Hoàng Nhuận Cầm thời chống Mỹ:
Một tâm hồn học sinh những câu
thơ trận mạc
Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột ra đi ở tuổi 70 vào chiều ngày 20.4.2021 tại Hà Nội. Ông là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của thế hệ cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ và hậu chiến. Tưởng nhớ bậc tài hoa, Vanvn.vn xin trân trọng giới thiệu lại bài viết của nhà thơ Vũ Quần Phương về nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm…
Cái tên Hoàng Nhuận Cầm được trình làng lần thứ nhất trên Tạp
chí Văn nghệ Quân đội số tháng Giêng 1972 với ba bài thơ: “Bức tranh dọc đường
hành quân, Đêm khuya nói chuyện với Andecxen và Mùa thu tôi yêu”. Ba bài thơ
khá kết nhau trong một giọng điệu tâm hồn: trẻ trung, trong sáng. Thơ nói đời về
đời sống chiến sĩ, chiến trường, nhưng còn thấm đầy hương vị tuổi học trò.
Hoàng Nhuận Cầm đang học dở đại học thì đi bộ đội, khi những
bài thơ trên được đăng, anh trọn một tuổi quân và hai mươi tuổi đời. Hoàng Nhuận
Cầm là một đại diện tiêu biểu cho lứa tuổi sinh ta và lớn lên trong lòng chế độ
mới, qua ngưỡng cửa nhà trường vào ngay cuộc chiến tranh rộng lớn, ác liệt… Kiểu
tâm hồn bộ đội này trong kháng chiến chống Pháp chưa có. Anh vệ quốc năm
xưa “Áo anh rách vai, quần tôi có vài mảnh vá” thường bước vào đời bộ
đội sau khi đã trải qua những năm tháng cực nhọc trên đồng ruộng, làm lụng đến
u mê, họ “gặp nhau hồi chưa biết chữ”, những hố ngang hố dọc cản cơ
giới giặc trên đường hành quân còn gợi họ liên tưởng đến với chữ I chữ tờ ở lớp
bình dân buổi tối. Họ chưa thể có, như Hoàng Nhuận Cầm, mười lăm sách vở nhà
trường, họ chưa thể có những đêm thức trắng mải mê rất học trò với những trang
cổ tích tuyệt vời của Andecxen, họ chưa nắm được đầy đủ cái vị ngọt ngào của Truyện
Kiều, của ca dao tục ngữ, của Đường thi trong các bài giảng văn lớp
Tám, lớp Mười. “Tháng bảy lác đác cành ngô, tiếng chày ai nện đêm thu ghẹo
người”. Họ chưa có thì giờ và sự thơ thới trong tâm hồn để cảm nhận cái hơi mùa
thu Việt Nam dịu dàng bâng khuâng trong màu xanh hoa lá ruộng đồng,
trong ánh sáng tròn vạnh một vầng trăng và hương thơm những trái bưởi trung
thu. Đằng sau những câu thơ chiến sĩ của Hoàng Nhuận Cầm, người ta thấy một xã
hội trong lành tươi sáng cho phép con người, đặc biệt là ở lứa tuổi mới bước
vào đời, được sống trong tin cậy, yêu thương. Trong tâm hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm
những buổi đầu tiên ấy, người ta thấy một phong vị trữ tình thấm đẫm những mơ mộng
khát khao. Đôi lúc cảm xúc lãng mạn được đẩy lên đến độ thần thoại hoá những
nét thực của đời sống thường ngày. Thơ Hoàng Nhuận Cầm không có những dây trầm
của ưu tư, lo ngại về những mặt phản diện hay những nét khắc khổ của đời sống
trong chiến tranh. Cuộc đời được nhìn bằng đôi mắt “xanh non”. Cảnh vật trong
thơ Hoàng Nhuận Cầm tươi sáng và luôn luôn vang động những âm thanh xao xuyến của
lần gặp gỡ đầu tiên, đôi lúc được phủ trong một khí quyển hư ảo như cổ tích.
Bài thơ Anh bộ đội và tiếng nhạc la được anh viết nhanh chóng, tại trận,
câu thơ cuối cùng chấm hết khi tiếng nhạc la đoàn vận tải còn vọng lại phía cuối
nẻo rừng. Bài thơ liền một hơi cảm xúc trong một nhạc điệu chơi vơi, lãng đãng
rất kỳ ảo, anh bộ đội xắn quần đi trong mưa với bầy la tải đạn qua những
con đường ác liệt của chiến tranh mà thơ mộng như trong cổ tích:
Những cây nấm nâu mầu nâu già
Tự dưng thức dậy bên vòm lá
Những bông hoa chửa có tên hoa.
Bỗng nhiên mở cánh ra nghe ngóng.
Hoàng Nhuận Cầm không dùng những nét dữ dội để vẽ cái dữ dội
của cuộc chiến. Hiện thực không được thể hiện trực tiếp, trần trụi như thơ của
phần đông các cây bút trẻ bộ đội. Hoàng Nhuận Cầm quen dùng những nét mềm, những
đường vờn rất mảnh để tạo hình. Thực tế đời sống hơi lùi xa, nhường chỗ cho cảm
xúc rung động. Thơ Hoàng Nhuận Cầm nhờ vậy dễ thân với bạn đọc. Giọng thơ nhỏ
nhẹ, tinh tế chính là sức hấp dẫn đầu tiên của thơ Hoàng Nhuận Cầm. Đọc thơ
anh, người ta gặp một tâm hồn trước khi nhận ra đầu đuôi sự việc.
Hoàng Nhuận Cầm cũng không thiên về kể việc. Anh chỉ muốn ghi
lại những biến động của lòng mình. Bài thơ thoáng, sự việc chỉ đủ để làm điểm tựa
khơi gợi tâm hồn. Giá trị hiện thực của thơ Hoàng Nhuận Cầm chưa bằng của Nguyễn
Đức Mậu, Phạm Tiến Duật… nhưng anh lại biết lắng nghe những chuyển động, có khi
rất nhỏ bé, của lòng mình trước hiện thực lớn lao của đất nước. Một bài thơ
nhan đề Nhật ký viết năm 1971, năm bộ đội đầu tiên của anh, có ba đoạn
sáng, chiều, tối thế này:
Sáng: Bình minh ấy là bình minh kỷ niệm
Chiều: Hoàng hôn như lạ lại như quen.
Tối: Tắc kè liếm lưỡi vào đêm,
Có ngủ được đâu
Nằm nghe lá thở
Nằm nghe súng nổ,
Đnáh giặc lần đầu, ai chả thế
Thôi sáng rồi vẫn tiếng gà xóm mẹ
Cuốn võng vào theo tiếng súng mà đi.
Bình minh ấy, để xác định không gian, thời gian chỉ là một chữ
ấy. Rồi cái vẻ đặc biệt của hoàng hôn cũng được ghi nhận từ cảm giác như lạ
lại như quen. Hoàng Nhuận Cầm muốn diễn tả cái hiện thực bên trong, hiện thực của
những biến động nội tâm hơn là miêu tả những gì nhìn được bằng mắt, nghe được bằng
tai. Ưu điểm của loại thơ này là gọn, súc tích, tránh được kể lể. Khi anh cho
thơ bám vào câu chuyện thường không thành công. Bằng chứng là ở bài Anh bộ
đội và tiếng nhạc la trong bản in ở Nhà xuất bản Quân đội, còn có một phần
dài nữa nói về sự hy sinh của anh chiến sỹ và những việc sau đó, bút pháp kể
chuyện ở đây không liền mạch với giọng trữ tình của phần trên. Báo Văn nghệ có
lý khi tặng giải chỉ lấy phần trên, bài thơ gọn và hoàn chỉnh hơn nhiều, dù diện
mạo có khác đi.
Thơ Hoàng Nhuận Cầm là thơ của tuổi trẻ ý thức đầy đủ trách
nhiệm mình trước đất nước, trước nhân dân. Ba tiếng tuổi hai mươi nhiều lần
vang động trong thơ kiêu hãnh và da diết:
Con đã sống những ngày cao đẹp nhất.
Tuổi hai mươi chỉ có một lần.
Ngay khi mình hai mươi tuổi – bình minh
Má đã sống bạc đầu đêm Côn Đảo
Em đã sống ba nghìn ngày địa đạo.
Áp má vào, uống nắng lỗ thông hơi.
Tuổi hai mươi chỉ có một lần. Hoàng Nhuận Cầm đã có câu thơ
như vậy, đã ý thức như vậy, nhưng không phải ý thức để hưởng thụ, để vội vàng sống
gấp: Đất nước đã mấy thế hệ người ra trận, đánh và thắng hai đế quốc lớn, lứa
tuổi hai mươi hiểu, hiểu lắm:
Ngay khi mình hai mươi tuổi thời gian
Nếu không nhanh, ta đã chậm mất rồi.
Khẩu AK quàng trước ngực tuổi hai mươi.
Vẻ đẹp của tuổi hai mươi trong thơ Hoàng Nhuận Cầm tràn đầy một
khí vị lãng mạn, nhưng vẫn không giấu đi cái đắng đót của lớp người tha thiết
yêu cuộc sống hoà bình xây dựng. Trong tâm hồn có cái quyết liệt rắn khoẻ, một
mất một còn trong chiến đấu, nhưng vẫn có cái rưng rưng thơ mộng:
Còn một mắt ư, còn một tay ư. Mình còn trái tim này nhớ suối
từ nguồn, thương cây từ gốc, yêu đất nước này từ ngọn gió heo may với lay lay
rơm rạ thu về.
Đọc thơ Hoàng Nhuận Cầm, đôi lúc chúng ta xúc động, lặng ướt
những chân mi vì những điều ở đằng sau câu thơ, những điều tác giả như muốn giấu
đi, chưa muốn nói, nhưng cái hơi thở của thơ anh lại làm ta nhận ra. Một cái tết: Giao
thừa đến lưng chừng dây cháy chậm. Một mùa xuân: Lính tráng cởi trần lội
sông đón tết. Một vẻ đẹp: Sáng nay tuổi hai mươi/ Hồng lên như viên đạn.
Sự tươi mới của lứa tuổi vừa bước vào đời được so sánh với
cái mới mẻ của viên đạn vừa xuất xưởng. Câu thơ hồn nhiên, sự so sánh hồn nhiên
mà nghe xót ở trong lòng. Viên đạn sinh ra là để bắn đi, một lần là hết. Câu
thơ có cái nghĩa lớn, cái sức nặng của việc đời những ngày tháng ấy. Cao cả và
xót thương.
Nếu được chết cho quê hương, con sẽ chết như bạn bè con thế đấy,
với câu Kiều trên miệng, súng trên tay.
Đọc những dòng này chúng ta lại nhớ tới một Tố Hữu thời “Từ
ấy” vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng.
Cảm xúc thơ Hoàng Nhuận Cầm non tơ và tinh nhạy. Trong tâm hồn
anh chất liệu đời sống xen lẫn với chất liệu rút ra từ sách vở nhà trường, thực
và mơ đan nhau. Sách vở đã chuẩn bị cho rung cảm việc đời khi anh chạm vào thực
tế. Các anh bộ đội chống Mỹ, hành quân qua đèo Ngang, ai cũng bâng khuâng một nỗi
niềm thương nước. Nỗi niềm bâng khuâng ấy được bắt đầu từ một bài thơ của bà
huyện Thanh Quan học ở nhà trường. Hoàng Nhuận Cầm cũng vậy, những gì của thời
đi học, cảm xúc về văn học, lịch sử, địa dư… như cùng cộng hưởng với những việc
anh gặp ngoài đời, dọc đường ra trận, mà ngân vang không dứt trong tâm tưởng. Nếu
không được đọc, được học những gì về Huế từ những ngày đất nước chia cắt thì
làm sao đêm 23 tháng 3 năm 1975, khi tiến vào Huế vừa giải phóng, Cầm đã có
ngay được cảm xúc rưng rưng ghi nguyệch ngoạc trong sổ tay nhật ký: Con đến
hôn Huế bằng chính đôi môi xương thịt của mình. Đêm nay ngủ ở nhà trong thành
Huế. Đã đứng dưới cờ Phu Văn Lâu. Đêm không thể ngủ. Ở một trang khác mấy câu
thơ chưa thành bài: Đứng trước hồ Tĩnh Tâm lòng không yên được… Sau
này Hoàng Nhuận Cầm đã viết một bài thơ dài về Huế Giữa hai hàng lục bát, trong
đó chúng ta gặp lại cái rưng rưng ấy của Cầm:
Mắt tôi nhoà giữa chợ Đông Ba
Hôn một cái vội vàng trên đập đá.
Chân vấp ngã mấy lần bên Vĩ Dạ.
Một câu hò ai đã đỡ tôi lên.
Phu Văn Lâu giờ phút ấy oai nghiêm
Hồ Tĩnh Tâm ngàn sen hồi hộp thở,
Mắt rơm rớm bà con Huế ngó,
Ngôi sao vàng trong gió cuốn thiêng liêng.
Khi Hoàng Nhuận Cầm đã là anh bộ đội thì Trần Đăng Khoa còn
là chú bé học trường làng. Họ chênh nhau bốn tuổi nhưng trong thơ anh bộ đội
Hoàng Nhuận Cầm thì đầy những trò chơi, cùng ý nghĩ của tuổi học trò. Và trong
ý nghĩ học sinh của em Trần Đăng Khoa thì bao nhiêu lần hiện ra anh bộ đội.
Thành ra anh bộ đội trong thơ Cầm và trong thơ Khoa đều giống nhau ở cái chất học
trò, cái vẻ dễ thương của tuổi vừa lớn lên. Anh bộ đội trong thơ Khoa: Chú
đi gánh nước, chú ngồi đánh bi. Hòn bi ấy cũng vừa mới lăn hết vòng tuổi
nhỏ ở anh bộ đội trong thơ Cầm. Anh bộ đội ấy ra trận, trong ba lô còn
có một hai ba giọng hát chú ve kim và khi chốt trên đồi cao điểm sau
lúc nguỵ trang công sự, lại ngồi lắng nghe tiếng chim kể chuyện, những con chim
quen thuộc của tuổi thơ, của cổ tích và cả những gì thuộc về đất nước đã thấm
vào máu thịt tự bé thơ. Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim.
So sánh anh bộ đội trong thơ Hoàng Nhuận Cầm với anh bộ đội
trong thơ kháng chiến chống Pháp: Quân đội ta càng trưởng thành thì tâm hồn
mỗi người lính lại càng trẻ trung hơn. Vẻ tươi sáng, hồn nhiên, tự tin của những
tâm hồn ấy chính là sản phẩm của những năm hoà bình xây dựng ở miền Bắc. Họ yêu
ruộng đất xóm làng nhà máy, nhưng cũng biết yêu những tà áo xanh đung đưa
trong quả thị, những đầu voi chín ngà và ngựa chín hồng mao. Với họ, câu Kiều
cũng cần thiết như vũ khí, như súng trên tay:
Con sẽ chết như bạn bè con thế đấy
Với câu Kiều trên miệng, súng trên tay.
Nhưng súng đạn không bao giờ là ý nghĩ duy nhất của họ dù
đang trên đường ra trận. Bên súng đạn là bao nhiêu ý nghĩ tươi xanh về cuộc đời,
những dự cảm về tương lai. Hoàng Nhuận Cầm hồn nhiên đặt chung trong một vần
hai thái cực của đời sống.
Chung quanh đây nhiều hố bom rách nát
Chung quanh đây nhiều chồi non dịu mát.
Và Hoàng Nhuận Cầm cũng không hồn nhiên chút nào khi gặp lại
hai thái cực ấy trong một dạng khác.
Đêm đêm,
Tiếng pháo kích từ thành cổ vọng về đây…
Lửa đốt nương cháy suốt ngày,
Tàn tranh rơi như lông ngỗng trong thần thoại,
Phủ đầy lên mâm pháo lên mũ sắt,
Khói bay,
Phủ đi những lô cốt giặc
Tôi như muốn khóc:
Mẹ ơi!
Mẹ đốt nữa đi,
Rồi lúa khoai sẽ mọc,
Mùa ngô rồi vàng lắm, mẹ ơi…
Ánh lửa đốt nương tần tảo kiên nhẫn của bà mẹ đợi gieo trồng
giữa vùng đất đang diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, một điều gì
đấy thuộc về ý nghĩa lớn lao của cuộc đời làm chói lòng người viết: Tôi
như muốn khóc. Đấy là giọt nước mắt của sự trưởng thành, nó là dấu hiệu cho thấy
phía sâu xa trong những cảm xúc ngỡ như hồn nhiên của Hoàng Nhuận Cầm. Trong
bài Nghe chính uỷ hát sau trận đánh viết năm 1975, Hoàng Nhuận Cầm đã
biết lắng nghe, không phải chỉ bằng cả trái tim mình cái tiếng hát cất lên từ một
người chính uỷ đã bạc phơ mái tóc:
Cái bàn tay to thô,
Vỗ vào đùi nhẹ hát,
Mùi bộc phá bỏng rát,
Cũng theo vào bài ca,
Đồng bằng kia đâu xa,
Đau đáu ngày hẹn gặp,
Lời ca bay lên mắt,
Rồi lại lặn xuống môi,
Người hát đã qua bao nhiêu từng trải khốc liệt của đạn bom sống
chết, ông kín đáo giấu cảm xúc của lòng mình trong tiếng hát, người viết đã
phát hiện được cảm xúc ấy và cũng thể hiện một cách kín đáo trong câu thơ của
mình. Ý nghĩa nhân tình của bài thơ này rất thấm thía, nó cho thấy tính chất
phong phú của thơ ca đánh giặc thời chống Mỹ của chúng ta.
Hoàng Nhuận Cầm xuất hiện cùng lúc với nhiều người làm thơ trẻ
trong và ngoài quân đội. Năm anh được giải nhất của báo Văn nghệ trong một cuộc
thi thơ (1972-1973) cũng là nhất với ba bạn khác trong đó thì hai cũng là bộ đội
như anh (Nguyễn Duy, Nguyễn Đức Mậu). Giữa đông đảo như vậy mà Cầm được bạn đọc
nhớ tới, vì anh đã sớm có nét riêng, nét riêng ấy là chất tâm hồn ở thơ Cầm.
Đây là một ưu điểm đáng quý vì trong những năm ấy do sức hấp dẫn mãnh liệt của
những sự kiện, trước vẻ bi hùng lớn lao của cuộc sống đánh giặc, nhiều cây bút
đã để phần việc của đời lấn phần hồn của thơ trong sáng tác của mình. Muốn vươn
tới cái vĩ đại cao cả của hiện thực, nhưng lại để thiếu đi cái thầm lặng gốc rễ
của cảm xúc, thơ thường bị khô. Hoàng Nhuận Cầm tránh được nhược điểm ấy. Thơ
anh luôn có cái rưng rưng non xanh của tuổi mới lớn, háo hức trước tương lai và
bâng khuâng trong kỷ niệm. Hoàng Nhuận Cầm lấy cảm xúc làm cứu cánh cho tứ thơ,
anh chịu lắng nghe để viết những cái thực sự mình có, thực sự là mình. Viết như
tâm sự, chân thành như tự thú:
Thôi xin chào mười năm học phổ thông,
Cánh hoa phượng cuối cùng thương mến nhất,
Một chấm đỏ rung rung trên lòng đất,
Tuổi khăn quàng, phấn tráng, nắng vô tâm
Không phải không có lúc hồn thơ Hoàng Nhuận Cầm bị đắm đuối
vào những cảm xúc mơ hồ, khơi gợi những rung cảm ngòn ngọt đã quen mòn, thậm
chí có khi là những cảm xúc đã bị chuyền tay qua nhiều người viết.
Và trong khuynh hướng khai thác chất liệu của Hoàng Nhuận Cầm
(từ sách vở, từ kỷ niệm, từ những “cái nên thơ”…) dễ dẫn đến sự né tránh những
chất liệu mới thật sự của đời, sống sít, phức tạp chưa hợp với khẩu vị quen thuộc
của thơ, do vậy, sự khai thác, sức đi tới táo bạo của nhà thơ bị hạn chế. Chính
vì thế khi đọc được câu thơ “Lính tráng cởi truồng vượt sông đón tết”1 chúng
tôi thấy được sự cố gắng của tác giả trong việc xáp vào hiện thực, mặc dù ý thơ
này chưa hẳn là mới (tuy vẫn còn là bạo), ba mươi năm trước anh bộ đánh Pháp đã
nói rồi2.
Có lẽ chính Hoàng Nhuận Cầm cũng ý thức cái sở trường, sở đoản trong lối viết của mình, nên sau khi trở lại trường đại học, anh thay đổi bút pháp: câu thơ lạ hơn, tứ thơ phức tạp hơn, cảm xúc có phần rắc rối hơn, đôi lúc thành khó hiểu, thậm chí kỳ quái. Chặng tìm tòi mới đó của Hoàng Nhuận Cầm có thể chưa đến cái đích mà anh muốn, nhiều bài đã bị gạt lại ngay từ ngăn kéo biên tập viên các toà soạn. Những trồi trụt ấy cũng ít ai tránh khỏi. Bạn đọc có thể chưa chấp nhận bài này bài khác, hay hơn nữa có thể phản đối một khuynh hướng tân kỳ nào đó mà anh đang ham thích, nhưng chưa ai dám vội vã kết luận là anh đã dừng lại. Anh vẫn đang còn nhiều thời gian trước mặt, anh thuộc vào loại trẻ trong số các cây bút trẻ bấy giờ. Một bản năng nhạy cảm, một sự hiểu biết đời sống ngày một sâu, cộng với một kiến thức văn hoá và văn học ngày càng vững vàng là những yếu tố để chúng ta chờ đợi những thành công mới của Hoàng Nhuận Cầm.
Chú thích:
1. Câu này khi in báo đã được sửa lại cho “nhã” hơn: Lính
tráng cởi trần
2. Qua sông mà chẳng có đò/ Phần lo làm mảng, phần lo cởi
quần/ Quản trị xếp súng xếp chăn/ Kiễng chân đẩy mảng hò quân sang bờ/ Anh kia
áo vén thập thò/ Áo quần nhất bọ còn lo ai cười.
21/4/2021
Vũ Quần Phương
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét