Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Những kỷ niệm với thi sĩ Xuân Quỳnh

Những kỷ niệm với thi sĩ Xuân Quỳnh
Trong làng thơ, Xuân Quỳnh nổi tiếng rất sớm. Từ năm 1963, chị đã có “Thuyền và biển” và từ năm 1967, chị đã có “Sóng”. Trong sổ tay thơ của nhiều học sinh, sinh viên một thời, hai bài thơ này được “lưu hành” khá phổ biến…
1. Đầu tháng 9 năm 1978, với “lưng vốn” ít ỏi trên dưới 10 bài thơ, tôi mạnh dạn đến 17 Trần Quốc Toản tìm nữ sĩ Xuân Quỳnh. May mắn là ngay từ lần đầu tiên đến Báo Văn nghệ, tôi đã được gặp nhà thơ mà mình yêu thích và hâm mộ từ rất lâu rồi.
Tôi nói rất thành thật: “Em vốn là lính miền Tây Nam Bộ, mới ra quân, vừa từ Cần Thơ trở về Hà Nội. Em có ít thơ, muốn nhờ chị đọc và thẩm định hộ”. Cầm tập bản thảo và đọc lướt qua, Xuân Quỳnh nói: “Anh mới ở trong ấy ra à? Ở Cần Thơ có nhà thơ Nguyễn Bá đấy. Anh ấy làm thơ cũng lâu rồi. Mặc dù tôi không có nhiệm vụ thẩm định thơ, nhưng khoảng một tuần nữa anh cứ quay lại đây tìm tôi. Không hiểu sao, tôi lại muốn đọc thơ của một người từng là lính, vẫn còn trẻ tuổi như anh”.
Đúng hẹn, bảy ngày sau tôi quay lại Báo Văn nghệ. Xuân Quỳnh bảo: “Tôi đã đọc… Thơ của anh chưa đăng chùm được, chỉ đăng lẻ được thôi! Tôi đã chọn của anh vài bài, để dùng dần. Số đầu tháng 10 tới, có thể bài “Thành phố tôi yêu” sẽ đăng… Vài ngày tới, tôi sẽ chuyển sang Nhà xuất bản Tác phẩm mới, 65 Nguyễn Du, phụ trách mảng sách chuyên đề, mỗi quý xuất bản một lần. Có thơ phù hợp, anh cứ gửi cho tôi, đừng ngại!”.
Nghe chị thông tin mà tôi mừng rơn và thầm cảm ơn chị. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn không hiểu và tự thắc mắc: Tại sao ở hai lần gặp gỡ ban đầu ấy, chị lại gọi “anh” và xưng “tôi” với tôi, cho dù đối với tôi, chị là “bề trên” về thơ và “bề trên” về mặt tuổi tác.
Rồi bài thơ đầu tiên của tôi được đăng trên Báo Văn nghệ cùng với “Xóm Hạ Hồi” của Thi Nhị, “Thành phố, ngày trở lại” của Nguyễn Đình Chính, “Sông Tô” của Trần Việt Dũng… trong trang thơ nhân dịp 10.10. Năm sau, nhờ sự quan tâm và động viên kịp thời của Xuân Quỳnh, tôi lại được ra mắt độc giả đến 2- 3 lần nữa bằng 2- 3 bài thơ nữa, trong phần sách do chị biên tập và phụ trách. Rồi cũng từ đó mà tôi với chị trở nên thân quen hơn.
Có lần chị hỏi tôi: “Sao giấy được dùng làm bản thảo của Giang tốt, đẹp và trắng đến thế? Giang lấy ở đâu ra vậy? Thú thực là đã có một vài lần, mình tận dụng được vài mảnh nho nhỏ đấy - những chỗ còn trống ở dưới mỗi bài thơ… Mình quý những mảnh giấy nhỏ nhỏ ấy lắm. Và có câu thơ nào hay, chép lên đó, thì thật là tuyệt!”. Tôi trả lời: “Có gì đâu ạ. Chỉ đơn giản thế này: Đây là những tờ giấy một mặt trắng, một mặt đã in những dòng chữ của những tài liệu không có gì quan trọng, đã cũ, được thải loại từ Văn phòng UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc) tại Hà Nội. Ông già vợ em đang làm việc ở đấy. Thỉnh thoảng cụ mang về cho em. Và em đã chép những bài thơ mới viết lên đó”.
Vậy là những ngày ấy, chị không hoàn toàn ấn tượng về thơ tôi, mà có lẽ chỉ ấn tượng với những trang bản thảo của tôi.
Sau này, khi có lần trò chuyện với nhà thơ Mai Phương, tôi mới hiểu vì sao Xuân Quỳnh lại quan tâm đến những trang giấy “tốt, đẹp và trắng đến thế”. Nhà thơ Mai Phương kể: “Ở Hội nghị Những người viết văn trẻ lần đầu tiên do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào ngày 6.4.1959 tại Thái Hà Ấp (Hà Nội), có lần nhà thơ Hoàng Trung Thông phát biểu: Các bạn viết phải nỗ lực, phải hết sức cẩn thận, phải cố chứng minh mình là người có một khả năng nào đó, kẻo phí giấy tốn mực…”. Trong dịp này, nhà thơ Mai Phương nhấn mạnh: “Tôi nghĩ, đó là một ý kiến rất chân thành và thực tế, được dùng theo nghĩa đen. Như thế là đã có một thời, đất nước ta thiếu thốn đủ thứ, kể cả giấy và mực”.
2. Trong làng thơ, Xuân Quỳnh nổi tiếng rất sớm. Từ năm 1963, chị đã có “Thuyền và biển” và từ năm 1967, chị đã có “Sóng”. Trong sổ tay thơ của nhiều học sinh, sinh viên một thời, hai bài thơ này được “lưu hành” khá phổ biến.
Những câu: 
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ 
Sông không hiểu nổi mình 
Sóng tìm ra tận bể”; 
“Sóng bắt đầu từ gió 
Gió bắt đầu từ đâu? 
Em cũng không biết nữa 
Khi nào ta yêu nhau“; 
“Dẫu xuôi về phương Bắc
Dẫu ngược về phương Nam 
Nơi nào em cũng nghĩ 
Hướng về anh - một phương 
Ở ngoài kia đại dương 
Trăm nghìn con sóng đó 
Con nào chẳng tới bờ 
Dù muôn vàn cách trở“… 
luôn gây được ấn tượng mạnh trong giới trẻ.
Còn “Thuyền và biển” thì có người đã bình: “Bài thơ được nữ sĩ Xuân Quỳnh viết từ năm 1963. Đến nay, đã có tuổi đời trên nửa thế kỷ rồi. Vậy mà ta vẫn nghĩ Xuân Quỳnh mới viết cách nay không lâu. Nghĩ vậy là vì “Thuyền và biển” vẫn còn mới, đến tận hôm nay.
Cái giỏi của người viết là gắn được cái hữu hạn (thuyền) với cái vô hạn (biển) để khẳng định: 
“Chỉ có thuyền mới biết
Biển mênh mông nhường nào
Chỉ có biển mới biết
Thuyền đi đâu, về đâu”.
Hai người gần nhau mà biết kỹ đến từng sợi tóc đường tơ của nhau như thế thì thật hiếm hoi. 
“Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ
Những ngày không gặp nhau
Lòng thuyền đau, rạn vỡ“. 

Hai người xa nhau mà buồn khổ về nhau như thế, thì chắc hẳn họ yêu nhau lắm lắm. Nhưng cái cốt tử của tình yêu là họ đã có một bến bình yên khi kết hợp với nhau. Cho nên mới có chuyện: 
“Nếu từ giã thuyền rồi/
Biển chỉ còn sóng gió” 
và:
“Nếu phải cách xa anh
Em chỉ còn bão tố“.
Tất nhiên, bên cạnh hai áng thơ này, Xuân Quỳnh còn nhiều áng thơ khác như “Hoa cỏ may”, “Gió Lào cát trắng”, “Thơ tình cuối mùa thu”… nữa.
Trong làng thơ, Xuân Quỳnh được coi là một người có chất thi sĩ bản năng, tinh tế và đằm thắm. Bên cạnh đó, thơ của chị luôn đem đến cho người đọc những phát hiện mới mẻ. Chị đã góp phần khẳng định: Không có thơ mới, thơ cũ, mà chỉ có thơ hay. Và chỉ có thơ hay mới chống lại được sự thải loại của thời gian, cập nhật với đời sống.
Ở mảng văn thơ dành cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh cũng có những tác phẩm đặc sắc. Ngoài những truyện ngắn được viết rất cảm động: “Thầy giáo dạy vẽ”, “Bà bán bỏng cổng trường tôi”, “Người làm đồ chơi”… chị còn có nhiều bài thơ khác lạ: “Bầu trời trong quả trứng”, “Truyện cổ tích về loài người”, “Con yêu mẹ”, “Cái ngoan của Mí”, “Chùm thơ xuân tặng ba con nhỏ”…
Trong “Con yêu mẹ”, “Chùm thơ xuân tặng ba con nhỏ”, “Cái ngoan của Mí” có những câu đáng nhớ: 
“À mẹ ơi có con dế
Luôn trong bao diêm con đây 
Mở ra là con thấy ngay
Con yêu mẹ bằng con dế“; 
“Ban ngày làm bằng nắng
Màu xanh làm bằng cây 
Quả ớt làm bằng cay
Tiếng ồn sinh tàu điện” 
hay: 
“Cái ngoan mà đem cho 
Thì lại ngoan hơn nữa“…
Tôi có cảm giác: Chính chị chứ không phải ai khác, đã có công thi vị hóa những gì thật gần gũi, giản dị thành sâu sắc, thích hợp với tâm lý trẻ thơ. Cho nên, cũng thật dễ hiểu khi “Bầu trời trong quả trứng” của chị được xếp trong “Tủ sách vàng - tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi” của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã được tái bản cả chục lần.
3. Trong “Nhớ Quỳnh” (“Ý Nhi tuyển tập”), nhà thơ Ý Nhi - một người bạn rất thân của Xuân Quỳnh viết: “Những điều tưởng khó khăn, phức tạp, nghiêm trọng khi được Quỳnh “hóa giải” lại thành giản dị, sáng sủa. Và bao giờ cũng mang khí vị hài hước.
Trong lúc người ta tổ chức hội thảo, tổ chức tranh luận: Làm thế nào để đổi mới thơ thì Quỳnh nói tỉnh khô: Đổi mới thơ là làm thơ cho hay. Có người không viết được nhưng lại cứ đòi hỏi điều kiện này khác, Quỳnh bảo, chẳng hiểu cậu ấy sử dụng tự do vào việc gì. Cứ loanh quanh như chó nằm chổi ấy. Rồi Quỳnh nghiêm trang: Phải tự tìm lấy tự do chứ đi xin ai”.
Qua những lần tiếp xúc, tôi cũng nhớ láng máng được những câu nhận xét của chị về người này người nọ, mang khí vị ấy: “Cái tay này có đắp lên mặt mấy bánh xà phòng thơm Camay cũng không sạch sẽ thêm được”; “Ăn thì rau muống luộc, mặc thì áo may ô năm lỗ, đi thì tứ thời guốc mộc, vậy mà suốt ngày đọc thơ như ve”…
Cũng có lúc chị lại thẳng băng trong cách hành xử. Có một nhà thơ “thường thường bậc trung” thường quấy rầy chị tại nhà riêng và khi đến, thường chỉ hỏi hai câu: “Chị đã đọc những bài thơ mới của tôi chưa? Bao giờ thơ tôi được đăng báo?”. Chị trả lời: “Tôi có nhiều việc phải làm, phải lo. Thôi, từ nay ông đừng đến nhà tôi nữa. Thơ ông có như thế nào, tôi cũng cố gắng chọn để đăng…”.
Tương tự, có nhà thơ làm thơ chưa ra sao, cũng làm và hỏi thường xuyên như thế, chị bảo: “Thơ thẩn gì. Ánh sáng, bóng tối gì. Cứ tạm để đấy đã. Tôi còn đang tối tăm mặt mũi lo mua gạo, mua rau để chăm chồng, nuôi con đây”.
Có lần, tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe chị đọc một câu: “Thơ đã qua miệng hổ/ Còn lọt vào tai trâu”. Không tìm hiểu kỹ cái gốc gác của câu gần như là thành ngữ rất “cục bộ” này, qua cách nói của chị, tôi hiểu ra một tin nhắn ngầm: Vì hai lý do trên mà thơ ở nơi này lên được mặt báo, chắc chắn là gian truân lắm.
Nữ sĩ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cách nay đã lâu. Mới đây, TP HCM đã có một con phố mang tên chị. Chỉ nay mai thôi, chị có nhiều khả năng được truy tặng Giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật. Đến lúc ấy, hy vọng ở Hà Nội sẽ có một con phố mới mang tên chị.
Đặng Huy Giang  
Theo http://vanhoadatviet.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày cuố...