Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Đi tìm màu xanh

Đi tìm màu xanh
Mới đây tôi đọc một bài về khoa học thần kinh trong báo Scientific American. Câu hỏi là trong tiếng Anh người ta nói "green" để chỉ màu của cây cỏ lúc còn tươi, và "blue" để chỉ màu của bầu trời lúc trời tốt, trong lúc đó, đối với người Việt thì cây ‘xanh’ mà trời cũng ‘xanh’ luôn. Mấy chục năm nay, các khoa học gia nêu những ví dụ tương tự để làm bằng chứng cho luận cứ của họ rằng ngôn ngữ quyết định một phần lớn cách chúng ta nhìn thấy, hay cảm nhận màu sắc.
Nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Du trong truyện Kim Vân Kiều:
“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
...Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
...Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
...Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê
...Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.”
Trời xanh, cỏ xanh, liễu xanh, sử xanh... có vẻ như chúng ta không có từ để mô tả cái màu tạo nên lúc ta trộn màu xanh nước biển với màu vàng là màu "green" trong tiếng Anh, màu "vert" trong tiếng Pháp hay "verde" trong tiếng Spanish.
Trước Đoạn Trường Tân Thanh gần một thế kỷ (Nguyễn Du viết khoảng 1814-1820, trước hoặc sau khi đi sứ qua Tàu), trong Chinh Phụ Ngâm, của Đặng Trần Côn (1710[?]-1745) viết vào khoảng 1740, được Đoàn thị Điểm (1705-1749) dịch ra chữ Nôm, từ "xanh" được dùng để tả màu "núi xanh" cũng như "ngàn dâu", tuy "xanh" của cây dâu thì "xanh xanh", và lặp lại "xanh ngắt một màu", khác với màu xanh "biếc" của mây.
55- Đoái trông theo đã cách ngăn
56- Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh
61- Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
62- Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
63- Ngàn dâu xanh ngắt một màu
64- Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?
Tự điển Việt Anh của Đặng Chấn Liêu dịch "biếc" là "bluish green"; từ điển Hán Việt của Vương Trúc Nhân dịch là "bích lục" ('bích' như trong 'bích ngọc'). các nhạc sĩ, thi sĩ Việt chúng ta chắc dùng từ này để tả tình hơn là tả cảnh, hiện thực; nếu dịch ra tiếng Anh chắc thành ra 'blue/green eyes?
Mắt biếc năm xưa nay đâu cánh sao còn đây tóc mây nào bay…
(Mắt Biếc; Ngô Thụy Miên))
Trong tiếng Anh, từ ‘green’ phát xuất từ tiếng Anh cổ "groene" có nghĩa là  xanh lá cây, có màu sắc của cây cỏ còn sống, mọc, tươi tốt (green, of the color of living plants," in reference to plants, "growing, living, vigorous,"[Oneline etymology Dictionary]); hai từ 'grass' và ' grow' cũng từ gốc này mà ra. Từ vert của tiếng Pháp gốc từ chữ la tinh 'veridis", gốc từ từ sanscrit 'harit' có nghĩ là lấy bơ bôi lên để cho láng, bóng , tạo nên vàng, xanh lá cây. (theo từ điển Littré: Harit tient à la racine ghar, oindre, et de là faire briller, briller comme une chose enduite de beurre; d'où le sens de couleur jaune, verte.)
Trong nghĩa bóng, 'green' có nghĩa xanh xao, bịnh hoạn, buồn nôn; ví dụ "green with envy" (ganh tị đến 'xanh dờn'). 'Blue' mang ý nghĩa buồn bã, sầu muộn, như trong bài hát  “Love Is Blue”
Blue, blue, my world is blue
Blue is my world, now I'm without you
Blue is my world, now I'm without you
Xanh, xanh, thế giới em màu xanh
Xanh xao thế giới của em, nay em không còn anh...
(English lyrics by Bryan Blackburn)
"Bleu, bleu, l'amour est bleu
Berce mon cœur
Mon cœur amoureux
Bleu, bleu, l'amour est bleu
Bleu comme le ciel
Qui joue dans tes yeux."
Xanh, xanh, tình yêu màu xanh,
Ru trái tim em
Trái tim si tình
Xanh, xanh, tình yêu màu xanh,
Xanh như màu trời
Lóng lánh trong mắt anh
(L’amour est bleu;  Pierre Court)
Trong tiếng Pháp 'bleu' (xanh) vui vẻ hơn, như trời xanh trong bài hát Bức Họa Đồng Quê (Văn Phụng):
“Trời xanh xanh bao la mây trắng trắng trắng xóa
Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng…”
Trong chữ Hán, chúng ta dùng "thanh" cho cỏ cây cũng như cho bầu trời, ví dụ ‘thanh thảo’ (cỏ xanh), ‘thanh sử’ (sử viết trên tre còn xanh), ‘thanh thiên’ (trời xanh)...
Tôi bổng nhớ đến từ "lục". Tự điển Hán  Việt Thành-Ngữ của Bửu Cân (năm 1933) giải thích:
“Lục=vert. Lục dã: plaine verte, campagne. Lục dã nhàn du. Lục hồng: vert et rose.Lục-hồng chen chốc một vườn hoa. Lục lâm: forêt verte; sens figuré: bandits qui s'y refugient. Khách lục lâm cũng có người hào hiệp.”
Lục theo nghĩa này khác với lục trong lục địa (Pháp: continent, chemin, voyage), sao lục (copier, transcrire, recueillir), và lục là 6, như trong thơ lục bác, lục bộ,...(dịch tiếng Pháp theo Bửu Cân). Trong Tự Điển Việt-Bồ-La của Linh Mục Alexandre de Rhodes (1651), dưới 'lục' chỉ có nghĩa số 6, không thấy từ 'lục' để chỉ màu, chỉ có từ 'xanh' để chỉ màu xanh.
Nếu tôi nhớ không lầm, ngày xưa cách đây chừng 60 năm, ở Huế, người ta vẫn nói đến “màu lục” để chỉ màu 'green", mà hiện nay tôi chỉ thường nghe từ "màu xanh" hay "xanh lá cây" mà thôi, trừ ngoại lệ như lúc chúng ta nói đến con rắn lục.. Tuy nhiên nhận xét này có thể không đúng vì tôi sống trong môi trường mà tiếng Việt không phải là ngôn ngữ chính. Tôi vẫn thấy người ta nói cây xanh, phong trào xanh, giữ trái đất màu xanh. Tôi không nhớ được một trường hợp nào màu 'lục' được dùng trong thi ca.
Tuy nhiên, nếu cần dịch từ "green" thì có vẻ báo chí VN vẫn dùng từ ‘lục’, như trong đoạn sau:
“Vì sao màu lục trở thành tông màu chính tại Triển lãm vũ khí Mỹ?"(Soha.vn)
…”Mang màu sắc của thiên nhiên, các mẫu nhà sơn màu xanh lục mang đến cho không gian sự tươi mới, hiện đại, nổi bật. Mang ý nghĩa là màu của hi vọng, sắc xanh lục sẽ tác động tích cực đến tâm trạng của mỗi người, tạo cảm giác năng động, tràn đầy sức sống.”
Theo Wikipedia, "Màu lục bảo  là một sắc thái của màu xanh lá cây (màu lục) với đặc thù là nhạt và sáng hơn, và thiên hướng xanh lam rất mờ. Nó có tên gọi như vậy là do rất gần với màu của ngọc lục bảo.
Ireland thường được gọi là "Hòn đảo Lục bảo" (the Emerald Isle) vì tại đó mưa quá nhiều nên cây cối luôn xanh.”
“Màu xanh lá cây hay màu (xanh) lục là màu sắc hay gặp trong tự nhiên. Hầu hết các lá cây có màu xanh lục nhờ các chất diệp lục trong nó. Màu xanh lá cây có bước sóng từ 500-565 nm”
Hiện nay, người Trung Hoa dịch 'green' là 'lục' [].  [Lán] ('Lam' trong tiếng Việt) để chỉ màu bầu trời; 藍天 [Lántiān] là trời xanh..
Nói về cách nhìn y khoa, trong võng mạc (retina) của mắt, có ba loại tế bào hình nón (cone cells)  phụ trách về cảm nhận màu sắc, nằm ở vùng trung tâm võng mạc. Tế bào S (short) cảm nhận các bước sóng ngắn (thiên về xanh, tím) tế bào M (medium) bước sóng trung bình, ở giữa, và L (long) bước sóng dài (thiên về màu đỏ, nếu ảnh hưởng tế bào L nhẹ hơn M, hướng về màu vàng).
Do đó chúng ta có thị giác cơ sở trên 3 màu chính (trichromatic vision), tùy theo sự pha trộn tín hiệu từ 3 loại tế bào nón kể trên, tùy theo cách hiệu ứng của chất photopsin (trong các tế bào nón thay đổi theo từng người), gây ra sự cảm nhận các màu trung gian khác nhau, đa dạng. Trong bệnh 'mù màu', bệnh nhân có một gene phụ trách về 3 loại tế bào nón nói trên không bình thường.
Phái nam bị nhiều hơn phái nữ vì gene nằm trên nhiễm thể X, mà nam giới chỉ có một X (trong XY), nữ giới có 2X nên nếu bên X này yếu, bên kia có thể bù vào được. ‘Red-green blindness’ hay mù màu không phân biệt được giữa đỏ và lục thường xảy ra hơn cả. Những người này có thể khó khăn mới phân biệt giữa đèn đường đỏ (đứng) và xanh (lá cây, green light, cho chạy), thường phải nhờ đến vị trí đèn khác nhau (đèn đỏ ở bên trái hay nằm cao nhất theo chiều dọc). Một loại 'mù màu' khác là không phân biệt giữa xanh vàng (blue-yellow blindness). Đa số bịnh nhân vẫn thấy 3 màu căn bản, như khả năng phân biệt (color discrimination) chỉ kém đi thôi. Chỉ một số nhỏ là hoàn toàn không phân biệt màu (monochromatism). Tỷ lệ mù màu; 8% nam và 0,5% nữ gốc Bắc Âu. Người châu Á tỷ lệ thấp hơn (chừng 3% phái nam), người gốc châu Phi chừng 2%.
Trở lại về tương quan giữa ngôn ngữ và cảm nhận màu sắc, một khảo cứu gần đây được công bố trong báo Proceedings of The National Academy of Sciences USA. Người ta nghiên cứu 170 trẻ em người Anh, đo "thời gian nhìn" là thời gian các em bé (chưa biết nói) nhìn vào các đồng hồ swatch đủ màu. Người ta cho bé nhìn một màu, cho đến khi bé chán, xong đổi qua một swatch màu khác. Em bé lại nhìn lâu hơn, chứng tỏ em bé phân biệt được đây là một màu khác. Thí nghiệm chứng minh chúng phân biệt được 5 màu: đỏ, xanh lá cây, xanh, tím và vàng (red, green, blue, purple and yellow); kết luận là dù chưa biết nói, các em bé cũng như chúng ta đều phân biệt màu sắc trên một khuôn khổ, mô hình chung, với các màu căn bản trên. Tác giả Alice Skelton nói: "Mình sinh ra được trang bị sẵn để phân biệt các màu, nhưng trong bối cảnh của văn hóa và ngôn ngữ của mình, một số khả năng phân biệt có thể được dùng hay không". Ví dụ các em bé Việt vẫn thấy màu xanh và màu lục, dù ngôn ngữ mẹ đẻ không dùng hai từ khác nhau để phân biệt hai màu này. Trong tương lai Skelton và cộng sự sẽ thử các em bé trong các nền văn hóa khác. Cũng là một luận cứ mới trong cuộc tranh cãi về vai trò của thiên nhiên (bẩm sinh) (nature) so với giáo dục, nuôi dưỡng, môi trường xã hội (nurture), ngược với lý thuyết cho rằng cách chúng ta nhìn thế giới, ngoại vật được nhào nặn bởi ngôn ngữ của chúng ta.
Tóm lại, dù trong ngôn ngữ thường ngày chúng ta cho trời xanh, cây xanh, cỏ xanh đều là màu xanh, và chúng ta gọi "thanh xà, bạch xà", cái giới hạn này trong tiếng Việt cũng không ngăn cản chúng ta phân biệt đâu là xanh nước biển, đâu là trời xanh lơ, đâu là xanh lá cây, đâu là con rắn lục; và dĩ nhiên chúng ta biết rõ như vậy, tuy các nhà khảo cứu vẫn muốn bỏ công ra chứng minh như vậy.
Ngày 1 tháng 9 năm 2017
Hồ Văn Hiền
Theo http://langhue.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tập truyện ngắn Thạch Tâm

Tập truyện ngắn Thạch Tâm CÁI BÈ - QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU Nằm cách Sài Gòn khoảng hơn 100Km có một làng quê yên tĩnh suốt bốn mù...