Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Về vấn đề tính khoa học của triết học, một hình thái ý thức xã hội

Về vấn đề tính khoa học của triết học,
một hình thái ý thức xã hội

Từ khoảng giữa thế kỷ XX, triết học được tranh cãi liệu nó có phải là một khoa học hay không. Trước đó, vấn đề này gần như không được đặt ra. Bởi lẽ, từ trong lịch sử đến tận ngày nay, triết học luôn được thừa nhận là một hình thái ý thức xã hội và giá trị không thể thay thế của triết học là ở đó. Người ta không coi triết học là một khoa học ngang hàng (cùng loại) với các khoa học khác, điều đó không có nghĩa rằng triết học không luận giải một cách khoa học về thế giới. Triết học nào cũng cố gắng sử dụng những thành tựu khoa học để khái quát luận thuyết của mình thành một mô hình lý tưởng nhằm giải thích mọi hiện tượng trong thế giới và định hướng cho hành vi. Hàm lượng khoa học của một học thuyết triết học, ngoài việc nó sử dụng những thành tựu của các khoa học khác còn biểu hiện ở sức mạnh của thế giới quan và phương pháp luận mà nó sáng tạo ra để giải thích thế giới và định hướng cho hoạt động của con người.

1. Đặt vấn đề

Tại hầu khắp các trường đại học trên thế giới, triết học đều có mặt trong bảng phân loại các bộ môn tri thức cần được giảng dạy, nghiên cứu. Bắt đầu từ Aristotle, truyền thống văn hóa phương Tây đã dần coi triết học là một loại tri thức nền tảng không thể thiếu đối với mọi tư duy duy lý, đặc biệt là tư duy khoa học. Ở trình độ tiến sĩ khoa học (Doctor of Sciences, Doctor Habilitatus), nhà khoa học chuyên ngành còn được xem tương đương là nhà triết học, nhà tư tưởng. Nghĩa là vị thế của triết học trong đời sống trí tuệ nhân loại chưa bao giờ là cái phải nghi ngờ. Mặc dù vậy, cũng theo truyền thống văn hóa phương Tây, tuyệt nhiên không mấy ai coi triết học là khoa học, kiểu như toán học, vật lý học, kinh tế học hay xã hội học... Triết học trong quan niệm phương Tây, không phải là khoa học thực chứng (Positivist Science), mà là một loại hình thế giới quan và phương pháp luận giải thích nguyên nhân và dẫn đường. Sự kiểm chứng đối với triết học giống như sự kiểm chứng đối với các tiên đề (Axioms), nghĩa là gần như buộc phải thừa nhận trong khi rất khó chứng minh.
Những điều vừa nói có nghĩa rằng, ở phương Tây, từ thời cổ đại tới tận ngày nay triết học vẫn luôn được coi là một hình thái ý thức xã hội, tức là một loại hình tri thức đặc thù, dẫn dắt toàn bộ tư duy và hành động, thiết yếu và quan trọng như tôn giáo, chứa đựng vô vàn tri thức đã và chưa được kiểm chứng. Nhưng triết học không phải là khoa học để có thể lặp lại bằng các thí nghiệm.
Với Marx, Engels và Lênin, triết học cũng đương nhiên là một hình thái ý thức xã hội.
Ở Việt Nam, trước năm 2008 triết học được xếp vào các khoa học xã hội. Từ năm 2008 đến nay, theo bảng phân loại khoa học mà Bộ KH&CN ban hành năm 2008 và được khẳng định lại từ năm 2012, triết học được xếp vào các khoa học nhân văn (Humanities). Tại bảng phân loại không mấy hợp lý này, khoa học xã hội cũng chỉ là một trong sáu ngành khoa học được công nhận ở Việt Nam, ngang bằng với nông nghiệp hay y dược [1].Vấn đề đặt ra là, do đương nhiên có mặt trong bảng phân loại các bộ môn tri thức cần được giảng dạy và nghiên cứu, từ khoảng giữa thế kỷ XX, triết học lại được tranh cãi liệu nó có phải là một khoa học hay không. Với triết học Mác - Lênin, một vài giáo trình trước đây cũng đã từng viết “Triết học là khoa học về những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy” [2].
2. Triết học trong quan niệm của Marx, Engels và Lênin
Để hiểu thêm về vấn đề, chúng tôi thấy cần thiết phải trở lại với những tư tưởng của chính các tác gia kinh điển, để xem các ông đã phát biểu những gì về triết học.
Hóa ra, K. Marx, F. Engels và V.I. Lênin không xác định triết học là gì với tính cách là một định nghĩa. Những phát biểu trực tiếp về triết học ở các ông (mà dưới đây chúng tôi sẽ trích lại để lý giải vấn đề) cũng rất ít. Còn triết học có phải là một khoa học tương tự các khoa học cụ thể hay không, thì ở thời K. Marx - F. Engels và ngay cả ở thời V.I. Lênin, vấn đề hầu như chưa được đặt ra. Nhiều khoa học chuyên ngành mới chỉ không lâu trước đó vẫn còn thuộc về triết học (mà F. Engels gọi là “siêu hình học” và “nền triết học tự nhiên cũ”). Điều đó không làm cho triết học phải hoài nghi và tự vấn về tư cách khoa học của nó. Lúc bấy giờ khoa học xã hội cũng chỉ vừa mới được hình thành (cùng với quan niệm thực chứng của Auguste Comte, 1830 [3].
Nghĩa là người ta quan tâm nhiều đến tính hữu ích của triết học khi nó đóng vai trò là một hình thái ý thức xã hội, luôn cung cấp kịp thời cho con người những chỉ dẫn thế giới quan và phương pháp luận; không nhất thiết phải biết nó phù hợp đến mức nào với các dữ liệu khoa học (mà khoa học thì thời nào cũng “bất khả tri” trước không ít vấn đề).
Dù không đưa ra định nghĩa, nhưng quan niệm của các tác gia kinh điển về triết học đã được các tác giả hậu thế giải thích trong các tài liệu giáo khoa. Theo chúng tôi, các giáo trình triết học Mác - Lênin về sau giải thích đều không có gì sai với quan niệm của Marx, Engels và Lênin, với những nội dung chủ yếu thường được trình bày, gồm: i). Triết học là một hình thái ý thức xã hội. ii). Triết học hướng đến một cái nhìn toàn vẹn về thế giới, về con người và vị trí của con người trong thế giới đó. iii). Khách thể khám phá của triết học là thế giới (gồm cả thế giới bên trong và bên ngoài con người). iv). Triết học giải thích tất cả mọi sự vật, hiện tượng, quá trình và quan hệ của thế giới, với mục đích tìm ra những quy luật phổ biến nhất chi phối, quy định và quyết định sự vận động của thế giới, của con người và của tư duy. v). Với tính cách là loại hình nhận thức đặc thù, độc lập với khoa học và khác biệt với tôn giáo, tri thức triết học mang tính hệ thống, toàn diện, lôgíc và trừu tượng về thế giới, bao gồm những nguyên tắc cơ bản, những đặc trưng bản chất và những quan điểm nền tảng về mọi tồn tại. vi). Triết học là hạt nhân của thế giới quan.
Không nên quên rằng, Karl Marx được nhắc đến trong lịch sử tư tưởng nhân loại nhiều nhất không phải là một nhà triết học mà là một nhà cách mạng. Được đào tạo bài bản để trở thành một triết gia, nhưng ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Bonn, Marx lại hướng sự say mê của mình tới kinh tế và chính trị, trên cơ sở đó mà suy tư triết học. Ngoài những tác phẩm đầu tiên thời trẻ, từ sau những năm 50 thế kỷ XIX các tác phẩm của ông đều không trực tiếp bàn đến triết học. Mặc dù vậy, triết học Marx lại định hình chủ yếu sau thời Marx trẻ (Young Marx), đặc biệt là Chủ nghĩa duy vật lịch sử, Học thuyết Hình thái kinh tế xã hội. Chúng tôi đã trở lại tương đối kỹ với các tác phẩm kinh điển và có đủ cơ sở để thấy rằng, trực tiếp bàn về triết học các tác gia kinh điển viết không nhiều:
2.1. Triết học là tinh hoa về mặt tinh thần của mỗi thời đại
K. Marx viết: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ trái đất; họ là sản phẩm của thời đại của mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học” [4].
2.2. Triết học là linh hồn sống của văn hóa
K. Marx viết: “Mọi triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại mình… Triết học đã có ý nghĩa khiến cho nó trở thành linh hồn sống của văn hóa...” [5].
Chẳng hạn, với triết học Cổ điển Đức, Chủ nghĩa duy vật Pháp, K. Marx và F. Engels xác nhận rằng, “ngay cả chủ nghĩa cộng sản phát triển cũng trực tiếp bắt nguồn từ chủ nghĩa duy vật Pháp” [6]. Và, “nếu trước đó không có triết học Đức, đặc biệt là triết học Hegel, thì sẽ không bao giờ có chủ nghĩa xã hội khoa học Đức, chủ nghĩa xã hội duy nhất khoa học tồn tại từ trước đến nay” [7]. 
2.3. Triết học không treo lơ lửng bên ngoài thế giới
Marx viết: “Triết học không treo lơ lửng bên ngoài thế giới, cũng như bộ óc không tồn tại bên ngoài con người” [8]. Nhưng triết học cũng không ra đời trong một xã hội còn mông muội dã man. Nghĩa là, triết học chỉ có thể ra đời khi, nhà nước, công cụ trấn áp và điều hòa lợi ích giai cấp đủ trưởng thành, “từ chỗ là tôi tớ của xã hội (nhà nước) biến thành chủ nhân của xã hội” [9].
Đồng thời, triết học cũng chỉ xuất hiện khi kho tàng thức của loài người đã hình thành được một vốn hiểu biết nhất định mà trên cơ sở đó, tư duy con người đã đạt đến trình độ có khả năng rút ra được cái chung trong muôn vàn những sự kiện, hiện tượng riêng lẻ. Lao động trí óc đã tách khỏi lao động chân tay. Trí thức xuất hiện với tính cách là một tầng lớp xã hội, có vị thế xã hội xác định [10].
2.4. K. Marx và F. Engels hoàn thiện cấu trúc triết học của chủ nghĩa duy vật
Theo V.I. Lênin, “Bắt nguồn từ Feurbach và trưởng thành trong cuộc đấu tranh chống những tiểu tác gia nên lẽ tự nhiên là Marx và Engels chú ý nhiều nhất đến việc hoàn thiện cấu trúc triết học của chủ nghĩa duy vật, tức là chú ý nhiều nhất đến quan niệm duy vật lịch sử, chứ không phải đến nhận thức luận duy vật. Vì thế, trong những tác phẩm bàn về chủ nghĩa duy vật biện chứng, hai ông nhấn mạnh mặt biện chứng hơn là mặt duy vật; khi bàn về chủ nghĩa duy vật lịch sử, hai ông nhấn mạnh mặt lịch sử hơn là mặt duy vật” [11].
2.5. Chủ nghĩa duy vật hiện đại do Marx sáng lập ra, có nội dung vô cùng phong phú, có tính chất vô cùng triệt để, hơn tất cả mọi hình thức trước kia của chủ nghĩa duy vật
V.I. Lênin đánh giá: “Ngay từ 1843, lúc mà Marx chỉ mới đang trở thành Marx, nghĩa là trở thành người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội, với tính cách là một khoa học, trở thành người sáng lập ra chủ nghĩa duy vật hiện đại, có nội dung vô cùng phong phú hơn và có tính chất vô cùng triệt để hơn tất cả mọi hình thức trước kia của chủ nghĩa duy vật, thì Marx đã vạch ra một cách hết sức rõ ràng những đường lối căn bản trong triết học… Thiên tài của Mác và Ăng-ghen chính là ở chỗ, trong một thời kỳ rất dài - gần một nửa thế kỷ - hai ông đã phát triển chủ nghĩa duy vật, đã đẩy một khuynh hướng cơ bản của triết học tiến lên phía trước; đã không quanh quẩn ở chỗ chỉ lặp lại những vấn đề nhận thức luận đã được giải quyết, mà đã triệt để áp dụng cũng chủ nghĩa duy vật ấy và chỉ vẽ cách áp dụng chủ nghĩa duy vật ấy vào lĩnh vực khoa học xã hội như thế nào” [12].
2.6. Cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng
V.I. Lênin viết: “Như Marx và Engels đã tuyên bố nhiều lần, cơ sở triết học của chủ nghĩa Mác là chủ nghĩa duy vật biện chứng, một chủ nghĩa đã hoàn toàn hấp thụ những truyền thống lịch sử của chủ nghĩa duy vật của thế kỷ XVIII ở Pháp và của Feurbach ở Đức nửa đầu thế kỷ XIX” [13].
2.7. Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học
Theo V.I.Lênin, “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Marx là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và tùy tiện, vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị; lý luận đó chỉ cho ta thấy rằng, do chỗ lực lượng sản xuất lớn lên, thì từ một hình thức tổ chức đời sống xã hội này, nảy ra và phát tiển lên như thế nào một hình thức tổ chức đời sống xã hội khác, cao hơn” [14].
2.8. Giống như Darwin đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người
F. Engels nhận định: “Giống như Darwin đã tìm ra quy luật phát triển của thế giới hữu cơ, Marx đã tìm ra quy luật phát triển của lịch sử loài người: cái sự thật giản đơn đã bị những tầng tầng lớp lớp những tư tưởng phủ kín cho đến ngày nay là: con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v...; vì vậy, việc sản xuất ra những tư liệu sinh hoạt vật chất tực tiếp và do đó, mỗi một giai đoạn phát triển kinh tế nhất định của một dân tộc hay một thời đại, tạo thành một cơ sở trên đó người ta phát triển các thể chế nhà nước, các quan điểm pháp quyền, nghệ thuật và thậm chí cả những quan niệm tôn giáo của những con người nhất định và vì vậy phải xuất phát từ cơ sở đó mà giải thích những cái này, chứ không phải ngược lại, như từ trước đến nay người ta đã làm” [15].
2.9. Việc phát hiện ra quan niệm duy vật lịch sử đã loại bỏ được hai khuyết điểm căn bản của những lý luận lịch sử trước kia
“Việc phát hiện ra quan niệm duy vật lịch sử, hay nói cho đúng hơn, việc áp dụng, việc vận dụng triệt để chủ nghĩa duy vật để xem xét lĩnh vực những hiện tượng xã hội, đã loại bỏ được hai khuyết điểm căn bản của những lý luận lịch sử trước kia. Một là, những lý luận này cùng lắm thì cũng chỉ xem xét những động cơ tư tưởng của hoạt động lịch sử của con người, mà không nghiên cứu căn nguyên của những hiện tượng đó, không phát hiện ra tính quy luật khách quan trong sự phát triển của hệ thống quan hệ xã hội và không thấy rằng trình độ phát triển của sản xuất vật chất là nguồn gốc của những quan hệ ấy. Hai là, những lý luận trước kia đã không nói đến chính ngay hành động của quần chúng nhân dân, còn chủ nghĩa duy vật lịch sử, thì lần đầu tiên, đã giúp ta nghiên cứu một cách chính xác như khoa học tự nhiên, những điều kiện xã hội của đời sống quần chúng và những biến đổi của những điều kiện ấy” [16].
3. Triết học là hình thái ý thức xã hội và tính khoa học của tri thức triết học 
Như vậy, với tính cách là một loại hình tri thức lý luận đặc thù xuất hiện sớm, đảm nhận chức năng xã hội không thể thay thế trong lịch sử nhận thức và hoạt động thực tiễn, và ngay cả khi triết học còn chứa đựng trong nó tất cả mọi thành tựu của nhận thức, loại hình tri thức đặc biệt này đã tồn tại và được thừa nhận rộng rãi là một hình thái ý thức xã hội. Cả ở phương Đông và phương Tây, ngay từ đầu, triết học đã là hoạt động tinh thần bậc cao, có trình độ trừu tượng hóa và khái quát hóa đặc biệt phổ quát, giúp con người nhìn nhận và đánh giá đối tượng xuyên qua tất cả các dữ liệu cảm tính và lý tính, từ đó đưa ra mô hình (bức tranh toàn thể) giải thích và định hướng cho mọi đối tượng nhận thức và hoạt động thực tiễn. Đến tận thế kỷ XVII, vị thế này của triết học vẫn bao trùm gần như toàn bộ nhận thức. Toán học, cơ học, thiên văn học… là những ngành tri thức đầu tiên tách ra từ triết học để dần xác lập vị thế của các bộ môn khoa học độc lập. Đến thế kỷ XVII, các Viện hàn lâm khoa học ở Đức, Pháp được thành lập. Từ giữa thế kỷ XIX, các khoa học xã hội và nhân văn mới xuất hiện.
Ngày nay, mỗi bộ môn tri thức được thừa nhận là khoa học khi nó có đối tượng riêng, có phương pháp nghiên cứu riêng; có hệ thống các khái niệm, phạm trù riêng và thỏa mãn được những điều kiện: Thực chứng hoặc Lý tính; Không mâu thuẫn; Thực tiễn - Kinh nghiệm; Độ tin cậy của các thực nghiệm; Có hiệu lực phổ biến (liên chủ thể); Hệ thống (Evidence or Rationality; Consistency; Empirical (Experimental, Practical; The Credibility of Empirical material; General Validity (Intersubjectivity); Systematicity (Integrity, Coherence) [17].
Có nhiều học phái triết học tự nhận mình là khoa học và triết học nào cũng có tham vọng đạt tới lý luận khoa học về thế giới. Nhưng thực ra, tất cả các luận thuyết, quan điểm triết học đều là cái được lựa chọn để ứng dụng. Việc kiểm chứng (các luận thuyết, quan điểm triết học đó) thường vô cùng khó và chỉ được thực hiện trong các phạm vi rất hạn chế  nên hầu như không đủ để đánh giá. Đây cũng là một đặc điểm của tư duy triết học. Với sức mạnh của chức năng định hướng và giải thích, các học thuyết triết học (một khi đã được con người thừa nhận là thế giới quan và phương pháp luận của mình) đều có đóng góp nhất định cho sự hình thành tri thức và là những “vòng khâu”, những “mắt khâu” trên “đường xoáy ốc” vô tận của lịch sử tư tưởng triết học nhân loại. Trình độ khoa học của một triết thuyết phụ thuộc vào lịch sử ứng dụng hiệu quả của nó trong thực tiễn với sự phát triển của hệ thống tri thức và hệ thống phương pháp nghiên cứu khám phá đối tượng nghiên cứu.
Trong đời sống xã hội, triết học trước hết và bao giờ cũng là một hình thái ý thức xã hội. Nghĩa là, việc sắp xếp triết học trong bảng phân loại khoa học không nhất thiết là thừa nhận tư cách khoa học của triết học. Là loại hình tri thức đặc biệt của con người, triết học nào cũng có tham vọng xây dựng nên bức tranh tổng quát nhất về thế giới và về con người. Nhưng khác với tông giáo, loại hình tri thức xây dựng thế giới quan dựa trên niềm tin và quan niệm tưởng tượng về thế giới, triết học sử dụng các công cụ lý tính, các tiêu chuẩn lôgíc và những kinh nghiệm mà con người đã khám phá thực tại, để diễn tả thế giới và khái quát thế giới quan bằng lý luận. Tính đặc thù của nhận thức triết học thể hiện ở đó [18].
Triết học khác với các khoa học cụ thể ở tính đặc thù của hệ thống tri thức và phương pháp nghiên cứu. Tri thức triết học mang tính khái quát cao dựa trên sự trừu tượng hóa sâu sắc về thế giới, về bản chất cuộc sống con người. Tri thức này dựa vào 5 nguồn chính: i). Tổng kết thực tiễn; ii). Thừa nhận thành tựu khoa học; iii). Cảm nhận cảm tính; iv). Phán đoán lý tính; và v). Sự linh cảm trực giác, “siêu phàm” của nhà triết học. Phương pháp nghiên cứu của triết học là xem xét thế giới như một chỉnh thể trong mối quan hệ giữa các yếu tố và tìm cách đưa lại một hệ thống các quan niệm về chỉnh thể đó. Triết học là sự diễn tả thế giới quan bằng lý luận. Điều đó chỉ có thể thực hiện được khi triết học dựa trên cơ sở tổng kết toàn bộ lịch sử của khoa học và lịch sử của bản thân tư tưởng triết học.
Như đã trình bày ở trên, ngay từ khi xuất hiện trong đời sống tri thức nhân loại, triết học đã tồn tại với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, thay thế cho tư duy huyền thoại và tôn giáo thời kỳ trước đó đảm đương vai trò thế giới quan và phương pháp luận dẫn dắt con người nhận thức và chinh phục thế giới bí ẩn xung quanh.
Nói đến các hình thái ý thức xã hội là nói đến loại hình tinh thần đương nhiên tồn tại trong đời sống xã hội, là cái không thể thiếu khi con người sống thành xã hội. Hình thái ý thức xã hội đảm nhận chức năng xã hội về nhận thức, về tư duy, về tình cảm và tâm lý… giúp cho đời sống con người diễn ra một cách bình thường theo quy luật. Ý thức xã hội chắc chắn là phong phú và đa dạng hơn cả tồn tại xã hội, do phản ánh tồn tại xã hội bằng các phương thức sáng tạo mà chỉ trong tư duy mới có. Tư duy phản ánh hiện thực nhưng tư duy lại có khả năng đẻ ra tư duy. Sản phẩm sáng tạo của tư duy, ý thức… do vậy, vô cùng phong phú và từ đó giới tự nhiên thứ hai là văn hóa đã xuất hiện.
Nói điều này chúng tôi muốn lưu ý rằng, trong khi bản thân ý thức xã hội vô cùng phong phú và đa dạng với nhiều trình độ khác nhau, thì các hình thái ý thức xã hội lại tồn tại hữu hạn với các hình thái rất xác định. Đạo đức, thẩm mỹ, tôn giáo, chính trị, pháp lý, khoa học và triết học…. là các hình thái ý thức xã hội được trí tuệ con người khái quát qua sự sàng lọc của thời gian. Và do vậy, chúng là những mặt cơ bản của đời sống tinh thần của con người.
Nếu tôn giáo là hình thái ý thức xã hội dựa trên niềm tin vào cái siêu nhiên, bao gồm niềm tin thiêng liêng, xúc cảm thăng hoa, hành động vượt ra ngoài sự kiềm chế của lý trí, thì hình thái ý thức triết học lại là cấp độ lý luận về thế giới quan, về phương pháp luận đảm nhận chức năng giải thích và định hướng cho con người sống, lao động và sáng tạo. Triết học và tôn giáo là hai hình thái ý thức giống nhau về đối tượng khái quát và chức năng định hướng đối với đời sống con người, nhưng khác nhau về cách thức và phương pháp chỉ dẫn nhận thức và hành vi. Tôn giáo trang bị cho con người thế giới quan tin tưởng để hoạt động. Trong khi đó triết học trang bị cho con người thế giới quan hoài nghi để tỉnh táo khám phá thế giới. Tính hiệu quả của hai loại thế giới quan này không dễ đánh giá trong thực tiễn đời sống. Bởi thế không có gì khó hiểu khi nhiều nhà khoa học trong khi tin ở Chúa lại vẫn có những sáng tạo có giá trị.
Theo chúng tôi, khi thừa nhận quan điểm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx về triết học, thì cũng hoàn toàn có thể đồng ý với Bertrand  Russell khi ông khẳng định, triết học là cái trung gian giữa tôn giáo và khoa học. Nghĩa là, triết học là lý luận về các vấn đề mà tri ​​thức khoa học thì chưa đủ để chứng minh, còn tôn giáo thì lại quá tự tin để một chiều khẳng định. Những vấn đề triết học mà Bertrand Russell xác định, gồm: i). thế giới tâm và vật (Mind and Matter); ii). sự thống nhất và vấn đề mục đích của vũ trụ (Universe unity or purpose); iii). quy luật của tự nhiên còn tồn tại thực hay không, hay con người tin vào sự tồn tại khách quan đó “chỉ vì tình yêu trật tự bẩm sinh của chúng ta” (Are there really laws of nature, or do we believe in them only because of our innate love of order)? - thực chất là vấn đề về tính khách quan của các quy luật; iv). vấn đề nguồn gốc con người và loài người?; v). vấn đề giá trị và ý nghĩa của đời sống và tiến bộ xã hội; vi). vấn đề về sự tồn tại của Chúa [19]. Theo Russell, nghiên cứu những vấn đề này là “công việc của triết học” (The studying of these questions, is the business of philosophy). Quan niệm của B. Russell một lần nữa khẳng định tư cách hình thái ý thức xã hội của triết học, khám phá những vấn đề vĩnh cửu của triết học, cho dù mai sau triết học có phát triển đến trình độ nào. Tại hầu khắp giảng đường các trường đại học Phương Tây, tư tưởng của B. Rusell về triết học được coi là điều không thể không biết.
Tính chất thế giới quan của ý thức triết học trong nghiên cứu 6 vấn đề mà Rusell phác họa là ở chỗ, trước hết chúng là những vấn đề mà chỉ triết học mới có thẩm quyền giải quyết. Các khoa học khác ở mỗi thời điểm nhiều lắm cũng chỉ giải quyết được một phần vấn đề đặt ra. Còn tôn giáo lại khẳng định hoặc phủ định chúng một cách thiếu căn cứ. Thứ hai, chúng là những vấn đề vĩnh cửu, vì thời nào những vấn đề này cũng đều mang tính thời sự, con người muốn tồn tại và phát triển đều không thể lảng tránh, nhưng tại mỗi thời kỳ, trí tuệ con người chỉ có thể góp thêm luận cứ, bằng chứng và kiến giải bằng trình độ khoa học của thời đại mình. Và cuối cùng, nếu khoa học giải quyết được triệt để một vấn đề nào đó trong số 6 vấn đề trên, thì vấn đề đó không còn là vấn đề triết học nữa.
Thực ra quan niệm về triết học là khoa học xuất hiện và gây tranh cãi nhiều hơn trong giới triết học Mácxít, khi ai đó đã mở rộng quan niệm về phép biện chứng sang toàn bộ triết học. Trong “Chống Duhrin” F. Engels viết: “Phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học về những quy luật phổ biến của sự vận động và sự phát triển của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy” [20]. Theo chúng tôi, vấn đề là ở chỗ, triết học cũng nghiên cứu những quy luật phổ biến của tự nhiên, của xã hội loài người và của tư duy, nhưng triết học là hệ thống những quan điểm chung nhất về thế giới, còn phép biện chứng lại là hệ thống các nguyên tắc chung nhất về vận động. Và đó là lý do tại sao Engels gọi nó “chẳng qua chỉ là khoa học…”.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, triết học hay phép biện chứng thì cũng đều là lý luận triết học. Khi Engels gọi phép biện chứng chẳng qua chỉ là môn khoa học, thì thuật ngữ “khoa học” ở đây cũng không nên hiểu phép biện chứng như là vật lý học hoặc toán học. Nghĩa là trong quan niệm của chính các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx, tính chất khoa học của triết học không hề biến triết học thành một khoa học chuyên biệt ngang hàng và tương đương với các khoa học chuyên ngành cụ thể. Trong các tác phẩm của các ông, cho tới nay cũng chưa ai tìm thấy triết học được các ông gọi là “khoa học”.
Việc đề cao triết học Mác - Lênin bằng cách coi đó là triết học duy nhất khoa học (như đây đó đã từng diễn ra) trên thực tế lại đã vô tình hạ thấp vai trò của nó. Triết học Mác - Lênin cũng giống như tất cả các học phái triết học uy tín khác, trước hết thuộc về hình thái ý thức triết học. Không nhất thiết và không cần thiết phải đề cao triết học, dù là triết học Mác - Lênin, bằng cách coi nó là một trong các khoa học xã hội.
Cần thiết phải nói thêm rằng, nền khoa học hiện đại được coi là bắt đầu từ thế kỷ XVI, với thuyết nhật tâm của Nicolaus Copernicus, có cơ sở triết học của nó là Chủ nghĩa duy vật: tìm ra các quy luật của thế giới vật chất, lấy các quy luật đó làm cơ sở để giải thích tất cả những điều còn lại của thế giới, từ tự nhiên đến con người và tư duy. Dựa trên các bằng chứng có thể thực nghiệm được, khoa học đã khẳng định tính hợp lý của các quan điểm về thế giới. Hệ tư tưởng của chủ nghĩa duy vật khoa học, do vậy đã thống trị trong giới học thuật suốt từ đó đến nay. Mặc dù đã đạt được những thành tựu vô cùng lớn, khoa học duy vật hiện đại vẫn chưa thể giải thích được một cách thấu đáo những vấn đề về tinh thần, tâm linh - cái rất căn bản tạo nên cuộc sống đầy ý nghĩa nhưng vô cùng phức tạp của đời sống con người và của các dân tộc. Đó chính là lý do mà nhiều nhà khoa học trên thế giới từ ngày 7-9 tháng 2/2014, đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh quốc tế về khoa học hậu duy vật (Post-Materialist Science) tại Arizona, Mỹ. Mục đích của hội nghị là đánh giá tác động của hệ tư tưởng duy vật trong khoa học (Materialist Ideology on Science) và đề xuất mô hình hậu duy vật (Post-Materialist Paradigm) để mở đường cho khoa học về tâm linh và xã hội phát triển mạnh hơn trong tương lai. Kết thúc hội nghị, các nhà khoa học đã công bố “Tuyên ngôn về Khoa học hậu duy vật”. Đến nay (2020), ngoài 8 tác giả sáng lập, hơn 300 nhà khoa học có uy tín trên thế giới đã ký bản Tuyên ngôn này [21].
Kết luận
Triết học là một hình thái ý thức xã hội và giá trị của triết học là ở đó. Triết học không phải là một khoa học ngang hàng với các khoa học xã hội khác, điều đó không có nghĩa rằng triết học không luận giải một cách khoa học về thế giới. Hàm lượng khoa học của một học thuyết triết học, ngoài việc nó sử dụng những thành tựu của các khoa học cụ thể còn biểu hiện ở sức mạnh của thế giới quan và phương pháp luận mà nó sáng tạo ra để giải thích thế và giới định hướng cho hoạt động của con người.
Tài liệu trích dẫn:
[1]  Xem: QĐ số 12/2008/QĐ-BKHCN ngày 04/09/2008 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về việc ban hành bảng phân loại thống kê KH&CN. https://www.most.gov.vn/
[2] Xem: 1). Russell, Bertrand (1945), A History of Western Philosophy and Its Connection with Political and Social Circumstances from the Earliest Times to the Present Day, Pub. Simon & Schuster, Allen & Unwin. 2). Friedland, Julian (2012), Philosophy Is Not a Science, https://www.academia.edu/). Покровская, Т. П. Научно-теоретическая конференция “Философия и наука” Вестник РФО. № 4; (Hội thảo “Triết học và Khoa học”. Bản tin Hội Triết học Nga) 4). Марков, B. C.  (2006), Философия как наука (Triết học với tính cách là Khoa học. Bản tin Hội Triết học Nga), Вестник РФО. № 1. 5). Рута, В. Д. (2003), Наука или ненаука? (Khoa học hay không phải khoa học. Bản tin Hội Triết học Nga) Вестник РФО. № 4. 6). Зорина, Е. В., Рахманкулова, Н. Ф. и др. (2004), Философия в вопросах и ответах: учеб. пособие/ под ред. А. П. Алексеева, Л. Е. Яковлевой. М., (Triết học hỏi và đáp. Chủ biên: А. П. Алексеева, Л. Е. Яковлевой) 7). Губанов, Н. И. (2008), Является ли философия наукой?, (Triết học có phải là khoa học) “Философия и общество” №1 (49) https://www.socionauki.ru/
[3]  Xem: Auguste Comte (2012), Cours de philosophie positive, Edition numérique: Pierre Hidalgo. La Gaya Scienza, © décembre 2012. http://www.ac-grenoble.fr/
[4] K. Marx, F. Engels (1995), Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 156.
[5] K. Marx, F. Engels (1995), Toàn tập, t.1. Sđd. tr. 157.
[6] K. Marx, F. Engels (1995), Toàn tập, t.2. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 200.
[7] K. Marx, F. Engels (1995). Toàn tập, t.18. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 698.
[8] K. Marx, F. Engels (1995), Toàn tập, tập 1, Sđd. tr. 156.
[9] K. Marx, F. Engels (1995), Toàn tập, tập 22, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 288.
[10] Vào thế kỷ VII - V TrCN, giáo dục và nhà trường đã hoạt động khá chuyên nghiệp. Tầng lớp quý tộc, tăng lữ, điền chủ, nhà buôn, binh lính… đã chú ý đến việc học hành. Tri thức toán học, địa lý, thiên văn, cơ học, pháp luật, y học… đã được giảng dạy. Xem: Michael Lahanas. Education in Ancient Greece. http://www.hellenicaworld.com/
[11] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, t. 18, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. tr. 408.
[12] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, t. 18, Sđd. tr. 417.
[13] V.I. Lênin (1979), Toàn tập, t. 17. Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. tr. 510.
[14] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, t. 23, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva. tr. 53.
[15] K. Marx, F. Engels, Toàn tập, t.19. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. tr. 499-450.
[16] V.I. Lênin (1980), Toàn tập, t. 23, Sđd. tr. 68.
[17] See: Machamer, Peter and Michael Silberstein (2002), The Blackwell Guide to the Philosophy of Science. Blackwell Publishers Ltd, First published. Massachusetts, USA. https://pages.wustl.edu/
[18] Xem: ИФ, РAH (2001). Новая философская энциклопедия (Bách khoa thư Triết học mới). c. 195.
[19] (Is there such a thing as wisdom, or is what seems such merely the ultimate refinement of folly?) Xem: Russell, Bertrand (1945), A History of Western Philosophy and Its Connection with Political and Social Circumstances from the Earliest Times to the Present Day, Pub. Simon & Schuster, Allen & Unwin. c. 9.
[20] K. Marx, F. Engels (1994), Toàn tập, t. 20, Sđd. tr. 201.
[21] Xem: Manifesto for a Post-Materialist Science. http://opensciences.org/.
8/5/2020
Hồ Sĩ Quý
Nguồn: Tạp chí Thông tin KHXH, số 3 (447)
Theo https://vass.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...