên sòng cắc-tê, sì-dách, bầu cua lộ thiên. Phải khó khăn lắm, Ba Đực mới chui vô được tới nơi. Lành đứng đợi sẵn lão trước cửa. Chậu mai bỏ xuống choán gần hết nửa đường đi. Cũng chướng, nhưng thây kệ, Tết mà. Cả con hẻm sáng rực. Lành ngó cây mai, ngó lão, ngạc nhiên. Ba Đực cười:
– Để chưng cho có 3 ngày Tết!
Căn nhà nhỏ xíu, trống hốc trống hoác. Một cái bàn gỗ ọp ẹp kê sát vách làm bàn thờ. Trên có hình người phụ nữ và cái hủ cốt. Ba Đực để con vịt quay, chai rượu và mấy ổ bánh mì lên đó. Không có giường, chỉ có chiếc chiếu, chắc mới được trãi ra, ngay dưới chân bàn.
– Bà già tui đó, chết năm rồi…
– Đốt nhang đi. Có gì cúng nấy!
Lành vói tay cài chốt cửa, thấy Ba Đực nhìn chiếc chiếu có vẽ ngần ngại, nó cười:
– Không sao, bà già… quen rồi!…
Mùi nhang hăng hắc làm căn phòng thêm ngột ngạt. Ba Đực xá mấy xá, lẩm bẩm mấy câu với người phụ nữ trong hình. Quay lại, con Lành đã cởi quần áo từ hồi nào. Nó kéo Ba Đực nằm xuống, vuốt ve khắp người lão. Thằng đàn ông trong người Ba Đực trỗi dậy. Lão nhìn con Lành nằm tênh hênh bên cạnh. Ngực phập phồng, hai cái đùi bắt chéo, nhô đám lông đen ra ngoài khiêu khích. Con Lành chờ đợi, nó sợ Ba Đực đổi ý, sợ lão từ chối. Sợ bất kỳ cái khái niệm đạo đức nào, bất chợt trỗi dậy trong người lão. Chút…tự ái nghề nghiệp. Cái nghề chết tiệt! Cái nghề được nhắc đến giữa thương cảm và khinh bỉ. Cái nghề luôn bị kẻ nhân danh sự cao cả, cúi xuống nhìn như một thứ rác rưởi. Ba Đực khác. Cái nông dân trong lão nghĩ suy rất đơn giản. Con Lành bán thân như lão bán mai vậy. Ai thích, ai cần thì mua. Sòng phẳng. Mua trong thích thú, vui vẻ, lão sướng. Mua mà ngắm nghía, nâng niu từng cánh hoa, để thấy hết cái đẹp, cái hồn của hoa. Rẻ một chút, lão cũng bán. Còn ngược lại, chờ cái thế kẹt, tàn chợ hoa Tết của lão như bữa nay, mà chê bai, dè bĩu, ép gía, trả tiền như ban ơn. Thứ đó không biết chơi, lão cóc cần. Ba Đực bán mai là bán nguyên cây. Bán cái công cưa cành, tỉa nhánh làm thành cái tướng, cái nổi trội của cây mai giữa muôn ngàn cây khác. Không phải gía, lão đem về. Ăn Tết nghèo thêm một chút, thiếu thốn một chút, đã sao! Tết quê thì có sắm sửa gì đâu. Mồi nhậu thì minh thiên. Chủ yếu là lo cúng kiến cho phải đạo.
Ba Đực ngó con Lành, ngó quanh cái phòng lần nữa. Lão chợt xót. Lão nửa muốn nằm úp lên cái thân thể đó, nửa ái ngại muốn đứng lên. Lại lo con Lành tự ái, tưởng lão chê, nó tủi thân. Tội! Ngày mai là ngày đầu năm. Tống cựu nghinh tân. Con Lành thì tân nổi gì, cựu hơn, tơi tả hơn thì có. Lành cứ lặng im vuốt ve Ba Đực. Lành đang rách, đang cần tiền. Nhưng không hiểu sao, giờ này, nằm đây, Lành lại thấy khang khác. Cái hơi đàn ông không còn là để chịu đựng, để chán chường, mà lại là thứ để che chở, để an ủi. Lành chờ cái ôm của Ba Đực. Cái ôm không cần tính tiền!
Phần Ba Đực cũng thấy lạ với mình. Ngay từ đầu Ba Đực đã không muốn vô đây. Lão quen sống cu ky một mình, không có đàn bà lâu lắm rồi. Ở quê loay hoay từ sáng tới chiều, hể chịu làm là làm không hết chuyện, làm cho quên ngày tháng, quên cái thiếu thốn, trống vắng trong căn nhà. Tối lại, lai rai vài ly cho dễ ngủ. Tới chừng thấy cần có người bên cạnh, giựt mình ngó lại thì gìa cha nó rồi, thôi nhịn luôn…
Bữa nay, con Lành làm lão cao hứng, lão muốn tự thưởng cho mình, một ngày không như mọi ngày cũng đáng. Ba Đực ngó mặt con Lành, ngó cặp mắt lim dim của nó thấy cũng ngộ, lão không đành lòng, lão không muốn nó buồn. Lão ôm lấy nó, lão quên hết chuyện đời, hì hục thở. Lành rướn người, nhích tới nhích lui, đụng chân bàn, cái hủ cốt khua lộp cộp trên đầu…
Lâu lắm, Ba Đực mới hoàn hồn. Lành vẫn để mình trần, ngồi tiếp rượu với lão. Nó uống cũng ngọt sớt. Ba Đực thấy vui, thấy bớt lẽ loi hơn mọi năm, bớt chán chường hơn khi nghĩ tới lúc phải về căn nhà với miếng vườn dưới quê.
Lành xé cái đùi vịt quay đưa cho lão:
– Ở dưới quê ăn Tết chắc vui hơn trên này hé cậu Ba? Ở đây buồn lắm, Tết đâu có ai đi chơi bời. Mấy đứa kế bên về quê hết rồi. Tui mà có quê, tui về liền…
Ba Đực gạt ngang:
– Tầm phào! Sao không có? Con người mà không có quê hương, xứ sở đâu phải con người.
Lành bật cười, cười mà như khóc:
– Tui nè, cậu Ba. Nhiều khi tui cũng không biết tui phải người không nữa. Người sao khổ quá vậy!
– Tầm bậy, sông có khúc người có lúc…
– Lúc nào không biết, chứ tới giờ thì…
Lành ngưng ngang. Nó rót đầy chung rượu, cầm hai tay đưa Ba Đực đàng hoàng. Chờ lão uống xong, Lành rót cho mình, nó uống còn lẹ hơn Ba Đực. Đặt cái chung xuống chiếu, Lành ngó Ba Đực:
– Để tui kể cho cậu Ba nghe. Bà già tui bỏ quê, lên ở đợ trên này. Thằng chủ nhà, tức là ông gìa tui đó, rù quến quất cho một bụng. Chả hoảng, lập kế cho con vợ đánh ghen, đuổi bà già ra khỏi nhà. Về không được, ở lại lấy gì ăn. Sanh tui xong, bả làm gái nuôi tui. Lớn lên tui làm gái nuôi lại bả. Bà già tui nói “Thà của mình đem bán nuôi thân, còn hơn cho không nó, đã nhục còn mang tiếng ngu, tới quê cũng không dám về”. Tui hỏi “Quê đâu? Mắc mớ gì không về”. Bả nói “Mình nhục đủ rồi, làm nhục ông bà mang tội”. Vậy đó, rốt cuộc quê ngoại, quê nội gì cũng không biết, không có. Tui là cái giống gì, cậu Ba?
Ba Đực im lặng, con Lành kể, lão rót rượu uống. Lành ngưng nói, lặng thinh tiếp rượu Ba Đực. Lão uống tới đâu nó theo tới đó. Chai rượu cạn queo.
Ba Đực lôi hết tiền bán mai ra đếm, lẳng lặng đặt một nửa dưới lư hương, nói trống không:
– Ăn Tết vui vẻ…
Lúc Ba Đực dắt xe ra, trời đã sẩm tối. Chậu mai trước nhà biến mất. Lành gào lên chửi. Có tiếng giang hồ lao xao:
– Đám Út Nhanh chơi rồi, khỏi kiếm!
Ba Đực đẩy Lành vô nhà, kêu đóng cửa lại, lão cười rất nhẹ nhàng với đám đông:
– Chậu mai tệ gì cũng bạc triệu, nói nó đừng bán rẻ quá. Uổng!….
Ra khỏi hẻm. Ba Đực còn tần ngần chưa muốn đi. Còn mấy tiếng nữa là Giao thừa, là hết một năm, là già thêm một tuổi. Ba Đực thở dài, nổ máy. Day lại thấy con Lành tất tả chạy ra, nhảy thót lên xe ngồi. Nó kiếm đâu ra bộ bà ba màu mỡ gà, coi hiền khô. Ba Đực giương mắt ngó, Lành cười:
– Của bà già để dành, đặng về quê, mà chưa bận lần nào…
– ….
– Tui về với cậu…
– ….
– Thì cũng có người phụ cậu mần con gà, bắc nồi cơm cúng, hay uống rượu với cậu. Lẹ đi, trời tối rồi…
Ba Đực ngước nhìn trời. Ừ, tối. Tối như đêm ba mươi là cùng. Rồi ngày mai trời sẽ sáng. Chắc chắn như vậy…
11/2/2021
Ngô Đình Hải
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đọc thơ Hồ Chí Bửu

  Đọc thơ  Hồ Chí Bửu MÁY BAY TUỔI THƠ Những năm trước gia đình mình cơ cực Mẹ đi bán chưa về, chiều mưa bụi bay bay Bốn đứa con quây ...