Sex trong văn học đương đại
Trong quan niệm phổ biến, con người hiện hữu bằng hồn
và xác. Hiện hữu thân xác có tính thời đoạn, hữu hạn, bởi thế, thân xác chính
là nơi gửi gắm những ý niệm hiện sinh một cách rõ rệt. Thân xác, trong quan điểm
của chủ nghĩa hiện sinh, là dữ kiện của hiện hữu, là khởi nguyên để bắt đầu cho
một tồn tại người. Sẽ không có hiện hữu nếu không có thân xác. Thân xác này của
“tôi” và chỉ với thân xác này “tôi” hiện hữu.
Từ hình dung ấy, triết học hiện sinh đề cao “hiện sinh tại thể”,
xem đó là “hiện thân căn bản”. Thiếu một cơ thể, “tôi không thể ở đời được” (1).
Vấn đề thân thể được chú ý tại tiểu luận này nghiêng về những
kinh nghiệm tình dục (sex), những biểu thuật mang tính bản năng tự nhiên gắn với
đặc tính sinh học của con người,… Trong những năm gần đây, nhiều nhà nghiên cứu
văn học như Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Điệp, Phạm Xuân Nguyên, Trần Văn Toàn, Trần
Ngọc Hiếu… đã có những bàn luận về tính dục trong văn học đương đại từ những
góc độ khác nhau (2). Vấn đề này càng rõ trong văn học đại chúng vì đây được coi
là yếu tố tạo độ hot để lôi kéo độc giả.
Thực ra, không chỉ văn học đại chúng mới có những kinh nghiệm
thân thể. Văn học Việt Nam sau 1986, cả trong thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tự
truyện, vấn đề thân xác, tính dục được đề cập khá phổ biến. Sex, thân thể, tính
dục trở thành đề tài, thành cảm hứng, thành phương tiện cho những ý đồ nghệ thuật.
Có đôi khi, sex và thân thể được trưng dụng như một mục đích, có tính trá nguỵ
cho những chiến lược bên ngoài văn chương, giả mạo, kí sinh vào văn chương.
Trở lại với văn học đại chúng, khảo sát của chúng tôi sẽ dừng
lại nơi những biểu thuật rõ rệt nhất, đó là tiểu thuyết ngôn tình, là những tác
phẩm văn học thị trường, văn học mạng,… đang được công chúng quan tâm. Sự quan
tâm đó của công chúng, với vấn đề sex, thân thể, nói lên điều gì về trạng thái
sống của con người đương đại?
Nhìn lại văn học Việt Nam từ 1986 đến nay, những tác phẩm được
nhiều người đọc biết tới như Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng, Nỗi buồn chiến
tranh, Đồng làng đom đóm, Thời của thánh thần, Thần thánh và bươm bướm, Không
có vua, Những bài học nông thôn, Gạ tình lấy điểm, Tiểu long nữ, Hậu thiên đường,
Maria Sến, Thiên sứ, I am đàn bà, Người đi vắng, Bóng đè, Vu quy, Dòng sông hủi,
Gia phả của đất, Cánh đồng bất tận, Nháp, Sông,… đã đề cập một cách khá tự
nhiên đến vấn đề tình dục của con người.
Không chỉ thế, từ sách in đến mặt báo, từ tiểu thuyết đến
truyện ngắn,… thân thể, tình dục luôn được khai thác. Dù với mục đích nào, sex
vẫn là một phần không thể thiếu. Sự hiện diện của sex trong văn chương một cách
khá rõ rệt, mạnh bạo buộc chúng ta phải nhìn nhận nó như một hiện tượng văn
hóa, xã hội, liên quan đến thị hiếu, tâm tính của con người đương đại.
Khảo sát trên mạng internet vấn đề thị hiếu của công chúng
văn học, chúng ta dễ dàng thu được những kết quả là các bài báo phản ánh tình
trạng bùng nổ của văn chương dục tính, sex và các hành vi, trải nghiệm thân thể
liên quan đến giới tính. Có lẽ đây là chủ đề nổi bật trong văn học đại chúng.
Từ những tác phẩm dịch của Vệ Tuệ quãng đầu thế kỷ XXI (Điên
cuồng như Vệ Tuệ - Sơn Lê dịch, Bảo bối Thượng Hải - Xuân Oanh dịch)
đến những tác phẩm khác như Xin lỗi, em chỉ là con đĩ (Tào Đình -
Trang Hạ dịch), Lỡ tay chạm ngực con gái (Oni - Trang Hạ dịch), Mẹ
điên (Vương Hằng Tích - Trang Hạ dịch), Hễ sướng thì hét lên (Trì
Lợi - Trần Trúc Ly dịch), Nắm tay và làm tình (Nữ Vương - Trang Hạ dịch), Động
phòng hoa chúc sát vách (Diệp Lạc Vô Tâm - Nguyễn Thị Thại dịch); các tác
phẩm trong nước với cái tên đầy khêu gợi như Tình nhân không bao giờ đòi
cưới, Rãnh ngực tiệc đêm, Đàn bà ba mươi (Trang Hạ), Váy ướt quấn bắp
chân (Đỗ Bích Thúy), Phải lấy người như anh (Trần Thu
Trang), Sợi xích (Lê Kiều Như), Cho em gần anh thêm chút nữa,
Yêu anh bằng tất cả những gì em có - Mất anh bởi tất cả những thứ em cho (Gào), Đời
callboy (Nguyễn Ngọc Thạch); những tác phẩm văn học đồng tính đẫm mùi nhục
thể như Dị bản (Keng), Lạc giới (Thuỷ Anna), Les -
vòng tay không đàn ông (Bùi Anh Tấn), Một thế giới không có đàn bà (Bùi
Anh Tấn), Song song (Vũ Đình Giang), Không lạc loài (Phạm
Thành Trung)… đã làm hiện lên bức tranh đậm màu tính dục trong văn chương đương
đại.
Không khó để tìm thấy những cảnh sex trong các tác phẩm ngôn
tình được dịch, được viết trong đời sống văn chương những năm gần đây. Độc giả
của loại truyện này gọi các cảnh sex trong truyện là “H văn” (H = hot scene - cảnh
nóng). Rất tiêu biểu cho dòng ngôn tình này là Diệp Lạc Vô Tâm - một tác giả
Trung Quốc, sinh năm 1980, cực hot với 11 tác phẩm đã dịch ở Việt Nam và có lượng
người hâm mộ vô cùng đông đảo.
Trong những tác phẩm của cô, yếu tố sex là không thể thiếu. Bạn
đọc Việt Nam hâm mộ Diệp Lạc Vô Tâm dĩ nhiên không chỉ vì sex trong sáng tác của
cô, tuy nhiên, đó là thứ gia vị đặc biệt cho tất cả độc giả - mà đa phần, là những
người trẻ tuổi (3). Cùng với Diệp Lạc Vô Tâm, Phỉ Ngã Tư Tồn, Cố Mạn, Tân Di Ổ
là những tác giả đang được giới trẻ Việt Nam yêu thích.
Chưa kể, chiếm bộ phận rất lớn, đang xuất hiện sôi động trong
cộng đồng văn học mạng là những tác phẩm tạm gọi là truyện teen, ngôn tình,
xuyên không, võng du, huyễn huyễn, khoa huyễn, trọng sinh, lịch sử, kiếm hiệp,
tiên hiệp,… có rất nhiều yếu tố tính dục. Những tác phẩm này có số lượng lượt
view và bình luận khổng lồ.
Có thể điểm ra tại đây những tác phẩm như thế: Hôn trộm
55 lần (Diệp Phi Dạ - 13050202 lượt view), Tổng giám đốc xin anh nhẹ
một chút (Quai Quai Băng - 3329544 lượt view), Cô vợ tổng giám đốc xinh đẹp
của tôi (Mai Can Thái Thiếu Bình - 7830898 lượt view), Người tình nhỏ
bên cạnh tổng giám đốc (Hàn Trinh Trinh - 4666556 lượt view), Hợp đồng
hôn nhân 100 ngày (Thượng Quan Miễu Miễu - 7991765 lượt view) (4),…
Những tác phẩm trên diễn đàn này không đề rõ người dịch (có
thể được dịch qua hình thức convert), tác giả mang những cái tên khá đặc trưng
của dòng truyện ngôn tình. Những cảnh liên quan đến sex trong tác phẩm giữa tổng
giám đốc và nhân viên, ông xã và cô vợ là tổng giám đốc,… phản ánh những hình
dung đẫm chất lãng mạn của giới trẻ về những mối quan hệ thượng lưu, đặc biệt.
Những chàng trai, cô gái trong truyện là những người thành đạt,
xinh đẹp, có cuộc sống giàu sang, những cảnh sex diễn ra trong khung cảnh sang
trọng, lãng mạn,… Có những mối quan hệ thậm chí cảnh nóng xuất phát là bạo hành
hay miễn cưỡng, nhưng cuối cùng lại có kết cục tốt đẹp, giới trẻ gọi là “ngược
rồi ngọt” hoặc “happy ending” (HE).
Độc giả của những tác phẩm dạng này rất đông, hàng triệu lượt
view và hàng ngàn lượt comment đã nói lên điều đó. Công chúng bày tỏ sự quan tâm
đến cốt truyện, số phận nhân vật, tính cách nhân vật và kết cục của câu chuyện.
Trong bài báo Sex đội lốt ngôn tình, tác giả Duy Hiên
đưa ra nhận định: “Các tác phẩm có trộn “H văn” dạng này khi đăng tải trên mạng
lập tức nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ cộng đồng mạng. Dù tiêu đề có được
người dịch đánh dấu 16+, 18+ nhưng độc giả đông đảo nhất vẫn là lứa tuổi thiếu
niên. Không chỉ đọc, các bạn trẻ còn thể hiện niềm hâm mộ cuồng nhiệt đối với
thể loại tiểu thuyết này thông qua những bình luận sôi nổi từng truyện trên các
diễn đàn. Ngày ngày các em tuổi mới lớn ngóng chờ từng chương truyện được dịch
và đăng lên, chương nào có “H văn” thì số bình luận vọt tăng cao và sôi nổi hẳn.
Trên facebook còn xuất hiện khá nhiều những Hội của người yêu tiểu thuyết ngôn
tình, Hội các nhóm dịch tiểu thuyết ngôn tình… để chia sẻ cho cộng đồng với lượng
fan không kém gì K-Pop cả về số lượng lẫn độ cuồng nhiệt” (5).
Trong thơ, từ đầu Đổi mới với những tác phẩm của Dư Thị Hoàn,
Phạm Thị Ngọc Liên, sau này là những tên tuổi trẻ trung, táo bạo hơn như Vi Thuỳ
Linh, nhóm Ngựa trời, những tên tác phẩm như Anh ngủ thêm đi anh, em phải
dậy lấy chồng, Yêu lần nào cũng đau (Nồng Nàn Phố),… cũng nhặt thưa, đậm
nhạt những yếu tố tính dục.
Trong một tọa đàm về thơ trên web và blog tại thành phố Hồ
Chí Minh, với sự có mặt của khá đông các nhà thơ trẻ khu vực phía Nam, vấn đề
sex được đặc biệt quan tâm. Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, đó là sự giải
phóng bản ngã, sự xác lập giới tính của con người đương đại. Sự biến thái, thác
loạn, thân thể trong thơ blog, web là biểu hiện của một hình thái sống trong sự
ngột ngạt, bức bối của đời sống đương đại (6).
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong một ý kiến ngắn cũng bày tỏ
quan điểm khuyến khích các động thái phát huy những sắc thái táo bạo trong thơ:
“Tôi nghĩ đời sống đang cởi mở hơn dẫn đến những quan niệm cởi mở hơn trong
sáng tạo thi ca. Thơ ca ngợi vẻ đẹp thân thể hay những vấn đề bao quanh tính dục
rõ ràng là đang được đề cập nhiều hơn từ phái nữ. Có thể dẫn chứng cụ thể là
thơ Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… và nhiều tác giả trẻ khác. Tính dục không đơn
thuần là chuyện sex mà rộng hơn giải tỏa nhiều vùng bí ẩn, kỳ bí trong đời sống
con người. Nhu cầu của đời sống cũng chính là nhu cầu của văn chương. Và đó
cũng là xu hướng dân chủ hóa của văn học. Tôi nghĩ cần phải vỗ tay hoan hô tất
cả những gì thuộc về con người” (7).
Thơ sex thực ra là một cách gọi hết sức phiến diện, thậm chí
chỉ là cách gọi có tính câu view của truyền thông trước các tác phẩm thơ mang yếu
tố dục tính. Vấn đề ở đây, sex trong thơ nói riêng và trong văn học nghệ thuật
nói chung là câu chuyện của tâm thức thời đại. Đó không chỉ là một đề tài hay cảm
hứng, đó là nhu cầu nhân sinh, xã hội. Sex, những câu chuyện của thân thể, giới
tính, không gì khác là những tự thuật, “tự thú” của con người về nhu cầu giải
phóng, bày tỏ bản thể, bản năng, khát vọng thành thực hay nhu cầu, ham muốn của
bản thân.
Sex trong văn chương chỉ là một phương cách, một lối ra của
những ẩn ức, những dồn nén từ nhu cầu tự thân chủ thể sáng tạo nhưng lại hướng
đến nhu cầu của cộng đồng. Sự kìm nén quá lâu trong vẻ đạo mạo của lễ giáo, đạo
lý đã khiến cho nhu cầu bày tỏ những rung cảm thân thể trở nên hấp dẫn, lôi cuốn
hơn.
Nếu không quá lời, có thể nói, sex trong các tác phẩm văn học
đương đại đang được xem là một yếu tố không thể thiếu. Ngay cách đặt tên tác phẩm
đã cho thấy những gợi dẫn về những câu chuyện tình yêu, quan hệ có liên quan đến
tình dục, vốn khá phổ biến trong cộng đồng mạng, giới trẻ.
Theo thống kê của Google, “Việt Nam là quốc gia tìm kiếm
"SEX" số 1 thế giới vào năm 2009. Tuy thứ hạng đó đã sụt giảm vào những năm tiếp
theo, tuy nhiên tên quốc gia Việt Nam vẫn luôn ở trong top 10. Cụ thể là đứng
thứ 8 năm 2014” (8). Đây không còn là vấn đề của văn chương nữa mà là vấn đề của
xã hội, văn hóa, thậm chí là lịch sử Việt Nam.
Truyền thống khắt khe với tình dục, xem là việc xấu, cấm kị,
vi phạm thuần phong mĩ tục, những ràng buộc trong phong tục, tập quán, đạo lý,…
đã đẩy tình dục vào phía tối, phía bị che giấu, bị chê trách hay khinh miệt.
Trong khi nhu cầu, khát vọng của con người là có thực. Càng như thế, vấn đề này
lại càng trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng trong một xu thế mở.
Con người trong bối cảnh đương đại có nhu cầu được bày tỏ
mình một cách toàn diện, cụ thể. Nhận ra chính mình là tư cách của hiện hữu, mà
trước hết trên thân thể của chính mình - đó là điều đầu tiên con người nhận thấy
sau thời gian dài che đậy, giấu giếm, kìm nén. Trên các phương tiện thông tin đại
chúng, nhất là báo chí, vấn đề sex trong văn chương được bàn đến khá sôi động.
Những bài viết với tiêu đề như Sex tràn vào văn học, Sex
trong văn chương, Văn chương thời nay không có sex không bán được, Dục tính
trong văn học... có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng internet. Điều đó nói lên sự
quan tâm của cộng đồng đối với hiện tượng này cũng như sự xâm thực của sex vào
đời sống và văn chương.
Văn học đại chúng có đặc tính gần gũi với văn học thị trường,
hoặc là một phân khúc, một phiên bản của văn học thị trường. Sự xuất hiện của
sex, thân thể trong văn học đại chúng, về mặt xã hội là một hiện tượng bình thường.
Chưa bàn đến giá trị nghệ thuật của những tác phẩm có yếu tố sex, chỉ dừng lại ở
thị hiếu công chúng trước một đề tài, một phương thức biểu hiện, điều rút ra từ
những lượt view, comment, tira ấn hành,… đã cho thấy thị hiếu của công chúng đối
với dòng văn chương này.
Nhu cầu khám phá, bày tỏ của con người từ góc độ thân xác
trong truyền thống văn chương nghệ thuật thế giới là không xa lạ, nhưng với xã
hội Việt Nam, nơi tình dục còn là một vấn đề nhạy cảm và khiến cộng đồng phải
tò mò, sex lại trở nên một câu chuyện có sức lôi cuốn. Sự hiện diện của nó đặt
ra nhiều vấn đề thuộc về nhân sinh, nghệ thuật cho chúng ta hơn là những khoái
cảm tức thời.
Chú thích:
1. Trần Văn Toàn, Hành trình vào triết học, Nxb Tri thức, Tu
thư Hoa Sen, 2009, tr. 50.
2. Không chỉ trong nước mà một số trang web của người Việt ở
nước ngoài cũng đặt vấn đề tính dục, thân xác trong văn chương… thu hút được
nhiều trao đổi của các cây bút đến từ các không gian khác nhau.
3. “Tại buổi giao lưu, câu hỏi được nhiều bạn trẻ quan tâm đã
được đặt ra cho tác giả, rằng: Những trải nghiệm về sex được viết rất nhiều
trong các tác phẩm của chị có phải là trải nghiệm bản thân? Vô Tâm đã thật thà
trả lời cô hoàn toàn không có nhiều kinh nghiệm, có điều ngay khi những tác phẩm
có đề cập vấn đề này được đăng tải online lần đầu tiên, hàng triệu người hâm mộ
đã ủng hộ cô nhiệt tình, họ mong muốn được đọc nhiều hơn. Và thế là: “Tôi cố viết
cho hay, dù mỗi lần viết những đoạn này tôi thường phải tìm một chỗ thật vắng để
không ai để ý và dễ bề... tưởng tượng. Nhưng vì các bạn, tôi sẽ cố gắng!” - cô
nói trong tiếng hò reo, vỗ tay ào ạt của hàng ngàn người hâm mộ Việt”. Nguồn:
Minh Trang, Bão truyện ngôn tình, giới trẻ say sưa, phụ huynh lo lắng,
http://tuoitre.vn.
4. Những tác phẩm này trên diễn đàn http://webtruyen.com, được
gắn thông báo hoàn thành, lượt view được tính đến thời điểm chúng tôi khảo sát:
15h ngày 22/5/2017.
5. Duy Hiên, Sex đội lốt tiểu thuyết ngôn tình,
http://plo.vn.
6. Đông Dương (lược thuật), Tục tính trong… thơ trẻ hôm nay,
http://www.nguyenhuuhongminh.com.
7. Yên Khương, Vấn đề chỗ đứng cho thơ sex,
http://vietvan.vn.
8. Hoàng Thu, Người Việt Nam thuộc top đầu thế giới về tỷ lệ… xem
sex, http://ytevietnam.edu.vn.
12/9/2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét