Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Những trang văn một tấm lòng

Những trang văn một tấm lòng
Thay cho lời mở đầu, tôi xin trích một đoạn trong bài bút ký “Ấn tượng một chuyến đi”- Rút từ tập Truyện ký “Ông Sì lồ” của Lê Hữu Chư. Đây là đoạn tác giả tự giới thiệu về mình:
“Sinh ra trong một gia đình nề nếp, lại được bà và mẹ dạy bằng ca dao tục ngữ. Trộm vía trời lại cho sáng dạ, thêm chút thiên bẩm yêu thích văn chương, chả trường lớp bằng cấp gì cũng mò mẫm văn chương, mầy mò báo chí. Ba bốn mươi năm trước đã có bài vở đăng tải đó đây, giải thưởng này nọ ở khu, ở tỉnh mà cứ thấy thèn thẹn thế nào khi có ai nhắc đến nhà thơ, nhà văn, nhà báo. Đến nay chưa có lấy một đầu sách để tặng bạn bè…”. Lời độc thoại ấy, tác giả đã tự thuật “chân dung” văn học của mình một cách nôm na, thành thực. Chỉ khác là cho đến nay, ở độ tuổi “ngoại thất thập”, Lê Hữu Chư đã xuất bản được một đầu sách với cái tên khá độc đáo: “Ông Sì lồ” (do nhà xuất bản văn học ấn hành năm 2014). Có thể nói đây là tâm huyết gần như cả đời văn nghiệp của ông. 
Tôi đón nhận tập truyện và ký “Ông Sì lồ” của tác giả Lê Hữu Chư với lòng cảm phục và kính trọng. Bởi lẽ, thế hệ ông và bản thân ông ít có điều kiện ăn học một cách bài bản. Nhưng với lòng đam mê văn chương, ông đã tự đọc, tự học, tự mầy mò, dấn thân vào nghiệp văn và ít nhiều cũng có được thành quả xứng đáng. Tôi không muốn nói đến thành quả là “giải thưởng này nọ ở khu, ở tỉnh”. Ở đây tôi chỉ muốn nói tới thành quả tôi đang có trên tay là một tập truyện khá đầy đặn. Tập truyện gồm hai phần. Phần I tập hợp 11 bài bút kí. Phần II gồm 7 truyện kí và truyện ngắn. Đó là những tác phẩm đã được đăng tải trên các báo tạp chí trung ương và địa phương, được tác giả tập hợp lại thành tập Truyện và kí “Ông Sì lồ”.
Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc “Ông Sì lồ” là một tấm lòng yêu quê hương sâu đậm xuyên suốt toàn bộ cuốn sách. Quê hương làng Yên Vệ, xã Khánh Phú của ông trở đi, trở lại trong các bài bút ký, thậm chí cả trong truyện ngắn với những góc nhìn khác nhau. Là người sống qua hai chế độ, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, thấy được sự đổi thay mầu nhiệm trên chính mảnh đất quê hương mình, cho nên những điều ông viết về quê hương là những trang xúc động, tự hào về một thời kỳ gian khổ đã qua. Đó là những ngày cả nước nói chung và làng xã của ông nói riêng, trải qua những năm tháng thảm khốc nhất trong lịch sử: Thóc ngô Nhật đã vơ vét hết để chăn ngựa, lừa, đốt thay than. Hoa màu bị chúng phá sạch để lấy đất trồng đay…Trên đường những hình hài da bọc xương vất vưởng lê từng bước, người chết đầy đường được gom về chôn chung một hố… Cả làng có 500 người chết đói; có 50 gia đình chết không còn một ai. Những trang viết đầy bi thương ấy luôn ám ảnh, gieo vào lòng người đọc nỗi xót xa, căm thù và chắc hẳn khi đọc lại, con cháu sẽ mãi biết ơn các thế hệ cha anh, đã không tiếc máu xương giành độc lập tự do cho quê hương, đất nước hôm nay.
Là người sinh ra và lớn lên trong đói nghèo, giặc giã, nếm đủ nỗi khổ nhục của người dân nô lệ, hơn ai hết tác giả rất thấm thía chân giá trị của cuộc sống hôm nay, tình cảm này của ông luôn được khẳng định đầy tự tin trên mỗi trang viết. Cho dù viết về những gian nan khổ ải mà ông và những người dân quê ông đã trải qua: Cách mạng Tháng tám trong tuổi thơ tôi; Hai tiếng Điện Biên trong vùng địch; Hành trình tìm con chữ hay viết về sự đổi đời về cuộc sống mới: Trở lại Khánh Phú; Mô hình điểm; Quê hương ngày ấy bây giờ…thì bao giờ ta cũng thấy toát lên niềm xúc động chân thành, lòng biết ơn và sự trân trọng, bởi những thành quả mà ông và quê hương ông có được như ngày hôm nay.
Không chỉ viết về quê hương yêu dấu của mình, đề tài trong những bài ký của ông còn mở rộng trong sự cảm nhận những nét đẹp của tình người và khám phá những đổi thay kỳ diệu ở những địa phương khác, nơi in dấu chân ông. Những Mai Châu, Bản Lác một đêm xòe; Một lần đến xứ Thanh; Ấn tượng một chuyến đi là những bút ký ngập tràn tình cảm, cảm xúc về cảnh và người những nơi ông từng đặt chân đến. Những Đường lên cánh; Một thoáng Minh Khai (thuộc Yên Sơn- Tuyên Quang) là những điển hình trong việc tiếp thu chính sách đổi mới, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên mảnh đất quê mình.
 Ở những bài bút ký, người đọc có được cảm giác chân thật gần gũi vì những con người, sự việc ông viết đều có tên tuổi địa chỉ rõ ràng; có nhận xét đánh giá thỏa đáng khách quan, nên mang lại độ tin cậy cho độc giả. Với truyện ký Cửa lương y- lòng từ mẫu, ông viết về Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Ninh Bình- một đơn vị tiêu biểu có bề dày thành tích 38 năm, được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động hạng Ba.
Ở tác phẩm này, từ “nghe” đến “thấy” là cả một hành trình vượt khó vươn lên của tập thể bệnh viện. Từ Giám đốc Trần Văn Hải, Trưởng khoa điều dưỡng Trần Thị Chiến đến các y sĩ như chị Mai, chị Thoa, chị Tâm, kĩ thuật trẻ Nương Nương, anh Tài tiếp phẩm, chị Hoa bếp trưởng, chị Lưu vệ sinh… đều là những người có tay nghề giỏi, tận tụy trong công việc và hết lòng vì người bệnh, “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Ở lĩnh vực truyện ngắn ông viết không nhiều nhưng truyện của ông cũng khá thú vị. Truyện Ông Sì lồ, Nợ không thể trả, Lá thư lạc là những truyện đầy ắp nghĩa tình, đậm chất nhân văn. Tôi rất thích Truyện giữa hổ và mèo, bằng lối viết đồng thoại tác giả chuyển tải trong đó những nội dung mang tính xã hội, chính trị và đạo đức một cách nhẹ nhàng mà dí dỏm. Dù viết ở thể loại nào tôi cũng hình dung được ở ông một con người cẩn trọng, tỉ mỉ có vốn sống, vốn kinh nghiệm, hiểu biết phong phú, nhiều mặt. Có thể đây đó chi tiết còn chưa thật sự chắt lọc, từ cổ, từ địa phương, từ nước ngoài còn sử dụng nhiều, nhưng đó là điều khó tránh khỏi đối với một nhà văn đã qua tuổi “tri thiên mệnh”.
Một điều đáng trân trọng là lê Hữu Chư luôn có ý thức nghiêm túc, đúng đắn về văn chương. Theo ông “sự nghiệp văn chương như trời cao biển rộng, mình chỉ là hạt cát giữa thiên hà. Văn chương đem lại lợi ích cho người cho đời đấy mới là đáp số”. 
Theo http://www.vanhocnghethuatninhbinh.org.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...