Chủ Nhật, 25 tháng 7, 2021

Hòn vọng phu - Lê Thương

Hòn vọng phu - Lê Thương

1. Nàng Tô Thị (Tích người đàn bà hóa đá):
Ngày xưa ở trấn Kinh Bắc (bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh lân cận là: Hà Nội, Hưng Yên và Lạng Sơn) có một người đàn bà góa chồng từ sớm, ngày ngày đi mò cua bắt ốc để nuôi hai con: một trai, một gái. Trong khi mẹ ra đồng, Tô Văn, đứa con trai độ mười tuổi và Tô Thị, đứa con gái chừng tám tuổi, ở nhà tha hồ đùa nghịch với nhau.
Một hôm, Tô Văn chơi ném đá, rồi không biết ném thế nào trúng ngay vào giữa đầu em. Tô Thị ngã vật xuống đất, ngất đi, máu chảy lênh láng. Tô Văn thấy thế sợ quá, chạy một mạch ra đường, không dám ngoái cổ lại.
May sao, sau khi xảy ra tai nạn, một bà hàng xóm chạy sang lấy lá thuốc rịt cho Tô Thị, cầm ngay được máu. Đến khi người mẹ đi mò cua về thì thấy con gái đã ngồi dậy được.
Nhưng còn Tô Văn thì biệt tăm, ngày một ngày hai cũng không thấy thằng bé trở về, tìm khắp nơi cũng không thấy. Người mẹ nhớ con, sinh ra buồn phiền, ngày một héo hon, chẳng bao lâu ốm nặng rồi chết, bỏ lại Tô Thị một mình. Đứa con gái nhỏ được mấy người láng giềng cho ăn trong ít ngày, rồi hai vợ chồng người chủ hàng cơm đem đứa bé về nuôi để sai vặt. Sau đó, hai vợ chồng người chủ hàng cơm lên xứ Lạng (Lạng Sơn) mở hàng nem, đem Tô Thị đi theo.
Lớn lên, Tô Thị xinh đẹp, lại nết na, siêng năng, nên được nhiều người để ý. Dành dụm được ít vốn, nàng nghĩ cách tự làm ăn. Bấy giờ hai vợ chồng người chủ hàng cơm đã có con cái đỡ đần, nên khi nàng xin ra ở riêng, bố mẹ nuôi đều ưng thuận.
Đã học được nghề làm nem, Tô Thị liền mở cửa hàng nem ở Phố Kỳ Lừa. Nàng làm nem rất khéo. Cửa hàng của nàng mỗi ngày một đông khách. Người ta đến để thưởng thức nem ngon, cũng có người vừa thích nem vừa mê bóng mê gió cô hàng. Chiều khách thì thật là khéo chiều, nhưng cô hàng rất đứng đắn, làm cho mọi người đều vị nể.
Thấm thoắt Tô Thị đã hai mươi tuổi. Tuy có nhiều mối manh, nhưng nàng chưa thuận nơi nào. Một hôm, có một thanh niên tuổi ngoài hai mươi, vẻ người tuấn tú, đem thuốc Bắc từ Cao Bằng về Lạng Sơn bán. Nghe nói ở Kỳ Lừa có hàng nem ngon, lại có chỗ trọ rộng rãi, chàng liền tìm đến. Chàng thấy nem quả thật là ngon và cô hàng cũng thật tươi giòn. Biết cửa hàng một lần, hai lần, rồi cứ mỗi lần mang thuốc về Lạng Sơn bán, chàng lại đến hàng nem. Chàng thanh niên và Tô Thị trở nên thân thiết, trước còn mến nhau, sau yêu nhau.
Lấy nhau được hơn một năm thì Tô Thị có mang, sinh được một gái. Hai người yêu nhau rất mực, lại được thêm mụn con, mối tình càng khăng khít.
Một hôm, người chồng về nhà, thì vợ đang gội đầu ở ngoài hè. Chàng vừa bế con ngồi trên bực cửa xem vợ gội đầu, vừa kể chuyện cho vợ nghe. Chợt thấy đầu vợ có cái sẹo to, chàng nói: “Đầu mình có cái sẹo to, thế mà bây giờ tôi mới biết”.
Thấy chồng hỏi một cách ân cần, nhân vui câu chuyện, Tô Thị kể tỉ mỉ cho chồng nghe những chuyện xảy ra hồi nàng còn bé. Câu chuyện càng đi sâu, người chồng càng lộ vẻ buồn. Trấn Kinh Bắc, nơi quê cũ, người anh đi mất tích, mẹ chết, theo vợ chồng người chủ quán lên xứ Lạng, rồi ở luôn đây cho đến bây giờ.
Đau thương, buồn thảm, chàng tự nhủ thầm: “Sao mình lại không là một kẻ khác mà lại là Tô Văn! Thôi mình đã lấy lầm em ruột mình rồi!”. Chàng hồi nhớ lại những ngày xa xăm, cái ngày chàng lỡ tay ném đá vào đầu em, tưởng em chết, nên đã chạy trốn, đi lang thang không dám trở về nhà, rồi được một người Trung Quốc buôn thuốc Bắc đem về nuôi ở Trùng Khánh (Cao Bằng).
Lớn lên, Văn theo họ bố nuôi là họ Lý. Chàng thường đem hàng xuống Lạng Sơn bán và chỉ ở đây một vài ngày là hết hàng. Ngoài con đường Lạng Sơn - Cao Bằng, Cao Bằng - Lạng Sơn, chàng cũng không đi đến đâu cả. Hơn mười năm qua, chàng yên trí gia đình mình ở miền xuôi không còn một ai nữa; quê cũ đối với chàng bây giờ như trong sương mù, không còn tưởng nhớ để làm gì.
Văn nghĩ ngợi, rầu rĩ, nhưng Tô Thị mải chải đầu, quấn tóc, không để ý đến. Nàng vẫn vui vẻ, hồn nhiên không biết chồng mình đang ở vào những phút buồn phiền ghê gớm. Thấy Tô Thị ngây thơ, vui vẻ như thế, Tô Văn càng không muốn để nàng biết sự thực. Ai lại để cho người em gái mình còn non trẻ như thế kia biết một việc đau lòng như thế bao giờ! Tuy việc loạn luân xảy ra ngoài ý muốn của hai người nhưng chàng quyết tâm gỡ mối cho xong. Thôi hay là lại đi biệt chuyến nữa, em gái mình trẻ trung, xinh đẹp dường ấy, làm gì chả lấy được một người chồng khác, Văn nghĩ thế, rồi anh nghĩ cách để đi.
Giữa lúc tâm trạng Văn như thế thì có việc bắt lính. Anh xin đăng lính, không bàn với vợ nửa lời. Mãi đến lúc sắp lên đường anh mới nói với vợ. Tô Thị nghe chồng nói như sét đánh ngang tai, không hiểu sao đang sống yên vui với nhau mà chồng mình lại bỏ đi một cách kỳ lạ như thế! Nàng khóc ấm ức, khóc hoài, khóc mãi không nói nửa lời. Còn Văn chỉ những bứt rứt âm thầm, cho việc mình đi như vậy là giải thoát.
Từ ngày chồng đi, Tô Thị chẳng thiết gì đến việc bán hàng. Ngày ngày nàng bế con lên chùa Tam Thanh cầu cho chồng được tai qua nạn khỏi, chóng được trở về, cùng nhau sum họp.
Nhưng ba năm qua, bốn năm qua, nàng trông đợi chồng đỏ cả mắt mà chàng vẫn không về. Nàng ôm con lên chùa Tam Thanh kêu cầu. Hôm ấy, trời nổi cơn giông. Nàng nhớ chồng, thương thân, bế con ra ngoài chùa, trèo lên một mỏm đá cao chót vót, nhìn về hướng chồng đi. Mây đen kéo đầy trời. Gió rít lên từng hồi qua khe đá. Mưa như trút nước. Chớp lòe khắp núi. Nàng vẫn bế con đứng trơ trơ, đăm đăm nhìn về hướng chồng đi. Toàn thân quả núi rung chuyển dưới những luồng sét dọc ngang. Mưa mỗi lúc một to. Tô Thị vẫn bế con đứng trơ trơ trên mỏm đá cao chót vót.
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió yên, mặt trời tỏa ánh sáng xuống núi rừng. Nàng Tô Thị bế con đã hóa đá tự bao giờ. Ngày nay, còn truyền lại câu ca:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...”

Tuy nhiên, vào năm 1991, tượng đá nàng Tô Thị đã bị sụp đổ, và có hai người bị bắt vì nghi ngờ phá tượng để nung vôi, vì thế mà câu ca dao bị đọc chệch đi:
Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có Nàng Tô Thị, nó vừa nung vôi.
Sau đó, thầy Trương Hoàng Phương, giảng viên Khoa Địa lý, trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh (lúc đó đang học thạc sĩ tại Hà Nội) đã đến hiện trường để nghiên cứu lại vụ việc. Cuối cùng, các kết quả nghiên cứu của ông cho thấy rằng tượng nàng Tô Thị bị sụp đổ là do sự ăn mòn của tự nhiên chứ không phải do phá hoại. Từ kết quả này cũng suy ra rằng hai nghi phạm bị bắt trong vụ sập tượng đá thật sự là bị oan.
Hiện nay một tượng bằng xi măng đã được dựng lên tại vị trí tượng đá cũ. 
2. Nhạc sĩ Lê Thương và Bố cục ba phần của trường ca:
Nhạc sĩ Lê Thương tên thật là Ngô Đình Hộ, sinh năm 1914 tại phố Hàm Long, Hà Nội. Mồ côi mẹ từ năm chín tuổi, cha tục huyền (lấy vợ khác, sau khi vợ trước chết), bốn anh em gồm ba trai một gái, được bà nội đem về nuôi. Bà nội là Trùm một họ đạo Thiên Chúa ở khu phố Hàm Long thời ấy nên Lê Thương được bà dưỡng dục trong môi trường đạo giáo. Kiến thức âm nhạc do năng khiếu bẩm sinh và hấp thụ trong môi trường nhà Dòng, chứ không được học ở một trường lớp nhạc lý nào khác. Khi tu ở nhà Dòng ông có tên là Bénilde, tu được một thời gian rồi hoàn tục, trở về dạy học năm 1935.
Bút danh Lê Thương - do ông ghép họ mẹ với tên con sông Thương, dòng sông của kỷ niệm tuổi thơ trong những dịp nghỉ hè với gia đình một người bạn học ở một đồn điền tại Đồng Đăng (Lạng Sơn), nơi có tượng đá Tô Thị vọng phu. Hình tượng và huyền thoại Tô Thị đã in vào lòng ông, để sau này thành một trong những tố chất làm nên “Trường ca Hòn Vọng Phu” bất tử.
Dựa trên tích người vợ chờ chồng đến hóa đá, Lê Thương đã xây dựng nên câu chuyện khiến ai đã một lần nghe qua đều xúc động.
“Trường ca Hòn Vọng Phu” gồm có ba phần. Mỗi phần có thể được hát như một bài riêng:
* Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người Ra Đi (xuất bản năm 1946) - Khi chiến tranh nổ ra, người chồng theo lệnh vua tòng quân với lời hẹn ước chỉ một thời gian sẽ trở về. Hai vợ chồng, “người đi ngoài vạn lý quan san, người đứng chờ trong bóng cô đơn”.
* Hòn Vọng Phu 2 [05:42]: Ai Xuôi Vạn Lý (xuất bản tháng 10-1946) - Thời gian cứ dần trôi, người vợ chờ đợi mãi vẫn không thấy chồng trở về. Chiều nào nàng cũng bồng con ra ngóng tin chồng; vết chân nàng đi dần hằn sâu trên phiến đá. Cỏ cây, hoa lá, sông núi, nước non,... cả đất trời đều thương cảm cho nàng, đều giúp nàng ngóng tìm chồng, “xem chàng về hay chưa”. Ngóng trông mãi đến lúc tất cả đều khuyên nàng đừng chờ đợi nữa, hãy “trở về chớ đừng để xuân tàn”. Thế nhưng, nàng vẫn chờ, chờ mãi nơi ấy. Nước mưa, bụi thời gian tuôn xối xả lên nàng, “thấm vào đến tận tâm hồn đứa con”. Ngày tháng dần trôi, nàng và con dần hóa đá vì chờ chồng.
* Hòn Vọng Phu 3 [12:06]: Người Chinh Phu Về (xuất bản năm 1949) - Người chồng sau khi vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy, cuối cùng đã thực hiện được lời hứa là trở về với nàng nhưng đã quá muộn. Nàng đã không còn để gặp chồng, chỉ còn “vết bước đi trên phiến đá mòn còn in dấu” và nỗi tiếc thương lưu truyền mãi đến muôn đời sau.
3. Kể chuyện sáng tác:
(Trích bức thư của nhạc sĩ Lê Thương gửi về Làng Mai - một trung tâm thiền tập tọa lạc tại miền Tây Nam nước Pháp, do thiền sư Thích Nhất Hạnh sáng lập vào đầu năm 1982)
“Cách đây 43 năm (1944-1945), tại xứ Dừa tỉnh Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay), lúc đó còn là cù lao An Hóa, tỉnh Mỹ Tho, tình trạng dao động của một tâm hồn ưu tư về thời cuộc (Nhật chiếm Lạng Sơn 1940 rồi tràn vào Hải Phòng, Hà Nội; tôi vào Nam 1941) hòa nhiễm nỗi lòng chinh phu trong văn thơ đưa tôi đến việc sáng tác lần hồi ba bài ‘Hòn Vọng Phu’ thành một truyền kỳ cảm động.
Năm đó tôi tự cho là một kẻ phiêu lạc, đã từng ghé bến Quảng Châu Trung Hoa bốn tháng - ghi xong hơn 384 trang nhật ký, tiếc rằng nay đã mất hết ở Trà Vinh năm 1945 - mang nặng mối tình nước non đang xao xuyến, phân vân trước bao nhiêu nghi vấn của đời người, nên tôi gởi thác tâm tình vào đề tài dân tộc là Tích Người Đàn Bà Hóa Đá.
Tất cả luân lý đông phương hầu như căn cứ trên lẽ tiết trung của Con Người các thế hệ, các giai cấp trong một nhân sinh quan sâu đậm Tình và Nghĩa.
Người Mẹ ôm con đợi chồng rồi hóa đá quả là một truyện ly kỳ tuyệt đẹp. Thành đá đây là thành “chứng quả tình thâm, tình vợ chồng chưa toại lòng nhau đã cách biệt. Tình cha con chưa từng ôm ấp đã chia ly, tình đồng loại chưa sum vầy đã tan rã”.
Nước ta có ba đá Vọng Phu: Một ở Lạng Sơn có nàng Tô Thị như trong câu “Đồng đăng có phố Kỳ Lừa, có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”; hai là ở Phú Yên có núi Vọng Phu, vùng Đèo Cả (tỉnh Phú Khánh); ba là ở Hà Tiên, có Vọng phu Thạch [chưa kiểm chứng được thông tin này]
Núi Vọng phu ở Phú Yên tại một vùng địa lý hơi man rợ, thâm u, là đá đẹp nhất, xem từ biển nhìn vào làm cho tôi cảm mến.
Nhớ lại năm 1470 đầu niên hiệu Hồng Đức tại vùng này có “thạch bi sơn” làm biên giới Việt Nam và Chiêm Thành (Vương quốc Chăm Pa) còn sót lại... Cảnh trí đường đèo quanh co, cây cỏ um tùm man rợ làm cho dân gian ghi tạc mấy câu vè siêu thực đầy tính bí hiểm: “Mưa Đồng Cọ, gió Tu Hoa, cọp Ổ Gà, ma Hòn Lớn”.
Lời sơ giải của dân gian kể là: Trên một cao nguyên nhỏ vùng đèo, thường có mây dày đặc chỉ cần gọi nhau trên đó là có mưa rớt xuống (còn nhiều di tích dân cổ Chiêm Thành trên đó).
Đường lên ngọn cao nơi đó, sườn núi bị sói mòn, gió biển thổi qua các khúc quanh co, nghe như tiếng hú âm u. Đó là Mưa Đồng Cọ, gió Tu Hoa.
Cọp thời xưa dạn dĩ đến nỗi sau những trận mưa chúng ra đường lộ phơi nắng cho khô, bộ áo rằn ri, xe hơi thời đó bóp kèn năn nỉ chúng cũng không thèm nhúc nhích (xe thời đầu Pháp thuộc có mui dựng lên để hai bên hông trống rỗng) nên xe phải dừng lại cho mấy “ông ba mươi” đi hết mới chạy qua, vừa lên tốc độ chối chết vừa la như giặc.
Còn Hòn Lớn thì nghe như một cái đảo âm u ngang vùng Phan Rang gì đó, có rất nhiều “ma hồi” đêm cứ lập lòe nhát các ngư phủ ghé thuyền tránh gió đến đó qua đêm!
Quang cảnh hú vía của thiên nhiên, trộn vào ảnh cảm địa lịch qua từng bước đường nam tiến vẫn ám ảnh tâm hồn tôi, một cậu trai giàu tưởng tượng để lúc sống bên bờ kinh Chẹc Xậy (tỉnh Bến Tre thân mến) phải thể hiện thành bài “Hòn Vọng Phu 1”:
Lệnh vua hành quân trống kêu dồn...
Bài “Ai Xuôi Vạn Lý” (Hòn Vọng Phu 2) là cuối năm 1945 sang 46, tôi theo kháng chiến tỉnh Mỹ Tho đi từ Cai Lậy, thuộc Nhiêu, Vĩnh Kim qua sông [vẫn chưa rõ phần này??], đi với các em phần đông là học sinh Petrus Ký mà tôi là trưởng đoàn Ca Nhạc với những bài thanh niên lịch sử và riêng “Hòn Vọng Phu 1” nghêu ngao qua các làng dừa từ Thành Triệu, An Khánh, Phú An Hòa, Quới Sơn, Giao Long, Giao Hòa, cho đến Dòng Sầm, gần Bình Đại...
Bỗng Tây đem tàu tấn công 3 Cù Lao: Minh, Bảo, An Hóa. Tiếng Canon 75 bắn tủa vào các bờ sông có dừa, máy bay phun lửa “spitfire” từ trời bắn xuống. Đoàn phải tan rã, các em trong đoàn chạy hầu hết về gia đình, chỉ còn tôi và người bạn Ánh (nay đã chết) trốn được vào vùng lá Dòng Sầm cách Bình Đại 4 cây số.
Chúng tôi được vài gia đình người Cao Đài làm đầu tộc đạo nơi đó thương xót giấu trong bìa lá và giúp lương thực sống trong sự khủng khiếp hằng ngày, vì tên Pháp lai Leroy và bọn lính Partisans đầu đỏ xục xạo làng xóm gieo khủng khiếp. Lúc đầu chúng tôi còn trốn vào sâu trong ruộng, đem gạo cơm đi ăn, tối về nằm trong kho lúa. Sau vì còn thấy nguy hiểm nên anh tư - bà con với ông đầu tộc đạo dẫn chúng tôi vào bìa lá dòng Sầm dày 4,5 trăm thước sát cửa biển Bình Đại.
Tại nơi yên tĩnh này chúng tôi được sống bên bờ rạch dày đặt lá dừa nước! May mà còn chiếc mùng “Tuin” (tulle) để tránh muỗi, đêm đêm nghe dế than, cá thòi lòi đập đuôi lạch bạch dưới sình và tâm hồn lo âu vô vọng. Tôi hay nghĩ đến sự chết thê thảm cô đơn và lẩn vẩn trong trí óc sự tiếc nuối mênh mang như lòng người chinh phụ trong giang san Đèo Cả.
Thôi đứng đợi làm chi
Thời gian có hứa mấy khi sẽ đem đến trả đúng kỳ
Những người mang mệnh biệt ly
Nhờ cây viết máy Kao lo khô mực và nước rạch nhỏ vào cho ướt lại, tôi viết mấy ô nhịp trên.
Tâm hồn rạo rực trong mỗi buổi chiều tà làm bốc lên những tiếng mới của bài “Hòn Vọng Phu 2”, tức “Ai Xuôi Vạn Lý”, được ghi vội vã lộn xộn nhưng cuồng nhiệt như tâm hồn tôi ghì lấy sự sống.
Ngày chót ở Dòng Sầm là ngày đại bố của tên Leroy. Hắn nghe tin có người lạ mặt trốn trong lá (vì có tên lính kín của hắn trà trộn trong đám người đi chặt lá bất ngờ gặp hai chúng tôi).
Tên này giả đò thương hai chúng tôi, hỏi vu vơ vài câu rồi ra lộ làng. Anh Tư người che chở chúng tôi thấy nó chạy vội xuống Bình Đại, anh hốt hoảng vào kêu chúng tôi thu xếp túi áo quần, xóa vết củi than rồi tìm chổ trốn càng sâu càng tốt - như ráng chui dưới đống lá mới chặt kẻo vào bụi rậm thì dễ bị chúng bắn bừa vào cho chết.
Cả một ngày khủng khiếp tột độ kéo dài cho đến gần tối đêm, chúng tôi mới dám lần về nhà anh Tư, hỏi thăm nơi nào còn trốn được nữa. Anh dẫn đến nhà người bề trên trong dòng họ và cả trong đạo, năn nỉ xin giúp. Ông này chỉ lối cho chúng tôi ra một tha ma nhỏ có một mộ đào sẳn nhưng chưa chôn - Lấy rơm nơi gần đó trải đầy xuống đáy mộ, chúng tôi đành xuống đó nằm nghĩ qua đêm, yên lặng trong ngôi mộ như chờ lấp đất.
Vòm trời sao hình chữ nhật tỏa xuống hai thằng người nửa sống nửa chết, tuy chưa chôn nhưng đang phó thác tâm hồn cho thượng đế với hai cái xác còn đầy sức sống cầu mong được thoát nạn. Sáng hôm sau lời nguyện đã được nghe từ thiên cao: Một em trong đoàn hát tìm được chúng tôi và dẫn qua đường làng đến Vang Quới, xuống đó may về được Mỹ Tho để ngồi tù... Rồi thoát nạn.
Sài Gòn cuối 1947. Hòn Vọng Phu 2 với nỗi lòng “người Vọng Phu” qua lúc gió mưa thành hình và trong nội năm 1948 nỗi lòng ấy vang dội trên các sân khấu Sài Thành với giọng ca điêu luyện của nhiều nam nữ ca sĩ trong đó có Ánh Mai, sau này thành vợ cũ của Huỳnh Văn Tiểng và vài người đẹp đã quên tên.
Sống lại với nền tân nhạc giữa thời “khai sơn phá thạch”, tôi không ngớt theo đuổi ý chí kể lại khúc chót của chuyện tích mặc dù mắc kẹt với bao sáng tác của năm 1948, một năm khởi sắc với 6 bài nhạc thời sự (Hòa Bình 48, Báo Thương, Liều Thuốc Độc Lập... Dao ca, tạp khúc ca, kịch ngắn...) thâu âm đĩa hát, tìm nhà ở, tìm chỗ dạy học lại...
“Người Chinh Phu Về” (Hòn Vọng Phu 3) với tình nghĩa vợ chồng đổi sang tình nghĩa non sông, nhìn đứa con để trao cho nó thanh kiếm sơn hà. “Trao nó đi gây lại cơ đồ”. Linh tính làm người Việt Nam giữa thời khói lửa vẫn đinh ninh là Hạnh Phúc - vẫn là mục tiêu không kỳ hạn mà dân tộc phải tìm lâu dài, cho đến khi quân bình được những cảm tình trái ngược mà lẽ đời sôi động của cuối thế kỷ đã lôi cuốn bao lớp người vào lãng phí sinh mạng như vào hận tủi bi thiết của nhân sử nòi Việt...
Nguồn tư liệu:
+ https://webdesignviet.wordpress.com/ (Chuyện kể nàng Tô Thị hay sự tích Hòn Vọng Phu)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Nàng Tô Thị - Wikipedia)
+ http://www.vanhoanghean.com.vn/ (Nhạc sĩ Lê Thương và 70 năm Hòn Vọng Phu)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Lê Thương - Wikipedia)
+ https://vi.wikipedia.org/ (Hòn vọng phu - Wikipedia)
+ https://langmai.org/ (Trường ca Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương)
15/12/2018
Vàng Son
Theo https://vangson.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...