Đập gương xưa tìm bóng
… Thấy hối tiếc nhiều
Thuyền đã sang bờ,
đường về không lối
Dòng đời trôi đã về chiều,
mà lòng mến còn nhiều
Đập gương xưa tìm bóng
Nhưng thôi tiếc mà chi
Chim rồi bay, anh rồi đi…
Đường trần quên lối cũ,
đường đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng …
Thuyền đã sang bờ,
đường về không lối
Dòng đời trôi đã về chiều,
mà lòng mến còn nhiều
Đập gương xưa tìm bóng
Nhưng thôi tiếc mà chi
Chim rồi bay, anh rồi đi…
Đường trần quên lối cũ,
đường đời xa cách mãi
Tình trần khôn hàn gắn thương lòng …
Mấy câu hát này trong bài “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn
Chuẩn & Từ Linh, hẳn nhiều người đã biết và đã thuộc. Có thể ta không hiểu
hết những dòng ca từ trau chuốt với nhiều hình ảnh ẩn dụ này, nhưng cái cảm
giác luyến tiếc day dứt khôn nguôi vì một sự chia ly cách biệt trên đường đời
nào đó mà bài hát này gợi lên thì hẳn là ai cũng cảm được.
Với tôi, thì năm chữ “đập gương xưa tìm bóng” trong
bài hát này là năm chữ khiến tôi thấm thía nhất, nhưng cũng ít muốn dùng hay muốn
nhắc tới nhất. Vì nó buồn. Mà không, có khi là hơn cả nỗi buồn …
Chuyện kể rằng ngày xưa có một ông vua đa tình. Một ngày nọ,
nàng quý phi mà ngài yêu dấu hết mực đột ngột qua đời. Trong cơn đau đớn vì
không tin rằng người yêu thương đã vĩnh viễn cách biệt, nhà vua đập chiếc gương
mà ái khanh thường hay soi để tìm lại hình bóng xưa, và xếp lại những y phục cũ
của nàng hòng giữ lại chút hơi ấm của người yêu dấu, dẫu biết rằng đó chỉ là những
phương cách tuyệt vọng. Từ chuyện đó mà có thơ rằng:
Đập cổ kính ra tìm bóng cũ
Xếp tàn y lại để dành hơi
Xếp tàn y lại để dành hơi
“Đập gương xưa tìm bóng” mà Đoàn Chuẩn & Từ Linh dùng được
cho là lấy ý từ câu thơ này.
Đó là chuyện xưa, đọc mà nghe buồn man mác. Nhưng ngày nay,
đôi khi ta bắt gặp mình trong những phút giây “đập gương xưa tìm bóng” còn tê
lòng hơn thế.
Ấy là khi một ai đó vẫn ở ngay đây ngay cạnh ta, không hề có
một chút cách biệt không gian nào, mà sao ta vẫn thấy xa vời vợi. Vẫn khuôn mặt
ấy, vẫn nụ cười ấy, vẫn ánh mắt ấy – mà sao dường như không phải là con người
ta đã quen đã biết, sao lạ lẫm quá. Người ta gọi đó là sự thay đổi, nhưng ta
không muốn tin vào điều đó. Ta chỉ muốn tin rằng con người thân thuộc ấy của ta
chỉ tạm vắng xa đâu đấy, và rồi sẽ sớm quay trở về thôi. Ta sống với niềm hy vọng
mơ hồ đó, để rồi một hôm đành ngậm ngùi chấp nhận rằng ta đã thật sự mất con
người ấy, bởi dẫu mặt vẫn kề đây mà lòng đã cách xa rồi … Và rồi, ta bỗng thấy
mình như vị quân vương xưa, ước ao có thể đập gương xưa mà tìm lấy bóng cũ.
Nhưng bóng người xưa đâu không thấy, còn lại đây chỉ là sự nuối tiếc khôn nguôi
…
Nhưng thôi, tiếc mà chi… Bởi cuộc sống là một chuỗi đến và đi
như thế. Sẽ có nhiều người đến trong đời ta, và rồi hầu hết trong số đó sẽ lại
đi xa một ngày nào đó. Chữ “xa” ở đây không phải là đi xa trần thế bởi những
cách biệt sinh-tử hay sự xa xôi về không gian, mà là sự cách biệt về tâm hồn
tâm tưởng. Trách móc người đã thay đổi, hay hoài tưởng hình bóng xưa mà nuối tiếc,
thì cũng không mang được người quay trở về …
Nếu muốn xoa dịu lòng mình, thì hãy nghĩ như một triết gia
nào đó đã nói: con người A thực tồn tại ngoài kia và con người A trong đầu ta
là hai người khác nhau. Nói cách khác, con người A mà ta biết chỉ là cái hình ảnh
phản chiếu A’ của con người thực tồn tại, dưới thế giới quan của ta. Nên có
khi, người vẫn là người thôi, người vẫn thế thôi. Có chăng là chính ta, là cách
nhìn nhận của ta về cõi trần cõi đời này đã khác xưa rồi …
Nên cách tốt nhất là hãy gửi những luyến tiếc ấy theo gió,
cho mây ngàn bay…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét