Những chuyển động của hiện thực
tinh thần trong Dưới trăng và
một bậc cửa
Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, kí ức, cõi âm với “hiện thực của tinh thần”, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng những hạt giống uyên nguyên, thanh khiết. Ông nhận ra “cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc” nhưng ông vẫn tin vào quyền uy của cái đẹp, tin vào ánh sáng bất diệt của tâm hồn sẽ hoàn nguyên những giá trị sống…
Trong cuốn Văn học Việt Nam thời toàn cầu hóa, Nguyễn
Hưng Quốc đã luận bàn về sự viết như sau: “Viết để ngay cả những điều phức
tạp nhất cũng có thể được đọc và được hiểu là một cái thú. Viết để đạt đến cái
cõi bất khả độc (unreadability) và bất khả quyết (undecidability) lại là một
cái thú khác, cái thú thám hiểm vào những vùng biên ải xa xôi không những hiếm
người mà còn hiếm cả ánh sáng nữa; ở đó, người ta có thể đùa nghịch với bóng tối
và sự vắng vẻ đầy thanh khiết”[1]. Đọc thơ Nguyễn Quang Thiều, có thể nói,
sự viết của ông đã “đạt đến cái cõi bất khả độc (unreadability) và bất khả quyết
(undecidability)”. Ông “đùa nghịch” với vùng-đất-tâm-hồn của mình và “đùa nghịch”
với hiện thực cuộc sống bằng những giây phút thăng hoa khoái cảm. “Dưới
trăng và một bậc cửa”[2] là một minh chứng rõ nét về sự giãn mở tột đỉnh của
trí tưởng tượng trong hành trình kiến tạo cái mới và cái hay cho thi ca. Nếu
soi xét, giải mã và liên kết “Dưới trăng và một bậc cửa” trong sự đa
chiều của không thời gian, tìm phương cách vén các lớp sương bện chặt trong cõi
vô thức, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra mọi chiều cạnh của sự sống và cái chết,
cõi dương và cõi âm, quá khứ và hiện tại, còn và mất, hạnh phúc và khổ đau,… đều
không ngừng chuyển dịch, tương tác. Là câu chuyện đi về giữa “hiện thực của
thể xác” và “hiện thực của tinh thần”, nhưng “hiện thực của
tinh thần” mới chính là linh hồn của thi tập“Dưới trăng và một bậc cửa”.
Ngoài lời tựa “Trong căn phòng của một người bại liệt”, trong “Dưới
trăng và một bậc cửa” có 10 bài, bao gồm thơ dài và trường ca. 10 bài viết
đều đã từng in và nằm rải rác trong các thi tập của Nguyễn Quang Thiều. Tìm sợi
dây kết nối 10 bài viết này lại với nhau, một mặt người đọc thấy được tính
xuyên suốt trong hành trình sáng tạo thi ca, mặt khác, thấy được quan niệm, tư
duy, thi pháp thơ hết sức riêng biệt, cá tính của ông. Đặc biệt, “hiện thực
của tinh thần” luôn chuyển động, biến dịch trong “Dưới trăng và một bậc
cửa” khiến thi ảnh đẫm sắc màu huyễn ảo, giàu tính ẩn dụ, nhịp thơ đứt
gãy, trật khớp liên tục. Do đó, “Dưới trăng và một bậc cửa” vẫn mới
khi tiếp nhận, vẫn khiêu khích người đọc thám mã và đối thoại.
1. Gọi tôi qua những mảnh vỡ tim mình
Ở lời tựa “Trong căn phòng của một người bại liệt”, Nguyễn
Quang Thiều đã mách nước, bà nội của ông không kiếm tìm bản ngã qua tấm gương,
không kiếm tìm một chủ thể liên đối, mà bà dùng giọng nói của mình để xác thực
bản ngã: “Nỗi sợ hãi không xác định được sự tồn tại của mình bằng những cảm
nhận của thân xác khiến bà tôi phải dùng giọng nói đã trở thành tấm gương để bà
tôi soi ký ức và ý thức sống của bà. Bà tôi nhận thấy sự hiển thị của mình
trong giọng nói. Sự tồn tại này bây giờ lại đồng nghĩa với chân dung của bà
tôi. Sự tồn tại ấy – chân dung ấy đã hiện lên bằng tiếng nói của bà tôi. Và
chân dung của bà tôi được xây dựng lên bằng tiếng nói của người, đã tồn tại
trong tôi mọi chiều của không gian, thời gian và ở mọi tầng suy ngẫm của tôi”. Cái
tôi trong gương bao giờ cũng có một khoảng cách nhất định với cái tôi ngoài
gương. Cái tôi bên trong chỉ là sự chụp lại, sao chép cái tôi bên ngoài. Nên, mọi
sự kết nối với cái tôi bên trong của bà đều bị cắt đứt, phá vỡ. Giọng nói, vốn
dĩ, đó là âm thanh phát ra từ một cái tôi hiện hữu. Trong trường hợp của bà,
khi giọng nói cất lời, nó chứng thực ngoài sự tồn tại của một chủ thể còn có một
chủ thể khác, trong tôi còn có một tôi khác, nằm ngoài tôi. Nghĩa là bà nội của
thi sĩ không muốn vong thân hay phân rã bản thân bằng kĩ thuật/hiệu ứng tấm
gương mà bà dùng giọng nói – “hiện thực của thể xác”, tạo ly cách,
gián cách với “hiện thực của tinh thần”, để có thể nhìn rõ hơn sự tồn
tại của nhiều cái tôi. Nguyễn Quang Thiều còn nhấn mạnh: “Hiện thực của thể
xác là một hiện thực bất động của đời sống. Nó giống như một cái chết được băng
hóa. Còn hiện thực của tinh thần thì luôn chuyển động và sinh nở, và biến ảo.
Và nó luôn tìm cách trở lại điểm đầu tiên của nó” (Trong căn phòng của một
người bại liệt). Giữa “cái tôi bề mặt” (hiện thực của thể xác) và “cái tôi bề
sâu” (hiện thực của tinh thần), “cái tôi bề sâu” thường đóng vai trò quan trọng.
“Cái tôi bề sâu” thấy rõ những đớn đau của “cái tôi bề mặt” (cơ thể bại liệt),
từ đó, bộc lộ sự nhận thức về bản thân. Giọng nói vang lên miên man, lộn xộn của
bà nội không chỉ biểu hiện sự dày vò, đau đớn của thể xác mà còn biểu hiện nỗi
buồn thân phận, cô đơn bất tận. Lúc này, giọng nói của bà nội đã trở thành tiếng
nói của thân phận, là sự phản chiếu “hiện thực của tinh thần” tươi
ròng và bất tử. Từ lời tựa này, Nguyễn Quang Thiều dựng nên một bức tranh sống
động về “hiện thực của tinh thần” trong “Dưới trăng và một bậc cửa”.
Khoảng cách giữa “hiện thực của thể xác” và “hiện thực của tinh
thần” trong cuộc đời bà nội –“một nông dân không biết chữ” đã thặng
dư trí tưởng tượng, cất cánh cho thơ Nguyễn Quang Thiều. Đối với ông, bà “là
nhà văn đầu tiên và vĩ đại”.
Dưới trăng và một bậc cửa – tập thơ của Nguyễn Quang Thiều
Ngay bài cuối cùng của tập sách – bài“Cây ánh sáng”, nhà
thơ lý giải sâu sắc hơn mối quan hệ giữa “hiện thực của thể xác” và “hiện
thực của tinh thần” qua cuộc chạm trán: “Một kẻ là chàng ánh sáng và
một kẻ là chàng bóng tối/ Một kẻ ngập tràn ánh sáng và miệng chứa đầy ngôn ngữ
minh tuệ/ Một kẻ ngồi trên chiếc ghế hành hình ngập bóng tối tự trừng phạt
mình, chỉ trái tim không ngơi nghỉ dội vang/ Cả hai đối mặt nhau không phải một
người ngoài gương và một người trong gương/ Một ánh sáng là chiếc gương của bóng
tối và một bóng tối là chiếc gương của ánh sáng/ Tất cả chỉ là một nhưng trong
ánh sáng của Người, một đau đớn thân xác, một đau đớn tâm hồn” (Cây ánh
sáng). “Hiện thực của thể xác” như “cái chết được băng hóa”, nên,
nó thuộc về cõi âm, bóng tối. Ngược lại, “hiện thực của tinh thần” luôn
“sinh nở”, nên, nó hướng về cội nguồn/cuống nhau của ánh sáng. Như vậy, “hiện
thực của tinh thần” trong “Dưới trăng và một bậc cửa” được nhà
thơ sắp đặt theo kết cấu vòng tròn, đã có sự khúc xạ, liên đới từ cuộc đời của bà
nội sang cuộc đời của nhà thơ. Theo kết cấu vòng tròn, nhà thơ chiêm nghiệm hiện
thực ấy bằng hành trình “gọi tôi qua những mảnh vỡ tim mình”. Nguyễn Quang Thiều
tự chiết, tự tạo những chấn thương tâm hồn để làm giàu “hiện thực của tinh
thần”. Những chuỗi độc thoại, phơi bày cái tôi của Nguyễn Quang Thiều,
chính là sự làm đầy/dày “hiện thực của tinh thần”.
“Hiện thực của tinh thần” hiện lên đa dạng, nhìn từ
nhiều góc độ, không theo một lớp lang nào. Có khi được tái hiện qua những khúc
cảm, qua dòng hồi tưởng, qua kí ức thuở thơ, qua giấc mơ, nhưng có khi lại bước
hẳn vào cõi âm. Quán chiếu “hiện thực của tinh thần” trong nhiều thái
cực, Nguyễn Quang Thiều cho người đọc thấy thế giới phức tạp, đầy bí ẩn của nội
tâm. Hành trình đi tìm bản thể bao giờ cũng khắc nghiệt và cô độc. Dùng sợi
dây “hiện thực của tinh thần” đi qua cái chết, đi qua cõi âm, ông lý
giải về sự thanh cao, tinh khiết của nỗi đau. Ông không đoạn tuyệt với nỗi đau
mà dùng nỗi đau làm bàn đạp, học cách ngước lên, để hiểu mình và tái sinh.
2. Trong tiếng đập không ngưng nghỉ
Đánh giá về thơ Nguyễn Quang Thiều, đã có nhiều ý kiến nhận định,
thơ ông vừa mang bản sắc dân tộc, truyền thống, vừa hiện đại, đổi mới. Dấu ấn bản
sắc dân tộc thể hiện qua các cổ mẫu về cố hương, ông bà, cha mẹ, người đàn bà
quê, dòng sông, cánh đồng, đất đai, cỏ cây,… Trong đó, làng Chùa được xem là mẫu
gốc, nơi sinh tạo nhiều cổ mẫu con như: cánh đồng, dòng sông, khu vườn, đất, quả
đồi, người đàn bà quê,… Tình yêu nguồn cội trong thơ Nguyễn Quang Thiều khởi từ
nhịp điệu châu thổ của làng Chùa, bên bờ sông Đáy. Ông sắp đặt mọi thứ châu tuần
xung quanh làng Chùa. Buồn và vui, khổ đau và hạnh phúc đều đi ra từ làng Chùa.
Làng Chùa trở thành cái lõi, trục chính, chi phối đến các mảnh ghép khác. Mẫu gốc
làng Chùa còn được ông gắn kết với cổ mẫu Mẹ, hiện thực hóa thông qua hình ảnh
bà nội, mẹ, người đàn bà quê, vợ, em. Cổ mẫu làng Chùa và cổ mẫu Mẹ vì thế đều
là “trung tâm của sự tái sinh”. Đó là nơi nguyên lý sinh – dưỡng tồn tại vĩnh cửu
và thiêng liêng. Đó là trụ cầu nối dài và ca vang sự sống:
Những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu
Những trụ cầu mảnh mai, suốt đời bền vững
Họ dựng lên cây cầu
Và con đường vươn ra lộng lẫy
Cây cầu bắc mãi vào xa xôi, bắc mãi vào gần gũi
Cây cầu lan xa tiếng cười
Ánh sáng lướt qua những trụ cầu nâu
Và Người Nông Dân Già đi – vệt sao băng chói trắng
Những người đàn bà già ngước lên và hát
Lời hát sum vầy như đất vun, như thóc vun và như lá xum xuê
Họ hát từ chân lư đồng, ra bậc cửa, ra ngõ, ra con đường và
ra vĩnh viễn
(Nhịp điệu châu thổ mới)
Dấu ấn hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều thể hiện qua tư
duy, kĩ thuật xây dựng thi ảnh giàu sức gợi, ám ảnh. Thơ Nguyễn Quang Thiều
không đi theo hướng tung hứng chữ, chơi chữ nhưng vì thường đẩy nội tâm đến cực
hạn của dòng chảy vô thức, của cõi mê, cho nên, rất nhiều thi ảnh được lạ hóa,
đẫm sắc huyền ảo. Tính triết lý và chất chiêm nghiệm đậm đặc khiến kết cấu thơ
thêm phần đa tầng đa nghĩa. Ông không đặt người đọc cố định ở một góc nhìn, một
vị trí hay tạo ra một bệ phóng vững chãi mà buộc người đọc phải tự móc nối các
liên tưởng bất thường, phi tuyến tính lại với nhau để giải mã. Hai đặc điểm dân
tộc và hiện đại cũng được ông bộc lộ trọn vẹn trong “Dưới trăng và một bậc
cửa”. Nhưng sức mạnh và tính độc đáo của “Dưới trăng và một bậc cửa”, so
với các tập khác, nằm ở sự xếp đặt “hiện thực của tinh thần” khéo léo
và tinh tế. Những nét cọ được vung tự do trên tấm-toan-tâm-hồn giúp ông “đùa
nghịch với bóng tối và sự vắng vẻ đầy thanh khiết” theo cách riêng mình. Mọi
thứ, từ sự sống đến cái chết, từ kí ức đến giấc mơ, từ hiện thực đến tiềm thức,
vô thức,… đều chảy trôi, di dời, quẫy cựa theo những lớp sóng mơ/suy tưởng của
tâm hồn.
Hồi tưởng, kí ức, cõi mơ và cõi âm thuộc về “hiện thực của
tinh thần”. Trong “Dưới trăng và một bậc cửa”, Nguyễn Quang Thiều
dùng hồi tưởng, kí ức, cõi âm và cõi mơ làm sợi dây kết nối giữa cái đã qua với
cái đang hiện hữu, mượn cái đã qua xét cái đang hiện hữu. Bản tính tốt hay xấu,
cuộc đời hạnh phúc hay khổ đau đều hiển hiện trong một khoảnh khắc hay giai đoạn
nào đó của con người. Cho nên, việc con người chấp nhận băng qua cửa ải của nỗi
thống khổ, chết chóc, thù hận,… rồi đúc rút kinh nghiệm từ “hiện thực của
tinh thần” ấy, cũng là một cách giúp con người thấu suốt bản thể, thanh tẩy
và phục sinh tâm hồn.
Trước hết, hồi tưởng, kí ức của Nguyễn Quang Thiều là một bức
tranh sống động, đa dạng về hình ảnh, màu sắc và âm thanh. Các mảng khối này
luôn gắn kết với “hiện thực của tinh thần”, nên chúng thường ảo biến,
dời chuyển. Hồi tưởng, ký ức trong “Dưới trăng và một bậc cửa” có khi
là nỗi nhớ, hoài niệm về dòng sông Đáy, cánh đồng của bà nội, về một làng quê
nghèo khổ, về những người đàn bà tần tảo, những đứa trẻ thơ ngây,… Cố hương của
Nguyễn Quang Thiều không xơ cứng mà luôn nổi sóng khắc khoải, ưu tư, vật vã như
phận số của con người: “Cố hương xoã tóc đen đi trong gió trắng/ Cố hương
vật lên như sóng/ Cố hương vùi mình như muối triệu năm” (Chuyển dịch màu
đen). Trong cái nhìn của nhà thơ, thiên nhiên cũng hiện diện hết sức lạ lẫm, dị
kì: “Chuông rền rĩ/ Trong những chóp nhà thờ/ Bầy ốc vặn phủ rêu/ Lửa cháy
rực từng quầng trên cỏ/ Lũ chuồn chuồn hừng hực bay đi/ Những vòm cây tự xé
rách lưỡi mình/ Trong cơn ngứa ăn nhầm ánh sáng/ Những dòng sông tự cào tướp họng/
Cơn buồn nôn những bến giả không thuyền/ Những hồ nước thủ dâm đục sóng/ Trước
loài sen đổi giới tính thay mùa/ Những trái cây tự rơi vào thuốc độc/ Cự tuyệt
hàm răng nham nhở lý do/ Và những đền chùa gục ngã/ Trước những pho kinh phản bội
bồ đề” (Đoản ca về buổi tối). Những hồi tưởng, kí ức của nhà thơ
không chỉ nhắc nhớ về cái đã qua, còn có những hồi tưởng, kí ức tưởng tượng mà
lúc đó nhà thơ chưa ra đời:
Ta gặp mẹ ta năm người mười bảy
Những răng lược gỗ mòn cắn ngập mái tóc người
Ta gặp cha ta năm người hai mươi tuổi
Dưới những nhát búa cùn
Từng khúc xoan tươi toác ra tiếng cười của lửa
(Mười một khúc cảm)
Những phá cách về mặt cảm hứng, khiến mọi thứ đều mang tính
siêu hình, và cùng với sự tự rời xa, thậm chí xoá sạch dấu vết bản thể của mình
như trên, khiến không thời gian hồi tưởng, kí ức của Nguyễn Quang Thiều càng bất
định hơn, khó liên kết hơn. Vậy, trong bể hồi tưởng, kí ức mênh mông ấy, nhà
thơ tìm thấy cái tôi đa thể bằng con đường nào? Liên kết hành động quả quyết: “Ta
đi về cửa ngõ của chiều/ Ta đi về thuở ta chưa cắt rốn/ Ta đi về thuở ta còn
sóng sánh” (Mười một khúc cảm) với khát khao “gặp”, “đợi”, “tìm”, “bay”,
“ngước lên”,… chúng ta sẽ thấy rõ hành trình đi tìm ánh sáng cuộc sống của nhà
thơ: tìm ánh sáng cuộc sống trong bóng tối, trong những khổ đau, trong cái chết.
Bởi, đi đến tận cùng của sự mất mát, đớn đau cũng là lúc con người nhận ra giá
trị của bản thân và cuộc sống xung quanh. Niềm đau, nỗi buồn, bao giờ cũng ở lại
bền lâu. Và cũng chỉ trong niềm đau, nỗi buồn, người sáng tạo mới khai thác,
khơi lộ được bản ngã riêng khác của mình. Là con người, theo Nguyễn Quang Thiều,
anh ta “phải sống, phải đau đớn suốt đời, phải bước đi không giày trên gai
sắc, trên đinh nhọn, trên rắn rết, đi qua lửa và nước” (Cây ánh sáng), chấp
nhận hiện thực bất toàn, bất tín để truy đến cùng giá trị của nỗi đau, giá trị
của cái chết. Hay nói cách khác, ngụp lặn trong sự đày đọa về thân thể và sự giằng
xé, dằn vặt của tâm hồn, con người mới đi đến tận cùng nỗi tuyệt vọng, mới thấy “tuyệt
vọng cũng đẹp như một bông hoa” (Trịnh Công Sơn). Miền đau vì thế mới thực
sự là miền riêng tư của khoái cảm. Vậy, hồi tưởng, kí ức xuất phát từ cái tôi
đa thể của nhà thơ nên hồi tưởng, kí ức cũng biến ảo. Ông không chạy trốn thực
tại trong những hồi tưởng, ký ức, cũng không phải mượn chúng giải phóng những
âu lo, bế tắc, mà dựng lại một cõi thế rậm rịt tội lỗi, u u mê mê, vô cảm, để
con người ý thức hơn về sự bất trắc, lừa dối, thù hằn, mất mát, đớn đau đang
ngày ngày phủ lên đời sống. Cái tôi đa thể khi được xuyên qua lớp sóng mênh
mang của hồi tưởng, kí ức càng được bồi đắp năng lượng ý thức. “Hiện thực
của tinh thần” trong hồi tưởng, kí ức của Nguyễn Quang Thiều chính là những
chuyển động đi từ vẻ đẹp nguồn cội đến vẻ đẹp của tâm hồn. Nếu sống sâu hơn với
những mảnh ghép đa dạng của hồi tưởng, kí ức, biết cúi xuống với giá trị vĩnh cửu
của cội nguồn thì tâm hồn chúng ta sẽ trở nên tinh khiết hơn.
Nhà phê bình Hoàng Thụy Anh
Freud cho rằng, giấc mơ lấp đầy những khát khao, mong muốn,
chưa được thỏa mãn của con người. Giấc mơ là một phần cuộc sống không thể thiếu.
Nên, nhiều người cho rằng, “giấc mơ đẹp hơn hiện thực”, vì ở đó, họ được thỏa
thuê giải phóng năng lượng vô thức vốn bị ý thức kìm nén, kềm kẹp. Giấc mơ
trong thơ của Nguyễn Quang Thiều trái ngược với quan niệm trên, không đẹp hơn
hiện thực. Hiện thực cuộc sống trong thơ ông vốn đã u mê: “Những bóng đèn
trong đêm/ Nổ bục con ngươi/ Những mặt hình tivi/ Ào ào mất máu/ Những chiếc
caravat/ Phát bệnh điên/ Dứt tóc dọc hành lang/ Những đôi giày da đen mỹ mãn/
Há hốc mồm hôi hám quầng thâm/ Những con mọt mang hai hàm răng giả/ Cắn nát từng
miền sách thánh mốc da/ Những phòng máy lạnh/ Làm cứng đông từng khúc lưỡi mềm//
Không kịp quẫy lên cái đuôi vĩnh biệt/ Những ô kính tự tát vỡ mặt mình/ Những
tòa nhà cao tầng tự chặt xương sống mình/ Dây vĩ cầm cuối cùng trăng đêm vụt đứt/
Bức phông đen tụt xuống lõa lồ/ Ôi vở kịch cuộc đời…/ Màn cuối/ Tiếng hề cười/
Băm chả những u mê” (Con bống đen đẻ trứng), nhưng khi được quán chiếu qua
giấc mơ, hiện thực ấy càng dày dặn về sự u mê hơn. Trong cõi mơ, hình ảnh những
người chết vẫn sống và sinh hoạt bình thường như người sống:
Họ sinh ra trên xứ sở này như sứ mệnh và như sự đày đọa. Họ
mang theo suốt đời cây thánh giá của ngôn từ. Họ lang thang trên mọi con đường.
Vừa đi họ vừa than khóc, vừa ca hát. Tâm hồn họ vừa nặng như tảng đá vừa nhẹ tựa
làn hương. Họ đi trên đường như một vị thánh và như kẻ loạn luân. Những lời tụng
ca trải đầy đường đi dưới gót chân họ. Và đất đá cùng những lời nguyền rủa kết
tội đổ lên đầu họ. Nhưng họ không để ý đến điều gì, chỉ vừa đi vừa than khóc, vừa
ca hát và khuất dần vào cái chết. Đã bao nhiêu năm rồi họ nói nhưng quá ít người
nghe tiếng họ. Họ nói như phán xét, như tha thứ, như một bổn phận. Họ nói và chẳng
hề xem xét có ai nghe họ. Họ nói như làm lễ cầu siêu cho những ngôn từ cô hồn của
chúng ta. Họ nói và nước dâng lên ngập dần thị xã
(Nhân chứng của một cái chết)
Theo quan niệm của Phật giáo, “chết không phải là hết”. Con
người chết chỗ này thì sanh chỗ khác. Chấm dứt sự sống này không phải là hết mà
để bắt đầu một cuộc sống khác. Khi sống làm nhiều việc thiện, thiền nghiệp, thì
chết trở thành thiên thần, được lên thiên đường, ngược lại, sống làm điều ác,
ác nghiệp, thì chết thành ma, bị đọa đày ở địa ngục. Nếu chết là hết thì con
người sẽ tạo ra bao nhiêu ác nghiệp. Vì vậy, niềm tin về nhân quả kiếp sau của
Phật giáo sẽ giúp con người sống tốt hơn ở kiếp này. Nguyễn Quang Thiều dựng
cõi âm ngay trong cõi dương để con người nhìn thấy cái duyên sinh, cái lẽ vô
thường ấy và nhìn thấy rõ cái tôi khác của mình mà có những hành động, lời nói
chuẩn mực, cư xử nhân văn, hợp với đạo lý. Cái chết trong thơ Nguyễn Quang Thiều
được xem là thước đo chứng nghiệm giá trị của sự sống. “Thân xác”, “giọng nói”
của những người chết sẽ giúp người sống tiệm cận, chứng kiến nỗi khổ đau, tội lỗi
và sự lú lẫn mà mình đã tạo ra. Như thế, hình ảnh “Những người chết trở về
mượn thân xác chúng ta, mượn giọng nói chúng ta” thực chất đó chính là sự
lên tiếng của một cái tôi khác. Cái tôi khác như đang ly cách với chính bản thể
của mình. Thông qua ly cách, cái tôi khác giải mã những tổn thương, bất ổn mà
nhiều khi bản thể không nhận diện được: “Những người chết trở về mượn nhà
cửa, đồ đạc và phương tiện của người sống/ Mượn công việc của người sống, mượn
lý do của người sống/ Và đôi khi mượn cả giấy khai sinh của chúng ta/ Bởi thế
máu vẫn chảy, lời thù hận vẫn vang lên/ Cùng với lời thú tội và lời xin lỗi/ Sự
phản bội vẫn diễn ra trong khuya khoắt/ Cùng tình yêu đau đớn, thủy chung” (Đoản
ca về buổi tối). Cõi âm trong thơ Nguyễn Quang Thiều vẫn tiếp diễn quá trình khổ
sầu, oán thù trong lòng thành phố đêm đêm. Nhưng, “hiện thực của tinh thần” trong
cõi âm mà ông phản chiếu không khiến con người thêm bi luỵ, ngược lại, giúp con
người biết vun đắp nhiều nghiệp lành, nghiệp thiện để tái sinh được tốt đẹp
hơn.
“Dưới trăng và một bậc cửa” của Nguyễn Quang Thiều thường
nói đến quyền lực bóng tối. Bóng tối như là tấm gương phản chiếu những “buồn tẻ”,
“bi thương” của đời sống và kể cả những “trống rỗng và dối trá” của cái tôi bản
thể. Bóng tối dù là không gian của nỗi khổ đau, của sự chết chóc, nhưng cuộc sống
của chúng ta không thể thiếu nó. Bóng tối không hẳn là thế lực đại diện cho sự
bất lực, bi thương. Bóng tối cũng có vẻ đẹp diệu kì của nó. Đó là tấm gương
soi, mà thông qua đó, con người tìm thấy chính mình và trở thành chính mình:
Hỡi Chúa Trời, xin cho con được quỳ dưới chân Người, xin cho
con được cất lời cầu nguyện.
Ngày nào cũng có đêm tối, đấy là nhà tù của con, toà án của
con. Đấy là ác mộng của con, vô vọng của con, là trống rỗng của con.
Nhưng đấy là chiếc gương trung thực nhất của con. Đấy là nơi
con nhìn thấy con đường của cơn mơ…
(Cây ánh sáng)
Bóng tối đối diện ánh sáng như tôi đối diện với một tôi khác
trong tôi. Trong sự phản tư ấy, con người ý thức về lẽ sống, hoàn thiện và đến
gần hơn với chính bản thân mình. Đẩy con người vào cái ngột ngạt, đày đọa của
giấc mộng trầm buồn “chứa đầy những tiếng thét, những chuyện đau buồn và bất
trắc”, Nguyễn Quang Thiều để con người biết nhận ra những lỗi lầm của
mình, hướng đến sự thanh lọc và cứu rỗi. Bởi, ai sinh ra rồi cũng sẽ đến lúc
đón nhận cái chết, nhưng thái độ chết như thế nào mới là điều quan trọng. Sống
nghĩa là tiến dần đến cái chết: “… bước tới của mỗi ngày là đang bước lùi
của sinh mệnh” (Thích Tâm Nguyên). Nhưng một cái chết biết “ngước lên
cao với những câu thơ như bản thánh ca” là cái chết có ý nghĩa, làm chủ được
chính mình. Chỉ có ánh sáng thiện lương, đẹp đẽ của tâm hồn mới ngăn chặn được
sự cao ngạo của bóng tối. Chúng ta sống thanh tao, nhẹ nhàng thì chúng ta sẽ
đón nhận một cái chết như thế!
Hiện thực cuộc sống là khởi nguồn, là chất liệu của thi ca.
Hay nói cách khác, thi ca bao giờ cũng phản ánh hiện thực cuộc sống. Nhưng hiện
thực khi băng qua trái tim của thi sĩ, hiện thực ấy đã bị hệ luỵ, quy chiếu, ảnh
hưởng bởi những rung chấn phức tạp, bí ẩn của thế giới nội cảm của anh ta. Lúc
này, thi sĩ không chỉ là người làm sống động, mở rộng hiện thực ấy mà còn phủ
lên hiện thực ấy những mảng khối, sắc màu đa dạng. Để nắm bắt được khối chuyển
động vĩ đại và hằng cửu của hiện thực tinh thần trong thơ Nguyễn Quang Thiều,
người đọc cần tạo sự đồng cảm, cần thẩm thấu nó bằng linh cảm của trực
giác, bằng kinh nghiệm ảo diệu của tâm hồn. “Trong tiếng đập không ngưng
nghỉ” của “hiện thực của tinh thần”, những hồi tưởng, kí ức, cõi
âm càng quẫy cựa, biến hóa thì sự phản ánh hiện thực cuộc sống cũng như tính
triết lý, tính nhân sinh của “Dưới trăng và một bậc cửa” càng sâu sắc
hơn.
3. Ngước nhìn lên và nhận thấy con đường
Trong tập thơ, Nguyễn Quang Thiều nhắc đi nhắc lại rất nhiều
lần hành động “ngước nhìn lên”. Với ông, đó là món quà vô giá mà Người đã ban
cho loài người, góp phần “cứu vớt những đời sống hận thù, bạc nhược, vô
sinh”: “…Người đã ban cho con món quà biết ngước lên cao, biết nhóm lên ngọn
lửa của sự sống đắm say và cất lên ngôn ngữ Thánh ca./ Và ban mai lại đến và
con lại được sinh ra như đứa trẻ cả da thịt và tâm hồn tinh khiết” (Cây
ánh sáng). Vì vậy, ngước nhìn lên như là một triết lý sống của Nguyễn Quang Thiều.
Ngước nhìn lên để không ngừng học hỏi cuộc sống xung quanh, để bừng tỉnh, để ngẫm,
để nhận ra giá trị của cái đẹp, giá trị của sự cứu rỗi, từ đó nhận biết được vị
trí mình đang đứng mà hoàn thiện bản thân hơn. Ngước nhìn lên, gìn giữ, nhân
thêm tình yêu bản sắc nguồn cội. Nhịp điệu châu thổ trong thơ ông cứ ngân lên
theo trái tim của Người Nông Dân Già – biểu tượng vẻ đẹp vĩnh hằng, giàu sự sống
của nguồn cội; là “ban mai” tâm hồn để thi sĩ chiến thắng những cằn cỗi, xơ cứng
mà cuộc sống không ngừng gieo rắc; và đó cũng là mạch nguồn tái sinh tiếng thơ
của thi sĩ: “Và lúc này, lá phổi trong ngực người/ Được giặt giũ phơi
phóng và gấp lại/ Cất trong rương thơm kí ức lên mười/ Và lúc này, người mặc lá
phổi mới tay dài/ Thường bay qua cánh đồng mỗi ngày cuối chiều/ Và dừng lại
trên đầu/ Khâu lặng lẽ những hơi thở rách/ Và lúc này/ Ngôi nhà mang đời sống mới/
Bữa tiệc tự do đang giục giã nhóm lò/ Mang đời sống mới chiếc giường, bàn ghế,
và cốc, chén/ Trên dây phơi một đời sống mới, trên sân, lối ra vườn và rau cải
đắng/ Đời sống mới khua vang bát đĩa, trầm trầm củi khô, và háo hức ấm đun nước/
Đời sống mới rạng ngời gạo, rực rỡ ớt và lấp lánh lưỡi mới của dao/ Đời sống mới
những gương mặt, những bước chân, những thì thào qua dậu/ Những ngọn đèn sáng mới
một đời sống và khói mới những nén hương” (Nhịp điệu châu thổ mới). Ngước
nhìn lên, thấy được vẻ đẹp bình dị chốn quê ẩn náu trong sự lam lũ của những
người đàn bà và ngược lại. Ngước nhìn lên, lắng nghe thanh âm hồn nhiên và
trong trẻo diệu kì ẩn náu trong tâm hồn những đứa trẻ mà nhiều khi sự xô bồ của
cuộc sống khiến chúng ta không nhận thấy. Ngước nhìn lên, nhận biết “Con
đường và số phận dân tộc chúng ta từ một đỉnh đồi”. Trên đỉnh đồi ấy,
không có sự toan tính, hiềm thù: “Những quả đồi…/ Mọc trên mọi ý đồ, trên
thù hận ngớ ngẩn, trên lòng vị tha sống sượng/ Mọc trên mọi tội nghiệp, mọi ngạo
mạn, trên cả sự phát khóc” (Nhịp điệu châu thổ mới). Ngước nhìn lên, hoà
mình vào thiên nhiên, hiểu được tiếng nói của thiên nhiên, đón nhận sự nhập cuộc
tuyệt vời nhất:
Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất đang toả
mãi tán lá ban mai khổng lồ
Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng
vang lên
Hoà cùng giọng nói của côn trùng, của sói, của đại bàng, của
lạc đà… trong cùng ngôn ngữ.
Và lúc này dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại
bàng, là lạc đà, là quỉ dữ…
Thì tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả
được hoà làm một
Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong
một bầu trời ấy
Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ không bao
giờ tàn úa trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn
(Cây Ánh Sáng)
Như vậy, vẻ đẹp cội nguồn trong “Dưới trăng và một bậc cửa” luôn
quấn quyện với những hồi tưởng, kí ức, luôn “dâng lên như mùa xuân thứ nhất”, luôn
thẳm sâu một tình yêu trong sáng, ban sơ và thánh thiện của Nguyễn Quang Thiều.
Thi sĩ hơn người thường ở khả năng truyền đạt tư tưởng và trí
tuệ của mình vào trong thơ. Nguyễn Quang Thiều khác các thi sĩ khác ở cái nhìn
ngước lên và sự thể hiện ngôn ngữ Thánh ca, ngôn ngữ của tình yêu nguồn cội.
Ông sắp đặt những hình ảnh đại diện cho cõi âm, bóng tối, sự lú lẫn và thù hận
bên cạnh hình ảnh những người đàn bà, đứa trẻ, ban mai, ngọn đồi,.. để làm nổi
rõ sức sống bất tử của vẻ đẹp bản nguyên và nhân bản. Ông ngợi ca vẻ đẹp của cuộc
sống, của làng quê, của tình yêu không bằng sự mượt mà, êm ái, mà chọn góc nhìn
tương phản, đối lập: lấy bóng tối làm nền cho ánh sáng toả diệu kì, lấy cõi âm
làm tấm gương cho sự cứu rỗi và thanh lọc, lấy hồi tưởng, kí ức làm bản lề níu
giữ vẻ đẹp tâm hồn. Cái nhìn ngước lên của ông do đó là cái nhìn bừng thức. Sự
vời cao của trái tim sẽ nâng con người vượt qua những bủa vây, truy đuổi của mê
muội, tăm tối. Tiếng nói “hiện thực của tinh thần” không chỉ chuyển động,
phủ sóng trong “Dưới trăng và một bậc cửa”, mà hơn thế, với cái nhìn
ngước lên, nó đã tác động mạnh mẽ đến tâm cảm người đọc, phục sinh nguồn sáng
huyền diệu của cuộc sống.
Trong sự liên thông, chuyển động giữa hồi tưởng, kí ức, cõi âm với “hiện thực của tinh thần”, Nguyễn Quang Thiều đã gieo trồng những hạt giống uyên nguyên, thanh khiết. Ông nhận ra “cơn mơ của mình đang đi trên con đường đơn độc” nhưng ông vẫn tin vào quyền uy của cái đẹp, tin vào ánh sáng bất diệt của tâm hồn sẽ hoàn nguyên những giá trị sống. Những khoảnh khắc biến tấu, phân rã, ly cách bản thể trong sự suy/mơ tưởng của hiện thực tinh thần hay trong sự quy chiếu với cuộc đời của bà nội như mặc khải một thi pháp riêng biệt của Nguyễn Quang Thiều: “Và kỳ diệu hơn, là trong thế giới trong suốt, hay trong cõi hư vô làm ta có thể chết vì khiếp sợ lại hiện lên một phong cảnh đầy đủ nhất. Phong cảnh ấy, đối với tôi, nó là một cõi. Cái cõi ta vừa làm đầy nó vừa không chiếm lấy dù chỉ là một điểm nhỏ nhất, mà chỉ có trí tưởng tượng kỳ diệu mới có thể lờ mờ nhận ra” (Trong căn phòng của một người bại liệt).
Chú thích:
[1] Nguyễn Hưng Quốc, Văn học Việt Nam thời toàn cầu
hóa, Nxb Văn Mới, California, 2010, tr.242.
[2] Nguyễn Quang Thiều, Dưới trăng và một bậc cửa,
Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2020.
20/4/2021
Hoàng Thụy Anh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét