Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

Vần thơ sầu rụng


Vần thơ sầu rụng
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo
Năm năm tiếng lụa se đều
Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái đông
Vương hương mái tóc em nồng 
Thời gian nhẹ rót một dòng buồn tênh.
Lưu Trọng Lư. Không biết tự bao giờ, dòng chảy của những vần điệu thể thơ lục bát đi vào hòa nhập đời sống của con người Việt Nam, chuyên chở bao ý tứ từ thâm thúy sâu xa đến mộc mạc trữ tình. Vần Thơ Sầu Rụng của cố thi sĩ Lưu Trọng Lư , trên cái nền thi vị ấy của dân tộc đã đến với mọi người: nhẹ nhàng, sâu lắng, bâng khuâng, luyến nhớ!,...
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ  
Tròn vành vạnh như trăng mười sáu là tuổi xuân thì của thôn nữ duyên dáng tuổi cập kê. Em mang trong mình hình ảnh của cái đẹp vừa chớm (từ độ lên ngôi) là sự tinh khôi, viên mãn của tạo hóa. Cái đẹp được ẩn dụ và khắc họa rất ư tự nhiên, nhưng là cái đẹp trên nền thời gian không phải là bất di bất dịch:
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ 

Cái nhịp đi trầm buồn, là một sự chậm rãi nhưng hơi nặng nề của sự mòn mỏi, một công việc tuy thơ mộng mà đơn điệu!
Để tóc vướng vần thơ sầu rụng
Mái tóc buồn, thơ cũng buồn theo 
Mái tóc mềm như thơ, những dòng thơ xuôi chiều, thướt tha có phần nào ủ dột: buồn và buồn. Một mái tóc dài đen óng ả, buông xuôi tự nhiên cùng khung cảnh trầm lắng thanh bình. Nhưng đó cũng là tâm trạng của em gái Xuân thì. Chỉ trong có hai câu thơ mà tác giả đã có ba từ nhắc đến tâm trạng: sầu, buồn và buồn, sự lập lại càng làm tăng cấp trạng thái tâm lý.
Năm năm tiếng lụa se đều
Những ngày lạnh rớt gió vèo trong cây 
Lại tiếp tục nhịp và tần số âm thanh của câu thơ trầm trầm: năm năm, một khoảng thời gian đã trôi qua, trôi qua thật lặng lẽ: Tiếng lụa se đều. Chỉ có bấy nhiêu thôi, Xuân qua Đông lại cũng chỉ mình em và khung cửi dồn nén đầy tâm sự, hỏi còn gì nữa ngoài hai tiếng sầu thương! Khi ngoài kia thời gian làm lỗi nhịp bao dấu đời tạm bợ: Gió vèo trong cây. Em vẫn sợ, nên em khẽ khàng, giờ phút này, yên lặng mà đáng trân trọng biết bao:
Nhẹ bàn tay, nhẹ bàn tay
Mùi hương hàng xóm bay đầy mái Đông 
Em vẫn còn lắng nghe trong xa vắng một sự hồi âm của tiếng lòng khắc khoải, bởi em đang là phơi phới nồng nàn của lứa tuổi giao duyên. Mùi hương hàng xóm, là một hình ảnh ẩn dụ chỉ về những âm ba của cuộc sống bên ngoài, không loại trừ những âm ba tình tứ đang tiềm tàng mời gọi cô thôn nữ đáng thương. Đọc đến đây chúng ta chợt nhớ đến hai câu thơ của cụ Nguyễn Du tả cảnh mà ngụ tình Thúy Kiều đối với Kim Trọng:
Hải đường lả ngọn Đông lân
Giọt sương gieo nặng cành Xuân la đà. 

Đây không phải là sự vọng tưởng cao xa mà chính là nỗi niềm rất hiện thực và khát khao tình yêu chính đáng. Hương của gió, hương của hoa cỏ đồng nội, hương của tình yêu thầm kín nhẹ nhàng thoáng qua, nhưng hình ảnh buồn của mái tóc lại trở về khiến nhịp thơ bỗng chùng xuống:
Vương hương mái tóc em nồng
Thời gian nhẹ rót một dòng buồn tênh. 
Thời gian cứ thế, len lén nhẹ nhàng đi qua đến nỗi lòng người khó cảm nhận. Trên cái nền ấy, tâm trạng vẫn chưa nở hoa, cho dù bao sự hứa hẹn đang vây quanh mang dáng dấp của mùi hương đang dậy hơi men sự sống, Để rồi cuối cùng, nỗi buồn man mác vẫn ngự trị tâm tư. Cái đẹp nổi bật của Vần Thơ Sầu Rụng là ý tứ câu chữ, nhịp điệu hài hòa đến mức hoàn hảo. Một hình ảnh, một tâm trạng, một không gian, thời gian như nhẹ nhàng bổ sung nhau, tạo sức cộng hưởng, cảnh và tình vì thế mà hài hòa, tăng cấp cho nhau.Về một bình diện nào đó của sự liên tưởng, bài thơ như một bức tranh khắc họa nét đẹp của một thôn nữ, hiền hòa, cam phận trong sự quyến rũ nên thơ của xã hội nông thôn Việt nam tiền bán thế kỷ hai mươi. 
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những ưu tư trong lễ hội hoa Đà Lạt 1. Lan man chữ nghĩa Tương truyền năm 1893, khi đoàn thám hiểm của bác sĩ Yersin đặt chân đến ca...