Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Chất thơ của hình tượng người đàn bà trong thơ Vũ Thị Minh Thu

Chất thơ của hình tượng người đàn bà 
trong thơ Vũ Thị Minh Thu
Cảm nhận đầu tiên đến với tôi khi đọc thơ Vũ Thị Minh Thu cho thấy tác giả này có một hồn thơ tinh tế, dung dị, giàu nữ tính và duy cảm. Điều quan trọng, thơ trữ tình của chị có chất thơ, có thi ngôn, thi tứ và giầu thi ảnh là những yếu tố quan trọng làm nên một bài thơ, một gương mặt thơ.
Cho đến nay, tác giả Vũ Thi Minh Thu đã in 3 tập thơ “Có một thời để nhớ” - NXB Hội Nhà văn năm 2014; “Khúc hát ru” - NXB Hội Nhà văn năm 2016; “Miền hoa nắng” - NXB Hội Nhà văn năm 2019. Ngoài ra, chị có nhiều thơ in trên các báo như: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Người Hà Nội, báo Người Cao tuổi và nhiều báo khác.
Trong hơn ba chục năm làm nghề giáo viên, thơ ca đã đến với chị như một định đề của nghiệp “Trồng người” với những trăn trở về bảng đen, phấn trắng, với câu hỏi tự vấn trong bài thơ “Cái thước” dưới đây:
Đời bao nhiêu cái cong
Cớ sao mi lại thẳng?
Đường đời không bằng phẳng
Thác ghềnh và gieo neo
Cái thẳng tìm ở đâu
Sau cái nhìn đằm thắm
Hay là sau nét phấn
Uốn cho đời thẳng ngay
(Cái thước - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Cái mong muốn dùng nét phấn của mình để uốn cho đời thẳng ngay trong câu thơ nói trên bao đời nay vẫn là mơ ước nhân văn của nhiều thầy, cô khi bước lên bục giảng. Những tâm sự, những trằn trọc, những kỷ niệm gắn bó với bao lớp học sinh và mái trường thân yêu trong nghiệp “trồng người” đã mang đến cho thơ Vũ Thị Minh Thu một khoảng trời riêng sáng trong với nhiều dự cảm tốt lành:
Khắc kỷ niệm vào tim
Những ngày thơ mộng nhất
Tán bàng thôi xao xác
Bằng lăng già lặng im
Ngẩn ngơ chiếc bảng đen
Phấn nằm yên trong hộp
Nét chữ nào nghuệch ngoạc
Ký tên trên áo trò
Tà áo dài mộng mơ
E ấp sau khung cửa
Bạn - tôi thành thiếu nữ
Giữa trưa hè nắng tươi
Dù có đi muôn nơi
Vẫn nhớ về trường cũ
Nơi ta từng gắn bó
Suốt hành trình tuổi thơ
(Tan trường - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Sau những bài thơ năm chữ ngọt ngào và nhiều xúc cảm, tôi cho rằng cái chất thơ chính lắng đọng của thơ Vũ Thị Minh Thu lại nằm trong những bài thơ lục bát khá nhuần nhuyễn và giầu biểu cảm chiêm nghiệm mà bài thơ viết về nhà thơ Hàn Mặc Tử dưới đây là một dẫn chứng khá thuyết phục:
Đồi thi nhân, viếng thi nhân
Một chiều ngược gió mây vần vũ mây
Vẳng trong ngọn cỏ, lá cây
Tiếng ai kể khúc đắng cay phận người
Thi nhân ở trốn cao vời
Trong tay đức mẹ ru hời giấc tiên
Biển xanh sóng hát dịu êm
Hình như thôn Vĩ trăng lên mái lầu
Cô em gánh thóc qua cầu
Trời chang chang nắng sao đầu bỏ không?
Gạo chưa trắng, nước chả trong
Nào ai đã thoát qua vòng trầm luân
Cả đời tìm một chữ “xuân”
Bây giờ “xuân chín” thi nhân xa rồi
Tâm hương thắp đỏ góc trời
Câu thơ bỏng rát lòng người vẫn đây
(Viếng mộ Hàn Mặc Tử - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Những bài thơ lục bát như trên cho thấy nữ tác giả này là một cây-thơ lục bát khá tài hoa với cách chọn chữ, gieo vần khá kỹ và sắp xếp các hình ảnh thơ, các cảm xúc thơ trong một bố cục có chủ ý của mỗi bài. Nói như vậy để thấy, tác giả Vũ Thị Minh Thu đã vượt được qua giai đoạn “bản năng thơ” để hướng tới giai đoạn “tiềm năng thơ” được khai phá bởi những “kỹ năng thơ” bước đầu trong việc dựng tứ thơ cho mỗi bài trong một “nhãn quan thơ” của ý tưởng:
Hỏi vay chút nắng của trời
Chút mưa của đất, chút lời của thơ
Vay xưa- một chút ngu ngơ
Và nay - vay chút dại khờ tuổi hoa
Tình cờ mây trắng lượn qua
Vay luôn một chút cho xa hóa gần
Đôi bờ một dải sông Ngân
Ngưu Lang - Chức Nữ âm thầm đợi nhau
Vay nỗi nhớ - Vay niềm đau
Vay ân tình cũ nặng sâu trong lòng
Vay em một chút má hồng
Ngàn năm sau trả…Nợ lòng còn mang
(Vay - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Với kiểu dựng tứ thơ như bài “Vay” nói trên, nếu tác giả thơ quá lạm dụng một kỹ thuật không còn mới theo cách phát triển bài thơ trên một đề từ như “Vay” rồi “Nợ” đến “Đòi” rồi “Trả”… thì sẽ tạo ra một hiệu ứng “sáo rỗng mới” trong thơ mà người viết không dễ nhận ra, để đôi khi lại cứ ngỡ đấy là sự sáng tạo trên một đề từ. Thơ lục bát ở dạng trữ tình tự sự đã được Vũ Thị Minh Thu ghi nhận như một tiếng lòng, một điệu hồn với rung động nội tâm có khi chỉ bằng một đôi nét chấm phá:
Vô tình
tay chạm
phải tay
Trái tim
loạn nhịp
Ô hay
Vô tình
Mắt ai
chạm phải
mắt mình
Sóng đâu
mà đất
vô tình
ngả nghiêng!
(Vô tình - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Cũng với những xao động con tim đầy nữ tính, nhưng ở trong bài thơ tình “Giữ em lại đi anh!”, tác giả đã chọn được một tứ thơ khá độc đáo khi nói về sự rung động thổn thức của một người nữ trước tình cảm của người khác phái dành cho mình. Cái hay của tứ thơ này chính là tâm sự chân thành đã nâng cao vẻ đẹp của một người đàn bà khi nói với người thân yêu hãy tìm cách giữ trái tim chị lại, bởi tình yêu đích thực của người đàn bà chỉ dành riêng cho một người, bất chấp những khoảnh khắc xao lòng trong cuộc đời.
Giữ em lại đi anh
Khi em đang lưỡng lự
Khi em chưa gục ngã
Khi tim còn biết đau
Giữ em lại đi anh
Em sắp hư rồi đấy!
Trái tim đang run rẩy
Khi người ta đến gần
Lòng dạ cứ bồn chồn
Mong mỗi chiều gió lặng
Khi hoàng hôn buông xuống
Em đợi chờ nhành xuân
Giữ em lại đi anh
Đừng để em xa mãi
Chẳng như xưa khờ dại
Khi nhìn vào mắt nhau
Lẽ nào người đến sau
Lại hơn anh nhiều thế
Một nghìn đêm có lẻ
Cho chuyện tình mong manh
Giữ em lại đi anh
Em sắp hư rồi đấy…
(Giữ em lại đi anh - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Từ trữ tình cảm xúc muốn được sẻ chia, khơi gợi đến trữ tình tâm trạng mong được vỗ về, đồng cảm đã làm nên chất thơ của nỗi đời, nỗi người trong không ít bài thơ của nữ tác giả này.
Chiều nghiêng nắng, đổ ra sông
Chị ngồi bến vắng mà hong tóc thề
Gió lùa ngọn cỏ ven đê
Ngỡ chân ai bước lối về ngõ hoang
Đưa tay lược, chạm trăng vàng
Bâng khuâng chị níu mấy hàng cỏ lau
Thuyền trăng trôi ngược về đâu
Mà cô quạnh bến, mà đau đáu lòng
(Bến vắng - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Trong bài thơ trên, nỗi buồn cứ phảng phất lưu dấu trong từng câu, từng chữ, từng hình ảnh nhưng nó không nặng nề đến độ bi thiết khi người đàn bà ngồi bên dòng sông cuộc đời, chợt thấy duyên phận của mình chỉ là một bến vắng mà ánh trăng tình yêu từ thuở tóc thề đã một đi không trở lại. Bài thơ ngắn mà đọng, hơi thơ tưởng dịu nhẹ mà lại chan chứa, tình thơ ngỡ thoáng qua mà còn lay động, vậy là đủ sức khắc họa, đủ sức ghi dấu cho một hình tượng thơ là “người chị” còn trở đi, trở lại trong thơ Vũ Thị Minh Thu:
Chị về soi bóng vào chiều
Nhuệ Giang lơ lửng niềm yêu thuở nào
Gói tình dải yếm đem trao
Để mây theo gió bay vào mênh mông
Lỡ rồi qua một khúc sông
Đò xưa, bến vắng…mình không thấy mình
Dở dang một gánh mưu sinh
Chiều nay có kẻ tự tình cùng mưa…
(Tự tình - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Mấy câu cuối của bài thơ trên cho thấy chất thi sĩ đã làm nên gương mặt thơ của nữ tác giả này. Hình như thơ đối với chị không chỉ là những khoảnh khắc ngẫu hứng được gợi lên cảm xúc hướng ngoại mà còn là sự rung động sâu sa, tự vấn của tâm trí hướng nội mà bài thơ “Người đàn bà trong đêm” sau đây cho thấy Vũ Thị Minh Thu đã có đủ phẩm chất của một tác giả thơ với đầy đủ ý nghĩa đích thực của nó:
Người đàn bà khắc khoải trong đêm
Tấm chăn mỏng không đủ ngăn làn gió
Nó rung lên theo từng nhịp thở
Nghe nao lòng sẽ sắt lúc đầu đông
Người đàn bà ngước mắt ngó mông lung
Đêm dày đặc không một lời đáp lại
Đâu mất rồi chuỗi ngày xa ngái?
Đêm lạnh lùng như một kẻ vô tâm
Người đàn bà đối diện với tháng năm
Tim rạn vỡ khi mùa đông chợt đến
Người ra đi với bao hứa hẹn
Mà nay còn tăm cá, bóng chim thôi
Đã đi tìm khắp chốn cùng nơi
Đêm buông xuống với tấm tình hoang oải
Chiếc lá rơi sao không về cội
Nghiêng ngả chốn nào trong bão táp mưa sa?
Người đàn bà vùng vẫy trước phong ba
Băng tuyết cuốn trôi dòng đời xô đẩy
Không gian lạnh lùng tìm hoài đâu thấy
Xa mất rồi ngày tháng… tuổi xuân ơi
(Người đàn bà trong đêm - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Qua mấy bài thơ nói trên, cho thấy hình tượng người đàn bà là một chủ thể trữ tình, một chủ thể cảm xúc chính trong thơ Vũ Thị Minh Thu với nhiều góc độ yêu thương, nhiều nỗi niềm, nhiều ẩn ức, nhiều trăn trở, dằn vặt, nhiều nỗi người cần được sẻ chia, thông cảm. Đó cũng là hình tượng của người Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho chồng con, cho quê hương, cho những năm tháng đau khổ, gian truân trên cõi đời này mà bài thơ “Nhớ mẹ” của chị đã ghi khắc công ơn lớn lao của người mẹ bằng những vần thơ:
Một ngày se lạnh giữa đông
Gió đìu hiu gió, cánh đồng ướt sương
Lọc từng tấc đất quê hương
Tìm trong sâu thẳm nắm xương mẹ hiền
Mảnh cong nào giống lưỡi liềm
Nuôi con mẹ giấu nỗi niềm khổ đau
Mảnh nào kể khúc nông sâu
Thờ chồng, nuôi mẹ, áo nhàu vá vai
Mảnh nào mỏng, mảnh nào dai
Nước non gánh cả hai vai hao gầy
Bao lần giặc bắt tù đày
Tấm thân còn một khúc này mà thôi
Nhẹ bàn tay chút em ơi!
Mẹ đang yên giấc dưới trời quê hương
Đã đành hai ngả âm dương
Muốn đi cách núi, về - đường mắc sông
Đời người sắc sắc, không không
Hèn, sang cũng tấm lụa hồng mà thôi
Tiễn Người về phía xa xôi
Khói trầm cay mắt. Mẹ ơi! Thôi đành!
(Nhớ mẹ - thơ Vũ Thị Minh Thu)
Sau 3 tập thơ đã in, tôi có cảm nhận tác giả Vũ Thị Minh Thu đang bước vào giai đoạn chín tới và sung sức nhất của đời thơ mình. Điều quan trọng, trong những bài thơ sắp tới, chị phải làm mới thơ mình bằng cách vượt lên những cảm xúc trữ tình duy mỹ đã trở nên dễ dãi, sáo mòn của thơ vần điệu để thắp lên mạch thơ mới nghiêng về phía khắc họa lý trí bằng những hình tượng thơ mới, biểu tượng thơ mới hướng tới đời sống xã hội của con người đương đại những tháng năm này.
HAI BÀI THƠ CỦA TÁC GIẢ VŨ THỊ MINH THU IN TRÊN TRANG THƠ DỰ THI CỦA BÁO VĂN NGHỆ SỐ 31 RA NGÀY 1-8-2020:
KHÔNG CẦN CHO TÔI
Tôi biết anh không còn là của tôi
Từ buổi sáng ngày hôm ấy
Cô ta nói với tôi: anh là của cô 
Rằng anh yêu cô hơn mạng sống của mình
Anh cần cô ta như cơm ăn, nước uống, như khí trời để thở
Tôi không có gì anh cần ngoài đôi bàn tay và mối tình đã cũ
Thứ tình yêu không thể sẻ ra để ăn
Không để được trên bàn cho anh nhìn thấy
Vậy tôi cần gì cho anh?
Không còn như thời chiến tranh
Cũng không như thời xưa người ta nói “túp lều lý tưởng”
Anh xa tôi.
Phải rồi anh xa tôi
Không tiếc nuối
Không níu giữ 
Tôi lao vào bóng đêm của sự tuyệt vọng
Trong mơ tôi tự nói với mình:
Anh  không cần cho tôi.
LỜI CỦA SÓNG
Em thầm thì với anh
Lời của sóng nói về biển cả
Lời con thuyền nói cùng đại dương
Lời của  con thú hoang
nói về những cánh rừng yên tĩnh
Em dại dột bên anh
Để trái tim nói lời sâu thẳm
Rằng sóng muốn hôn bờ
giữa biển lớn mênh mông
Em dữ dằn với anh
Khi anh là con thiên nga bay vào biển bão
Bỏ lại trên bờ...
sự trống trải cô đơn
Khi anh về bên em
Ngôi nhà bình yên
không sóng lớn
Em dịu dàng bên anh
Áp bờ môi nóng bỏng
Mặc cho sóng xô bờ
Giữa cát trắng mênh mông…
 Hà Nội tháng 6-2020
Nguyễn Việt Chiến
Theo http://vanvn.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những trường đại học của tôi 2XXX

Những trường đại học của tôi 2 Kèm theo lời nói, cánh tay trái lông lá của ông ta làm điệu bộ giống như chém vào không khí, còn tay phải t...