Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Về “Lục bát đánh giày” của Nguyễn Thế Kiên

Về “Lục bát đánh giày” 
của Nguyễn Thế Kiên
LỤC BÁT ĐÁNH GIÀY
Bóng từ tay ấy bóng ra
Chân dung giày dép bóng qua phận người
Trưa quen hè phố ngủ ngồi
Miệng khe khẽ nhẩm mồ hôi nửa ngày
Mũ mềm úp mặt cũng say
Xù xì mài nhẵn gốc cây phố rồi
Kìa tay quờ lại chỗ ngồi
Hộp đồ nghề gọi: giày ơi, giật mình!
Nụ cười bảy vía yên bình
Ba hồn giày dép lung linh… thật là:
Bóng từ đầu óc bóng ra
Xù xì… nhẵn bóng … lạy cha đánh giày!
GIÀY ƠI … !
Nguyễn Thế Kiên
Lời bình: Nguyễn Thanh Tuyên   
Quê tôi chuyên nghề nông kèm nghề thủ công dệt vải. Từ ngày biên giới phía bắc thông thương, hàng ngoại ồ ạt, ngập tràn… đã làm ngắc ngoải nghề dệt truyền đời xứ sở. Những cánh đồng bờ xôi ruộng mật bị co lại như “Tấm da lừa của Ban Zac “ . Đất đai mẫu mỡ bị cát lấp, kênh rào, mặc cỏ dại hân hoan ngóng chờ bao dự án lơ lửng “treo” cao.
Dân thì đông. Cũng bởi miếng ăn mà bao người phải bỏ quê bươn bả trăm miền, hành đủ mọi thứ nghề cửu vạn, ô sin… Không ít thanh niên trai tráng thiên di… tay xách tráp, lót đế giày khoác vai, lượn lờ khắp ngõ ngách phố phường gạ gập đánh xi .
Hiện thực canh cánh bên lòng, nên khi gặp “Lục bát đánh giầy “thi phẩm như có lực nam châm, hút tôi đọc đi đọc lại với niềm thương cảm dâng đầy. Tôi  gắng tìm ý tứ chìm khuất trong thơ. Những mong hiện rõ chân dung người lao động chân quê ra tỉnh trùng với “tiêu cự” mà Nguyễn Thế Kiên bấm máy rồi khéo léo sắp đặt kỹ càng trong một thể thơ khắt khe niêm luật truyền thống.
“Bóng từ tay ấy bóng ra
Chân dung giày dép bóng qua phận người ”
Câu mở, giới thiệu nghề nghiệp, rõ rồi. Nhưng ở câu lục đầu tiên mà có  tới hai từ “bóng”? Thiết nghĩ anh chẳng vung tay phung phí. “Bóng” không đơn nghĩa. Tác giả chơi chữ chăng? Khẳng định từ đầu e hơi sớm. Thôi, cặp điệp tính từ  ấy dành lại để ta tiếp tục tìm hiểu bút pháp …dần dà.
Và,  từ “bóng“ lại xuất hiện lần 3 với mục đích gì đây /chân dung dày dép bóng qua phận người/. Phận người mang bóng dày dép ư? Ta cũng hiểu, vị trí ấy là nơi thấp nhất của cơ thể. Song, có khi lại là bệ đỡ tạo dáng bề thế sang trọng cho người.
Nghĩ rộng ra còn thấy:  khi mà chuốt chải qua tay bao đôi dày là bấy lần gặp gỡ đa dạng “Chân dung”. Nào là mẫu mốt Tây – Ta. Gia công hay chính hiệu? Chúng đâu trùng kích cỡ, màu sắc, xuất xứ (made in). Cảm giác chạm tay đủ nhận ra da mềm, da cứng, nhẵn mịn hay thô sần. Sẽ tỏ tường hàng xịn hay đã cũ càng, vẹt gót, mòn da…khi kề sát mắt. Và, giá cả thời trang hắt “bóng” trung thành, hiện rõ dáng hình thân chủ… Ai ý tứ có thể phán đoán chút ít. Nhưng nếu quá mộc mạc quê mùa, chỉ duỗi rong phố thị, thì tài đâu mà xem tướng,  đoán người. Âu cũng chỉ  cầu mong đổ mồ hôi, rạc cẳng, thoăn thoắt đôi tay, mau mắn cóp nhặt mưu sinh. Một kinh nghiệm cần được tiếp thu đó là ngay “lời mở” thiết kế cũng cần giàu tình tiết.
Ta biết Trời phú cho Thi sĩ bản tính đa cảm. Họ có thị giác, thính giác tinh tường, nhờ vậy độc giả  được dẫn vào ngóc ngách hoàn cảnh, tìm hiểu thói quen và nhìn nhận thực trạng  người  đời:
“Trưa hè quen phố ngủ ngồi
Miệng khe khe khẽ nhẩm mồ hôi nửa ngày”
Vạ vật! Đặc tả ở trên không chỉ tạo hình, mà còn ghi âm trực tiếp! Đúng, đâu còn thừa ghế đá ngả lưng. Thời điểm “chính Ngọ“ hiếm khách, vốn là giờ dành cho ẩm thực rôm rả, hay yên ả giấc trưa nơi phòng lạnh thị thành.
Vật vờ chỉ mệt người, thêm vô tích sự. Thôi, tiện chỗ nào kề lưng chỗ ấy, chợp mắt đợi chiều. Trước lúc nhân vật thiu thiu Tác giả còn thấy “Miệng khe khẽ nhẩm“. Thói quen mãn tính của “anh thợ“ chẳng khác chi kẻ trót hệ lụy một loại thuốc an thần nhóm bình thản, chẳng thể cưỡng dùng. Phút ấy, đâu phải tự ru thì thầm, mà là đương sự đang làm “phép  nhân” nhẩm giá mồ hôi thấm đất nửa ngày. Rồi khấu hao tiếp suất cơm bụi ban trưa. Xong xuôi mới yên dạ, nhắm mắt tựa lưng.
Ô! Thế mà, thoáng chốc chàng đánh giày đã lịm giấc say. Sự mệt mỏi đóng sập hàng mi cùng với những đồng bạc lẻ thiêm thiếp giắt lưng. Lịm nhanh bởi từ tơ mơ đã bách bộ chà chã, rã rời. Và, nguyên nhân cũng còn do phản xạ giấc trưa quen nết. Vâng, mà cũng cần thời gian cách bức, chỉ chốc lát nghỉ ngơi thôi sẽ phục hồi sinh khí, tái tạo sức lực cho cuộc trường chinh háo khát thoát nghèo.
“Mũ mềm úp mặt cũng say
Xù xì mài nhẵn gốc cây phố rồi”
“Xù xì”, hình ảnh gốc cây.Ai mà lạ lẫm. Nhưng thời tiết cay nghiệt nắng mưa và va chạm bụi ráp thị thành cũng làm cho con người đen đủi vốn nứt nẻ, xạm da, giờ“ xù xì” dần dần cả thể xác tinh thần. Tâm thức tự lúc nào chồi lên những góc cạnh, cộm cằn! Điều minh chứng sinh động cho thuyết “Chọn lọc tự nhiên“ nghiệt ngã. Một thực tế khó lòng tránh khỏi!
Tuy vậy, đâu đây dường như vẫn còn phảng phất gốc gác nếp sống giản đơn. Khỏang râm che mặt giấc trưa vẫn chỉ cậy nhờ chiếc mũ mềm chặn nắng cũ kĩ bao ngày. Thôi thế cũng ổn; cần chi lệ thuộc ô dù. Mà cũng chẳng có ô lọng nào rỗi hơi ở đây, để mà trông, mà đợi. Lúc này thượng sách là hãy nương dựa, bám bíu vào vật vô giác vô tri những “Hè phố gốc cây“…
Ơi tác giả? Khi mà “Mài nhẵn gốc cây phố rồi“ thì sau tấm áo bạc sờn kia cái tấm lưng “chủ thể“ ra sao? Phải chăng Nhà thơ dồn thâm niên vất vả của nhân vật đánh giày… về phía nước mắt đồng loại, người thân?
Nhưng đang trưa nồng, thoáng nhìn thấy cái anh thợ chuyên “làm dáng” cho giày da thật quá vô tư… Ai mãi bon bon lướt đi hẳn chắc rằng giấc điệp ấy ngon, sâu. song đúng ra nó sỉu mềm, chập chờn, mơ tỉnh. Như đây, bất giác anh quơ tay sờ mớ đồ nghề:
“Kìa tay quờ lại chỗ ngồi
Hộp đồ nghề gọi: giày ơi, giật mình“
Ta thấy khoảng tỉnh luôn thường trực điểm giờ,  Báo thức luôn chính xác nhờ nhịp sinh học mà tạo hóa cài đặt và ban tặng tự nhiên… Cũng, chửa biết chừng chiếc hộp đồ thô sơ kia đã ghi âm tiếng gọi “giày ơi“ của khách hàng chăng? Mà có khi nó vẫn thường lầm tưởng “Giày ơi“ là quí danh của chủ nó. Và thế là, “Giày“ chả biết tự lúc nào đàng hoàng nhận một chính danh? Bởi nó thấy tất cả những người có nhu cầu tân trang cho “bộ móng“ đều gọi giật … “Giày ơi!”. Còn ran lên lời thưa lại là chủ nó. Lắm lúc cũng phật ý, song đành chép miệng, buồn lòng .Bởi tất cả phải hướng tới tương lai…
Người đọc cũng nên thông cảm ”Thơ ý mà!”. Thủ pháp nhân cách hóa quá cần. Nguyễn Thế Kiên sáng tạo sử dụng nó giữa lúc tranh tối tranh sáng của giấc ngủ xem ra rất hợp lý, dễ chấp nhận, bởi cả tôi giờ đây vẫn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh của bài thơ.
Với  thợ đánh giày cũng may còn có sự an ủi thân tình giữa vật và người. Như bè bạn, vật bất ly thân kia ròng rã hôm sớm bên nhau, tận tụy sẻ chia gian nan mưa, nắng.
Chính cái công cụ thô sơ cộng tác với bày tay thô ráp, ám muội xi đen của anh ta… đã gọi hồn cho bao đôi giày, cặp dép đang hấp hối, nồng nặc mốc hôi, tưởng như xác rữa lìa hồn:
“Ba hồn giày dép lung linh…”
Và đôi tay lành nghề chẳng hề e ngại, xuất hiện cả ở chốn cao sang, phồn thực… tận tụy chiều chuộng để đón về ánh mắt hài lòng của bao tửu khách “bẩy vía“ mày râu. (Tất nhiên “bảy vía“ ở đây không ngoại trừ cả chính nhân vật lang bang kiếm sống, tỏ vẻ mỹ mãn mỉm cười giây khắc (trong thơ):
“Nụ cười bảy vía yên bình“
Cặp lục bát  đa tầng đa nghĩa làm mắt ta đôi lúc cay cay, nhưng yên tâm không hề bi ai, tủi cực. Ngược lại, còn có phần an lạc tự tin nho nhỏ nhờ tác giả nhào luyện hoàn cảnh trong văn phong trào phúng riêng mình. Điều ấy , tạo ra nguyên liệu đổ móng, lát nền, để đứng riêng rẽ  mà ta có thể nói rằng đó là bút pháp Nguyễn Thế Kiên.
Cũng phải hỏi, nơi xuất xứ tác giả có trùng quê Nguyễn Khuyến, Tú Xương không mà nhiều bài thơ thâm thúy thế? Thơ cũng gần gũi đời thường, chia sẻ cảm thông với thân phận quần đùi, chân đất giúp họ vợi đi không ít nỗi niềm .
“Lục bát đánh giày“ là bài thơ thế sự hay, ám ảnh. Nó xa khác chất thời sự dễ trôi, phai … từng trên nhật báo.
Người đọc chờ đợi “Ba hồn bảy vía“ của  người  và vật sau khi nhập xác hoàn nguyên thì  nét đẹp sáng trong sẽ tái hồi. Cái xấu, cái bẩn đã được phủi đi. Sự thô ráp bụi bậm nhờ bàn tay lương thiện thường dân miết xát, trát xi, rồi chà đi, chuốt lại… nhủ về dáng vẻ lung linh từng có ban đầu.
Đầu tư tẩy lọc sẽ:
“Bóng từ đầu óc bóng ra
Xù xì… nhẵn bóng… lạy cha đánh giày ”
Công lao kỳ cọ xứng đáng được “xù xì”,“nhẵn bóng” bái lạy bởi hàm ơn có sự may mắn đổi đời….
Ta thấy “Lục bát đánh giày“ hao hao như một clip hình ảnh, ngắn mà đủ gợi, phản ảnh trung thực đời sống gần gũi. Sự đóng góp của tác giả cho lục bát hiện đại ở chỗ kín kẽ, giàu tầng vỉa, không phô lộ chủ quan, khéo léo biến ảo… nên tác phẩm hấp dẫn sự mổ xẻ kỹ lưỡng để thưởng thức thấu đáo cho những ai có nhu cầu.
Lục bát - Thể thơ mang quốc hồn quốc túy của dân tộc đang được Nguyễn Thế Kiên (một người hợp tạng) kế thừa và không ngừng bứt phá qua những trang thơ. Tôi chờ đợi được tham khảo thơ anh nhiều hơn để rỗi rãi nhâm nhi tìm kiếm thú vị bồi bổ cho bản thân mình - một người mang nặng tâm hồn yêu thơ truyền thống.
NGUYỄN THANH TUYÊN
Theo http://vanhoadatviet.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hoàng Nhuận Cầm thời chống Mỹ: Một tâm hồn học sinh những câu thơ trận mạc Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm vừa đột ngột ra đi ở tuổi 70 vào chiề...