Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Trên cánh đồng yêu thương

Trên cánh đồng yêu thương
Tháng bảy rồi, gió chướng thổi nhẹ sau hè báo hiệu một mùa nước nổi lại về. Lúc này bà con đã thu hoạch xong lúa vụ 3. Ngoài đồng chỉ còn trơ gốc rạ và những đống rơm còn chưa kịp khô. Bầy vịt chạy đồng tranh thủ mót từng hột lúa dưới đất, cái mỏ chúng xốc lia lịa từng con ốc. Thỉnh thoảng lại có những con vịt lười biếng không chịu kiếm ăn mà cứ chờ hễ có anh bạn nào mò được mồi là chạy theo giành, hai con vịt cứ rượt đuổi nhau cho tới khi có một bên bỏ cuộc mới thôi. Có mấy đứa nhỏ theo sau bầy vịt chờ lượm trứng. Lâu lâu lại nghe tiếng chửi oai oải của mấy bà trong xóm và mấy ông chủ vịt chạy đồng đổ thừa nhau vì vịt hai bên nhập bầy không biết làm sao tách được. Trên bờ ruộng mấy cây điên điển bắt đầu trổ bông. Đây đó phảng phất mùi rơm rạ nghe thật thân quen và xao xuyến cho đứa con xa quê lâu lắm mới về. Tôi lại nhớ đến mùa nước nổi những ngày tôi còn bé.
Đến hẹn, con nước lại về với những cánh đồng ở hạ nguồn này. Con nước về chở theo bao nhiêu phù sa và tôm cá. Gần đến đầu tháng Bảy âm lịch, khi chớm nghe hơi gió chướng là người ta bắt đầu chuẩn bị nào là lợp, nào là câu, lưới, dớn, vó,… Ba tôi rất khéo tay làm lợp và chọn địa điểm để đặt nên lúc nào lợp của ba cũng đầy tôm cá. Mỗi năm, cứ lo xong xuôi lúa thóc là ba tôi lại lôi mấy cái lợp cũ ra coi thử có bị gãy hay bị chuột cắn thì sửa lại. Ông còn chẻ tre vót nan làm thêm vài cái mới. Ngày nào nhà tôi cũng đổ lợp được ít nhất cả kí tôm – loại tôm càng xanh và cá bống tượng, vậy mà con nào chết tôi mới dám ăn, số còn lại chờ ông mua tôm đến thì dù tôm lớn hay tôm nhỏ nhà tôi đều đem bán hết ráo.
Đêm rằm tháng tám, trăng lung linh soi bóng ngoài đồng nước mênh mông. Tôi và chị lấy xuồng câu tôm có khạp tre của bà bơi ra đồng nằm ngước nhìn lên ánh trăng sáng vằng vặc. Bên dưới lại nghe tiếng gió xô nước vào bể xuồng từng nhịp từng nhịp như tiếng hò ơi khoan nhặt thật thanh bình. Bên cạnh, những chiếc xuồng giăng câu nói chuyện với nhau rì rầm, nghe là biết tiếng của từng người trong xóm. Xa xa có xuồng đi soi ếch, rắn chống sào lướt ào ào trên mặt nước.
Bông súng nở xòe trắng mặt nước ngoài kia. Chim le le xuống kiếm ăn cùng bầy vịt, lặn ngụp chổng đuôi lên trời. Mùa nước mà được bơi xuồng vòng vòng trong xóm câu cá là thích nhất. Tôi hay lấy xuồng bơi ra nhà ngoại rồi lại bơi về, chốc chốc dừng lại câu mấy con cá rồi đi tiếp. Hễ thấy ai đổ dớn hay kéo ụ lươn là nhất định tôi phải bơi lại coi một cái mới được. Mấy con lươn đột nhiên bị xúc vào lưới rồi bỏ vào thau dùng dằng bò qua bò lại không chịu thôi. Chiều chiều, từng tốp người chống xuồng đi hái bông điên điển. Từng chùm bông vàng ươm được bỏ vào rổ rồi mà con ong bầu tiếc nuối vẫn bay theo. Hình như nhà nào cũng hái bông điên điển và bông súng, có nhà ngày nào cũng hái. Đơn giản là vì nước ngập mênh mông, trong vườn, cây gì cũng chết hết cả, chỉ còn có cây điên điển, bông súng và vài đám rau muống vượt nhanh hơn con nước mới sống được. Và vì bông điên điển làm được rất nhiều món, nấu canh cũng ngon, xào cũng được, ăn sống chấm cá kho hay ngâm làm dưa cũng hết sảy.
 Vào mùa này, nhà ai cũng làm mắm, nhiều nhất là mắm cá linh. Chỉ cần thả vài chục thước lưới là gỡ cá mỏi tay. Đến khi nước rút thì mới làm nhiều loại mắm khác vì đây là lúc “tát nước bắt cá”. Khi mực nước ngoài sông thấp hơn bờ ruộng, bà con bắt đầu chặn cống giữ không cho nước lên đồng nữa.
Đội máy bơm sẽ bơm suốt ngày đêm cho đến khi cạn lòi bờ ranh ra, lúc này nước ruộng ai nấy tát. Tôm, cua, cá, tép,... dưới sình chui ra nhiều vô số, đi đâu cũng nghe mùi bùn và hăng hăng mùi cá chết. Những loại cá nhỏ và cá không ngon thì cho gà vịt ăn, còn lại thì làm khô. Khô cá sặc, cá chạch là ngon nhất. Mắm thì mắm cá linh, cá lóc, cá chốt, mắm tép,... cái nào cũng ngon “nhứt xứ Ba Xuyên”. Sau mùa lũ, một mùa lúa mới lại bắt đầu. Phù sa lắng đọng hứa hẹn một mùa bội thu.
 Nước lũ không về nhiều như xưa nữa. Quê hương giờ cũng đã thay áo mới. Cách đây hơn chục năm, có ai từng nghĩ tới mùa cắt lúa mà mấy bác nông dân ngồi trên bờ ruộng nói dóc không? Chắc là không. Nhưng chuyện đó lại có thật. Không còn lo trời mưa gió không phơi được lúa, khỏi lo thiếu nhân công. Giờ đây bà con mình tới mùa gặt thảnh thơi ngồi trên bờ ruộng. Máy gặt đập liên hợp chạy bon bon trên đồng, từng bao lúa được đem lên bờ đê rồi thương lái mua ngay tại chỗ không cần phơi, bà con mình thiệt khỏe re.
Giờ đây ngồi giữa Sài Gòn tấp nập mà nhớ về tuổi thơ êm đềm bên cánh đồng với bao mùa nước nổi. Biết bao giờ mới bắt gặp lại hình ảnh ngày xưa, gặp lại tuổi thơ trên cánh đồng yêu thương! Cánh đồng bông súng trắng.
Bông Súng Trắng 
Nguồn: Theo lophocvuive.com
Theo http://vannghetiengiang.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...