Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Xuân Diệu, trước và sau 1945

 Xuân Diệu, trước và sau 1945

Tự lực văn đoàn, nếu sau này kể thêm Trần Tiêu (1900-1954) thì gồm 8 cây bút nổi tiếng thời kỳ 32-45, một giai đoạn thịnh vượng của nền văn học chữ Quốc ngữ.
Các nhà nghiên cứu thường xếp thứ tự trong nhóm Phong hóa, sau đó là Tự lực văn đoàn, căn cứ vào việc có mặt và gia nhập trước sau, thì Nhất Linh, Khái Hưng đứng hàng đầu, kế tiếp là Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ gần như đồng thời góp mặt.Thế Lữ tới với Văn đoàn qua Tú Mỡ, sau khi tờ Phong
Hóa đã về tay Nhất Linh. Qua Thế Lữ, Xuân Diệu bước vào thi đàn và tới với Văn đoàn. Như thế nếu Thế Lữ thường được coi là ngôi sao thứ sáu của Văn đoàn thìXuân Diệu chính là đệ thất tinh của nhóm.
Xuân Diệu tức Ngô Xuân Diệu sinh năm 1916, gốc Trảo Nha, Can Lộc, Hà Tĩnhnhưng ra đời ở Bình Định trong gia đình một nhà nho bình thường. Thuở ấu thơ, ông theo học trường Quy Nhơn và trường Khải Định, đỗ Tú Tài, ra Hà nội và góp mặt trên tờ Ngày nay và được thu nhận vào Tự lực văn đoàn vào 1938.
Nhà thơ qua đời năm 1985, và trước khi chết để lại một số lượng thơ hàng mấy trăm bài, ngoài những thiên nghị luận, biên khảo văn học và bút ký.
Tác phẩm chính của Xuân Diệu trước 1945, gồm hai tập thơ có giá trị là Thơ thơ(1938) và Gửi hương cho gió (1945 ) và một tập truyện ngắn có tên Phấn thông vàng(1939).
Sau 1945, Xuân Diệu tiếp tục làm thơ và từng được một giải thưởng văn học gây nhiều tranh cãi (với tác phẩm Ngôi sao -1955- xem lại phong trào Nhân văn Giải phẩm sẽ rõ).
Ông cũng là tác giả của hai thi tập chạy theo nhu cầu thời cuộc không có mấy giá trị văn học như Một khối hồng (1964) và Hai đợt sóng (1967). Ngoài ra, ông còn viết nhiều tập nghị luận văn học như Đi trên đường lớn (1968) và nghiên cứu văn học như Ba thi hào dân tộc (1959), Phê bình giới thiệu thơ (1960) và Hồ Xuân Hương bà chúa thơ nôm (1961).
Ngày nay, người yêu văn chương chỉ nhớ ông là nhà thơ tiền chiến và là một thi sĩ của tình yêu, có người còn gọi ông là “ông hoàng của thơ tình” vì ông có những lời ca tụng ái tình nồng nàn và nhân bản nhất.
Thực vậy, Xuân Diệu có hàng trăm bài thơ tình và bài nào cũng đậm đà, tha thiết. Khi mới được Thế Lữ chọn bài Với bàn tay ấy đăng trên tờ Ngày nay vào năm 1935, chàng tuổi trẻ họ Ngô, ở tuổi hai mươi (ông sinh năm 1916), đã có những câu thơ ca tụng tình ái cực kỳ lãng mạn và rất nhiều bâng khuâng:
Bóng chiều đi vụt bỗng đêm nay
Tôi lại đa mang hận tháng ngày
Dưới ánh trăng cười tôi kiếm mãi
Dấu bàn tay ấy ở trong tay!
Cho tới khi mái tóc pha sương, bạn bè xa lánh, cơn mê vụt tỉnh, ông lại quay trở về với tình ca và được nhiều người biết với bài Dấu nằm sáng tác năm 1977, có những dòng bộc lộ lửa đam mê còn rực trong tim:
Dấu người yêu, dấu thanh thanh
Mình trong chăn đắp, tóc quanh gối nằm
“Ghe lui còn để dấu dằm”
Người yêu đâu vắng, dấu nằm còn thương!
Từ “dấu bàn tay” tới “dấu nằm”, Xuân Diệu vẫn chẳng khác, vẫn là kẻ đam mê tình ái, một kẻ ham sống theo phương châm “carpe diem” của chủ nghĩa cá nhân chứ chẳng phải là kẻ thích chính trị hay thiên về tư tưởng xã hội.
Nói tới thơ Xuân Diệu không thể không thấy điều này: Bản chất của Xuân Diệu là con người ham sống, yêu đời tới mức độ cuồng nhiệt, nhưng tình yêu nơi ông đồng nghĩa với hưởng thụ thực phẩm trần gian thỏa mãn nhu cầu giác quan chứ không phải thứ tình thanh cao bay bổng.
Đam mê cuộc sống là chất liệu sáng tác rất bền và dồi dào của nhà thơ. Cũng vì thế độc giả không lạ gì khi gặp những hình ảnh yêu cuồng, sống vội phảng phất nguồn cảm hứng của Baudelaire, Rimbaud và Verlaine trong thơ Xuân Diệu tiền chiến như: – Hỡi xuân nồng ta muốn cắn vào ngươi!
– Kẻo uống tình yêu dập cả môi.
– Ta bấu răng vào da thịt của đời
Ngoàm sự sống để làm em đói khát…
Xuân Diệu trong cuộc đời thực sống rất thực tế không mang phong độ của một thi nhân như người ta thường tưởng tượng.
Nhà thơ Đinh Hùng có thuật lại vài giai thoại liên quan đến Xuân Diệu trong tác phẩm Đốt Lò Hương Cũ. Chẳng hạn thói tham ăn của Xuân Diệu:
“Đêm giao thừa Xuân Diệu và Huy Cận rủ nhau về ăn tất niên ở Cẩm Giàng, quê nhà Thạch Lam… Hai thi sĩ cùng thức trắng đêm bên nồi bánh chưng, để rồi khi bánh luộc chín một mình nhà thơ Xuân Diệu đã ăn đúng bốn chiếc bánh chưng lớn còn nóng hổi… chiếc bánh mỗi chiều xấp xỉ 20 phân tây, bề dày cũng ít nhất 3, 4 phân tây!”
“Câu chuyện có thực, chính Thạch Lam xác nhận. Anh chép miệng nói bằng một câu danh ngôn bất hủ ‘Hãy nói cho tôi biết bạn ăn uống ra sao… tôi sẽ bảo bạn rõ bạn là người thế nào!’”
Nguyễn Tuân thuở sinh thời rất kỵ Xuân Diệu, và các nhà thơ nghệ sĩ, trừ Huy Cận, bạn chí thân của Xuân Diệu từ ngày còn học ở trường Khải Định (Quốc Học -Huế), thường coi Xuân Diệu cũng như Nguyễn Đình Thi là kẻ phàm phu tục tử.
Sau 1945, thơ Xuân Diệu xuống dốc thê thảm, ông sáng tác hàng mấy trăm bài mà số bài làm độc giả hài lòng đếm trên đầu ngón tay. Tại sao có hiện tượng này? Nguyên nhân chính là do bản chất họ Ngô lấy mình làm trung tâm nhưng bó buộc phải thích ứng với hoàn cảnh mới quá nhiều áp lực nên thi hứng cạn nguồn.
Hậu thế còn nhớ, trước 1945 Xuân Diệu từng làm bài Cảm xúc, giãi bày quan niệm thơ ca rất tự do và rất lãng mạn của mình. Ta hãy nghe Xuân Diệu lên tiếng về vai trò thi nhân không khác gì Paul Verlaine giảng giải về nghệ thuật thơ ca trongArt Poétique hay Thế Lữ trong Cây đàn muôn điệu:
Là thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến.
….
Tôi chỉ là một cây kim bé nhỏ
Mà vạn vật là muôn đá nam châm.
Nếu hương đêm say dậy với trăng rằm
Sao lại trách nhà thơ tình lơi lả?
Đương thời, đã có người chỉ trích ông gay gắt vì có “một quan điểm văn nghệ lạc hậu và phản động”. Người này chính là lãnh tụ mà ông tôn thờ như “Anh cả”. Ông này chính là Sóng Hồng. Sóng Hồng dù chẳng phải là thi sĩ nhưng đã có một thuở, sau 1945, được coi như lãnh tụ văn hóa, đã châm biếm một cách dữ dội Cảm xúc của Xuân Diệu trong một bài thơ có tên Là thi sĩ:
Nếu “thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”,
Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
Nghĩa là van Thượng đế rũ lòng thương,
Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
Cặp “tuyết lê” hồi hộp trước tình yêu,
Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm góc
Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
Véo von ca cho át tiếng kêu than
Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;
Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa
Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
Tác giả Đề cương văn hóa Việt Nam đã khiến một nhà thơ, vốn thiếu dũng khí nhưXuân Diệu vội vàng nghe theo huấn dụ:
Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.
Từ áp lực của thời thế, Ngôi sao (1955) và Riêng Chung (1960) ra đời. Phải chăngXuân Diệu muốn tỏ ra mình
đã biết dẹp “cái riêng” của mình trước “cái chung” mà xã hội đòi hỏi. Tuy nhiên, dù cố gắng cách mấy chăng nữa Xuân Diệu cũng thất bại. Những tác phẩm mà ông nói về cái “chung” như Một khối hồng (1964), Hai đợt sóng (1967), Hồn tôi đôi cánh (1976), Thanh ca (1982)… vì chạy theo thời cuộc, nên “sinh non ngày thiếu tháng”, tiếp tục ra đời. Ngày nay, không mấy ai nhớ cái “chung” Xuân Diệu đã đóng góp, mà người ta chỉ thích thú cái “riêng” là hàng trăm bài thơ tình của ông mà thôi. Thì ra Xuân Diệu muôn đời là Xuân Diệu có nhuộm màu gì vẫn là Xuân Diệu, nhà thơ của tình yêu và của hưởng thụ.
Nhìn lại toàn cuộc đời của Xuân Diệu, thi nhân đạt tới vinh quang trên đường sự nghiệp trong khoảng thời gian ngắn, những năm trước 1945. Sau đó, những cố gắng của ông trong sáng tác và trong lãnh vực “đời thực” đều thất bại. Không những tác phẩm Xuân Diệu thời tiền chiến bị búa rìu mà những vần thơ thời hậu chiến của ông cũng bị xoi mói như nhận xét sau đây của nhà giáo Hoàng Như Mai: “Cảm hứng mới, đề tài mới, nội dung mới đòi hỏi cách thể hiện mới. Ngòi bút Xuân Diệu không thể đi theo lối cũ đường quen. Xuân Diệu không ngần ngại, luyến tiếc những gì đã xây dựng đài vinh quang cho ông trước kia và cần mẫn mài luyện ngòi bút mới.
“Tất nhiên trên chặng đường sáng tác này, Xuân Diệu còn có những lời thơ vụng về dễ dãi…”
Nhận xét về sự thất bại của Xuân Diệu sau 1945 về cả hai lãnh vực riêng, chung không ai bằng nhà thơ trào phúng hiện đại Xuân Sách (1932-2008). Xuân Sách đã viết về Xuân Diệu chỉ bằng bốn câu mà gói ghém được tất cả bi kịch một đời của nhà thơ tài hoa mà tình thi của ông còn nằm trong ký ức nhiều thế hệ:
Hai đợt sóng dâng một khối hồng
Không làm tan được chút phấn thông
Chao ơi ngói mới nhà không mới
Riêng chẳng có, có gì chung.
Hoàng Yên Lưu
tiểu sử
và sự nghiệp
* XUÂN DIÊU
+ tên thật là Ngô Xuân Diệu, còn có bút danh là Trảo Nha,
+ quê quán làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh
+ sinh ngày 2 tháng 2 năm 1916 tại Gò Bồi, thôn Tùng Giản,
xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
+ Cha là ông Ngô Xuân Thọ và mẹ là bà Nguyễn Thị Hiệp.
* Xuân Diệu lớn lên ở Quy Nhơn.
+ Sau khi tốt nghiệp tú tài, ông đi dạy học tư và làm viên chức ở Mĩ Tho (nay là Tiền Giang),
sau đó ra Hà Nội sống bằng nghề viết văn, là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn (1938–1940).
+ Ông tốt nghiệp cử nhân Luật 1943
và làmtham tá thương chánh ở Mỹ Tho một thời gian trước khi chuyển về ở Hà Nội.
* Bên cạnh sáng tác thơ,
+ ông còn tham gia viết báo cho các tờ Ngày Nay và Tiên Phong.
Ông là một trong những người sáng lập Đoàn báo chí Việt Nam,
nay là Hội Nhà báo Việt Nam.[1]
+ Trong sự nghiệp sáng tác thơ văn của mình, Xuân Diệu được biết đến như là một nhà thơ
lãng mạn trữ tình, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” (Hoài Thanh),
“ông hoàng của thơ tình”.
+ Xuân Diệu là thành viên của Tự Lực Văn Đoàn
và cũng đã là một trong những chủ soái của phong trào “Thơ Mới”.
+ Tác phẩm tiêu biểu của ông ở giai đoạn này: Thơ thơ (1938), Gửi hương cho gió (1945),
truyện ngắn Phấn thông vàng (1939), Trường ca (1945).
Hai tập Thơ thơ và Gửi hương cho gió được giới văn học xem như là hai kiệt tác của ông
ca ngợi tình yêu và qua các chủ đề của tình yêu là ca ngợi sự sống, niềm vui và đam mê sống.
Và ca ngợi tình yêu thì làm sao mà không ca ngợi tuổi trẻ, mùa xuân,
ca ngợi thiên nhiên là tổ ấm và cái nôi của tình yêu.
Và Xuân Diệu cảm nhận sâu sắc đến đau đớn nỗi thời gian trôi chảy,
sự mong manh của đời người cũng như lòng khát khao vĩnh cửu,
tất cả đã được diễn tả bằng những câu thơ xúc động, có khi đậm đà triết lý nhân sinh.
(Huy Cận, tháng 4 năm 2000)
* Năm 1944, Xuân Diệu tham gia phong trào Việt Minh.
+ Sau Cách mạng Tháng Tám, ông hoạt động trong Hội văn hóa cứu quốc,
làm thư ký tạp chí Tiền phong của Hội.
+ Sau đó ông công tác trong Hội văn nghệ Việt Nam,
làm thư ký tòa soạn tạp chí Văn nghệ ở Việt Bắc.
Xuân Diệu tham gia ban chấp hành,
nhiều năm là ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam.
+ Từ đó, Xuân Diệu trở thành một trong những nhà thơ hàng đầu ca ngợi cách mạng,
một “dòng thơ công dân”. Bút pháp của ông chuyển biến phong phú về giọng vẻ:
có giọng trầm hùng, tráng ca, có giọng chính luận, giọng thơ tự sự trữ tình.
Tiêu biểu là: Ngọn quốc kỳ (1945), Một khối hồng (1964), Thanh ca (1982),
Tuyển tập Xuân Diệu (1983).
+ Là cây đại thụ của nền thi ca hiện đại Việt Nam,
Xuân Diệu đã để lại khoảng 450 bài thơ (một số lớn nằm trong di cảo chưa công bố),
một số truyện ngắn, và nhiều bút ký, tiểu luận, phê bình văn học.
* Xuân Diệu từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I.
+ Ông còn được bầu là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm nghệ thuật
nước Cộng hòa dân chủ Đức năm 1983.
+ Ông đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).
+ Tên của ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội,
và cũng được đặt cho một trường trung học phổ thông ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
* Xuân Diệu qua đời ngày 18 tháng 12 năm 1985,tại Hà Nội
.
Tác phẩm
Thơ
• Thơ thơ (1938, 1939, 1968, 1970)
• Gửi hương cho gió (1945, 1967)
• Ngọn Quốc kỳ (1945, 1961)
• Hội nghị non sông (1946)
• Dưới sao vàng (1949)
• Sáng (1953)
• Mẹ con (1954)
• Ngôi sao (1955)
• Riêng chung (1960)
• Mũi Cà Mau – Cầm tay (1962)
• Một khối hồng (1964)
• Hai đợt sóng (1967)
• Tôi giàu đôi mắt (1970)
• Hồn tôi đôi cánh (1976)
• Thanh ca (1982)
Văn xuôi
• Phần thông vàng (1939, truyện ngắn)
• Trường ca (1945, bút ký)
• Miền Nam nước Việt (1945, 1946, 1947, bút ký)
• Việt Nam nghìn dặm (1946, bút ký)
• Việt Nam trở dạ (1948, bút ký)
• Ký sự thăm nước Hung (1956, bút ký)
• Triều lên (1958, bút ký)
Tiểu luận phê bình
• Thanh niên với quốc văn (1945)
• Tiếng thơ (1951, 1954)
• Những bước đường tư tưởng của tôi (1958, hồi ký)
• Ba thi hào dân tộc (1959)
• Phê bình giới thiệu thơ (1960)
• Hồ Xuân Hương bà chúa thơ Nôm (1961)
• Trò chuyện với các bạn làm thơ trẻ (1961)
• Dao có mài mới sắc (1963)
• Thi hào dân tộc Nguyễn Du (1966)
• Đi trên đường lớn (1968)
• Thơ Trần Tế Xương (1970)
• Đọc thơ Nguyễn Khuyến (1971)
• Và cây đời mãi xanh tươi (1971)
• Mài sắt nên kim (1977)
• Lượng thông tin và những kỹ sư tâm hồn ấy (1978)
• Các nhà thơ cổ điển Việt Nam (tập I, 1981; tập II, 1982)
• Tìm hiểu Tản Đà (1982).
Dịch thơ
• Thi hào Nadim Hitmet (1962)
• V.I. Lênin (1967)
• Vây giữa tình yêu (1968)
• Việt Nam hồn tôi (1974)
• Những nhà thơ Bungari (1978, 1985)
• Nhà thơ Nicôla Ghiđen (1982).
Hoàng Yên Lưu
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...