Con đường sáng tạo 2
Georges Simenon
“Kỹ thuật” sáng tác
Giới thiệu
André Gide trong một bài nghiên cứu về tiểu thuyết Simenon, viết rằng Simenon “có lẽ là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất và chân chính nhất của văn chương Pháp hiện đại”.
Georges Simenon sinh 13-2-1903 tại Liège, Bỉ. Năm 16 tuổi ông làm phóng viên cho tờ la Gazette de Liège. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Au Pont des Arches, ra đời năm ông 17 tuổi, được viết trong 10 ngày mở đầu cho lối viết chớp nhoáng của ông. Dùng ít nhất mười sáu bút hiệu, xếp theo thứ tự từ Christian Brulls tới Gom Gutt, ông bắt đầu viết loại tiểu thuyết thương mại, có cuốn viết trong hai mươi lăm giờ - với ý định luyện tập cho những tác phẩm đứng đắn hơn. Ông thu ngắn giai đoạn tập luyện khi viết loại tiểu thuyết chuyển tiếp về thám tử Maigret. Từ bộ Maigret mà ông đã viết trên 75 cuốn, ông chuyển ngay sang tiểu thuyết tâm lý căng thẳng. Để duy trì nhịp điệu căng thẳng ấy, ông viết mỗi cuốn trong vòng 11 ngày khép kín. Mỗi ngày ông viết một chương, nếu bị đau phải nghỉ viết 48 đồng hồ, ông sẽ liệng tất cả những chương viết trước và “không bao giờ trở lại cuốn tiểu thuyết đó nữa”.
Ngày nay, trừ thỉnh thoảng viết một cuốn Maigret, ông chỉ viết loại tiểu thuyết đứng đắn mà ông gọi là “phi thương mại”. Ngoài 350 cuốn được viết dưới nhiều bút hiệu khác nhau, Georges Simenon đã cho ra đời hơn 150 cuốn tiểu thuyết trong đó có Le Coup de lunne (1933), Le Bourgmestre de Fures (1939). L’ainé des Ferchaux (1945), Lettre à mon juge (1947), Le neige était sale (1948), Les Volets verts (1950), l’Horloger d’ Everton (1954), En cas de malheur (1956). L’ours en peluche (1960), Le Train (1961) và Les Anneuaux de Bicêtre (1963).
Được nổi tiếng rất sớm nhưng phải chờ đợi rất lâu Simenon mới được công nhận là một tác giả lớn, một phần nhờ những lời khen ngợi nồng nhiệt của Gide, Mac Orlan, Edmond Jaloux, Keyserling. Bây giờ người ta mới bắt đầu nói về “tư tưởng” Simenon. Tư tưởng đó có lần ông đã trình bầy rõ trong “cuốn tiểu thuyết của con người”: ông muốn dựng lên hình ảnh con người chân thực, không mang ảo tưởng về mình và đồng loại, không mặt nạ, không giáo điều. Để thực hiện mục đích đó, Simenon xô đẩy nhân vật của ông tới tận cùng giới hạn của nó. Cuối cùng sau những đổ vỡ tan hoang của ngoại cảnh, con người đi tới giáp mặt định mệnh mình, thân thể trơ trụi, tâm hồn trần truồng mở phơi. Tất cả những nhân vật của ông đều bị ray rứt trong một cơn khủng hoảng thường liên kết với một sự thực ghê gớm có tác dụng biến đổi dòng đời tẻ nhạt hàng ngày thành một định mệnh khốc liệt. Trong tiểu thuyết Simenon người ta lặp lại bầu không khí bi kịch xưa, và đó là lý do tại sao ông tuyên bố: “tiểu thuyết là bi kịch của thời đại chúng ta”.
Simenon khước từ những giải thích tâm lý cổ điển, những tiêu chuẩn luân lý truyền thống. Ông biện hộ cho những nạn nhân, những kẻ tội lỗi, những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục, những kẻ bị giam hãm trong cuộc đời, những kẻ đau khổ và chết trong bóng tối, vì lẽ đó ông được gọi là “trạng sư biện hộ cho con người” [1], - danh từ của Queniin Rutzen - hay một “kẻ chắp vá những định mệnh” như ông tự gọi mìh. Tác phẩm của Simenon đụng chạm mãnh liệt tới tâm hồn con người hiện đại, qua đó, người ta thấy rõ hình ảnh phóng lớn của mình.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn Simenon do Carvel Collins thực hiện tại nhà riêng của Simenon ở Lakeville, Connecticut.
Simenon: Có một lời khuyên tổng quát của một nhà văn vô cùng hữu ích đối với tôi. Đó là lời khuyên của Colette. Hồi đó tôi đang viết truyện ngắn cho tờ Le Matin và Colette là giám đốc văn học. Tôi còn nhớ tôi đưa cho bà hai truyện ngắn, bà trả lại và tôi cố viết lại, viết lại nữa. Cuối cùng bà nói: “Này, truyện văn chương quá, luôn luôn văn chương quá.” Thế rồi tôi theo lời khuyên của bà. Đó là điều tôi viết, công việc chính khi tôi viết lại.
Người phỏng vấn: Ông muốn nói gì khi dùng chữ “văn chương quá”. Ông cắt bỏ gì, những loại chữ nào?
Simenon: Những tĩnh từ, trạng từ và bất cứ chữ được viết ra đó để tạo hiệu năng. Bất cứ câu nào được viết ra đó chỉ để cho có câu. Như thế nghĩa là nếu bạn có một câu văn vẻ đẹp đẽ - hãy cắt bỏ nó đi. Mỗi lần tôi thấy một câu như vậy trong những cuốn tiểu thuyết của tôi là lập tức câu đó bị cắt đi.
Người phỏng vấn: Phải chăng đó là đặc tính của phần lớn việc đọc lại của ông?
Simenon: Hầu như đó là tất cả công việc đọc lại.
Người phỏng vấn: Chứ không phải là việc kiểm soát lại tình tiết truyện sao?
Simenon: Ồ, tôi không bao giờ đụng tới loại công việc đó đâu. Đôi khi tôi thay đổi tên khi viết: một thiếu phụ có thể là Helen trong chương một và Charlotte trong chương hai, ông thấy không; bởi thế khi tôi đọc lại, tôi sửa cho thống nhất, có thế thôi. Và rồi cắt, cắt, cắt.
Người phỏng vấn: Ông còn có thể nói với những người viết mới điều gì khác không?
Simenon: Viết được coi như một nghề nghiệp và tôi không hề nghĩ rằng đó là một nghề nghiệp. Tôi nghĩ rằng bất cứ người nào không cần trở thành một nhà văn, người nào nghĩ hắn có thể làm một việc gì khác, nên làm một việc gì khác. Viết lách không phải là một nghề nghiệp mà là một khuynh hướng về bất hạnh.
Người phỏng vấn: Tại sao vậy?
Simenon: Bởi vì, trước hết, tôi nghĩ rằng nếu một người có nhu cầu thúc bách phải trở thành một nghệ sĩ chính bởi vì hắn cần tìm kiếm mình. Bất cứ nhà văn nào cũng cố gắng tìm kiếm mình qua những nhân vật của hắn, qua tất cả tác phẩm của hắn.
Người phỏng vấn: Hắn viết cho chính hắn?
Simenon: Vâng. Đúng vậy.
Người phỏng vấn: Ông có ý thức được rằng sẽ có độc giả đọc tiểu thuyết mình?
Simenon: Tôi biết rằng có nhiều người không nhiều thì ít cũng có những vấn đề như tôi với ít nhiều mãnh liệt hơn và sẽ vui vẻ hơn đọc sách để tìm giải đáp - nếu lời giải đáp có thể tìm thấy được.
Người phỏng vấn: Thế còn ngay cả khi là tác giả không thể tìm ra được lời giải đáp độc giả cũng được lợi lộc bởi tác giả đang chuyên chú tìm kiếm à?
Simenon: Chính thế. Thực vậy. Tôi không nhớ là tôi đã từng nói với ông về cái cảm thức mà tôi có cách đây vài năm bao giờ chưa. Vì xã hội ngày nay không có một tôn giáo mạnh, không có một hệ thống giai cấp xã hội vững vàng, và người ta kinh sợ cái tổ chức vĩ đại mà trong đó người ta chỉ là một thành phần nhỏ bé, đối với họ, đọc một vài cuốn tiểu thuyết nào đó từa tựa như việc nhòm qua một lỗ khóa để xem người hàng xóm của mình đang làm gì, nghĩ gì - hắn có cùng mặc cảm tự ti, cùng những tật xấu, cùng những cám dỗ với mình chăng. Đó chính là những gì họ tìm kiếm trong tác phẩm nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng ngày nay có nhiều người đang bất an hơn và đang lên đường tìm kiếm chính mình.
Bây giờ rất ít tác phẩm nghệ thuật loại Anatole France viết, chẳng hạn, nghĩa là rất trầm lặng, trang nhã và đầy tin tưởng. Ngược lại điều con người muốn hôm nay muốn là tác phẩm phức tạp nhất, cố gắng xâm nhập vào tận cùng những xó xỉnh của bản chất con người. Ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?
Người phỏng vấn: Ông muốn nói không phải vì hôm nay chúng ta cho rằng chúng ta hiểu biết nhiều hơn về tâm lý mà chính bởi vì nhiều độc giả hơn đang cần loại tiểu thuyết đó chứ gì?
Simenon: Vâng. Một người bình thường năm mươi năm về trước – có nhiều vấn đề hôm nay hắn chưa hề biết tới. Năm mươi năm trước, hắn có giải đáp. Ngày nay hắn không còn có giải đáp nữa.
Người phỏng vấn: Một năm trước đây hay vào khoảng đó, ông và tôi có nghe thấy một nhà phê bình đòi hỏi rằng tiểu thuyết phải trở về loại tiểu thuyết được viết ở thế kỷ thứ mười chín.
Simenon: Không thể được, tôi cho rằng hoàn toàn không thể được. (Ngừng). Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhà văn không luôn luôn gặp khó những trở ngại xung quanh, họ có thể cố gắng trình bầy nhân vật bằng cách diễn tả toàn diện nhất, đầy đủ nhất. Bạn có thể mô tả tình yêu trong một câu chuyện vô cùng đẹp đẽ, mười tháng đầu tiên của hai kẻ yêu nhau như trong văn chương thưở xa xưa. Kế đó bạn có loại truyện thứ hai: họ bắt đầu chán chường; đó là văn chương cuối thế kỷ qua. Và rồi, nếu bạn có thể đi xa hơn, người đàn ông vừa năm mươi tuổi và cố gắng có một đời sống khác, người đàn bà nổi ghen, và bạn có con cái xen lẫn vào đó, đó là loại truyện thứ ba. Chúng ta không đang ở truyện thứ ba. Chúng ta không ngừng lại khi họ lấy nhau, chúng ta không ngừng lại khi họ bắt đầu chán chường, chúng ta đi đến cùng.
Người phỏng vấn: Trong tương quan ấy, tôi thường nghe người ta hỏi về sự tàn bạo của tiểu thuyết hiện đại. Tôi hoàn toàn tán đồng điều đó, nhưng tôi vẫn muốn hỏi tại sao ông viết về điều đó.
Simenon: Chúng ta quen nhìn người bị xô đẩy đến tận cùng giới hạn họ.
Người phỏng vấn: Và sự tàn bạo liên kết với điều đó?
Simenon: Nhiều hay ít. (Ngừng). Chúng ta không còn suy tưởng về một theo quan điểm của một số triết gia nữa; trong một thời gian rất lâu con người được nhận xét từ quan điểm có Thượng Đế và con người là chủ vạn vật. Chúng ta không còn nghĩ rằng con người là chủ vạn vật nữa. Chúng ta nhìn hầu như giáp mặt con người. Một số độc giả vẫn còn muốn đọc những cuốn tiểu thuyết lạc quan, những cuốn tiểu thuyết cho họ một quan điểm thoải mái về nhân loại. Không thể được.
Người phỏng vấn: Vậy thì nếu độc giả thích thú ông, ấy là vì họ muốn một cuốn tiểu thuyết thăm dò những nỗi băn khoăn phiền muộn của họ? Vai trò của ông là nhìn vào mình và…
Simenon: Chính thế. Nhưng không phải vấn đề duy nhất của nghệ sĩ là nhìn vào bản thân mình mà còn phải nhìn vào người khác với kinh nghiệm hắn có về mình. Hắn viết với lòng thiện cảm bởi vì hắn cảm thấy rằng người khác cũng giống mình.
Người phỏng vấn: Nếu không còn độc giả liệu ông còn viết nữa không?
Simenon: Chắc chắn là có. Khi tôi bắt đầu viết, tôi không hề nghĩ rằng tác phẩm của tôi sẽ được đem ra bán. Đúng hơn nữa, khi tôi bắt đầu viết những đoản văn - truyện ngắn cho tạp chí và những thứ đại loại như vậy - để kiếm sống, nhưng không gọi cái đó là sáng tác. Nhưng riêng cho tôi, đêm đêm, tôi viết lách chút ít mà không hề có ý nghĩ rằng có thể một ngày nào đó sẽ được ấn hành.
Người phỏng vấn: Có lẽ ông có kinh nghiệm nhiều như bất cứ ai trên đời trong cái việc làm mà ông vừa gọi là sáng tác thương mại đó. Sự khác biệt giữa nó và tác phẩm phi thương mại ra sao?
Simenon: Tôi gọi là “thương mại” bất cứ tác phẩm nào, không phải chỉ trong lãnh vực văn chương mà trong cả âm nhạc hội họa và điêu khắc - bất cứ bộ môn nghệ thuật nào - được thực hiện cho một thành phần quần chúng nào đó hay cho một loại ấn phẩm nào đó hoặc cho một giai phẩm đặc biệt. Dĩ nhiên, trong tác phẩm thương mại cũng có nhiều cấp bậc khác nhau. Người ta có thể có thứ rẻ tiền và cũng có thể có vài loại thật hay, chẳng hạn những sách hàng tháng là những tác phẩm thương mại, nhưng một vài cuốn gần như được viết một cách hoàn hảo, gần như những tác phẩm nghệ thuật. Không hoàn toàn nhưng gần như thế. Những đoản văn ở một số tạp chí cũng vậy; một vài bài tuyệt vời. Nhưng rất hiếm khi chúng là những tác phẩm nghệ thuật, bởi vì một tác phẩm nghệ thuật không thể thực hiện với mục đích mua vui cho một số độc giả nào đó.
Người phỏng vấn: Điều ấy khiến tác phẩm thế nào? Là tác giả, ông biết rõ ông có xếp đặt một cuốn tiểu thuyết cho việc thương mại hay không, nhưng, nếu chỉ nhìn tác phẩm của ông từ bên ngoài, liệu độc giả có nhìn thấy chỗ khác biệt không?
Simenon: Sự khác biệt lớn lao sẽ nằm trong những sự nhượng bộ. Trong sáng tác cho bất cứ một mục đích thương mại nào luôn luôn ta phải nhượng bộ.
Người phỏng vấn: Chẳng hạn nhượng bộ cho ý tưởng rằng cuộc đời trật tự và êm đẹp?
Simenon: Và cho quan điểm luân lý. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất. Bạn không thể viết bất cứ tác phẩm thương mại nào mà lại không phải chấp nhận một số luật lệ. Bao giờ cũng là một luật lệ - như luật lệ của Hollywood và của vô tuyến truyền hình truyền thanh. Chẳng hạn bây giờ chúng ta có một chương trình truyền hình thật hay; có thể là chương trình hay nhất để diễn. Hai hồi đầu luôn luôn không chê vào đâu được. Ta có cảm tưởng có một điều gì mới mẻ và mãnh liệt, thế rồi cuối cùng sự nhượng bộ tới. Không phải luôn luôn là một happy end (kết cục có hậu), nhưng có một cái gì đến để dàn xếp mọi sự theo quan điểm luân lý hay triết lý - ông thấy chưa. Tất cả mọi nhân vật, được thực hiện một cách tuyệt mỹ, đùng một cái thay đổi hoàn toàn vào mười phút chót.
Người phỏng vấn: Trong những cuốn tiểu thuyết phi thương mại của ông, ông cảm thấy không cần nhượng bộ bất cứ cách nào?
Simenon: Tôi không bao giờ làm thế, không bao giờ, không bao giờ. Nếu không tôi đã chẳng viết. Thật là đau đớn phải nhượng bộ nếu sự nhượng bộ đó không đi đến chỗ chấm dứt.
Người phỏng vấn: Ông đã cho tôi coi những tấm phong bì mầu vàng óng dùng để phác họa những cuốn tiểu thuyết. Trước khi thực sự bắt tay vào viết, ông phải nghiền ngẫm một cách ý thức về lược đồ của cuốn tiểu thuyết đặc biệt trong bao lâu?
Simenon: Như ông đã gợi ý, chúng ta phải phân biệt ở đây sự khác nhau giữa ý thức và vô thức.
Một cách vô thức, có lẽ tôi luôn luôn có trong óc hay hay ba đề tài, chứ không phải là tiểu thuyết hay ý tưởng về tiểu thuyết. Tôi cũng chẳng hề nghĩ rằng những chủ đề ấy có thể dùng cho một cuốn tiểu thuyết bao giờ; đúng hơn đó là những điều làm tôi lo âu. Hai ngày trước khi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, tôi lấy một trong những ý tưởng đó một cách ý thức, trước hết tôi tìm một không khí nào đó. Hôm nay trời ở đây hoe nắng. Tôi có thể nhớ một mùa xuân tương tự, có thể ở một tỉnh lỵ nào đó ở Ý, hay một vài nơi nào đó trong những tỉnh nhỏ bên Pháp hay ở Arizona, tôi không biết, và thế rồi dần dần, một thế giới nhỏ bé sẽ hiện ra trong tâm trí với một ít nhân vật. Những nhân vật này sẽ được lấy một phần từ những người tôi quen biết và một phần từ tưởng tượng hoàn toàn - bạn biết đó, là sự trộn lẫn của cả hai. Và rồi ý tưởng tôi đã có trước sẽ đến và lởn vởn quanh những nhân vật. Họ sẽ có cùng vấn đề tôi có trong tâm trí tôi. Và vấn đề - với những nhân vật - đó sẽ cho tôi cuốn tiểu thuyết.
Người phỏng vấn: Việc này xẩy ra một ngày trước đó?
Simenon: Vâng, một đôi ngày. Bởi vì ngay khi tôi có khởi điểm tôi không thể cưu mang nó quá lâu được; bởi thế nên ngày hôm sau tôi lấy phong bì, lấy cuốn sổ điện thoại để lấy tên, và lấy bản đồ của riêng tôi - ông biết không để xem sự việc xảy ra đích xác ở đâu. Và hai ngày sau tôi bắt đầu viết. Và khởi điểm bao giờ cũng tương tự như nhau, nó gần như một vấn đề hình học: Tôi có một người đàn ông đó, một người đàn bà đó trong những không gian đó. Điều gì có thể xẩy ra để buộc họ phải đi đến cùng giới hạn họ? Đó là vấn đề. Đôi khi chỉ là một biến cố rất đơn giản, bất cứ điều gì có thể thay đổi cuộc đời họ, Đoạn tôi viết hết chương này đến chương khác cuốn tiểu thuyết của tôi.
Người phỏng vấn: Cái gì diễn tiến trên tấm phong bì phác họa? Không phải là lược đồ của hành động sao?
Simenon: Không, Không, Tôi không biết chút gì về những biến cố khi tôi bắt đầu cuốn tiểu thuyết cả. Trên tấm phong bì tôi chỉ ghi tên các nhân vật, tuổi tác, gia đình họ. Tôi không biết bất cứ điều gì về những biến cố sẽ xẩy ra sau này. Nếu không thì nó sẽ chẳng còn hứng thú gì cho tôi nữa.
Người phỏng vấn: Khi nào những biến cố bắt đầu hình thành?
Simenon: Vào đêm trước ngày đầu tiên tôi hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra ở chương thứ nhất. Thế rồi, ngày qua ngày, chương này kế tiếp chương khác, tôi tìm thấy chuyện gì xảy ra sau này. Sau khi tôi khởi sự viết một cuốn tiểu thuyết, mỗi ngày tôi viết một chương, không bao giờ bỏ một ngày. Bởi vì đó là một nhịp điệu căng thẳng, tôi phải theo bén gót cuốn tiểu thuyết. Nếu, giả dụ tôi bị đau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tôi sẽ phải liệng đi những chương trước. Và không bao giờ tôi trở lại cuốn tiểu thuyết đó nữa.
Người phỏng vấn: Khi ông viết truyện thương mại, ông cũng dùng phương pháp tương tự như thế chứ?
Simenon: Không, không bao giờ. Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết thương mại, không bao giờ tôi nghĩ tới cuốn tiểu thuyết đó trừ trong những giờ phút viết nó. Nhưng khi tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết, tôi không gặp bất cứ người nào, tôi không nói với bất cứ ai, tôi không gọi điện thoại - tôi sống như một tu sĩ vậy. Suốt ngày tôi là một trong những nhân vật của tôi. Tôi cảm thấy những gì hắn cảm thấy.
Người phỏng vấn: Ông luôn luôn là nhân vật đó trong suốt cuốn tiểu thuyết?
Simenon: Luôn luôn, bởi phần lớn tiểu thuyết của tôi trình bày những gì xảy ra xung quanh một nhân vật. Những nhân vật khác đều được nhìn qua hắn. Bởi thế tôi phải sống trong da thịt nhân vật đó. Và điều đó hầu như không thể chịu đựng nổi sau năm hay sáu ngày. Đấy là một trong những lý do tại sao tiểu thuyết của tôi thường quá ngắn; sau mười một ngày tôi không kham nổi - không thể chịu nổi nữa. Tôi phải nghỉ. - Đó là vấn đề thể chất. Tôi quá mệt mỏi.
Người phỏng vấn: Tôi phải hiểu vậy chứ. Nhất là nếu ông lại đẩy nhân vật chính tới cùng cực giới hạn của hắn.
Simenon: Vâng, vâng.
Người phỏng vấn: Và ông đang thủ vai trò đó với hắn, ông.
Simenon: Vâng thật ghê gớm. Bởi thế tại sao, trước khi tôi khởi viết một cuốn tiểu thuyết - kể điều đó ra đây hơi có vẻ kỳ cục, nhưng đó là sự thực - thường thường một vài ngày trước khi khởi đầu một cuốn tiểu thuyết, tôi sắp đặt để không có bất cứ một cuộc hẹn hò nào trong vòng mười một ngày. Kế đó tôi mời bác sĩ tới. Ông ta đo áp lực mạch, ông kiểm sát lại mọi bộ phận. Và ông ta nói “Okay”.
Người phỏng vấn: Sửa soạn sẵn sàng để hành động?
Simenon: Đúng vậy. Bởi vì tôi cần phải biết chắc rằng tôi còn đầy đủ sức khỏe trong vòng mười một ngày.
Người phỏng vấn: Sau mười một ngày ông ta trở lại không?
Simenon: Ông ta thường trở lại.
Người phỏng vấn: Đó là ý kiến của ông ta hay ý kiến của ông?
Simenon: Của ông ta.
Người phỏng vấn: Ông ta thấy gì?
Simenon: Áp huyết thường xuống thấp.
Người phỏng vấn: Ông ta nghĩ sao? Không sao cả gì chứ?
Simenon: Ông ta nghĩ không sao cả nhưng làm vậy luôn thì có hại cho sức khỏe lắm.
Người phỏng vấn: Ông ta có hạn chế ông không?
Simenon: Đôi khi ông ta nói: “Này, thôi sau truyện này thì phải đi nghỉ đi nhé.” Chẳng hạn, hôm qua ông ta nói: “Okay, nhưng ông định viết bao nhiêu cuốn nữa trước khi định đi nghỉ hè đây?” Tôi đáp: “Hai.” “Okay.” ông ta bảo.
Người phỏng vấn: Hay lắm. Tôi muốn hỏi ông xem ông có thấy kiểu mẫu nào trong sự triển khai những quan điểm của ông trong khi chúng được khai thác trong những cuốn tiểu thuyết của ông không.
Simenon: Tôi không phải là người khám phá ra điều đó, như một số nhà phê bình ở Pháp đã tìm thấy. Suốt đời tôi, suốt cuộc đời văn nghệ của tôi, nếu tôi được phép nói như thế, tôi đã dùng một số vấn đề cho tiểu thuyết của tôi, và vào khoảng mười năm một lần tôi lại đề cập tới cùng những vấn đề ấy theo một quan điểm khác. Tôi có cảm tưởng rằng có lẽ không bao giờ tôi tìm được câu giải đáp. Tôi được biết một số vấn đề tôi đã bàn tới hơn năm lần.
Người phỏng vấn: Và ông biết rằng ông sẽ còn đề cập tới những vấn đề đó nữa?
Simenon: Vâng. Và rồi có một vài vấn đề - nếu tôi có thể gọi là vấn đề - tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ để cập tới nữa, bởi vì tôi có cảm tưởng rằng tôi đã đào xới đến tận cùng những vấn đề ấy rồi. Tôi không còn tha thiết tới chúng nữa.
Người phỏng vấn: Xin ông cho biết một vài vấn đề ông thường đề cập tới và có thể sẽ còn đề cập tới trong tương lai là những vấn đề nào?
Simenon: Chẳng hạn một vấn đề có lẽ ám ảnh tôi nhiều hơn bất cứ một vấn đề nào khác là vấn đề thông cảm. Tôi muốn nói sự thông cảm giữa hai người. Sự thực chúng ta có bao nhiêu triệu người tôi không được rõ, tuy nhiên sự thông cảm, sự thông cảm hoàn toàn thì lại hoàn toàn không thể có được giữa hai người trong muôn triệu người đó, đó là một trong những đề tài bi thảm lớn lao nhất đối với tôi. Khi tôi còn thơ dại, tôi sợ hãi điều đó. Tôi hầu như la thét lên được vì điều đó. Nó mang lại cho tôi một cảm giác cô đơn, lẻ loi hiu quạnh. Đó là một đề tài tôi đã dùng không biết bao nhiêu lần. Nhưng tôi biết nó sẽ còn trở lại. Chắc chắn nó sẽ còn trở lại nữa.
Người phỏng vấn: Còn đề tài khác?
Simenon: Đề tài khác dường như là sự đào thoát. Trong hai ngày cô đơn ta thay đổi hoàn toàn: không thèm đếm xỉa gì tới điều gì đã xẩy ra trước đó, chỉ biết ra đi. Ông hiểu cho tôi muốn nói gì chứ?
Người phỏng vấn: Bắt đầu lại?
Simenon: Không những bắt đầu lại. Nhắm mắt ra đi về hướng vô định.
Người phỏng vấn: Tôi hiểu. Ông có tin rằng mỗi một đề tài này chẳng bao lâu sẽ trở thành một chủ đề không? Hỏi như thế có sao không ạ?
Simenon: Có lẽ một đề tài sẽ chẳng còn xa xôi lắm đâu. Đó là một đề tài liên quan tới tình cha con, hai thế hệ, người đang đến, kẻ sắp đi. Không hoàn toàn đúng như vậy, nhưng tôi chưa nhìn thấy đủ rõ để có thể bàn tới.
Người phỏng vấn: Đề tài này có thể liên kết với đề tài thiếu cảm thông?
Simenon: Chính thế; nó là một phần của cùng một vấn đề.
Người phỏng vấn: Những đề tài nào ông biết khá chắc chắn là ông sẽ không đề cập tới nữa?
Simenon: Hình như một, về sự phân hóa của một đơn vị, và đơn vị đây thường là một gia đình.
Người phỏng vấn: Ông có thường đề cập tới đề tài đó không?
Simenon: Hai ba lần, có thể hơn nữa.
Người phỏng vấn: Trong cuốn “Thế Hệ”?
Simenon: Vâng, trong cuốn Thế Hệ ta có đề tài ấy. Nếu tôi phải chọn một trong những cuốn sách của tôi để sống, tôi sẽ không bao giờ chọn cuốn Thế Hệ.
Người phỏng vấn: Ông có thể chọn cuốn nào?
Simenon: Cuốn kế tiếp.
Người phỏng vấn: Và cuốn kế cuốn đó?
Simenon: Chính thế. Luôn luôn là cuốn kế tiếp. Ông thấy đó, ngay cả về phương diện kỹ thuật bây giờ tôi cũng có cảm thức rằng tôi đi xa mục tiêu quá.
Người phỏng vấn: Ngoài những cuốn kế tiếp, ông có sẵn sàng chọn một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản nào để tồn tại không?
Simenon: Không có cuốn nào cả. Bởi vì khi một cuốn tiểu thuyết kết thúc, bao giờ tôi cũng có cảm tưởng rằng tôi không thành công. Tôi không ngã lòng, nhưng thấy rõ - tôi muốn thử thách lại lần nữa.
Có điều - tôi coi những cuốn tiểu thuyết của tôi trên cùng một bình diện như nhau, tuy nhiên có sự chênh lệch. Sau một bộ năm sáu cuốn tôi thực hiện được một thứ - tôi không thích danh từ “tiến bộ” - nhưng dường như có sự tiến bộ. Có một bước nhẩy vọt về phương diện phẩm chất, có lẽ vậy. Vì thế cứ năm hay sáu cuốn lại có một cuốn tôi thích hơn những cuốn khác.
Người phỏng vấn: Trong số những cuốn hiện có, ông có thể cho biết cuốn nào là một trong những cuốn ông thích đó?
Simenon: Cuốn Anh em Rico. Cốt truyện có lẽ tương tự nếu, thay vì bọn gangster, chúng ta có một thâu ngân viên trong một ngân hàng hay một ông giáo quen thuộc.
Người phỏng vấn: Địa vị một người bị đe dọa, vì thế hắn sẽ làm tất cả để giữ nó?
Simenon: Chính thế. Một người luôn luôn muốn đứng đầu trong cái đoàn thể nhỏ bé mà hắn đang sống. Và hắn sẽ hy vọng tất cả để ở lại địa vị đó. Hắn có thể là một người lương thiện, nhưng hắn cố gắng để chiếm được vị trí hiện tại đến nỗi không bao giờ hắn chấp nhận được việc thoái vị.
Người phỏng vấn: Tôi thích lối viết đơn giản của cuốn tiểu thuyết đó vô cùng.
Simenon: Tôi cố gắng viết thật đơn giản, thật đơn giản. Và không hề có một câu “văn chương” nào trong đó cả, ông thấy không? Như thể nó được viết bởi một đứa trẻ vậy đó.
Người phỏng vấn: Hồi nãy ông nói rằng thoạt tiên khi nghĩ tới một cuốn tiểu thuyết, ông nghĩ tới bầu không khí trước.
Simenon: Cái tôi muốn ám chỉ là bầu không khí có thể diễn dịch bằng “vần thơ”. Ông hiểu tôi muốn nói cái gì chứ?
Người phỏng vấn: “Trạng thái” tạm sát chưa?
Simenon: Vâng. Và cùng với trạng thái là mùa, là chi tiết - thoạt đầu nó gần như một chủ đề nhạc.
Người phỏng vấn: Và chẳng hề định địa danh gì cả?
Simenon: Không. Đó là bầu không khí đối với tôi, bởi vì tôi cố gắng - và tôi không nghĩ rằng tôi đã làm việc đó, nếu không các nhà phê bình đã khám phá ra - tôi cố gắng thực hiện với tản văn, với tiểu thuyết điều thường được thể hiện với thi ca. Tôi muốn nói tôi cố gắng vượt lên trên những ý tưởng chân thực và có thể giải thích được và thám hiểm con người - không làm việc đó bằng âm thanh của những chữ như những cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ hồi đầu thế kỷ đã cố gắng làm. Tôi không thể giải thích về phương diện kỹ thuật nhưng - tôi cố gắng đem vào tiểu thuyết của tôi một vài điều không thể giải thích được, mang lại một vài thông điệp không hiện hữu một cách đích thực. Ông hiểu điều tôi muốn nói chứ? Mấy hôm trước đây tôi đọc thấy T.S.Eliot, người tôi vô cùng thán phục, viết rằng thi ca cần thiết trong những vở kịch có một loại truyện khác nhau, điều đó tùy thuộc đề tài người ta đề cập tới. Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng chúng ta có thể có cùng bức mật điệp để chuyển giao với bất cứ đề tài nào. Nếu viễn tượng của bạn và thế giới thuộc một loại đặc biệt nào đó, bạn có thể đặt thi ca vào tất cả, một cách thiết yếu.
Nhưng có lẽ tôi là người duy nhất cho rằng trong sách của tôi có đôi nét thuộc loại đó.
Người phỏng vấn: Có lần ông nói rằng ông muốn viết tiểu thuyết “thuần túy”. Có phải cắt bỏ những từ ngữ và những câu “văn chương”- hay nó cũng bao gồm cả thi ca ông vừa nói đó?
Simenon: Tiểu thuyết “thuần túy” sẽ chỉ làm điều mà tiểu thuyết có thể làm. Tôi muốn nói rằng nó không cần phải giáo huấn hay làm bất cứ công việc gì của báo chí. Trong một cuốn tiểu thuyết thuần túy người ta sẽ không dùng sáu mươi trang để mô tả miền Nam hay Artzona hoặc một vài xứ sở nào đó ở Âu châu. Hoàn toàn là thảm kịch với điều gì tuyệt đối liên quan tới thảm kịch đó mà thôi. Tôi cho rằng tiểu thuyết hôm nay gần như là một sự chuyển dịch những quy luật của bi kịch vào tiểu thuyết. Tôi cho rằng tiểu thuyết là bi kịch của thời đại chúng ta.
Người phỏng vấn: Sự dài ngắn có quan trọng không? Nó có thuộc về định nghĩa của ông về tiểu thuyết thuần túy không?
Simenon: Có. Câu hỏi đó nghe có vẻ như một câu hỏi thực tiễn; nhưng tôi nghĩ câu hỏi đó quan trọng, bởi cùng lý do bạn không thể coi một bi kịch trong hơn một buổi xem. Tôi cho rằng tiểu thuyết thuần túy quá căng thẳng cho độc giả để ngừng lại giữa chừng và đọc tiếp vào ngày hôm sau.
Người phỏng vấn: Bởi vì vô tuyến truyền hình, chiếu bóng và tạp chí đều phải tuân theo những qui luật mà ông đã nói, tôi chắc rằng ông cảm thấy nhà văn của tiểu thuyết thuần túy gần như bắt buộc phải viết một cách tự do.
Simenon: Vâng. Và còn lý do thứ hai tại sao hắn phải như vậy. Tôi nghĩ rằng hiện nay, vì những lý do có lẽ là lý do chính trị, những cán bộ tuyên truyền đang cố gắng tạo ra một mẫu người. Tôi nghĩ tiểu thuyết gia có bổn phận phải trình bầy con người đích thực chứ không phải con người của tuyên truyền. Và tôi không muốn ám chỉ nguyên ngành tuyên truyền chính trị mà thôi, tôi muốn ám chỉ con người họ dậy trong học trường cấp ba, một con người không liên hệ gì với con người đích thực cả.
Người phỏng vấn: Xin ông cho biết ông có kinh nghiệm nào về việc cải biến tác phẩm của ông sang điện ảnh và vô tuyến truyền thanh?
Simenon: Những thứ này rất quan trọng cho nhà văn ngày nay. Bởi có lẽ chúng là cách nhà văn còn có thể duy trì được độc lập. Trước đây ông hỏi tôi có thay đổi điều gì trong tiểu thuyết thương mại của tôi không. Tôi đáp: “Không”. Nhưng tôi phải làm việc đó không vô tuyến truyền thanh, truyền hình và chiếu bóng.
Người phỏng vấn: Có lần ông bảo tôi Gide đã đưa ra một lời khuyến dụ ích lợi về một cuốn tiểu thuyết của ông. Ông ta có ảnh hưởng tới tác phẩm của ông một cách nào tổng quát hơn thế nữa không?
Simenon: Tôi không tin vậy. Nhưng với Gide đó là chuyện khôi hài. Năm 1936 ông giám đốc nhà xuất bản của tôi nói ông ta muốn tổ chức một cocktail party để chúng ta có cơ hội gặp nhau vì Gide nói rằng ông ta đã đọc tiểu thuyết của tôi và rất muốn gặp tôi. Bởi thế tôi tới, và Gide hỏi tôi trong hơn hai tiếng đồng hồ. Sau đó tôi gặp nhiều ông lần, và gần như tháng nào ông ấy cũng viết cho tôi, đôi khi thường hơn nữa cho đến khi ông mất - luôn luôn đặt câu hỏi. Khi tôi tới thăm ông. Tôi luôn luôn thấy tác phẩm của tôi với nhiều ghi chú chi chít ngoài lề đến nỗi chúng hầu như của Gide nhiều hơn là của Simenon. Tôi không bao giờ hỏi ông về những ghi chú ấy; tôi rất mắc cỡ về điều đó. Bởi thế ngày nay tôi sẽ không bao giờ biết được.
Người phỏng vấn: Ông ta có hỏi ông loại câu hỏi nào đặc biệt không?
Simenon: Đủ thứ, nhưng đặc biệt về kỹ thuật của - tôi có được phép dùng chữ ấy không? nghe có vẻ tự phụ quá - của sự sáng tạo của tôi. Và tôi nghĩ tôi biết tại sao ông quan tâm tới điều đó. Tôi nghĩ Gide suốt đời ông mơ ước trở thành một kẻ sáng tạo thay vì nhà luân lý hay triết gia. Tôi hoàn toàn trái ngược với ông và tôi nghĩ rằng đó là lý do khiến ông ấy quan tâm.
Năm năm trước tôi cũng có kinh nghiệm tương tự với Bá Tước Keyserling. Ông viết cho tôi hệt như cách Gide viết. Ông yêu cầu tôi tới thăm ông ở Darmstadt. Tôi tới đó và ông chất vấn tôi ba ngày đêm. Ông ta tới thăm tôi ở Paris và hỏi nhiều câu hỏi nữa để giảng giải về từng tác phẩm một của tôi. Cũng vì lý do tương tự.
Keyserling gọi tôi là một “imbécile de génie”.
Người phỏng vấn: Tôi còn nhớ có lần ông nói với tôi rằng trong những cuốn tiểu thuyết thương mại của ông, thỉnh thoảng ông lại đem vào một đoạn hay một chương không có tính cách thương mại.
Simenon: Vâng, để tự rèn luyện.
Người phỏng vấn: Phần đó khác phần còn lại của cuốn truyện thế nào?
Simenon: Thay vì chỉ kể chuyện, trong chương này tôi cố gắng tạo ra một chiều thứ ba, không cần thiết cho cả chương, có thể cho một căn phòng, một cái ghế, một vài đồ vật nào đó. Giải thích bằng danh từ hội họa có lẽ dễ hiểu hơn.
Người phỏng vấn: Như thế nào?
Simenon: Để tạo ra một sức nặng. Một thợ vẽ thương mại vẽ phẳng lì; ta có thể xuyên ngón tay qua. Nhưng một họa sĩ - chẳng hạn, một trái táo do Cézanne vẽ có sức nặng. Và nó có nước, tất cả chỉ với ba nét thôi. Tôi cố gắng cho chữ của tôi chính cái sức nặng mà một nét phác họa của Cézanne đem lại cho một trái táo đó. Đó là lý do tại sao bao giờ tôi cũng dùng danh từ cụ thể. Tôi cố gắng tránh những danh từ trừu tượng hay danh từ đầy thi tính, ông thấy không như “hoàng hôn” chẳng hạn. Nghe thơ mộng lắm, nhưng nó chẳng đem lại ý nghĩa gì cả. Ông hiểu chứ? Tránh tất cả mọi tiếng không đem lại điều gì cho chiều thứ ba đó cả.
Về điểm này, tôi nghĩ rằng cái mà những nhà phê bình gọi là “bầu không khí”, của tôi chẳng là gì khác hơn chủ trương ấn tượng của nhà họa sĩ thích dụng vào văn chương. Tôi sống thời thơ ấu của tôi vào thời của những nhà họa sĩ ấn tượng và tôi luôn luôn có mặt trong bảo tàng viện và những cuộc triển lãm. Điều đó cho một thứ cảm thức về ấn tượng. Nó ám ảnh tôi.
Người phỏng vấn: Có bao giờ ông đọc cho chép tiểu thuyết của ông, thương mại hoặc bất cứ loại nào khác?
Simenon: Không. Tôi là một người thợ thủ công; tôi cần phải làm việc chúng với hai bàn tay tôi. Tôi muốn khắc cuốn tiểu thuyết của tôi vào gỗ. Những nhân vật của tôi - tôi muốn tạo ra một con người cách nào để tất cả mọi người khi nhìn hắn, chắc chắn sẽ tìm thấy những vấn đề của mình trong con người đó. Đó là lý do tại sao tôi nói về thi ca, bởi mục đích này có vẻ giống mục đích của một thi sĩ hơn mục đích của một tiểu thuyết gia. Những nhân vật của tôi đều có nghề nghiệp, có cá tính; bạn có thể biết tuổi tác, gia cảnh họ và tất cả. Nhưng tôi cố gắng làm cho mỗi nhân vật này nặng như một pho tượng và gần gũi thân mật với tất cả mọi người trên đời. (Ngừng) và điều khiến tôi sung sướng là những lá thư tôi nhận được. Những lá thư này không bao giờ nói về bút pháp hoa mỹ của tôi; đó là những bức thư mà một người có thể gửi cho vị bác sĩ hay nhà phân tâm học của mình. Những lá thư đó viết: “Ông là người hiểu tôi. Biết bao lần tôi tìm thấy tôi trong những cuốn tiểu thuyết của ông”. Kế đó là những trang tâm sự của họ: và họ không phải là những người điên cuồng. Dĩ nhiên cũng có người điên cuồng; nhưng đa số ngược lại là những người - có cả những nhân vật quan trọng. Tôi ngạc nhiên.
Người phỏng vấn: Trong lúc nào còn trẻ, có tác phẩm hay tác giả riêng nào đặc biệt ảnh hưởng tới ông không?
Simenon: Có lẽ người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất là Gogol. Và chắc chắn Dostoievski, nhưng ít hơn Gogol.
Người phỏng vấn: Tại sao ông nghĩ rằng Gogol quan hệ với ông?
Simenon: Có lẽ bởi vì ông tạo ra những nhân vật giống hệt như những con người thật nhưng đồng thời còn có cái mấy phút trước đây tôi gọi là chiều thứ ba mà tôi tìm kiếm. Tất cả những nhân vật đó đều toát ra hào quang mơ mộng đó. Nhưng không phải loại Oscar Wilde - một thứ thi ca tự nhiên, có đó, loại Conrad có. Mỗi nhân vật có sức nặng của điêu khắc, rất dầy đặc.
Người phỏng vấn: Dostoiveski nói về mình và những nhà văn cùng xứ sở của ông rằng họ đều bắt nguồn từ tác phẩm “Tấm Áo Choàng’’ của Gogol, và bây giờ ông cũng cảm thấy như vậy.
Simenon: Vâng. Gogol. Và Dostoievski.
Người phỏng vấn: Khi tôi và ông bàn bạc về một vụ án đặc biệt trong khi tòa đang xử một hai năm trước đây, ông có nói ông thường theo dõi những bài tường thuật của báo chí một cách say mê. Có bao giờ trong khi theo dõi những bài tường thuật ấy ông thầm nhủ: “Đây là điều một ngày kia ta có thể đem vào tiểu thuyết không?”
Simenon: Có.
Người phỏng vấn: Ông có lưu giữ nó một cách ý thức không?
Simenon: Không. Tôi quên khuấy mất tôi đã nói nó có thể hữu ích một ngày kia, ba bốn hoặc mươi mười năm sau không chừng. Tôi không lưu giữ hồ sơ.
Người phỏng vấn: Nhân nói về những vụ án, đâu là sự khác biệt sâu xa nếu có, giữa tiểu thuyết trinh thám của ông - như loại Maigret mà ông vừa mới viết xong mấy hôm trước - với những cuốn tiểu thuyết đứng đắn hơn của ông?
Simenon: Giống hệt sự khác nhau giữa bức họa của một họa sĩ và bản phác họa mà hắn làm để chơi hoặc cho bạn bè hay để nghiên cứu cái gì đó.
Người phỏng vấn: Trong bộ Maigret ông chỉ nhìn nhân vật theo quan điểm của một nhà thám tử phải không?
Simenon: Vâng. Maigret không thể đi sâu vào nhân vật. Hắn có thể thấy giải thích và thấu hiểu; nhưng hắn không thể cho nhân vật sức nặng nhân vật phải có như trong những cuốn tiểu thuyết khác của tôi.
Người phỏng vấn: Bởi thế trong mười một ngày trong khi viết một cuốn Magret áp huyết của ông không thay đổi nhiều lắm phải không?
Simenon: Vâng. Rất ít.
Người phỏng vấn: Ông không xô đẩy nhà thám tử đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng hắn.
Simenon: Đúng như thế. Bởi vậy tôi chỉ mệt mỏi một cách tự nhiên vì ngồi vào bàn đánh máy chữ quá lâu mà thôi. Nhưng ngược lại, không.
Người phỏng vấn: Nếu có thể, tôi xin phép được hỏi một câu hỏi nữa. Có bao giờ bài phê bình chung chung bất cứ cách nào đã khiến ông thay đổi lối viết một cách ý thức không? Theo những lời ông nói, tôi có thể nghĩ là không.
Simenon: Không bao giờ. (Ngừng lời và cúi xuống) tôi có một ý lực vô cùng, vô cùng mãnh liệt về sự sáng tác của tôi và tôi sẽ đi con đường của tôi. Chẳng hạn, trong hai mươi năm nay, tất cả những nhà phê bình đều nói cùng một điều giống nhau: “Đã đến lúc Simenon cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết lớn, một cuốn tiểu thuyết với hai mươi hay ba mươi nhân vật.” Họ không hiểu. Tôi sẽ không bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết lớn cả. Cuốn tiểu thuyết lớn của tôi là một bức khảm gồm tất cả những cuốn tiểu thuyết của tôi. (Ngẩng lên). Ông hiểu chứ?
Carvel Collins thực hiện.
Chú thích:
[1] Simenon, Avocat des hommes, Le livre contemporain
Henry Miller
Đề tài tối thượng: Giải thoát
Giới thiệu
Henry Miller coi thường văn chương nhưng ông hết sức ca ngợi một thứ “Bồ Tát nghệ sĩ” (Bodhisattva-artiste) [1]
Thế nào là một Bồ Tát? - Bồ Tát là người không những tự giải thoát nhưng còn khôn khéo tìm cách tạo và làm nẩy chổi những mầm mống tiềm ẩn của cây Bồ Đề nơi những kẻ khác. [2] Vậy một Bồ Tát nghệ sĩ là một người đã giải thoát và tìm cách giải thoát người khác bằng phương tiện nghệ thuật. Hiểu theo nghĩa ấy, Henry Miller chính là một Bồ Tát - nghệ sĩ. Henry Miller đã giải thoát cho biết bao người khỏi sự ám ảnh của thân xác, khỏi tiền bạc, danh vọng, sợ hãi và tuyệt vọng. Ông tự đã gỡ mình ra khỏi những bóng ma quá khứ, khỏi những trách nhiệm hời hợt, khỏi những ràng buộc giả tạo, khỏi những ám ảnh tội lỗi, khỏi những khả thể tiềm tàng trong con người và giải giáp, hân hoan chìm đắm vào lòng đời, hân hưởng tất cả những hương sắc trần gian.
Người giải thoát là người an nhiên tự tại, vô úy.
“Tôi không sợ hãi gì cả.”
(I fear nothing) [3]
Có gì mà phải sợ hãi? Chúng ta chỉ sợ hãi khi còn một cái ngã tranh chấp với những cái ngã khác, thù địch bới thế giới, đối nghịch với cuộc đời. Với Henry Miller,“Sự tranh chấp đã qua“ (The fight is over).“Tôi thực sự không còn tranh chấp với thế giới. Tôi chấp nhận thế giới, trong ý nghĩa tối hậu của danh từ”, (I really have no fight any longer with the world. I accept the world in the ultimate sense) [4]
Có gì mà phải sợ hãi? Chúng ta chỉ sợ khi chúng ta có một cái gì để có thể mất. Đằng này, tôi có gì đâu? “Tôi không tiền không bạc, không nguồn tài lợi, không có cả một chút hy vọng nào”.(I have no money, no resources, no hopes.) [5] Chẳng lẽ lại khoe: “Người ta hơn tớ cái phong lưu, Tớ cũng hơn ai cái sự nghèo” thì chướng chết. Nhưng quả thực, tôi cũng phải có cái gì chứ! Vâng, tôi là một nghệ sĩ, tôi có tất cả những gì mà tôi không muốn, tôi có tất cả những gì mà người khác không thèm. Tôi có bơ vơ, cô đơn côi, có nhục nhã, ngu tối và một nỗi sầu to lớn. Có ai muốn không tôi cho đây!
“tôi là người sung sướng nhất sống trên đời.”
(I am the happiest man alive.) [6]
Tôi là một người sung sướng nhất sống trên đời bởi “trong lòng tôi không chút nghi ngại nào.” (I have no inner doubts about things. [7] “Suốt đời tôi, tôi chỉ có một vấn đề nghiêm trọng, vì tôi đến tuổi trưởng thành: đó là THỰC PHẨM. Và tôi rất sung sướng vì chỉ có vậy mà thôi.“(I have only had one serious problem all my life, you know, since I came of age: Food. And I am very glad it was only that.) [8] Tôi không cần một thứ gì khác. Tôi không thao thức, không tìm kiếm. “Tôi thấy Fraenkel, bạn tôi, lê lết đi kiếm và chẳng bao giờ tìm thấy. Cả Lowenfels, luôn luôn sục sạo tìm kiếm (always seeking, seeking). Họ khiến tôi buồn cười. Tôi cảm thấy thương hại họ.” [9] Có gì đâu mà phải khắc khoải, thao thức? Chỉ cần một giấc ngủ no đầy là đâu lại vào đấy cả… (just a good sleep puts thing right again). [10]
“Tôi không thích điều gì tốt lành hơn.”
(I’d like nothing better.) [11]
Đó là điều vô cùng quan trọng. Tôi không đả kích, không cổ võ. Tôi không muốn dựng lên một lý thuyết này để chống lại lý thuyết kia. Tất cả mọi vấn đề nghiêm trọng trên thế giới chỉ là những vấn đề cá nhân, có thể giải quyết từ nơi cá nhân. Tôi không muốn xây dựng lại trần gian, tôi không muốn cải tạo con người. Tôi biết rằng dù có một ngàn cuộc cách mạng xẩy ra, thế giới cũng vẫn vậy; dù một ngàn Chúa cứu thế thì cũng vẫn thế, con người, ồ cái con người! Còn thế giới? “Tôi đã nuốt thế giới vào trong tôi.” (I’ve got the world inside me) [12]. Tôi không có điều gì bất mãn với thế giới. Tôi cũng chẳng có điều gì chờ đợi ở cuộc đời. “Tôi là một người thực sự mãn nguyện, thực sự sung sướng điều hắn đang làm và không làm điều gì khác. “(I am a man who is really content, really happy to be doing what he’s doing and not doing something else.) [13]
Tôi không thắc mắc về mình và con người mình. “Hiểu gì chứ, tôi không mắc cỡ, không vụng về, cũng chẳng có những điều khó khăn đó. Tôi chỉ bằng lòng nơi tôi đang ỏ và con người hiện tại của tôi.“ (Understand, I am not timid, nor awkward nor any of those difficult things. But I am content where I am and how I am.) [14]
Bây giờ tôi ăn uống, ngủ nghê mỗi ngày một chút và do đó đời “hoàn toàn hoàn toàn diệu hồng.” - (and so things are quite quite rosy.) [15]
Ông khuyên bạn ông
“Đừng lo lắng về tiền bạc!” (don’t worry about the money.) [16]
“Người ta thực sự cần rất ít.” (One needs so little really.) [17]
[18] “Không cần sách vở!” (No books!) [19] Tôi có thể sống đến ngày tận cùng của đời tôi mà không cần giở một cuốn sách nào khác.
“Đừng băn khoăn về văn chương.”
(Don’t worry about literature.)
Nếu chúng ta có thể làm được việc gì khác thay vì văn chương hãy làm việc gì khác ấy.
“Hãy viết với một nụ cười, dầu cho điều ta biết kinh khủng hay bi thảm. “(Write with a smile, even when it’s horrible or tragic.) [20]
Chúng ta chỉ tôn sùng người nghệ sĩ của cuộc đời the “artist of life” người giúp chúng ta sống “Cuộc Đời Toàn Diện” (“La Vie Intégrale”) một cuộc đời hân hoan sung sướng.
Sau đây là những người đã khơi mở dòng đời, khiến ta khao khát cuộc đời. Họ khuyến khích ta ý thức rằng ta có tất cả tự do trong ta, rằng ta chẳng nên can dự vào vận mệnh thế giới mà chỉ nên giải quyết vấn đề cá nhân của chúng ta. Đó là vấn đề giải thoát, vấn đề duy nhất trực thiết và khẩn thiết. Cho một nhà văn, như một con người, giữa lòng đời.
Nơi những ảnh hưởng đặc biệt bắt đầu là tại mép bờ tuổi chớm thành nhân, nghĩa là từ khi lần đầu tiên tôi mơ ước rằng chính tôi nữa một ngày kia cũng sẽ có thể trở thành “một nhà văn”. Vậy thì những tên tuổi kế tiếp theo đây có thể coi như tên tuổi của những tác giả ảnh hưởng tôi như một con người và như một nhà văn, hai kẻ càng ngày càng trở nên bất khả ly cách theo đà thời gian. Từ lúc tuổi chớm lớn khôn trên toàn thể hành vi nổi loạn của tôi, hay là được điều động bởi sự kiện rằng tôi nghĩ về chính tôi, thoạt đầu tiên một cách tiềm thế, sau đó một cách phôi thai và cuối cùng một cách minh bạch như một nhà văn. Và như thế, nếu trí nhớ của tôi trung thành với tôi, đây là dòng dõi huyết thống tôi: Boccaccio, Petronius, Rabelais, Whitman, Emerson, Thoreau, Maeterlinck, Romain Rolland, Plotinius, Heraclitus, Nietzsche, Dostoievsky (và những văn gia Nga đầu thế kỷ mười chín khác), những kịch tác gia Hy Lạp cổ điển, những kịch tác gia thời Elizabeth (gồm cả Shakespeare), Theodore Dreiser, Knut Hamsun, D.H. Lawrence, James Joyce, Thomas Mann, Élie Faure, Oswald Spengler, Marcel Proust, Van Gogh, trường Dada và Siêu Thực, Balzac, Lewis Carroll, Nijinsky, Rimbaud, Blaise Cendrars, Jean Giono, Céline, tất cả những điều tôi đọc về Thiền, tất cả những điều tôi đọc về Trung Hoa, Ấn Độ, Tây Tạng, Á rập, Phi châu, và dĩ nhiên Kinh Thánh, người viết nó và đặc biệt những người soạn bản dịch triều Vua James bởi chính ngôn ngữ của Kinh Thánh hơn là “thông điệp” của nó mà trước hết tôi thâu lượm và không bao giờ tôi rũ bỏ.
Đâu là những đề tài khiến tôi tìm kiếm những tác giả tôi yêu, đã cho phép tôi bị ảnh hưởng, đã tạo thành bút pháp tôi, cá tính tôi, cách vào đời của tôi? Nói rộng đây: chính lòng yêu đời, sự theo đuổi chân lý, minh triết và hiểu biết, huyền nhiệm, khả năng của ngôn ngữ, thái cổ và vinh quang của con người, vĩnh cửu, mục đích của cuộc sống, nhất thể của tất cả mọi sự, sự tự-giải thoát, tình huynh đệ con người, ý nghĩa của tình yêu, sự liên hệ của cái giống với tình yêu, sự thụ hưởng cái giống, sự khôi hài, những sự kỳ dị và quái gở trong mọi khía cạnh của đời, du lịch, phiêu lưu, khám phá, tiên tri, pháp thuật (ảo thuật và ma thuật), nghệ thuật, trò giải trí, những lời xưng tội, những sự phát lộ, chủ trương thần bí, những sự bất đồng của đức tin và sự thờ phụng, sự kỳ diệu trong mọi lãnh vực và dưới mọi khía cạnh, vì “chỉ có sự kỳ diệu và chỉ có sự kỳ diệu mà thôi.”
Tôi có bỏ ra ngoài một đề mục nào không? Xin bạn cứ tự tiện điền vào! Tôi đã và hãy còn đang quan tâm tới mọi sự. Ngay cả chính trị - khi nhìn từ “điểu khảm.” [21] Nhưng sự phấn đấu của con người để giải phóng mình nghĩa là, để giải thoát mình khỏi ngục tù của chính sự cấu tạo mình, đó là đề tài tối thượng đối với tôi. Có lẽ, đó là lý do tại sao tôi thất bại không hoàn toàn là “nhà văn”. Có lẽ đó là lý do tại sao, trong tác phẩm của tôi, tôi lại dành nhiều chỗ cho kinh nghiệm thuần túy của cuộc đời. Cũng có lẽ, dầu những nhà phê bình thường thất bại không thể nhận thấy, rằng đó là lý do tại sao tôi bị lôi cuốn một cách mãnh liệt về phía những người khôn ngoan, những người đã cảm nghiệm cuộc đời - nghệ sĩ, những nhân vật tôn giáo, những kẻ mở đường khai lối, những kẻ canh tân và những kẻ đạp phá thánh tượng đủ mọi loại. Và có lẽ - tại sao không nói lên điều này? - đó là lý do tại sao tôi rất ít kính trọng văn chương, rất ít coi trọng những tác giả được tín phục, rất ít tán dương những nhà cách mạng lâm thời. Đối với tôi những nhà cách mạng đích thực duy nhất là những kẻ khích động và kích động, những yếu nhân như Jesus, Lão Tử, Đức Phật Cồ đàm, Akhnaton, Ramakrishna, Krishnamurti. Tiêu chuẩn tôi dùng là cuộc đời: Những người đó đứng như thế nào trong tương quan với cuộc đời. Có lẽ chẳng phải vì họ đã thành công trong việc lật đổ một chính phủ, một trật tự xã hội, một nghi thức tôn giáo, một qui tắc luân lý, một hệ thống giáo dục, một bạo lực kinh tế. Đúng hơn, họ đã ảnh hưởng đến chính cuộc đời như thế nào? Vì chưng điều phân biệt những con người tôi có trong tâm trí là họ không cưỡng bách con người tuân theo quyền uy họ: trái lại, họ tìm cách phá hủy quyền uy. Cứu cánh và mục đích của họ là mở tung với cuộc đời, là khiến con người khao khát cuộc đời, là xiển dương cuộc đời - và là quy chiếu tất cả mọi vấn đề trở lại cuộc đời. Họ khuyến khích con người nhận thức rằng hắn có tất tự do trong chính hắn, rằng hắn không nên can dự vào với vận mệnh của thế giới (đó không phải là vấn đề của hắn) nhưng giải quyết vấn đề cá nhân của mình hắn, đó là vấn về giải thoát, chứ không phải là vấn đề gì khác.
Chú thích:
[1]Cf. Remember to remember.
[2]Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật của Edward Conze, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản, 1969, tr. 221.
[3]Thư gửi Lawrence Durrell, ngày 20 tháng giêng 1937.
[4]Thư gửi Lawrence Durrell, ngày 20 tháng giêng 1937
[5]Tropic of Cancer, A Black Cat Book. P.1.
[6]Tropic of Cancer, A Black Cat Book. P.1.
[7]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[8]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[9]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[10]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[11]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[12]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[13]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[14]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[15]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[16]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[17]Thư cho Lawrence Durrell, ngày 5 tháng 4, 1937
[18]Thư cho Lawrence Durrell ngày 5 tháng 4 1937s
[19]Thư cho Durrell ngày tháng hai 1937
[20]Thư cho Durrell ngày tháng hai 1937.
[21]“the perspective of the bird”, N.H.H
Rainer
Maria Rilke
Thư cho một thi sĩ trẻ tuổi
“Aber alles, was vielleicht einmal vielen möglich sein wird, kann der
Einsame jetzt schon vorbereiten und bauen mit seinen Händen, die weniger irren.
Darum, lieber Herr, lieben Sie Ihre Einsamkeit, und tragen Sie den Schmerz, den
sie Ihnen verursacht, mit schön klingender Klage.’’
“Nhưng tất cả những gì một mai có thể trở thành khả thể cho bao người, thì
ngay từ bây giờ kẻ Cô Đơn đã có thể đổ nền xây móng bằng hai hàn tay hắn, hai
bàn tay rất ít sai lầm. Bởi vậy, ông thân mến, hãy yêu thương nỗi Cô đơn và hãy
chịu đựng nỗi Khổ Đau do nó gây ra với lời ai ca diễm lệ.”
(Briefe an einen jungen Dichter)
Giới thiệu
1.
Rainer Maria Rilke chào đời ngày 4 tháng Chạp
tại Prague.
Từ năm 1886 tới năm 1890: Rilke theo học trường
Thiếu Sinh quân ở Saintpolten, rồi trường võ bị Militär–Oberrealschule. Năm
1891, sức khỏe yếu kém, ông bỏ trường võ bị, theo học trường thương mại ở Linz.
Năm 1895: Phân Khoa Triết Đại Học Prague. Năm 1896, Luật Khoa.
Năm 1899, du lịch qua Nga với
Lou-Andreas-Salomé. Gặp Tolstoi. 1901 lập gia đình với Clara Westhoff, từ năm
1905 đến 1906 làm việc với Rodin ở Pháp. Sau đó là những năm xê dịch không
ngừng cho tới chết: 1906-1907: Bỉ, Đức, Áo, Tiệp Khắc, Ý. 1908: Pháp. 1910:
Rome, Venise, Paris, 1911: Algérie, Tunisie, Ai Cập. 1912-1913: Tây Ban Nha.
1914: Paris, Leipzig, Munich, Berlin. 1915-1916: bị động viên sau đó được giải
ngũ vì lý do sức khỏe. 1919: Thụy Sĩ. 1920: Locarno, Bâle, Venise, Berne,
Zurich, Genève, Bâle. 1921: Paris. Tháng Bẩy: ẩn dật tại lâu đài Muzot.
Rilke từ trần ngày 29 tháng Chạp năm 1926 tại
dưỡng đường ở Valmont, Lausane.
2.
Rilke là kẻ suốt đời lầm lũi đi tìm hoang vắng
tịch liêu.
Đó là một khuôn mặt trầm tư, một tâm hồn nghiêng
mãi xuống lòng đời. Một cách vô cùng tin tưởng, kiên trì, khoan hóa và rộng mở.
Một cách tuyệt đối không thắc mắc, không hối thúc, không dò hỏi. Một cách tuyệt
đối lặng lẽ, tuyệt đối trầm lặng đón chờ cái Vô Ngôn. Vô Danh. Vô Hình Vô Ảnh
của UYÊN NGUYÊN KHƠI MỞ - das Offene.
Chúng ta là những con ong vô hình. Chúng ta
say sưa hút mật của hữu hình để tích chứa trong bọng ong vàng óng của Vô Hình.
Chỉ có cái dừng mới dừng được cái dừng của vạn
vật và nước lặng thì sáng. Rilke và Trang Tử gặp nhau ở cõi tiêu dao lồng lộng
và đồng thời lắng đọng.
3.
“Sáng tạo” và “cô đơn” là hai khai ngữ của
Rilke.
Sáng tạo không phải chỉ là một hành động của con
người. Đó chính là sự biểu lộ của dòng đời. Đó chính là sự khơi mở dòng đời.
“Sáng tạo (schaffen) có nghĩa là múc nước ở
nguồn (schöpfen). Và múc nước ở nguồn là nhận chịu cái câm lặng và cưu mang nó
như đã chịu nhận từ thuở ban đầu. Và như thuở ban đầu hồn nhiên, thơ dại [1].
Sáng tạo là mở ra cái mở phơi, là lắng chìm với
các chìm lắng, và là sống với tất cả cái sống: làm một với Thiên Nhiên. Muốn
thế kẻ sáng tạo phải trong sáng, trầm tĩnh, đơn giản, kiên nhẫn, nguyên vẹn -
nghĩa là phải cô đơn vậy.
Cô Đơn, nỗi cô đơn nội tâm mênh mang”
(Einsamkeit, grosse innere Einsamkeit) đó là
điều duy nhất cần thiết.
Cô đơn, như đứa trẻ cô đơn, khi người lớn đi tới
đi lui, bận túi bụi với những công việc dường như lớn lao đối với trẻ con, và
quan trọng chỉ vì người lớn vướng mắc vào và đứa trẻ không hiểu ất giáp gì.
Cô đơn, như thiếu phụ mang thai cô đơn, khi phải
bảo vệ thai nhi trứng nước và một mình phải đương đầu với một cuộc phiêu lưu
sinh tử mà không ai giúp được mình mảy may.
Cô đơn là điều kiện của cảm hứng.
Cô đơn là chất liệu của cảm hứng.
Cô đơn chính là cảm hứng. Tất cả mọi tác phẩm vĩ
đại đều được sáng tạo dưới bóng dáng uy nghi của cô đơn. Tất cả mọi tôi luyện
đều là một giai đoạn ẩn tu khép kín trong liêu vắng.
Vì cô đơn là điều kiện thiết yếu để tập trung
tinh thần, một cơ hội để nung nấu nghị lực, một dịp may để thu nhiếp trọn vẹn
con người mình. Là một lần nhìn rõ mình, một lần can đảm chấp nhận thân phận
người để vượt qua mãi mãi. Là một nền tảng vững chắc để xây dựng, một khởi điểm
rõ rệt cho một cuộc hành trình, không phải về với hữu hạn mà về với vô biên,
một cuộc chạy đua, không phải với Tử Thần thù nghịch mà là cùng với nỗi chết
thân yêu, không phải trước sự chứng kiến của mọi người. Nhưng dưới những vì sao
bất diệt.
Chúng ta cô đơn vô tả. Chúng ta cô đơn khôn tả
xiết: đó là một sự kiện căn bản của thân phận con người, một sự thật thật hơn
gỗ đá và chắc chắn hơn cái chết.
Cô đơn là khí hậu tự nhiên của con người. Đó là
số phận của tất cả những tâm hồn siêu đẳng. Vĩ đại có nghĩa là bị ngộ nhận, bị
xua đuổi, bị chà đạp. Vĩ đại có nghĩa là cô đơn. Là những kẻ sáng tạo, chúng ta
phải sống thuận hòa với cô đơn như cá với nước.
Cô đơn là quê hương của chúng ta. Chúng ta phải
trung thành với cô đơn như kẻ vong quốc lưu đầy luyến nhớ cố hương.
Cô đơn là đức hạnh của ta. Chúng ta phải kiêu
hãnh vì cô đơn như một vương tử mất ngôi trong chế độ dân chủ bảo trì ngọc tỷ.
Cô đơn là mái nhà yên ấm của ta. Chúng ta phải
ôm ấp cô đơn như người tình ấp ủ người tình.
Cô đơn là tình ta. Chúng ta phải trìu mến cô đơn
như kẻ tình nhân nâng niu mối tình thiêng liêng. Mối tình đầu tiên, mối tình
cuối cùng.
Ôi cô đơn! hãy trở về! cuộc sống sáng tạo của
chúng ta bắt đầu từ đây. Nghĩa là từ khi chúng ta khẳng định như Rilke rằng:
“Chúng ta là nỗi cô đơn.” (Wir sind einsam.) [2]
Những bài thơ của Rilke là những lời ru vọng về
từ cô đơn, khuyến dụ cô đơn, vỗ về cô đơn.
Thi ca Rilke chính là khúc Ngợi Ca Cô Đơn
(Dithyrambe de la Solitude) như tư tưởng Nietzsche.
Ôi cô đơn! Mi là tổ quốc của ta; cô đơn!
Giọng nói với ta sao mà hân hoan và dịu dàng làm vậy.
Chúng ta không hỏi han nhau điều gì, chúng ta
không than thở với nhau điều gì, thong dong chúng ta cùng nhau vượt qua những
cánh cửa mở rộng.
Bởi vì tất cả đều rộng mở và sáng lóa nơi mi;
và thời khắc nữa, cũng trôi đi bằng những bước thầm rất nhẹ (…)
Nơi đây phát hiện cho ta yếu tính và sự biểu
lộ của tất cả những cái gì hiện hữu.
(Also sprach Zarathustra)
Đi sâu vào bản chất của cô đơn chúng ta sẽ thấy
cô đơn là một điều kiện của Cách vật và Vật Hóa. Vì cô đơn là gì nếu không phải
là khép lại với nhân sự (choses humaines) và mở ra với sự vật - tại - thể
(chose en - soi)? [3]. Khi đã hiểu thế nào là
Vật thể chúng ta sẽ hiểu thế nào là Hiện thể. Khi đã hiểu thế nào là Hiện thể,
chúng ta hiểu thế nào là Toàn thể. Và khi đã hiểu thế nào là toàn thể, chúng ta
sẽ hiểu thế nào là Nhất thể. Khi đã hiểu thế nào là Nhất thể, chúng ta sẽ hiểu
thế nào là Linh thể.
Vạn vật như rừng rậm tối mù, nhưng nơi đây,
trong cô đơn, trong một nơi linh thánh (in a holy place) tất
cả đều mở ra, đều sáng lòa cho chúng ta. “Nơi đây phát hiện cho ta, yếu
tính và sự biểu lộ của tất cả những gì hiện hữu” (Nietzsche) vì tại nơi đây
“Chúng ta đứng trước niềm bí nhiệm của thế giới nơi Hiện thể đi vào Hiển thể và
Nhất thể đi vào Phức thể. (We stand before the secret of the world where Being
passes into Appearance and Unity into Variety - Emerson, “The Poet”).
Tất cả những gì tách ra khỏi Toàn thể đều xấu
xa, tất cả những gì ly khai khỏi Linh thể đầu tầm thường, nên thi sĩ, kẻ
tái-kết sự vật vào thiên nhiên và Toàn thể (the poet who re-attaches thíng to
nature and the Whole) chính là kẻ sửa chữa sự suy đồi của sự vật [4] , kẻ vớt sự vật lên tại
nguồn và gọi tên sự vật theo giấy khai sinh. Hắn chỉ có thể thể thực hiện được
công trình đó bằng cách “buông thả mình theo bản chất của sự vật” với niềm tin
tưởng rằng bên trên năng lực mà hắn thủ đắc và ý thức được còn có một sức mạnh
vô biên liên tục ào ạt trôi chảy trên hắn như một đại dương mà hắn chỉ thể hoà
nhập bằng cách khơi dòng từ nơi hắn rồi cởi bỏ tất cả mọi y phục, khôi giáp, mở
tung những cánh cửa nhân loại, liều lĩnh lăn xuống dòng.
Nhập lưu!
Bằng cách khuất mình chịu nhận sức mạnh siêu
nhiên dìu dặt thổi qua các vật thể, bằng cách can đảm chịu đựng tất cả mọi vết
thương của một sinh vật nhậy cảm không có vỏ, bằng cách chịu đựng mọi nhục nhằn
như một kẻ cô đơn, bằng cách kiên trì như một trái cây phơi mình hứng nắng gió
mưa bão qua các mùa, hắn mới có thể nhập được vào đời sống vũ trụ. Lúc đó lời
nói của hắn sẽ là sấm sét, tư tưởng của hắn sẽ là luật lệ, ngôn ngữ của hắn sẽ
phổ quát dễ hiểu như cỏ cây muông thú. Và tác phẩm của hắn sẽ là những cơn mưa
nguồn đưa hắn ra khơi.
“Đây là khúc hoài cảm; ngụ cư trên sóng nước
và chẳng bao giờ có chỗ trú ẩn trong thời gian;
Và đây là những ước vọng; chuyện trò thầm thì
về giờ phút âm thầm thường nhật với ngàn thu.”
Thi sĩ, kẻ không cửa không nhà, kẻ vô sở trú
(cet être sans abri) trong thời gian và không gian, khước từ mọi yên ổn, lầm
lũi một mình đi theo dấu vết của những thần thánh đã biệt vô tăm tích hướng về
UYÊN NGUYÊN KHƠI MỞ, chờ đợi một cách thành kính, trong đêm tối phong ba bão
táp, ánh sáng chói lòa của Linh thể.
Thư cho một thi sĩ trẻ tuổi
Ông hỏi tôi, thơ ông có được không. Ông hỏi tôi.
Ông đã hỏi những người khác trước đó. Ông đã gửi những bài thơ ấy tới các tạp
chí. Ông so sánh thơ ông với những bài thơ khác và ông bối rối khi một vài chủ
bút khước từ những cố gắng của ông. Bây giờ (vì ông đã cho phép tôi khuyên ông)
tôi xin ông hãy chấm dứt tất cả những việc đó. Ông đang hướng ngoại, và đó là
điều trên tất cả mọi điều từ nay ông không nên làm nữa. Không một ai có thể
khuyên nhủ hay giúp đỡ ông, không một ai. Chỉ có một con đường duy nhất. Đi sâu
vào con người ông. Tìm lý do bắt buộc ông phải viết; tìm xem nó có cắm rễ vào
những nơi sâu kín của tâm hồn ông không, hãy tự thú nhận với mình xem ông có
chết khi bị cấm viết hay không? Nhất là điều này: hãy tự hỏi ông vào những giờ
phút tĩnh lặng nhất của đêm: ta có bắt buộc phải viết không?
Hãy đào xới trong ông cho ra một câu trả lời là khẳng định, nếu ông có thể đối
đầu với một câu“Ta phải viết” mãnh liệt và đơn giản, lúc ấy hãy xây
dựng đời ông theo nhu cầu ấy; cuộc đời ông ngay cả trong những giờ phút lạnh
lùng hờ hững và ăn xổi ở thì vô nghĩa nhất cũng phải thở thành dấu hiệu và
chứng tích của sự thôi thúc này. Rồi ông hãy lại gần Thiên Nhiên. Rồi hãy cố
gắng nói, như con người đầu tiên trên trái đất, điều ông thấy và cảm nghiệm,
yêu và mất. Đừng làm thơ tình; trước hết hãy tránh những đề tài quá dễ dãi và
thông thường đó; đó là những đề tài khó nhất, vì cần phải vận dụng một sức mạnh
mãnh liệt và viên mãn để tạo nên một cái gì độc đáo của riêng mình nơi truyền
thống vững chắc, đôi khi tuyệt luân đã cống hiến hàng rừng. Bởi thế hãy tránh
những đề tài thông thường đó và hãy tìm những đề tài mà đời sống hàng ngày đem
lại cho ông; hãy mô tả nỗi ưu sầu và ước vọng của ông, những ý nghĩ thoáng qua
và niềm tin vào một vẻ đẹp nào đó - hãy mô tả tất cả những điều đó với một tấm
lòng chân thành thân mật, trầm tĩnh và khiêm tốn và hãy dùng những sự vật xung
quanh ông, những hình ảnh của giấc mơ ông, những vật của những kỷ niệm ông, để
tự diễn tả mình. Nếu đời sống thường nhật của ông có vẻ nghèo nàn, đừng lên án
nó; hãy lên án chính mình chưa đủ thi sĩ để vời gọi những sự phong phú của đời;
vì đối với kẻ sáng tạo không có sự nghèo khó và không có nơi nào nghèo nàn,
lãnh đạm cả và ngay cả khi ông ở trong nhà tù, tường vách bưng bít không để lọt
một âm thanh nào đến với giác quan ông - phải chăng lúc đó ông vẫn còn tuổi
thơ, của cải quí báu, vương giả, kho tàng kỷ niệm? Hãy hướng tâm trí ông về nơi
đó; hãy cố gắng vớt lên những cảm giác chìm đắm của quá khứ ăm ắp bao la đó; cá
tính ông sẽ vững mạnh, nỗi cô đơn của ông sẽ trải rộng ra và sẽ trở thành một
chốn ẩn trú âm u mà những tiếng động ồn ào của những kẻ khác sẽ thẩm qua rất
cách xa, - Và nếu từ cuộc trở về nội tâm nầy, từ cuộc lặn lội sâu vào thế giới
riêng tư này những vần thơ đến, thì lúc đó ông sẽ không nghĩ
tới chuyện hỏi những vần thơ đó có hay không. Ông cũng chẳng
quan tâm tới việc gọi các tạp chí để ý tới những công trình này; bởi ông hân
hưởng nhìn thấy ở đó vật sở hữu tự nhiên thân yêu, một mảnh và một tiếng nói
của cuộc đời ông. Một tác phẩm nghệ thuật hay khi nó phát xuất từ một nhu cầu.
Sự thẩm định nằm ngay trong chính bản chất của khởi nguyên nó; không có sự thẩm
định nào khác. Bởi thế, ông thân mến, tôi không biết khuyên ông điều gì ngoài
điều này: đi sâu vào lòng mình, thăm dò những chiều sâu nơi bắt nguồn cuộc sống
của ông: tại suối nguồn đó, ông sẽ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi ông
có phải sáng tạo hay không. Hãy đón nhận âm vang của nó không
tra tấn sục sạo bên trong. Có thể từ đó ông được vời gọi trở thành người nghệ
sĩ. Vậy thì hãy mang lấy mệnh, chịu lấy nghiệp, với sức nặng và sự vĩ đại của
nó mà không bao giờ hỏi phần thưởng nào có thể đến từ bên ngoài. Bởi kẻ sáng
tạo phải là cả một vũ trụ cho riêng mình và tìm thấy tất cả mọi sự trong mình
và trong phần thiên nhiên đó mà hắn đã luyến lưu kết hợp vào.
Nhưng có thể sau cuộc đi sâu vào lòng mình và
vào nỗi cô đơn sâu thẳm ông sẽ từ bỏ ý định trở thành thi sĩ; như tôi đã nói,
chỉ cần cảm thấy mình có thể sống không cần viết là đủ buộc mình không được
viết. Nhưng dù vậy, cuộc đi sâu vào lòng mình mà tôi yêu cầu ông thực hiện
không phải là uổng công vô ích đâu. Cuộc đời ông trong mọi trường hợp đều tìm
thấy từ đó những nẻo đường, và mong sao cho những nẻo đường đó tốt lành, giầu
sang và rộng rãi. Tôi cầu chúc cho ông nhiều hơn tôi có thể nói.
Tôi còn phải nói gì với ông nữa đây? Tất cả mọi
sự, đối với tôi, dường như đều có tầm quan trọng của chúng; và sau cùng tôi chỉ
muốn khuyên ông tiếp tục trưởng thành một cách trầm lặng và trang nghiêm qua
suốt cuộc tăng trưởng của ông; ông không được khuấy động sự tiến triển của ông
một cách tàn bạo hơn nữa bằng cách hướng ra bên ngoài và chờ đợi từ bên ngoài những
lời giải đáp cho những câu hỏi mà chỉ tình cảm sâu kín nhất của ông trong giờ
phút tĩnh lặng nhất mới có thể mang lại cho ông…
Tác phẩm nghệ thuật là một niềm cô đơn vô hạn và
không có gì tệ hại đối với những tác phẩm nghệ thuật cho bằng phê bình. Duy chỉ
có tình yêu mới có thể lãnh hội, bảo tồn, công bình với chúng – Hãy luôn luôn
cho tình cảm của ông có lý khi nó chống lại những phân tách, đúc kết, giới
thiệu đó. Dù ông có sai lầm đi chăng nữa thì sự trưởng thành tự nhiên của đời
sống nội tâm của ông cũng sẽ dẫn dắt ông một cách thong dong, với thời gian,
tới một trạng thái khác của nhận thức. Hãy để cho những phán đoán của ông sự
phát triển riêng tư, lặng lẽ. Đừng chống đối nó, bởi, như tất cả mọi tiến
triển, nó phải phát xuất từ đáy sâu con người ông và không thể bị bức bách hay
thôi thúc. Cưu mang cho đến hạn kỳ rồi mãn nguyệt khai hoa: tất
cả là ở đó. Ông phải để mỗi ấn tượng, mỗi mầm mống tình cảm chín muồi
trong ông, trong bóng tối, trong vô ngôn, trong vô thức, những cõi niềm khép
kín đối với trí tuệ. Hãy chờ đợi với lòng khiêm cung và kiên nhẫn giờ khai sinh
của một hào quang mới: như thế mới là nghệ sĩ; trong lãnh hội cũng như trong
sáng tạo.
Ở đây thời gian không phải là tiêu chuẩn đo
lường, một năm không đáng kể gì, và mười năm không có nghĩa lý gì cả, là nghệ
sĩ có nghĩa là không tính toán và không đếm, là nẩy nở như cây cối, không hối
thúc nhựa của mình và tin tưởng hứng chịu những cơn gió lớn của mùa xuân mà
không sợ rằng hạ kia không đến. Mùa hạ nhất định sẽ đến. Nhưng nó chỉ đến với
kẻ biết chờ đợi, lắng đọng và mở rộng như thể họ có cả thiên thu trước mặt. Tôi
học hỏi điều này hàng ngày, học hỏi dưới vô vàn nỗi đau khổ mà tôi vẫn thầm cảm
tạ: Kiên Nhẫn là tất cả!
Ông Kappus thân mến: tôi đã để bức thư của ông
rất lâu không có hồi âm, không phải là vì tôi đã quên nó - trái lại: đó là một
trong những lá thư người ta luôn luôn đọc lại khi tìm thấy trong chồng thư cũ,
và tôi đã tìm thấy ông rất gần kề qua lá thư này. Đó là thứ thư viết vào ngày
mồng hai tháng năm, chắc ông còn nhớ. Bây giờ, khi đọc lại bức thư đó, trong
niềm tĩnh lặng mênh mông của vùng xa xôi này, tôi xúc động bởi mối ưu tư đẹp đẽ
của ông về cuộc đời, xúc động hơn cả khi còn ở Paris, nơi tất cả đều huyên náo
và tắt lịm một cách khác hẳn bởi tiếng động quá ồn ào làm mọi sự chấn động. Nơi
đây, nơi một vùng quê bao la trải ra xung quanh tôi, trên đó gió từ biển lướt
qua, nơi đây tôi cảm thấy trong thâm sâu của chúng, những câu hỏi và tình cảm
của ông có đời sống riêng, không ai có thể trả lời được: do đó những bậc trác
tuyệt nhất cũng nhầm lẫn trong chữ nghĩa của họ khi họ đòi hỏi chúng biểu thị
những cái vô cùng tế nhị và đôi khi ngay cả cái không thể diễn tả được. Tuy
nhiên tôi tin tưởng rằng ông sẽ không phải chịu chờ đợi trong bằn bặt không
giải đáp nếu ông bám sát sự vật, tương tự những sự vật mà mắt tôi hiện đang hồi
phục lại. Nếu ông gắn bó với thiên nhiên, với cái nhỏ bé mà gần như ít người
lưu ý, và những cái, do sự lưu tâm đó có thể đột nhiên trở nên vĩ đại và vô
lượng; nếu ông có lòng yêu dấu những cái nhỏ nhoi tầm thường và nếu ông khiêm
tốn như kẻ tôi đòi, tìm cách thu phục lòng tin cậy của cái có vẻ nghèo nàn, thì
lúc đó mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn, liên kết hơn và một cách nào đó hòa hợp
với ông hơn, có thể không ở trong trí thức ông, trí thức đầy ải cái kỳ diệu ra
đằng sau, nhưng trong tâm thức sâu thẳm nhất của ông, ở trong tỉnh thức và nhận
thức. Ông hãy còn trẻ quá, nên trước mọi khởi đầu, tôi hết sức ân cần xin ông,
ông thân mến, hãy kiên nhẫn với tất cả những gì chưa giải đáp trong lòng ông và
hãy cố gắng yêu chính những câu hỏi như những căn phòng khóa
kín và những cuốn cách viết bằng ngoại ngữ rất xa lạ. Đừng tìm kiếm những câu
câu trả lời bây giờ, những câu trả lời không thể tới với ông bởi ông chưa thể
sống được chúng. Và vấn đề là phải sống tất cả mọi sự. Bây giờ hãy uống những
câu hỏi. Có thể, dần dần, ngoài sự chú ý của ông, vào một ngày xa xôi nào đó,
ông sẽ sống trong câu trả lời. Có thể ông mang trong ông khả năng tác tạo và
hình thành như một lối sống đặc biệt hạnh phúc và thanh khiết, hãy luyện mình
thích hợp với khả năng ấy, nhưng hãy đón nhận tất cả những gì xẩy đến với lòng
tìn cậy chân thành, và nếu sự việc đến chỉ từ ý chí của ông, từ một vài như cầu
của con người sâu thẳm nhất của ông, hãy nhận lãnh nó và đừng ghét bỏ điều gì
cả. Dục tính là một điều khó khăn, thực tế. Nhưng chính khó khăn là cái chúng
ta phải cưu mang; hầu như tất cả những gì quan trọng đều khó khăn và tất cả đều
quan trọng. Nếu ông nhận thức được điều đó và đạt tới tự ông, từ bản chất và
đường lối của riêng ông, từ kinh nghiệm và tuổi thơ với sức mạnh
của riêng ông, để tựa thành một tương giao với tình dục hoàn toàn
của riêng ông (chứ không phải bị ảnh hưởng bị ước lệ và tập quán)
thì lúc đó ông khỏi cần phải sợ mất mình và trở nên không xứng đáng với sở hữu
thể quí báu tuyệt vời của ông nữa.
Khoái cảm nhục thể là một kinh nghiệm của đời
sống lạc quan không khác thị giác thuần túy hay vị giác thuần túy mà một trái
cây tươi đẹp đến dưới đầy đầu lưỡi ta; đó là một kinh nghiệm vĩ đại, không
cùng, hiến dâng cho chúng ta, một sự hiểu biết về thế giới, sự tràn đầy và huy
hoàng của tất cả mọi sự hiểu biết. Và không phải sự chấp nhận nó của chúng ta
xấu xa; điều xấu xa là đa số lạm dụng và phung phí kinh nghiệm này và dùng nó
như một kích thích trong những lúc mệt mỏi của cuộc đời họ và như một trò giải
trí thay vì như một cuộc tập trung hướng về những khoảnh khắc xuất thần. Người
ta thường làm ngay cả việc ăn uống nữa thành một cái gì khác hẳn: sự cần thiết
một đằng, sự thừa thãi một nẻo, đã làm lu mờ sự phân minh của nhu cầu này, và
tất cả những nhu cầu sâu thẳm, giản đơn mà trong đó đời sống tự đổi mới cũng
trở thành cùn nhụt một cách tượng tự như vậy. Nhưng cá nhân có thể làm sáng tỏ
những nhu cầu ấy cho chính mình và sống chúng một cách minh bạch (và nếu không
phải cá nhân, kẻ quá phụ thuộc thì ít nhất là kẻ cô đơn ). Kẻ cô đơn có thể nhớ
rằng tất cả mọi vẻ đẹp trong cỏ cây muông thú là một hình thức bền bỉ của tình
yêu và khát vọng, và hắn có thể thấy muông thú, như hắn thấy cỏ cây, kiên nhẫn
và ngoan ngoãn giao hợp, sinh sôi nẩy nở và tăng trưởng, không phải vì mê luyến
xác thịt cũng không phải vì đau đớn thể chất mà là vì cúi đầu tuân theo những
nhu cầu cao viễn hơn đau khổ và khoái lạc, và mãnh liệt hơn ý chí và sự kháng
cự. Ôi, ước gì con người có thể cưu mang niềm bí ẩn này, niềm bí ẩn mà thế giới
đầy ắp, ngay cả nơi những sự vật nhỏ bé nhất, cưu mang một cách khiêm tốn cho
chính mình và gánh vác nó, chịu đựng nó, một cách nghiêm trọng hơn và cảm thấy
nó khó khăn một cách kinh khủng biết nhường nào thay vì coi nó một cách khinh
xuất nhẹ dạ. Ước gì hắn có thể cung kính hơn đối với sự phong phú của hắn, sự
phong phú này là một, mặc dù nó có có thể là tinh thần hay vật
chất; bởi sự sáng tạo tinh thần cũng phát xuất từ vật chất, đồng một bản chất
với nó và chỉ như sự lặp lại khoái cảm thể chất một cách dịu dàng hơn, xuất
thần hơn và trường cửu hơn thôi. “Cảm thức mình là kẻ sáng tạo, có thể sinh
sản, tạo tác” không là gì cả nếu không có sự chuẩn nhận và thể hiện vĩ đại
thường trực trên thế giới, không là gì cả nếu không có sự phù hợp muôn ngàn lối
nơi sự vật và thú vật - và sự hân hưởng khả tính đó đẹp đẽ và phong phú vô tả
chỉ bởi nó chứa đầy những kỷ niệm thừa kế về thai nghén và sinh đẻ của muôn
triệu người. Trong một tư tưởng Sáng Tạo một ngàn đêm ân ái lãng quên phục sinh
và làm chan hòa tư tưởng ấy với vẻ siêu phàm và xuất thần ngây ngất…
Có lẽ nam tính và nữ tính gần gũi nhau nhiều hơn
người ta tưởng: và sự hồi sinh lớn lao của thế giới chắc chắn bắt nguồn từ điều
này: người đàn ông và người đàn bà, một khi thoát khỏi mọi sự sai lầm, mọi khó
khăn, sẽ không còn tìm nhau như những đối thể, mà là như anh em, như thân quyến
và sẽ kết hợp như những con người để, trang trọng và kiên
nhẫn, cùng nhau gánh vác gánh nặng của xác thịt khó khăn mà cả hai đã được phó
thác.
Nhưng tất cả những gì một mai có thể trở thành
khả thể cho bao người thì ngay từ bây giờ kẻ cô đơn đã có thể đổ nền xây móng
bằng hai bàn tay hắn, bàn tay rất ít sai lầm. Bởi vậy, ông thân mến, hãy yêu
thương nỗi Cô Đơn và hãy chịu đựng nỗi khổ đau do nó gây ra với lời ai ca diễm
lệ…
Thật là điều tốt lành khi ông đã chấp nhận một
chức nghiệp khiến ông độc lập và trao ông hoàn toàn trở lại cho chính ông, trong
mọi ý nghĩa [5]. Hãy nhẫn nại chờ xem
đời sống nội tâm sâu thẳm nhất của ông có cảm thấy bực bội trong khuôn khổ nghề
nghiệp của ông không. Tôi cho rằng nghiệp kiếm cung này rất khó khăn và đầy bức
bách, nặng trĩu công thức, không chừa một chỗ nào cho cá tính cả. Nhưng nỗi cô
đơn của ông, ngay cả trong những hoàn cảnh ngang trái này, cũng vẫn sẽ là nơi
nương tựa và là quê hương ông, và cũng chính từ nỗi cô đơn này mà ông sẽ tìm
thấy cả những con đường ông sẽ đi…
Hầu như tất cả mọi người đều trải qua những giờ
phút mà họ sẵn sàng đổi lấy bất cứ một cuộc giao thiệp nào, dù tầm thường và
thô thiển thế nào đi chăng nữa, đổi lấy cái bề ngoài hòa hợp hời hợt với bất cứ
kẻ nào chợt đến, dù là kẻ không xứng đáng nhất. Nhưng có lẽ những giờ phút đó
chính là những giờ phút mà nỗi cô đơn lớn rộng và sự lớn dậy của nó gây đau đớn
như sự lớn dậy của trẻ thơ, và buồn như buổi trước xuân về. Ông không nên chộn
rộn. Chỉ có một điều duy nhất cần thiết: Cô đơn, nỗi cô đơn nội tâm mênh mang.
Đi sâu vào trong tâm hồn và không gặp gỡ bất cứ người nào trong nhiều giờ đằng
đẵng, - đó là điều người ta phải đạt tới…
Ông thân mến, xin ông hãy nghĩ tới thế giới mà
ông mang trong ông, và muốn gọi tư tưởng này là gì cũng được; dù nó gợi lại
tuổi thơ của ông hãy ao ước hướng về tương lai - thì ông cũng hãy chăm chú chú
ý tới điều khởi lên trong ông và đặt nó lên trên tất cả những gì quan sát xung
quanh ông. Điều đến trong bản thể sâu kín nhất của ông xứng đáng tất cả tình
yêu của ông; một cách nào đó ông phải chuyên cần phục vụ nó và đừng mất quá
nhiều thì giờ và quá nhiều nghị lực để soi sáng thái độ của ông đối với kẻ
khác. Hơn nữa, ai bảo ông phải ôm đồm việc đó chứ? - Tôi biết nghề nghiệp ông
cực nhọc và trái nghịch với ông, tôi đoán trước được những lời than thở của ông
và biết chắc rằng chúng sẽ đến. Bây giờ những lời than thở ấy đã đến rồi, tôi
không thể trấn an ông được, tôi chỉ có thể khuyên ông hãy thử nghĩ xem chẳng
phải tất cả mọi nghề nghiệp đều không giống như vậy sao, nghĩa là đầy yêu sách,
đầy thù nghịch chống lại cá thể, nhiễm đầy oán ghét của những kẻ thấy mình câm
lặng và gắt gỏng trước một bổn phận vô vị. Hoàn cảnh mà bây giờ ông đang phải
sống không hẳn là đầy công thức, thành kiến và lỗi lầm hơn tất cả những hoàn
cảnh khác đâu, và nếu có kẻ nào bề ngoài có vẻ tự do thong dong hơn thì cũng
vẫn chưa có kẻ nào có những kích thích tự chúng rộng rãi và bao la và giao tiếp
với những thực tại vĩ đại và tạo nên cuộc sống đích thực. Chỉ có cá thể, kẻ cô
đơn, giống như một vật đặt dưới những lề luật sâu thẳm, và khi hắn bước ra
trước buổi rạng đông mới bừng lên hay nhìn vào buổi hoàng hôn đang phủ xuống
đầy biến cố này và nếu hắn linh cảm điều đang thành tựu trong đó thì lúc đó tất
cả mọi thân phận đều rớt ra khỏi hắn như rớt ra khỏi một người chết mặc dầu lúc
đó hắn đang đứng giữa lòng đời chân thật. Điều mà bây giờ ông đang nếm trải như
một sĩ quan, ông Kappus thân mến, là điều ông chắc chắn ông sẽ phải nếm trải
trong bất cứ nghề nghiệp vững chãi nào; và dầu ngoài tất cả mọi địa vị ông chỉ
tìm một vài giao tiếp nhẹ nhàng và độc lập với xã hội, ông cũng vẫn không thoát
khỏi cảm giác câu thúc này. - Bất cứ ở đâu cũng vậy; nhưng đó không phải là lý
do để sợ hãi hay buồn rầu; nếu không có sự chung hợp giữa ông và những kẻ khác,
hãy cố gắng lại gần sự vật, sự vật không bao giờ bỏ rơi ông; đêm còn kia và còn
những cơn gió lướt qua cành và qua những cánh đồng; trong thế giới sự vật và
thú vật tất cả hãy còn đầy cơ ngẫu trong đó ông có thể tham dự; và trẻ em hãy
còn nguyên vẻ thơ ngây như vậy. - Và nếu ông hồi tưởng lại tuổi thơ của ông,
ông sẽ lại sống giữa chúng, giữa những đứa trẻ trơ trọi, và những người lớn
không là gì cả, và phẩm cách họ chẳng có một chút giá trị nào.
Và nếu ông cảm thấy kinh hoàng và bứt rứt khi
khơi lại tuổi thơ của ông trong tất cả sự đơn giản và lặng lẽ của nó, bởi ông
không còn có thể tin vào Linh Thể hiện ra trên mỗi bước chân, lúc ấy, hỡi ông
Kappus thân mến, ông hãy tự hỏi có phải chăng ông đã thực sự mất Linh Thể. Đúng
hơn phải chăng ông chưa bao giờ có Linh Thể? Thực ra thì khi nào ông mới có
Linh Thể? Ông có tin rằng đứa trẻ thơ có thể ôm Linh Thể trong hai cánh tay nó,
Linh Thể mà người lớn phải mang với biết bao khổ cực và trọng lực đè bẹp người
già? Ông có tin rằng kẻ đã có Linh Thể có thể đánh mất Linh Thể như thể người
ta đánh mất một hòn sỏi! Sao ông không nghĩ rằng kẻ nào đã có Linh Thể chỉ là
kẻ dễ mất mình vì Linh Thể? - Nhưng nếu ông chỉ nhận thấy rằng Linh Thể không
hiện hữu trong tuổi thơ ông cũng như không có trước ông, nếu ông linh cảm thấy
rằng đấng Christ đã bị lừa bởi tình thương của Ngài cũng như Mahommet bởi lòng
kiêu ngạo, nếu ông cảm thấy kinh hoàng ngay trong giây phút mà chúng ta nói về
Linh Thể cảm thấy rằng Linh Thể không hiện hữu thế thì làm thế nào ông thiếu
Linh Thể cũng như thiếu quá khứ, vì Linh Thể chưa từng hiện hữu và tại sao lại
tìm kiếm Linh Thể như thể ông đã đánh mất vậy?
Tại sao lại không nghĩ rằng Linh Thể là Đấng Sẽ
Đến, kẻ từ vĩnh cửu phải đến, kẻ chính là Tương Lai, trái chín muồi của một cây
mà chúng ta là những phiến lá? Cái gì đã ngăn ông trù liệu sự đến của Linh Thể
trong vòng biến dịch và sống cuộc đời ông như một trong những ngày đau đớn và
đẹp một vẻ đẹp phi phàm của thai nghén? Ông không thấy rằng tất cả những gì đến
luôn luôn là một sự bắt đầu của Linh Thể sao? Ôi biết bao vẻ
kiều diễm trong tất cả những gì khởi đầu! Tựa những con ong chúng ta kiến tạo
Linh Thể bằng cái dịu dàng nhất của mỗi sự vật. Cái nhỏ bé nhất, mờ khuất nhất
đến từ tình yêu đều là chất liệu để chúng ta phác họa Linh Thể. Chúng ta bắt
đầu phác họa Linh Thể trong công việc, trong sự nghỉ ngơi tiếp sau đó, trong im
lặng, trong trào hân hoan nội tâm ngắn ngủi. Chúng ta bắt đầu phác họa Linh Thể
trong tất cả những gì chúng ta làm một mình, không có sự trợ giúp, không có sự
tham gia của những kẻ khác. Chúng ta sẽ không biết Linh Thể trong cuộc đời của
chúng ta, cũng như tổ tiên chúng ta không thể biết chúng ta trong cuộc đời họ
vậy. Tuy nhiên cổ nhân vẫn sống trong chúng ta, trong chiều sâu của những
khuynh hướng chúng ta, trong nhịp đập của máu ta, họ đè nặng lên định mệnh
chúng ta, họ là cử chỉ dâng lên từ đáy sâu thời gian.
Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể hy vọng
một ngày kia được sống trong lòng Linh Thể, bên ngoài tất cả mọi giới hạn?
Hãy cử hành lễ Giáng Sinh, ông Kappus thân mến,
trong cảm thức kính tín này, Để bắt đầu trong tâm hồn ông, phải chăng Linh Thể
cũng sẽ cần niềm kinh hoàng của ông trước cuộc đời? Những ngày lao đao hiện tại
có lẽ là thời gian mà tất cả những gì trong ông đều làm việc phục vụ cho Linh
Thể. Ngày xưa, khi còn thơ dại, ông đã phục vụ cho Linh Thể, đến hụt hơi. Ông
hãy kiên nhẫn và đầy thiện chí và hãy nghĩ rằng, điều tối thiểu mà chúng ta có
thể làm là đừng làm gì cản trở sự giáng sinh của Linh Thể cũng như trái đất
không cản trở mùa xuân khi mùa xuân tới.
Hãy hân hoan và tin tưởng.
Đừng để phiền muộn trong cảnh cô đơn của ông vì
cảm thấy những ý nghĩ nhất thời muốn đạp bỏ cô đơn để bước ra. Những ý hướng
này cũng phải giúp ông nếu ông dùng chúng trong sự điềm tĩnh và trầm tư như một
dụng cụ để trải rộng nỗi cô đơn của ông tới một xứ miền phong phú và bao la
hơn. Người ta thường có những giải đáp dễ dãi (ước lệ) với tất cả mọi sự. Tuy
nhiên rõ ràng là chúng ta phải trì giữ sự khó khăn. Tất cả những cái đang sống
đều nương tựa vào cái khó khăn. Mỗi sinh vật phát tiển và tự vệ tùy theo thể
cách của mình và rút tỉa tự chính mình dạng thức độc đáo của đặc hữu của riêng
mình, với bất cứ giá nào và chống lại bất cứ chướng ngại nào. Chúng ta biết
được bao nhiêu, nhưng chúng ta phải cầm chắc sự khó khăn, đó là một sự xác thực
mà chúng ta không được quyền từ bỏ. Cô đơn là một điều tốt lành, bởi sự cô đơn
là một điều khó khăn; nếu một sự việc nào đó khó khăn thì đó là một lý do thêm
nữa để chúng ta phải làm.
Yêu đương cũng là điều tốt lành, vì tình yêu khó
khăn. Tình yêu của một con người đối với một con người có lẽ đó là thử thách
khó khăn nhất đối với mỗi chúng ta. Đó là bằng chứng tối cao của chúng ta, công
việc tối cao mà tất cả những công việc khác chỉ là những chuẩn bị.
Chớ tưởng rằng tình yêu vĩ đại mà ông biết khi
ông trai trẻ trôi vào quên lãng: chẳng phải tình yêu ấy đã gieo nơi ông những
khát vọng phong phú và mãnh liệt, những dự định mà chỉ đến cả ngày nay ông hãy
còn đang sống đó sao? Tôi tin tưởng rằng sở dĩ tình yêu đó đã sống còn một cách
mạnh mẽ như thế trong hoài niệm ông là bởi vì nó là dịp đầu tiên cho ông được
cô đơn nơi cùng thẳm của tâm hồn, nỗ lực đầu tiên và mãnh liệt mà ông đã thử
trong đời ông…
Tôi tin rằng hầu như tất cả mọi nỗi ưu sầu của
chúng ta đều là những giây phút căng thẳng mà chúng ta cảm thấy tê liệt bởi
chúng ta không còn cảm thấy mình sống nữa. Bởi chúng ta trơ trọi với kẻ xa lạ
đã thâm nhập vào trong chúng ta ấy: bởi tất cả sự vật thân mật và quen thuộc
đều bị lấy mất đi trong giây lát, bởi chúng ta đứng giữa một chuyển đoạn nên
chúng ta không thể đứng yên. Chính vì lý do đó mà nỗi ưu sầu cũng phải đi qua:
sự vật mới trong chúng ta, đã len vào lòng chúng ta, đã đi vào gian phòng sâu
kín nhất và đã không còn trong tâm hồn chúng ta, nó đã hòa vào máu chúng ta và
như vậy chúng ta không còn biết cái gì xẩy ra nữa. Người ta đã dễ dàng khiến
chúng ta tin tưởng rằng không có gì xẩy ra cả. Song le, đúng là chúng ta đã
chuyển hóa như một chốn ngụ cư đã chuyển hóa bởi sự có mặt của một tân khách.
Chúng ta không thể nói rằng ai đến, có lẽ chẳng bao giờ chúng ta biết được.
Nhưng nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng tương lai đã đi vào chúng ta theo kiểu đó để
tự chuyến hóa trong chúng ta rất lâu trước khi nó xẩy ra. Và đó là lý do tại
sao cô đơn và chuyên chú là điều vô cùng quan trọng khi người ta buồn rầu: bởi
giây phút khởi đầu có vẻ đầy biến cố lúc tương lai đặt chân vào trong chúng ta
vô cùng gần gũi cuộc sống hơn là khoảnh khắc ồn ào và ngẫu nhiên xẩy đến với
chúng ta như thể nó đến từ bên ngoài. Chúng ta càng lặng lẽ, kiên nhẫn và mở
lòng ra bao nhiêu khi chúng ta ưu sầu thì cái mới lạ đi vào chúng ta càng sâu
xa và càng vững vàng bấy nhiêu, chúng ta càng khiến nó trở thành thành phần của
chúng ta một cách hữu hiệu bấy nhiêu, nó càng trở thành định mệnh của
chúng ta nhiều hơn bấy nhiêu và một ngày kia khi nó “xẩy ra” (nghĩa là
bước mạnh bạo ra khỏi chúng ta để đến với thế giới) thì trong thâm tâm chúng
ta, chúng ta sẽ cảm thấy gần gũi và thân mật với nó hơn bấy nhiêu. Và đó là
điều cần thiết. Điều cần thiết - và cũng chính là đích điểm mà sự trưởng thành
của chúng ta dần dần hướng tới là không có gì xa lạ xẩy đến cho chúng ta duy
cái lâu nay đã thuộc về chúng ta. Chúng ta đã phải đổi lại rất nhiều quan niệm
về vận hành chúng ta sẽ dần dần còn phải học nhận thức rằng cái mà chúng gọi là
định mệnh phát xuất từ bên trong con người chứ không phải từ bên ngoài con
người. Chỉ vì nhiều người không thu nhiếp được định mệnh họ trong bản thân mình
trong khi nó đang sống trong họ mà họ không nhận thức được rằng định mệnh phát
xuất từ nơi họ; nó quá xa lạ với họ đến nỗi, trong sự ngỡ ngàng sợ hãi của họ,
họ nghĩ rằng nó phải đi vào trong họ vào chính lúc đó, bởi họ quả quyết thề
chưa từng gặp cơ sự gì tương tự như vậy trong họ trước kia. Cũng như từ lâu
người ta nhầm lẫn về sự vận hành của cái Đang Xẩy Ra. Tương lai đứng yên, ông
Kappus thân mến, nhưng chúng ta di động hoài trong không gian vô biên.
Thế thì định mệnh không khó khăn với chúng ta
sao được?
Và nếu chúng ta trở lại nỗi cô đơn càng ngày
chúng ta còn thấy rõ rằng, trong thâm sâu của nó, nỗi cô đơn chẳng phải là cái
chúng ta có thể tùy ý muốn lấy hay bỏ đi. Chúng ta là nỗi cô
đơn. Quả thực chúng ta có thể lừa dối và làm như thể có không có vậy. Chỉ có
thế. Nhưng tốt hơn chúng ta nên nhận thức rằng chúng ta cô đơn, vâng, và bắt
đầu từ chân lý này. Tất nhiên chúng ta sẽ bị quay cuồng choáng váng; bởi tất cả
những cứ điểm trên đó nhỡn mục chúng ta thường dừng nghỉ đều bị lấy đi khỏi
chúng ta, chẳng còn gì gần gũi nữa, và tất cả những cái xa cách đều xa cách đến
vô biên. Chỉ có người nào gần như bất thình lình bị lôi ra khỏi phòng riêng hắn
và bị đặt lên đỉnh rặng núi cao thì mới có cảm giác tương tự như vậy; một nỗi
bất an vô song, một sự buông thả cho một cái gì vô danh gần như sẽ hủy hoại
hắn. Hắn sẽ cảm tưởng mình đang rơi hay bị quăng vào thinh không hoặc nổ tung
thành muôn ngàn mảnh: tâm trí hắn phải bịa đặt trí trá biết chứng nào để khôi
phục lại và giải thích trạng thái của cảm quan hắn! Đối với kẻ nào trở nên cô
đơn cũng vậy, tất cả mọi khoảng cách, tất cả mọi kích thước đều thay đổi; phần
lớn những thay đổi này đều xẩy ra đột ngột, và rồi, như đối với người ở chót
vót trên đỉnh núi, biết bao hình ảnh dị thường và cảm giác quái gở dâng lên
trong hắn dường như vượt ra ngoài tất cả mọi chịu đựng. Nhưng chúng ta cũng cần
phải cảm nghiệm điều đó nữa. Chúng ta phải đảm đương cuộc Hiện
Sinh của chúng ta bằng bất cứ cách nào càng rộng rãi bao nhiêu
càng hay bấy nhiêu; tất cả mọi sự, ngay cả cái chưa từng nghe thấy bao giờ có
thể cũng phải bao gồm trong đó nữa. Tựu trung, lòng can đảm duy nhất đòi hỏi
chúng ta là: phải có can đảm đối diện với cái dị thường nhất, cái kỳ diệu nhất
và cái bất khả giải minh nhất mà chúng ta có thể gặp phải nhân loại hèn nhát
trong ý hướng đó đã gây ra cho cuộc đời không biết bao nhiêu là thiệt hại: cái
kinh nghiệm được gọi là “tinh thần thế giới”, sự chết, tất cả những điều này vô
cùng quan thiết với chúng ta, đã bị sự phòng vệ thường nhật xô giạt ra khỏi đời
sống đến nỗi những quan năng giúp chúng ta thâu nhận chúng đều bị muội lược đi.
Chưa nói chi tới Linh Thể. Nhưng sự sợ hãi đối với cái bất khả giải minh chẳng
những bần cùng hóa cuộc hiện sinh của cá thể mà mối tương giao giữa một con
người với một kẻ khác cũng bị co thắt bởi nó, như thể mối tương giao ấy đã bị
nhấc ra khỏi lòng sông của những khả tính vô hạn và đặt xuống một nơi an toàn
trên bờ, nơi không có sự việc gì xẩy ra. Bởi chẳng những một mình sự ù lì chịu
trách nhiệm đối với những tương giao giữa con người về sự tẻ nhạt không tả xiết
và lập đi lập lại không đổi mới chán chường; mà cả sự e dè trước bất cái mới
lạ, kinh nghiệm bất khả tiên liệu mà con người nghĩ mình không đủ sức đương đầu
cũng phải chịu trách nhiệm nữa. Chỉ có kẻ nào sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự,
kẻ không loại trừ bất cứ sự việc gì, ngay cả cái bí ẩn nhất, mới sống được với
người khác như một cái gì sống động và mới khai thác cạn nguồn cuộc hiện hữu
của mình. Vì nếu chúng ta nghĩ về cuộc hiện hữu này như một căn phòng lớn hay
nhỏ, thì chúng ta sẽ thấy rõ rằng phần đông mọi người chỉ học biết có một xó
của căn phòng của họ thôi, một chỗ bên cửa sổ, một sàn ván trên đó họ đi tới đi
lui. Do đó họ có được một chút an ổn nào, Nhưng tuy nhiên chính sự bất an nguy
hiểm lại có tính chất người hơn cả. nó khiến những tù nhân trong truyện của Poe
sờ mó được hình thù ngục tối khủng khiếp của họ và không cảm thấy xa lạ với sự
kinh hoàng vô tả của nơi họ ở. Song le chúng ta không phải là tù nhân. Không có
cạm bẫy nào giương ra xung quanh chúng ta, không có gì đe dọa hay khiến chúng
ta phải lo âu. Chúng ta được đặt trong cuộc sống như trong một yếu tố thích hợp
với chúng ta nhất và trên cả sự kiện này, qua muôn ngàn năm thích ứng chúng ta
đã trở nên giống hệt đời sống đến nỗi, khi chúng ta giữ mình tĩnh lặng, bằng
một sự bắt chước diễm phúc, chúng ta khó mà phân biệt được mình với tất cả
những gì xung quanh chúng ta. Chúng ta không có lý do gì để nghi kỵ thế giới,
vì nó đâu có nghịch lại ta. Nếu nó có những sự khủng khiếp thì đó là sự khủng
khiếp của chúng ta, nếu nó có những vực thẳm, thì những vực
thẳm này thuộc về chúng ta, nếu có những hiểm họa dàn ra bên chúng ta, thì
chúng ta phải cố mà yêu những hiểm hoạ ấy. Và nếu chúng ta xếp đặt cuộc đời
chúng ta theo nguyên tắc khuyên nhủ chúng ta rằng chúng ta phải ôm ghì sự khó
khăn thì lúc đó cái hiện nay có vẻ thù nghịch nhất sẽ trở thành cái chúng ta
tin cậy nhất và thấy trung thành nhất với chúng ta. Làm thế nào chúng ta có thể
quên những thần thoại cổ xưa mà người ta thấy ở khởi thủy lịch sử của tất cả
mọi dân tộc những thần thoại về những con rồng khủng khiếp vào giây phút tối hậu
đã biến thành những nàng công chúa đang chờ đợi để nhìn thấy chúng ta đẹp và
kiêu hùng một lần. Có lẽ tất cả những gì khủng khiếp trong tự thể thâm sâu đều
là một cái gì bơ vơ không nơi nương tựa đang cần chúng ta trợ giúp.
Vậy, ông Kappus thân mến, ông không nên sợ hãi
khi nỗi buồn sầu dâng lên trong ông, dầu cho nó là một nỗi buồn lớn hơn tất cả
những nỗi buồn mà ông đã trải qua. Khi một nỗi xao xuyến đi qua, như bóng tối
hay ánh sáng của mây nổi, trên bàn tay và trên công việc ông làm, thì ông phải nghĩ
rằng có một cái gì đang hình thành trong ông, rằng cuộc đời không quên ông,
rằng cuộc đời giữ ông trong tay của đời và sẽ không bao giờ bỏ rơi ông. Tại sao
ông lại muốn loại ra khỏi cuộc đời ông những khổ đau, lo âu, những ưu sầu trĩu
nặng mà ông không biết công việc mà những trạng thái này đang tác thành trong
ông? Tại sao ông lại tự hành hạ ông với câu hỏi: tất cả những điều đó từ đâu
đến, tất cả những điều đó sẽ đi đến đâu? - Ông đã biết rõ rằng ông là cuộc cách
mạng và không muốn gì cho ông ngoài thay đổi mà. Nếu một vài trạng thái nào đó
trong ông có vẻ bệnh hoạn, hãy tự nhủ rằng bệnh hoạn là một cách cho cơ thể xua
đuổi cái gì trái ngược với nó. Vậy ông phải giúp bệnh tật này tiếp tục lộ trình
của nó. Đó là cách duy nhất cho cơ thể dễ tự vệ và tăng trưởng. Biết bao sự
việc đang tác thành trong ông trong giây phút đó! Hãy kiên nhẫn như một bệnh
nhân và tin tưởng như một người đang lành bệnh: có thể ông là một trong hai kẻ
đó. Hơn thế nữa: ông còn là thầy thuốc và ông phải tin cậy nơi ông. Nhưng trong
tất cả mọi bệnh tật đều có những ngày thầy thuốc cũng không biết làm gì hơn là
chờ đợi. Và nếu ông là thầy thuốc cho chính ông, thì đây là việc ông phải làm
trên tất cả mọi việc.
Đừng quan sát ông nhiều quá. Tránh đừng rút ra
từ cái đang xẩy ra trong ông những kết luận hấp tấp: hãy cứ để kệ nó làm. Nếu
không ông sẽ đi đến chỗ khiển trách (tôi muốn nói về phương diện luân lý) quá
khứ của ông hiện đang góp một phần vào tất cả những gì đang tình cờ xẩy đến với
ông hôm nay… Nói chung, chúng ta phải dè dặt về cách dùng chữ và thường khi chỉ
nguyên một danh từ tội lỗi cũng đủ làm tan vỡ một cuộc đời chứ
không phải chính sự việc vô danh kia đáp ứng với một nhu cầu và tìm thấy dễ
dàng chỗ đứng trong đời sống. Sự tiêu dùng sức lực đối với ông có vẻ quá đáng
vì ông quá đề cao sự chiến thắng. Sự việc “to tát” mà ông đã làm không nằm
trong sự chiến thắng dầu rằng cảm thức mà ông có về một cuộc chiến thắng đúng.
Sự việc to tát là ông đã thay thế nổi một sự dối trá bằng cái chân thành và
chân thật…
Bây giờ nói về những tình cảm thanh khiết là
những tình cảm mà chúng ta tập trung toàn thể con người chúng ta và nâng cao
chúng ta, không thanh khiết là những tình cảm chỉ đáp ứng một phần chúng
ta và do đó làm ta méo mó.
Sự hoài nghi cũng có thể trở thành một điều tốt
nếu ông huấn luyện nó, nó phải thành một dụng cụ của nhận
thức và lựa chọn. Hãy hỏi nó khi nó muốn dìm một điều gì tại
sao nó thấy điều đó xấu. Đòi nó những chứng cứ. Ông sẽ thấy nó lúng
túng và bối rối và có thể nó sẽ kháng cự. Nhưng ông đừng chịu thua. Một ngày
kia kẻ phá hoại này sẽ trở thành một trong những người thợ giỏi nhất của ông,
có thể là người thông minh nhất trong số những kẻ làm việc để kiến tạo đời ông
không biết chừng (…)
Tôi luôn luôn nghĩ đến ông trong những ngày lễ
vừa qua và tưởng tượng thấy ông sống rất trầm lặng trong đồn binh heo hút giữa
núi rừng hoang vu trùng điệp mà trên đó cuồng phong dầy vò xối xả như muốn ăn
tươi nuốt sống.
Sự trầm lặng phải mênh mông mới chứa nổi âm
thanh và chuyển động như vậy và khi nghĩ rằng thêm vào đó còn có sự hiện diện
của đại dương xa như âm ba thân mật nhất của một cuộc hòa khúc tiền sử, lúc đó
người ta chỉ có thể ước mong ông buông thả mình cho nỗi cô liêu huy hoàng tráng
lệ đó với lòng kiên nhẫn và tin tưởng không có gì có thể cướp được nỗi cô liêu
ấy ra khỏi cuộc đời ông nữa, nó sẽ lặng lẽ tác động một cách liên tục và hữu
hiệu như một sức mạnh vô danh trên tất cả những gì ông sống và làm, như máu
huyết của tổ tiên chúng ta trong chúng ta hòa hợp với máu chúng ta để làm thành
một cái gì độc nhất vô nhị không lặp lại mà chúng ta biểu lộ ở mỗi khúc quanh
của đời sống chúng ta.
Vâng, tôi vui lòng được biết ông trong cuộc sống
vững chãi với quân giai, quân phục, công vụ kia với tất cả những thực tế giới
hạn sờ kia trong khuôn khổ nghề nghiệp ông chỉ huy một toán quân ít ỏi đơn lẻ
như thế mà vẫn giữ được tính chất trang nghiêm, thiết yếu không còn là trò chơi
và sự tiêu phí thì giờ của binh nghiệp nữa, đó là chức vụ tỉnh thức không những
không trái nghịch với cá tính mà còn làm nó vững mạnh nữa. Một cách sống thách
thức chúng ta và dựng lên những chướng ngại xa xa cho những việc vĩ đại của
cuộc đời - đó là điều cần thiết.
Nghệ thuật nữa, đó cũng chỉ là một cách sống, và
người ta có thể sửa soạn cho lối sống đó mà không biết trong khi sống nó bằng
cách này hay cách khác; trong tất cả những gì đáp ứng với thực tại người ta gần
nghệ thuật hơn những nghề nghiệp không căn cứ chút nào vào đời sống, những nghề
nghiệp tự nhận là nghệ sĩ, trong khi bắt chước nghệ thuật, lại chối bỏ và xúc
phạm nó. Báo chí cũng vậy, hầu như tất cả ngành phê bình, ba phần tư của cái
người gọi hay muốn gọi là văn nghệ. Nói tóm lại, tôi vui mừng thấy ông tránh
những nẻo đường này và cô đơn và can trường trong thực tế gian nan thô bạo.
Mong rằng năm tới sẽ lưu giữ ông và giúp ông mạnh tiến trên con đường đó.
Thân ái. Bạn ông mãi mãi.
R. M. Rilke
Chú thích:
[1]Heidegger, Chemins
qui ne mènent nulle part, Gallimard. 1962. p. 243.
[2]Briefe
an einen jungen Dichter, 12 August 1904, z.41.
[3]cf.
Chamfort, Pensées, Maximeset Mnecdotes : “Trong cô đơn người
ta hạnh phúc hơn trong thế giới. Điều đó chẳng phải do vì trong cô đơn người ta
nghĩ tới những sự vật và vì trong thế giới người ta bắt buộc phải nghĩ tới
những con người sao?”
[4]Emerson,
“The Poet”.
[5]Ông
Kappus lúc ấy là một sĩ quan trong quân đội - N.H.H
Phần
kết
Chương thứ nhất
Con đường sáng tạo: Con đường thu nhiếp lòng
tự tin
LÒNG TỰ TIN
Lòng tự tin làm nên tất cả.
“Lịch sử thế giới là lịch sử của một thiểu số
người có lòng tự tin nơi mình.” Vivekananda đã khẳng định như vậy.
Sự cuốn hút của những kỳ công cũng như của những
cử chỉ nhỏ nhặt nhất của những vĩ nhân chỉ có thể giải thích được bằng lòng tự tin.
Lòng tự tin! Đó là khối nam châm, là kính hội
tụ, là mặt trời nhỏ, là con gió lớn thu hút tất cả mọt vật kế cận, qui tụ tất
cả mọi tia sáng, điều động tất cả mọi sinh vật, thổi bạt tất cả mọi ảnh hưởng.
Và lòng tự tin đó chính là yếu tính của thiên tài.
Đây là định nghĩa hay nhất về thiên tài của Emerson: “Tin vào tư tưởng của
chính bạn, tin rằng cái gì đúng với bạn trong tâm tư của bạn đúng cho tất cả
mọi người, - đó là thiên tài ” (To believe your own thought, to
believe that what is true for you in your private heart is true for all men, -
that is genius.) [1]
Tất cả những thiên tài đều là những người có
lòng tự tin vững như bàn thạch. Và tất cả những thiên tài đích thực, tất cả
những người xứng đáng là thiên tài đều thành thực muốn khơi dậy lòng tự tin nơi
chúng ta, đều thương hại chúng ta, những kẻ đáng thương thả mồi bắt bóng. Tất
cả những vĩ nhân vĩ đại thực sự đều tàn nhẫn xua đuổi chúng ta trở về với chính
chúng ta, đều khinh bỉ liệng trả lại cho chúng ta tất cả những phẩm từ cao quý,
tất cả những tán từ rực rỡ - quá thừa chi họ, quá thiếu cho chúng ta - là của
riêng chúng ta, cần thiết với chúng ta hơn. Tất cả những thánh nhân, những nghệ
sĩ chân chính đều lương thiện: họ không muốn bị ép buộc trở thành địa chủ trên
đất đai của chính chúng ta, họ không muốn chúng ta tự nguyện trở thành tá điền
trên mùa màng tốt tươi - công khó của sức cần lao chúng ta.
Họ đều muốn khuyên chúng ta hãy coi thường tất
cả những điều khuyên nhủ, hãy chỉ tin vào sự phán đoán của chúng ta thôi, như
Đức Phật:
“Đừng tin tưởng một điều gì vì phong văn.
Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nói đi nhắc lại. Đừng tin tưởng
điều gì dù là bút tích của thánh nhân. Đừng tin tưởng điều gì dù thói quen từ
lâu khiến ta nhận là điều ấy đúng. Đừng tin tưởng một điều gì do ta tưởng tượng
ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng bất cứ một
điều gì chỉ vin vào có uy tín của các thầy dậy. Đừng tin tưởng ngay cả lời ta
nữa mà chỉ tin tưởng điều gì chính các người đã tự mình từng trải, kinh nghiệm
và cho là đúng mà thôi.” Angutara
Nikaya [2]
Tất cả những thánh nhân, những nghệ sĩ chân chính
đều muốn đánh phá tan tành những ảo tưởng yếu đuối của chúng ta, đều khuyến
khích chúng ta hiên ngang nhận chân con người đích thực của mình và tự tin nơi
mình, như Vivekananda: “Hãy đứng lên, hỡi sư tử, và rũ bỏ ảo tưởng mình là cừu
non, các bạn là những linh hồn bất tử, những tinh thần tự do, linh thánh và
vĩnh cửu” [3]. Nếu các bạn tin vào ba
trăm ba mươi triệu thần thánh ngoại quốc đem vào mà không tin vào chính bạn,
thì không có cứu chuộc nào cho bạn cả. Vậy: “Hãy tin vào bạn trước rồi hãy tin
vào Thượng Đế sau.” (Believe first in yourself, and then in God) [4]. Kẻ nào không tin mình
là kẻ vô thần. Những tôn giáo lạc hậu nói rằng kẻ không tin vào Thượng Đế là kẻ
vô thần. Tôn giáo mới nói rằng kẻ nào không tin mình mới là kẻ vô thần - Thần
tính nội tại.
Thông điệp của họ chính là lòng Tự Tin
vậy: “Hãy tin vào chính bạn: tất cả mọi trái tim đều run lên cùng với
giây thiết huyền cứng rắn đó ” (Trust thyself: every heart vibrates to
that iron string) [5]. Hãy nói lên niềm tin
tiềm ẩn của bạn, chẳng bao lâu nó sẽ có một ý nghĩa phổ quát; “bởi luôn luôn
cái sâu thẳm nhất trở thành cái xa thẳm nhất (for always the inmost becomes the
outmost) và tư tưởng đầu tiên của chúng ta dội lại chúng ta bởi tiếng kèn đồng
của ngày Phán Xét Cuối Cùng [6]. Giá trị cao cả nhất
chúng ta gán cho Platon, Shakespeare là sự kiện họ đã thách đố sách vở và
truyền thống và nói lên, không phải điều mọi người nghĩ, mà là điều họ nghĩ.
Người ta phải học cách khám phá và canh chừng cái tia sáng le lói từ bên trong
vụt qua trong tâm trí hắn hơn là vẻ huy hoàng của bầu trời của thi nhân và hiền
triết [7]. Trong tất cả mọi tác
phẩm của thiên tài, chúng ta đều nhận ra những tư tưởng phản hồi của chúng ta.
Chúng trở lại với chúng ta với một vẻ uy nghiêm xa lạ và chúng ta bắt buộc phải
chấp nhận với lòng khiêm tốn tủi hổ. Đó là điều khiến chúng ta đau lòng và phải
tìm cách chấm dứt. Sớm muộn gì trong đời sống tâm linh của một người cũng phải
có lúc hắn nhận thấy rằng ganh ghét là ngu muội, bắt chước là tự sát. Rằng bổn
phận đầu tiên và cuối cùng đối với bản thân là phải trở thành chính mình.
Tôi phải trở thành chính tôi!
Tôi không thể vong thân vì giáo lý và luân lý,
xã hội và gia đình, tình cảm và phép lịch sự. Nếu tôn giáo dậy rằng tôi chỉ là
cát bụi tôi sẽ sống hết kiếp cát bụi thô tạo và bình thản trở về cát bụi phù
du.“Ôi cát bụi tuyệt vời!” Nếu người ta bảo rằng tôi thuộc về trần
gian tội lỗi xin nhận “tôi là một sản phẩm tội lỗi của một trần gian tội lỗi”(I
was the evil product of an evil soil - Henry Miller) [8]. Tôi biết làm sao được?
Nếu người ta bảo tôi là đứa con của quỉ vậy từ nay tôi sẽ sống hết mình cho
quỷ. “Không có luật lệ nào có thể thiêng liêng đối với tôi trừ luật của bản
chất tôi” [9]. Tốt hay xấu, thiện hay
ác chỉ là những danh từ có thể sẵn sàng di dịch vì lý do này hay lý do kia, có
thể dễ dàng đắp đổi cho nhau tùy theo quan điểm, thời gian, xứ sở. Chẳng lẽ tôi
lại dại dột chịu nô lệ những điều ngu xuẩn đó? Chẳng lẽ tôi lại thiển cận đến
thế? Lẽ phải duy nhất là cái gì hợp với thể chất tôi: điều trái duy nhất là cái
gì nghịch lại nó. “Tôi phải đi lên và mãnh liệt, và nói lên sự thật thô bạo bằng
mọi cách” [10]. Tôi không thể dối trá
cũng như không thể chia xẻ. Tôi không thể chia xẻ cho bạn hay cho em. Nếu em
yêu tôi vì tôi là tôi, chúng ta sẽ sung sướng. Nếu em cao quí, tôi sẽ yêu em,
nếu không, tôi sẽ không làm thương tổn em và chính tôi nữa, bởi những sự ần cần
giả dối. Tôi phải độc lập, vô trách nhiệm, tự chủ, hồn nhiên: tôi phải hoàn
toàn nguyên vẹn là tôi. “Tôi sẽ chạy trốn cha mẹ, vợ con và anh em khi thiên
tài của tôi kêu gọi tôi. Tôi sẽ viết lên đầu khung của một chữ: Ngông”
(I shun father and mother and wife anh brother when my genius call me, Tôi
would write on the lintels of the door - post, Whim.) [11]
Tôi phải đi trong cô đơn!
Đó là con đường hủy diệt của kẻ sáng tạo, con
đường đơn độc của kẻ tình nhân vĩ đại, con đường lạc lõng của kẻ khao khát tìm
kiếm mình.
Tôi phải đi trong cô đơn, với niềm tin tưởng
rằng bất cứ tôi đi đâu, con người xuất-chúng của tôi cũng đi theo
như bóng với hình.
Chúng ta, những kẻ cô đơn - chúng ta phải thu
nhiếp trọn vẹn lòng tin tưởng nơi chúng ta. Nhưng nếu nỗi cô đơn là hòn đá thử vàng,
là phương thuốc chữa trị mọi hư danh phù phiếm của xã hội thì chính cô đơn sẽ
khiến chúng ta hoang mang nghi hoặc. Thomas Wolfe, một khuôn mặt cô đơn nhất
của văn học Hoa Kỳ, nhận xét “hơn tất cả những người khác, chúng ta, những kẻ
ngụ cư trong cô đơn, chúng ta luôn luôn là nạn nhân của lòng tự-nghi (more than
other men, we who dwell in the heart of solitude are always victims of
self-doubt, - “God’s Lonely Man”). Tại sao vậy? Vì không có những giá trị cũ
làm nền tảng, không có sự phán đoán của kẻ khác làm tiêu chuẩn, không có những
mục đích thông thường làm cứu cánh cho cuộc sống, chúng ta cảm thấy mất niềm
tin như kẻ đi vào chân không mất trọng lực. Chúng ta sẽ nghi ngờ tất cả và
chúng ta sẽ nghi ngờ chính chúng ta. “Luôn luôn và luôn luôn trong nỗi cô liêu
của chúng ta, mặc cảm tự ti nhục nhã đột nhiên dâng lên dìm ngập chúng ta trong
cơn lụt lội độc hại của kinh hoàng, bất tín và thê lương làm úa héo và hư thối
sức khỏe và niềm tin, rải rác rưởi ô uế tận gốc rễ nguồn hân hoan lớn lao, mãnh
liệt của chúng ta. Và mâu thuẫn ngàn đời của sự kiện đó là nếu một người muốn
biết niềm vui chiến thắng của lao khổ sáng tạo hắn phải khuất mình một thời
gian lâu dài trong cô đơn và cam chịu để cô đơn cướp mất của mình sức khỏe,
niềm tin, lòng tin tưởng và nguồn hân hoan là cái cốt yếu của tác phẩm sáng
tạo.” [12]
Chỉ có thần thánh hay dã thú mới có thể sống cô
độc, Aristote nói như vậy. Nhưng kẻ sáng tạo không phải là thần thánh hay dã
thú nghĩa là hắn không có niềm tin vào Thượng Đế tối cao cũng không có sự u mê
hoàn toàn. Thiếu những điều đó, nhiều khi tất cả hay bất cứ điều gì hay không
có điều gì cả cũng có thể làm hắn thương tổn, xúc phạm hắn, lung lạc hắn, đẩy
hắn vào cảm thức bất lực và nhục nhã, tuyệt vọng và kinh hoàng. Run và
sợ. Xao xuyến và hư mất phù du. Hắn thấy thời gian trôi qua như một dòng
nước muộn. Hắn thấy cuộc đời trôi qua như một dòng sông buồn và tất cả cuộc đời
hắn, tình yêu, quá khứ, đang trôi vào quên lãng. Tất cả bắt đầu từ hư không và
chấm dứt với hư vô. Trong khoảnh khắc, hắn bắt gặp hắn trần truồng đứng dưới
chân bức tường câm nín của đêm sâu. Hắn đối diện với chính hắn. Tôi là ai hay
chỉ là một cõi trống trơn?
Kẻ sáng tạo phải cảm nghiệm tất cả trạng huống
ghê gớm đó bởi sứ mệnh của hắn là phải thu hút tất cả tình yêu, thù hận, đau
khổ, ưu sầu, tuyệt vọng, hân hoan, kiêu hãnh, nhục nhằn, hệ lụy, tử biệt sinh
ly… để dệt nên Toàn Thể, phải thâu tóm tất cả những cung bực của bi thương và
hạnh phúc để tạo nên khúc Hợp Xướng Ca Ngợi Nguồn Vui tối hậu,
phải thấu suốt ngàn trùng, quán tuyệt thiên thu để giúp con người nắm
được Nhất Thể, gói trọn sinh tử, hát khúc Âu Ca ngợi ca trần
gian điên dại, đưa con người lên chớp đỉnh Thanh Thản, để hắn có thể thấy như
những nhân vật bi kịch Hy Lạp sau khi đã xuống tận cùng đáy bi thương: Tất
cả đều tốt lành. Tất cả mọi người đều là Thần thánh, tất cả mọi ngày đều
thiêng liêng, tất cả mọi biến cố đều có lợi và không có gì xảy ra lại sớm quá
hay trễ quá đối với ta.
Vì lẽ đó kẻ sáng tạo phải sống như một kẻ chiến
bại để có thể viết như một kẻ chiến thắng.
Hắn phải sống hiền lành như cừu non để có thể
viết dữ dội như sư tử.
Hắn phải cưu mang tuyệt vọng để có thể sinh ra
những hy vọng mới.
Hắn phải chịu trăm ngàn cái chết đắng cay: chết
trong cuộc đời, chết trong lòng người, chết trong tâm hồn, để phục sinh: hắn
phải chết đi để trở thành bất tử.
Hắn phải vĩnh biệt hắn để tái ngộ hắn trên bình
diện bao la của vũ trụ.
Hắn phải bị xua đuổi lên đến tận đỉnh núi cuối
cùng, chỉ còn một tảng đá cheo leo trên vực thẳm đêm tối vừa đủ đặt hai chân và
chỉ còn niềm hy vọng tối hậu: Cô Đơn, người bạn vĩnh cửu của hắn, trong giông
tố, đến nắm tay đưa hắn qua cầu:
“Cô đơn mãi mãi và xin gặp lại trần gian! Hỡi
người anh em tăm tối và người bạn sắt đá cứng cỏi, khuôn mặt ngàn đời của đêm
sâu, người đã cùng ta chia nửa phần đời và người từ nay mãi mãi sẽ ở cùng ta
cho đến ngày khép mắt - ta còn có gì để sợ khi bạn ở bên ta? Hỡi người bạn anh
hùng, người anh em ruột thịt của đời ta, khuôn mặt ân cần u tối - chúng ta đã
chẳng từng cùng đi với nhau hàng triệu lối đó sao, chúng ta đã chẳng từng cùng
đi với nhau qua những đại lộ đêm sâu cuồng bạo đó sao, chúng ta đã chẳng từng
vượt qua biển giông tố một mình đó sao? Và biết những mảnh đất lạ, và trở lại
để đi qua lục địa đêm tối và lắng nghe niềm im lặng của lòng đất sao? Chúng ta
chẳng đã từng can trường và vẻ vang khi chúng ta ở bên nhau sao, hỡi bạn? Chúng
ta đã chẳng từng nếm mùi chiến thắng, hân hoan và vinh quang trên trần gian này
sao và mai sau sẽ chẳng như ngày xưa sao, nếu bạn trở lại cùng ta? Hãy đến cùng
tôi trong lòng đêm sâu tĩnh lặng và bí mật nhất. Hãy đến cùng tôi như bạn vẫn
thường đến, mang lại cho tôi sức mạnh vô địch, hy vọng bất diệt, niềm hân hoan
và tin tưởng chiến thắng sẽ lại làm mưa làm gió trên trần gian lần nữa” (Thomas
Wolfe - “God’s Lonely Man”.)
Đó là ngày kẻ sáng tạo ký kết với cô đơn. Hắn
trở thành chính nỗi Cô Đơn. Và đó cũng là ngày, như rất tình cờ, lòng
tự tin vào cuộc đời và lòng tự tin ào ạt trở lại cùng hắn như triều nước dâng
làm nổ tung cánh cửa mở đại thế giới và xếp đặt lại tất cả trong một trật tự
mới. Viên mãn một cách kỳ diệu và an nhiên tự tại trong chính mình, hắn thấy
tất cả sức mạnh xưa cũ của hắn nguyên vẹn còn đây: hắn viết điều hắn biết, hắn
thấy điều hắn thấy. Và hắn sẽ hiên ngang nói sự thật trong hắn. Hắn sẽ nói sự
thật đó lên mặc dầu toàn thể thế giới khước từ. Hắn sẽ nói sự thật đó lên mặc
dầu muôn triệu người gào lên rằng điều đó sai lầm. Nhưng hắn có kể gì tới người
khác, hắn có kể gì tới chính hắn: hắn đã quay lưng lại với chính mình. “Để nhìn
cho được nhiều, người ta phải học cách đưa mắt đi chỗ khác đừng nhìn mình: - sự
cứng dắn này cần cho tất cả những kẻ trèo lên núi cao”. Và tất cả những
kẻ sáng tạo đều cứng rắn. (Alle Schaffenden aber sind hart). Không còn
tình yêu nữa, không còn ta nữa. “Than ôi! ta phải trèo con đường khó khăn nhất
của ta! Than ôi! ta bắt đầu cuộc hành trình cô đơn nhất của ta!”. Tâm hồn ớn
lạnh không khỏi thốt lên như thế. Nhưng nếu là kẻ sáng tạo, hắn không thể không
thâm cảm và nhủ thầm “Chỉ bây giờ ta mới đi theo con đường cao cả của ta! Đỉnh
cao và đáy sâu hòa lẫn nhau!”.
“Mi đi trên con đường cao cả của mi: bây giờ
điều từ xưa tới nay là nỗi nguy hiểm cuối cùng của mi đã trở thành nơi an trú
tối thượng của mi.
Mi đi trên con đường cao cả của mi: bây giờ lòng
can đảm tối hảo của mi là cảm thấy mi chẳng còn con đường nào sau lưng nữa!
Mi đi trên con đường cao cả của mi: ở đây chẳng
có ai đi theo mi cả! Chính bước chân mi xóa con đường sau mi và trên con đường
của mi có biển đề: bất khả!” [13]
Nhưng chính tại nơi chót núi cuối biển tưởng
chừng không có đường đi đó, bỗng trong rặng liễu ám u, trong rừng đào rực rỡ
thấp thoáng bóng Quê Hương:
Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn.
Đó là xứ sở của con cái chúng ta, cùng đích của
tìm kiếm. Nhưng nếu chúng ta không thấy? - Thì lý trí chúng ta, óc tưởng tượng
của chúng ta, ý chí chúng ta, tình yêu chúng ta phải trở thành Quê Hương ấy, xứ
sở ấy. Và ta mong rằng ta không tìm thấy để ta còn có thể sáng tạo: Ta khao
khát Hạnh Phúc chăng? Ta chỉ khao khát Tác Phẩm của ta thôi!
Trachte ich denn nach Glücke?
Ich trachte nach meinem Werke!
Kẻ sáng tạo nói như vậy.
Chú thích:
[1] Self
Reliance
[2]Trích Phật
học tinh hoa của T.T. Đức Nhuận
[3]The
Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[4]The
Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[5]The
Message of Vivekananda, Advaila Ashrama, Calcutta pp. 1,2.
[6]Emerson, Self
Reliance.
[7]Emerson, Self
Reliance
[8]Tropic
of Capricorn
[9]Emerson, Self
Reliance
[10]Emerson, Self
Reliance
[11]Emerson, Self
Reliance
[12]Thomas
Wolfe, “God’s Lonely Man” in The Hills Beyond.
[13]Nietzsche, Also
sprach Zarathustra.
Chương
thứ hai
Con đường sáng tạo: Con đường tự thể hiện
Con đường tự thể hiện
Niềm hân hoan tối thượng của cuộc sống không nằm
trong của cải tiện nghi.
Niềm hân hoan tối thượng của cuộc sống hệ tại
khả năng, trạng thái, tư thế, thời đại. “Mi hãy trở nên con người của
chính mi” (Deviens ce que tu es) không những là một mệnh lệnh tuyệt
đối mà còn là một diễm phúc tối cao.
Chất liệu đầu tiên hiến dâng cho kẻ sáng tạo
chính là bản thân.
Viết khởi đầu là một cách tự hiện mình, sau đó
là cách phát hiện mình và cuối cùng là cách sáng tạo mình. Lý tưởng của cả ba
tiến trình đó là thể hiện cái “Tôi” chân thực. Song cái “Tôi” lý tưởng đó không
thể là một cá thể đơn lẻ. Cái “Tôi” lý tưởng mà kẻ sáng tạo hướng tới phải là
cái “Tôi vũ trụ” (Moi cosmique). Qua tất cả mọi lao khổ sáng tạo, hắn phải học
cách nhìn lại tất cả mọi sự bằng “Con mắt vũ trụ”, phải khôn ngoan nhận
thức được rằng có một thị kiến khác ở trên thị kiến khác, phải khiêm tốn nhận
định rằng hắn chỉ là một dòng sông nhỏ của một mạch nguồn mãnh liệt, phải hân
hoan nhận chân được rằng hắn chỉ là một thành phần trong một toàn thể, một dụng
cụ trong tay những sức mạnh siêu nhiên: Qua tôi Đấng Sáng Tạo hành động, qua
tôi Đấng Sáng Tạo nói. Tôi là một cá thể và đồng thời một tập thể, một người và
đồng thời một đám đông. Tôi là một phiến lá trong ngàn cây rậm lá. Hãy trồi
lên, hỡi gió. Tôi sẽ rung và sẵn sàng giao chuyển nhịp nhàng. Tôi là hôm nay,
hôm mai và đồng thời hôm qua. Hãy tuôn chảy ào ạt qua tôi, hỡi vĩnh cửu! Tôi
đang sống như đã sống tự nghìn thu và sẽ còn sống mãi đến thiên thu.
Khúc quanh tất yếu mà bất cứ nhà văn đích thực
nào cũng phải đi tới trên bước đường sáng tác là sự khẳng định mình, kẻ duy
nhất trên đời mà hắn biết một cách xác thực, kho tàng duy nhất mà hắn độc quyền
khai thác. Đó là lúc hắn sáng suốt nhận ra và đồng thời hoàn toàn chấp nhận con
người mình. Rất bằng lòng, rất đủ “Tới một điểm nào đó trong cuộc đời tôi, tôi
quyết định rằng từ nay tôi viết về chính tôi, bằng hữu của tôi, kinh nghiệm của
tôi, điều tôi biết và điều chính mắt tôi đã thấy. Bất cứ điều gì khác, theo ý
tôi, chỉ là văn chương và tôi không tha thiết với văn chương. Tôi
còn nhận thức được rằng tôi phải học cách bằng lòng với cái ở trong tầm tay
tôi, trong phạm vi của tôi, sự hiểu biết của riêng tôi. Tôi học cách không mắc
cỡ về mình, tha hồ tự do nói về mình, quảng cáo mình, chen vai thích cánh khi
cần thiết.” (At a certain point in my life I decided that henceforth I would
write about myself, my friends, my experiences, what I knew and what I had seen
with my own eyes. Anything else, in my opinion, is literature and I am not
interested in literature. I realized also that I should have to learn
to content myself with what was within my grasp, my scope, my personal ken. I
learned not to be ashamed of myself, to talk freely about myself, to advertise
myself, to elbow my way in here and there when necessary - Henry Miller) Tóm
lại:
Tôi hiện hữu như tôi hiện tại, thế là đủ rồi.
Dầu không một ai trên cuộc đời này ý thức
được rằng tôi đang an nhiên tự tại.
Và dầu cho mỗi và tất cả mọi người ý thức
rằng tôi đang an nhiên tự tại.
(I exist as I am, that is enough.
If nother be aware I sit content.
And if each and all be aware I sit content)
Walt Whitman, “Song of myself”.
Nhưng nếu là kẻ sáng tạo, hắn còn phải biết thực
hiện một hành động ngược lại, hắn phải biết coi thường hắn, còn phải biết phủ
nhận chính con người của hắn nữa. “Tất cả lòng hăng hái chuyên cần của tôi và
tất cả sự hờ hững lạnh lùng của tôi, tất cả sự tự chủ của tôi và tất cả khuynh
hướng tự nhiên của tôi, tất cả lòng can trường của tôi và tất cả sự run sợ của
tôi, mặt trời của tôi và sấm sét tung ra từ một vòm trời đen tối của tôi, tất
cả tâm hồn và trí tuệ của tôi, tất cả khối đá hoa cương nặng trĩu và trang
trọng của cái “Tôi” của tôi, tất cả những thứ đó đều có quyền nhắc đi nhắc lại
không ngừng: “Thây kệ tôi là gì thì là!” – Nietzsche (Toute mon ardeur
laborieuse et toute ma nonchalance, toute ma maîtrise de moi-même et toute mon
inclination naturelle, toute ma bravoure et toute mon tremblement, mon soleil
et ma foudre jaillissant d’un ciel noir, toute mon âme et tout mon esprit, tout
le granit lourd et grave de mon “Moi”, tout cela a le droit de se répéter sans
cesse: “Qu’importe ce que je suis!” - Vonlonté de Puissance, II, 4:
4 - 612).
Tôi phải vượt qua cái “ngã ” giả tưởng.
Vượt qua cái “Tôi” và cái “Anh”! Cảm thức một
cách vũ trụ! (Dépasser le "Moi” et le “Toi”! Sentir de façon
cosmique!) Nietzsche.
Tất cả mọi cá thể đều tham dự vào toàn thể của
hữu thể vũ trụ. Cá thể không phải là kết quả mà là tổng số của cuộc tiền hữu.
Nó cũng không phải là nhân mà chỉ là trợ duyên cho cuộc sống vị lai.
“Meurs et deviens.”
“Hãy chết đi và tựu thành!” Tâm hồn kẻ sáng tạo
sẽ là một chiến trường ghê gớm nơi giao tranh của tất cả những sức mạnh truyền
thống, luân lý, xã hội…, những sức mạnh phi ngã với tự ngã. Cuộc chinh phục tự
ngã là một chiến thắng lớn lao trên đường tự thể hiện.
“Và chừng nào mi chưa hiểu thấu câu “chết đi
và tựu thành”, thì mi sẽ chỉ là một khách lạ tối tăm trên trần gian u
tối”. Goethe, Divan
occidental - oriental.
(Et tant que tu n’aurais pas compris ce “meurs
et deviens”, tu ne seras qu’un hôte obscur sur la terre ténébreuse).
Kẻ đã xô đổ những vật chống đỡ bên ngoài, đã
giết chết “con người - người ta” của mình, tự tay xây dựng nơi ẩn trú của mình
không còn là một khách lạ tối tăm bơ vơ trên trần gian u tối nữa, hắn trở thành
chủ nhân căn nhà của hắn, chủ nhân cuộc đời hắn.
Nhà ta, ta ở lấy,
Theo người, ta chẳng chạy,
Ta cười các bực thầy
Không biết cười mình vậy.
(Nietzsche - Ngô Trọng Anh dịch theo bản Pháp
ngữ của Alexandre Vialatte).
J’habite ma propre maison.
N’ai jamais imité personne.
Et me suis moqué de tout maitre,
Qui ne s’est moqué de soi.
Nhưng cái nhà là nhà của ta, do chính tay ta làm
ra đó, ta phải xây dựng ở đâu: bằng gì? Dĩ nhiên không thể ở bên ngoài và bằng
những chất liệu giả tạm. Ngôi nhà an trú cho mình và đồng thời cho mọi người đó
chỉ có thể có trong lòng người thấu suốt, giải thoát, bao la, tam thường bất
túc nhưng tự túc mãn kẻ như đại sư Milarepa:
Biết một điều ta cảm nghiệm được mọi điều:
Biết mọi điều ta hiểu chúng là một;
Ta đã cảm nghiệm thực tại chân thực;
Cái giường chật hẹp của ta đủ cho ta duỗi dài và
nằm cong queo như con tôm một cách thoải mái;
Bộ quần áo mong manh đủ khiến thân thể ta ấm;
Chút ít đồ ăn đủ thỏa mãn dạ dầy ta;
Ta là mục tiêu của mọi tư tưởng gia vĩ đại;
Ta là chốn tụ hội của tín đồ;
Ta là chỗ quanh co của sinh tử và hư hoại;
Ta chẳng thích bất cứ xứ sở nào;
Ta chẳng có nhà cửa ở bất cứ nơi nào;
Ta chẳng tích chứa thực phẩm cho sự sinh sống
của ta;
Ta chẳng ham muốn của cải vật chất;
Ta chẳng phân biệt đồ ăn sạch với dơ;
Ta chẳng bị đau khổ giày vò bao nhiêu;
Ta chẳng thích tự mến mộ mình bao nhiêu;
Ta chẳng buộc ràng hay thành kiến bao nhiêu;
Ta đã tìm thấy tự do giải thoát của Niết Bàn;
Ta là người an ủi kẻ già nua;
Ta là bạn chơi của trẻ em;
Hiền giả, ta lưu đãng qua những vương quốc của
trần gian.
Ta cầu cho người và thần thánh được an trú tịnh
yên.
Knowing one thing I have Experience of all
things;
Knowing all things I conprehend them to be one;
I have experience of true reality;
My narrow bed gives me ease to stretch and bend;
My thin clothing makes my body warm; my scanty
fare satisfies my belly.
I am the goal of every great meditator;
I am the meeting place of the faithful;
I am the coil of birth and death and decay;
I have no preference for any country;
I have home in any place;
I have no store of provisions for my livelihood;
I have no fondness for material things;
I make no distinction between clean and unclean
in food;
I have little torment of suffering;
I have little desire for self-esteem;
I have little attachment or bias;
I have found the freedom of Nirvanna;
I am the comforter of the aged;
I am the playmate of children;
The sage; I wander through the kingdoms of the
world.
I pray that ye men and gods may dwell at ease.
(Milarepa, The Message of Milarepa)
Không những nguyện cầu cho người và thần thánh
được an nhiên tự tại, kẻ thực hiện được Chân Ngã còn cầu nguyện cho toàn thể
vạn vật được dự phần yên vui:
“Xin nguyện cầu cho vạn vật được hạnh phúc, xin
nguyện cầu cho vạn vật được thanh bình: xin nguyện cầu cho vạn vật được hưởng
chân phúc.”
(Vivekananda).
Cái ta nhỏ bé đã chết, hay đúng hơn đã thể nhập
được vào cái TA tịch nhiên bất động giữa Thiên Nhiên:
TA TĨNH TỊCH
Ta tĩnh tịch tịnh yên,
Thong dong tồn lập giữa Thiên Nhiên
Vương chúa của mọi vật
Hoặc Nữ Vương của mọi đồ
Hoặc Hoàng Đế của doanh hoàn thảy thảy
Tự như tự tại trầm chước vô ngần tại trung tâm
cháy bỏng của mọi mọi thứ hỗn độn nhà ma, trớ trêu của qủy
Ta cũng chan hòa tiêm nhiễm mù sương như chúng
Ta cũng lai láng rớt hột thụ động giang hà, đón
nhận hoang liêu như chúng
Ta cũng lặng im như chúng.
Nhận thấy công việc của ta, chức nghiệp của ta
và nghèo nàn và danh vọng và nhược điểm và tội lỗi và mọi mọi khác khác của ta,
thật chẳng quan trọng chi nhiều như ta vốn đã tưởng.
Ta mình ta mẩy, ta thể ta thân, ta thần hồn, ta
linh phách, ta lách lau, ta cồn lá, ta cá chim, ta kim tuyền, ta phiền sương
hoàng lục thạch, ta song lạch hoàng hạc lâu, ta sơ đầu hoàng lục ngọc, ta dọc
dọc hồng lựu ngọc ngang ngang, ta hai hàng đi bước chân chữ bát, ta bình trác
cầm đơn nhẫn loan đao, ta chiêm bao thủ trì lục ngọc trượng, ta phương trượng
mở bài phương tiện cầm Kim Xà Kiếm rạch đường dọc trên mình mẩy Nữ Thí Chủ Tam
Cô Nương, ta lên đường ô lữ vân mồng gieo hai hàng song song lựu tử thạch, ta
khai khải anh thần bên trường phát phi kiên, ta khải phát uy quyền bên trường
quần vén xiêm duệ địa.
Me toward the Mexican sea.
Ta hướng thân phiêu bồng về phương mây Mễ Tây Cơ
đại hải.
Hoặc trong miền rộng rãi Mannahatta,
Hoặc ngoài cõi đằng la Tennessee,
Hoặc giữa một vùng Thanh Cấm Nguyệt phiêu du,
Hoặc hư phù phương Nam phương Bắc
Hoặc ra ngoài bờ tỳ hải réo rắt
Hoặc vào trong lục địa ngủ một trận năm châu
Ta một con người con Giòng Sông Bất Tận
Ta một con kẻ con Triều Động U Sương
Ta một con ma lên đường con gào kêu con Hắc Quỷ
Ta một con mọi túy lúy con thượng thặng huyền
lâm bên thừa dư con rừng tía
Ta một con gấu mỉm miệng cười bên tổ mật hoàng
phong
Ta một con beo hoặc là một con cọp
Ta một con cọp hoặc là chẳng một cọp chi mô
Ta một con sư tử kim mao u buồn nữ sư vương ủ
rũ.
Ta làm thơ thi sĩ màu chanh mọc tam sư muội cô
nương
Ta viếng thăm thôn trang tại thôn làng thang
lang nông trại
Ta thăm viếng một con người là con kẻ chính ta
Ta con người Trường Giang con ma Đại Hải
Ta con kẻ của lâm tuyền sơn thụ
Hoặc con của sinh hoạt nông trại thôn trang
Hoặc của sinh bình nông trang thôn trại
Hoặc của sinh lý thôn trại nông trang
Hoặc của một nàng mùa thu mang trong mình một
trang quốc sắc
Hoặc của một nương tử mùa xuân vòng tay học trò
mang tứ chi tìm đông phương thị hậu
A river man, or a man of the woods or any
farm-life these States or of the coast, or the lakes of Kanada.
Ta thế là ta tràn làn khắp cõi, từ thôn trại
sinh hoạt xứ sở nọ, tới miền duyên hải hoặc giang hồ non nươc Kanada kia.
Ta như vậy là suốt miền ta tại hoạt, tại sinh
tại bình, tại bối bất cứ nơi nào cuộc sinh bình ta được sống, ôi được sống mọi
bình sinh giữa cuộc! Ôi được cuộc mọi sinh được sống mọi trong cơn… Ôi được tự
tại như tự ta đong đưa tự mình tự mẩy, tha hồ cho mặc sức xô đẩy mọi phù động
ngẫu nhĩ ngẫu nhiên.
Ta mọi phi tuyền về trong cơn chót vót,
Ta mọi con chim ca hót về tĩnh dạ thâm canh,
Ta mọi thập thành thuần thanh công lực, về trong
bão táp đêm tăm,
Ta mọi ăn nằm chịu chơi trong từng cơn đói rét,
Ta mọi hiu hắt trì thủ trước mọi lếu láo lố bịch
làm thơ,
Ta mọi bất ngờ đổ ra mọi tai ương tai ách,
Ta mọi đường rạch giữa mọi dọc mọi ngang, mọi
trở ngăn mọi tỏa chiết,
Ta mọi kỳ tuyệt giữa mọi gò đống ngổn ngang,
Ta mọi một hàng giữa mọi đoạn nhiên nhi cự
tuyệt,
Như y hệt ta là ta như thế, như mọi cây cối và
thú vật mọi như như.
Walt Whitman, Leaves of grass.
Bùi Giáng dịch trong Sương Bình Nguyên [1]
Me Imperturbe
Me imperturbe, standing at ease in Nature,
Master of all or mistress of all, aplomb in the
midst of irrational thing,
Imbued as they, passive, receptive, silent as
they,
Finding my occupation, poverty, notoriety,
foibles, crimes, less important than I thought,
Me toward the Mexican sea, or in the Mannahatta
or the Tennessee, or far north or inland,
A river man, or a man of the woods or of any
farm-life of these
States or of the coast, of the lakes or Kanada,
Me wherever my life is lived, O to be
self-balanced for contingencies,
To confront night, storms, hunger, ridicule,
accidents, rebuffs, as the trees or animals do.
Bên ngoài, kẻ đã thể hiện được CHÂN NGÃ có thể
đón nhận mọi đói khát, giông bão, đêm tối, khước từ, nhục nhã… đó là nơi giao
hòa của mọi sự. Mặt hắn như mặt đất, không chối từ một điều gì thì lòng hắn
cũng như lòng đất có thể dung nạp và hóa giải được tất cả: đó là nơi chuyển
tính mọi sự.
CÁCH NGÔN
Cứng rắn và dịu dàng, thô bạo và tế nhị,
Thân mật và xa lạ, nhơ bẩn và tinh khiết,
Nơi hẹn hò của những cuồng nhân và hiền nhân,
Ta là tất cả điều đó, ta muốn là điều đó,
Vừa là bồ câu, rắn rết đồng thời là lợn heo.
LE PROVERBE DIT:
Apre et doux, grossier et fin,
Familier et étranger, malpropre et pur,
Rendez-vous des fous et des sages,
Je suis tout cela, je veux l’être,
Tout à la fois colombe, et serpent et cochon.
Nietzsche,Tri Thức Hân Hoan
“Thiên tài không có cá tính”, Keats đã viết như
vậy trong một thiên khảo cứu về Shakespeare. Cũng vậy, kẻ đã thể hiện được Chân
Ngã không có tên. Đó là một hài nhi mới chào đời, chào đời mỗi ngày nên chẳng
bao giờ kịp làm giấy khai sinh, tim tươi hồng và mới mẻ như mặt trời mỗi buổi
mai mỗi mọc. Có thể gọi tên nó là hân hoan?
NIỀM HÂN HOAN NGÂY THƠ
“Ta không có tên:
Ta ra đời mới có hai ngày.”
Ta sẽ biết gọi ngươi bằng gì?
“Ta hân hoan,
Hân hoan là tên ta.”
Cầu cho hân hoan ngọt ngào ở mãi cùng người!
Niềm hân hoan xinh!
Niềm hân hoan ngọt ngào mới được hai ngày,
Niềm hân hoan ngọt ngào là tên ta đặt cho người:
Ngươi mỉm nụ cười
Khi ta ca hát
Cầu cho niềm hân hoan ngọt ngào ở mãi cùng
người.
INFANT JOY
“I have no name:
I am but two days old,”
What shall I call thee?
“I happy am,
Joy is my name.”
Sweet joy befall thee!
Pretty joy!
Sweet joy but two days old,
Sweet joy I call thee:
Thou dost smile,
I sing the while
Sweet joy befall thee.
William Blake, Songs of Innocence.
HÂN HOAN, ta là HÀI NHI HÂN HOAN!
Kẻ sáng tạo khẳng định như vậy.
“Ta có trách nhiệm về số mạng ta, ta là kẻ đem
điều thiện đến cho ta, ta là kẻ đem điều ác đến cho ta. Ta là đấng Thanh Khiết
và hưởng Chân Phúc” vì ta hiểu thế nào là Chân Ngã, thế nào là Chân Pháp.
NGUYỄN HỮU HIỆU
3 Tháng mười Canh Tuất, ngày cuối cùng ở Hoàng
Hạc Lâu.
Mi muốn bao giờ bay lên cũng được, hạc vàng!
Kiên nhẫn là tất cả.
Hãy khoan thai, hãy tin tưởng,
Hãy chín!
Đừng mang cho đời những trái xanh đắng chát chua
non, những bông hoa hàm tiếu úa tàn,
Đừng cho đời nếm những đau khổ chưa sâu, những
hân hoan chưa cao, những hận thù chưa vơi, những yêu thương chưa đầy,
Đừng cho đời biết những đam mê chưa tỉnh, những
thao thức chưa mê, những tuyệt vọng chưa cùng, những khát vọng chưa hết,
Đừng cho đời thấy những niềm tin chưa xanh,
những hy vọng chưa đỏ, những ngày tháng chưa thiêng, những thần tượng chưa đổ,
Đừng cho đời hay những tội lỗi chưa giải, những
mê cung chưa thoát, những địa ngục chưa khép kín cho trần gian, những thiên
đàng chưa mở rộng cho loài người,
Và đừng nói về những con sông đục ngầu phù sa
không phảng phất xanh mầu biển mẹ, cũng đừng nói về những nẻo đường nghẽn lối
không thênh thang lồng lộng bóng TA về
giải thoát bao dung.
Phải sống và nói về ĐỜI như một TOÀN THỂ, về TA
như một thành phần và về TA như là TẤT CẢ.
vô thủy, vô chung
hủy diệt và hồi sinh trong từng
hơi thở mảnh.
TAT TVAM ASI
NGƯỜI LÀ CHÂN NHƯ
OM TAT SAT
TA LÀ ĐẰNG ẤY
Kẻ sáng tạo khẳng định như vậy.
Đó là sự sáng tạo tối thượng mà mỗi người và tất
cả mọi người phải thực hiện. Vì sáng tạo là sống và sống là sáng tạo.
Sáng tạo miên man.
Chú thích:[1] Quế Sơn
Võ Tánh, 1969, tr. 203-208Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.15.8.2006Nguyễn Hữu Hiệu dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét