Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Những vần thơ - Như những bản tình ca không bao giờ quên

Những vần thơ - Như những bản 
tình ca không bao giờ quên 
1/ Mình anh và thu - Thơ Bùi Văn Hải
Sớm hôm nay vào thu
Lá khoe màu xanh biếc
Cây xù xì mộc mạc
Gió thủ thỉ ngọt ngào
Nghe theo lời của gió
Lá bỏ cây lá rơi
Em tin lời người lạ
Em bỏ anh em đi
Gió ghen thì gió tới
Gió phá rồi gió xa
Cây mọc lên từ đất
Lá cũng về đất thôi
Gió thì hay đổi thay
Cây muôn đời vẫn vậy
Không muốn làm cơn gió
Một mình anh … mùa thu …

Mùa thu bao giờ cũng tuyệt đẹp. Vẻ đẹp của mùa thu đem đến cho thi sĩ những cảm nhận, những rung động tâm hồn khác nhau. Những cảm nhận và rung động đó nhiều khi còn do tác động của hoàn cảnh, của tâm trạng. Với Bùi văn Hải, một chàng trai còn rất đỗi trẻ trung, tâm hồn trong trẻo,sớm có cuộc sống nội tâm, đã có một mùa thu thật riêng biệt ”mình anh và thu”.
Nhan đề bài thơ đã đưa ta đến với nhân vật trữ tình ở đây là một chàng trai (tác giả) có một sự giao hòa gắn bó đặc biệt với mùa thu. Sự gắn bó giữa cá thể với vũ trụ hay chỉ là cái cớ để Bùi Văn Hải gửi vào đó khúc tâm tư?. Mùa thu đôi khi được ví là mùa của tình yêu bởi chỉ có mùa thu mới đẹp đến quyến rũ lòng người mà tuổi yêu là tuổi đẹp nhất trên đời. Tuy nhiên, mùa thu nhiều khi còn là biểu tượng của một mối tình đẹp mà buồn. Vẻ đẹp của mùa thu là vẻ đẹp buồn trong mắt buồn.
Trước hết là vẻ đẹp của bức tranh thu được chạm khắc vào một buổi sáng sớm lúc thu sang:
Sáng hôm nay vào thu
Lá khoe màu xanh biếc
Cây xù xì mộc mạc
Gió thủ thỉ ngọt ngào.

Theo thể thơ ngũ ngôn cô đọng, súc tích và giọng thơ hồn nhiên trong trẻo như hồn người đang hòa quyện với thiên nhiên lúc vào thu. Câu đầu như một lời khẳng định mùa thu đã chính thức đến từ buổi sáng nay. Dấu hiệu của mùa thu được phát hiện bắt đầu từ màu xanh của lá. Thật thú vị, màu xanh của lá được Hải cảm nhận như đứa trẻ được mẹ thiên nhiên vừa khoác thêm cho chiếc áo mới màu xanh biếc đầy sức sống. Một cảm nhận rất mới lạ khác hẳn với những thi nhân thường vẽ mùa thu sang bằng màu vàng của lá.Chẳng hạn, Xuân Diệu đã ngạc nhiên khi phát hiện thấy:
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng...

Trong con mắt của chàng trai trẻ Hà Thành, mùa thu vẫn xanh biếc không chỉ trong bầu trời, mặt nước mà trong cả màu xanh của lá. Có lẽ, đó cũng là một hình ảnh tả thực bởi mùa thu mới chỉ là bắt đầu, làm sao có thể chuyển màu áo mơ phai nhanh được. Nhận ra điều đó, ta càng trân trọng Bùi Hải đã rất chân thực, không hề hoa lá, tô vẻ, màu mè chút nào. Cũng chính từ hình ảnh tả thực đó, ta càng thấy hiện rõ lên tâm hồn tươi xanh trẻ trung của Hải. Có lẽ, vẻ đẹp của lá chính là vẻ đẹp của cô gái mà tình yêu với cây đã trở nên quấn quýt như một. Bởi, cây và lá tạo nên sự sống trên cùng một cội rễ.
Cùng với màu xanh biếc của chiếc lá đã được mùa hè nuôi dưỡng bằng nắng và mưa là những thân cây xù xì mộc mạc đến không cần phải bàn luận thêm nữa. Mùa thu trong trẻo trẻ trung bởi màu xanh của lá, vừa có độ già nua, vững chãi của những thân cây xù xì được gợi lên bằng nghệ thuật tạo hình. Ngay sau đó là âm thanh của gió được nhân hóa như lời” thủ thỉ” của kẻ bất chợt từ đâu đến xen ngang giữa cuộc tình tuyệt đẹp của cây và lá. Gió trở thành kẻ thứ ba gieo rắc ngang trái. Những kẻ dối trá thì hay làm điều xấu xa. Còn kẻ thật thà thì lại dễ tin lời lừa phỉnh. Lời "thủ thỉ ngọt ngào" của gió chẳng khác gì "mật ngọt chết ruồi". Trong cuộc sống, không thiếu gì những cô gái vì ghen tuông ích kỉ đã xen vào chọc phá không ít mối tình đẹp đẽ.
Dường như tác giả chỉ mượn mùa thu làm duyên để bộc lộ câu chuyện tình lãng mạn của mình. Lá, cây trở thành biểu tượng của tình yêu. Thật thú vị khi ta chợt nhận ra vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của chàng trai qua hình ảnh ”Cây xù xì mộc mạc”. Cách diễn đạt thơ của Hải thật tinh tế đến ngưỡng mộ!. Hàm ý của ngôn ngữ thơ rất sâu. Mới chỉ đọc qua, khó mà nhận ra được.

Đặc điểm của chàng trai hiền hậu, thật thà bao giờ cũng thế mà. Con gái bao giờ cũng tinh tế hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là cùng trang lứa (Con gái biết yêu trước con trai...). Nhưng khi chàng trai bị tiếng gọi của tình yêu lên tiếng thì lại rất mãnh liệt... Cây không có lá làm sao cây sống nổi. Cây đã giành tất cả tình yêu của mình để chắt chiu cho lá thêm xanh thêm đẹp. Mà lá không có cành, có cây làm sao lá sống?. Hải đã đặt tình yêu của đôi lứa vào những biểu tượng đặc sắc. Nhưng, khổ nỗi ở đời có câu:
"Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng"
Thật thông minh và tinh tế, Hải đã đặt tình yêu của cây và lá vào thử thách nghiệt ngã khi để gió đến "thủ thỉ ngọt ngào." Và, sự thật là tình yêu tuyệt đẹp của cây và lá bỗng chốc bị gió cuốn đi, rẽ chia một cách phũ phàng:
Nghe theo lời của gió
Lá bỏ cây lá rơi

Lá đã tin bạn một cách dại dột, mù quáng nên đã nghe lời của gió. Lá lặng lẽ bỏ cây ra đi không một lời từ biệt. Sự non nớt, vụng dại của tuổi trẻ đã khiến cả chàng trai và cô gái yêu nhau say đắm là thế, những tưởng giao hòa tuyệt vời là thế đã nhanh chóng phải hững hờ, chia phôi:
Em tin lời người lạ
Em bỏ anh em đi

Gió đã chủ động phá vỡ hạnh phúc của cây và lá không hề hối hận. Nhưng chính Lá cũng chưa đủ hiểu biết, chưa đủ bản lĩnh để gìn giữ tình yêu tuyệt đẹp với cây. Lá dại dột, cả tin khi nghe lời người lạ. Lá dỗi hờn, bỏ cây ra đi không một lý do khiến cây bàng hoàng trước bất ngờ. Lời của cây cũng thật mộc mạc “Em bỏ anh em đi”. Cây đau đớn, tiếc nuối và thẫn thờ đến không hiểu vì sao lá nỡ tình bỏ cây ra đi không một lời từ biệt như thế. Tình yêu ban đầu ngọt ngào bao nhiêu thì giờ đây cay đắng xót xa bấy nhiêu. Cây cũng biết lý do chỉ là lời của người lạ. Trời ơi, sao lá nông nổi thế, dại dột thế!.
Lá lặng lẽ bỏ cây nhưng lá vẫn yêu cây mà không biết làm cách nào để quay lại. Phải chăng là lòng tự trọng. Lá hiểu lầm cây một cách thật đáng tiếc. Gió muốn cây và lá luôn phải đau khổ:
Gió ghen thì gió tới
Gió phá rồi gió xa
Phải chăng:
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

Nhưng gió có là gì của nhau với cây (hoặc lá) đâu mà ghen ghét đố kỵ vậy. Gió nỡ lòng lại tàn phá duyên mới của lá với cây, khiến cây phải chịu hình phạt ghen tuông của gió là phải sống cô đơn mãi mãi. Trong nỗi buồn đến tím lòng vì yêu đó, Cây không còn thiết sống nữa. Cây nhận ra sâu sắc triết lý nhân sinh:
Cây mọc lên từ đất
Lá cũng về đất thôi.

Lời thơ ngậm ngùi,chua chát khi Cây phải sớm nếm trải vị đắng tình yêu. Hạnh phúc cõi đời thật mong manh như chiếc lá. Âm điệu của bài thơ trầm lắng xuống, gợi bao suy tưởng. Cây nhận ra chân lý: dù lá có bỏ cây ra đi thì trước sau cả cây và lá đều cũng phải trở với đất. Tôi chợt nhớ đến bài hát “Trở về cát bụi”:
“Sống trên đời này, tựa phù du có ngay rồi lại mất
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen...
Này lời hứa,này thủy chung, này tình yêu chót gửi đầu môi
Cũng thế mà thôi, sẽ hết ngày mai, như áng mây cuối trời...”

Nhận ra sự mong manh, phũ phàng của hạnh phúc trần thế. Cây trở nên bao dung, rắn rỏi đến lạ kỳ:
Gió thì hay thay đổi
Cây muôn đời vẫn vậy
Không muốn làm cơn gió
Một mình anh... mùa thu...

Gió thật đáng trách! Mượn gió, B Hải nhân hóa gió thành kẻ chuyên đi phá hoại hạnh phúc người khác. Một hàng tiểu nhân không nên tồn tại trên thế gian này.
Cây mệt mỏi, thất vọng vì gió. Sự thất vọng đó khiến cây không muốn làm cơn gió để gió cuốn đi, bỏ lại cả gốc rễ, nguồn cội của mình. Đó chính là lý do để cây muốn ”Một mình anh... mùa thu...”
Cuối bài thơ, Bùi Hải đã thoát khỏi hình tượng cây để trở về với chính mình khi xưng là “anh”. Đây là câu thơ chất đầy tình ý nhất. Còn lại mình anh với mùa thu hay còn lại sự cô đơn, còn lại một bản ngã rất đàn ông luôn bất khuất, vững vàng trước mọi đổi thay của cuộc sống?. Câu kết của bài thơ gợi tới rất nhiều ý sâu xa còn nghệ thuật dùng dấu chấm lửng ngắt quãng rất tinh tế. Chẳng khác gì:
Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo

Đó là cách nói vừa ngập ngừng, vừa dứt khoát. Cô gái (Lá) sẽ nghĩ gì khi đọc bài thơ này?
Riêng tôi, tôi rất tâm đắc với câu kết đặc sắc này khi nhận ra sự khẳng định mạnh mẽ của chàng trai. Chàng trai khẳng định vẻ đẹp bất tử của mùa thu, đồng thời khẳng định vẻ đẹp bất tử của tình yêu, của tâm hồn chàng trai. Và, tình yêu của họ mãi là bản tình ca không bao giờ quên..
2/ Thêm một
thơ Trần Hòa Bình
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một - lắm điều hay
Nhưng mà tôi vẫn biết
Thêm một - phiền toái thay!
Thêm một lời dại dột
Tức thì em bỏ đi
Nhưng thêm chút lầm lì
Thể nào em cũng khóc
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!
Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết...
Dĩ nhiên là tôi biết
Thêm một - lăm điều hay...
(Thu 1985)

Lời bình: Thêm một: 
Tương sinh và tương khắc
“Một chiếc lá vàng thật vàng thật đẹp rơi trúng đầu trên con đường quen thuộc...” đã làm cảm xúc của thi sĩ Trần Hòa Bình thăng hoa và cất thành lời thơ. Bài thơ “Thêm một” đã ra đời như thế đấy!
Cứ nhẹ nhàng thủ thỉ, Trần Hòa Bình đã gửi vào “Thêm một" những chiêm nghiệm giàu tính triết lý về đời sống. Ngay từ đầu, bài thơ đã mở ra những tiểu đối đặt cạnh nhau tạo nên những quan hệ tương sinh, tương khắc.
“Thêm một” tạo ra quan hệ tương sinh:
Thêm một chiếc lá rụng
Thế là thành mùa thu
Thêm một tiếng chim gù
Thành ban mai tinh khiết...

Chỉ “thêm một” chiếc lá rụng, thế là mùa thu đã ùa về, chỉ “thêm một” tiếng chim đầy ắp sự sống, một ban mai tinh khiết đã hiện ra. Thêm cái này thì sẽ xuất hiện cái kia, cái này làm mới cái kia, tạo ra điều tốt lành để cuộc sống đẹp hơn, ý nghĩa hơn, tuyệt vời hơn. Quả là: “Thêm một - lắm điều hay”
“Thêm một” tạo ra quan hệ tương khắc:
Thêm một người thứ ba
Chuyện tình đâm dang dở
Cứ thêm một lời hứa
Lại một lần khả nghi!
Nhận thêm một thiệp cưới
Thấy mình lẻ loi hơn
Thêm một đêm trăng tròn
Lại thấy mình đang khuyết...

“Thêm một” làm đầy cái này thì lại làm khuyết cái kia, làm thừa cái này thì lại làm thiếu cái khác. “Thêm một” tạo nên sự đối lập, đem lại bao điều trăn trở, day dứt, nghĩ suy. Quả là: “ Thêm một - phiền toái thay”.
“Thơ là điệu hồn đi tìm hồn đồng điệu”. Điệu hồn của Trần Hòa Bình đã chạm tới muôn điệu hồn của bạn đọc ngay từ khi “Thêm một” mới ra mắt bạn đọc lần đầu.
Nguyễn Thị Mai
3/ Biển - Lâm Thị Mỹ Dạ
Biển trời soi mắt nhau
Cho sao về với sóng
Biển có trời thêm rộng
Trời xanh cho biển xanh
Mặt trời lên đến đâu
Cũng lên từ phía biển
Nơi ánh sáng bắt đầu
Tỏa triệu vòng yêu mến
Biển ơi! Biển thẳm sâu
Dạt dào mà không nói
Biển ơi cho ta hỏi
Biển mặn từ bao giờ
Nhặt chi con ốc vàng
Sóng xô vào tận bãi
Những cái gì dễ dãi
Có bao giờ bền lâu
Biển chìm trong đêm thâu
Ðể chân trời lại rạng
Khát khao điều mới lạ
Ta đẩy thuyền ra khơi
Dù bão giông vất vả
Không quản gì biển ơi!
CẶP SONG HÀNH BIỂN TRỜI
Nhẹ nhàng mà thấm thía, cao rộng nhưng không xa vời, bài thơ Biển của Lâm Thị Mỹ Dạ đã gợi lên nhiều ý nghĩa triết lý sâu xa về cuộc đời. Nếu như Xuân Quỳnh mượn hình ảnh những con sóng nhỏ để nói lên cung bậc tình yêu thì dường như với Lâm Thị Mỹ Dạ không gian ấy mở rộng hơn với hai cặp hình ảnh biển trời. Nhà thơ đã khéo léo để hai hình ảnh này song song bên nhau, tôn thêm vẻ đẹp cho nhau: Biển có trời thêm rộng/ Trời xanh cho biển xanh. Biển cả luôn là đích đến, là nơi lưu giữ những điều bí mật để chúng ta khám phá tìm hiểu. Phải chăng, với tác giả biển cả chính là cuộc đời rộng lớn, là tấm gương lớn để mỗi người soi vào đấy và khao khát tìm hiểu. Hình ảnh thơ không mới nhưng ý tưởng mà tác giả đề cập đến thật thâm thúy và gần gũi với mỗi người.
Sưu tầm
4/ Đất nước
Nguyễn Đình Thi
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Đã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!
Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!
1948
(Rút trong tập thơ Người chiến sĩ, 
NXB Văn nghệ, 1956)
Lời bình của Trịnh Thanh Sơn:
Bài thơ Đất nước được Nguyễn Đình Thi sáng tác vào cuối năm 1948 (theo hồi ức của nhà văn Tô Hoài) tại chiến khu Việt Bắc, mà cụ thể là ở vùng rừng núi Tuyên Quang. Lúc đó, ông đang là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn nghệ VN.
Đất nước ra đời sau bài hát Người Hà Nội chưa đầy một năm, vì vậy không khí trường ca vẫn còn thấm đẫm. Có thể coi Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một trường ca thu nhỏ, bởi nó mang trong mình đầy đủ những phẩm chất cốt lõi của một trường ca.
Chính vì vậy, bài thơ Đất nước đã là một gợi ý cho rất nhiều những trường ca sau này, xuất hiện trong thời chống Mỹ. Tôi nói là những "gợi ý", nhưng thực chất đó là những bài học về phương pháp tư tưởng, phong cách nghệ thuật, và cả thủ pháp nghệ thuật khi tiến hành một trường ca.
Tuy nhiên, bài thơ Đất nước vẫn nguyên vẹn và mãi nguyên vẹn là một bài thơ trữ tình hoành tráng và lộng lẫy. Nhà thơ sáng tác bài thơ này ở tuổi 24, ở tuổi ấy mà viết như thế, chỉ có những thiên tài mới làm nổi, chỉ có dân tộc và cách mạng mới làm nổi.
Tài năng của Nguyễn Đình Thi đã gặp được thiên thời - địa lợi - nhân hòa, gặp được ngọn gió lớn mà ta vẫn quen gọi là "bão táp Cách mạng", vì thế mà vút lên, vì thế mà bền lâu, vì thế mà cách tân và hiện đại.
Nói "hiện đại" là ngầm so sánh với cái gì trước đó là "chưa hiện đại". Ở đây tôi muốn dừng lại ở một so sánh nho nhỏ, rằng Đất nước của Nguyễn Đình Thi hiện đại hơn Thơ mới trước đó không bao lâu.
Ông mở đầu bài thơ bằng việc tả mùa thu, một mùa thu như bao mùa thu trong cách nhìn của mùa thu thứ nhất, mùa thu đầu tiên:
Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Ta nhớ những ngày thu đã xa...
"Những ngày thu đã xa" là những ngày thu nào vậy? Phải chăng, đó là một nỗi buồn trong thơ Bích Khê:
Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi, vàng rơi... thu mênh mông!
Hay trong thơ Chế Lan Viên trước đó:
Thu đến đây, chừ biết nói răng
Chừ đây buồn giận biết sao ngăn
Tìm trong những sắc hoa đang rụng
Ta kiếm trong hoa chút sắc tàn!
Không phải vậy, nỗi nhớ mùa thu năm xưa là một mùa thu rất khác. Đó là mùa thu năm 1946, đất nước sau bao cố gắng của Bác Hồ, vẫn phải một lần nữa đứng lên đánh Pháp, đấy là mùa thu nhà thơ trẻ phải rời Thủ đô Hà Nội thân yêu một lần nữa để trở lại chiến khu Việt Bắc, với niềm tin "Kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi". Phút chia tay với Thủ đô yêu dấu chưa đầy một tuổi Dân chủ Cộng hòa, tâm trạng nhà thơ mới bồi hồi, xao xuyến, xa xót làm sao:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy!
Thơ ấy có nhạc và có hoa. Giai điệu đã sẵn trong giai điệu và tiết tấu của thơ rồi, còn vẽ một bức tranh lụa hay sơn dầu thì sao? Khó nhất là tả cho được cái buổi sáng "chớm lạnh", và những đường phố dài "xao xác hơi may". Còn "người ra đi đầu không ngoảnh lại" và "sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" chắc chắn là "nhìn được" bằng đường nét, bố cục và mầu sắc.
Nhưng không phải vậy đâu, tả được cái tình rưng rưng nước mắt của người "ra đi đầu không ngoảnh lại" kia mới là thật khó. Cái ấy, cái điều chiêm cảm ấy, chỉ có thơ mới làm được!
Và thơ cũng làm được một điều hơn thế, rằng chỉ sau hai khổ thơ đầu với lưu luyến, buồn thương, đau xót tiễn đưa, mùa thu bỗng khác hẳn, sáng bừng lên với một mầu sắc khác, bởi tâm trạng của người thơ đã khác, khỏe mạnh, tự tin và sáng bừng lên:
Mùa thu nay khác rồi!
Chỉ với năm chữ mở đầu của khổ thơ thứ ba "Mùa thu nay khác rồi" ta thấy tâm thế của người thơ đã chuyển, đã vươn tới một vị thế cao hơn, tự tin và sung mãn hơn trong tầm vóc của một nội lực lớn. Hình tượng của nhà thơ bỗng cao sừng sững:
Ta đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc, nói cười, thiết tha...
Nhận thức về "nội hàm" của một mùa thu mới là vô cùng sáng rõ và cách tân, bởi đây là mùa thu khác, mùa thu của những người đã có quyền làm chủ núi đồi, làm chủ những rừng tre phấp phới, và là một "mùa thu thay áo mới", một mùa thu "trong biếc, nói cười, thiết tha!".
Câu cuối của khổ thơ này thật tài hoa, và nó là đặc sản của thi tài Nguyễn Đình Thi.
Sự kết hợp của những tính từ - động từ - trạng từ, bất ngờ đến nỗi làm ta phải sững sờ trong chiêm cảm một vẻ đẹp ngôn ngữ Việt mà trước đây chưa bao giờ có. Ai trong biếc? Ai nói cười? Ai thiết tha? Chính là hồn của mùa thu mới, hồn của dân tộc vậy!
Một câu thơ mà làm sáng cả non sông, đất nước và làm cho chúng ta tự hào, tự tin biết bao. Một đất nước, với những ngày thu ấy, sẽ mãi mãi trường tồn. Đó là chủ quyền của người Việt, của giống nòi dân Việt. Trong cảm hứng hào sảng ấy ông viết tiếp:
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm ngát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông chảy nặng phù sa...
Để rồi, vang vọng những câu thơ hào sảng nhất về giống nòi:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
Ngày xưa nói về gì vậy?
Những buổi ngày xưa nói gì đây?

Và ông trả lời như một bích họa thắm đỏ máu xương, rằng:
Ôi! Những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai xé nát trời chiều
Và: Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
Tôi gọi những câu thơ này là những câu thơ thăng hoa nhất của người chiến sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Đình Thi. Ngoài những gì hay và đẹp nhất mà ông đã dâng hiến cho nền thi ca hiện đại Việt Nam, những câu thơ trên, ông đã tự khiêm nhường bộc lộ một thiên tài thi ca, ít ai sánh nổi:
Cảm hứng rộng dài đất nước, dân tộc và cá nhân người chiến sĩ đã gắng quện vào nhau, hòa đồng trong nhau, để bản thân người nghệ sĩ bỗng trở thành một tế bào của đất nước. Một đất nước từng Ngời lên nét mặt quê hương/ Mỗi gốc lúa, bờ tre hồn hậu/ Cũng bật lên những tiếng căm hờn! Rồi ông nói, như hai triệu người dân chết đói nói, như tiếng vọng của những âm hồn:
Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Đứa đè cổ, đứa lột da...
Đau buồn ấy là đau buồn ký sự, đau buồn nhiếp ảnh, đau buồn hội họa. Còn đau buồn và phản kháng thơ phải cao bút lên như thế này, sâu thẳm và triết luận trong một so sánh và phương pháp tư tưởng đầy nghịch lý, minh triết như thế này:
Xiềng xích chúng bay không khóa được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà...
Những câu thơ tưởng như một lời đại ngôn ấy, bỗng làm người đọc xúc động và thẩm thấu một ý nghĩa quan trọng trong triết học về lẽ sống. Ai giết nổi chim và hoa? Ai bắn được "lòng dân ta yêu nước thương nhà!" Ấy là sự bắn vào hư không, ấy là sự tàn sát trong vô vọng. Hệ quả cuối cùng, chỉ là sự thất bại mà thôi!
Chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn cầu đã thất bại hoàn toàn vì chân lý giản dị ấy, và Nguyễn Đình Thi - với một chiêm cảm lớn, đã tổng kết qua thơ.
Càng đọc Đất nước, chúng ta càng cảm nhận và thấu suốt, đó là một bài thơ lớn, được viết từ một tâm hồn, tâm hồn của một nghệ sĩ đồng hành với lòng dân, biết tôn vinh một giá trị vĩnh hằng, đó là tấm lòng của người dân với quê hương, đất nước. Non sông nước Việt vẫn trường tồn, đã trường tồn, đang trường tồn và sẽ trường tồn bởi một giá trị văn hóa vĩnh hằng, đó chính là: "Lòng dân ta yêu nước, thương nhà!
Trong những ngày mùa thu tháng Tám, kỷ niệm 60 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đọc lại bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, chúng ta cảm thấy một niềm tự hào dân tộc từ trong sâu thẳm tâm hồn:
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn, đứng dậy sáng lòa!
Những câu thơ ấy cho ta gặp lại một mùa thu năm xưa, một mùa thu định mệnh của toàn dân tộc, và bỗng cảm thấy tâm hồn thanh thản, sạch trong "mát trong như sáng năm xưa".
Viết về bài thơ Đất nước, tôi ngỡ như được gặp lại ông - một Nguyễn Đình Thi ân tình và cởi mở, thường gật đầu hiền hậu khi gặp tôi ở sân 51 Trần Hưng Đạo, đôi khi vẫy tay gọi lôi lên phòng của ông, tặng tôi một tập thơ vừa xuất bản. Trong tôi, Nguyễn Đình Thi vĩnh hằng là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ lớn và độc đáo của dân tộc Việt.
Cùng với những bản nhạc Diệt phát xít, Người Hà Nội, bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi mãi mãi sống cùng non sông đất nước.
Nguồn: Văn nghệ
5/ Tương tư của Nguyễn Bính
Thôn Ðoài ngồi nhớ thôn Ðông,
Một người chín nhớ mười mong một người,
Gió mưa là bệnh của trời,
Tương Tư là bệnh của tôi yêu nàng,
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này,
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng,
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành,
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi,
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai hỏi ai người biết cho,
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau,
Nhà em có một giàn trầu,
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng,
Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông,
Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào.

Màu sắc dân tộc trong Tương tư của Nguyễn Bính?

Nguyễn Bính thuộc thế hệ các nhà Thơ mới. Nhưng nếu phần lớn các thi sĩ cùng thời chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, thì Nguyễn Bính lại tìm về với điệu thơ dân tộc.
“Lỡ bước sang ngang” là tác phẩm được chú ý hơn cả trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Bính trước cách mạng. Bằng lối ví von mộc mạc duyên dáng, mang phong vị ca dao: tác phẩm này đã đem đến cho người đọc những hình ảnh thân thương của quê hương đất nước và một tình người đằm thắm thiết tha. Bài thơ “Tương tư” được in lần đầu trong tập thơ “Lỡ bước sang ngang”. Đây là bài thơ khá tiêu biểu cho hồn thơ Nguyễn Bính nói chung và cho lập “Lỡ bước sang ngang” nói riêng.
Tương tư là trai gái nhớ nhau. Dĩ nhiên đây là nỗi niềm u ẩn của những người yêu nhau phải xa nhau. “Tương tư” là một thi đề quen thuộc trong cả văn chương dân gian lẫn văn chương bác học. Trước Nguyễn Bính đã có những thi sĩ lừng danh như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ… viết về đề tài này. Và ngay trong làng “Thơ mới” đã có bài “Tương tư chiều” nổi tiếng của Xuân Diệu. Tất cả những điều đó là những thử thách to lớn đối với những cây bút đi sau. Nguyễn Bính đã vượt qua được thử thách đó, mang đến cho đề tài này phần nội dung mới và cách nói mới.
Nỗi niềm “Tương tư” của Nguyễn Bính được thể hiện bằng những sắc thái muôn thuở của chuyện trai gái yêu nhau mà phải xa nhau. Có nhớ nhung, có trách móc, có giận hờn, và dĩ nhiên cả khắc khoải đợi chờ…Nỗi niềm tương tư ở đây chưa đến độ cháy bóng mãnh liệt như trong thơ Xuân Diệu (“Bữa ni lạnh, mặt trời đi ngủ - Anh nhớ em, em hỡi anh nhớ em!”), nhưng cũng thật tha thiết chân thành:
“Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người
Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Thì ra, nếu gió mưa là “căn bệnh”, là sự vận động thường xuyên của thiên nhiên thì nhớ mong là căn bệnh cố hữu diễn ra như một quy luật tất yếu của những người đa tình, đa cảm, dường như có mặt ở trên đời này chỉ để thương thầm nhớ vụng. Giữa chàng trai - nhân vật trữ tình - và bạn gái dường như chẳng có cách trở gì về cả không gian lẫn thời gian? Họ ở chung một làng, chỉ cách nhau có “một đầu đình”. Cô gái có thể thuận lợi đủ điều càng khiến cho nhân vật trữ tình càng thêm băn khoăn thêm hờn dỗi. Nhưng nào có ai đâu mà chờ với đợi. Cũng như một số bài thơ khác của Nguyễn Bính thường nói đến mối tình đơn phương (như trong bài Hoa và rượu. Người phương nên lời trách móc, hờn dỗi kia rõ ràng trở thành vu vơ. Thực ra, những lời nói đó chính là sự tự bộc lộ tâm hồn nhạy cảm, khao khát yêu thương của chính nhà thơ. Khi cuộc đời còn những mối tình đơn phương, khi còn những con tim ít tuân theo những quy tắc rạch ròi; thì người đọc cũng không mấy ai nõ trách Nguyễn Bính đã “tương tư” một cách vu vơ…

Đặc biệt nỗi niềm chờ mong đáng trân trọng ấy đã được nhà thơ thể hiện một cách mới mẻ. Trước hết là hình ảnh cái “tôi” có nhu cầu giãi bày, phơi trải được Nguyễn Bính diễn tả một cách trực diện không chút vòng vo:
“Gió mưa là bệnh của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.

Ngoài ra còn phải kể đến việc tác giả đã thành công khi đưa vào lời ăn tiếng nói của người nhà quê trong cuộc sống thường nhật. Những lời ăn tiếng nói ấy xuất hiện một cách tự nhiên mộc mạc, tạo nên không khí dân dã, quê mùa cho toàn bài thơ:
“Hai thôn chung lại một làng,
Có sao bên ấy chẳng sang bên này?
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?”

Đưa vào thơ lời ăn tiếng nói của đời thường, Nguyễn Bính cũng như những nhà Thơ mới đã gặt hái được một mùa hoa trái bội thu. Thơ của họ trở nên gần gũi với người đọc và nó góp phần phát hiện ra những cái mới mẻ của con người và tạo vật, mà trước đây ít nhiều thi ca bác học chưa làm được.
Như vậy, nội dung “Tương tư” có tính chất muôn thuở đã được nhà thơ Nguyễn Bính thể hiện bằng một lời nói hiện đại, mang dấu của thời đại, phản ánh một mảng tâm hồn của lớp thanh niên tiểu tư sản những năm 30 của thế kỷ này.
Song giá trị cơ bản của bài thơ không chỉ ở chỗ tác giả diễn tả khá mới mẻ cái “tôi” thiết tha chân thành, khao khát yêu đương; mà điều chủ yếu nó gợi lên được cái “hồn xưa đất nước”, theo cách nói của nhà phê bình Hoài Thanh. “Hồn xưa đất nước” không nằm riêng ở chi tiết nào, câu thơ nào mà toát ra từ toàn bộ bài thơ qua hệ thống hình ảnh, lời ví von, cũng như giọng điệu chung.
Vốn sinh ra ở một nước nông nghiệp, cho dù đã từng “dan díu với kinh thành” nói theo Nguyễn Bính, mấy ai trong số chúng ta không có trong mình một đôi kỷ niệm về một làng quê Việt Nam truyền thống? Tương tư có khả năng khơi gợi trong đáy sâu tâm hồn người đọc. Trong khi các nhà thơ cùng thời Xuân Diệu hay Lưu Trọng Lư chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ phương Tây và chính điều đó đem lại cho phong trào Thơ mới những nét đặc sắc, thì Nguyễn Bính lại thành công khi ông tìm về với điệu thơ dân tộc, với làng quê Việt Nam thân thuộc, với những hình ảnh gần gũi tự ngàn xưa: những con bướm trắng, bướm vàng vẽ vòng trên các vườn hoa cải hoa vàng, những vườn bưởi vườn cam ngào ngạt hương thơm, ven đê là ruộng dâu bãi đay, bên giậu mồng tơi, cạnh giếng khơi là những cô thôn nữ đôn hậu, quanh năm dệt lụa chăn tằm, trẩy hội, xem chèo,… với trang phục cổ truyền: áo đồng lầm, quần lĩnh tía, yếm lụa sồi… Ở bài thơ “Tương tư” dường như có một sự kết nối giữa hệ thống hình ảnh đã trở thành ước lệ đối với làng quê Việt Nam. Ở đó có thôn Đoài, thôn Đông, có con đò và bến nước, có hàng cau và giàn trầu… Ở đó còn có nơi sinh thành và nuôi dưỡng lối thơ lục bát và Nguyễn Bính đã sử dụng nhuần nhuyễn lối thơ này, cách ví von mộc mạc, thực chất là những ẩn dụ: bến - đò, hoa - bướm, trầu - cau, thôn Đông - thôn Đoài… Hệ thống hình ảnh, lối thơ truyền thống với cách ví von ấy đã đánh thức con người nhà quê lâu nay ẩn náu trong lòng độc giả, làm cho họ bồi hồi xao xuyến về một làng quê Việt Nam, một dân tộc Việt Nam gần gũi và thiêng liêng.

Không những thế, “Hồn xưa đất nước” còn được biểu hiện ngay trong lối suy nghĩ gắn với trời đất, cỏ cây quê hương. Ngày xưa, năm tháng trôi qua đã được ông cha ta miêu tả qua sự biến đổi của cây lá:
“Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô cành biếc đã chén lá vàng”.

(“Truyện Kiều” - Nguyễn Du)
Nhân vật trữ tình trong bài thơ này cũng đo đếm thời gian dựa vào chính sự thay đổi của cảnh sắc thiên nhiên. Điều này được thể hiện bằng những câu thơ dân dã, mộc mạc:
“Ngày qua ngày lại qua ngày
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng”.

Đồng thời thiên nhiên còn là chuẩn mực để nhân vật trữ tình nhớ nhung, suy tưởng: “Gió mưa là bệnh của giời - Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”.
Do sống hòa hợp gắn bó với cảnh sắc thiên nhiên, nên trong ca dao - dân ca, trai gái quê ta không chỉ mượn Thuyền và Bến, Sen - Hồ, Mận - Đào… để giãi bày tình yêu một cách kín đáo vừa duyên dáng, vừa tinh tế. Trong bài “Tương tư”, Nguyễn Bính sử dụng triệt để các cách nói ấy mang lại hiệu quả nghệ thuật đáng kể. Nếu như ở khổ thơ thứ hai còn có câu dường như lạc hệ thống, thiếu sự dung dị (“Hoa khuê các, “bướm giang hồ gặp nhau”) thì khổ thơ cuối cùng chính là sự kết tinh nghệ thuật của toàn bài. Ở khổ thơ này “hồn xưa đất nước” toát lên từ cách dùng hình ảnh, cách bộc lộ tình cảm kín đáo, mộc mạc của tác giả. Thay vì lối diễn đạt trực tiếp ở phần đầu đến khổ thơ cuối, Nguyễn Bính dùng lối diễn đạt gián tiếp rất tinh tế, phảng phất chất hương đồng cỏ nội của ca dao thuần khiết:
“Nhà em có một giàn giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

Trong phong trào Thơ mới, nhiều thi sĩ như Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Bàng Bá Lân… miêu tả được những bức tranh quê tươi đẹp. Nhưng có lẽ chỉ mình Nguyễn Bính nói đúng được cái hồn quê Việt Nam. Ngày nay ở nông thôn Việt Nam phong cảnh cũng như hồn người đã đổi khác rất nhiều. Thanh niên nam nữ thường thích điệu bộ bò hơn là áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, xe Cub đã thay cho ngựa tía võng điều…
Tuy vậy, phần nào bài thơ “Tương tư” trên đây của Nguyễn Bính vẫn như một dấu tích tâm hồn dân tộc, góp phần cho tâm hồn người đọc thêm phong phú và tươi sáng. Đấy chính là sự đóng góp đặc sắc của nhà thơ trong bài thơ này nói riêng và trong phần nhiều bài thơ của Nguyễn Bính trước Cách mạng nói chung, đấy cũng là lý do khiến nhiều người yêu thích thơ ông.

Trần Quang
6/ Mai em về nhà chồng
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh
Đêm thương buồn giữa hạ?
Chỉ còn đêm mưa này
Ngày mai em về nhà chồng
Mưa giăng trắng cánh đồng
Phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả
Anh nhìn em qua mưa hun hút đường dài...
Mọi sự đều không đúng lúc
Đã quá muộn để nói lời yêu đương
Lại quá sớm khi nói lời giã biệt!
Mai em về nhà chồng
Hết rồi những cơn mưa ướt mái đầu con gái
Một đêm nào chúng ta chia tay
Bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng...
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa...
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng
Đâu rồi dấu chân em
In mòn thời thiếu nữ?
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy?
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh...
Độc thoại trong đêm mưa và đối thoại trong im lặng đã là nguyên cớ để bài thơ ra đời. Cô em nào đấy ngày mai, hoặc ngày kia đi lấy chồng, đâu có quan trọng! Điều chính yếu là từ rất lâu rồi, THB đã để tuột cơ hội tìm một tình yêu và hạnh phúc đích thực... Nỗi cô đơn và cảm giác bất lực xót xa trước những gì tốt đẹp ta hằng khao khát cứ rời xa ta từng ngày từng giờ đã là một nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều thời đại, và thật không may (hay là may mắn?) THB đã bị chúng bất chợt "tóm" mất hồn vía trong một đêm mưa thật buồn!
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Cái cách mà tác giả "thức" qua đêm nhìn mưa để rồi liên tưởng tới những năm tháng dài, tới cả cuộc đời "thức" để nhìn em, để nhìn tình yêu quả là đậm "chất THB": thông minh, biến hóa một cách tài hoa, nhưng nhờ cảm xúc mạnh mà ấn tượng về "tiểu xảo" đã bị xóa nhòa trong thụ cảm người đọc. Thức qua cả cuộc đời để nhìn tình yêu, tìm tình yêu, sao có cái gì đó thật xa vời, vô vọng, song vẫn cứ phải làm thế, như một thứ định mệnh; có điều nỗi buồn rưng rưng bởi Tình yêu chưa thành, chưa tìm thấy, ở đây vô tình hòa nhập với khát vọng về sự hoàn thiện nên nó mang một giá trị về Thẩm mỹ và Nhân cách.
Cả cái triết lý này nữa:
Mọi sự đều không đúng lúc
đã quá muộn để nói lời yêu đương
lại quá sớm khi nói lời giã biệt…

Sự thông minh đã không biến chúng thành triết lý vặt, "khổ lắm biết rồi", bởi có những vần thơ phập phồng nhớ thương tiếc nuối làm nền trải khắp bài để chúng trở thành phát hiện bất ngờ mới mẻ về nhân tình thế thái - điều mà chúng ta vẫn gặp phải song ít khi ngẫm về chúng như một chiêm nghiệm thấm thía - không phải chỉ riêng trong Tình yêu, mà còn cho mọi lĩnh vực của quan hệ xã hội mà ở đây Tình yêu chỉ là một cái cớ trực tiếp, cụ thể, như giọt nước làm đầy tràn cốc nước...
Ông thầy dạy văn bậc đại học giàu hồn thơ THB thời đó dường như vẫn chưa cắt được hết cái "đuôi" của một anh giáo làng quê mà hồi xưa từng được hình tượng hóa trong "thầy đồ Cóc" dân gian- bởi lẽ thi hứng và thi liệu trong bài thơ khá "siêu thực" này lại mang đậm âm hưởng ca dao Bắc Bộ ngàn đời:
Bong bóng nước dưới chân 
dập dờn nghìn hoa trắng...
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa 
âm thầm khung cửa...
Xứ đồi đêm ấy đã gợi cho THB  bao suy tưởng về Xứ Đoài nghèo khó thân thương của anh- nơi anh từng chứng kiến những cơn mưa ướt mái đầu con gái và có dấu chân em/ In mòn thời thiếu nữ... Trĩu buồn bởi ký ức, nhưng anh đã bình thản để Đưa tiễn một thời con gái  và chia tay với một "thời xa vắng" của mình:
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy?
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh...
Có lẽ đây là một trong những bài thơ tập trung nhiều nhất tâm lực, cảm nghĩ, nước mắt, và... cả kỹ thuật thơ của THB! Đêm mưa Xuân Hòa ấy thức dậy trong anh bao đêm mưa và chiều mưa của một tuổi trẻ từ "xứ đồi" ra thành phố, nghèo túng, long đong, phải chật vật tìm hướng đi cho khát vọng đời mình, tìm cách giải tỏa bao cơn "tức nghẹn" của sự nghiệp văn chương, khi Phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả và hạnh phúc tưởng đã nắm gọn trong tay mà hóa ra mịt mù sương khói... Giả sử anh có một cô người yêu nào sắp lấy chồng ngày đó thì chắc cũng không da diết, buồn thương khắc khoải đến thế! Mà thực ra, không ít cô gái- trong đó có học trò thầm đeo đuổi anh chàng tài hoa đeo kính cận dày cộp có khả năng làm tan hoang rơi rụng trái tim người bởi giọng nói tự tin thủ thỉ, và có thể cũng được anh đền đáp ít nhiều về tình cảm, rồi họ chẳng liên tiếp báo tin là sẽ đi lấy chồng đấy thôi! Nói cho công bằng, "cô em mai đi lấy chồng" trong bài thơ là hình bóng của tất cả những cô gái yêu anh, được anh trân trọng tình yêu đó- nhưng lại không có điều kiện để đến được với nhau... THB ít có khả năng dung hòa được giữa thực tế trần trụi và ước vọng cao vời, anh tìm an ủi trong học trò, bè bạn; không có bất kỳ khả năng "đập phá" nào, anh tìm sự giải tỏa trong thơ, nhạc, tranh vẽ... Và anh đã chọn một đêm mưa Xuân Hòa, đúng hơn là đêm mưa đó đã chọn anh- để lưu lại trong vườn Thơ một đóa hoa không màu mà chứa đủ các màu sắc như giọt mưa giữa bầu trời của tâm hồn thi sĩ...
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Miền cổ tích hoang hư 2

Miền cổ tích hoang hư 2 7 - Ngọ... Chiếc tàu thu mua hải sản ném Phương lên bờ tại cảng cá tanh hôi và ồn ào của Hải Phòng. Lôi thôi lếch ...