Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Thử bình bài thơ "Mẹ của anh" của nữ sĩ Xuân Quỳnh

Thử bình bài thơ "Mẹ của anh" 
của nữ sĩ Xuân Quỳnh
Phải đâu mẹ của riêng anh 
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi 
Mẹ tuy không đẻ không nuôi 
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng 
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau 
Bây giờ tóc mẹ trắng phau 
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen 
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần 
Thương anh thương cả bước chân 
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào 
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh 
Nào là hoa bưởi hoa chanh 
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca 
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau 
Mẹ không ghét bỏ em đâu 
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca 
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn 
Hát tình yêu của chúng mình 
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông 
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ 
Chắc chiu từ những ngày xưa 
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.
Xuân Quỳnh, nữ thi sĩ tài hoa của thế kỷ XX đã đi xa hai mươi mấy năm rồi (Chị mất trong một vụ tai nạn giao thông thương tâm, thảm khốc cùng với chồng là Lưu Quang Vũ và con gái Quỳnh Thơ ngày 29/8/1988) nhưng di sản thơ của Chị còn lại mãi với đời.
Viết về "mẹ" là đề tài muôn thuở của thi sĩ, còn viết về "mẹ chồng" chân thành, tự nhiên và hay như Chị thì quả là hiếm có.
Ta hãy thử đến với bài thơ "Mẹ của Anh" để cảm nhận một góc chân dung nhà thơ trong vai trò cô dâu Việt Nam mới, với tình cảm mới, quan điểm mới trong cuộc sống mới.
Ba cái tên được nói đến trong bài thơ này gồm: Em, Anh và Mẹ, ngay từ tựa đề đã cho bạn đọc biết nội dung không nói về Em, cũng không nói về Anh mà nói về Mẹ. Mở đầu Chị viết:
"Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi
Mẹ tuy không đẻ, không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong."
Rõ ràng Chị đang nói, đang ghen với Anh, nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ để bày tỏ tình cảm của mình đối với Mẹ cho tự nhiên, cho hợp lẽ. Chị khéo léo giới thiệu (khoe) với mọi người về "mẹ của chúng mình đó thôi". Mẹ không sinh thành, dưỡng dục mà Chị phải chịu ơn mẹ cả một đời chưa hết, bởi  Mẹ đã ban tặng Chị đứa con trai yêu dấu của mình, ban tặng Chị một nửa bên kia cuộc đời mà tạo hóa đã vô tình hoặc cố tình để quên khi tạo ra loài người, ban tặng niềm khát khao hạnh phúc cháy bỏng của Chị.
"Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh, mẹ thức, lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao"
Hình ảnh người mẹ một thời xuân sắc, suốt đời tảo tần, lam lũ, hy sinh tất cả tất thảy vì con, đã hiện dần lên theo từng con chữ mộc mạc, chan chứa ân tình của Chị.
Mẹ đã từng một thời con gái làm bao chàng trai say đắm. Lấy chồng, sinh con mẹ dồn tất cả tình thương cho con, như "thân cò lặn lội...", như "cá chuối đắm đuối vì con". Đêm khuya mẹ thức trắng bên con mỗi khi con đau ốm, rồi mặt khi mặt trời chưa kịp thức, bước chân mẹ đã tất bật trên đôi vai trĩu nặng, mua khoai chợ gần, bán sắn chợ xa để lo miếng ăn hàng ngày cho cả nhà trong những năm khốn khó.
"Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh.
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Đi về dối mẹ để mà yêu nhau"
Anh - Lưu Quang Vũ, người chồng hào hoa, tài hoa thân yêu của Chị nổi tiếng một phần nhờ sự lao động miệt mài say mê sáng tạo, một phần nhờ ảnh hưởng sâu xa từ gen di truyền, từ những lời ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích thấm đẫm tính nhân văn  mà đêm đêm Mẹ đã thổi vào tâm hồn Anh ngay từ thời thơ bé.
Những người đã từng làm "mẹ chồng" nói chung và mẹ chồng của Chị nói riêng, khi đọc những lời tâm sự của "nàng dâu" Xuân Quỳnh, thử hỏi có ai không xốn xang, xúc động?
"Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh, em đã là dâu trong nhà"
Chị đang nói với Anh đấy ư? không! Chị đang nói với Mẹ đấy.
Như con chim đậu phải cành cong, cuộc hôn nhân một lần dang dở nhưng Chị vẫn can đảm, tự tin khẳng định điều này, bởi Chị tin vào sự chân thành, trách nhiệm làm dâu của bản thân, bởi Chị hiểu, cảm nhận những đức tính cao đẹp, lòng bao dung, sự cảm thông sâu sắc, Mẹ của Chị đã vượt lên quan niệm phong kiến lỗi thời đang đè nặng lên nếp nghĩ cố hữu của không ít "mẹ chồng" thời nay để thương con dâu hiếu thảo như chính con gái của mình.
Và để Mẹ yên tâm, vững tin hơn, Chị đã bày tỏ tâm sự của mình trong bài thơ "Người thứ hai":
"Mẹ đừng buồn khi anh ấy yêu con
Bởi trước con, anh ấy là của Mẹ
Anh ấy có thể yêu con suốt một thời trai trẻ
Nhưng suốt đời, anh ấy yêu Mẹ, Mẹ ơi".
Rồi kết thúc, Chị lại tiếp tục khẳng định:
"Anh ấy có thể sống với con suốt cả cuộc đời
Mà cũng có thể chia tay ngay ngày mai, có thể ...
Nhưng anh ấy suốt đời yêu Mẹ
Dù thế nào, con cũng chỉ thứ hai.".

Mẹ không an tâm sao được khi cô con dâu đang đắm say trong niềm hạnh phúc, trong vòng tay ấm áp của Anh vẫn tự coi mình là là nhân vật số hai, không bao giờ muốn và không thể soán ngôi nhân vật số một. Chị đã thay Anh bộc bạch nỗi niềm với Mẹ trong hoàn cảnh người đàn ông "đứng giữa" không thể trực tiếp nói ra mà nếu có thể nói ra cũng không dễ gì mang lại hiệu quả. Cái lý lẽ Chị đưa ra phù hợp với quy luật tâm lý tình cảm nên dễ thuyết phục lòng người. Tôi đồ rằng trong sâu thẳm trái tim mình, Anh ngàn lần cám ơn Chị.
"Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau nỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa có núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ"
Giới thiệu Mẹ với mọi người, đồng thời Chị nguyện làm tròn bổn phận của người vợ, xứng đáng với tình yêu mà Anh đã dành cho Chị.Tình yêu, hạnh phúc mong manh, nhỏ nhoi của Anh Chị nằm trong hạnh phúc lớn lao chung của dân tộc, hòa mình với thiên nhiên, núi sông, cây cỏ và trong hạnh phúc mênh mông, vô bờ của Mẹ.
Như "Sóng" vỗ mạn "Thuyền", mạch thơ cứ dào dạt tuôn trào một cách tự nhiên, không gượng ép vần điệu, rất gần gũi với  dân ca, ca dao (Ta thử đọc câu ca dao: "Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay" và câu thơ:Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau). Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm hứng sáng tạo, cảm xúc trong thơ đủ mọi tầng nấc và trong một khoảnh khắc bất chợt được đẩy lên tột cùng cung bậc. Chị ít bận tâm trong việc đi tìm hình thức biểu hiện (có lần Xuân Quỳnh đã nói: "Đừng lo đi tìm ngôn ngữ, cảm xúc sẽ tự chọn được ngôn ngữ của mình").
Chính sự chân thực một cách hồn nhiên, thoải mái, tâm hồn đa cảm, hóm hỉnh nhưng luôn tư duy sắc sảo, lý trí tỉnh táo đã định hình một phong cách, giọng điệu thơ riêng không lẫn với ai. Đọc thơ Chị, độc giả  thấy một Xuân Quỳnh hết lòng, yêu thương hết lòng, lo âu, trăn trở hết lòng và cảm thấy có bóng dáng mình trong đó.
Thơ lục bát mà ngỡ như không phải lục bát.Tứ thơ hay, gọn, nội dung thể hiện đặc sắc hình như đã che khuất yếu tố kỹ thuật, nhưng soi thật kỹ những "nhà chuyên môn" khó tính nhất cũng không dễ bắt bẻ tác giả một lỗi nhỏ về niêm luật. Như viên ngọc quý, nó càng trở nên long lanh hơn mỗi khi có tia sáng rọi vào, tôn thêm vẻ đẹp toàn bích của bài thơ.
Chắt chiu từ những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em..."
Hai câu kết chân chất, đơn sơ mà vô cùng sâu lắng. Mẹ là cội nguồn hạnh phúc. Đó là lời tri ân chân thành của Chị, là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Trước mắt ta, Xuân Quỳnh dường như không còn là "nhà thơ" nữa, Chị đã hóa thân và thực sự là một người con dâu mẫu mực, một cô Tấm thảo hiền.
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cuộc sống vật chất đã đầy đủ hơn. Nhiều người không còn phải quan tâm nhiều đến "cơm áo gạo tiền" hàng ngày nữa. Song do nhiều nhu cầu mới phát sinh, do tác động của môi trường, hoàn cảnh... nên hạnh phúc gia đình, nề nếp gia phong đang trở nên mong manh hơn. Thiển nghĩ, bài thơ này sẽ góp phần nhỏ thức dậy những phẩm chất, tình cảm tốt đẹp đang ngủ quên trong trái tim mỗi người phụ nữ - Người "kiến trúc sư" của gia đình như thành ngữ Việt Nam có câu: "Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm".
Cảm thụ, thưởng thức, đánh giá thơ là tùy thuộc vào quan điểm, sở thích của mỗi người, mỗi thời đại, nhưng có lẽ những vần thơ tha thiết của Chị còn đọng mãi trong lòng thế hệ bạn đọc hôm nay và mai sau.
Tháng 8/2001
Trần Đình Nhân
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Uống trà

Uống trà Một số người tìm sự bình an, sự tịnh tâm trong việc uống trà. Có thể vì vậy mà họ thường thuộc lứa tuổi đã cao, xế chiều. Thanh niê...