Thứ Hai, 11 tháng 9, 2017

Bài thơ Không nói - Giai điệu buồn của chia ly

 Bài thơ Không nói
Giai điệu buồn của chia ly
Không nói là một trong những sáng tác đầu tay của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Và công bằng mà ngẫm, Không nói không tạo được tiếng vang như Sáng mát trong như sáng năm xưa hay những thi phẩm rất thành công của ông sau này, song bài thơ có vị trí quan trọng, góp phần làm nên diện mạo Nguyễn Đình Thi trên văn đàn bấy giờ vốn đã đông đủ anh tài.
Dừng chân trong mưa bay 
Ướt đầm mái tóc 
Em, em nhìn đi đâu 
Môi em đôi mắt 
Còn ôm đáy 
Nhìn em nữa 
Phút giây 
Chiều mờ gió hút 
trong  
Bóng nhỏ
Đường lầy  
Nếu quan niệm thơ hay trước hết phải là thơ dễ đọc, dễ hiểu, chúng ta sẽ rất lúng túng khi tiếp nhận, thưởng thức, đánh giá Nguyễn Đình Thi. Thơ ông không bề bộn chất liệu hiện thực, không sa vào kể lể dài dòng mà chỉ chọn lấy những hình ảnh tiêu biểu làm điểm tựa cho những cảm xúc mãnh liệt. Không nói có thể nói là một minh chứng tiêu biểu, thuyết phục cho phong cách thơ Nguyễn Đình Thi: buồn mà không bi luỵ, cô đơn mà vẫn kiêu hãnh, dịu dàng mềm mại mà lắng sâu ân tình.
Bài thơ chỉ có 35 chữ, nhỏ nhắn, vừa vặn, đủ để diễn tả một thoáng cảm xúc, một thoáng rung động của tâm hồn thi sỹ vốn rất kiệm lời, đặc biệt là kiệm trong sự mô tả. Viết về cuộc chia tay giữa hai người trên đường hành quân mà không thấy một từ nào nói về chiến tranh hay gợi lên hình ảnh chiến trường khốc liệt. Chỉ có im lặng, buồn, và cô đơn.
Câu thơ Dừng chân trong mưa bay được cấu tạo bằng năm thanh bằng gợi lên cảm giác chơi vơi, mênh mang như không gian đất trời giăng kín mưa. Tôi chợt nhớ đến Quang Dũng trong một câu thơ rất mực tài hoa: Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Có cái gì đồng điệu giữa Nguyễn Đình Thi và Quang Dũng ở chất nhạc, chất tình. Khúc nhạc dạo đầu của bản nhạc buồn trong mưa bay đã ngay lập tức cuốn hút người đọc. Gương mặt nhân vật trữ tình hiện lên qua một nét phác hoạ sơ khoáng nhưng đầy ấn tượng: “Ướt đầm mái tóc”. Bao nhiêu gian khổ đọng lại trong hai chữ “ướt đầm”…
Trong cố gắng đưa ngôn ngữ thơ trở về với ngôn ngữ đời thường, Nguyễn Đình Thi đã đưa vào thơ mình những từ ngữ thuần Việt giản dị, mộc mạc tự nhiên như lời nói. Ai cũng có thể đọc, cũng có thể cảm nhận theo cách của riêng mình. Song không vì thế mà bài thơ thành ra dễ dãi, hời hợt. Chỗ tìm kiếm của Nguyễn Đình Thi lại đọng ở những khoảng trắng giữa các dòng. Những đối thoại cũng là một phát hiện mới mẻ, tạo nên sắc điệu mới cho thơ: Em, em nhìn đi đâu? Từ “em” vang lên hai lần, thiết tha, sâu lắng như một nốt nhấn. Câu hỏi bỏ lửng, nhân vật trữ tình tự hỏi mình mà không hướng đến người đối thoại.
Người đọc rất lúng túng khi tiếp nhận những vần thơ như thế này:       
Môi em đôi mắt  
Còn ôm đáy
Nhìn em nữa 
Nỗi buồn gợi lên từ không gian “mưa bay”, từ thời gian “chiều mờ gió hút” từ cuộc gặp gỡ quá ngắn ngủi. Không một lời từ biệt, im lặng trở thành ngôn ngữ duy nhất có ý nghĩa. “Chiều mờ gió hút”, cái lạnh lẽo của buổi chiều và mưa gió càng làm cho không khí cuộc chia tay thêm xót xa, ngậm ngùi. Dường như có điều gì phấp phỏng chờ đợi từ cả hai phía mà không một ai dám lên tiếng. Từ “hút” cuối câu thơ gợi lên một không gian xa xăm, vô định như tương lai mờ mịt phía trước, như cuộc chia tay có thể là từ biệt, không hẹn ngày trở về.
Hình ảnh người em lùi lại phía xa, chỉ còn là cái bóng nhỏ mà người ra đi mang theo bên mình. Cuộc hành quân tiếp tục. Con đường lầy hiện ra như biểu tượng của chặng đường sắp tới đầy những gian truân, cực nhọc. Nhịp điệu câu thơ chùng xuống. Kết thúc bài thơ cũng lại là một nốt nhạc buồn, mênh mang, sâu thẳm. Viết về cuộc chia tay giữa hai người trên đường hành quân nhưng ở một bài thơ nổi tiếng khác, Nguyễn Đình Thi lại viết trong nguồn cảm hứng chiến thắng, trong niềm tin yêu mãnh liệt vào cuộc đời, vào thắng lợi tất yếu sẽ đến. Nó đối lập hoàn toàn với âm hưởng trầm buồn của Không nói:
Chào em, em gái tiền phương 
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn
Không nói có những câu rất hay, đi giữa thực và ảo, giữa không gian và thời gian, người đọc khó nắm bắt rõ ràng mà chỉ mơ hồ cảm nhận theo trí tưởng tượng của mình. Khác với không khí thơ kháng chiến lúc bấy giờ thường lấy chất liệu là hiện thực đời sống với những cảnh đầu rơi máu chảy, những thôn xóm tiêu điều, bốc cháy, Nguyễn Đình Thi đi tìm kiếm một sự thực nhói đau khác, sự thực về tâm hồn con người. Ông đã chạm đến nỗi đau riêng, đến số phận mỗi cá nhân trong số phận cộng đồng. Vì thế mà cùng viết về đề tài chiến tranh, nhưng bài thơ lại mang một âm điệu khác, có sức nặng không kém những bài thơ cùng thời.
Phương Thanh
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cà phê vườn Hà Nội - Cho một ngày suy nghĩ

Cà phê vườn Hà Nội Cho một ngày suy nghĩ… Cà phê Hà Nội mà dung từ “uống” nghe có vẻ thô tục và không đúng. Cà phê Hà Nội là cái khoảng th...