ĐI TRONG HƯƠNG TRÀM
Em gửi gì trong gió trong mây
Ðể sáng nay anh lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay!
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao...
Hoài Vũ
LỜI BÌNH:
Cái ánh mắt biếc xanh như vòm lá tràm ấy cứ ám ảnh tôi, cứ bám riết lấy tôi theo từng câu từng chữ khi đọc bài thơ này và nghe bản nhạc phổ cho bài thơ này.
Nó ám ảnh tôi có lẽ bởi trước hết nó lúc nào cũng trong biếc, tinh khôi trong mắt, trong tim, trong óc, trong trí tưởng tượng của chàng trai đa tình và chung tình kia. Cái hình ảnh ấy cuối bài thơ mới xuất hiện, nhưng đọc một lần, để ý xem lại, ta thấy dường như nó hiển hiện trong toàn bộ bốn khổ thơ cũng đa tình và chung tình này!
Hoài Vũ đã khéo léo gửi cái ánh mắt ấy vào trong lá tràm. Để rồi bất cứ thứ gì liên quan đến “em” cũng trở thành Tràm. Tưởng như Tràm là em từ bao giờ rồi. Và bài thơ ngập trong hương tràm, lá tràm, gió tràm. Tràm chính là em, em có ở trong tràm. Cái xứ Tháp Mười này cũng trở thành xứ tràm – xứ em!
Này nhé:
“Anh vẫn thấy bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”
Em là bóng tràm. Em là mắt lá tràm. Em là hương tràm. Và vì thế cho nên rất dễ hiểu vì sao trong bốn khổ thơ, khổ nào cũng gió tràm, cũng mây tràm, cũng hương tràm, lá tràm… Và vì thế cho nên “Đi trong hương tràm” chính là đi trong tình em!
Bốn khổ thơ, cuối mỗi khổ đều quấn quyện hương tràm, tưởng như cả bài thơ ngập trong cái hương tràm xôn xao kia. Khổ thứ nhất: “Mà khắp trời mây hương tỏa bay”, khổ thứ hai: “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”, khổ thứ ba: “Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”, khổ thơ thứ tư: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”. Mỗi khổ thơ là một khổ hương tràm, một sắc thái hương tràm. Và mỗi khổ cũng là một sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình “anh”. Tất cả đắm say trong hương tràm, trong “tình em”. Ngay từ khổ thứ nhất đã say đắm:
“Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay” Không đắm say, không nhập tâm nhập thần cái hương tràm ấy thì làm sao mà từ bông hoa tràm trong vòm lá kia lại có thể thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay như thế!
Tuy nhiên, cái đắm say ấy cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một chuỗi diễn biến tâm trạng của “anh”. Nó mới chỉ là cái đắm say của cảnh, của lá tràm, bóng tràm thực tại. Khổ hai, tâm trạng bắt đầu vận động theo hương tràm. Sau một loạt những “Dù” phũ phàng và đau đớn là “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Từ bông hoa tràm mà thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay đến không có “em” mà vẫn có thể “cho ta bên nhau” qua “một thoáng hương tràm” thì cái liên tưởng ở đây đã có chiều hướng đi sâu vào tâm tưởng.
Và như một quy luật của logic tâm hồn, khi chạm đến những gì là của tâm tưởng, của tâm thức thì sau phút đắm say sẽ là nỗi đau. Mà sự đắm say càng sâu thì nỗi đau càng giằng xé, càng quặn thắt. Cái thực tại phũ phàng “Hương tràm bên anh, mà em đi đâu” như muốn phá tan tất cả những hư ảo mơ màng của không - gian - tràm trước đó. Nhưng có lẽ vì anh chung tình quá nên cái không - gian - tràm ấy không dễ gì mà phá vỡ được. Và đến khổ cuối thì cái cảm xúc: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao” đã trở thành siêu liên tưởng!
Không gian thơ ở đây được phân định thành hai chiều không gian rõ ràng: Một chiều không gian thực tại với những cây tràm, bông tràm, lá tràm và “xa cách”, và “đổi hướng thay màu”, và “không trao anh nữa”, và thương đau… Một chiều không gian của tâm thức, tiềm thức với bóng tràm, với hương tràm, với mắt tràm, với mây tràm, với gió tràm, với “hy vọng”, với “cho ta bên nhau”…
Chính vì cái không gian này nên cái ngọn gió của xứ Tháp Mười - xứ tràm - xứ em kia mới “thổi rất sâu” chứ không phải là thổi rất xa hay rất cao! Cái chiều thổi của gió là chiều của tâm hồn, chiều của nỗi nhớ, của tình yêu, của niềm hy vọng…
Và có lẽ cũng bởi cái chiều không gian thứ hai này và cái chung tình của “anh” mà khiến cho cái không gian chung của bài thơ không ít mơ màng, hư ảo này bừng sáng lên trong từng câu chữ.
Em gửi gì trong gió trong mây
Ðể sáng nay anh lên Vàm Cỏ Tây
Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay!
Dù đi đâu dù xa cách bao lâu
Dù gió mây kia đổi hướng thay mầu
Dù trái tim em không trao anh nữa
Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau
Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu
Có nỗi thương đau có niềm hy vọng
Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng
Hương tràm bên anh, mà em đi đâu?
Dù đi đâu và xa cách bao lâu
Anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao...
Hoài Vũ
LỜI BÌNH:
Cái ánh mắt biếc xanh như vòm lá tràm ấy cứ ám ảnh tôi, cứ bám riết lấy tôi theo từng câu từng chữ khi đọc bài thơ này và nghe bản nhạc phổ cho bài thơ này.
Nó ám ảnh tôi có lẽ bởi trước hết nó lúc nào cũng trong biếc, tinh khôi trong mắt, trong tim, trong óc, trong trí tưởng tượng của chàng trai đa tình và chung tình kia. Cái hình ảnh ấy cuối bài thơ mới xuất hiện, nhưng đọc một lần, để ý xem lại, ta thấy dường như nó hiển hiện trong toàn bộ bốn khổ thơ cũng đa tình và chung tình này!
Hoài Vũ đã khéo léo gửi cái ánh mắt ấy vào trong lá tràm. Để rồi bất cứ thứ gì liên quan đến “em” cũng trở thành Tràm. Tưởng như Tràm là em từ bao giờ rồi. Và bài thơ ngập trong hương tràm, lá tràm, gió tràm. Tràm chính là em, em có ở trong tràm. Cái xứ Tháp Mười này cũng trở thành xứ tràm – xứ em!
Này nhé:
“Anh vẫn thấy bóng em giữa bóng tràm bát ngát
Anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh mát
Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao…”
Em là bóng tràm. Em là mắt lá tràm. Em là hương tràm. Và vì thế cho nên rất dễ hiểu vì sao trong bốn khổ thơ, khổ nào cũng gió tràm, cũng mây tràm, cũng hương tràm, lá tràm… Và vì thế cho nên “Đi trong hương tràm” chính là đi trong tình em!
Bốn khổ thơ, cuối mỗi khổ đều quấn quyện hương tràm, tưởng như cả bài thơ ngập trong cái hương tràm xôn xao kia. Khổ thứ nhất: “Mà khắp trời mây hương tỏa bay”, khổ thứ hai: “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”, khổ thứ ba: “Hương tràm bên anh mà em đi đâu?”, khổ thơ thứ tư: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao”. Mỗi khổ thơ là một khổ hương tràm, một sắc thái hương tràm. Và mỗi khổ cũng là một sắc thái tâm trạng của nhân vật trữ tình “anh”. Tất cả đắm say trong hương tràm, trong “tình em”. Ngay từ khổ thứ nhất đã say đắm:
“Hoa tràm e ấp trong vòm lá
Mà khắp trời mây hương tỏa bay” Không đắm say, không nhập tâm nhập thần cái hương tràm ấy thì làm sao mà từ bông hoa tràm trong vòm lá kia lại có thể thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay như thế!
Tuy nhiên, cái đắm say ấy cũng mới chỉ là bước khởi đầu của một chuỗi diễn biến tâm trạng của “anh”. Nó mới chỉ là cái đắm say của cảnh, của lá tràm, bóng tràm thực tại. Khổ hai, tâm trạng bắt đầu vận động theo hương tràm. Sau một loạt những “Dù” phũ phàng và đau đớn là “Một thoáng hương tràm cho ta bên nhau”. Từ bông hoa tràm mà thấy được một trời mây hương tràm tỏa bay đến không có “em” mà vẫn có thể “cho ta bên nhau” qua “một thoáng hương tràm” thì cái liên tưởng ở đây đã có chiều hướng đi sâu vào tâm tưởng.
Và như một quy luật của logic tâm hồn, khi chạm đến những gì là của tâm tưởng, của tâm thức thì sau phút đắm say sẽ là nỗi đau. Mà sự đắm say càng sâu thì nỗi đau càng giằng xé, càng quặn thắt. Cái thực tại phũ phàng “Hương tràm bên anh, mà em đi đâu” như muốn phá tan tất cả những hư ảo mơ màng của không - gian - tràm trước đó. Nhưng có lẽ vì anh chung tình quá nên cái không - gian - tràm ấy không dễ gì mà phá vỡ được. Và đến khổ cuối thì cái cảm xúc: “Anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao” đã trở thành siêu liên tưởng!
Không gian thơ ở đây được phân định thành hai chiều không gian rõ ràng: Một chiều không gian thực tại với những cây tràm, bông tràm, lá tràm và “xa cách”, và “đổi hướng thay màu”, và “không trao anh nữa”, và thương đau… Một chiều không gian của tâm thức, tiềm thức với bóng tràm, với hương tràm, với mắt tràm, với mây tràm, với gió tràm, với “hy vọng”, với “cho ta bên nhau”…
Chính vì cái không gian này nên cái ngọn gió của xứ Tháp Mười - xứ tràm - xứ em kia mới “thổi rất sâu” chứ không phải là thổi rất xa hay rất cao! Cái chiều thổi của gió là chiều của tâm hồn, chiều của nỗi nhớ, của tình yêu, của niềm hy vọng…
Và có lẽ cũng bởi cái chiều không gian thứ hai này và cái chung tình của “anh” mà khiến cho cái không gian chung của bài thơ không ít mơ màng, hư ảo này bừng sáng lên trong từng câu chữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét