Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Đến Cố đô phải nghe ca Huế trên sông Hương

Đến Cố đô phải nghe
ca Huế trên sông Hương

Có người nói rằng, nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Bởi vậy, với nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, khi đã đến Huế, dù có vội vã đến mấy cũng phải bớt thời gian để nghe ca Huế, ngắm cầu Tràng Tiền trên sông Hương lúc về đêm, để cảm nhận Huế rõ nét và gần gũi.
Bến thuyền tấp nập đưa khách ngược 
dòng sông Hương để thưởng thức ca Huế.
Sau khi thăm các địa danh nổi tiếng của Huế như chùa Thiên Mụ, Đại Nội, lăng tẩm của các triều vua Nguyễn…, thưởng thức ca Huế trên sông Hương sẽ góp thêm dư vị ngọt ngào và hoàn hảo cho chuyến khám phá Cố đô Huế.
Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Tràng Tiền lấp lánh trong đêm với đủ màu sắc, những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu.
Trên thuyền rồng nghe ca Huế, du khách được 
ngắm cầu Tràng Tiền lấp lánh sắc màu về đêm.
Trên con thuyền rồng lênh đênh giữa dòng sông Hương, trước mặt là cầu Tràng Tiền mộng mơ, nữ danh ca Huế nhẹ nhàng giới thiệu các nghệ sĩ tham gia và những điệu hát phục vụ du khách.
Đêm ca Huế thường bắt đầu bằng những bản nhạc lễ cung đình Huế như "Lưu Thủy", "Kim Tiền", "Xuân Phong", "Long Hổ"… Sau đó là những điệu hát dân gian như Lý Mười thương, Lý Giao duyên hoặc những điệu hát đối đáp đầy ngẫu hứng và duyên dáng. Du khách thả hồn mình theo những làn điệu, tận hưởng không gian trong trẻo, yên bình của sông Hương và vẻ đẹp cầu Tràng Tiền khi về đêm, ấy là lúc người lữ hành cảm nhận rõ nét nhất vẻ đẹp tình tự của Huế.
Các nghệ sĩ biểu diễn ca Huế trong 
trang phục áo dài truyền thống
Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. Ca Huế được chia thành điệu chính, điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc và điệu Nam). Điệu Bắc thì trang trọng, vui tươi, điệu Nam thì trữ tình, sâu lắng xen lẫn chút da diết, thổn thức... 
Các nhạc công mặc áo dài khăn xếp.
Trong đêm diễn, sự tung hứng uyển chuyển của các danh ca, danh cầm khiến người nghe như say cùng điệu nhạc. Du khách có thể bày tỏ sự đồng điệu của mình với các nghệ sĩ bằng cách tặng hoa hoặc hát cùng. 
Một chuyến thưởng thức ca Huế thường kéo dài 1 tiếng. Đến khoảng 21h, các thuyền rồng trên sông Hương lại đưa khách trở lại bờ trong vương vấn. Trước khi kết thúc cuộc vui, du khách còn được tham gia màn thả đèn hoa đăng độc đáo trên sông Hương. Đây là phong tục có từ lâu đời của người dân Huế với mong muốn cầu sự an lành.
Du khách sau khi nghe ca Huế sẽ được tham gia 
thả đèn hoa đăng trước khi trở về bờ.
Hiện nay, dịch vụ ca Huế trên sông Hương khá nở rộ. Những khách lẻ đến Huế hoàn toàn có thể ghép đoàn để thưởng thức ca Huế với mức giá đã được niêm yết.
26/11/2019
Hoàng Lân
Theo https://hanoimoi.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...