Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Mình anh và thu - Thơ Bùi Văn Hải

          Mình anh và thu - Thơ Bùi Văn Hải
Sớm hôm nay vào thu
Lá khoe màu xanh biếc
Cây xù xì mộc mạc
Gió thủ thỉ ngọt ngào
Nghe theo lời của gió
Lá bỏ cây lá rơi
Em tin lời người lạ
Em bỏ anh em đi
Gió ghen thì gió tới
Gió phá rồi gió xa
Cây mọc lên từ đất
Lá cũng về đất thôi
Gió thì hay đổi thay
Cây muôn đời vẫn vậy
Không muốn làm cơn gió
Một mình anh… mùa thu …
Mùa thu bao giờ cũng tuyệt đẹp. Vẻ đẹp của mùa thu đem đến cho thi sĩ những cảm nhận, những rung động tâm hồn khác nhau. Những cảm nhận và rung động đó nhiều khi còn do tác động của hoàn cảnh, của tâm trạng. Với Bùi văn Hải, một chàng trai còn rất đỗi trẻ trung, tâm hồn trong trẻo, sớm có cuộc sống nội tâm, đã có một mùa thu thật riêng biệt ”mình anh và thu”.
Nhan đề bài thơ đã đưa ta đến với nhân vật trữ tình ở đây là một chàng trai (tác giả) có một sự giao hòa gắn bó đặc biệt với mùa thu. Sự gắn bó giữa cá thể với vũ trụ hay chỉ là cái cớ để Bùi Văn Hải gửi vào đó khúc tâm tư? Mùa thu đôi khi được ví là mùa của tình yêu bởi chỉ có mùa thu mới đẹp đến quyến rũ lòng người mà tuổi yêu là tuổi đẹp nhất trên đời. Tuy nhiên, mùa thu nhiều khi còn là biểu tượng của một mối tình đẹp mà buồn. Vẻ đẹp của mùa thu là vẻ đẹp buồn trong mắt buồn.
Trước hết là vẻ đẹp của bức tranh thu được chạm khắc vào một buổi sáng sớm lúc thu sang:
Sáng hôm nay vào thu
Lá khoe màu xanh biếc
Cây xù xì mộc mạc
Gió thủ thỉ ngọt ngào.

Theo thể thơ ngũ ngôn cô đọng, súc tích và giọng thơ hồn nhiên trong trẻo như hồn người đang hòa quyện với thiên nhiên lúc vào thu. Câu đầu như một lời khẳng định mùa thu đã chính thức đến từ buổi sáng nay. Dấu hiệu của mùa thu được phát hiện bắt đầu từ màu xanh của lá. Thật thú vị, Màu xanh của lá được Hải cảm nhận như đứa trẻ được mẹ thiên nhiên vừa khoác thêm cho chiếc áo mới màu xanh biếc đầy sức sống. Một cảm nhận rất mới lạ khác hẳn với những thi nhân thường vẽ mùa thu sang bằng màu vàng của lá. Chẳng hạn, Xuân Diệu đã ngạc nhiên khi phát hiện thấy:
Đây mùa thu tới! Mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng...
Trong con mắt của chàng trai trẻ Hà Thành, mùa thu vẫn xanh biếc không chỉ trong bầu trời,mặt nước mà trong cả màu xanh của lá.Có lẽ, đó cũng là một hình ảnh tả thực bởi mùa thu mới chỉ là bắt đầu, làm sao có thể chuyển màu áo mơ phai nhanh được. Nhận ra điều đó, ta càng trân trọng Bùi Hải đã rất chân thực, không hề hoa lá, tô vẻ, màu mè chút nào. Cũng chính từ hình ảnh tả thực đó, ta càng thấy hiện rõ lên tâm hồn tươi xanh trẻ trung của Hải. Có lẽ, vẻ đẹp của lá chính là vẻ đẹp của cô gái mà tình yêu với cây đã trở nên quấn quýt như một. Bởi, cây và lá tạo nên sự sống trên cùng một cội rễ.
Cùng với màu xanh biếc của chiếc lá đã được mùa hè nuôi dưỡng bằng nắng và mưa là những thân cây xù xì mộc mạc đến không cần phải bàn luận thêm nữa. Mùa thu trong trẻo trẻ trung bởi màu xanh của lá, vừa có độ già nua, vững chãi của những thân cây xù xì được gợi lên bằng nghệ thuật tạo hình.Ngay sau đó là âm thanh của gió được nhân hóa như lời ”thủ thỉ” của kẻ bất chợt từ đâu đến xen ngang giữa cuộc tình tuyệt đẹp của cây và lá. Gió trở thành kẻ thứ ba gieo rắc ngang trái. Những kẻ dối trá thì hay làm điều xấu xa. Còn kẻ thật thà thì lại dễ tin lời lừa phỉnh. Lời "thủ thỉ ngọt ngào" của gió chẳng khác gì "mật ngọt chết ruồi". Trong cuộc sống, không thiếu gì những cô gái vì ghen tuông ích kỷ đã xen vào chọc phá không ít mối tình đẹp đẽ.
Dường như tác giả chỉ mượn mùa thu làm duyên để bộc lộ câu chuyện tình lãng mạn của mình. Lá, cây trở thành biểu tượng của tình yêu. Thật thú vị khi ta chợt nhận ra vẻ đẹp chân chất, mộc mạc của chàng trai qua hình ảnh ”Cây xù xì mộc mạc”. Cách diễn đạt thơ của Hải thật tinh tế đến ngưỡng mộ!. Hàm ý của ngôn ngữ thơ rất sâu. Mới chỉ đọc qua, khó mà nhận ra được.
Đặc điểm của chàng trai hiền hậu, thật thà bao giờ cũng thế mà. Con gái bao giờ cũng tinh tế hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là cùng trang lứa (Con gái biết yêu trước con trai...). Nhưng khi chàng trai bị tiếng gọi của tình yêu lên tiếng thì lại rất mãnh liệt... Cây không có lá làm sao cây sống nổi. Cây đã giành tất cả tình yêu của mình để chắt chiu cho lá thêm xanh thêm đẹp. Mà lá không có cành, có cây làm sao lá sống? Hải đã đặt tình yêu của đôi lứa vào những biểu tượng đặc sắc. Nhưng , khổ nỗi ở đời có câu:
"Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng"
Thật thông minh và tinh tế, Hải đã đặt tình yêu của cây và lá vào thử thách nghiệt ngã khi để gió đến "thủ thỉ ngọt ngào." Và, sự thật là tình yêu tuyệt đẹp của cây và lá bỗng chốc bị gió cuốn đi, rẽ chia một cách phũ phàng:
Nghe theo lời của gió
Lá bỏ cây lá rơi
Lá đã tin bạn một cách dại dột, mù quáng nên đã nghe lời của gió. Lá lặng lẽ bỏ cây ra đi không một lời từ biệt. Sự non nớt, vụng dại của tuổi trẻ đã khiến cả chàng trai và cô gái yêu nhau say đắm là thế, những tưởng giao hòa tuyệt vời là thế đã nhanh chóng phải hững hờ, chia phôi:
Em tin lời người lạ
Em bỏ anh em đi
Gió đã chủ động phá vỡ hạnh phúc của cây và lá không hề hối hận Nhưng chính Lá cũng chưa đủ hiểu biết, chưa đủ bản lĩnh để gìn giữ tình yêu tuyệt dẹp với cây. Lá dại dột, cả tin khi nghe lời người lạ.Lá rỗi hờn, bỏ cây ra đi không một lý do khiến cây bàng hoàng trước bất ngờ. Lời của cây cũng thật mộc mạc “Em bỏ anh em đi”. Cây đau đớn, tiếc nuối và thẫn thờ đến không hiểu vì sao lá nỡ tình bỏ cây ra đi không một lời từ biệt như thế. Tình yêu ban đầu ngọt ngào bao nhiêu thì giờ đây cay đắng xót xa bấy nhiêu. Cây cũng biết lý do chỉ là lời của người lạ. Trời ơi, sao lá nông nổi thế, dại dột thế!
Lá lặng lẽ bỏ cây nhưng lá vẫn yêu cây mà không biết làm cách nào để quay lại. Phải chăng là lòng tự trọng, lá hiểu lầm cây một cách thật đáng tiếc. Gió muốn cây và lá luôn phải đau khổ:
Gió ghen thì gió tới
Gió phá rồi gió xa
Phải chăng:
Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nhưng gió có là gì của nhau với cây (hoặc lá) đâu mà ghen ghét đố kị vậy. Gió nỡ lòng lại tàn phá duyên mới của lá với cây, khiến cây phải chịu hình phạt ghen tuông của gió là phải sống cô đơn mãi mãi. Trong nỗi buồn đến tím lòng vì yêu đó, cây không còn thiết sống nữa. Cây nhận ra sâu sắc triết lý nhân sinh:
Cây mọc lên từ đất
Lá cũng về đất thôi.
Lời thơ ngậm ngùi, chua chát khi Cây phải sớm nếm trải vị đắng tình yêu. Hạnh phúc cõi đời thật mong manh như chiếc lá. Âm điệu của bài thơ trầm lắng xuống, gợi bao suy tưởng.Cây nhận ra chân lý: dù lá có bỏ cây ra đi thì trước sau cả cây và lá đều cũng phải trở với đất. Tôi chợt nhớ đến bài hát “Trở về cát bụi”:
“Sống trên đời này, tựa phù du có ngay rồi lại mất
Cuộc sống mong manh xin nhắc ai đừng đổi trắng thay đen...
Này lời hứa, này thủy chung,này tình yêu chót gửi đầu môi
Cũng thế mà thôi, sẽ hết ngày mai,như áng mây cuối trời...”
Nhận ra sự mong manh, phũ phàng của hạnh phúc trần thế, Cây trở nên bao dung, rắn rỏi đến lạ kỳ:
Gió thì hay thay đổi
Cây muôn đời vẫn vậy
Không muốn làm cơn gió
Một mình anh...mùa thu...
Gió thật đáng trách! Mượn gió, B Hải nhân hóa gió thành kẻ chuyên đi phá hoại hạnh phúc người khác. Một hạng tiểu nhân không nên tồn tại trên thế gian này.
Cây mệt mỏi, thất vọng vì gió. Sự thất vọng đó khiến cây không muốn làm cơn gió để gió cuốn đi, bỏ lại cả gốc rễ, nguồn cội của mình. Đó chính là lý do để cây muốn ”Một mình anh... mùa thu...”
Cuối bài thơ, Bùi Hải đã thoát khỏi hình tượng cây để trở về với chính mình khi xưng là “anh”. Đây là câu thơ chất đầy tình ý nhất. Còn lại mình anh với mùa thu hay còn lại sự cô đơn, còn lại một bản ngã rất đàn ông luôn bất khuất,v ững vàng trước mọi đổi thay của cuộc sống?. Câu kết của bài thơ gợi tới rất nhiều ý sâu xa còn nghệ thuật dùng dấu chấm lửng ngắt quãng rất tinh tế. Chẳng khác gì:
Người khôn ăn nói nửa chừng
Để cho người dại nửa mừng nửa lo
Đó là cách nói vừa ngập ngừng, vừa dứt khoát. Cô gái (Lá) sẽ nghĩ gì khi đọc bài thơ này?
Riêng tôi, tôi rất tâm đắc với câu kết đặc sắc này khi nhận ra sự khẳng định mạnh mẽ của chàng trai. Chàng trai khẳng định vẻ đẹp bất tử của mùa thu đồng thời khẳng định vẻ đẹp bất tử của tình yêu, của tâm hồn chàng trai. Và, tình yêu của họ mãi là bản tình ca không bao giờ quên.

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Có được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ con chưa có, mẹ già chưa khâu,
Áo anh sứt chỉ đã lâu.
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng .
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho,
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm,
Giúp cho đôi chiếu em nằm,
Đôi chăn em đắp, đôi chằm em đeo,
Giúp cho quan tám tiền cheo,
Quan năm tiền cưới, lại đèo buồng cau...

Mở đầu bài ca là một không gian nghệ thuật, vừa có cái không khí thiêng liêng của đình làng, lại vừa có vẻ đẹp dân dã mà rất đỗi thơ mộng, của đầm sen đưa hương sực nức. Chàng trai tát nước trong cảnh ấy, và vắt áo trên cành hoa sen nào đấy:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Đây quả là điều phi lý! Bởi cành hoa sen (một cách gọi quen thuộc ở một số địa phương: lên chùa bẻ một cành sen...) mềm mại như vậy, làm sao có thể vắt áo lên được? Đây là nghệ thuật lấy cái không để nói cái có mà ta thường thấy trong văn học, nghệ thuật phương Đông. Cái có chính là chiếc áo vương hương sen thanh cao, để cho ai bắt được, cũng vương chút hương mơ mộng ấy. Nhưng cái có ấy (chiếc áo bỏ quên), chắc chi đã có, mà chỉ là cái cớ vờ vĩnh, được tạo ra như một lý do, để có dịp gặp gỡ người con gái mà thổ lộ tâm tình.
Cái câu hỏi mà chàng trai nêu ra, cũng là câu hỏi bâng quơ, là cách nói ỡm ờ:
Có được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?

Tuy rằng không khẳng định, chỉ là lời ướm hỏi thôi: ''có được'', nhưng lại cứ như thắt buộc ai đó. ''Hay là'', là lời đắn đo dò xét rất ý nhị về một điều khó nói, nhưng cũng là niềm hi vọng, được người con gái giữ làm kỷ vật, làm ''của tin'' cho mối tình. Cái thâm thúy mà mộc mạc của ca dao chính là ở đây.Nếu có chiếc áo thật, cô gái đem ra trả cho chàng trai, thì ôi thôi ! chẳng còn gì để nói nữa. Chính vì không có áo, nên cô gái biết thanh minh thế nào đây? Không trả được áo, là có chuyện rồi!Và đây chính là duyên cớ để chàng trai bám riết. Không cần đợi cô gái trả lời, chàng trai tiếp tục vịn vào chiếc áo để phô bày tình cảnh của mình:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ con chưa có mẹ già chưa khâu
Ra thế! Chiếc áo mà anh ta bỏ quên không đẹp đẽ gì, mà chỉ là áo rách. Nhưng không phải là rách rưới. Rách mà vẫn lành. Vì chỉ là sứt chỉ ở nơi kín đáo, nếu không để ý thì không thấy được.Khoe áo rách không phải là mục đích, mà vẫn chỉ là cái cớ tiếp theo được đưa ra để bộc lộ là mình chưa có vợ. Trong nhà chỉ có một mẹ già cần được người chăm sóc thôi.
Quá thể hơn, là:
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Nói chuyện sứt chỉ đã lâu, là nhằm mục đích gì đây ? Sao không sợ cô gái chê là kẻ lười biếng?
Qua đây, ta thấy chàng trai có trí tuệ sâu sắc. Nói điều này là anh ta vừa tự khoe mình, lại vừa đề cao người con gái.Anh không phải là người dễ dãi trong tình cảm đâu. Không phải bất kì ai cũng có thể vá được áo cho anh ta. Người mà anh ta đợi chờ giờ đây mới thấy, mới xứng đáng với tình anh.Đấy chính là người không mang trả áo. Cho nên anh ta buông ra một câu lấp lửng:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Sao lại là ''cô ấy'', chứ không phải là em, là cô gái mà anh ta đang đòi trả áo? Chàng trai này quả là người sắc sảo đến dễ sợ. Nói lảng ra để tránh đòn, nếu như cô gái không có tình ý gì. Mặt khác, đây cũng là cách thử lòng ai đó. Nếu cô gái có tình ý, nghe nói đến ''cô ấy'' sẽ chạnh lòng, và không giấu được thái độ, thì khi đó ''cô ấy'', không phải là ai khác, ngoài cô em đang đối diện với chàng trai.Vịệc trao tình của chàng trai, đã là một nghệ thuật,và cũng là nghệ thuật tài tình của ca dao.
Còn những thứ mà chàng trai muốn trao tặng cô gái, thực ra là một lễ cưới trọn vẹn, theo phong tục ngày xưa:
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến lúc lấy chồng, anh sẽ giúp cho
Giúp cho một thúng xôi vò
Một con lợn béo, một vò rượu tăm...
Như vậy chuyện tát nước đầu đình và chuyện bỏ quên áo, chẳng qua chỉ là sự việc làm nền cho việc bộc lộ tình cảm yêu thương mà thôi. Qua đây cho ta thấy được tâm hồn của cha ông ta vừa lãng mạn, vừa tinh tế, cùng với một trí tuệ vô cùng sắc sảo, mà con cháu hôm nay chưa chắc đã theo kịp.

Trần Thanh Xuân
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...