Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Từ góc nhìn văn bản học

 Thơ Nôm Hồ Xuân Hương
Từ góc nhìn văn bản học

“Những kết luận thu được do kết quả nghiên cứu văn bản nhiều khi đã lật nhào những lập luận thông minh nhất của các nhà nghiên cứu văn học” (Đ.X. Likhatsôp).
Quả có như vậy, bởi trong thực tiễn thì công tác nghiên cứu văn bản bao giờ cũng phải là tiền đề của công tác nghiên cứu văn học. Lấy ngay việc nghiên cứu văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà nói; nếu người nghiên cứu không đọc được chữ Nôm, không am tường lý thuyết văn bản học (textologie), thì làm sao có thể tuyển chọn được những bài thơ khả dĩ coi là thơ Nôm Hồ Xuân Hương, trong bộn bề những bản viết tay (manuscrit) hoặc những bản sao (facsimile) đang nằm tản mát trong kho sách Hán Nôm. Mà đâu chỉ giỏi chữ Nôm, chỉ nắm vững lý thuyết văn bản học là đủ làm nghề nghiên cứu thơ văn Hán-Nôm. Với một bài thơ Nôm Hồ Xuân Hương chẳng hạn, nếu không hiểu từ Việt cổ, không nắm vững điển cố văn học Hán, không có tri thức văn hóa-lịch sử dân tộc sâu rộng… thì làm sao có thể chú thích, chú giải chính xác. Mà đã không phiên âm đúng, không chú giải đúng thì nói gì đến việc bình giảng văn học đúng với cái hay cái đẹp của bài thơ…
         Gần đây, xuất hiện công trình Hồ Xuân Hương, con người – tư tưởng – tác phẩm của Hoàng Bích Ngọc (Nxb Văn hóa – Thông tin, H, 2003, 748 trang); được đánh giá “là công trình nghiên cứu đồ sộ công phu… trước Hoàng Bích Ngọc chưa ai làm được đầy đủ, nghiêm túc như thế” (Hồ Sĩ Giàng). Vậy người viết xin lấy ngay công trình hoành tráng này như một lệ chứng để tiện trao đổi về lĩnh vực văn bản học thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
        Trước hết, xin nói ngay, trong bài viết này người viết chỉ bàn về vấn đề văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương, mà không bàn về các vấn đề khác như thơ chữ Hán, tiểu sử, v.v… Trong công trình của mình, Hoàng Bích Ngọc có nêu các tài liệu trích dẫn để tuyển chọn thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương như sau:
 1- Hồ Xuân Hương thi tập. Nhà in Xuân Lan 1913 và 1914 (gọi tắt Xuân Lan 1913, Xuân Lan 1914).
        Theo đánh giá của Hoàng Bích Ngọc thì đây là những bản Quốc ngữ đầu tiên về thơ Hồ Xuân Hương và là tài liệu có độ “trung thực” cao nhất trong các bản thơ Nôm truyền tụng mà chúng ta có được (Sđd, tr.246). Sau đó, tác giả Hoàng Bích Ngọc còn cho rằng 3 tập Xuân Lan hiện còn trong Thư viện Khoa học trung ương là “một tài liệu có giá trị về văn bản học” (Sđd, tr.247).
        Lạ thật! Thơ Hồ Xuân Hương là thơ chữ Nôm, không rõ Hoàng Bích Ngọc căn cứ vào đâu mà đánh giá bản Quốc ngữ Xuân Lan là “tài liệu có độ trung thực cao nhất trong các bản Thơ Nôm truyền tụng mà chúng ta có được” và theo nguyên lý văn bản học nào mà coi là “một tài liệu có giá trị về văn bản học”.
2- Xuân Hương thi tập. Bản khắc ván năm 1921 (gọi tắt: Xuân Hương thi tập 1921, hoặc Khắc ván 1921). Hoàng Bích Ngọc cho biết bản này được ấn hành bởi Phúc Văn Đường. Ở Bản khắc ván 1921 có những bài trùng với Bản khắc ván 1914, nhưng chữ nghĩa chính xác hơn (có ý nghĩa và logic hơn), và cho biết nội dung có các bài sau: 1. Thơ hỏi nguyệt, 2. Thơ gửi cho ông Chiêu Hổ, 3. Thơ ông Chiêu Hổ họa lại…, tổng cộng 73 bài.
         Người đọc thấy tác giả công trình so sánh bản 1921 với bản 1914, lại có nhận xét này nọ, những tưởng tác giả hẳn phải đối chiếu tỉ mỉ giữa hai văn bản. Ai dè, thực tế “nói vậy mà không phải vậy”. Bức ảnh chụp bản Xuân Hương thi tập (Phúc Văn Đường tàng bản)  tr.249, không phải là bản 1921, tức Bản khắc năm Khải Định 6, mà là Bản khắc năm Canh Ngọ, Bảo Đại 6 (1930). Thực ra, cùng là ván gỗ của Phúc Văn Đường, nhưng Bản khắc năm Bảo Đại 6 (1930) với Bản khắc năm Khải Định 6 (1921) có số lượng và thứ tự các bài thơ không hoàn toàn như nhau. Bản khắc 1921 mở đầu là bài Thơ tự tình, rồi đến bài Đề nhị mĩ nhân đồ… Tổng cộng cả thơ Nôm Hồ Xuân Hương và thơ Nôm của các tác gia khác là 42 bài. Bản này hiện có ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, số ký hiệu: VNb 21a. Xin mời Hoàng Bích Ngọc đến tra cứu lại.
        Nếu chúng tôi không lầm, thì Hoàng Bích Ngọc chưa từng tiếp xúc trực tiếp với Bản khắc 1921, mà chỉ lấy theo tư liệu của GS. Nhan Bảo (Những phát hiện mới về Hồ Xuân Hương, NXB. KHXH, H, 2000). Khi photo, Hoàng Bích Ngọc đã che hoặc xóa chữ B ở dưới cột chữ Hán Xuân Hương thi tập, nhưng với con mắt nhà nghề thì vẫn thấy được đó là bản mà ông Nhan Bảo đem từ Pháp về, bởi ở Việt Nam hiện không có bản này. Lý do đơn giản nữa là chỉ cần nhìn tự dạng là thấy khác nhau hẳn. Hơn nữa bản của sách Nhan Bảo, lật tờ bìa trong có ghi rõ: Bảo Đại Canh Ngọ niên tân san. Còn bản của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chữ “Xuân Hương thi tập” ở cột giữa, bên tả có cột chữ Phúc Văn Đường tàng bản, bên hữu có cột chữ Phụ: Danh gia ca vịnh, và trên cùng trang giấy có dòng chữ in ngang: Long phi Tân dậu Xuân tân san. Đó là những yếu tố văn bản mà người nghiên cứu văn bản học không thể bỏ qua khi xem xét một văn bản cụ thể.
 3- Quốc âm thi tuyển. Bản khắc ván năm 1914 (và 1909) (gọi tắt: Khắc ván 1914 và Khắc ván 1909).
      Theo giới thiệu của tác giả Hoàng Bích Ngọc thì bản này hiện có ở Thư viện Hán Nôm, bản khắc có kèm theo phiên âm ra chữ Quốc ngữ, gồm 39 bài. Hoàng Bích Ngọc còn cho biết ông Hoàng Xuân Hãn cũng có bản này, nhưng số trang ít hơn, gồm 27 bài… Sau khi miêu tả tờ bìa Bản khắc ván 1914, theo miêu tả của Hoàng Xuân Hãn, tác giả Hoàng Bích Ngọc kết luận: “Như vậy, trang đầu của cuốn in khắc ván mà Hoàng Xuân Hãn có, giống như trang đầu của Bản khắc ván 1914 có trong Thư viện Hán Nôm (bản chụp hình ở trên); nội dung 29 bài đầu cũng giống hệt nhau (và giống Bản khắc ván 1909), và số lượng bài của bản khắc ván mà Hoàng Xuân Hãn có ít hơn so với bản khắc ván trong Thư viện Hán Nôm là 10 bài (10 bài cuối)” (Sđd, tr.249).
        Đọc qua đoạn văn giới thiệu văn bản Bản khắc ván 1914 hiện đang được lưu trữ ở Thư viện Hán Nôm, cùng với những thông tin về nội dung văn bản như: có kèm theo phiên âm ra chữ Quốc ngữ gồm 39 bài, rồi cả bản chụp hình trang bìa,… người đọc nói chung chắc sẽ vô cùng tin tưởng vào sự nghiêm túc của quy trình khảo sát văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Hoàng Bích Ngọc. Tuy nhiên, với chúng tôi thì lại không khỏi có những nghi vấn cần trao đổi với tác giả. Trước hết, nếu đã biết Bản khắc ván 1909, thì tại sao tác giả không giới thiệu bản này mà lại giới thiệu một bản có niên đại muộn hơn – tức bản 1914. Xem bức ảnh chụp trang bìa Quốc âm thi tuyển thì cột bên trái ghi là Phụ: Danh gia ca vịnh, trong khi tác giả lại dẫn giải là Phụ: Danh gia thi ca (Thi ca nhà có tiếng). Như thế rõ ràng là hai bìa không khớp nhau. Đến số lượng bài, Hoàng Bích Ngọc cho biết bản của Thư viện Hán Nôm gồm 39 bài và có liệt kê cụ thể từ bài 1: Vịnh chơi chùa (Thực ra nguyên văn là Du cổ tự) cho đến bài 39: Người khất cái (Thực ra nguyên văn là Vịnh khất cái). Nhưng thực tế, bản của Thư viện Hán Nôm, mang số ký hiệu VNb 77, lại gồm 44 bài, tức là sau bài Vịnh khất cái, còn có 5 bài nữa chưa được Hoàng Bích Ngọc để mắt tới. Khảo cứu văn bản như vậy rõ ràng là thiếu cẩn trọng, và khó tránh khỏi người ta có thể quy kết tác giả chỉ là “ăn theo nói theo” chứ không sờ mó văn bản thực sự.
 4- Di cảo A. Landes 1893 (gọi tắt Landes 1893).
     Tác giả Hoàng Bích Ngọc căn cứ theo Hoàng Xuân Hãn trong phần phụ của bài viết Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long (Tập san Khoa học xã hội, Paris, số 10-11, tháng 12-1984) để giới thiệu nội dung các bài thơ Nôm Hồ Xuân Hương, mà theo Hoàng Xuân Hãn, là do Antony Landes, một người Pháp làm giám đốc Trường thông ngôn ở Sài Gòn, thuê chép vào năm 1892. Tác giả có dẫn lời bình giải, phân tích nội dung các bài thơ Nôm này của Hoàng Xuân Hãn, và liệt kê danh mục các bài thơ ấy, gồm tất cả 57 bài, được ông Hoàng Xuân Hãn gọi là “Di cảo Landes”.
        Chúng tôi thì không lạ gì cái tên Antony Landes (1850-1893), bởi đây chính là người đã dịch truyện thơ Nhị độ mai ra tiếng Pháp (Les pruniers refleuris; poème Tonkinois traduit par Antony Landes, Saigon, 1883). A. Landes cũng là người đã sưu tầm, biên soạn bằng tiếng Pháp nhiều truyện dân gian Việt Nam, chẳng hạn:
– Contes et légendes annamites (NXB. Thuộc địa, Saigon, 1886), trong đó có truyện Tấm Cám sưu tầm ở Nghệ An.
– Contes Tjames (Truyện cổ tích Chăm) in tại Saigon, 1887…
        Nhưng việc Landes thuê chép thơ Nôm Hồ Xuân Hương thì chưa thấy có tài liệu nào cho biết. Thiết nghĩ đây là việc của Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (École Française d’Extrême – Orient) đâu phải việc của A. Landes. Không rõ ông Hoàng Xuân Hãn căn cứ vào tài liệu nào mà cho biết như vậy? Bởi giả dụ A. Landes nếu có làm việc đó thực, thì Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) cũng không thể được chứng kiến, vì A. Landes đã chết đuối ở sông Sài Gòn từ ngày 23/2/1893. Vậy thông tin của ông Hoàng Xuân Hãn về cái gọi là “Di cảo Landes” thật khó tin. Mà đọc kỹ lại ý kiến của ông về Di cảo này thì toàn là ngôn từ giả định: “Chắc là trong thời kỳ này y – tức Landes – thuê một người Việt tên Lê Quý góp thi văn Nôm, rồi chép vào giấy lệnh…” (Sách của Hoàng Bích Ngọc, tr.251). Hoặc “Cũng có thể, khi Landes chưa ra Bắc, y đã tổ chức sự sao chép này rồi” (Sđd, tr.251). Rõ ràng đó chỉ là những lời phỏng đoán của Hoàng Xuân Hãn, làm sao có đủ chứng lý để tin được cái gọi là “Di cảo Landes” như một nguồn văn bản được chép sớm nhất về thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
        Ấy vậy mà tác giả Hoàng Bích Ngọc, vốn là một nhà khoa học tự nhiên, thích bàn về tính khoa học, tính logic trong thơ Hồ Xuân Hương, lại có thể nhắm mắt tin theo không hề băn khoăn gì về cái gọi là “Di cảo Landes”. Kể cũng lạ!
 5- Giai nhân di mặc của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, 1916.
       Theo Hoàng Bích Ngọc, đây là cuốn sách Quốc ngữ ra đời sau cuốn Xuân Lan 1913. Nội dung đã dẫn giải, tiểu thuyết hóa và tuyển chọn được 47 bài thơ Hồ Xuân Hương. Cũng theo tác giả thì đây là cuốn sách đã chi phối rất cơ bản việc nghiên cứu, tuyển chọn thơ Hồ Xuân Hương trong suốt thế kỷ XX.
 6- Văn đàn bảo giám 1932 (in lần thứ ba) kèm theo danh mục 51 bài… Không thấy Hoàng Bích Ngọc bình luận gì về tài liệu này.
 7- Đại Nam đối thi giống bản Landes 1893 – phần C có tên đề Hồ Xuân Hương thi tập. Sau đó là phần liệt kê tên các bài thơ, gồm tất cả 49 bài… Không thấy tác giả bình luận gì, cũng không cho biết xuất xứ của tài liệu.
8- Nam âm thi tập giống bản Landes 1893 – phần A có tên đề là “Phụ lục tạp ký Quốc âm thi tập”. Sau đó là phần ghi tên 16 bài thơ. Không thấy tác giả phân tích, dẫn giải gì. Cũng không cho biết xuất xứ tài liệu.
 9- Đại Nam đối liễn thi tập giống như bản Landes 1893 – phần B có tên đề Đại Nam đối liên thi tập. Tác giả dẫn theo nhận xét của Hoàng Xuân Hãn, đánh giá đây là một tài liệu tạp nham những chuyện văn thơ liên hệ đến các danh nhân, trong đó có một số liên hệ đến Xuân Hương. Tiếp đó tác giả liệt kê một danh mục gồm 36 bài thơ. Không có thêm lời dẫn giải, phân tích. Cũng không cho biết xuất xứ tài liệu.
 10- Các cuốn nghiên cứu tuyển thơ Hồ Xuân Hương từ đầu thế kỷ đến năm 2000, có kê trong phần Tài liệu tham khảo.
       Như vậy, trong 10 nguồn tài liệu mà tác giả Hoàng Bích Ngọc dùng làm cơ sở cho việc tuyển chọn thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, thì có 4 tài liệu là chữ Quốc ngữ, một tài liệu không rõ lai lịch, diện mạo được gọi là bản Landes, còn 5 tài liệu mặc dầu có tên gọi Hán Nôm, song đều chưa đạt yêu cầu về văn bản học như chúng tôi đã nêu nhận xét cụ thể. Với các tài liệu số 7, số 8, số 9, Hoàng Bích Ngọc đều nói giống bản Landes, nhưng giống như thế nào thì không thấy nêu cụ thể. Hơn nữa, với tài liệu số 9, tác giả lại dẫn lời của Hoàng Xuân Hãn đánh giá đây là “một tài liệu tạp nham”. Như vậy giống bản Landes cũng có nghĩa là giống một loại tài liệu tạp nham. Một nguồn tài liệu tạp nham như thế sao còn dùng để làm cơ sở tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương? Nhân đây chúng tôi cũng xin nói thêm về cái gọi là bản Landes. Hoàng Bích Ngọc dẫn lời Hoàng Xuân Hãn cho biết, bản Landes cũng có ở Thư viện Viện Viễn Đông bác cổ Pháp. Vậy tại sao Maurice Durand, một học giả Pháp làm việc tại Viện Viễn Đông bác cổ Pháp (1947-57), mà trong công trình L’œuvre de la poétesse Vietnamienne Hồ Xuân Hương (Paris, 1968) – Tác phẩm của nữ thi sĩ Việt Nam Hồ Xuân Hương, lại không hề biết gì đến “Di cảo Landes”. M. Durand đọc chữ Nôm khá tốt (cũng có những chữ đọc chưa chuẩn), ông đã dịch thơ Nôm Hồ Xuân Hương ra tiếng Pháp, có khảo dị, chú thích nghiêm túc, nhưng chỉ lấy bản Lĩnh Nam quần hiền văn thi diễn âm  tập (AB.398) làm bản nền (texte de base), và tham chiếu thêm các dị bản (variantes) của các bản Quốc văn tùng ký (AB.383), Liệt truyện thi ngâm (AB.147)… theo đúng phương pháp biên khảo văn bản học. Qua đây, chúng tôi càng thấy cái gọi là “Di cảo Landes” chỉ là sự phỏng đoán thiếu chứng tích lịch sử, và do đó không đáng tin cậy. Chúng tôi cũng đã thấy tài liệu Nam âm thi tập (trong đó chép thơ Nôm Hồ Xuân Hương), trang bìa có ghi “Lê Quý phụng tả” (Lê Quý vâng mệnh chép), nhưng không ghi rõ là vâng mệnh ai, và cũng không ghi năm tháng sao chép. Đây là tài liệu do GS. Nhan Bảo sao chụp từ Thư viện Viện Viễn Đông bác cổ Pháp tại Paris (Sđd). Và cái tên Lê Quý cũng chính là tên người Việt được ông Hoàng Xuân Hãn đoán là người đã chép thuê tài liệu cho A. Landes. Chỉ đáng tiếc là ông Hoàng Xuân Hãn khi nói về chuyện sao chép này lại không sao chụp văn bản Nôm kèm theo, nên rốt cuộc cái gọi là “Di cảo Landes” do ông đặt ra vẫn hoàn toàn mơ hồ, không có cơ sở gì để chứng tỏ đó là tài liệu chép thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã có từ năm 1892.
        Tóm lại, cách tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương của Hoàng Bích Ngọc là cách làm nửa vời. Thực tế, không khác gì cách làm của những tác giả đi trước, nghĩa là vẫn lấy những văn bản chữ Quốc ngữ để tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Có lẽ sức hấp dẫn của Bà Chúa thơ Nôm đã làm lu mờ cái tư duy lý tính của nhiều người, nên họ đã quên mất một điều sơ đẳng nhất, đó là Hồ Xuân Hương làm thơ bằng chữ Nôm được ghi lại bằng văn bản Nôm chứ không phải làm thơ bằng chữ Quốc ngữ. Và như thế, người thưởng thức, người nghiên cứu văn học có thể đọc qua bản “chuyển ngữ”, bản “phiên âm”; nhưng người tuyển chọn văn bản thì nhất thiết phải biết chữ Nôm và phải khảo sát, tìm tòi từ nguyên bản chữ Nôm.
        Sau đây, chúng tôi xin dẫn chứng ngay một số thí dụ trong công trình của Hoàng Bích Ngọc, để thấy rằng tuyển chọn văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà không biết Hán-Nôm hoặc biết đại khái, sẽ dẫn đến những sự hiểu lầm rất tai hại cho việc cảm thụ văn học.
        Về bài Tức cảnh vũ hậu (Tức cảnh sau mưa). Bài thơ được ghi trong cuốn Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam của Hồ Sĩ Giàng, với lời dẫn kể chuyện Hồ Xuân Hương thời trẻ về quê, có hôm ra giếng gánh nước bị trượt ngã, vỡ cả đôi nồi đình
gánh nước, nước đổ tung tóe; đám trai làng cười giễu, Hồ Xuân Hương ứng khẩu bài Tức cảnh vũ hậu như sau:
Vén bức màn mây thấy mặt trời
Xanh xanh từng đám trắng từng nơi
Núi non cũng muốn nhô đầu dậy
Cây cỏ trăm hoa mỉm miệng cười
Hoàng Bích Ngọc đã bình giảng cả hai trang sách (tr.258-259), cho rằng nhà thơ có tấm lòng hiền hậu độ lượng, rằng Hồ Xuân Hương là một tuyệt thế giai nhân với vẻ đẹp tự nhiên khuê các… Hai câu mở đầu được giảng là: “Hiện lên hình ảnh một thiếu nữ bị ngã đến tối sầm mặt mũi lại, rồi nàng vén được mảng tóc mây lên và thấy trời sáng lại – bầu trời xanh cao nắng đẹp” (tr.258). Rồi cuối cùng, tác giả tỏ ý trách mọi người: “Thế nhưng, bài thơ này đã không được các cuốn tuyển chọn thơ Hồ Xuân Hương đưa vào, bởi nó có phong cách khác với dòng thơ Nôm truyền tụng quen biết mà người ta đã gán cho Hồ Xuân Hương” (tr.259).
        Đúng là trong các sách tuyển thơ Nôm Hồ Xuân Hương xưa nay chưa ai tuyển bài này, bởi có ai bỏ công sức tìm tòi trong kho sách Hán Nôm đâu mà biết có bài này. Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mại và người viết bài này thì có biết. Vào đầu năm 1962, bấy giờ ông Trần Thanh Mại là Tổ trưởng Tổ văn học Việt Nam cổ- cận đại, còn tôi là tổ viên phụ trách tư liệu dịch Hán Nôm của tổ, đồng thời cũng thường giúp Tổ trưởng tìm tư liệu Hán Nôm khi cần thiết; nhân dịp ông Trần Thanh Mại chuẩn bị chuyên đề về Hồ Xuân Hương để báo cáo trước Viện Văn học, chính tôi đã cung cấp cho ông bài thơ Nôm này. Nguyên trong sách Đăng khoa lục sưu giảng của Trần Tiến (ký hiệu A.224), chép lại vào niên hiệu Tự Đức 14, Tân Dậu (1861), ở phần Phụ lục có ghi bài thơ Nôm cùng lời dẫn chữ Hán như sau: “Hà Nội tỉnh, nữ tử Xuân Hương hành lộ thất túc, thường lộ, tự vịnh” (Cô Xuân Hương ở tỉnh Hà Nội, đi đường sẩy chân ngã tốc váy, tự vịnh thơ).
Vén đám mây lên tỏ mặt trời
Lác coi từng đám rõ từng nơi
Giang sơn đâu đó nhô đầu dậy
Hoa cỏ quen hơi mỉm miệng cười
        Ông Trần Thanh Mại rất thích thú bài này và nhận xét: “Bài thơ sinh động thật, ma quái thật, Hồ Xuân Hương thật!” (Trần Thanh Mại: Tình hình nghiên cứu Hồ Xuân Hương và vài ý kiến về việc đánh giá những thơ lâu nay được coi là của Bà – Báo cáo chuyên đề trình bày tháng 9 năm 1961, tài liệu in ronéo của Viện Văn học). Tuy cùng là thơ chữa thẹn khi bị ngã, nhưng bài Tức cảnh vũ hậu chỉ là cái bóng méo mó của bài chép trong Đăng khoa lục sưu giảng. Một bài sang trọng và một bài quê mùa khác nhau hẳn. Có lẽ chúng tôi khỏi phải bình luận gì thêm. Vả lại khuôn khổ bài viết cũng không cho phép nói dài dòng.
           Về bài Vịnh chơi chùa. Đây là bài thơ trong Bản khắc ván 1914. Đặc điểm chung của loại văn bản này là ở trên in chữ Nôm, ở dưới in phần phiên âm Quốc ngữ. Nhưng do trình độ của người phiên âm, nên thường có những chữ đọc sai, chưa kể nhiều chữ sai cả chính tả, nên với những người không biết Hán Nôm thì khó tránh khỏi rơi vào những cái bẫy ngôn ngữ nếu chỉ đọc phần Quốc ngữ. Với bài này, Hoàng Bích Ngọc cũng bình giảng dài cả hai trang sách (tr.270-271). Chúng tôi miễn bàn luận với tác giả, mà chỉ muốn nói về một chữ do phiên âm sai, lại không có chú giải, nên đã khiến Hoàng Bích Ngọc bị sập bẫy ngôn từ. Đó là chữ tử trong câu cuối: “Nhà sư ướm hỏi nhà sư tử”. Chữ tử nghĩa là con, nhưng âm Hán cũng đọc là tí (trong tí, sửu, dần, mão…). Ở đây, nhà thơ đã dụng ý chơi chữ theo lối song quan ngữ (mot équivoque): “Nhà sư ướm hỏi nhà sư tí” – nghĩa là hỏi một tí thôi, nhưng cũng còn hàm ý hỏi về con cái của nhà sư (theo nghĩa của chữ tử). Hoàng Bích Ngọc do không hiểu chỗ lắt léo này, nên đã “tán” rằng: Những “nhà sư tử” này là những kẻ lợi dụng chùa làm nơi sinh sống và làm những việc khác nữa (tr.271). Chắc hiểu nghĩa là con sư tử theo từ đồng âm; nhưng văn học Hán chỉ dùng hình tượng sư tử để ví với nữ giới – nói về người vợ cả hung dữ, hay ghen, chứ không ví với đàn ông. Vả lại, đọc nhà sư tử thì vừa bị “khổ độc” vừa mất hết vẻ sinh động sắc sảo và đầy vẻ trịch thượng Hồ Xuân Hương. Người viết rất muốn kiệm lời, nhưng đừng chẳng được phải nói thêm. Do không biết Hán-Nôm, nên văn bản đã bị đọc sai hai trường hợp: Cầm thư đọc thành cầm thi (đàn và thơ). “Cầm thư” (đàn và sách) mới là biểu tượng của trí thức Nho học, và là thành ngữ quen dùng:
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang
(Truyện Kiều)
        Câu kết “Phúc đức nhà ngươi được mấy bồ” đã đọc sai thành nhà đây làm mất hết cả khí thế của người hỏi. Tự dạng chữ Nôm giữa ngươi và đây khác nhau lắm, chỉ có người không sành Nôm thì mới đọc chữ tác thành chữ tộ.
      Về bài Đùa nhà sư. Bài thơ là một sai lầm điển hình về thao tác văn bản học, một sự lệch lạc nghiêm trọng về phiên âm Nôm, và một sự thiếu hiểu biết cơ bản về văn học trung đại Việt Nam… Hoàng Bích Ngọc cho biết bài này được dẫn theo Xuân Lan và Xuân Hương thi tập (1921). Xuân Lan là bản Quốc ngữ, chúng tôi miễn bàn. Còn Bản khắc 1921 mà Bích Ngọc ghi ở đây, là một nhầm lẫn tai hại của người không am hiểu về các văn bản Nôm Hồ Xuân Hương mà ở phần đầu chúng tôi đã nói. Là “một con mọt sách” trong kho Hán Nôm, chúng tôi khẳng định Bản khắc 1921 (tức bản in ván năm Khải Định 6, Tân Dậu) không làm gì có bài Đùa nhà sư này. Mà đây chính là bài Thơ ghẹo ông sư, có ở trong bản Xuân Hương thi tập, cũng do Phúc Văn Đường khắc in, nhưng là bản in năm Bảo Đại Canh Ngọ (1930). Còn về phiên âm Nôm cũng đọc sai nhiều. Chúng tôi chỉ nêu một trường hợp, đó là câu: “Trong đội lệ đàm ngươi thỏa thích”. Hai chữ lệ đàm vốn được viết là Cồ Đàm, Cồ Đàm là phiên âm Hán của chữ Phạn (sanscrit) Gautama, tức là họ của Thích Ca/ Phật. Do văn bản viết chữ thảo, mà người đọc lại thiếu kiến thức Phật học nên đã đọc bừa là lệ đàm. Nếu không tra lại nguyên văn thì làm sao hiểu được nội dung ngữ nghĩa của câu thơ. Hai điển Hàn Dũ, Thủy Hoàng cũng không được chú giải, khiến người bình văn bản đã hiểu sai sang chuyện nỗi đau của người dân khi tổ quốc bị xâm lăng, và chủ đề bài thơ là đả kích quan lại, v.v… và v.v…, nghe thật viển vông, kỳ cục. Cuối cùng, không thể không nói, đó là xuất xứ của bài thơ. Đây vốn là một giai thoại lịch sử-văn học, được chép trong sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề, soạn năm Cảnh Hưng 16 (1755), nói về cậu học trò Lương Hữu Khánh thời Lê Trung Hưng, nhân khi qua đò gặp đám sư đi cúng chay về, Khánh đói muốn ăn oản, có nhà sư già bảo họa thơ “Nho tăng đồng chu” (Học trò và sư cùng qua đò) thì sẽ cho oản, Khánh bèn làm luôn bài thơ bằng chữ Hán: Nang trung kinh sử kiệp Kim Cương/ Ngã nhĩ kim đồng phiếm nhất hàng… Văn đàn bảo giám có in bài thơ này, song chỉ có lời dịch thơ Quốc ngữ, không dẫn xuất xứ, nhan đề Cùng sang chuyến đò, có lời dẫn về Lương Hữu Khánh. Khi soạn cuốn Giai thoại văn học Việt Nam (NXB. Văn học, 1965) chúng tôi cũng có kể chuyện về bài thơ này. Bộ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (NXB. Thế giới, 1997) cũng có in bài thơ này cùng với câu chuyện về Lương Hữu Khánh… Như vậy, khi khảo sát lịch sử văn bản thì phải đọc rộng, không thể chỉ đọc một số văn bản có ghi tên Hồ Xuân Hương. Và đương nhiên, nếu có tri thức về văn học trung đại như vừa dẫn thì sẽ biết ngay bản Xuân Lan đã lấy bừa một bản dịch thơ chữ Hán của Lương Hữu Khánh để mạo nhận là thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đồng thời cũng sẽ hiểu rõ thực chất của bản Phúc Văn Đường 1930 so với bản Phúc Văn Đường 1921.
         Sau đây chúng tôi muốn bàn thêm về một số lỗi văn bản học thể hiện ở hai mặt, hoặc là đọc sai âm Nôm, hoặc là hiểu sai ngữ nghĩa văn bản.
       Trường hợp bài Đề núi Lã Vọng II (tr.294-296). Câu 2 được ghi: Biếng đường danh lợi chẳng bòn xu (Theo Xuân Lan 1914). Người viết bài này sẽ không bàn về lời tán dông dài nào Xuân Hương là người có chí lớn, lấy lợi ích của non sông đất nước làm mục đích sống (tr.295), nào Xuân Hương là người có kiến thức uyên bác… (tr.296). Ở đây, chúng tôi chỉ nói về một lỗi đọc sai của bản Xuân Lan, đó là hai chữ “bòn xu”. Đối chiếu với nguyên văn Nôm ở bản Phúc Văn Đường 1930, thì hóa ra đó là hai chữ “bôn xu”, nghĩa cũng như “bôn tẩu” mà nay ta thường nói: chạy đôn chạy đáo.
        Trường hợp bài Thăng Long hoài cổ, cũng dẫn theo bản Xuân Lan 1913, có câu: Kinh thành ngày trước tiếng bây giờ. Chúng tôi cũng không bàn về lời bình tán của Hoàng Bích Ngọc, mà chỉ muốn nói về một chữ do lỗi đọc âm Nôm sai của bản Xuân Lan đã dẫn tới cách hiểu sai ngữ nghĩa của văn bản. Đối chiếu với nguyên bản Nôm của bản Xuân Hương thi sao ký hiệu Hán Nôm AB.620, hóa ra chữ tiếng là do chữ tỉnh bị đọc sai. Đây là câu thơ cảm khái của Hồ Xuân Hương: “Kinh thành ngày trước tỉnh bây giờ”. Từ niên hiệu Minh Mệnh 12 (1831) kinh thành Thăng Long trước đó đã đổi thành tỉnh thành Hà Nội. Chúng ta hãy đọc lời tán của Hoàng Bích Ngọc: “Những gì đặc trưng nhất cho kinh thành Thăng Long mà tiếng còn để lại đến bây giờ…” (tr.308).
        Trường hợp bài Trấn Bắc hoài cổ dẫn theo bản Quốc ngữ của Quách Tấn (Nét bút giai nhân, 1997). Hoàng Bích Ngọc đã phân tích, bình giảng tới 5 trang sách (tr.310-314). Tác giả có khá nhiều ý kiến phân tích về văn bản, chúng tôi miễn bàn ở đây, bởi tác giả chưa nắm được các văn bản chữ Nôm có giá trị như bản Quan Văn Đường, khắc in năm Khải Định 7 (1922), bản Xuân Hương thi sao, bản Xuân Hương thi vịnh… Điều chúng tôi muốn nói ở trường hợp này lại là cách hiểu sai ngữ nghĩa của văn bản, do thiếu tri thức Hán Nôm. Qua các văn bản Nôm thì đây là bài thơ có khá nhiều dị bản. Tuy nhiên, chúng tôi tạm dẫn theo bạn Hoàng Bích Ngọc: “Chín tầng sen rớt hơi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu”. Tác giả đã bình giải hai câu thơ này như sau: “Hai câu thơ cũng nói đến sen, mây và hương. Nhưng sen không phải là sen tự nhiên trong hồ khoe sắc trong ánh trăng. Hương không phải là hương sen và hương của nhà chùa mà là hương chuối ngự của người đến khấn vái” (tr.313). Ôi, nếu mà đúng thế thì quả là một khám phá tuyệt vời của Hoàng Bích Ngọc! Thực ra, các bản Nôm đều ghi chữ ngự có nghĩa là từ chỉ Vua, như nói: ngự y, ngự bút, ngự tọa, ngự tửu, ngự phê… Vì chùa Trấn Bắc (tên gọi thời Thiệu Trị) nguyên là chùa Trấn Quốc, vốn xưa được xây dựng trên nền cũ của cung điện, hành cung thời Lý-Trần, do đó mới có câu mở đầu: Trấn Bắc hành cung cảnh dãi dầu. Chính vì nói đến hành cung cũ, nên tác giả bài thơ mới dùng chữ “ngự” là có ý cảm khái về các triều đại cũ, các vị vua cũ… Nếu hiểu được điều này, chúng tôi tin là Hoàng Bích Ngọc sẽ không tán một cách quá thô thiển cho rằng hương ngự là hương chuối ngự…
        Chúng tôi còn có thể dẫn thêm những lỗi tương tự. Song như đã nói, mục đích của chúng tôi là bàn về vấn đề văn bản học chứ không nhằm phê bình cuốn sách của tác giả Hoàng Bích Ngọc – công trình này do đó chỉ là cái cớ để chúng tôi bày tỏ quan điểm của mình mà thôi.
         Qua phần tuyển chọn thơ Nôm truyền tụng của công trình cho thấy, Hoàng Bích Ngọc cũng vẫn chưa có gì vượt khỏi quỹ đạo của các tác giả đi trước về tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Chúng ta đều biết, Hồ Xuân Hương là nhà thơ sáng tác bằng chữ Nôm, do đó, không thể lấy thơ Quốc ngữ – những bản phiên âm không rõ xuất xứ, chưa kể đến lỗi phiên âm sai, rồi không khảo dị, không chú thích… như các bản Xuân Lan, Giai nhân di mặc, Văn đàn bảo giám, v.v… để tuyển chọn văn bản. Mà tuyển chọn rồi thì cũng không khảo dị, không nghiên cứu lịch sử văn bản, không chú thích từ cổ, điển cố… là những khâu hết sức thiết yếu của công tác văn bản học. Theo Đào Thái Tôn trong Hồ Xuân Hương, tiểu sử, văn bản, tiến trình huyền thoại dân gian hóa (NXB. Hội Nhà văn, 1999) cùng với sự tra cứu riêng của chúng tôi, thì cho đến hiện tại, dù đã mất mát ít nhiều, văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong kho sách Hán Nôm cũng còn được 3 bản khắc ván in và nhiều bản chép tay, tổng cộng khoảng trên dưới 20 văn bản Nôm có thể làm cơ sở tư liệu cho việc tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Nếu xét về niên đại thì chúng ta vẫn còn bản 1909, thậm chí có khả năng đang còn cả bản Minh Mệnh (1820-1840). Như vậy, so với bản Quốc ngữ Xuân Lan 1913 thì các văn bản Nôm vẫn là những tài liệu gốc có giá trị để chúng ta khảo cứu lịch sử văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
        Công trình của Hoàng Bích Ngọc không làm được việc tuyển chọn thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ các văn bản Nôm gốc do hạn chế về trình độ Hán-Nôm. Công trình của Đào Thái Tôn cũng chưa làm được việc này, bởi thực chất sách của tác giả vốn chỉ là một luận án PTS được chuyển hóa thành sách để xuất bản. Hơn nữa, trọng tâm của bản luận án ấy là nhằm biện giải về “tiến trình huyền thoại dân gian hóa tiểu sử và thơ ca Hồ Xuân Hương” (Sđd, tr.10) chứ không đặt trọng tâm vào việc khảo cứu văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Chính vì vậy mà phần tuyển chọn “Thơ Nôm truyền tụng” của tác giả cũng để lộ những hạn chế nhất định về mặt văn bản học.
       Thơ Nôm Hồ Xuân Hương sau khi đã phiên âm, chú thích thì ai cũng có thể thưởng thức được. (Cũng như những tác phẩm văn học nước ngoài sau khi đã chuyển ngữ sang tiếng Việt thì chúng ta đều có thể đọc được, tiếp nhận được). Nhưng sưu tập, tuyển chọn văn bản thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ nguyên bản chữ Nôm thì không phải ai cũng làm được. Đây là công việc có điều kiện mà là điều kiện khá khắc nghiệt. Bởi chữ Nôm là văn tự ghi âm, trong đó có những âm cổ và những chữ cấu tạo đặc thù rất khó đọc. Vả lại chữ Hán còn có các loại tự điển để tra cứu, chữ Nôm thì không hẳn như vậy. Ngay một nho sĩ như Phạm Đình Hổ trong lời “Tự thuật” ở đầu sách Vũ trung tùy bút cũng đã tâm sự: “Ta từ khi đã học thiệp liệp được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không thể hiểu hết được” (Bản dịch của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến, NXB. Văn hóa, 1960, tr.12).
      Cuối cùng, người viết muốn nói thêm chút ít về vai trò của văn bản học trong việc lý giải ngữ nghĩa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Có thể nói từ trước đến nay tất cả những người đã bàn về thơ Nôm Hồ Xuân Hương đều không quan tâm đến văn bản gốc, xem từ ấy, chữ ấy được ghi bằng chữ Nôm như thế nào. Chính vì vậy mà có những lời bình hoặc rơi vào chủ nghĩa duy mĩ hoặc rơi vào quan điểm xã hội học dung tục. Chẳng hạn như bài Đền Sầm Nghi Đống, chúng tôi chỉ thấy có ở văn bản Nôm Quan Văn Đường, khắc in năm Khải Định Nhâm Tuất (1922), chữ Nôm in rành rành là chữ lên (trong câu: Ghé mắt trông lên thấy bảng treo). Ấy vậy mà nhà thơ Xuân Diệu cứ tán lấy được: “Chỉ đáng trông ngang bằng nửa con mắt thôi”, bởi theo ông “trông lên thì chiêm ngưỡng” (Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, NXB. Văn học, 1987). Và, không ít người đã bình tán theo quan điểm “phi văn bản học” này của Xuân Diệu, mà không nghĩ rằng, ngôi đền vốn nằm trên gò Đống Đa thì làm sao có thể trông ngang được. Còn nhiều bài khác cũng tương tự như thế, mọi người cứ mặc sức phán xét theo các bản sưu tập của Xuân Lan, Văn đàn bảo giám… mà không truy cập đến những bản Nôm gốc, do đó đã dẫn tới những hiểu lầm về Bà chúa thơ Nôm. Trường hợp bài Tát nước, bài Đánh cờ người chẳng hạn là như vậy…
        Tóm lại, đã đến lúc không thể nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ góc nhìn văn học mà bỏ qua góc nhìn văn bản học. Chúng tôi cho rằng, một công trình sưu tập thơ Nôm Hồ Xuân Hương theo đúng quy trình văn bản học chắc chắn sẽ giúp chúng ta nhận thức chính xác hơn về cá tính sáng tạo của Bà Chúa thơ Nôm.
KIỀU THU HOẠCH.
Chú thích:
 (1) Đ.X. Likhatsốp: Văn bản học giản lược, Nxb. Khoa học, Matxcơva – Lêningrad, 1964, Lê Xuân Vĩnh dịch, Tư liệu Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(2) Nhàn Vân Đình biên tập: Hồ Xuân Hương khảo tài liệu, ký hiệu VHb.320, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(3) Một số văn bản Nôm khắc in và chép tay về thơ Nôm Hồ Xuân Hương, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (Xem Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H, 1993).
(4) Trần Thanh Mại: Tình hình nghiên cứu Hồ Xuân Hương và vài ý kiến về việc đánh giá những thơ lâu nay được coi là của Bà. Tài liệu in ronéo, tháng 9-1962, Viện Văn học.
.
tranh của Alexander Smirnov
.
.
về
HỒ XUÂN HƯƠNG
.
.
@TIỂU SỬ
[theo Wikipedia]
Tiểu sử của Hồ Xuân Hương đến nay vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi; thậm chí có một vài ý kiến còn cho rằng những bài thơ được xem là của Hồ Xuân Hương hiện nay do nhiều người sáng tác, nghĩa là không có ai thực sự là Hồ Xuân Hương. Dựa vào một số tài liệu lưu truyền, những bài thơ được khẳng định là của Hồ Xuân Hương, các nhà nghiên cứu đã tạm thừa nhận một số kết luận bước đầu về tiểu sử của nữ sĩ:
* Hồ Xuân Hương thuộc dòng dõi họ Hồ ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một dòng họ lớn có nhiều người đỗ đạt và làm quan nhưng đến đời Hồ Phi Diễn – thân sinh của bà – thì dòng họ này đã suy tàn.’
* Theo các nhà nghiên cứu đầu tiên về Hồ Xuân Hương
như Nguyễn Hữu Tiến, Dương Quảng Hàm thì bà là con ông Hồ Phi Diễn (sinh 1704) ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An (*). Ông thi đậu tú tài năm 24 tuổi dưới triều Lê Bảo Thái. Nhà nghèo không thể tiếp tục học, ông ra dạy học ở Hải Hưng, Hà Bắc, để kiếm sống. Tại đây ông đã lấy cô gái Bắc Ninh, họ Hà, làm vợ lẽ – Hồ Xuân Hương ra đời là kết quả của mối tình duyên đó.[1]
* Bà sống vào thời kỳ cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn, tức 1772-1822. Do đó bà có điều kiện tiếp thu ảnh hưởng của phong trào đấu tranh của quần chúng và chứng kiến tận mắt sự đổ nát của nhà nước phong kiến.
* Bà xuất thân trong một gia đình phong kiến suy tàn, song hoàn cảnh cuộc sống đã giúp nữ sĩ có điều kiện sống gần gũi với quần chúng lao động nghèo, lăn lộn và tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ bị áp bức trong xã hội.
* Hồ Xuân Hương ít chịu ảnh hưởng của Nho giáo, vậy tại sao lại có chuyện “cổ nguyệt đình”?. Bà không dùng chữ nho cũng đâu thể cho rằng bà ít chịu ảnh hưởng của nho giáo, mà phải xem lại xã hội thời đó, bà là một nhà thơ nên cũng là một minh chứng cho xã hội thời đó về mặt nhân sinh quan cũng như về phương diện văn chương.
* Bà là một phụ nữ thông minh, có học nhưng học hành cũng không được nhiều lắm, bà giao du rộng rãi với bạn bè nhất là đối với những bạn bè ở làng thơ văn, các nhà nho. Nữ sĩ còn là người từng đi du lãm nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước.
* Là một phụ nữ tài hoa có cá tính mạnh mẽ nhưng đời tư lại có nhiều bất hạnh. Hồ Xuân Hương lấy chồng muộn mà đến hai lần đi lấy chồng, hai lần đều làm lẽ, cả hai đều ngắn ngủi và không có hạnh phúc. (Nhưng theo tài liệu của GS Hoàng Xuân Hãn và ông Lê Xuân Giáo thì nữ sĩ có tới 3 đời chồng chứ không phải hai: Tổng Cóc, quan Tri phủ Vĩnh Tường, và cuối cùng là quan Tham hiệp trấn Yên Quảng Trần Phúc Hiển).
Có thể thấy Hồ Xuân Hương không phải là một phụ nữ bình thường của thời phong kiến mà bà đã có một cuộc sống đầy sóng gió.
@TÁC PHẨM
Các tác phẩm của bà đã bị mất nhiều, đến nay còn lưu truyền chủ yếu là những bài thơ chữ Nôm truyền miệng.
* Năm 1962, ông Trần Văn Giáp đã công bố 5 bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương trên báo Văn nghệ viết về vịnh Hạ Long.
* Đến năm 1983, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã dịch và đặt tên cho 5 bài thơ này (bao gồm: Độ Hoa Phong, Hải ốc trù, Nhãn phóng thanh, Trạo ca thanh, Thuỷ vân hương) và công bố trong bài Hồ Xuân Hương với vịnh Hạ Long, đăng trên tập san Khoa học xã hội, tại Paris vào năm 1984. Ngoài ra, Hồ xuân Hương còn viết bài “Bánh trôi nước” rất nổi tiếng.
* Năm 1964, nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại phát hiện một tập thơ nữa tên là Lưu hương ký 琉香記, theo những nghiên cứu đến nay nhiều người tán thành rằng những bài thơ trong đó là của Hồ Xuân Hương. Lưu Hương Ký là tập thơ có nội dung tình yêu gia đình, đất nước, nó không thể hiện rõ cá tính mạnh mẽ của Hồ Xuân Hương, cho nên, việc nghiên cứu giá trị thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu được thực hiện trên những bài thơ Nôm truyền tụng của bà.
Kiều Thu Hoạch
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...