Về một thế hệ thơ đổi mới
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, sau mốc Đổi
mới kinh tế - xã hội Việt Nam năm 1986 khoảng một thập kỷ, đã bắt đầu xuất hiện
một số nhận định, phỏng đoán một cách hào hứng, có thể có một cuộc “cách mạng
thi ca” vào đầu thế kỷ 21.
Như thơ Việt từng chứng kiến cuộc bứt phá, thiết lập một thi
đàn Thơ mới trước 1945, đó là những thay đổi căn bản cho hành trình thơ hiện đại
Việt Nam. Tất nhiên, cuộc cách mạng thơ vào đầu thế kỷ 21 như một vài phỏng
đoán đã không xảy ra mà còn có cơ “nguội” hơn… ở thời điểm hiện tại sau 30 năm
đổi mới, sau những bung phá ngôn từ, giọng điệu, các phương cách tiếp cận, soi
chiếu và biểu hiện mới mẻ khác nhau của cảm xúc, hệ mỹ cảm… ở lớp nhà thơ sau
1975, so với chính họ những năm 90 và đầu những năm 2000 háo hức, nhiệt huyết,
tư duy thơ mới lạ, trường liên tưởng sâu rộng... cả những tuyên bố khá ồn ào,
to tát về cách tân thơ Việt, về việc khai tử thi pháp cũ và “chôn” truyền thống.
Nhưng nó cũng chứng tỏ, đã có một cuộc “bứt phá” mới; sự chuyển động và chuyển
hướng khá chủ động, mạnh mẽ, đa dạng, đa thanh sắc trong thơ Việt từ chính nội
lực, sự câu thúc bên trong dòng chảy văn học và ngoại cảnh, vươn tới những
không gian sáng tạo mới, đa tầng, khoáng đạt, năng động và biến ảo hơn. Nói tóm
lại, sự thay đổi và chuyển động quan trọng nhất, không gì khác là đổi mới tư
duy, nội dung, cảm thức, phương thức, tổng hợp lại là thi pháp. Mà sự mới, sự
vươn lên, bao giờ cũng thuộc các thế hệ trẻ kế tiếp. Tất nhiên rồi, vì họ trẻ,
là sức trẻ và được sống trong môi trường tính chất xã hội khác, không gian sáng
tạo khác đã mở ra khoáng đạt, cởi mở hơn.
Đổi mới văn học nói chung và thơ Việt nói riêng, lấy mốc 30
năm từ 1986, đã có và có lẽ sẽ còn cần nhiều ý kiến tiếp tục trao đổi, nghiên cứu
đánh giá… để khẳng định cái thành của nền, những gò, đỉnh và hiệu ứng của nó
trong đời sống, cũng như những hạn chế hoặc khuất lấp mà phải có thời gian mới
sáng lộ, tôi chỉ góp vài ý kiến khái lược, dưới góc quan sát và cảm nhận của một
người sáng tác, trước hết cho chính mình.
Tất nhiên, nền tảng đổi mới kinh tế - xã hội, tâm thức xã hội,
sự vận động của thời đại mới, cánh cửa hội nhập với thế giới mở ra, đặc biệt là
sự giao thoa, hội nhập văn hóa... là những nhân tố chủ đạo, quyết định và thúc
đẩy sự đổi mới của tinh thần, tư tưởng nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng.
Đổi mới cũng là yêu cầu tự nhiên, tự thân của người sáng tác, mỗi chủ thể quyết
định phương pháp sáng tác, sự tìm tòi của riêng mình, đáp ứng với đòi hỏi tự
thân và của xã hội. Đổi mới văn học không phải cứ hô mà đổi ngay được, cũng
không có lộ trình (có xu hướng) vì thơ là những khoảnh khắc rung động của cảm
xúc, lóe sáng của ý tưởng. Nói cách khác, thơ là sản phẩm, là thi điệu của tâm
hồn, được tích tụ từ trầm tích các tầng văn hóa và thái độ ứng xử với văn hóa.
Nó khác với việc thay đổi mẫu mã hàng hóa, công nghệ nhanh nhạy, cần đáp ứng
ngay của xã hội công nghiệp. Sự du nhập Tân hình thức, hay Hậu hiện đại vào ta
muộn hơn phương Tây nhiều thập kỷ chứng minh cho điều ấy. Một dân tộc yêu thơ,
say mê thơ ca nhưng hàng ngàn năm, do hoàn cảnh lịch sử - địa lý chịu ảnh hưởng
Nho giáo, nhiều thập niên phải dồn cho “cây lúa và cây súng”, những thế phận lầm
lũi dai dẳng của con người xã hội nông nghiệp: “Ông lão dong trâu đi bừa/ Là
con ông lão ngày xưa đi cày” (Trần Ngọc Thụ) … đã chứng minh cho đổi mới là
công cuộc không hề dễ dàng.
Tôi có một người thầy dạy học, khi nghĩ về cách tân thơ, ông
dẫn ra một câu ca dao:
“Đời cha cho chí đời con
Đẽo vuông rồi lại vót tròn mới nên”
Câu ca dao có giá trị như một cách ngôn của ngàn năm Nông
nghiệp và Nho giáo, đã trở thành định chế tư duy, thành nếp nghĩ: Mọi thứ đều
“có trước có sau, có trên có dưới, có trật tự”. Nó cũng có những giá trị tích cực
là biết “nhìn trước, trông sau” trong ứng xử văn hóa; nhưng lối tư duy đã thành
nếp với cái trật tự lạ lùng, đầy ý nhị răn bảo, đẽo vuông nhưng lại phải vót
tròn cho “phải nhẽ” cản trở tự do sáng tạo - Tự do là điều kiện tiên quyết để
thi ca cất cánh. Sự “phải nhẽ” còn ảnh hưởng, biến thể đến tận ngày nay, ở câu
nói dân gian hiện đại: “Hà Nội không vội được đâu”. Vì thế, ở phạm vi hẹp, đổi
mới thơ là việc không dễ, nó vô cùng gian nan, đã nhiều trái tim rớm máu, trả
giá đắt vì đẽo vuông (có thể coi là đổi mới) nhưng chưa biết hoặc chưa chịu vót
tròn, ở những thời điểm lịch sử khác nhau, trước mốc đổi mới 1986. Bởi vậy,
chúng ta có quyền nâng niu và trân trọng những thành quả và giá trị của thơ
trong những nỗ lực cộng hưởng làm thay đổi trật tự kìm hãm của tư duy cũ, vươn
tới những tư tưởng nghệ thuật mới mẻ, hiện đại, cởi mở, đa dạng… như tự nhiên
đã cấu thành và còn nhiều bí ẩn cho khám phá, sáng tạo.
Từ những đặc tính trên, ngay cả khi xã hội Việt Nam đã “hậu
hiện đại” rồi thì chưa chắc thơ Hậu hiện đại đã kết duyên với người đọc Việt, bởi
còn do sự khác nhau của những nền văn hóa, những nét đặc thù văn hóa. Tính chất
văn hóa quyết định thái độ tiếp nhận các trào lưu, hoặc chối từ, hoặc biến cải
nó thành cái của mình (như thơ Tây vào Việt Nam), hoặc cam phận “nô dịch” (thơ
Đường trong thời gian dài, cho đến bây giờ vẫn còn nhiều câu lạc bộ thơ Đường
ra đời). Trong thực tế, không phải đến năm 1986 mới có đổi mới thơ, mặc dù đổi
mới xã hội, động giục xã hội quyết định cho sự thay đổi tương thích tinh thần
nghệ thuật, giá trị văn hóa nhưng nó không phải là đồng nhất. Sự chuyển hóa tự
thân ở ngay những nhà thơ thế hệ chống Pháp như Nguyễn Đình Thi, Trần Dần, Lê Đạt,
Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Chính Hữu, Quang Dũng…, hay những nhà thơ thế hệ chống
Mỹ vượt qua “dàn đồng ca” thơ vì nghĩa lớn của thế hệ mình trong sự vận động của
thơ như các nhà thơ Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Duy, Bằng
Việt, Nguyễn Đức Mậu, Thi Hoàng, Nguyễn Trọng Tạo, Vũ Quần Phương, Ý Nhi, Trần
Nhuận Minh, Y Phương, Lê Văn Ngăn, Từ Quốc Hoài, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thành Nghị…
đã tự làm mới mình từ sau 1975, trước cái mốc 1986 cả chục năm, và là những năm
sáng tác sung sức nhất, ấn tượng nhất của số đông lớp nhà thơ này. Một số các
nhà thơ trong số ấy vẫn tiếp tục có những tác phẩm xuất sắc, đồng hành cùng thế
hệ nhà thơ sau 1975: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Khoa Điềm…
Những tác phẩm thành danh của lớp nhà thơ chống Mỹ như ta biết,
hầu như đều được viết sau 1975, chiến tranh kết thúc. Có thể nói, đó là những
bước chuyển ban đầu của nền thơ chủ yếu là thơ yêu nước và đánh giặc, cần cổ
vũ, cần đồng tâm hiệp lực, cần cái chúng ta đồng điệu, “nhịn” cái tôi, cuộc sống
đời thường gần gũi và những khát vọng khác… (cũng rất tự nhiên, do hoàn cảnh điều
diễn) để dồn cho trách nhiệm công dân cao cả nhất là giải phóng dân tộc. Khi đời
sống xã hội “đặc thù” chiến tranh thay đổi (đây là tác nhân quan trọng nhất),
các nhà thơ có những “khoảng lặng” điềm tĩnh nhìn lại, soi chiếu lại hệ hình mỹ
cảm cũ, có điều kiện tiếp cận với thế giới hơn, thơ Việt từ cái “phông” thơ thời
chiến “cây lúa và cây súng”, cái tôi sử thi hoành tráng và lãng mạn chuyển sang
cái tôi trữ tình, cái tôi bản thể đa diện và biên độ ngày càng mở ra sâu rộng,
mới mẻ hơn mà vẫn giữ được tâm thế chủ đạo, trách nhiệm nhà thơ với cái chung của
cộng đồng xã hội.
Cũng bắt đầu từ đây, như một cộng hưởng trên cái phông thơ
đang chuyển động, làm khác trước ở của những nhà thơ thế hệ chống Mỹ, đã xuất
hiện lứa các nhà thơ sau 1975 (tạm quy ước), mà độ tuổi của họ sinh từ nửa cuối
những năm 50 đến thập niên 60, tiếp tục làn sóng đổi mới với những cung bậc
tình cảm, “tiết tấu” biểu hiện bạo và mới lạ hơn, đa dạng hơn trong ngôn ngữ,
thủ pháp, phương thức biểu cảm. Lứa các nhà thơ trẻ 7x, 8x còn “bạo động” hơn về
chữ, hình ảnh, liên tưởng khác lạ. Họ, sự chuyển động tiếp biến từ số các nhà
thơ chống Mỹ đổi mới, hoặc chuyển kênh khác biệt… mà nhà thơ Hữu Thỉnh thường
hay nói đến chữ “Lật cánh”, nghĩa là hướng bay hoàn toàn khác, không còn ở những
kinh độ bay cũ. Họ, trong bài tham luận của nhà thơ Trần Nhuận Minh, ông đã gọi
thơ của các nhà thơ thế hệ này là “Thơ mới thời kỳ thứ hai” (sau Thơ mới 1932 -
1945) và cho rằng Nguyễn Quang Thiều là người mở đầu thời thơ này và dẫn: “Có
thể kể ra đây nhiều tên tuổi xuất hiện sau ông ít lâu (Nguyễn Quang Thiều), như
Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình
Phương, Đặng Huy Giang, Vi Thùy Linh, Lê Vĩnh Tài, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thị
Ánh Huỳnh, Đinh Thị Như Thúy… và nhiều nhà thơ khác nữa”. Tất nhiên, còn nhiều
cái tên khác: Dương Kiều Minh, Inrasara, Giáng Vân, Trần Anh Thái, Trần Quang Đạo,
Tuyết Nga, Trương Nam Hương, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Phan Hoàng… mới
làm nên đội ngũ để có thể khẳng định một thế hệ nhà thơ “Thời Thơ mới thứ hai”.
Trong số các nhà thơ của thế hệ này, vì những lý do nào đấy họ chỉ mới dừng lại
ở hiện tượng, thậm chí có người lâu rồi không thấy viết, hoặc viết không còn được
sự tươi mới, ấn tượng như những công bố đầu tiên, họ chưa thành tác giả.
Trần Nhuận Minh định danh “Thơ Mới thời kì thứ hai” cho thơ
và thế hệ các nhà thơ sau 1975 “là trân trọng và muốn đánh giá đúng những
đóng góp tích cực của nó. Và như thế, phải đặt nó sau “Thơ Mới thời kì thứ nhất,”
để tìm ra một lời giải cho cái nó đạt được và còn chưa đạt được. Đây là lần
thứ hai, thơ hiện đại Việt Nam được nạp thêm một nguồn năng lượng mới” (trích
tham luận TNM). Quan điểm của nhà thơ Trần Nhuận Minh là mới, có lẽ ông là người
đầu tiên đưa ra định danh cho thơ thời kỳ Đổi mới này và có thể sẽ có nhiều
tranh cãi quanh nó nhưng nó cũng khẳng định về một trào lưu, thành quả mà thế hệ
này đạt được.
Hội thảo Quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” của Đại học Văn
hóa Hà Nội cuối tháng 4/2016, nhiều tham luận cũng đã khẳng định thế hệ thơ này
là chủ lực/ chủ thể của văn học Đổi mới. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà thơ
Hữu Thỉnh phát biểu kết luận Hội nghị: “Đến bây giờ tôi có thể nói, thế hệ các
nhà thơ sau 1975 là chủ thể của Đổi mới. Tôi tin, họ sẽ có những cây đại thụ của
thế hệ mình”. Vì sao lại thế, vì lượng mà thế hệ này tạo ra, lượng biến thành
chất; nhưng quan trọng hơn vì tính chất, đặc trưng chủ đạo, sự khác biệt của
thơ Đổi mới mà thế hệ này tạo ra, so với trước đây.
Tôi không có điều kiện trích dẫn để minh chứng cho các ý kiến
trong bài viết này (dành cho một dịp khác), xin tóm lược những nét chung nhất về
cái mà thế hệ các nhà thơ và thơ Đổi mới quan tâm: Cái tôi trữ tình, cái tôi bản
thể, cái tôi tính dục... được quan tâm triệt để. Phương thức biểu hiện: Cả đổi
mới trên cơ sở truyền thống, cả hiện thực và lãng mạn, ấn tượng, tượng trưng,
siêu thực… Vấn đề và thi cảnh quan tâm: Mọi lĩnh vực đời sống; con người quá khứ,
hiện tại và tương lai tiềm ẩn, con người được là mình, con người trong thế giới
siêu hình, tâm linh; đặc biệt, đây là giai đoạn “đời thường” ở nhiều góc cạnh
được soi chiếu, cởi thoát, kể cả đời sống tính dục và hình ảnh miêu tả mà lâu
nay kiêng kị để biểu cảm, chiêm nghiệm, khái quát. Cấu trúc đa dạng: Thơ văn
xuôi điệp câu, trùng phức miên man; thơ tự do ngắn dài, ngắt câu, không viết
hoa, không chấm phảy, ít tính từ, ít mượt mà, nhiều động từ, đảo câu và các thủ
pháp tu từ chủ động… Về loại hình: Từ lục bát truyền thống đến thơ Tự do, thơ
Ngữ âm, Tân hình thức, Hậu hiện đại, Trình diễn, Sắp đặt... đều được “tung
hoành” hoặc trình xuất thể nghiệm. Chưa bao giờ có sự giao thoa, hội nhập đông
đủ các hình thức thơ ta, thơ Tây đông đủ thế. Nhưng về cơ bản, hình thức thơ
không mới, đều là các mô thức thơ phương Tây đã trải qua lâu và nhả bã ra rồi
(xã hội nông nghiệp Việt Nam không có chủ thuyết, trường phái). Nói như vậy để
chúng ta bớt huyễn hoặc mình.
Có thể nói những năm 1990 và 2000 là giai đoạn “bung phá”
ngôn ngữ, thơ sáng tạo nhiều ngữ nghĩa mới. Sự đổi mới thơ phá vỡ nhiều khuôn mẫu
hình thức, tất yếu dẫn đến sự “thống soái” của thơ tự do với thủ pháp biểu hiện
phong phú: Nói ngược, giấc mơ, đồng hiện, mờ chồng, trần trụi, gợi, tính vần và
nhạc điệu bên trong câu chữ, hoặc không vần, huyền ảo... để biểu đạt cái đích
mà bài thơ muốn hiển đạt.
Những đổi mới của thơ từ 1986 cũng chính là thành tựu của thơ
Đổi mới, với việc phản ảnh cuộc sống phong phú, đa diện, từ cái cao cả, thánh
thiện đến cuộc sống đời thường ở nhiều hướng soi chiếu; đặc biệt là đời thường
bình dị, bé nhỏ nhưng được là chính nó, được bình đẳng trong thế giới hiện hữu.
Có người cho rằng hạn chế của thơ Đổi mới, thế hệ nhà thơ sau
1975 là tâm thức vụn vặt, mờ nhạt trách nhiệm công dân. Theo tôi, điều này khó
tránh khi các nhà thơ chủ động đi vào cuộc sống đời thường đa phức, ngoại biên…
những vấn đề mà thế hệ thơ chống Mỹ ít hoặc không được đề cập. Cũng có người mượn
cái mác đổi mới, che giấu sự trống rỗng sau cái vỏ sủng soảng, hỗn độn, mù mờ
câu chữ hoặc chui vào cái rọ “huyễn hoặc”, bí hiểm của mình, quá vịn hình thức.
Chúng ta tôn trọng mọi cách biểu cảm và thể hiện, kể cả coi thơ mình là thơ
chơi, thơ giải trí. Nhưng khi đã công bố tức là anh hướng đến bạn đọc, dù số
đông hay số ít bạn đọc, như W. Szymborska (nữ nhà thơ Ba Lan, giải Nobel 1996),
“Đêm tác giả” của bà cũng chỉ có 12 người nghe, một nửa trong số đó là trú mưa,
một nửa là thân quyến nhưng nhà thơ vẫn đọc thơ mê say, nghĩa là nhà thơ có
trách nhiệm với bạn đọc, dù chỉ vài người. Mà bạn đọc thơ bây giờ đang ở thời đầy
thách thức với văn hóa đọc và sự bùng nổ của công nghệ giải trí, như công nghệ
giải trí Hàn Quốc đang “xâm thực” thi trường, thị hiếu Việt Nam bằng uy lực “sức
mạnh mềm văn hóa” chẳng hạn.
“Tình trạng hờ hững với thơ đương đại không chỉ diễn ra ở Việt
Nam. Đặng Tiến, nhà phê bình hải ngoại, đã viết về tình trạng đọc thơ ở Pháp:
“Điều làm cho quảng đại quần chúng lơ là với thơ mới, thơ đương đại là ngôn từ
trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói ngày ngày của họ; và khi vượt
qua ngôn ngữ ấy thì họ gặp phải một nội dung riêng tư, lạ lẫm, không can hệ gì
đến vận mệnh của họ. Thơ đương đại nói chung xa rời những ưu tư thực tế,
kinh tế, xã hội, chính trị của con người, do đó, họ tìm đến những ca khúc - là
nghệ thuật của quần chúng - không những vì ngôn từ bình dị mà còn vì nội dung gần
gũi”. Và ở Mỹ: “Alec Schachner, nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia (New York)
cho biết những người Mỹ bình thường không dành thời gian cho thơ, “họ thấy thơ
ca, đặc biệt thơ hiện đại, là quá mịt mù, quá khó khăn để đọc hiểu hoặc giải
khuây”, do đó, thơ hiện đại Mỹ thường chỉ có trên mạng hoặc xuất bản trên máy
in cá nhân với số lượng hạn chế” (trích mạng).
Về văn hóa thơ, hồi tôi còn làm báo Gia đình và Xã hội,
trong một phỏng vấn nhà thơ Bằng Việt về thơ trẻ Việt (thời điểm những năm
2000) đã bắt đầu xuất hiện khá nhiều: thèm chồng, khỏa thân, kinh nguyệt, “miền
phụ khoa ẩm ướt” và nhiều câu bạo hơn (ở nhóm tạm gọi là Tân hình thức, Hậu hiện
đại), vốn kiêng kỵ trước đó, theo ông thì sao? Nhà thơ Bằng Việt trả lời: “Khỏa
thân cũng không sao, hình thể là vẻ đẹp mà tạo hóa ban cho phái đẹp. Nhưng nếu
cởi ra mà nó... xấu quá thì nên “đậy lại”. Cái “nên đậy lại” là văn hóa, nhiều
khi là giới hạn rất mong manh mà nhà thơ có trách nhiệm với con chữ của mình.
Thơ Đổi
mới đã làm được nhiều việc đáng cổ vũ, như nhà thơ Trần Nhuận Minh đã đề cập một
phần ở trên. Cái quan trọng nhất vẫn là đổi mới tư duy nghệ thuật, thi pháp
thơ. Và dù thi pháp và hình thức biểu hiện nào thì muôn thuở của văn học là cái
đẹp và tính nhân văn. Còn cái đẹp, còn vì số phận con người, vì tính thiện thì
còn thơ. Nếu nói về hình thức, xin trích một câu ca dao từ thời Nguyễn (có người
cho rằng từ thời Minh Mạng) có cách đây gần 200 năm để nói về “hiện đại”:
“Tháng Giêng có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang”
Quần không đáy, như là váy của phương Tây, và bây giờ người
Việt lại quay lại “nở rộ” váy, chỉ có ngắn dài, rộng hẹp khác nhau. Nói về tính
dục, có ai bạo như Hồ Xuân Hương? Về thơ văn xuôi, hãy đọc R. Targo…
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhiều lần nói, cái cuối cùng của thơ vẫn là
“Hay”. Một nhà thơ thế hệ chống Mỹ, Nguyễn Đức Mậu cũng nói: “Thơ chẳng
cao siêu như người ta hoang tưởng/ Nhưng chẳng dễ dàng khi chạm cõi tâm linh”.
Hà Nội, Tháng 5/2016
Trần Quang Quý
Theo http://vanvn.net/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét