Có một thành phố dịu dàng đến thế
Thành phố Dịu Dàng (*) là tập thơ thứ 20, trong số
42 tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã được xuất bản. Tập thơ này được Nhà
xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2015, từng có những ý kiến khác nhau trong thời
gian qua, âu cũng là chuyện rất bình thường.
1. Nhìn vào số đầu sách của nhà thơ Trần Nhuận Minh đã
xuất bản trong gần nửa thế kỷ qua, chắc nhiều người cầm bút hiện thời và mai
sau lấy làm kính nể, bởi trước hết là sức lao động nghệ thuật trên mức bình thường,
mà ông đã bỏ ra để có được từng ấy trang viết.
Chỉ riêng về thơ ông đã xuất bản: Đấy là tình yêu (1971), Âm
điệu một vùng đất (1980, in lần thứ 2, năm 2016), Thành phố bên này
sông (1982), Nhà thơ áp tải (1989), Hoa cỏ (1992), Nhà
thơ và hoa cỏ (1993, in lần thứ 22, năm 2015), Giọt phù sa vạn dặm (2000), Bản
Xônat hoang dã (2003, in lần thứ 13, năm 2015), Trần Nhuận Minh
- Thơ với tuổi thơ (2003), Gửi lại dọc đường (2005, in lần
thứ 6, năm 2011), Trần Nhuận Minh, tuyển tập thơ (2005, in lần thứ 2,
năm 2007), 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007, in lần thứ 5, năm
2013), Miền dân gian mây trắng (2008, in lần thứ 5, năm 2014), Bốn
mùa- Four seasons (2008), Bốn mùa (2009, in lần thứ 2, năm
2011), Miền dân gian mây trắng - The white cloud popular area (2011), Cánh
rừng đã bay về trời (2012), Thành phố Dịu Dàng (2015, in lần thứ
2, năm 2017); và Trong hy vọng khôn cùng, Maxcơva (1992),
do Iuri Konhetxki tuyển chọn và giới thiệu, Trần Nhuận Minh - Thi ca tinh tuyển tập do Phùng Trọng Bình, Dương Hạ Nguyệt, Tấn Dương
dịch. Phùng Trọng Bình và Dương Hạ Nguyệt giới thiệu, Nhà xuất bản Phát
thanh và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Bắc Kinh (2014)… Được biết quí 4
này, tập thơ thứ 21 của ông Liệu có kiếp sau? sẽ ra mắt bạn đọc. Chưa
kể các tập văn xuôi, truyện vừa, tiểu luận phê bình, nghiên cứu và biên khảo,
cùng nhiều tham luận văn chương khác đã đăng báo.
Điều đó chứng tỏ nhà thơ Trần Nhuận Minh là một cây viết
chuyên nghiệp, có tay nghề và bề dày kinh nghiệm cao, nhất là đối với thơ. Ông
đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học
Nghệ thuật, đợt II, năm 2007.
2. Trở lại với tập thơ Thành phố Dịu Dàng đã
được Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành lần thứ nhất cách đây 2 năm (2015) và vừa
được tái bản (tháng 8/ 2017). Tập thơ cần được nhìn nhận, đánh giá một cách
nghiêm túc, khách quan, ngõ hầu làm sáng tỏ cả về khía cạnh tư tưởng cũng như các
giá trị nghệ thuật thẩm mỹ của nó, trong đó có một bài thơ tùy bút tương đối
dài, mang tên Thành phố Dịu Dàng, viết về thành phố Hải Dương quê ông và
cũng là tên chung cho cả tập.
Nhà phê bình văn học Phong Lê đã nhận xét rất đúng: Trần Nhuận
Minh có ba lần định vị cho thơ. Lần thứ nhất là từ Nông dân đến với Công nhân.
Lần thứ hai là từ Công nhân đến với Nhân dân và lần thứ ba là từ Nhân dân đến với
Con người. Mạch chính trong thơ Trần Nhuận Minh là thơ thế sự, và ở giai đoạn
cuối của thơ ông, là thơ thế sự về con người, do đó các gianh giới cũ, thường
có trong thơ ông những năm trước đây, mà nhiều bạn đọc quen thuộc, như công
nhân và nông dân, người cầm súng phía bên này và bên kia, mà ta thường gọi là
“ta” và “địch”… được nhìn bằng cái nhìn tổng thể về con người, với nỗi niềm
chung của con người, trong cái nhìn đổi mới và hòa giải hòa hợp dân tộc của Đảng,
có thể làm một số bạn đọc còn ngỡ ngàng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh tiếp tục khai thác mảng đề tài thế sự
từ những tập thơ trước như Bản Xônat hoang dã, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô
danh, Miền dân gian mây trắng… mà mọi người đã từng biết đến. Khuynh hướng
này khu biệt với khuynh hướng sử thi và anh hùng ca chiến trận, chủ yếu là ca
ngợi những người anh hùng trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự sống còn của
cộng đồng, dân tộc. Đề tài thế sự được thể hiện dưới bút pháp trữ tình thường
được giới chuyên môn gọi là trữ tình thế sự, nhưng nó cũng khu biệt với
khuynh hướng trữ tình nói chung viết về đề tài tình yêu đôi lứa, quê
hương, đất nước, hôn nhân và gia đình,... chủ yếu mang âm hưởng ngợi ca những
cái hay, cái đẹp của mảng đề tài nói trên.
Khuynh hướng trữ tình thế sự thường nghiêng về những
vấn đề xã hội nóng bỏng, nổi cộm đang diễn ra trong cuộc sống thường nhật của mỗi
chúng ta. Điều đó giải thích vì sao trong tập, một số bài, nhà thơ lấy cảm hứng
của mình từ các tin được đăng chính thức trên các báo chính thống, hay phát
trên các chương trình truyền hình trung ương, làm thi liệu. Cách viết này làm
thơ ông áp chặt vào cuộc sống, và có giá trị cảnh báo cao, nhưng có bài, có ý
kiến cho rằng: chất thực tế đã át chất thơ, cũng là điều tác giả nên xem xét, để
nâng cao cảm xúc và nghệ thuật ngôn từ.
Trong bài Ngôi nhà cũ, Trần Nhuận Minh viết: “Và
đêm ấy, trong ánh đèn dầu khuya vắng / Tôi ngồi viết bản Trường ca về
Vùng mỏ anh hùng/... / Tôi bừng tỉnh, người run như ma ám/ Lại thấy nền nhà
xưa, gai góc mọc đầy/ Con chim biển đậu trên cành cây cụt/ Chả biết vì sao đập
cánh mãi không bay...”
Rõ ràng tình trạng hủy hoại môi trường ở các nước đang phát
triển là một sự thật nhãn tiền. Con chim biển gặp thiên tai hay nhân tai không
bay được và nền nhà xưa hoang hóa vì không có người quan tâm chăm sóc, chỉ là một
chi tiết nhỏ của thực tế đời sống… Chính cái nhãn tiền đang diễn trong trong đời
sống thực này, làm người thơ dễ mủi lòng, cảm thông và chia sẻ hơn là những cái
to tát, lớn lao. Âu đấy cũng là một nét đặc trưng của khuynh hướng thơ trữ
tình thế sự thời hậu chiến.
Và đây cũng là một sự thật khá phổ biến của xã hội hiện đại,
nhưng không phải ai cũng quan tâm, để ý…nhất là chuyện ấy không phải là chuyện
của chính mình… Có thể coi đây là một phát hiện của thơ Trần Nhuận
Minh chăng?
“Những ông chồng đêm đêm chỉ muốn vợ bỏ/ Những bà vợ ngày ngày
chỉ muốn bỏ chồng/ Họ tự nói rất hay về hạnh phúc/ Và tiệc tùng vui vẻ như
không/ Và vui đùa ca hát như không/ Những gương mặt ngời ngời hạnh phúc/ Nhưng
đêm ấy, người đàn bà lại muốn bỏ chồng/ Và sáng sau, người đàn ông lại muốn bỏ
vợ/.../ Trước ống kính truyền hình/ họ lại nói véo von về hạnh phúc/ Và lại tiệc
tùng nhảy múa như không... (Hạnh phúc).
Xã hội hiện đại với nền kinh tế thị trường, có nhiều mặt
trái, khiến cho con người ta không thể sống thật, nói thật, thậm chí
không làm chủ được chính mình, ngay cả trong quan hệ vợ chồng. Đã thế nó còn
gây cho con người bao bức xúc, dằn vặt đến mức cuối cùng buộc mỗi người phải tự
biến mình thành vai diễn trên sân khấu cuộc đời. Thế nhưng người ta vẫn cứ phải
sống, ăn uống, đi lại, nói cười, lên lớp dạy đời người khác như không có chuyện
gì xảy ra.
Trong xã hội hiện đại, ở các nước phát triển và đang phát triển,
đặc biệt ở các đô thị lớn, trong đó có Việt Nam, người già cô đơn thực sự đã trở
thành một vấn đề xã hội nhức nhối tâm can của tất thảy chúng ta. Bởi lẽ ai mà
chẳng đến lúc phải già. Quy luật sinh, lão, bệnh, tử không trừ một ai. Ấy vậy
mà, không ít người bận lao vào các cuộc đua chen quyền lực, bổng lộc, danh vọng,...
đã quên đi, hoặc không thèm đoái hoài đến điều ấy, khiến người già càng tủi phận,
thậm chí đến khi nhắm mắt xuôi tay rồi mà vẫn không hết cô đơn: “Chiến công ông
ở đâu... ông cũng không nhớ nổi/ Đồng đội ông, chẳng còn biết những ai/.../ Bạn
bè ông, bây giờ chỉ còn Đài/ Đài nói chuyện với ông... Thế là ông vui sướng.../
Cánh cửa khép hờ, sân rêu đầy lá rụng/ Trăng đến rồi trăng đi... Ngày đêm gió
thì thào ...”
Anh hùng ca chiến trận và sử thi cổ đại thường hướng sự quan
tâm đến nhân vật trung tâm là người anh hùng, vì họ là đại diện cho cả cộng đồng,
dân tộc. Người anh hùng trong sử thi cổ đại và trong các bản anh hùng ca chiến
trận là tinh hoa của dân tộc và thời đại mà người anh hùng sinh ra để sống, chiến
đấu, hy sinh cho cộng đồng. Vì thế ca ngợi người anh hùng là hoàn toàn chính
đáng và cần thiết của bất kỳ nhà thơ nào trong những thời khắc lịch sử ấy.
Nhưng lịch sử không phải lúc nào cũng là chiến tranh, vì suy
cho cùng, chiến tranh chỉ là những thời đoạn bất thường của lịch sử. Vì thế,
sau khi chiến tranh kết thúc, nhân vật trung tâm của thơ ca nói riêng và văn học
nghệ thuật nói chung cũng dần được thay đổi. Từ số phận người anh hùng trong
chiến đấu chuyển về số phận của đại bộ phận nhân dân đang hàng ngày phải bươn
chãi, tìm kế sinh nhai, đối mặt với bao rủi ro đang rình rập, từng ngày từng giờ,
từ cả thiên tai lẫn nhân tai. Trước thực tại ấy, nhà thơ Trần Nhuận Minh vẫn có
thể tìm cho mình một nơi trú ẩn có vẻ như an toàn hơn chăng? Đấy là nương nhờ
vào sự trong sạch đến long lanh, trinh trắng vẫn còn ở của cuộc đời này, mà biểu
hiện trong thơ là hình tượng “cát”, “cát trắng”, với niềm tin ở cuộc đời này,
cái đẹp, cái trong trắng, tức là chất VÀNG của cuộc sống vẫn còn nhiều lắm (có
thể coi bài thơ dài Thành phố Dịu Dàng viết về quê hương ông, góp phần
bộc lộ chất VÀNG trong đời sống của tập thơ), đủ để ta nương tựa và yên tâm,
dù xung quanh, cái ĐEN, cái BẠC vẫn còn rất nhiều. Có lẽ đó cũng là chủ đề của
cả tập thơ, mà tác giả đã lấy hai câu thơ của mình làm đề từ: “Trời
ơi, Vàng đến thế này/ Mà sao Đen, Bạc vẫn đầy thế gian…”. Bài thơ “Cát trắng” trong tập thơ có thể coi là một sáng
tác tiêu biểu: “Trắng đến long lanh, trắng đến ngời ngời/ Đi trên cát, như
đi trong ánh sáng/ Quên ở bên mình, những cướp giật, lưu manh và bội phản/ Chao
ôi! Sự trong sạch nhường này… vẫn còn ở nhân gian...”
3. Trần Nhuận Minh là một trong số ít các nhà thơ
hiện nay quan tâm đến các vấn đề thời sự mà không viết một chiều. Có lần ông
nói đại ý rằng, bao giờ ông cũng đặt cái trắng bên cạnh cái đen, hoặc đằng sau
câu thơ về cái chết, bao giờ cũng có câu thơ về sự sống hay là việc sinh đẻ của
sự sống. Đọc thơ Trần Nhuận Minh từ Bản Xônát hoang dã đến nay, thấy
ý thức này rất rõ, ví như đoạn thơ sau đây: “ Những bông hoa lộng lấy nhất
trần gian/ Đều tự tử âm thầm trong đêm vắng/ Cứ có nước là cá tự sinh ra/ Ao
hồ rộn vang tiếng quẫy đạp sinh đẻ…” (Bản Xônát hoang dã), mà ông
nói là ông học tập phương pháp nghệ thuật cổ điển phương Đông là thống nhất các
mặt đối lập. Trong tập thơ thứ 20 này, ông cũng có đoạn: “Ừ thì thơ cứ ca tụng
mây bay/ Nhưng rừng cháy dưới áng mây thì thơ quay lưng lại/.../ Dẫu vẫn tin
vào sự tinh khiết của khí trời/ Dù đây đó đã nhiễm đầy chất độc/ Trái tim tôi vẫn
đập chẳng bình yên/ Trước biết bao chân thành… của tiếng chim và hạt thóc... (Trái
tim tôi vẫn đập chẳng bình yên).
Trong thời buổi hiện nay, phần lớn người ta bận chạy đua với
thời gian, tiền tài, danh vọng, chức quyền,... mà quên đi xung quanh và phía
sau mình, còn có những số phận không may mắn, rất cần sự cảm thông, chia sẻ của
cộng đồng và những người thân, bất luận sự sẻ chia ấy là như thế nào…
Viết nhiều về những mặt tiêu cực của thực tế đời sống, nhưng
thái độ xã hội của Trần Nhuận Minh là một thái độ tích cực, một thái độ sống có
trách nhiệm của một trí thức, một người cầm bút làm thơ có tâm và đầy trách nhiệm
với bản thân, với bạn đọc và với cuộc sống đầy nhiễu loạn này, rất đáng trân trọng.
Nếu tất cả mọi người chúng ta thấy cái tiêu cực, cái xấu, cái ác mà không lên
án và đấu tranh phê phán thì xã hội hôm nay làm sao có thể tốt đẹp hơn lên.
Thái độ vô cảm trước cái ác, cái xấu là bầu vú sữa nuôi dưỡng hiệu quả nhất cho
một xã hội bất ổn và xuống cấp về đạo đức, phẩm cách con người. Tôi tán thành ý
kiến của Trần Nhuận Minh trong một câu thơ, ông đã viết rằng: “Im lặng là
Vàng ư?/ Im lặng là tội ác!”
Có một bài
thơ lục bát hiếm hoi của nhà thơ Trần Nhuận Minh trong tập sách này: “Cuối năm
gió lạnh mưa phùn/ Cây chưa nảy lộc, cành còn bơ vơ/ Đảo xa bảng lảng sương mờ/
Biển gần nào biết bến bờ là đâu/ Chưa chi mình đã bạc đầu/ Đỏ đen canh bạc còn
lâu mới ù/ Chặt tre, lấp hết ao hồ/ Đồng xanh đã biến thành khu chơi bời/ Nơi
này khóc, chỗ kia cười/ Lấy ngày cha chết con chơi đánh đề….(Đón xuân). Những
nét cảnh báo trong bài thơ là một thực tế thật đáng sợ.
4. Có thể nói, Thành phố Dịu Dàng nói riêng và
thơ trữ tình thế sự của nhà thơ Trần Nhuận Minh nói chung, có nhiều sự
tìm tòi đổi mới về cảm quan thế giới, cách tiếp cận những vấn đề xã hội nóng bỏng
bằng thơ, mà một thời gian dài nhiều người xem đây như là lãnh địa dành riêng
cho báo chí và phát thanh, truyền hình cũng như các trang mạng xã hội, vì các
phương tiện thông tin này mang tính tác chiến nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, nói
như vậy, không có nghĩa thơ không có khả năng thâm nhập vào những vấn đề ấy. Chỉ
có điều thơ làm theo cách của thơ do đặc trưng thể loại qui định. Những nhà thơ
đi theo hướng cách tân trên cơ sở truyền thống đã làm rất tốt việc
tiếp cận những vấn đề nóng, nổi cộm của xã hội, mà những gương mặt tiêu biểu
trong quãng trên dưới 30 năm trở lại đây, trước hết phải kể đến là Hữu Thỉnh,
Trần Nhuận Minh và Trần Quang Quý…
Cách tân trên cơ sở truyền thống là cách gọi khác của khuynh
hướng thơ trữ tình thế sự. Khuynh hướng này không quá chú tâm đến việc đổi
mới hình thức thơ như ngôn ngữ, giọng điệu, ngắt câu, xuống dòng,... như các
nhà thơ thuộc khuynh hướng tân hình thức mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trên
báo chí và các trang mạng xã hội. Những nhà thơ theo khuynh hướng trữ tình
thế sự cũng không quá câu nệ đến niêm luật, vần điệu, thể thơ như: ngũ
ngôn, lục ngôn, song thất lục bát, lúc bát, thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát
cú, như các nhà thơ theo khuynh hướng truyền thống thường làm. Trái lại, họ thường
phản ánh tâm trạng cá nhân hay vấn đề xã hội một cách phóng túng, tự do và nóng
bỏng như cuộc sống vốn có. Cái mà họ quan tâm là những thời khắc tâm trạng bất ổn,
những khúc ngoẹo quanh của thói đời, lòng người, những vấn đề xã hội nổi cộm,...
được đưa vào tác phẩm thơ sao cho thơ vẫn là thơ, nhưng phải nói cái mình cần
nói chứ không phải nói cái người khác cần. Điều này đã được minh chứng khá rõ
trong Thành phố Dịu Dàng của Trần Nhuận Minh, Thương lượng với
thời gian của Hữu Thỉnh, hay tập thơ gần đây nhất của Trần Quang Quý
là namkau.
Ba mươi năm về trước, cô chị đang tâm bán đứa em gái ruột của
mình mới mười lăm tuổi cho một lão già Trung Quốc lấy làm vợ. Ba mươi năm sau
cô em trở về quê tìm gặp chị, những mong để hỏi tội, trả thù. Nhưng trời có mắt
và đã làm việc ấy thay cô em: “Thấy chị chân què, chống gậy đi tập tễnh/ Biết
chồng chị kẹp ô tô, chết chẳng toàn thây/ Đứa con lớn nằm liệt giường. Đứa con
sau nghiện hút/ Hình như ông Trời có mắt, đã ra tay…/ Con dao sắc nằm nghiêng
trong túi xách/ Nghe bà chị huyên thuyên giảng đạo đức, nghĩa nhân/ Đạo đức giả
là một trò ghê tởm/ Cô hết kiên trì, đứng dậy, chẳng phân vân/... Rút sáng
loáng con dao đặt “cạch” trước mắt chị/ Rồi vội vã bỏ đi… không nói một
câu/ Bà chị trợn mắt lên, đầu tự nhiên đập xuống… (Hai chị em).
Bài thơ trên rất tự do, phóng túng, cũng không có gì mới về
ngôn ngữ, giọng điệu, mà chỉ có số phận của hai chị em, sự trớ trêu của cuộc đời,
sự tán tận lương tâm của con người dù đấy là ruột thịt. Bài thơ như một thước
phim phóng sự quay nhanh, đi thẳng vào vấn đề xã hội nổi cộm, nạn buôn bán người
đang diễn ra tràn lan và phức tạp ở khắp các vùng quê Việt Nam, khiến tất cả những
người có lương tri đều cảm thấy nhói buốt tâm can.
Hóa ra cái Thành phố Dịu Dàng của Trần Nhuận Minh lại
chẳng hề “dịu dàng” chút nào, mà luôn có trắc trở giông bão, có tính cảnh báo
gay gắt trong lòng mỗi người và trong lòng một xã hội đầy bất ổn, cả về
an toàn và trật tự, đạo đức và lương tri… Đấy cũng là đặc điểm khá nổi bật của
khuynh hướng trữ tình thế sự mang thơ hiệu Trần Nhuận Minh. Chúc mừng
ông.
(*) Thành
phố Dịu Dàng. Thơ Trần Nhuận Minh, Nxb Hội nhà văn, 2015, vừa tái bản
tháng 8/ 2017.
Tháng 8/ 2017
Đỗ Ngọc Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét