Vé
trở về Khúc tráng ca
xa xót và xúc động
Văn Lê với tôi là người đồng hương, hai xã chỉ cách nhau một
cánh đồng (Gia Thanh và Gia Tân). Văn kỳ thanh, biết tiếng anh từ những năm
(1975 - 1976), khi anh được trao giải A trong cuộc thi thơ với bài thơ Tiếng
gọi bò và Nếu nỗi nhớ của tôi…, do Tuần Báo Văn nghệ tổ chức.
Vì chiến tranh, mỗi người một phương trời, phải đến cuối những năm tám mươi của
thế kỷ trước, anh em mới gặp nhau. Văn Lê cởi mở chân thành, Ninh Bình có tới
vài chục anh chị em là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam sống trên mọi miền Tổ quốc,
song có lẽ người giữ liên hệ mật thiết thường xuyên nhất với văn nghệ quê hương
là Văn Lê. Lần nào về, anh cũng tới Hội gặp gỡ anh chị em, hoặc lại kéo mọi người
về nhà mình bù khú, nên tình cảm ngày càng gắn bó thân tình.
Văn Lê, sinh năm 1949, tên thật là Lê Chí Thụy, quê quán: Gia
Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình, hiện sống và viết tại thành phố Hồ Chí Minh. Là người
đa tài: Nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và đạo diễn điện ảnh, hội viên Hội Nhà
văn Việt Nam, Hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú.
Anh nhập ngũ
1966 vào chiến trường B2 năm 1967. Là người lính cầm bút, hơn 40 năm đã có một
"gia tài" văn học, nghệ thuật rất đáng nể trọng: 3 tập thơ, 2 trường
ca, 5 tập truyện và 12 tiểu thuyết, nhiều kịch bản phim. Anh cũng đã giành nhiều
phần thưởng cao quý của Hội Nhà văn, Hội Điện ảnh, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch,
Bộ Quốc phòng ...
Những tác phẩm
của Văn Lê ở lĩnh vực nào, thời điểm nào, ngòi bút cũng vẫn vẹn nguyên khí chất
kiên cường của một người lính, tâm hồn hướng về cội nguồn thấm đẫm chất văn hóa
dân tộc. Ở lĩnh vực nào anh cũng đạt được những thành tựu rực rỡ, ví như giải
bông sen vàng, bông sen bạc, rồi giải nhất kịch bản phim truyện: Long
Thành cầm giả ca, để rồi phim này giành giải Cánh diều vàng năm 2012.
Tuy là một
tác giả đa năng, nhưng Văn Lê vẫn dành nhiều tâm huyết cho thơ. Quan niệm về
văn học của anh: "Nếu chỉ được chọn 1 trong 3: thơ, văn xuôi, điện ảnh thì
tôi chọn thơ. Cho dù làm thơ rất khó, càng ngày càng khó, càng lớn tuổi càng
khó. Chỉ khi nào thật sự xúc động tôi mới có thể làm thơ...". Không hiểu tại
sao, không chỉ Văn Lê, mà chừng như đó cũng là quan niệm nghề nghiệp của nhiều
người. Thơ có những giá trị rất đặc biệt và sức hút lạ thường, để biết bao người
tự nguyện dấn thân?
Tháng 8 năm
2013, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành tập thơ: Vé trở về của
Văn Lê. Vé trở về gồm 5 câu chuyện viết bằng thơ, với tôi, đó gần như
5 trường ca khác nhau, nhưng lại nhất quán ở sự thâm sâu, tất cả đều tập trung lý
giải cái nguồn gốc gia tộc, dân tộc thiêng liêng phải gìn giữ bảo vệ, và rồi, sống
hay chết mỗi người con Lạc Việt cũng phải tìm về. Vì vậy, Vé trở về là
cốt lõi xuyên suốt, làm nên khúc tráng ca xa xót, người đọc không thể cầm lòng.
Việt Nam là
đất nước nơi đầu sóng, có vị trí địa chính trị nóng bỏng, đầy thách thức, luôn
bị sự rình rập, nhòm ngó của nhiều kẻ thù xâm lược. Cuộc chiến tranh vệ quốc diễn
ra triền miền, người người ra trận, nhà nhà ra trận "lớp cha trước lớp con
sau". Nghèo khó, khổ đau tột cùng, đeo bám, cột chặt mọi kiếp người. Quê
hương người lính trong Vé trở về cũng không ngoại lệ. Một làng quê
thuần nông, mọi sự sống chỉ trông vào cây lúa, vậy mà "Gốc rạ được hóa kiếp
trở thành tro bụi - khép lại một quá trình... những đám ruộng há miệng chờ mưa
xuân, hoang vu trễ nải, nứt nẻ như gót chân người..." Và tâm trạng của một
người sắp lên đường nhập ngũ được đặt trong thi cảnh "Đồng chiều ngơ ngẩn
buồn/ Anh ngơ ngẩn buồn bước về quá khứ/ Ở đâu đó giữa hoang vu chợt cất lên tiếng
thánh ca âm u khổ sở/ Âm u khổ sở tiếng thánh ca của muôn loài sinh vật tiễn
đưa anh". Tuổi ấu thơ gắn bó với quê hương thân yêu, nơi chôn nhau cắt rốn
của mình, ai cũng mong có những đóng góp, những dấu ấn, kỷ niệm đẹp, đó là khát
vọng cháy bỏng của mỗi người con. Còn người lính trong Vé trở về, không có
được cái cơ duyên ấy. Ta hãy nghe anh chua xót hồi tưởng "Mười chín
năm trưởng thành/Anh chẳng để lại một dấu vết nào trên cánh đồng quen thuộc,
cũng chẳng để lại một dẫu vết nào trên cơ thể người con gái anh yêu!/ Chỉ tờ giấy
khai sinh úa như trời chiều... Đó là dấu vết duy nhất, là cái cớ duy nhất để
anh tiếp nhận sự mời gọi của chiến tranh". Và rồi "Anh nhìn con dấu đỏ
tươi trên lệnh động binh/ Lòng trống vắng như vòm trời không đáy".
Đất nước quê
hương gian lao là thế, còn riêng gia đình anh lại rơi vào cảnh ngộ đặc biệt éo
le. Cha mẹ mất sớm, bỏ lại hai anh em thơ dại, côi cút bơ vơ... "Nơi anh sống
với một người em gái/ Căn nhà ấy do mẹ cha để lại/ Để lại cho anh một gia tộc -
Hai người". Nỗi oan nghiệt đã chất lên vai anh cái "quyền huynh"
quá sức: "Từ bữa ấy anh buộc phải lớn khôn/ Nhận trọng trách về mình trước
tuổi.../ Anh đánh đổi những gì cần đánh đổi/ để em anh được sống cuộc đời thường".
Sợ đi rồi, không biết em gái tội nghiệp của mình "...dáng như bà già./ mỏng
manh như món đồ dễ vỡ" thì làm sao có thể sống nổi ở cuộc đời đầy bất trắc
này? Và định bụng cưới người con gái mình yêu để em có nơi nương tựa. Nhưng chiến
tranh, chính sự tàn ác của chiến tranh đã giết chết cả cái hy vọng tối thiểu ấy
ngay từ trong ý nghĩ. "Anh không muốn đời cô trễ nải/ bị niêm phong như một
thùng hàng"... "khi nước nhà ngùn ngụt lửa can qua".
Lịch sử chiến
tranh Việt Nam đã minh chứng, để làm nên sự gắn bó máu thịt, nên sức mạnh tinh
thần, bất bại của một dân tộc lại nằm ở sự gắn bó thương yêu, ở sức bền mỗi gia
tộc. Ví như việc làm hi hữu, đẫm nước mắt của người anh để lại cho em trước khi
ra đi này, chắc cũng chỉ riêng có của Việt Nam: "Trước ngày đi/ anh tháo
tung hết quần áo của mình khâu cho em một bộ quần áo mới/ Đó là tài sản của anh
để lại/ Để lại cho người em ruột của mình”. Chính những điều như thế đã
làm nên sức bền gia tộc của dân tộc Việt.
Cả tiền tuyến,
hậu phương đều căng lên như sợi dây đàn, chiến tranh đã vào giai đoạn quyết liệt,
anh phải đối mặt với quân thù, giành giật giữa sự sống và cái chết, thì ở quê
nhà: "Giấy báo tử về làng như lá rụng!/ Khủng khiếp nhất là làm người phải
sống”. Sống trong phấp phỏng lo âu, lành ít dữ nhiều "Em gái của anh đã
không thể lớn! /vẫn co ro như bà lão ăn mày" Vì "Cô đã gánh cả một thời
bão dông/ trên đôi vai nhọc nhằn, vô cảm/ Cô đã gánh nỗi âu lo thầm lặng/ chờ
anh trai trong muôn nỗi nhọc nhằn!" và "Cô thường thắp đèn dầu mỗi tối/
ngọn đèn canh đêm là để đợi chờ!"...Và rồi cái nỗi đau kinh hoàng đã ập đến,
dập tắt mọi hy vọng đợi chờ - Anh cô đã hy sinh. Từ bấy giờ "Mọi trật tự
trong cô sụp đổ/ Cô lang thang cuối đất cùng trời". Cô nguyện với lòng
mình phải tìm bằng được mộ anh, để an ủi mình, an ủi vong linh anh và tròn đạo
hiếu với gia tộc: "Cô tìm anh trai đầu nguồn cuối phố/ thăm thẳm khe sâu/
hun hút rừng già..."
Trong bước
đường gian nan vô vọng tìm anh, có lẽ linh hồn anh linh thiêng đã thấu, run rủi
cho cô điều may mắn bất ngờ? Em gái gặp được một người đang trong hoang mang
tìm cha hy sinh. Ai hay, hai mảnh đời khốn khổ cùng cảnh ngộ, đã cảm thông, gắn
bó cùng nhau làm nên một gia tộc mới: "Cô bỗng gặp một người con tìm cha/
dằng dặc bưng biền/ tận cùng núi đỏ/ Xơ xác như người điên ngoài chợ/ Co ro như
ông lão ăn mày... Hai người từ hai xứ sở/ Đã làm nên một gia tộc cho mình"
Thế là trong
họa có phúc, từ đây cô đã có người để chia sẻ, chung sức, chung lòng: tìm mộ
người thân và vun đắp cho một gia tộc mới. Cô cùng chồng lần giở những kỷ niệm
về người anh tôn kính, thương yêu: "Cô gái ấy hiện diện bên tôi/ sới tung
cả nếp nghĩ trong đầu/ cố tìm kiếm mà dấu vết anh trai để lại": Nào là những
đồng tiền tiêu vặt của anh, người lính binh nhì dành dụm gửi về mà cô không dám
tiêu. Nào là những dòng thư nhòe nước mắt "...căn dặn cô là phải giữ phần
hồn/ Những dòng chữ ngột ngạt lo buồn/ đã sưởi ấm cô mỗi mùa giá rét/ Cô không
nghĩ nó lại thành dấu vết/ khẳng định anh đã từng sống giữa đời này!"...
Những kỷ niệm
về tình thương yêu máu thịt của anh dành cho, cứ xa xót day dứt khôn nguôi
trong cô. Nương tựa vào những điều thiêng liêng ấy mà cô đã trụ vững, sống xứng
đáng với người anh, với gia tộc của mình
Chung cảnh
ngộ như bao gia đình, dù cuộc chiến đã lùi xa, nhưng việc tìm kiếm mộ anh chưa
bao giờ ngừng nghỉ. Mãi cho tới một ngày, sau lần giỗ thứ ba lăm, cô nhận được
thư của một người bạn cùng tìm mộ, báo tin đã thấy mộ của anh cô. Và thế là, hạnh
phúc, với tình thương trong trông ngóng bao năm tháng bỗng như vỡ òa "Cô
khóc rống lên như đứa trẻ/ Cô bán hết những gì có thể/ Cùng chồng lặn lội vào
Nam".
Đến nơi bạn
dặn, tại một cánh rừng Cà Tum hoang vắng xa xôi, cô đã được người ta trao cho
hài cốt người anh dứt ruột của mình: "Họ trao cho cô một bọc ni - lông/ nhỏ
như con búp bê/ được bao bọc bằng lá cờ Tổ quốc". Bạn đọc chắc cũng đã
hình dung được cảnh cô: khóc lóc, vật vã, đau đớn biết chừng nào, khi đã đọc
đúng tên, tuổi, quê quán và ngày mất của anh mình lưu giữ trong chiếc lọ thuốc
tiêm được người ta trao lại "Những dòng chữ cũng là tờ giấy phép/ Cấp cho
anh về với gió mây". Quan trọng biết nhường nào đối với cô, vì đó là dòng
chữ xác tín, khẳng định cốt nhục của mình từ nay có nơi hương khói đi về với
ông bà cha mẹ. Và đến đây mới manh nha xuất hiện cái lý do mà thi sỹ đặt tên
cho thơ: Vé trở về "Đưa anh ra bến tàu...Cô nhất quyết mua cho
anh tấm vé/ Cô muốn anh trai như người sống trở về làng". Lạ lùng, xúc động
và sáng tạo, đẳng cấp của thơ là ở chỗ này đây. Thế là "ba người"
theo con tàu "... băng qua bóng đêm/ trườn qua hoàng hôn tấy đỏ"
về với quê hương bản quán của mình. Họ lo cho anh mình trở về được thông đồng bến
giọt, nên làm mọi thủ tục đúng tập tục của người "âm": "Mỗi lần
tàu qua sông/ Họ lại thả một đồng xu xuống nước/ Họ nhất quyết với nhau là phải
thức/ thức trắng đêm để trả tiền đò"
Đưa được anh
trai về đến làng rồi, thì cô em gái lại có một quyết định không cho làng xóm biết.
Mới nghe, bạn đọc chắc phải sửng sốt, bất bình. Không, đó là chủ định của nhà
thơ.
Nhà thơ lên
án chiến tranh thật quyết liệt, anh đồng thời là nhà biên kịch, nên kịch tính
được đẩy đến tận cùng. Kết thúc bài thơ là nỗi buồn không ngờ, làm nên hiệu ứng
tâm trạng bức xúc trong lòng bạn đọc. Đưa anh về đến làng, lẽ ra phải báo cho
quê hương, để tổ chức lễ truy điệu thật trang nghiêm và xúc động, thì cô em gái
lại quyết định không cho ai biết. Vì làng còn hàng trăm người hy sinh chưa được
trở về, chưa có may mắn như anh cô. Thế đấy, để bớt đi nỗi thương đau này, lại
phải giấu đi một nỗi thương đau khác. Anh của cô lại một lần nữa hy sinh, hy
sinh cái buổi lễ của người sống trả nghĩa, tôn vinh.
Đưa được anh về quê
Cô không nỡ báo cho làng xóm biết
Ở Làng cô còn hàng trăm người chết,
Chưa một ai được về...
Khổ kết đã
khép lại như thế, để Vé trở về làm nên sự trọn vẹn của một khúc tráng
ca: xa xót, xúc động, không lẫn với thơ ai.
Ninh Bình, 12/6/2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét