Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

"Đạo văn" dưới con mắt của người cầm bút

"Đạo văn" dưới con mắt của người cầm bút

“Đạo” (văn/thơ/nhạc/họa…) là một vấn đề được nhắc đến khá nhiều trên báo chí trong nước thời gian qua, gây sự chú ý của cả giới sáng tác lẫn đông đảo độc giả yêu nghệ thuật.
“Cây thơ” Thanh Tâm Tuyền tại sân thơ trẻ, Văn Miếu, 
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V (2007), do Phan Huyền Thư viết.
Mới đây, talawas đã đăng tải bài viết của nhà phê bình Hoàng Ngọc Tuấn (Úc) về chuyện “đạo văn” của nhà thơ Phan Huyền Thư (trong poster Thanh Tâm Tuyền, Ngày Thơ Việt Nam), và thư xin lỗi của Phan Huyền Thư.
Hai bài viết đó, vì “sức nặng” vấn đề mà nó đặt ra, một lần nữa đưa “đạo văn” vào tâm điểm của sự quan tâm.
Nhân dịp này, NCTG đã đặt câu hỏi sau cho một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cũng như những cây bút, CTV của báo: trên tư cách người cầm bút, họ có quan điểm như thế nào về vấn đề “đạo” nói chung, hoặc/ và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại.
Sau đây là phần trả lời của một số tác giả.
* LÊ MINH HÀ (nhà văn - Berlin):
Hoàng Ngọc Tuấn đúng khi cất lời lên án từ Úc. Phan Huyền Thư “khôn” khi nói lời xin lỗi ở Việt Nam. Nếu chúng ta thống nhất rằng cái nước mình nó thế, và Internet muôn năm.
Tôi thấy ai thích thì cứ nói thôi. Cô Phan Huyền Thư rất có thể chả tâm huyết hay có “ý đồ” gì trong việc này. Làm việc và có khi, kiếm cơm thôi. Mà kiếm cơm ở Việt Nam cần rất nhiều thứ, cần nhất là không được ở “đỉnh cao trí tuệ”, không được profi. Nhưng là người làm thơ, có thể không đọc thơ nhau nhưng đọc thơ nhiều, lý nào không biết ông Thanh Tâm Tuyền là ai. Nên việc Phan Huyền Thư đưa tên ông ấy vào, theo tôi, cũng muốn “luồn lách” để vượt lên cái tầm tầm. Có điều, không thể làm khác được (như Hoàng Ngọc Tuấn yêu cầu). Nếu đã nói thì phải đủ và đúng thì ở Việt Nam chắc còn lâu lắm mới tới cái ngày đó. Khéo ông Hoàng Ngọc Tuấn lúc đó hết sức nói rồi.
Internet cho người ta ẩn danh, nhưng buộc người có danh phải giữ mặt trước một đám đông đông hơn nữa. Nên Phan Huyền Thư xin lỗi là đúng và “khôn”, và câu chuyện chưa kịp tới cao trào sẽ kết thúc nhanh chóng. Tốt cho cô ấy, chưa chắc tốt cho Hoàng Ngọc Tuấn vốn thích tư duy trên vấn đề thật “nổ”.
* NGUYỄN THỦY MINH (tiến sĩ, giảng viên, tác giả nhiều truyện ngắn, thơ… - Hà Nội)
Ý kiến của tôi về đạo văn (tiếng Anh: plagiarism) (từ quan điểm của một người làm nghiên cứu, chứ không dám nhận là người cầm bút): không chấp nhận được, không thỏa hiệp được, không có lý do bao biện!
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có những người đạo văn có ý thức, nhưng cũng có những người không ý thức được là mình đang đạo văn vì họ không có khái niệm thế nào là đạo văn.
Ở nước ngoài, nếu chép nguyên một đoạn văn của người khác mà không để vào ngoặc kép thì kể cả có trích dẫn tên tác giả vẫn bị coi là đạo văn (vì đây không phải là lời văn của anh). Còn việc chép ý tưởng mà không trích dẫn nguồn thì đương nhiên là đạo văn rồi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì chúng ta không có một “văn hóa” tôn trọng quyền tác giả nên khái niệm đạo văn còn rất mơ hồ với nhiều người. Chỉ lấy ví dụ trong giáo dục, từ bậc phổ thông không được dạy thế nào là đạo văn (không phải chỉ chép nguyên xi mới là đạo văn, như tôi đã nói ở trên), làm thế nào để tránh bị rơi vào trường hợp đó. Sự “vô ý thức” hình thành nên một thói quen xấu là cứ thấy ở đâu có cái gì hay thì chép lại và vô tư “quên” ghi nguồn. Khi chấm bài, nhiều khi tôi gạch cả đoạn trong bài của sinh viên và bảo: “Em đạo văn”, làm các em ngớ người ra, “như thế là đạo văn hở cô, chúng em không biết…”
Trở lại trường hợp của Phan Huyền Thư, tôi không rõ động cơ đạo văn là gì, do thiếu hiểu biết hay có những điều khó nói ở “hoàn cảnh riêng” của cô ấy. Nhưng ở đây, Phan Huyền Thư đã có lời xin lỗi công khai trên báo thì tôi nghĩ, độc giả nên nhìn nhận một cách rộng lượng hơn.
Nhưng, đáng phê bình nhiều hơn nữa là những kẻ núp danh làm khoa học, nghệ thuật đã đạo văn của người khác mà còn ngoan cố không chịu thừa nhận. Ở nước ngoài, nếu sinh viên đạo văn là bị đuổi học, giảng viên mà đạo văn là mất việc, nhà văn mà đạo văn thì phải bồi thường “chết thôi”, nên sự đạo văn cũng hạn chế bớt.
Tôi nghĩ chỉ khi nào Việt Nam thực thi Luật Tác giả một cách nghiêm túc thì may ra mới hết vấn nạn này!
* TỪ NỮ TRIỆU VƯƠNG (nhà văn, nhà báo - Hà Nội):
Chẳng có gì đáng nói! Vì như tôi biết, từ thời Thơ Mới đã bị ảnh hưởng của Pháp. Đến kháng chiến thì theo một cái ba-rem: 10 truyện giống nhau cả 10. Hiện đại có khác nhau, nhưng khác nhau nhưng vẫn trong một vũng nước: chuyện trùng ý tưởng, trùng câu, đoạn là chuyện bình thường. Và mấy đứa mới tập viết như tôi gọi đấy là “văn chương đương đại”.
Copy hay “đạo” thì sẽ không thành vấn đề nếu tác phẩm sau đó hay hơn tác phẩm có trước. Còn nếu muốn chấm dứt tình trạng, copy, “đạo” ý tưởng, câu, đoạn văn, cách tốt nhất nên siết về luật. Đừng bắt tôi hay nhiều ai đó khác là “mày không được ăn cắp”, “nếu mày ăn cắp là không tốt” - bắt thế thì thật vui đấy! Tôi và nhiều ai đó vẫn “ăn cắp”. Vì có thể tôi (hay nhiều ai đó) không coi cái “tốt” kia là giá trị, vì giá trị đó có hay không lại phải do văn hóa và góc nhìn.
Cách tốt nhất, nếu muốn tôi hoặc nhiều người không ăn cắp, thì hãy bao bọc cái đấy thật kỹ (có thể qua phương tiện luật pháp). Nhưng mà văn nghệ sĩ nước tôi hiện nay, chỉ cần lời xin lỗi là thu xếp ổn thỏa. Nếu tôi có lỡ chép của anh 1 chương, tôi xin lỗi. Tôi có lỡ lấy ý tưởng của anh, tôi xin lỗi. Hình như văn nghệ sĩ chúng tôi coi trọng chữ “Tín” không nhiều lắm, nên thường xuyên phải “Xin Lỗi”. Mà thôi, tôi cũng phải biết dân mình sống Duy Tình nó quen rồi. Cần cảm thông cho nhau chứ!
Tôi thật tệ! (cười)
* NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (nhà văn - Đức):
Cũng giống như như món xúc xích của Tây, món lạp xường của Tàu hay của ta, muốn ăn ngay cũng được hay là muốn chế biến thêm một chút cho thành các món khác thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu có thái nhỏ ra như người ta vẫn thường hay làm để cho thêm vào nồi xúp mỳ hay vào chõ xôi, và dẫu trong mỳ, trong xôi… còn nhiều loại gia vị khác nữa, thì cũng không vì thế mà không nhận ra hương vị của xúc xích hay là của lạp xường nữa.
Trong cái món (chưa biết gọi tên là gì) được chế biến để tiếp đón các quan khách gần xa trong đêm thơ Nguyên Tiêu vừa qua ở Văn Miếu, Hà Nội… của nhà thơ Phan Huyền Thư, không cần phải là người có khiếu thưởng thức lắm cũng vẫn có thể nhận ra được cái chất của xúc xích hoặc lạp xường có dán mác Đặng Tiến. Ai cũng biết thế. Nhưng cũng không phải vì thế mà cái món (hay cứ tạm gọi là xúp đi) kia của nữ nhà thơ lại kém hấp dẫn. Ngược lại là đằng khác. Vậy thì việc gì mà người ta cứ nằng nặc bắt chị phải đổi món khác. Mà làm sao còn có thể đổi được nữa khi mà ngoài món xúp đã dọn ra, chẳng ai tìm thấy ở trong bếp có món gì khác. Cũng có nhiều người, sau khi thưởng thức thấy ngon ngon (phần nhiều là vì có chất lạp sường của Đặng Tiến chăng?), lại muốn Phan Huyền Thư lấy tên ông mà đặt cho món xúp. Đòi hỏi thế thì cũng khó cho chị. Bởi món xúp này là do chị nấu, chị dọn… không có chị thì cũng chẳng ai trong bữa tiệc hôm ấy biết được cái món lạp xường Đặng Tiến (được dùng làm nguyên liệu kia), là cái gì.
Đã gọi là xúp thịt thì nguyên liệu chính tất nhiên phải là thịt rồi. Và đã gọi là thịt thì dẫu là thịt nguyên chất hay là thịt đã qua một vài công đoạn chế biết… thì về bản chất cũng vẫn chỉ là thịt mà thôi. Hay là cái món lạp xường rất đặc trưng của bác Đặng Tiến không được chế biến từ một loại thịt nào đó? Câu hỏi thật là vớ vẩn!
* NGUYỄN VÕ LỆ HÀ (nhà văn, nhà báo, dịch giả - Hà Nội): 
Trong các loại ăn cắp tôi ghét nhất là những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc!
“Đạo Chích” thường là dùng để gọi những loại kẻ cắp, bọn chuyên lợi dụng khi người ta sơ hở mà len lén rút ở trong túi ta cái ví tiền, hoặc là đột nhập vào nhà ta để lấy đi những đồ vật quý giá. Mất đi tiền nong, vàng bạc châu báu, kim cương, của cải mà ta phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, phải tích lũy bao thời gian, có khi phải đánh đổi bằng cả lương tâm, tình yêu, hạnh phúc của một đời người để có được… Liệu ta có thể không “thâm thù đại hận” những kẻ BẤT LƯƠNG ấy không? Vì, có thể do bị mất cắp mà ta trở thành kẻ khốn cùng…
Nhưng nói gì đi nữa thì tiền bạc của cải vẫn là “vật ngoài thân”, mất hết vẫn có thể làm lại từ đầu nếu quỹ thời gian còn cho phép (nếu đã già thì ta sống nhờ bằng lòng từ thiện của người đời). Còn những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc thì lại khác, bởi vì đó là những sản phẩm của cải phi vật chất: mỗi tác phẩm là “độc nhất vô nhị”, là trí tuệ và tâm hồn của một con người. Theo tôi nghĩ, đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo phim, v.v… là “ăn cắp linh hồn người khác”.
Tội này còn nặng hơn kẻ cắp vật chất, vì họ đã lấy đi niềm tin của người thưởng thức, hâm mộ. Ăn cắp linh hồn của người khác không những bị chính người bị mất cắp thâm thù đại hận, mà còn bị cả số đông những người thưởng thức, hâm mộ căm ghét…
Đó là cái giá mà những kẻ cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc phải trả!
* TRANG HẠ (Đài Bắc):
Phan Huyền Thư không cần phải xin lỗi ai cả!
Việc ông Hoàng Ngọc Tuấn ba lần nhấn mạnh cụm từ “Phan Huyền Thư chép nguyên văn” có thể hiểu là cá nhân ông khẳng định nhà thơ Phan Huyền Thư đang làm một việc không nên làm.
Còn với những người đọc không thích “tầm chương trích cú” như tôi chỉ thấy rằng: cho dù “Phan Huyền Thư chép nguyên văn”, tôi nghĩ chị cũng không cần phải xin lỗi ai cả.
Mục đích của chị đâu phải để kiếm lợi nhuận, nhuận bút, không để mời gọi quảng cáo thương mại. Chị cũng chỉ sử dụng các lời giới thiệu về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền với mục đích để giới thiệu chính nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, việc đó có thể được coi là một sự sử dụng nội dung văn bản rất hợp lý (và hợp tình). Vì thế, nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ có một sơ suất là chưa ghi trích dẫn nguồn thông tin ghi trên cây thơ mà thôi.
Một khía cạnh khác, về việc ông Hoàng Ngọc Tuấn nói “… và cô đã ký tên đến hai lần trên bài viết”, phải chăng là một cách đánh lạc hướng độc giả nhìn theo hướng ông đang nhấn mạnh: “Phan Huyền Thư + chép nguyên văn + ký tên”? Thực tế, Phan Huyền Thư trích dẫn thông tin và vừa là người biên tập vừa là người thực hiện phần nội dung cho cây thơ Thanh Tâm Tuyền. Chị hoàn toàn có quyền ghi tên trên cây thơ với tư cách là tác giả, biên tập, thực hiện và tất nhiên có trách nhiệm về các nội dung chị đã biên tập lại để đưa lên cây thơ đó.
Những nội dung chị Phan Huyền Thư trích dẫn đều có thể được coi là tài liệu công khai, không vi phạm vào việc xúc phạm hình ảnh, tiết lộ đời tư hoặc bóp méo hình ảnh cá nhân của tác giả cũng như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Ngược lại, chị Phan Huyền Thư biên tập lại theo một nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn từ gần gũi với tiếng Việt hiện đại, đó cũng là một đóng góp cho việc truyền bá và trân trọng các giá trị thơ đích thực.
Tóm lại, Phan Huyền Thư chỉ thiếu một dòng chữ này dưới bài: “Nguồn …” hoặc “Trích…”.
Một việc bản chất là Thiện Chí thì không nên phê bằng một cái nhìn Không Thiện Chí!.
17/3/2007
Theo http://nhipcauthegioi.hu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...