Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

"Tôi yêu em" - Bài thơ với tình yêu trong sáng, cao thượng, vị tha

"Tôi yêu em" - Bài thơ với tình yêu 
trong sáng, cao thượng, vị tha 
Tôi yêu em
Tôi yêu em đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em bận lòng thêm chút nữa,
Hay hồn em phải gợn sóng u hoài.
Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng,,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen,
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu cho em được người tình như tôi đã yêu em.
1829
Puskin
Thúy Toàn 
(Pu-skin “Thơ trữ tình”- NXB Văn học - Hà Nội, 1986)
Ghi chú:
Từ khi bài thơ “Tôi yêu em” được dịch ra tiếng Việt đến nay và được đưa vào giảng dạy ở trường Trung học phổ thông (phần Văn học nước ngoài lớp 11) đã có mấy chục bản dịch nghĩa và dịch thơ và ý kiến khác nhau của: Thúy Toàn, Ngô Tự Lập, Tạ Phương, Huyền Anh, Thùy Chi, Đặng Hiển, Lê Tuấn Anh, Nguyễn Đức Quốc, Phạm Chí Thắng… đăng trên các báo, tạp chí và trên các website, blog. Ở bài bình thơ này tôi dựa theo bản dịch tương đối chuẩn của nhà dịch giả nổi tiếng Thúy Toàn.
Lời bình của Lê Xuân:
TÌNH YÊU TRONG SÁNG - CAO THƯỢNG - VỊ THA
A-lếch-xan- đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799- 1837) - thi sĩ thiên tài, ca sĩ của tự do, “mặt trời của thơ ca Nga” đã tắt ở tuổi 38. Nhưng với hơn 800 bài thơ trữ tình mà ông để lại đã làm giàu thêm, đẹp thêm tình yêu của nhân loại, và làm rạng rỡ nền thơ ca Nga. Bài “Tôi yêu em”, sáng tác cuối năm 1829, có thể xem là bài nổi tiếng nhất về thơ tình của tác giả. Nó trong sáng và giản dị đến mức  hầu như không cần tới một lời chú giải nào. Biêlinxki, nhà phê bình văn học Nga đã nhận xét rất xác đáng về bài thơ này: “Đây là tình cảm của con người từng trải- và ta cũng thấy ở đây lòng nhân ái làm xúc động lòng người đó, vẻ diễm lệ nghệ thuật đó”. Bài thơ có lực hấp dẫn lớn, vì nó chứa đựng những giá trị tinh thần chung của loài người.
Cách xưng “tôi” và “em” của nhân vật trữ tình biểu hiện mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa đằm thắm vừa dang dở. Nó như có một điều gì trắc trở trong tình yêu giữa hai người. Bài thơ chỉ có hai câu lớn, chia thành 8 dòng. Các ý thơ như những con sóng gối lên nhau, ào ạt vỗ bờ, láy đi láy lại điệp khúc “Tôi yêu em”. Theo trật tự lôgíc hình thức của cách giãi bày tình cảm, ta như thấy nhân vật trữ tình đang âm thầm, lặng lẽ “rút lui”, chối bỏ say mê, dập tắt ngọn lửa tình. Nhưng đó chỉ là biểu hiện bên ngoài. Từ trong sâu thẳm tâm hồn, tình yêu vẫn cuồn cuộn chảy, bất chấp lôgíc ấy, và như không nén được cảm xúc, chốc chốc nhân vật trữ tình lại bật lên một tiếng kêu tha thiết, nói với lòng mình: “Tôi yêu em”.
Người đọc có thể đặt câu hỏi: liệu nhân vật này có còn yêu nữa không, và nếu yêu thì mãnh lực như thế nào? Ở đây ta thấy có sự mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm. Nó bộc lộ sự day dứt và thông báo rằng đây là mối tình “không hy vọng”, “chừng có thể”, “không để em bận lòng thêm nữa”… Nhưng xét đến cùng thì mãnh lực đó không giảm mà ngày càng tăng, càng mãnh liệt hơn, càng ngùn ngụt cháy:
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.
Người ta bảo tình yêu thường rất ích kỷ. Ghen tuông là biểu hiện cao độ của tính ích kỷ ấy. Có người khi đang yêu nồng nàn say đắm thì ca ngợi người yêu hết lời. Khi không vừa y, hay chia tay nhau thì đổi giọng ngay lập tức, nói xấu nhau, thóa mạ nhau đến cạn tàu ráo máng. Đó là thói thường: yêu nên tốt, ghét nên xấu của những kẻ không có văn hóa trong tình yêu.
Còn tình yêu của “tôi” đối với “em” ở đây cũng rất người, nó cũng bị thói ghen tuông dày vò: “Tôi yêu em âm thầm không hy vọng/ Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”. Puskin đã nói nhiều đến ghen trong tình yêu, và ông coi đó là “nỗi buồn đen tối” làm mụ mẫm đầu óc người ta. Trong bản thảo tiểu thuyết bằng thơ “Eghêni Ônêghin”, ông viết:
Trên đời này không có trò tra tấn nào
Đau đớn hơn những giày vò khắc nghiệt của ghen tuông.
Nhân vật trữ tình trong bài thơ cao thượng, trong sáng và đẹp đẽ biết bao, vì nó đã vượt được thói ích kỷ của đời thường, để “Cầu em được người tình như tôi đã yêu em”. Câu thơ làm chói sáng nhân cách con người, đưa tình yêu lên ngôi, tỏa hương. Đó là thái độ cao thượng và trân trọng người tình của thi sĩ. Trong dân ca Quan họ Bắc Ninh của Việt Nam cũng có câu: “Người về em dặn câu rằng/ Đâu hơn người lấy, đâu bằng đợi em” (Giã bạn). Thật thú vị mà khiêm nhường, mãnh liệt mà tế nhị, hai dân tộc ở hai phương trời xa cùng gặp nhau ở tư tưởng lớn đậm tính nhân văn cao đẹp. Có thể xem câu thơ cuối của bài thơ là một “thần cú”. Bởi nó chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa. Nó vừa vị tha lại vừa say đắm, vừa rụt rè, quyết liệt lại vừa xen một chút tự hào, ghen tuông. Nó tự khẳng định “ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai” trong “tôi” đối với “em”. Mối tình này không phải là “không hy vọng”.
Tình yêu của nhà thơ trong “Tôi yêu em” làm xúc động bạn đọc nhiều thế hệ trên trái đất này. Tác giả không ví von bóng gió mà chỉ bằng cách nói nhỏ nhẹ chân thành và rất giản dị đã ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu với nhiều cung bậc như sóng biển “Dữ dội và dịu êm/  Ồn ào và lặng lẽ” (Xuân Quỳnh). “Ngọn lửa tình” trong “Tôi yêu em” của Pu-skin là những đợt sóng ngầm, mãi mãi làm chói sáng nhân cách cao thượng của con người và tình yêu. Cảm ơn dịch giả Thúy Toàn đã cho ta một bản dịch vừa sát nghĩa vừa bay bổng.
Lê Xuân
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...