Thứ Hai, 26 tháng 7, 2021

Le géant de papie - Lạc mất mùa xuân, một giai điệu, hai lời nhạc

Le géant de papie - Lạc mất mùa xuân,
một giai điệu, hai lời nhạc

Âm nhạc là một thế giới biến ảo. Cùng là dãy nốt nhạc trên khung kẻ nhưng khi tấu lên, mỗi người sẽ bắt lấy được chìa khóa thanh âm khác nhau để mở ra tâm cảnh của chính mình. Cùng là một bản nhạc nhưng hai nhạc sĩ ở hai thế hệ, hai đất nước, hai nền văn hóa khác nhau đã cho ra đời những dòng lời xao xuyến, theo cách cảm của mỗi người. Nếu như “Le Géant De Papier” của Jean Lacques Lafon là lời tình da diết ngợi ca vẻ đẹp tình yêu của người tình thì khi được nhạc sĩ Lữ Liên viết lại lời Việt, “Lạc mất mùa xuân” trở thành nốt trầm dài bâng khuâng, nuối tiếc cho cuộc tình xa.
“Dìu em đến đem cho đời anh thôi hoang vắng/ Tim ta say đắm đã yêu em trong cuộc tình/ Dòng tháng năm đó đã cho tình yêu em tha thiết/ Những ái ân để phôi pha”
“Vấn thế gian tình thị hà vật - Hỏi thế gian tình là gì” (Nhạn Khâu, Nguyên Hiếu Vấn), câu hỏi ngàn năm còn để ngỏ. Shakespear cũng thốt lên rằng “Tình yêu là khói, sinh ra bởi hơi thở ngẹn ngào”. Riêng với nhạc sĩ người Việt tình là ngọn lửa đắm say thổi bùng lên xua tan đi hoang vắng của cõi đời cô đơn vậy. Nóng hổi, rạo rực, tha thiết tưởng chừng như sẽ làm dài năm tháng trùng phùng nhưng rồi:
“Đành hỡi duyên kiếp em bước đi trong chiều mưa rơi/ Lặng đứng trên bến anh với trông thuyền ra khơi/ Những tháng năm đến lá theo mùa thu chết/ Những thu chết...”
“Chiều mưa”, “bến đợi”, “thuyền trôi” phải chăng chỉ là những hình ảnh của tâm tưởng để xoa dịu đi khổ đau bất ngờ, chỉ có mùa thu là thật. Mùa thu là cuộc tình hay cũng có thể mùa thu chỉ là chứng nhân của sự tan vỡ? Nhưng dù là gì chăng nữa thì thu cũng đã chết, thu chết theo lá úa tàn, thu chết theo chia lìa lứa đôi! Nỗi khắc khoải, ám ảnh mùa như kéo dài bất tận theo câu ngân cuối của đoạn nhạc, kéo dài sang cả mùa xuân phía trước.
“Xuân về cho cây xanh lá/ Có riêng mình anh lạc mất mùa xuân/ Đêm đêm nằm nghe hồn bâng khuâng/ Bên song ngồi trông đầu non trăng xế/ Thương bèo trôi theo sông nước/ Biết bây giờ em lạc bước về đâu?/ Tương tư về thương đôi mắt nâu/ Đêm đêm tìm trong màn tối muôn sao”
Phải chăng mùa xuân luôn mang đến cho người ta những say đắm mơ màng cùng những yêu thương độ lượng? Hay khi lá xanh trở lại, hạt giống bâng khuâng chờ sẵn lại nảy mầm cùng những hồi sinh tươi mới? Con người là vậy, “khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười”, xuân đã về trên cành lá xôn xao mà riêng ai lại chìm trong ánh trăng tơ tưởng, loay hoay kiếm tìm ai giữa màn tối tương tư.
“Ngồi suốt canh vắng lãng quên sầu thương trong men đắng/ Cơn say mê đắm sóng dâng cao ngọn thủy triều/ Rồi thấy thấp thoáng bóng em về chìm trong đáy cốc/ Đôi mắt em buồn thiên thu.
Rồi nắng mai đến mây trắng bay khi tàn cơn say/ Tình đã xa vắng nỗi nhớ vẫn còn đâu đây/ Những tháng năm đến lá theo mùa thu chết/ Những thu chết...”
Tưởng chừng như men đắng sẽ xóa nhòa bóng dáng người xưa, tưởng chừng như con sóng mê đắm sẽ nhấn chìm, cuốn phăng đi tất cả. Nhưng rồi “rượu cạn ly, uống say lòng còn giá”, thoáng mắt em nhìn chìm đáy cốc bâng khuâng để khi cơn say đã tàn, ta vẫn chỉ thấy thu chết giữa mùa xuân. Kỷ niệm vẫn len lỏi trong tâm trí, những hoài niệm mà ta cố nén vào cái ngăn sâu nhất của tâm thức lại hiện về giữa vô thức mênh mang. Ủy mị quá chăng? Không, thế gian mấy ai thoát được chữ tình và chỉ có những bậc chân tu đắc đạo mới đứng ngoài được sinh ly nghiệt ngã.
“Xuân về cho cây xanh lá/ Cớ sao tình ta chỉ có mùa thu?” câu hát hay là câu hỏi tiếc nuối oán than, oán than cho duyên kiếp, trách móc người xưa hay trách móc chính mình? Vạn vật cây cỏ còn có mùa xuân mà cớ sao tình ta chỉ là thu vàng úa, chỉ có “Đêm đêm nằm nghe hồn tương tư/ Bên song đầu non tàn canh bóng xế”? Nhưng giữa những chuỗi đời đớn đau, dằn vặt, tuyệt vọng, hạt giống hy vọng vẫn còn chỗ để sinh sôi.
“Thương bèo trôi theo muôn hướng/ Biết bây giờ em lạc bước về đâu/ Em ơi, chờ em đến kiếp nao?/ Mong cho ngày sau, mình mãi bên nhau!”
Ta vẫn chờ em giữa mơ hồ, dẫu chẳng biết em đã lạc bước nơi nao, ta vẫn gọi tên em giữa cuộc đời dù rằng mộng tương phùng quá mong manh. Cái kết nhẹ xao xuyến của bản lời Việt như làn hơi xuân thổi chút ấm nồng vào miên trường sinh ly, tựa như vật phẩm cuối cùng tươi đẹp mà Zeus đã ban cho loài người từ chiếc hộp Pandora.
Trong bản nhạc Pháp, “Le Géant de papier”, Jean Jacques Lafon dẫn dắt chúng ta vào cõi vi diệu của tình yêu thanh xuân tràn đầy mà ở đó “Khi tôi ngắm nàng, người đàn ông đầy tham vọng với trái tim sắt đá như tôi/ Trước trái tim của một người phụ nữ cũng chỉ là một gã khổng lồ bằng giấy.” (Quand je la regarde, moi l’homme loup au cœur d’acier/ Devant son coeur de femme, je suis un géant de papier), đó chính là cái chất lãng mạn hào hùng, đầy “galant” của người Tây phương. Ngược lại, “Lạc mất mùa xuân” của Lữ Liên là sự chìm đắm miên man vào cõi tình đau khổ với đắng cay, oán trách dằn vặt tưởng như tất cả đều mờ đi trong màn đêm tuyệt vọng, nhưng rồi ngọn lửa hi vọng vẫn nhen nhóm lung linh. Lữ Liên trải đời hơn J.J. LaFon, hay là cái tinh hoa tình cảm Á Đông dạt dào, đẫm tính hoài niệm luôn chảy tràn trong huyết quản của người nhạc sĩ cao niên này?
Dẫu sao, cũng chính từ những thanh âm dồn dập rung cảm của Jean Lacques Lafon, chúng ta đã có Lạc mất mùa xuân.
24/2/2011
Cung Đàn Xưa
Nguồn: Văn nghệ trẻ Tiền Giang số 37
Theo https://vannghetiengiang.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...