Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Còn nhớ không em

Còn nhớ không em
CÒN NHỚ KHÔNG EM
Em ơi!
Hoa cúc đã rực vàng trước ngõ
Lá lìa cành ngập đầy lối cỏ
Tẩm sương đêm làm nhòe nhoẹt 

bước chân trần
Anh chợt buồn
Chợt mong nhớ bâng khuâng
Lời hẹn ước em có còn ghi nhớ
Sương buổi sáng phả bên tai như hơi thở
Chợt ấm lòng như nghe bước chân em
Cũng như trong từng giấc ngủ hằng đêm
Tay ôm gối ngỡ hình hài yêu dấu
Anh nhớ em, hỏi lòng em có thấu
Biết bao giờ em trở lại em ơi!
Trọng thu rồi, lá càng lúc càng rơi
Ngày rất ngắn, đêm rất dài… khó ngủ
Gối chăn ơ hờ làm sao ấm đủ
Tiếng côn trùng cứ rả rích ngoài hiên
Anh vùi đầu cố dỗ giấc cô miên
Trong mộng mị lại điên cuồng nỗi nhớ
14/11/2006
Bài thơ của anh Yên Sơn vẫn là điệp khúc nhớ mong muôn thuở, khởi đầu và kết thúc, theo phong cách riêng của anh, thường một ý, để trân trọng và quấn quýt cảm giác nằm trọn trong tựa đề. Anh không mở ra ở câu kết, hoặc đảo cả ngôn từ, thậm chí cả ý, như thơ Trần Lộc, nên thơ anh thật thà cảm giác, không nổi loạn hoặc điên cuồng tới mức như thơ của thi sĩ họ Trần. Anh chỉ kết nhè nhẹ: “Trong mộng mị lại điên cuồng nỗi nhớ “, chứ không mạnh một tí như: “Trong mộng mị lại cuồng điên mộng mị”. Đông Đức tiên sinh nghĩ cảm giác của anh Yên Sơn dao động từ bâng khuâng đến điên cuồng có lẽ dựa vào câu: “Chợt mong nhớ bâng khuâng” ở đoạn đầu, và câu kết: “Trong mộng mị lại điên cuồng nỗi nhớ “ này chăng? Trong thơ, theo cảm nhận riêng của tôi, không phải dùng từ ngữ “điên cuồng” là diễn tả được sự điên cuồng đâu, mà còn phải kết hợp nhiều yếu tố khác nữa. Giá mà anh Yên Sơn kết bằng câu đại khái như: “Trong mộng mị lại cuồng điên mộng mị”, chứ không dùng nhóm chữ: “điên cuồng nỗi nhớ “ thì may ra cảm nhận người đọc mạnh thêm hơn, bộc lộ được tâm trạng điên cuồng. Anh nhẹ nhàng nên cảm nhận của người đọc khi đọc câu cuối của bài thơ lại trở về với bâng khuâng, luyến tiếc và trân trọng của đoạn đầu. Thử bình qua bài thơ của anh Yên Sơn xem sao hỉ!
Đoạn thơ đầu của bài: “Còn nhớ không em”:
“Em ơi!
Hoa cúc đã rực vàng trước ngõ
Lá lìa cành ngập đầy lối cỏ
Tẩm sương đêm làm nhòe nhoẹt bước chân trần
Anh chợt buồn
Chợt mong nhớ bâng khuâng
Lời hẹn ước em có còn ghi nhớ”
Anh gieo liền hai câu cước vận trắc:
“Hoa cúc đã rực vàng trước ngõ
Lá lìa cành ngập đầy lối cỏ”

nghe man mác làm sao. Đoạn đầu bài thơ đã đưa người đọc vào cảm nhận của nỗi nhớ trong anh, pha lẫn niềm tiếc thương ray rức của lời hẹn ước ban đầu. Đoạn thơ nhẹ nhàng như một áng văn xuôi, pha cảnh, trộn tình, làm bồi hồi người đọc. Thật vậy, thử viết lại đoạn thơ này thành văn xuôi, chấm phết rành mạch, sẽ thấy ngay.
Đoạn kế tiếp:
“Sương buổi sáng phả bên tai như hơi thở
Chợt ấm lòng như nghe bước chân em
Cũng như trong từng giấc ngủ hằng đêm
Tay ôm gối ngỡ hình hài yêu dấu
Anh nhớ em, hỏi lòng em có thấu
Biết bao giờ em trở lại em ơi!”
cường độ nhớ nhung ray rức trong anh tăng dần với những hồi tưởng thật đẹp thật lưu luyến như “nghe bước chân em”, như “Tay ôm gối ngỡ hình hài yêu dấu”. Cảm giác dệt bằng hình ảnh và kỷ niệm tới mức ôm em vào lòng đến đê mê ngây ngất, rồi thảng thốt kêu lên:
“Anh nhớ em, hỏi lòng em có thấu
Biết bao giờ em trở lại em ơi!”
vừa biểu lộ sự điên cuồng, vừa ray rức, đau thương.
Chữ “phả” trong câu “Sương buổi sáng phả bên tai như hơi thở”, với nghĩa hà mạnh hơi ra từ miệng, miêu tả khí lạnh từ bên ngoài để nghe liêu trai hơn, và kết hợp hợp lý với hình ảnh sương lạnh buổi sáng hơn.
Rồi đoạn cuối:
“Trọng thu rồi, lá càng lúc càng rơi
Ngày rất ngắn, đêm rất dài… khó ngủ
Gối chăn ơ hờ làm sao ấm đủ
Tiếng côn trùng cứ rả rích ngoài hiên
Anh vùi đầu cố dỗ giấc cô miên
Trong mộng mị lại điên cuồng nỗi nhớ“
Dẫn người đọc trở về với hình ảnh mùa Thu, lá càng lúc càng rơi, ngày ngắn, đêm dài, người mang tâm sự, thao thức khó ngủ. Câu thơ: “Trọng thu rồi, lá càng lúc càng rơi” đẹp từ hình ảnh đến ngôn từ và âm điệu. Chữ “trọng” kết hợp với chữ “Thu” để diễn tả mùa Thu đang chuyển mình vào giai đoạn cuối mùa, nghe thật mới lạ. Câu này liên kết với câu: “Ngày rất ngắn, đêm rất dài …. khó ngủ”, càng đẹp thêm hình ảnh và ảm đạm thêm cõi lòng. Rồi gối chân ơ hờ không đủ ấm, rồi tiếng côn trùng rả rích ngoài hiên, khiến anh như người quả phụ cố dỗ giấc ngủ cô đơn một mình được diễn tả trọn vẹn trong ba câu tiếp, trước khi anh kết thúc bài thơ bằng câu: “Trong mộng mị lại điên cuồng nỗi nhớ“ với tình và cảnh được phân định rõ ràng. Không biết anh có ngủ được không, hay mộng mị đây chỉ là mộng mị của người đang trăn trở thao thức. Cho nên điên cuồng nỗi nhớ, theo tôi, không thể hiện hữu ở cái không gian như vậy với ý nghĩa biểu thị bởi từ ngữ như vậy, mặc dầu nỗi nhớ của nhà thơ vẫn canh cánh bên lòng. Điều này không phải cho rằng “điên cuồng nổi nhớ“ không hợp lý khi đứng với nhóm từ “Trong mộng mị”, mà tôi chỉ muốn nói: dù có đứng cạnh, mà thực ra rất hợp với lời thơ, thêm khí cho lời thơ, vẫn đưa nhà thơ trở về ôm ấp ve vuốt với ý chính trong tâm hồn mình đã đặt cả vào tựa bài: Còn nhớ không Em?
Rua anh Yên Sơn! Bài thơ hay lắm! Lâu quá không bình, chữ nghĩa, ý tưởng cũng… lình bình cả. Không lột tả hết nỗi lòng của anh, hoặc cảm nhận không đúng như cảm nhận của anh thì mong anh bỏ qua cho nhé! Mua vui vậy mà!
Thân
Nguyễn Xuân Đấu
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Công dân áo gấm Henry Cabot LodgeXXXXX

  Công dân áo gấm Henry Cabot Lodge TỰA - LỜI TÁC GIẢ Hồi đó, tám năm qua… Tháng 8.1963, tình hình căng thẳng, ngột ngạt, các phóng vi...