Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Con đường sáng tạo 1

Con đường sáng tạo 1

(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)

Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu

Trong cuộc đời và trong cả hội họa cũng vậy, rất có thể anh bỏ qua không cần Thượng Đế, nhưng anh, kẻ khổ đau, anh không thể bỏ qua không cần tới một điều cao viễn hơn anh, chính là đời anh: quyền năng sáng tạo.
Vincent van Gogh, “Thư cho Théo”, Ngày 1 tháng chín 1888

Tựa cho lần ấn hành thứ hai
1.
Tôi không bao giờ có ý định điên dại soạn thảo một cuốn sách bàn về nghệ thuật viết văn.
Hiển nhiên văn chương là một nghệ thuật và bút pháp là phương tiện và đồng thời sự đạt thành của chính nghệ thuật ấy. Nhưng nghệ thuật văn chương là một nghệ thuật chỉ có thể thủ đắc được bằng kinh nghiệm cá nhân, về chính bản thân và thực tại. Tiêu chuẩn duy nhất để thẩm định một dòng văn chương là quan niệm và mức độ nó đến gần thực tại.
Tôi đồng ý hầu hết với Nietzsche, trừ tư tưởng căn bản về cùng đích của nghệ thuật và chủ thuyết Siêu nhân mà càng ngày càng tôi thấy càng sai lầm, vô hiệu và vô ích. Nietzsche rất có lý khi viết: “Chủ trương hiện thực trong nghệ thuật là một ảo tưởng” 
[1], vì người ta chuyển nhượng tất cả những gì làm ta mê đắm hay gớm ghét vào trong sự vật. Nhưng ta không thể chấp nhận khi ông quan niệm: “Những nghệ sĩ không bao giờ được phép nhìn vào sự vật như chân tướng của chúng” [2] và nghệ thuật là một thứ “sùng bái mê lầm” (culte de l’erreur), một “thiện chí về si tưởng” (bonne volonté de l’illusion) [3]. Chân lý xấu nên “nghệ thuật được ban cho chúng ta để ngăn cản chúng ta khỏi chết vì chân lý” [4]. Không, nghệ thuật phải là một phương tiện giúp ta đạt tới chân lý, tới cái mà thuật ngữ Phật giáo gọi là NHƯ THẬT hay NHƯ THỊ - (Yathabhutam hay Yathatatham). Nghĩa là “sự thật khách quan như thế nào nhìn đúng như thế ấy. Bản chất mình như thế nào, nhận đúng như thế ấy”. Và phải cố gắng gột rửa mọi thứ cảm nhiễm lâu hoặc cho tâm thể trong sáng như gương không lấm bụi trần, “hoa qua chiếu hoa, nguyệt qua chiếu nguyệt” [5].
Nghệ thuật cũng không hướng tới cái gì xa xôi vĩ đại, (le lointain de l’art) 
[6] mà là cúi nhìn cái rất gần gũi, khiêm nhường. Chỉ cần với tinh thần Như Thật kiến, Như Thật tri chuyên chú, chúng ta sẽ nhìn thấy cái đẹp ngay trong những sự vật rất mộc mạc, giản dị. “Chỉ có những cái thông thường là kỳ diệu (thực sự vĩ đại), từ lúc được bàn tay thiên tài chạm tới” như nhận xét sâu sắc của Pasternak. Sự kiện này đã được chứng nghiệm bởi hai nhà thơ Đông Phương Basho và Quách Thoại. Basho viết một bài Haiku tuyệt diệu gồm vỏn vẹn mười bảy âm như sau:
Nhìn kỹ
Tôi thấy đóa Nazuma
Bên hàng dậu!

Bông Nazuma tầm thường, khép nép gần như không ai thèm để ý tới nở bên một hàng dậu đổ nát ven đường quê hẻo lánh kia thì có gì đặc biệt đâu, nhưng khi ta chăm chú nhìn nó với tâm trong sáng hồn nhiên thì phép lạ xảy ra: nó tự biến thành cả một vũ trụ linh thánh, hồng diệu, “rực rõ hơn có vẻ rực rỡ của vua Solomon nữa!” 
[7]. Bông hoa thược dược của Quách Thoại cũng vậy:
Đứng im bên hàng dậu
Em nở nụ nhiệm mầu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Ta lắng nghe em hát
Lời ca em thiên thâu
Ta sụp lậy cúi đầu

2.
Cái mà ta gọi là bút pháp thực ra không phải là kỹ thuật sắp xếp, dụng ngữ xảo diệu như người ta thường lầm tưởng mà chỉ là cách diễn tả thật chính xác điều mà ta thấy, biết, suy nghĩ theo đúng chân tướng của chúng. Stendhal đã cho chúng ta một định nghĩa rất đáng giá về bút pháp: “Bút pháp phải giống như một nước sơn trong suốt, nó không được biến đổi mầu sắc, hay những sự kiện và tư tưởng, trên đó nó được phối trí.” (Mélanges de Littérature).
Văn chương chỉ có giá trị độc đáo khi nghệ sĩ đạt tới chỗ thấy biết như thực và diễn tả như thực điều hắn thấy biết như thực. Nhưng dĩ nhiên điều người nghệ sĩ thấy, biết đó không phải là sự thực khách quan cứng nhắc chết chóc mà là sự thực sinh động, hủy diệt - tái tạo thường xuyên, rung động hơi thở sự sống, rộn ràng nhịp đập thiên thu.
Bài thơ của Basho và Quách Thoại cho ta thấy người nghệ sĩ, tự bản chất tuy là một người hiếu cảm, dễ bị xúc động, đụng chạm đủ mọi phía, có khuynh hướng tự nhiên quay về phía những kích động, thác loạn, nhưng những cực đoan thường gặp nhau nên tới một lúc nào đó hắn cũng có thể ngung thần tĩnh lặng chiêm ngắm sự vật. Và khi tâm thức tĩnh lặng, mở phơi một cách hồn nhiên hay thần bí, người ta có thể thấy vẻ đẹp ngay cả trong từng ngọn cỏ lá cây, một vẻ đẹp siêu việt đưa người ta vượt thoát những lo toan thực tiễn của đời sống tang thương thường nhật để thể nhập vào cảnh giới huy hoàng của Tịnh Độ. Chừng nào mà chúng ta chưa đạt tới linh tưởng này thì nghệ thuật đúng chỉ là sự sùng bái mê lầm, hảo ý về ảo tưởng.
Sáng tạo, trong chiều hướng đó, là sáng tạo bản thân, thị hiện hình tượng, gột rửa tâm hồn, kiến chiếu THỰC TẠI. Công việc đó không chỉ dành riêng cho một thiểu số nghệ sĩ chuyên môn mà cho tất cả mọi người - những nghệ sĩ của đời sống, trong đời sông. Và đó chính là cứu cánh của cuốn sách này.
Nguyễn Hữu Hiệu
Vạn Hạnh, Trung Thu 73

Lời nói đầu
Tôi đã có dịp đọc một số sách bàn về nghệ thuật viết văn, từ những tuyển tập gồm bài vở của những văn gia, triết gia lừng danh tới những chuyên thư soạn cho sinh viên đại học. Xin kể sơ qua:
Inquiry and Expression, a College Reader, edited by Harold C. Martin and Richard M. Ohmann, Haward University, Holt, Reinehart and Winston, 1962.
Thought in Prose, edited by Richard S. Beal, Boston University and Jacob Korg, University of Washington, Prentice - Hall, Inc, 1964.
Thought and Experience in Prose, Craig Thompson, Oxford University Press, New York, 1963.
Language and Ideas, Robert Montgomerry, Boston, Little Brown and Company, 1962.
Subject and Structure, John Wasson, Boston, Little Brown and Company, 1963,
Study in Prose Writing, James R. Kreuzer, Holt, Reinehart and Winston, 1960.
The Written World, Forms of Writing, edited by Robert W. Daniel, University of Washington, Prentice - Hall, 1962.
The Writer’s Book, edited by Helen Hull, Barness and Noble, 1966.
The Novel Now, Anthony Burgess, Faber and Faber, 1967.
L’Art du Roman, Virginia Woolf, Éditions du Seuil, 2- 1963.
Writers at Work, first series, edited, and with an Introduction by Malcolm Cowley, Viking Press 1958, second series, edited by George Plimpton and introduced by Van Wyck Brooks, Viking Press, third series edited by George Plimpton and introduced by Alfred Kazin, Viking Press, 1968…
Nhưng không tác phẩm nào khiến tôi thích thú bằng cuốn Henry Miller on Writing do Thomas Harry Moore ấn hành (New Directions). Tôi say mê đọc tuyển tập trên nhiều lần và nẩy ra ý muốn trình bầy một tuyển tập gồm nhiều tác giả tôi ngưỡng mộ cùng viết về cái ý hướng nguyên thủy, ý hướng đớn đau, con dốc hiểm nghèo ma đưa quỷ dắt một người đăm chiêu khiến hắn trở thành một nghệ sĩ: ý hướng Sáng Tạo. Và tất cả những nỗi lo âu liên quan tới sự sáng tạo như: sứ mệnh của nhà văn, đề tài, bút pháp, kinh nghiệm, nghệ thuật viết, những điều răn, những giới cấm, thái độ đối với tác phẩm mình, thái độ với độc giả, thái độ đối với nhà phê bình… Vậy thì cuốn sách này đây chính là sự tựu thành của ước muốn đó vậy.
Song Con đường sáng tạo gồm có những bài mà, nếu độc giả đọc kỹ, ắt sẽ nhận ra chưa từng xuất hiện trong nhưng chuyên thư trên trừ cuốn Thư cho một thi sỹ trẻ tuổi của Rilke, lược bỏ những câu xã giao, rút gọn thành một bài in trong cuốn tập Thought in Prose.
Con đường sáng tạo gồm những tác giả mà, nếu độc giả lưu tâm, hẳn sẽ nhận thấy họ không thuộc vào hàng ngũ những nghệ sỹ thông thường. Đó là những kẻ sáng tạo, những kẻ không coi nghệ thuật như một phương tiện giúp con người lẩn tránh mình; một cách giải khuây, nhưng như một con đường dẫn về chính mình, con đường cô đơn, con đường phiền não, khuynh hướng về bất hạnh mà cùng đích là giải thoát - và Giải Thoát.
Ở đây nghệ thuật không phải là đám mây lơ lửng trên dòng đời; nó chính là dòng đời. Ở đây nghệ thuật không phải là một lối đào thoát khỏi thực tế; nó chính là cái neo gieo vào lòng Thực Tại. Một cây mọc càng cao, cành nhánh càng tự do trổ vào bầu trời xanh bát ngát bao nhiêu, gốc rễ lại càng cắm sâu vào lòng đất tối đen bấy nhiêu. Nghệ thuật phải cung cấp cho chúng ta những gốc rễ gân guốc ấy! Nghệ thuật phải giúp chúng ta bám chặt vào thực tại, nở hoa từ thực tại và giải thoát từ thực tại.
Tôi tin chắc rằng Con đường sáng tạo sẽ khích lệ nhiều người, sẽ mang lại thích thú cho nhiều người hơn nữa. Nhưng như thế chưa đủ. Và quá thừa. Chỉ mong sao có chàng trẻ tuổi nào, nhờ nó, thêm hăng hái dấn bước trên đường định mệnh, thêm can đảm trút bỏ hết mọi thứ hành lý, ra đi không có bất cứ một thứ gì đem theo ngoại trừ ý chí sáng tạo, lòng đam mê và ngạo nghễ như chàng Rimbaud tóc rồi tung bay, áo quần tơi tả, túi rỗng nhưng hồn đầy chất ngất vì
Ra đi là đủ rồi.
Je m’en allais, les poings dans mes poches crevées;
Mon paletot aussi devenait idéal;
J’allais sous le ciel, Muse! Et j’ étais ton féal;
Oh! là là! que d’amours splendides j’ai rêvées!
Nguyễn Hữu Hiệu
Hoàng Hạc Lâu, 23 tháng ba Canh Tuất,

- Bao giờ cất cánh bay lên, hạc vàng?
Ta bất nhẫn Ba La Mật rồi đây.

Chú thích:

[1]Volonté de- Puissance, Gallimard 1951, T.1. p.335, frg, 444.
[2]Volonté de- Puissance, p.333, frg.438.
[3]Le Gai Savoir, Gallimard, 1961, p.93, rg. 107.
[4]Volonté de- Puissance, T. I.p. 338, fig. 453.
[5]Hòa Thượng Thích Trí Thủ, “Ý nghĩa ngày Phật Đản”, trong Đặc san Phật Đản, GHPGVNTN, tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa P. L. 2517 p.9
[6]Nietzsche, Le Gai Savoir, p.93
[7]Suzuki, Thiền và Phân tâm học, Như Hạnh dịch, Kinh Thi, 1973.

Phần thứ nhất
Henry Miller

Nói về sáng tạo
Giới thiệu
Henry Miller là một khuôn mặt độc đáo nhất của văn học hiện đại. Tên ông phải được đặt giữa Emerson và Whitman, Cendrars và Céline, Dostoievsky và Nietzsche, Élie Faure và Oswald Spengler, Rimbaud và D.H. Lawrence, Milarepa và Lewis Carroll, Thoreau và Trang Tử.
Tác phẩm Henry Miller đi giữa dòng văn chương và kinh thánh. Đó là sự phối hợp kỳ diệu giữa Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) linh thánh và Dục Lạc Kinh (Kama Sùtra) nhầy nhụa. Bước vào tác phẩm Miller như bước vào một ngôi đền Ấn Độ: người ta thấy những bộ phận sinh dục vĩ đại ngổn ngang cạnh những thánh tượng uy nghi, những cảnh dâm loạn tiếp cận những nghi lễ tôn nghiêm tác động giao hợp được coi như tác động sùng thượng (acte d’adoration sublime), một phương tiện xuất thần nhập diện.
Henry Miller duy giác như những người duy linh, những nhà thần bí, những thi sĩ thế kỷ XVI, những đại thi sĩ có khuynh hướng tiên tri và đầy ắp viễn tưởng vũ trụ: Wiliam Blake, Cheikh el Nefzaoui, Omar Khayyam, Walt Whitman. Nhất là Whitman qua Lá Cỏ, xưng tụng một sự diễn tả tự do, một cuộc sống vũ trụ tràn trề ngây ngất không che giấu:
Qua tôi những tiếng nói bị cấm đoán,
Tiếng nói của giống đực giống cái và dâm đãng, tiếng nói bị che đậy và tôi vén mở,
Tiếng nói tục tĩu, bởi tôi được soi sáng và chuyển hóa.
(“Song of Myself”)
Toàn bộ tác phẩm Henry Miller là một bài Ngợi Ca Tôi (“Song of Myself”) trường thiên. “Với tôi sách vở là con người, và cuốn sách của tôi là chính con người tôi, nồng nhiệt, dâm đãng, hiếu động, trầm tư, thận trọng, dối trá và thành thực một cách quỉ quái.” (“Black Spring”). Ông muốn phát lộ ông “càng công khai, trần truồng và trâng tráo bao nhiêu càng hay bấy nhiêu”. (I wanted to reveal myself as openly, nakedly, and unshamedly as possible - Obscenity and Literature).
Có thể nói Henry Miller cũng là một “nhà thần bí ở trạng thái man rợ” như Rimbaud. Ông sinh năm 1891 tại New York từ một gia đình gốc Đức. Cha ông là thợ may. Cậu bé lớn lên trong lòng phố và phố xá mãi mãi là trường học của cậu và bối cảnh của những cuốn tiểu thuyết sau này.
Năm 1924, Henry Miller bỏ ngang Westers Union Telegraph Company, quyết định không làm gì hết, trừ sáng tạo, vì ông nhận định rằng: “Bổn phận của thiên tài (…) là giữ phép mầu sinh động, là luôn luôn sống trong phép mầu, là khiến cho phép mầu mầu nhiệm hơn nữa, là không thệ nguyện trung thành với bất cứ cái gì, nhưng chỉ sống một cách mầu nhiệm, suy tưởng một cách mầu nhiệm, chết một cách mầu nhiệm(The task of genius, and man is nothing if not genius, is to keep the miracle alive, to live always in the miracle, to make the miracle more and more miraculous, to swear allegiance to nothing but to live only miraculously, think only miraculously, die miraculousky - The Colossus of Maroussi, Penguin Books, p.88) và “Sự kỳ diệu và và huyền nhiệm của cuộc đời bị bóp nghẹt trong chúng ta khi chúng ta trở thành phần tử có trách nhiệm của xã hội!.(The wonder and the mystery of life - which is throtted in us we become responsible members of society! - Tropic of Capricorn, SAS press. P.149). Thế giới chỉ có thể bắt đầu rút tỉa được đôi chút giá trị nơi tôi “kể từ lúc tôi chấm dứt là một thành phần trang nghiêm của xã hội và trở thành chính Tôi” (Sexus, Grove Press, p. 261) dù cái tôi ấy thế nào. Ít ra thế giới cũng sẽ bớt đi được một kẻ sẵn sàng dùng bạo lực để bắt người khác theo mình, bớt đi được một con cừu nô lệ. Ít ra thế giới cũng có thêm được cá thể sáng tạo và dám thể hiện mình, dám trở thành “cái tôi của chính tôi”.
Có hai điều Miller thành thực không tin, hai điều mà xã hội thành thực tin: đó là sự trang nghiêm và Làm việc. Trang nghiêm là một hình thức giả dối, cứng nhắc, chết chóc, còn làm việc là một hành động chỉ dành cho bọn ngốc nghếch. Nó hoàn toàn trái với Sáng tạo là một trò chơi, một hành động tối thượng, xứng đáng với con người. Henry Miller theo sát tư tưởng Nietzsche về sáng tạo. Theo Nietzsche, sáng tạo “là sự giải thoát thênh thang khỏi khổ đau, sự bay bổng của cuộc đời”. Nhưng để trở thành kẻ sáng tạo, cần phải có nhiều khổ đau và hóa thân.
“Vâng, Zarthustra nói, phải có nhiều cái chết đắng cay trong cuộc đời các ngươi, ôi, những kẻ sáng tạo! Như thế các ngươi, ôi, những kẻ sáng tạo! Như thế các ngươi sẽ trở thành những kẻ bảo vệ mà biện minh cho tất cả những gì hư mất phù du.” (Also seid ihr Fürsprecher und Rechtsfertiger Vergänglichkeit - Also sprach Zarathustra).
Bài “Nói về sáng tạo’’ dưới đây của Henry Miller, trích trong cuốn Sexus (The Rosy Crucifixion, book one) sẽ soi sáng tư tưởng trên của Nietzsche.

Thế giới chỉ bắt đầu rút tỉa được đôi chút giá trị từ nơi tôi kể từ lúc tôi ngừng là một thành phần trang nghiêm của xã hội và trở thành chính Tôi. Nhà Nước, quốc gia, liên hiệp quốc của thế giới không là gì khác hơn một tập thể rộng lớn gồm những cá nhân lập lại những lỗi lầm của ông cha họ. Họ đã bị cuốn hút vào bánh xe từ thuở sơ sinh và bị trói buộc ở đó cho tới chết - và sự nô lệ đó họ cố gắng làm cho ra vẻ đứng đắn bằng cách gọi nó là “cuộc đời”. Nếu ta hỏi bất cứ một người nào giải thích hay định nghĩa thế nào là cuộc đời, đâu là tất cả gốc gác ngọn ngành của nó, chúng ta sẽ nhận được một cái nhìn bỡ ngỡ thay câu trả lời. Cuộc đời là một cái gì mà triết gia đề cập tới trong những cuốn sách không ai đọc cả. Những kẻ ngụp lặn giữa dòng đời, “khuất mình làm thân trâu ngựa”, không có thì giờ cho những câu hỏi lẩn thẩn ấy. “Người ta phải ăn chứ, phải không?” Câu cật vấn này, một câu nói cho có chuyện, đã được giải đáp, nếu không phải bằng cách phủ định tuyệt đối thì ít ra cũng bằng cách phủ định tương đối khá lạ lùng bởi những người hiểu biết là một đầu mối cho một loạt những câu hỏi khác tiếp nối bằng một chiều rất ư là Euclide. Từ chút ít sách vở tôi đã học, tôi nghiệm ra rằng những người lặn lội sâu nhất trong cuộc đời, những người nhồi nặn cuộc đời, những người chính là cuộc đời, đều ăn ít, ngủ ít, thủ hữu ít hay không có gì cả. Họ không có bất kỳ một ảo tưởng nào về bổn phận, hoặc nối dõi tông đường hay duy trì quốc gia. Họ chỉ quan tâm tới chân lý và chân lý mà thôi. Họ chỉ chấp nhận một hình thức hoạt động: sáng tạo. Không một người nào có thể chỉ huy công việc họ, bởi vì họ tự nguyện tất cả. Họ cho không, bởi vì đó là cách duy nhất để cho. Đó là lối sống lôi cuốn tôi: nó làm thành thiên lương. Đó  cuộc đời - chứ không phải là sự giả đò mà những người xung quanh tôi thờ phụng.
Tôi hiểu tất cả những điều ấy - bằng tâm trí - trước tuổi thành nhân. Nhưng tôi phải trải qua cả một màn bi hài kịch vĩ đại của cuộc đời trước khi viễn ảnh này về thực tại có thể trở thành một nguyên động lực. Lòng khao khát cuộc đời dữ dội mà những người khác cảm thấy trong tôi tức động như một khối nam châm, nó lôi cuốn những người thiếu lòng khát khao đặc biệt của tôi. Lòng khát khao phóng đại lên một ngàn lần. Như thể những kẻ đeo dính vào tôi như mạt sắt cũng trở nên có từ tính khác. Cảm giác chín mùi thành kinh nghiệm và kinh nghiệm đẻ ra kinh nghiệm.
Điều tôi ngầm thèm muốn là gỡ mình ra khỏi tất cả những cuộc sống tự đan bện ngang dọc vào chính cuộc đời tôi và khiến định mệnh tôi trở thành một phần của họ. Để rũ mình khỏi những kinh nghiệm chồng chất chỉ thuộc về tôi này bởi nọa lực, cần phải có một nỗ lực tàn bạo: thỉnh thoảng tôi chọc thủng và xé rách lưới, nhưng chỉ trở nên vướng mắc thêm mà thôi. Sự giải thoát của tôi dường như thiết yếu gây ra đau đớn và phiền não cho những người gần kề và thân yêu đối với tôi. Mỗi vận động tôi làm cho lợi ích của cá nhân tôi đều mang lại khiển trách và lời buộc tội. Tôi bị coi là một kẻ phản bội hơn muôn ngàn lần. Tôi mất cả quyền trở nên đau ốm - bởi “người ta” cần tôi. Tôi không được phép ù lì. Tôi tin rằng nếu tôi có chết đi có lẽ họ cũng truyền điện vào tử thi của tôi để tạo cho nó một bề ngoài sống động.
“Đứng trước gương, tôi sợ hãi tự nhủ: Ta muốn nhìn trong gương xem ta giống cái gì với đôi mắt nhắm nghiền.”
Những chữ trên của Richter, khi tôi đọc lần đầu tiên, đã đi xộc vào con người tôi và gây nên một cơn chấn động không thể tả xiết. Cũng như câu tiếp theo, hầu như một hệ luận của câu trên - của Novalis:
“Chỗ của linh hồn là ở nơi mà nội giới và ngoại giới giao tiếp nhau. Và không ai hiểu mình, nếu hắn chỉ là mình và không đồng thời là một người khác.”
“Thủ đắc cái Tôi siêu việt của mình, đồng thời là cái Tôi của cái Tôi của mình” như Novalis nói tiếp.
Có một lúc khi người ta bị tư tưởng áp chế, khi người ta chỉ là một nạn nhân của tư tưởng khác. Sự “chiếm hữu” bởi những người khác dường như xẩy ra vào những thời kỳ mất cá tính, khi những tự ngã khác bong ra, nếu người ta có thể nói vậy. Thường thường người ta không thấu hiểu được tư tưởng; chúng đến và đi, được chấp nhận và bị khước từ, được khoác lên những tấm áo, bị cởi ra như những chiếc vớ dơ bẩn. Nhưng trong thời kỳ mà chúng ta gọi là khủng hoảng, khi tâm trí bị bể vỡ ra từng mảnh như một viên kim cương dưới những nhát búa dữ dội, những ý tưởng ngây thơ này của một kẻ mơ mộng bám víu lấy, trú ấn trong những kẽ nứt của óc não. Và bởi một vài tiến triển thẩm thấu tế nhị mang lại một sự biến đổi nhân cách rõ rệt, bất khả vãn hồi. Bề ngoài không có sự thay đổi lớn lao nào xẩy ra; đương sự không thình lình cư xử khác lạ; ngược lại hắn có thể cư xử một cách “bình thường” hơn trước kia. Vẻ bình thường bề ngoài đó càng ngày càng đảm trách tính chất của một phương sách phòng ngừa. Từ thất vọng bề ngoài hắn đi tới thất vọng bên trong. Tuy nhiên, với mỗi một cơn khủng hoảng mới, hắn càng trở nên ý thức mãnh liệt hơn về một sự đổi thay, đúng hơn không phải là đổi thay mà là một sự kiên cường hóa của một điều gì ẩn sâu trong hắn. Bây giờ trong khi nhắm mắt, hắn có thể thực sự nhìn thấy hắn. Hắn không thấy một cái mặt nạ nữa. Đúng hơn, hắn thấy mà không nhìn. Ảnh tượng không thị giác, một sự thấu hiểu uyển chuyển những cái không thể sờ mó được: sự hỗn hợp của hình tượng và âm thanh: trung tâm của màng lưới. Nơi tuôn trào những cá tính bí mật, thoát khỏi sự tiếp xúc thô sơ của giác quan; nơi đây những chủ âm của nhận thức kín đáo vỗ vào nhau trong những hòa điệu tươi sáng, rung động. Không có một ngôn ngữ nào được sử dụng, không một hình thể nào được phác họa hết.
Khi một con tầu đắm, nó thong thả chìm xuống, cột trụ, cột buồm, dây thừng, neo móc trôi theo sóng nước. Trên đáy biển, chết, chiếc vỏ tầu rỉ nước tự trang điểm bằng châu báu; cuộc sống cơ cấu lại bắt đầu một cách chẳng ăn năn. Cái gì là con tầu đang trở thành cái vô danh bất khả hủy diệt.
Tựa những con tầu, con người cũng nhiều phen chìm đắm. Chỉ có trí nhớ cứu con người khỏi cảnh tan tác phân ly. Thi sĩ gieo thoi trong khung cửi, trải rơm cho người chết đuối bám víu khi họ đang chìm vào hủy diệt. Ma quỉ trèo lên những cầu thang máy nước, làm những cuộc thăng hoa hư ảo, rơi ngã chóng mặt, ghi nhớ số lượng, ngày tháng, biến cố, trong khi đi từ thể hơi sang chất lỏng và ngược trở lại. Không có đầu óc nào có thể ghi nổi những cuộc dâu bể tang thương. Không có gì xẩy ra trong đầu óc ngoại trừ sự sét rỉ và hao mòn tiệm tiến của tế bào. Nhưng trong tâm trí, những thế giới không xếp loại, không định danh, không đồng hóa, thành hoại, kết hợp, tan vỡ không ngừng. Trong tâm giới, ý tưởng là những yếu tố bất khả hủy diệt tạo thành những chòm sao long lanh châu báu của đời sống nội tâm. Chúng ta di động trong những quĩ đạo của chúng, một cách tự do nếu chúng ta tuân theo những kiểu mẫu phức tạp của chúng, nô lệ hay bị chiếm hữu nếu ta cố gắng ức chế chúng. Tất cả mọi vật ngoại giới chỉ là hình ảnh do cơ tâm phóng chiếu ra.
Sáng tạo là trò chơi ngoại diện diễn ra ở mép rìa; nó tự phát và cưỡng bách, phục tùng luật lệ. Người ta dời khỏi gương soi và màn vén lên. Séance permanente. Chỉ có những kẻ điên bị loại trừ. Chỉ có những kẻ “mất trí” như chúng ta nói. Vì những người này không bao giờ ngừng mơ bằng họ đang mơ mộng. Họ đứng trước gương mắt mở lớn và ngủ mê mệt; họ niêm phong hình bóng họ vào trong nấm mộ kỷ niệm. Trong họ tinh tú rơi rụng để tạo thành cái mà Hugo gọi là “bầy thú mù quáng trong lồng của những mặt trời, bởi tình yêu, tự biến mình thành những con chó lông sù và những đảo Terre Neuve của vô cùng.”
Cuộc sống sáng tạo! Thăng thiên. Vượt qua chính mình. Phóng mình vào bầu trời xanh, nắm chắc những chiếc đu bay, leo lên, liệng bay, nắm đầu thế giới kéo lên, lay động những thiên thần từ những vòm trời thanh khí, đắm mình vào những vực sâu tinh tú, nắm chặt lấy đuôi sao chổi. Nietzsche đã viết một cách xuất thần về sáng tạo – và sau đó bất tỉnh trong gương để chết trong gốc rễ và hoa lá. “Cầu thang và những cầu thang trái ngược” ông viết, và rồi hốt nhiên không còn đáy sâu nào nữa hết; tâm trí như một phiến kim cương tan vỡ, bị nghiền nát bởi những nhát búa của chân lý.
Có một lúc tôi làm việc với tư cách quản lý của cha tôi. Người ta để tôi một mình hàng giờ, giam kín trong một căn nhà nhỏ mà chúng tôi dùng làm văn phòng. Khi cha tôi uống rượu với những người bạn chí thân thì tôi cũng đang uống dưỡng chất từ bình của đời sống sáng tạo. Bạn đường của tôi là những tinh thần tự do, những bậc chúa tể phi phàm của tâm hồn. Chàng thanh niên ngồi trong ánh đèn vàng vọt đây trở nên hoàn toàn phóng dật; chàng sống trong những kẽ nứt của tư tưởng vĩ đại, nép mình tựa một kẻ ẩn tu trong khe núi khô cằn của một rặng núi cao. Từ thực chàng chuyển qua mộng và từ mộng qua tưởng tượng. Tại cánh cửa cuối cùng này, qua đó không còn có nẻo về, sự sợ hãi bám riết chàng. Mạo hiểm xa xôi là phiêu du một mình, là hoàn toàn tin cậy vào chính mình.
Mục đích của kỷ luật là nâng đỡ tự do. Nhưng tự do đưa tới vô biên và vô biên thì khủng khiếp quá. Rồi phát hiện cái tư tưởng thoải mái là dừng lại tại mép rìa, ghi xuống thành từ ngữ những bí ẩn của rung động, thôi thúc, đẩy đưa, của sự tắm gội cảm thức trong hơi hướng nhân loại. Trở thành hoàn toàn nhân loại, quỉ quái yêu ma nhân từ nhập thể, kẻ gác những cánh cửa lớn dẫn tới bên ngoài và đi xa khuất và mãi mãi cô độc…
Con người chìm đắm như tầu bè. Trẻ con cũng vậy. Có những trẻ em đắm chìm vào lúc tuổi lên chín lên mười, mang theo với chúng niềm bí ấn của kẻ phản bội. Có những ác quỉ phản trắc nhìn ta bằng cặp mắt dịu dàng, thơ ngây của tuổi ngọc: tội ác của chúng không được ghi lại, bởi không có tên gọi.
Tại sao những khuôn mặt khả ái ám ảnh chúng ta nhường ấy? Những đóa hoa dị thường có chăng những gốc rễ độc địa?
Nghiên cứu nàng từng chút một, chân tay, tóc, môi, tai, ngực du hành từ rốn tới mắt người đàn bà mà tôi đã đâm bổ xuống như một con mãnh cầm, đã cào cấu, cắn xé, ngạt thở vì những chiếc hôn, người đàn bà trước kia là Mara và bây giờ là Mona, người đã có và có thể có những cái tên khác nữa, là những người khác nữa, những tập hợp gồm những vật bổ trợ khác, không còn có thể đạt tới, không còn có thể đi sâu vào hơn một pho tượng lạnh giá trong một khu vườn quên lãng của một lục địa đã mất. Vào lúc lên chín hay sớm hơn, với một khẩu súng lục mà nàng không có ý định kết liễu, nàng có thể bóp cái cò súng vọng tưởng và ngã xuống như một con thiên nga tử thương, từ đỉnh cao của giấc mơ màng. Có thể như vậy được lắm, vì trong da thịt, nàng tan tác, trong tâm trí nàng như hạt bụi phất phơ. Trong tim nàng một cái chuông ngân, nhưng ý nghĩ nó thế nào thì không ai biết được. Hình ảnh nàng tương đồng với hư vô mà tôi đã hình thành trong lòng. Nàng đã đưa nó vào, luồn nó vào tựa một màn tơ mỏng giữa những nếp gấp của óc não vào một giây phút thương vong. Và khi vết thương khép miệng, dấu vết hãy còn ghi, tựa dấu vết mong manh mà một chiếc lá để lại trên phiến đá.
Những đêm thao thức khi hồn đầy sáng tạo, tôi không thấy gì ngoài cặp mắt nàng và trong cặp mắt ấy, nổi lên như những vũng dung nham sôi sục, ma quái hiện trên mặt mờ nhạt, tan biến, tái hiện, mang lại kinh hoàng, lo âu, sợ hãi, huyền nhiệm. Một kẻ thường xuyên bị theo đuổi, một đóa hoa bị che khuất mà hương thơm bọn chó săn tài giỏi nhất cũng không bao giờ đánh hơi được. Sau những bóng ma, ló mình qua rừng rậm, một đứa trẻ nhỏ đứng đường như tựa hiến thân mình một cách dâm đãng. Rồi con thiên nga lặn, chậm rãi, như trong phim chiếu bóng, và tuyết đổ với thân thể sa xuống, kế đó bóng ma và nhiều bóng ma hơn nữa, cặp mắt lại trở thành mắt, sáng rực như than đá non, rồi đỏ chói như cục than hồng, rồi mềm như những đóa hoa; rồi mắt, mũi, miệng, má, tai lờ mờ hiện ra khỏi hỗn mang, nặng nề như vầng trăng một cái mặt nạ gỡ ra, xác thịt thành hình dáng, mặt mũi.
Đêm đêm, tôi từ bỏ ngôn từ để kiếm mộng mơ, xác thịt, bóng ma. Ám ảnh và lay tỉnh. Những đóa hoa của vầng trăng, những cây dừa thân rộng của rừng hoang mọc cao, tiếng bầy chó sủa ma, thân thể trắng mảnh mai của một đứa trẻ, những bọt sôi sục của phún xuất thạch, nhịp chậm dần của tuyết đổ, đáy sâu không cùng nơi khói sóng nở ra thành xác thịt. Và xác thịt là gì nếu không phải là vầng trăng? và vầng trăng là gì nếu không phải là đêm? Và đêm thì dài đằng đẵng, dài đằng đẵng, dài đằng đẵng, trên mọi sự chịu đựng.
“Hãy nghĩ tới chúng ta!” nàng nói cái đêm hôm đó khi nàng quay đi và lao vút lên thang như một cánh chim. Và có thể nói tôi không nghĩ đến điều gì khác. Hai chúng tôi là những cái cầu thang lên cao bất tận. Rồi “những cầu thang ngược dòng”; cầu thang trong văn phòng cha tôi, cầu thang dẫn tới tội ác, tới điên cuồng, tới những cửa chính của sáng tạo. Làm sao tôi có thể nghĩ tới điều gì khác?
Sáng tạo. Sáng tạo huyền thoại trong đó tôi có thể tra vừa chiếc thìa khóa mở tung cửa hồn nàng.
Một người đàn bà cố gắng phát lộ niềm bí ẩn của nàng. Một người đàn bà tuyệt vọng, qua tình yêu, tìm cách nối kết nàng với chính nàng. Đứng trước sự mênh mang của huyền bí, con người đứng như một con rết cảm thấy mặt đất trơn tuột dưới chân mình. Mỗi cánh cửa mở đều dẫn tới khoảng không trống trải hơn. Người ta phải bơi lội như một vì sao trong đại dương không vết tích của thời gian. Người ta phải có sự nhẫn nại của quặng radium chôn vùi dưới đỉnh Hy Mã Lạp Sơn.
Đến nay dễ đã đến hai chục năm qua kể từ ngày tôi bắt đầu nghiên cứu sự phát quang của linh hồn; trong thời gian đó tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc thí nghiệm. Kết quả là tôi biết thêm đôi chút về chính tôi. Tôi nghĩ nó phải gần giống với những nhà lãnh tụ chính trị hay những viên tướng tài. Người ta không khám phá ra điều gì về sự bí ấn của vũ trụ, tốt hơn, người ta biết được vài điều về bản chất của định mệnh.
Lúc khởi đầu, người ta muốn đề cập tới mọi vấn đề một cách trực tiếp. Sự đề cập càng trực tiếp và cấp bách bao nhiêu, người ta càng mau mắn và chắc chắn thành công trong việc để mình mắc lưới bấy nhiêu. Không có một người nào đơn thương độc mã như người anh hùng. Và không một người nào có thể tạo ra nhiều bi kịch và rốt loạn như mẫu người ấy. Hoa gươm trên cái nút Gordian 
[1], hắn hứa hẹn sự giải thoát mau lẹ. Ảo tưởng si mê kết thúc trong một đại dương máu me lai láng.
Nghệ sĩ sáng tạo có vài điểm tương đồng với người anh hùng. Dầu tác động trên một bình diện khác, chính hắn cũng tin tưởng rằng mình có thể đưa ra vài giải đáp. Hắn hiến đời mình để tựu thành những cuộc chiến thắng tưởng tượng. Chung cục của bất cứ một thí nghiệm nào, dù bởi chính khách, chiến sĩ, thi sĩ hay triết gia, thì những vấn đề của cuộc sống vẫn còn nguyên vẻ bí ấn phức tạp ấy. Những người hạnh phúc nhất là những người không có lịch sử, người ta nói vậy. Những kẻ có lịch sử, những kẻ là lịch sử, qua công nghiệp của họ, dường như chỉ có việc nhấn mạnh vào tính chất vĩnh cửu của nguyên lý đấu tranh. Chính họ cuối cùng cũng biến mất như những kẻ không cố gắng, những kẻ bằng lòng sống chỉ để mà sống và hưởng thụ.
Cá thể sáng tạo (trong khi vật lộn với môi vật) được coi như chứng nghiệm một nỗi hân hoan cân bằng, nếu không trầm trọng hơn, nỗi đau đớn và khắc khoải đi kèm theo sự đấu tranh biểu lộ mình. Hắn sống trong tác phẩm hắn, chúng ta nói vậy. Nhưng lối sống độc đáo ấy, thay đổi đến vô cùng, tùy theo từng cá nhân. Chỉ với điều kiện người ta ý thức về một cuộc sống phóng khoáng hơn, phong phú hơn, người ta mới có thể được kể như sống trong tác phẩm mình. Nếu không có sự thể hiện thì đâu là mục đích hay lợi ích hay lợi ích trong việc thay thế cuộc sống tưởng tượng bằng cuộc sống phiêu lưu thuần túy của thực tại? Bất cứ kẻ nào nâng mình lên khỏi những giao động của cái vòng quanh quẩn thường ngày không phải là chỉ làm vậy với hy vọng mở rộng kinh nghiệm trường, hoặc ngay cả làm giầu có nó, mà còn làm cho nó tốt tươi thêm. Chỉ trong ý hướng đó, cuộc đấu tranh mới có ý nghĩa. Khi đã chấp nhận quan điểm đó rồi thì tất cả mọi phân biệt giữa thành công và thất bại đều trở thành không. Đó là điều mà tất cả mọi nghệ sĩ vĩ đại đều học hỏi được giữa đường, rằng tiến trình mà trong đó hắn bị cuốn lôi vào có liên quan tới một chiều kích khác của đời sống, rằng trong khi đồng hóa mình với tiến trình đó hắn thăng tiến cuộc sống. Nhờ quan niệm đó, hắn thường trực được dời xa - và che chở - khỏi cái chết âm hiểm dường như đắc thắng khắp nơi quanh hắn. Hắn trực cảm thấy rằng niềm bí ẩn lớn lao sẽ không bao giờ thấu hiểu được nhưng có thể nhập vào trong chính bản chất hắn. Hắn phải khiến mình thành một phần của sự huyền nhiệm, sống trong nó cũng như với chính nó. Chấp nhận là giải pháp duy nhất. Chấp nhận là một nghệ thuật chứ không phải là sự thực thi ích kỷ của trí tuệ. Và chính qua cửa ngõ nghệ thuật mà cuối cùng người ta thiết lập được sự giao tiếp với thực tại: đó là một khám phá lớn lao. Ở đây tất cả đều là trò chơi và sáng tạo; không có chỗ đặt chân vững trãi nào để phóng xạ tiễn học thủng độc khí của tham, sân, si. Thế giới không cần phải đưa vào trật tự: thế giới chính là trật tự nhập thể. Chính chúng ta phải hòa điệu với trật tự đó, phải biết đâu là trật tự thế giới, khác biệt nào với trật tự mong muốn mà chúng ta tìm cách bắt nhau theo. Sức mạnh mà chúng ta khao khát thủ đắc ngõ hầu thiết định chân, thiện, mỹ, nếu chúng ta chiếm lãnh được, sẽ chứng tỏ đó là những phương tiện để tàn sát lẫn nhau. Chúng ta bất lực, thực là may mắn cho chúng ta. Trước hết chúng ta phải thủ hữu thị kiến, kế đó kỷ luật và cuối cùng đức nhẫn nại. Chừng nào mà chúng ta chưa nhẫn nhục nhận thức rằng có một thị kiến ở trên thị kiến của chúng ta, chừng nào chúng ta chưa tin tưởng và trông cậy vào những sức mạnh siêu việt thì kẻ mù vẫn còn dẫn dắt kẻ mù. Những kẻ tin vào sự toàn năng của công việc và trí thông minh mãi mãi sẽ chỉ gặp những thất bại do những biến cố hư ảo và khôn lường gây ra. Họ là những kẻ thường xuyên bất mãn, không còn có thể nguyền rủa thánh thần hay Thượng Đế, họ quay sang anh em họ và vừa đổ lên đầu những người cơn ấy thịnh nộ bất lực của họ, họ vừa la lên: “Phản bội! Ngu ngốc!” và những tiếng vô nghĩa khác.
Niềm hân hoan lớn lao của nghệ sĩ là ý thức được một trật tự cao viễn hơn, nhận thức được, bởi sự vận dụng thiết yếu và đột khởi của những xung lực của chính hắn, mối tương đồng giữa sự sáng tạo của con người và cái được gọi là “thiên” tạo. Trong những tác phẩm của tưởng tượng phóng túng, sự hiện hữu của luật tự biểu thị qua trật tự còn hiển nhiên hơn trong những tác phẩm nghệ thuật khác. Không có gì ít điên cuồng, ít hỗn loạn hơn một tác phẩm tưởng tượng phóng túng. Những sự sáng tạo này, không là gì khác hơn sự sáng tạo thuần túy, xâm nhập vào mọi mức độ, tạo tác mẫu mực riêng cho nó, như nước. Sự miễn dịch không cùng không đem lại điều gì mới mẻ cho nó, ngoại trừ nâng cao ý nghĩa của cái dường như bất khả lãnh hội. Một cách nào đó, cái bất khả lãnh hội này là mẹ đẻ của ý nghĩa sâu xa. Không một người nào bị cảm kích, ngay cả những người làm bộ không bị cảm kích. Trong tác phẩm tưởng tượng ngông cuồng có một cái gì hiển hiện mà tác dụng chỉ có thể so sánh với rượu trường sinh bất tử. Yếu tố bí mật này, thường bị gán cho nhãn hiệu “vô nghĩa” mang theo nó hương vị của cái thế giới rộng lớn và hoàn toàn hiểm hóc này trong đó chúng ta và tất cả những thiên thể khác tìm thấy thể hiện của mình. Từ ngữ vô nghĩa là một trong những danh từ mù mờ nhất trong từ vựng chúng ta. Nó chỉ có một tính chất tiêu cực, như cái chết. Không ai giải thích được vô nghĩa: nó chỉ có thể được chứng minh. Tuy nhiên, nói thêm rằng ý nghĩa và vô nghĩa có thể đắp đổi cho nhau là chẻ sợi tóc làm tư. Vô nghĩa thuộc về thế giới khác, những chiều kích khác, và thái độ mà đôi lúc ta bứt nó khỏi chúng ta, cứu cánh mà chúng ta bác bỏ nó, chứng tỏ bản chất lộn xộn của nó. Bất cứ điều gì chúng ta không thể bao gồm nổi trong cái khung chật hẹp của nhận thức chúng ta là chúng ta khước từ ngay. Do đó sự sâu sắc và vô nghĩa có thể được coi như có một vài điểm đồng thanh tương ứng bất ngờ nào đó.
Tại sao tôi không nhắm thẳng và sự vô nghĩa đích thực? Bởi vì cũng như những người khác, tôi sợ nó. Và sâu xa hơn thế nữa là sự kiện, không những đặt mình ra bên ngoài, tôi lại vướng mắc vào chính giữa lưới. Tôi phải duy trì trường phái Dada phá hoại của chính tôi: tôi phải tiến bộ nếu đó là chữ dùng đúng, từ học giả tới nhà phê bình, cuối cùng tới người sử dụng búa. Kinh nghiệm văn nghệ của tôi nắm trong đổ nát tựa những kinh thành cổ kính bị bọn Vendale 
[2] cướp phá. Tôi muốn xây dựng, nhưng những nguyên liệu thất thường không thể tin cậy được và họa đồ vẫn chưa bước qua giai đoạn tuyến đồ. Nếu chất liệu của nghệ thuật là tâm hồn người thì tôi phải thú thực rằng, với những tâm hồn chết, tôi không thể thấy hình ảnh nào nhen nhúm nẩy mầm trong vòng tay tôi.
Bị vướng mắc vào thảm kịch lớp lang chồng chất, bị bắt buộc tham gia không ngừng có nghĩa là người ta không ý thức về những nét đại dương của màn kịch lớn lao hơn đó, trong ấy hành động của con người chỉ là một phần rất nhỏ. Hành vi sáng tác chấm dứt mọi thứ hành động đã buông thả một thứ hành động khác. Khi một nhà sư, trầm tư lúc tụng niệm, thong thả và lặng lẽ kinh hành qua tiền đình một ngôi đền, và trong khi đi như vậy lần lượt làm chuyển động mạn đà la 
[3], đã cho một hình ảnh sống động của hành động ngồi xuống bàn viết. Tâm trí nhà văn, không còn bận quan sát, nhận thức, tư lự, lang thang giữa thế giới của hình thể được làm quay tròn bởi sự vỗ cánh đơn thuần. Đó không phải bạo chúa nào phỉ chí tung hoành trên đám thần dân khuất phục của đế quốc chiếm lãnh phi nghĩa của hắn. Đúng hơn, một nhà thám hiểm, đánh động thiếp gọi những thực thể say ngủ của mộng mơ hắn trở về đời. Tác động mơ mộng như một luồng gió trong ngôi nhà hoang, xếp đặt đồ đạc của tâm trí trong một môi trường mới. Bàn ghế cộng tác, mùi xú uế bay hết, một cuộc chơi bắt đầu.
Hỏi mục đích của cuộc chơi này, nó quan hệ thế nào với đời, là lẩn thẩn. Chẳng khác nào hỏi Hóa Công tại sao sinh ra núi lửa đó? tại sao giông tố đó? Vì hiển nhiên chúng không đóng góp gì cả ngoại trừ tai họa 
[4]. Nhưng, vì tai họa chỉ tai hại cho những kẻ bị chìm đắm trong đó, trong khi chúng soi sáng cho những kẻ sống sót và nghiên cứu chúng trong thế giới sáng tạo cũng vậy. Kẻ mơ mộng trở về từ cuộc phiêu bạt giang hồ, nếu hắn không bị đắm tầu dọc đường, có thể và thường chuyển hóa sự sụp đổ của cơ cấu vi tế hắn vào chất liệu khác. Đối với một đứa trẻ, sự châm trích một cái bọt bóng không thể đem lại điều gì khác hơn ngoài sự kinh ngạc và thích thú. Học viên của mê vọng có thể phản ứng một cách khác.
Một khoa học gia có thể đem lại cho một bọt bóng cảm xúc phong phú của một thế giới tư duy. Hiện tượng tương tự khiến đứa trẻ kêu lên vì thích thú có thể phát sinh ra một viễn tượng chân lý chói lòa, trong đầu óc một thí nghiệm viên nhiệt thành. Trong nhà nghệ sĩ những phản ứng tương khắc này dường như hòa hợp hay hỗn hợp, tạo ra một phản ứng tối hậu, vật xúc tác lớn lao gọi là thực hiện. Nhìn, biết, khám phá, hưởng thụ - những khả năng hay năng lực này yếu đuối xanh xao hay vô sinh nếu không có sự hiện thực. Trò chơi của nghệ sĩ là dời chuyển vào thực tại. Chỉ khi nhìn bên kia khía cạnh “tai họa” hẹp hòi thì cảnh tượng một bãi chiến trường thảm bại mới biễu diễn trước con mắt trần. Vì, từ thời khởi thủy, cảnh tượng mà thế giới trình bầy cho con mắt trần của nhân loại dường như không là gì khác hơn một bãi chiến trường tan hoang gớm ghê. Nó đã như vậy và sẽ như vậy cho đến khi con người ngừng coi mình như một chỗ phân tranh. Cho đến khi hắn đảm nhận trọng trách mở thành “cái Tôi của cái Tôi của hắn”.
Chú thích:

[1]Thần thoại Hy Lạp: nút Gordius là một cái nút được thắt bởi vua Gordius xứ Phrygia theo sấm truyền thì chỉ có vị chúa tể tương lai của châu Á mới cởi được. Alexandre đại đế, không cởi được bèn cắt phăng. Từ đó thành ngữ: Cắt cái nút Gordius có nghĩa: giải quyết vấn đề nan giải một cách thẳng thừng và hữu hiệu - N.H.H.
[2] Người Vandale thuộc giống Nhật Nhĩ Man đã xâm lăng xứ Gaule Bắc Phi, Tây Ban Nha, La Mã phá hủy nhiều công trình văn học nghệ thuật. - N.H.H.
[3]Hay bánh xe Pháp luân hoặc trống trên có chép kinh Phật giáo Tây Tạng thường dùng - N.H.H.
[4]Cùng với tài hoa một vần - N.H.H.

Rimbaud
Để trở thành thi sĩ

Giới thiệu
“Tiến lên! Đi, gánh nặng, sa mạc, chán chường và cuồng nộ.”
Câu thơ niên thiếu đó gói trọn cuộc sống Rimbaud. Cuộc sống tình cảm cũng như cuộc sống tâm linh, cuộc sống thực tế cũng như cuộc sống mộng tưởng, cuộc sống làm ăn cũng như cuộc sống sáng tạo. Đó là cuộc đi không mỏi, là làm việc không ngừng, là sa mạc không cùng, là chán chường không nguôi và là cuồng nộ không dứt. Và cũng là khám phá vô tận, kinh nghiệm vô biên. “Đây là một người mà một ngàn cuộc đời cũng không đủ để khám phá những kỳ diệu của trần gian”, Henry Miller viết trong một thiên nghiên cứu về Rimbaud, “một người đã cắt đứt với bạn bè và thân quyến từ lúc tuổi còn xanh để cảm nghiệm cuộc đời trong tất cả sự tròn đầy của nó.” 
[1]
Ở một thanh niên mà sự chín muồi của minh triết đã cho phép khẳng định rằng: “Cuối cùng tôi khám phá thấy sự hỗn loạn của tâm trí tôi là thiêng liêng” thì sự thái quá là một điều dễ hiểu. Nơi chàng, tất cả đều thái quá.
Trước hết là sự đi của chàng. Đây là lộ trình của hai chân chàng: Charleroi – Paris – Mazas – Charleville – Bỉ - Charleroi – Bruxelles – Douai – Charleville – Paris – Charleville – Paris – Charleville – Paris – Ardennes – Paris – Bỉ – Anh – Charleville – Roche – London – Roche – London – Charleville – Stuttgart - Milan – Charleville – Vienne - Hòa Lan – Batavia – Charleville – Brême – Hambourg – Thụy Điển –Đan Mạch – Marseille – Alexandrie – Civita – Vecchia – Rome – Charleville – Hambourg – Charleville – Vosges - Thụy Sĩ – Gênes – Alexandrie – Charleville - Chypre – Roche – Chypre – Aden – Hara – Choa – Harar – Babussa – Ongadine – Tadjourah – Harar – Abyssinie – Aden – Le Caire – Harar – Zeilah – Aden – Marseille – Roche – Marseille.
Chàng đi, đi hoài, lúc nào cũng ở trên đường như một gã du đãng có sao thiên mã cư mệnh mà nếu không đi thì ắt là ngọa bệnh và chỉ ngừng đi khi phải nằm xuống để người ta cưa chân đi. Mà trong cuộc đi như ma đưa quỷ dắt ấy nào phải được lên xe xuống ngựa gì. Chỉ rặt những đi bộ là đi bộ với đói và khát, cảnh sát với nhà giam. Chúng ta hãy nghe Henry Miller tả: “Ba lần trong thời gian dưới hai mươi tuổi, chàng đã tới Bruxelles và Paris: hai lần chàng tới London. Từ Stuttgart, sau khi đã thông thạo Đức ngữ đủ dùng, chàng lang thang đi bộ qua Wurtemberg và Thụy Sĩ tới Ý Đại Lợi. Từ Milan chàng khởi hành đi bộ tới Cyclades qua Brindisi, chỉ để bị trúng nắng và quay trở về Marseille qua ngả Leghorn. Chàng vượt qua bán đảo Scandinavine và Đan Mạch với một đoàn xiếc dạo; chàng đáp tầu từ Hambourg, Antwerp; Rotterdam: chàng đến Java bằng cách gia nhập đạo quân Hà Lan, chỉ để đào ngũ sau khi nếm qua mùi vị của nó. Một lần vượt qua đảo St. Hélène trên một con tầu Anh từ chối không ngừng lại đảo, chàng phóng qua lan can tầu xuống biển nhưng bị bắt trở lại trước khi chàng có thể tới đảo. Từ Vienne chàng bị cảnh sát dẫn độ về bến cảng Baravi vì tội du đãng; từ đó chàng lại bị áp giải về biên cảnh Lorraine. Trong tất cả những chuyến tẩu thoát và bỏ nhà ra đi đột ngột đó, chàng luôn luôn không một xu dính túi, luôn luôn đi bộ, và luôn luôn đi bộ với một cái dạ dầy lép kẹp. Tại Civita Vecchia chàng bị đưa xuống đất liền với chứng sốt đau dạ dầy mắc phải vì màng dạ dầy sưng lên bởi sự cọ xát của xương sườn vào bụng. Đi bộ thái quá. Ở Abyssinic là sự cưỡi ngựa thái quá. Tất cả mọi sự đều thái quá. Chàng bắt buộc mình một cách phi nhân. Mục đích thì bao giờ cũng ở phía bên kia.”
Năm mười chín tuổi, khi “Giã từ cõi mộng điêu linh, Anh về buôn bán với mình phôi pha” [2] thì chàng hoàn toàn là một tên lái buôn thực thụ, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi lợi lộc, bởi công việc. Chàng làm việc không ngừng, đầu tắt mặt tối quá mọi đen. Chàng đoạn tuyệt hoàn toàn với giới văn nghệ và thế giới văn chương để trầm luân miệt mài trong cõi làm ăn buôn bán. Trong những lá thư gửi về cho gia đình, chàng làm khổ mẹ và em gái không ít, thúc bách gia đình gửi cho chàng những chuyên thư, tự điển kỹ thuật, nông lâm, sách dậy tiếng địa phương man di mọi rợ. Chàng muốn trở thành một kỹ sư, chàng muốn con chàng, nếu chàng có con, cũng sẽ trở thành một kỹ sư nổi tiếng, “một người có thế lực và giàu sang vì khoa học.”
Chàng đi vào sa mạc, phiêu lưu vào những vùng chưa một người da trắng nào dám hẻo lánh tới, giao thiệp với mọi sắc dân, mọi quốc tịch. Văn chương chữ nghĩa bay đi đâu hết chỉ còn lại café, hương liệu, ngà voi, da thú, súng ống, nô lệ… và công việc, công việc, công việc mà chàng chán mứa, mà chàng xốc vác đến hụt hơi. Nhưng trên tất cả là chán chường và giận dữ: “Tôi luôn luôn chán nản vô cùng”, chàng viết cho gia đình ngày 1 tháng tám 1888; “tôi chưa từng biết có người nào phiền muộn hơn tôi. Và rồi, có khốn khổ không, cuộc sống gia đình; không công việc trí thức, bơ vơ lơ láo giữa đám mọi mà mình muốn cải thiện số phận chúng, trong khi chính chúng tìm cách lợi dụng mình và ngăn trở không cho mình giải quyết công việc một cách chóng vánh! Bắt buộc phải nói ngôn ngữ tạp loạn của chúng, ăn những món ăn bẩn thỉu của chúng, chịu đựng muôn ngàn phiền muộn do sự lười biếng, phản phúc, ngu ngốc của chúng đem lại!”.
Nhưng đó chưa phải là điều buồn bã nhất. “Điều buốn bã nhất là sự chính mình dần dần trở nên đần độn u mê vì cô độc và xa cách mọi xã hội văn minh.”
Đâu là ý nghĩa của tất cả những cái thái quá đó, hỡi chàng Rimbaud, kẻ “sinh ra dưới cung Thiên Xứng” lại chọn những cái thái quá “với đam mê của một kẻ đi đây (equilibrist)” kia? 
[3] Một trong những châm ngôn tinh yếu nhất của “Châm Ngôn của Địa Ngục” (The Proverbs of Hell) của Blake – một người anh em của Rimbaud là:
“Con đường thái quá dẫn tới lâu đài minh triết,” (The road of excess leads to the palace of wisdom).
Phải chăng Rimbaud muốn đi trên con đường đó? Đúng là chàng đã đi trên con đường đó và con đường mâu thuẫn. Suốt đời chàng, chàng đã đi ngược lại tất cả những gì chàng đã linh tưởng từ ấu thờiSuốt đời chàng, chàng đã phá hủy tất cả những gì chàng đã xây dựng tự ấu thời. Suốt đời chàng, chàng đã phản bội tất cả những gì chàng đã tin tưởng từ ấu thời. Để làm gì vậy? – Để biết mặt sau của mặt trăng, mặt trái của thiên đàng, để trở thành thi nhân theo quan niệm của chàng, nghĩa là trở thành một tiên tri thấu thị (voyant), có thể “thấy tất cả, cảm tất cả, tiêu thụ tất cả, thám hiểm tất cả, nói tất cả”. Vì chàng chủ trương rằng thi nhân cần phải “đi đến cái vị tri (hay mới lạ) bằng sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan” (“Thư cho Izambard”), “cần phải biến tâm hồn thành quái dị”, phải biết tất cả mọi hình thức tình yêu, mọi hình thức đau khổ, mọi hình thức điên cuồng, phải nuốt hết tất cả mọi chất ma túy để chỉ giữ lại tinh túy, phải biết “tất cả giày vò trong đó hắn cần tất cả mọi đức tin, cần tất cả mọi sức mạnh siêu nhân trong đó hắn trở thành một tên bệnh nhân vĩ đại, tên tội nhân vĩ đại, tên bị nguyền rủa vĩ đại, - và nhà Bác Học siêu phàm! – Vì hắn đi tới cái vị tri! (“Thư cho Paul Demeny”). Dù cho cuối cùng, điên cuồng, hắn mất tất cả mọi ý niệm về những viễn tưởng của hắn. Song le, hắn đã nhìn thấy chúng tận mắt. “Vậy hãy để hắn nổ tung trong cơn chấn động bởi những điều dị thường và vô danh; những nhân công khủng khiếp khác sẽ tới; họ sẽ bắt đầu lại những chân trời nơi hắn tắt nghỉ!” (Một Mùa Địa Ngục)
Như thế, thi nhân của Rimbaud đã tiếp nối truyền thống những thi nhân đầu tiên của nhân loại (bị gián đoạn bởi những thi sĩ): thi nhân đồng thời là một tiên tri, một Prométhée ăn cắp lửa cho con người. Rimbaud cũng chính là một Prométhée: chàng đã hy sinh cuộc đời chàng để thể hiện linh tưởng của chàng theo sứ mệnh của thi nhân: “Thi sĩ có ích lợi gì trừ khi hắn đạt tới một viễn tưởng về cuộc đời, trừ khi hắn sẵn sàng hy sinh cuộc đời để chứng minh chân lý và vẻ rực rỡ của thị kiến hắn?” (Henry Miller, Sđd, tr. 107) Rimbaud đã can đảm lao ra khỏi Thiên Đàng tuổi thơ, như Lucifer, để sống, không phải một mùa mà là tất cả những mùa còn lại của đời chàng trong chốn Địa Ngục Trần Gian. Chàng, - đứa con của mặt trời, chàng muốn biết thế nào là đêm tối địa ngục, Chàng, - kẻ mà định mệnh là hạnh phúc, “không hề nghĩ tới lạc thú đào thoát những đau khổ của thời đại mới”. Chàng, - kẻ mà cuộc đời là một bữa yến tiệc nơi tất cả mọi trái tim đều mở phơi, tất cả rượu ngọt tuôn trào” đã tự nguyện vùi dập đời mình trong sa mạc cát bỏng tịch liêu.
Những đau khổ thời đại mới là gì? – là máy móc, là bạc tiền. Chàng muốn trở thành kỹ sư – lý tưởng của thời hiện đại. Chàng đi làm tiền, lúc nào cũng quấn một cái ruột tượng đầy tiền quanh bụng – ám ảnh của thời đại mới.
Tất cả những kẻ chê bai khinh bỉ, chế giễu chàng đều sai lầm. Tất cả những kẻ tự nhận là hậu thân của chàng còn sai lầm hơn nữa. Không phải chàng bỏ làm thơ vì thấy rõ sự thất bại của thi ca. Bài hát chỉ được nghe với tất cả xúc động khi âm thanh đã dứt, người ca sĩ là ca sĩ thực thụ, sống bài hát, khi đã ngừng hát. Chàng là thi sĩ (Poète) khi chàng đang làm thơ, chàng là thi nhân (Poète) khi chàng không còn làm thơ nữa. Chàng thôi làm thơ để sống thơ. Chàng muốn “thủ đắc chân lý trong hồn và xác”. Chân lý ấy là gì? – là “tất cả đều có một định mệnh hạnh phúc” mà sự sợ hãi, đau khổ, sự hồ nghi hạnh phúc, sự thiếu tin tưởng ở thiên đàng - đã làm lạc lõng, mà sự tin tưởng và địa ngục, đã khuất lấp.
Trong cuộc sống người ta sợ gì nhất? – thất bại. Cuối cuộc đời người ta kinh hãi gì nhất? – địa ngục.
Rimbaud không phải là hiện thân của thất bại như những kẻ chê bai chàng nhận định. Chàng cũng không muốn là biểu tượng của sự thất bại như những kẻ ca ngợi chàng đề cao. Chàng muốn đeo đuổi ôm ghì sự thất bại; cách duy nhất để chiến thắng nó.
Tại sao chúng ta tin tưởng rằng, cuối cùng, tất cả đều thất bại mà chúng ta lại không dám chấp nhận thất bại, một cách tiên thiên, không dám nhận  sự thất bại, để cuộc đời chúng ta, với tất cả công nghiệp, đam mê dần dần trở thành thất bại? Tại sao chúng ta tin tưởng rằng cuộc sống là địa ngục, cuối cùng của cuộc sống cũng sẽ là địa ngục, tại sao chúng ta không dám chấp nhận địa ngục, một cách tiên thiên, không dám sống trong địa ngục, để địa ngục ám ảnh chúng ta? để cuộc đời chúng ta, với tất cả hân hoan, say đắm, dần trở thành địa ngục? Và quả thực cuộc đời chúng ta là địa ngục, chỉ bởi chúng ta tin ở nó. “Tôi tin vào địa ngục, vậy tôi đang ở địa ngục” (Je crois en enfer, donc j’y suis – “Nuit de l’enfer”). Con đường dẫn tới thiên đàng bao giờ cũng đi qua địa ngục. Ánh sáng của thiên đàng chỉ ở địa ngục, tôi khát vọng Thiên Đàng. Vậy…
Con người sẽ thất bại, ở mọi chiều hướng, người ta nói như thế. Con người sẽ đi tới sa mạc cô đơn, tới địa ngục, người đe dọa thế. Vậy tại sao ta không chấp nhận thất bại, sa mạc, địa ngục? Sao ta trở gót, quẩy lại gánh nặng và sống trong run sợ? Tại sao chúng ta không chấp nhận những điều kiện thiết yếu của cuộc đời? “Lý trí đã ra đời. Thế giới tốt lành. Tôi sẽ chúc phúc cuộc đời. Tôi sẽ yêu anh em tôi. Đây không phải là những lời hứa hẹn trẻ con nữa. Cũng không phải hy vọng thoát khỏi tuổi già và cái chết. Thượng Đế làm thành sức mạnh của tôi và tôi ca ngợi Thượng đế.”
“Chán chường không phải là tình yêu của tôi nữa. Những cuồng nộ, trác táng, điên dại, mà tôi biết tất cả xung động đẩy đưa và tác hại, - tất cả gánh nặng của tôi đều được đặt xuống – Hãy thẩm định không choáng váng vẻ mênh mông của lòng ngây thơ tôi – Une saison en enfer, “Mauvais sang” ). Với lòng ngây thơ ấy, người ta trở lại Thiên Đàng. Chính trong “cùng sa mạc đó, cùng đêm tối đó”, khi ý thức hóa thân: lạc đà trở thành sư tử, sư tử trở thành hài nhi ngây thơ, chàng giục giã chúng ta lên đường sáng tạo những giá trị hân hoan: “khi nào chúng ta sẽ lên đường, qua những đụn cát, qua núi đồi, đón chào sự ra đời của cần lao mới, minh triết mới, sự chạy trốn của những bạo chúa và quỉ dữ, sự chấm dứt của mê tín, và sùng bái – như những kẻ thứ nhất! – Giáng Sinh trên trần gian!”
Henry Miller thấu suốt ruột gan Rimbaud khi viết: “Điều tôi vô cùng quan tâm nơi Rimbaud là viễn tượng Thiên Đàng chiếm lại được của chàng. Thiên Đàng kiếm được.”.(That interests me extremely in Rimbaud is his vision of Paradise regained, Paradise earned).
Cuộc đời Rimbaud, sự tàn lụi tự ý, đầu độc tự ý, đánh mất Thiên Đàng tự ý, những gánh nặng, sa mạc, những chuyến đi vào cô đơn cuồng điên không mỏi đó chính là hình ảnh rực rỡ nhất, ngút lửa nhất, rõ rệt nhất của CON ĐƯỜNG SÁNG TẠO.

Rimbaud
Thư gửi Georges Izambard, 27 đường l’Abbaye – des – Champs, Douai (Bắc)
Charleville, (13) tháng năm 1871
Ông thân mến!
Thế là ông lại làm giáo sư nữa rồi! Người ta mắc nợ xã hội, ông đã nói với tôi như vậy; ông tham dự vào ban giảng huấn: ông đang đi lối đường mòn êm đẹp! – Tôi cũng theo tôn chỉ của tôi: tôi tìm cách bảo tồn tôi một cách ngang chướng; tôi khai quật những tên đần độn ở trường cũ, tất cả những gì ngu ngốc, bẩn thỉu, xấu xa nhất tôi có thể bầy đặt ra, bằng hành động và bằng lời nói, trao cho họ: tôi được đãi nhậu nhẹt và em út thả cửa. Stat mater dolorosa, dum pendet filius, - Tôi mắc nợ xã hội, đúng như vậy; - và tôi có lý. – Ông nữa, ông cũng có lý, hôm nay. Thực sự, ông chỉ nhìn thấy trong tôn chỉ của ông thi ca chủ quan: sự ông khăng khăng trở lại máng ăn cám đại học – xin lỗi – chứng tỏ điều đó. Nhưng bao giờ cũng kết thúc như một kẻ thỏa mãn không làm gì cả, không muốn làm bất cứ việc gì cả. Chưa kể thi ca chủ quan của ông bao giờ cũng sẽ nhạt thếch một cách khủng khiếp. Một ngày kia, tôi hy vọng, - nhiều người cũng hy vọng như vậy – tôi sẽ nhìn thấy thi ca khách quan trong tôn chỉ của ông, tôi sẽ nhìn thấy nó một cách chân thành hơn ông nhiều! – Tôi sẽ là một người lao động: đó là ý tưởng cầm giữ tôi lại khi những cơn giận giữ điên cuồng xô đẩy tôi về phía cuộc tranh đấu Paris – nơi biết bao dân lao động hãy còn đang chết trong khi tôi viết cho ông! Làm việc bây giờ, không bao giờ, không bao giờ; tôi đang đình công.
Bây giờ tôi dấn mình vào đường phóng đãng càng sâu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Tại sao vậy? Tôi muốn làm thi nhân, và tôi làm để khiến mình trở thành tiên tri thấu thị: ông không thể hiểu được đâu và tôi hầu như cũng không biết cách nào giảng giải cho ông hiểu được. Cần phải đi tới cái mới lạ chưa từng biết bằng sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan. Những nỗi đau khổ sẽ chất ngất, nhưng phải mạnh, phải là thi nhân bẩm sinh, và tôi biết mình là một thi nhân. Tôi không có lỗi chút nào. Nói rằng: tôi suy tưởng là sai. Người ta phải nói: Tôi bị suy tưởng. Xin lỗi trò chơi chữ.
TÔI là một kẻ khác. Thây kệ nếu cây gỗ khám phá thấy mình là một cây vĩ cầm, và mặc xác những tên xuẩn ngốc cãi chầy cãi cối về những điều chúng mù tịt!
Ông không phải là một ông thầy đối với tôi. Tôi cho ông điều này: đây có phải là phúng thi không, như ông có thể sẽ nói! Đây có phải là thi ca không? Đây là ý ngông, dù sao – Nhưng tôi xin ông đừng gạch dưới bằng bút chì, cũng đừng quá quan tâm:
TRÁI TIM ĐAU
Trái tim đau nhỏ giọt ở đuôi

Điều ấy không phải là không có ý nói gì.
Hồi âm: Gửi Ô. Deverrière, nhờ chuyển cho A. R.
Thân mến,
Arth. RimBaud
À Georges Izambard, 27 rue de l’Abbaye –des – Champs, à Douai (Nord)
Charleville, (13) mai 1871.
Cher Monsieur!
Vous revoilà professeur. On se doit à la Société, m’avez – vous dit; vous faites partie des corps enseingnants: vous roulez dans la bonne ornière. – Moi aussi, je suis le principe: je me fais cyniquement entretenir; je déterre d’ anciens imbèciles de collège: tout ce que je puis inventer de bête, de sale, de mauvais, en action et en paroles, je le leur livre; on me paie en bocks et en filles. Stat mater dolorosa, dum pendet filius. – Je me dois à la Société, c’est juste, - et j’ai raison. - Vous aussi, vous avez raison, pour aujourd’hui. Au fond, vous ne voyez en votre pricinpe que poesie subjective: votre obstination à regagner le râtelier universitaire – pardon! – le prouve. Mais vous finirez toujours comme un satisfait qui n’a rich fait, n’ayant rien voulu faire. Sans compter que votre poésie subjective sera toujours horriblement fadasse. Un jour, j’espère, - bien d’autres espèrent la même chose, - je verrai dans votre principe la poésie objective, je la verrai plus sincèrement que vous ne le feriez! – Je serai un travailleur: c’est l’idée qui me retient quand les colères folles me poussent vers la bataille de Paris, - où tant de travailleurs la bataille de Paris, - où tant de travailleurs meurent pourtant encore tandis que je vous écris! Travailler maintenant, jamais, jamais; je suis en grève.
Maintenant, je m’encrapule le plus possible. Pourquoi? Je veux être poète, et je travaille à me rendre voyant: vous ne comprendrez pas du tout, et je ne saurais presque vous expliquer. Il s’agit d’arriver à l’inconnu, par le dérèglement de tous les sens. Les souffrances sont énormes, mais il faut être fort, être né poète, et je me suis reconnu poète. Ce n’est pas du tout ma aute. C’est faux de dire: Je pense. On devrait dire: On me pense. Pardon du jeu de mots.
JE est un autre. Tant pis pour le bois qui se trouve violon, et nargue aux inconscients, qui ergotent sur ce qu’ils ignorent tout à fait!
Vous n’êtes pas enseignant pour moi: Je vous donne ceci: est – ce de la satire, comme vous diriez? Est – ce de la poésie? C’est de la fantaisie, toujours. Mais, je vous en supplie, ne soulignez ni du crayon, ni trop de la pensée:
LE COEUR SUPPLICIÉ
Mon triste cour bave à la poupe
Ça ne vent pas rien dire.
Répondez – moi: chez M. Deverrière, pour A. R. Bonjour de cour,
Arth. Rimbaud

Gửi Paul Demeny
Ở Douai,Charleville, ngày 15 tháng năm 1871
Tôi đã quyết định cho bạn một giờ văn học mới. Tôi bắt đầu ngay bằng một thành thi có tính cách thời sự:
CHIẾN CA THÀNH PARIS
Mùa xuân đã hiển nhiên rồi, vì…

A. Rimbaud
- Đây là luận thuyết về tương lai của thi ca: Tất cả thi ca thượng cổ lên đến chóp đỉnh trong thi ca Hy Lạp, cuộc sống hòa điệu. – Từ Hy Lạp đến phong trào lãng mạn, - thời trung cổ, - có những văn nhân, những thợ thơ. Từ Ennius tới Theroldus, từ Theroldus tới Casimir Delavigne, toàn là văn vần, một trò tiêu khiển, sự sa đọa yếu đuối và danh vọng của nhiều thế hệ xuẩn ngốc: Racine là đấng tinh khiết, mãnh liệt, vĩ đại . – Nếu người ta xóa thơ người, thì Thánh Gàn ngày nay cũng vô danh tiểu tốt như những tác giả đầu tiên của Khởi Nguyên. – Sau Racine, trò chơi bị bỏ xó mốc meo. Nó kéo dài hai nghìn năm.
Không đùa bỡn, không nghịch lý. Lý trí gợi cho tôi nhiều xác tín về vấn đề này nhiều hơn bất cứ một Tân - Pháp quốc nào với thịnh nộ. Vả lại những người mới tha hồ kết án tiền nhân: người ta thong dong tự tại và người ta có vô khối thì giờ.
Chưa bao giờ người ta phê phán đúng đắn phong trào lãng mạn. Những kẻ nào ắt sẽ phê phán nó? Bọn Phê Bình!! Bọn Lãng Mạn ư? Những kẻ đã chứng minh rõ rệt rằng bài hát hiếm khi là tác phẩm, nghĩa là, tư tưởng được hát lên và được hiểu bởi người ca.
Bởi vì TÔI là một kẻ khác. Nếu chất đồng bỗng một đêm thức giấc thấy mình là cái kèn đồng, thì không phải là lỗi tại nó chút nào. Điều này quá hiển nhiên đối với tôi: tôi chứng kiến sự phát tiết của tư tưởng tôi: tôi nhìn, tôi nghe nó; tôi nhấn mạnh cung đàn; hòa tấu khúc rung lên trong những niềm sâu thẳm, hay nhẩy vọt lên sân khấu.
Nếu những tên khốn khiếp ngày xưa không chỉ tìm thấy ở cái Tôi ý nghĩa sai lầm thì ngày nay chúng ta đã không phải quét đi hàng triệu bộ xương khô, từ ngày xửa ngày xưa, đã chồng chất lên thành những sản phẩm của trí thông minh thông manh của chúng, trong khi tự vỗ ngực xưng là tác giả!
Ở Hy Lạp, như tôi đã nói, thơ và thất huyền cầm đánh nhịp cho Hành Động. Sau đó, âm nhạc và thi vận là trò chơi tiêu khiển. Sự nghiên cứu thời quá khứ này quyến rũ những kẻ tò mò; nhiều kẻ thích thú phục hồi lại mỹ thuật cổ thời: - đó là công việc của họ. Tâm vũ trụ luôn luôn phóng những ý tưởng của mình ra một cách tự nhiên: người ta lượm lặt một phần của hoa trái của đầu óc này: người ta hành động bằng, người ta viết sách bằng những hoa trái ấy: sự việc tiến hành như vậy, con người không làm việc tự lực, chưa tỉnh thức, hoặc chưa mơ mộng chín mùi trong giấc mộng lớn. Nhà văn; những công bộc: tác giả, kẻ sáng tạo, thi nhân, con người đó chưa hiện hữu!
Sự nghiên cứu đầu tiên của con người muốn trở thành thi nhân là sự hiểu biết về chính hắn, toàn bộ; hắn tìm kiếm tâm hồn hắn, hắn tra xét, khảo sát, học hỏi nó. Ngay sau khi hiểu nó, hắn phải đào luyện nó! Việc đó có vẻ đơn giản: trong bất kỳ bộ óc nào một cuộc phát triển tự nhiên cũng tự viên thành; dù bao nhiêu kẻ ích kỷ tự nhận mình là tác giả thì cũng có bao người góp phần vào sự tiến bộ tinh thần của họ! – Nhưng cần phải làm tâm hồn trở nên dị thường: theo kiểu những comprachicos, nếu bạn muốn! Hãy tưởng tượng một người trồng và nuôi dưỡng những mụn cóc trên mặt mình.
Tôi nói người ta phải là tiên tri thấu thị, tự khiến mình trở thành tiên tri thấu thị.
Thi Nhân tự biến mình thành tiên tri thấu thị bằng một sự hỗn loạn của tất cả mọi giác quan lâu dài, rộng lớn phi thường và hợp lý. Tất cả mọi hình thức tình yêu, đau khổ, điên cuồng: hắn tìm kiếm chính hắn, hắn nuốt trọn mọi độc tố trong hắn để giữ lại tinh túy. Cực hình khôn tả trong đó hắn cần tất cả sức mạnh siêu nhân, trong đó hắn trở thành kẻ bệnh nhân vĩ đại, kẻ tội nhân vĩ đại, kẻ bị nguyền rủa vĩ đại, - và nhà Bác Học siêu phàm! – Bởi vì hắn đi tới cái vị tri! Vì hắn đã đào luyện tâm hồn, vốn phong phú hơn bất kỳ người nào! Hắn đi tới cái vị tri, và cuối cùng, phát điên, hắn mất trí không hiểu những linh tượng của hắn, ít nhất hắn cũng đã nhìn thấy chúng! Hãy để hắn chết trong cơn chấn động bởi những điều kỳ dị và không thể gọi tên: những lao công kinh khủng khác sẽ tới: họ sẽ bắt đầu từ những chân trời mà hắn quỵ xuống!
- Đoạn tiếp theo sáu phút sau - Ở tôi đây chêm vào một thánh thi thứ hai phụ bản; xin hãy ân cần lắng tai nghe, - và tất cả thế giới sẽ bị quyến rũ. – Tôi đã cầm cung đàn nơi tay, tôi xin bắt đầu:
NHỮNG CÔ NHÂN TÌNH BÉ NHỎ CỦA TÔI
Một mầu nước mắt phai nhòa...

A.R
Thế đó. Và lưu ý cho rằng, nếu tôi không sợ làm ông tốt hơn 60x, tiền tem, tôi, kẻ lưu đãng cố cùng, từ bẩy tháng nay, không được sờ tới một trinh – thì tôi đã gửi thêm cho ông bài “Những Tình Nhân Paris’’ của tôi, một trăm câu sáu chữ thưa ông, và bài “Paris chết’’ của tôi, gồm hai trăm câu sáu chữ!
Tôi nói tiếp:
Vậy thi nhân đúng là kẻ ăn trộm lửa.
Hắn có trách nhiệm với nhân loại, cả thú vật nữa! hắn phải làm cho những sáng tác của hắn có thể ngửi, sờ mó, nghe thấy được; nếu điều hắn ghi nhận từ nơi đó có hình thể hắn phải cho nó hình thể; nếu vô hình, hắn phải cho nó vô hình, phải tìm một ngôn ngữ; - Vả lại, mọi lời nói đều là ý tưởng, thời của ngôn ngữ đại đồng sẽ tới! Phải là một ông hàn – chết chóc hơn một vật hóa thạch – để hoàn thành một cuốn từ điển, của bất cứ ngôn ngữ nào. Những kẻ yếu đuối, bắt đầu suy tưởng về chữ đầu tiên của mẫu tự chẳng bao lâu có thể phát điên lên!
Ngôn ngữ này sẽ là ngôn ngữ của tâm hồn nói với tâm hồn, thâu tóm tất cả, hương sắc, thanh âm, tư tưởng bám lấy tư tưởng và lôi kéo. Thi nhân xác định số lượng vị trí thức tỉnh trong tâm vũ trụ ở thời đại hắn: hắn tạo tác nhiều hơn thể thức của tư tưởng hắn, hơn sự đo lường con đường đi tới Tiến Bộ của hắn! Sự phi thường trở thành bình thường 
[4], hấp thụ bởi tất cả, quả thực hắn sẽ là một thừa số của tiến bộ!
Tương lai này sẽ hiện thực như ông thấy. – Luôn luôn đầy Số và Hòa Âm, những bài thơ này sẽ được làm ra để tồn tại. – Quả thực, hãy còn một chút thi ca Hy Lạp.
Nghệ thuật vĩnh cửu sẽ có chức vụ của nó, bởi thi nhân là những công dân. Thi ca sẽ không đánh nhịp cho hành động nữa, nó sẽ đi tiên phong.
Những thi nhân sẽ hiện hữu! Khi nào ách nô lệ vô cùng tận của đàn bà đổ gẫy, khi nào người đàn bà sống cho mình và tự mình, người đàn ông, - khả ố từ xưa tới nay, - đã trả lại cho người đàn bà tự do, chính người đàn bà cũng sẽ là thi nhân nữa! Người đàn bà sẽ khám phá thấy cái vị tri! Thế giới tự do của nàng có khác thế giới của chúng ta không? – Nàng tìm thấy những điều kỳ lạ, khôn lường, gớm ghê, dịu ngọt; chúng ta sẽ thu nạp, chúng ta sẽ hiểu.
Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy đòi hỏi thi nhân cái mới lạ, - nội dung và hình thức. Tất cả những kẻ quỉ quái tinh ma chẳng bao lâu tưởng có thể thỏa mãn chúng ta đòi hỏi này: - Đâu phải như vậy!
Những kẻ đầu tiên theo chủ trương lãng mạn đều là tiên tri thấu thị mà không hoàn toàn ý thức điều đó: sự đào luyện của tâm hồn họ bắt đầu một cách tình cờ: những đầu tầu hỏa bị thải đi, nhưng vẫn cháy bỏng, mà thỉnh thoảng thiết lộ còn đẩy đưa đi. – Lamartine đôi khi là tiên tri thấu thị, nhưng bị bóp nghẹt bởi hình thức cũ. – Hugo, quá cứng đầu, đích thực đã có nhiều thị kiến trong những tác phẩm cuối cùng: Les Misérables đúng là một bài thơ. Tôi có bộ Les Châtiments bên mình; Stella gần cho thấy giới hạn của thị lực của Hugo. Quá nhiều tính chất Belmontet và Lamenais. Jehovahs và đội ngũ, những kẻvĩ đại già cỗi đã chết.
Musset đáng ghét gấp mười bốn lần hơn đối với chúng ta, những thế hệ đau khổ bị ảo tưởng lôi cuốn, mà sự làm biếng thần thánh của hắn là một sự sỉ nhục! Ôi những tiểu thoại và những châm ngôn nhạt nhẽo! Ôi những Nuits! Ôi Rolla, ôi Namouna, ôi la Coupe! Tất cả đều có tính chất Pháp quốc, nghĩa là đáng ghét đến cùng độ; tính chất Pháp quốc chứ không phải parisien! Còn một tác phẩm nữa của thiên tài khả ố này đã làm hứng khởi Rabelais, Voltaire, Jean La Fontaine, chú giải bởi Ô. Taine! Tươi như hoa xuân, cái tinh thần của Musset! Quyến rũ, tình yêu của hắn! Đó là hội họa đồ sứ, thi ca vững bền trường cửu! Thi ca Pháp sẽ được thưởng thức lâu dài, nhưng chỉ ở Pháp. Tất cả mọi cậu bé bán hàng đều có thể gỡ rối phép hô khởi Rolla, tất cả mọi chủng sinh đều có năm trăm vần thơ giấu kín trong sổ ghi. Ở tuổi mười lăm, những xung động của đam mê khiến những thanh niên động cỡn: ở tuổi mười sáu, họ đã bằng lòng đọc thuộc lòng với tất cả tâm tình, ở tuổi mười tám, ngay cả ở tuổi mười bẩy, tất cả mọi học sinh trung học cơ phương sách làm Rolla đều viết một cuốn Rolla! Có thể có vài kẻ còn chết được vì nó nữa. Musset không biết làm gì cả: có những linh tượng sau tấm vải mỏng của màn cửa: hắn nhắm mắt. Dân Pháp, èo ượt, lê lết từ quán rượu tới phòng học, thi thể mỹ miều đã chết thực và, từ nay chúng ta chẳng mất công đâu đánh thức nó với sự ghê tởm của chúng ta!
Lớp lãng mạn thứ nhì đúng là những tiên tri thấu thị; Théophile Gautier, Leconte de Lisle, Théodore de Banville. Nhưng thám sát cái không thể thấy và lắng nghe cái chưa từng nghe hoàn toàn khác việc lấy lại tinh thần những sự việc đã chết, Baudelaire là một tiên tri thấu trị đầu tiên, vua của những thi nhân, một Thượng Đế đích thực. Tiếc thay ông sống trong một môi trường quá nghệ sĩ và hình thức được tán dương quá đáng nơi ông hèn mọn chứ không có chi đặc sắc. Những khám phá cái vị trí đòi hỏi những hình thức mới.
Đoạn tuyệt những hình thức cũ – trong đám những kẻ ngây thơ. A. Renaud, - đã thực hiện tác phẩm Rolla của mình; - L. Grandet, - đã thực hiện những tác phẩm Rolla của mình; - L, Grandet, - đã thực hiện những tác phẩm Rolla của mình; - những tên gaulois và những tên Musset, G. Lafenestre, Coran, Cl. Popelin, Soulary, L. Salles; những tên học trò, Marc, Aicard, Theuriet; những đã kẻ chết và và những tên khốn khiếp, Autran, Barbier, L. Cladel, Robert Luzarches, X. de Aicard; những tên nghệ sĩ ngông, C. Mendès; những tên lưu đãng; những mụ đàn bà; những tên có tài, Léon Dierx và Sully - Prudhomme, Coppée, - trường phái mới, gọi là thi sơn, có hai tiên tri thấu thị, Albert Mérat và Paul Verlaine, một thi nhân đích thực. Vậy đó.
Bởi thế tôi làm để khiến mình trở thành tiên tri thấu thị. – Và chúng ta kết thúc bằng một bài ca thành kinh.
NGỒI XỔM
Đêm khuya, khi chàng cảm thấy dạ dầy nôn nao...

Ông sẽ đáng ghét vô cùng nếu không trả lời: trả lời ngay, bởi vì có thể tám ngày nữa, tôi đã ở Paris rồi.
Tạm biệt.
A. Rimbaud.
À Paul Demeny
à Douai
Charleville, 15 mai 1871
J’ ai résolu de vous donner une heure de littérature nouvelle. Je commence de suite par un psaume d’actualité:
CHANT DE GUERRE PARISIEN
Le printemps est evident, car…
A. Rimbaud.
- Voici de la prose sur l’avenir de la poésie: - Toute poésie antique aboutie à la poésie greeque. Vie harmonieuse . – De la Grèce au mouvement romantique, - moyen âge, - il y a des lettrés, des versificateurs. D’Ennius à Theroldus, de Theroldus à Casimir Delavigne, tout est prose rimé un jeu, avachissement et gloire d’inombrables générations idiotes: Racine est le pur, le fort, le grand. – On eût, soufflé sur ses rimes, brouillé ses hémistiches, que le Divin Sot serait aujourd’hui aussi ignoré que le premier venu auteur d’ Origines. – Après Racine, le jeu moisit. Il a duré deux mille ans!
Ni plaisanterie, ni paradoxe. La raison m’inspire plus de certitudes sur le sujet que n’aurait jamais eu de colère un Jeune France. Du reste, libre aux nouveaux d’exécrer les ancêtres: on est chez soi et l’on a le temps.
On n’a jamais bien jugé le romantisme. Qui aurait jugé? Les Critiques!! Les Roman tiques? Qui prouvent si bien que la chanson est si peu souvent l’œuvre, c’est – à- dire la pensée chantée et comprise du chanteur?
Car JE est un autre. Si le cuivre s’éveille clairon, il n’y a rien de sa faute. Cela m’est évident: j’assiste à l’éclosion de ma pensée: je la regarde, je l’écoute: je lance un coup d’archet: la symphonie fait son remuement dans les profondeurs, ou vient d’un bond sur la scène.
Si les vieux imbéciles n’avaient pas trouvé du Moi que la signification fausse, nous n’aurions pas à balayer ces millions de squelettes qui, depuis un temps infini, ont accumulé les produits de leur intilligence borgnesse, en s’en clamant les auteurs!
En Grèce, ai – je dit, vers et lyres rhythment l’Action. Après. Musique et rimes sont jeux, délassements. L’étude de ce passé charme les curieux: plusieurs s’ejouissent à renouveler ces antiquités: - c’est pour eux. L’intelligence universelle a toujours jeté ses idées naturellement; les hommes ramassaient une partie de ces fruits du cerveau: on agissait par, on en ecrivait des livres: telle allait la marche, l’homme ne se travaillant pas, n’étant pas encore éveillé, ou pas encore dans la plénitude du grand songe. Des fonctionnaires, des ecrivains: auteur, créateur, poète, cet homme n’a jamais existé!
La première étude de l’homme qui veut être poète est sa propre connaisance, entière; il cherche son âme, il l’inspecte, il la tente, l’apprend. Des qu’il la sait, il doit la cultiver: cela semble simple: en tout cerveau s’accomplit un développement naturel, tant d’égoistes se proclament auteurs: il en est bien d’autres qui s’attribuent leur progrès intellecture! – Mais il s’agit de fair l’âme monstrueuse: à l’instar des comprachicos, quoi! Imaginez un homme s’implantant et se cultivant des verrues sur le visage.
Je dis qu’il faut être voyant, se faire voyant.
Le Poète se fait voyant par un long, immense et raisonné dérèglement de tous les sens. Toutes les formes d’amour, de souffrance, de folie; il cherche lui même, il épuise que les tous les poisons, pour n’en garder que les quintessences Ineffable torture où il besion de toute la foi, de toute la force surhumaine, où il devient entre tous le grand malade, le grand criminel, le grand maudit, - et le suprême Savant! – Car il arrive à l’inconnu! Puisqu’il a cultive son âme, déjà riche, plus qu’aucun! ll arrive à l’inconnu et quand, affolé, il finirait par perdre, l’intelligence de ses visions, il les a vues! Qu’il crève dans son boudissement par les choses inoures et innommables: viendront d’autres horriblé travailleurs; ils commenceront par les horizons où l’autre c’est affaissé!
- la suite à six minutes –
Ici j’intercale un second psaume, hors du texte: veuillez tendre une oreille complaicante, - et tout le moude sera charmé – J’ai l’archet en main, je commence:
MES PETITES AMOUREUSES
Un hydrolat lacrymal lave…
A. R
Voilà. Et remarquez bien que, si je ne eraignais de vous faire débourser plus de 60 c. de port, - moi pauvre effaré qui, depuis sept mois, n’ai pas tenu un seul rond de bronze! – je vous livrais encore mes “Amants de Paris’’, cent hexamètres, Monsieur, et ma “Mort de Paris’’, deux cents hexamètres!
Je reprends:
Done le poète est vraiment voleur de feu.
ll est chargé de l’humanité, des animaux même; il devra faire sentir, palper, écouter ses inventions; si ce qu’il rapporte de  – bas a forme, il donne forme; si c’est informe, il donne de informe. Trouver une langue; - Du reste, toute parole étant idée, le temps d’un langage universel viendra! ll faut être académicien, - plus mort qu’un fossile, - pour parfaire un dictionnaire, de quelque langue que ce soit. Des faibles ce mettraient à penser sur la première lettre de l’alphabet, qui pourraient vile ruer dans la folie!
Cette langue sera de l’âme pour l’âme, résumant tout, parfums, sons, couleurs, de la pensée accrochant la pensée et tirant. Le poète définirait la quantité d’inconnu s’éveillant en son temps dans l’âme universelle: il donnerait plus que la formule de sa pensée, que l’annotation de sa marche au Progrès ! Énormité devenant norme, absorbée par tous, il serait vraiment un multiplicateur de progrès!
Cet avenir sera matérialiste, vous le voyez; - Toujour pleins du Nombre et de l’Harmonie, ces poèmes seront faits pour rester. – Au fond, ce serait encore un peu la Poésie grècque.
L’art éternel aurail ses fonctions, comme les poetes sont citoyens. La Poésie ne rhythmera plus l’action; elle sera en avant.
Ces petes seront! Quand sera brisé l’infini servage de la femme, quand elle vivra pour elle et par elle, l’homme, - jusqu’ici abominable, - lui ayant donné son renvoi; elle sera poete, elle aussi! La femme trouvera de l’inconnu! Ses mondes d’idées différeront – ils des notres? – Elle trouvera des choses étranges, insondables, repousantes, délicieuses; nous les prendrons, nous les comprendrons.
En attendant, demandons aux poètes du nouveau, - idées et formes. Tous les habiles croiraient bientôt avoir satisfait à cette demande: - Ce n’est pas cela!
Les premièrs romantiques ont été voyants sans trop bien s’en rende compte; la culture de leurs âmes s’est commencée aux accidents: locomotives abandonnées, mais brûlantes, que prennent quelque temps les rails. – Lamartine est quelquefois voyant, mais étranglé par la forme vieille. – Hugo, trop cabochard, a bien du vu dans les derniers volumes: Les Châtiment sont un vrai poème. J’ai Les Châtiments sous main; Stella donne à peu près la mesure de la vue de Hugo. Trop de Belmontet et de Lamennais, de Jéhovahs et de colonnes, vieilles énormités crevées.
Musset est quatorze fois exécrable pour nous, générations douloureuses et prises de visions –que sa paresse d’ange a insultées! Ô ! les contes et les proverbess fadasses! Ô les Nuit! Ô Rolla, Ô Namouna, Ô la Coupe! Tout est français, c’est – à – dire haissable au suprême degré; français, pas parisien! Encore une œuvre de cet odieux génie qui a insprié Rabelais, Voltaire, Jean La Fontaine! Commenté par M. Taine! Printainier, l’esprit de Musset! Charmant, son amour! En voilà, de la peinture à l’émail, de la poésie solide! On savourera longtemps la poésie française, mais en France. Tout garçon épicier est en mesure de déhobiner une apostrophe Rollaque, tout séminariste emporte les cinq cents rimes dans le secret d’un carnet. A quinze ans, ces élans de passion mettent les jeunes en rut; à seize ans, ils se contentent dèjà de les réciter avec cœur; à dix – huit ans, à dix – sept même, tout collégien qui a le moyen fait le Rolla, écrit un Rolla! Quelques uns en meurent peut – être encore. Musset n’a rien su faire: il y avait des visions derrière la gaze des rideaux: il a fermé les yeux. Francais, panadis, traîné de l’estaminet au pupitre de collége, le beau mort est mort, et, désormais, ne nous donnons même plus la peine de le réveiller par nos abominations!
Les seconds romantiques sont très voyants: Theophile Gautier, Leconte de Lisle, Théodore de Banville. Mais inspecter l’invisible et entendre l’inoui étant autre chose que reprendre l’esprit des choses mortes, Baudelaire est le premier voyant, roi des poetes, un vrai Dieu. Encore a – t – il vécu dans un milieu trop artiste; et la forme si vantée en lui est mesquine. Les inventions d’inconnu réclament des formes nouvelles.
Rompue aux formes vieilles, - parmi les innocents, A. Renaud, - a fait son Rolla; I. Grandet, a- fait son Rolla;- les gaulois et les Mussets, G. Lafenestre, Coran, Cl. Poipelin, Soulary, L. Salles; les écoliers, et les imbéciles, Autran, Barbier, L. Pichat, Lemoyne, les Deschamps, les Des Essarts; les journalistes, L. Cladel, Robert Luzarches, X. de Ricard; les fantaisistes, C. Mendès; les bohèmes; les femmes; les talents, Léon Dierx, Sully – Prudhomme, Coppée; - la nouvelle école, dite parnassienne, a deux voyant, Albert Mérat et Paul Verlaine, un vrai poète. – Voilà.
Ainsi je travaille à me rendre voyant. – Et finissions par un chant pieux.
Accroupissements
Bien tard, quand il se sent l’estonmac écocuré,...
Vous seriez exécrable de ne pas répondre; vite, car dans huit jours, je serai à Paris, peut – être.
Au revoir,
A. Rimbaud.

Gửi gia đình
Harar, 4 tháng năm 1881
Gia đình mến,
Ở bên ấy đang là mùa hè, và ở bên này là mùa đông, nghĩa là trời khá nóng, nhưng mưa luôn. Thời tiết này còn kéo dài vài tháng nữa.
Trong vòng sáu tháng nữa sẽ tới mùa hái café.
Phần tôi, tôi tính sắp rời tỉnh này để đi buôn bán trong vùng đất lạ. Có một cái hồ lớn cách đây dăm ngày đường và đó là xứ ngà voi: tôi sắp cố gắng đi tới. Nhưng xứ đó chắc phải thù nghịch lắm.
Tôi sắp mua một con ngựa và ra đi. Trong trường hợp sự việc hung hiểm và tôi ở lại đó, tôi xin báo trước cho gia đình rõ là tôi có một số tiền bẩy lần 129 roupie thuộc về tôi gửi ở phân cục Aden, và gia đình cứ việc đòi nếu thấy bõ công.
Gửi cho tôi xin một số báo nào đó cũng được nói về việc công để tôi biết qua tình hình. Có phải người ta làm việc ở Panama không?
Hãy viết cho Ô. Wurster và Cty giám đốc xuất bản ở Zurich, Thụy Sĩ và yêu cầu họ gửi ngay cho nhà cuốn “Chuyên Thư Du Lịch” của Ô. Kaltbrünner, theo thể thức lãnh hóa giao ngân hay cách nào cũng được tùy ý ông ta. Cũng xin gửi cho cuốn “Xây cất ở biển” của Bonniceau, nhà sách Lacroix.
Gửi cho phân cục Aden.
Chúc gia đình an khang. Bái biệt.
A. Rimbaud
Aux Siens
Harar, 4 mai 1881.
Chers amis,
Vous êtes en été, et c’est l’hiver ici, c’est – à – dire qu’il fait assez chaud, mais il pleut souvent. Cela va durer quelques mois.
La récolte du café aura lieu dans six mois.
Pour moi, je compte quitter prochainenment cette ville – ci pour aller trafiquer dans l’inconnu. ll y a un grand lac à quelques journées, et c’est en pays d’ivoire: je vais tâcher d’y arriver. Mais le pays doit être hostile.
Je vais acheter un cheval et m’en aller. Dans le cas où cela tournerait mal, et vue j’y reste, je vous préviens que j’ai une somme de 7 fois 150 roupie m’ appartenant déposé à l’agence d’ Aden, et que vous réclamerez, si ça vous semble en valoir la peine.
Envoyez – moi un numéro d’un journal quelconque de travaux publics que je sache ce qui se passe. Est – ce qu’on travaille à Panama?
Écrivez à MM Wurster et Cie, éditeurs à Zurich, Suissse, et demandez de vous envoyer de suite la Manuel du Voyageur, par M. Kaltbrünner, contre remboursement on comme il lui plaira. Envoyez aussi les Constructions à la mer par Bonniceau, librairie Lacroix.
Expédiez à l’agence d’Aden.
Portez - vous bien. Adieu.
A. Rimbaud
Chú thích:

[1]Thời của những kẻ giết ngườiNghiên cứu về Rimbaud, Hồng Hà xuất bản.
[2]Thơ Bùi Giáng
[3]cf. Henry Miller, Sđd, tr. 96
[4]Hay cực đại trở thành quy phạm nguyên tắc

Arthur Schopenhauer
Nói về bút pháp

Giới thiệu Arthur Schopenhauer chào đời tại Danzig ngày 22 tháng hai năm 1887. Cha ông là một thương gia theo tư tưởng cấp tiến. Mẹ ông, Johanna, là một người thông minh và là một tiểu thuyết gia thành công thời bấy giờ.
Từ thuở nhỏ, Schopenhauer đã tỏ ra thông minh khác thường. Ông theo cha trong những cuộc buôn bán ở ngoại quốc và tòng học tại những nước đó. Ông bước vào thương trường tại Hamburg. Sau khi cha ông từ trần, có lẽ tự tử, vào năm 1805, Schopenhauer lại tiếp tục đi học lại. Ông khinh bỉ triết học của Fichte đang được giảng dậy tại đại học Berlin. Ông quyết định lập một triết thuyết riêng.
Luận án tiến sĩ của ông, Về bốn cội nguồn của nguyên tắc túc lý, được in năm 1813. Ông trở về sống với mẹ tại Weimar, nơi ông được nhiều triết gia, trong số đó có Goethe, khuyến khích.
Sau khi bất hòa với mẹ, Schopenhauer, tới Dresden, chính tại đó, ông viết tác phẩm lớn nhất của ông Thế giới như ý chí và ý tượng. Ông chủ trương rằng ý chí là nền tảng của vũ trụ và ý chí tội lỗi tự căn bản. Bởi thế, cứu cánh của đời người là tiêu diệt ý chí ấy. Tư tưởng Schopenhauer nhuốm mầu sắc Phật giáo và Vedanta. Ông hy vọng tác phẩm của ông được chấp nhận ngay như một tác phẩm triết học quan trọng, cách mạng. Trái với lòng mong mỏi ấy, Thế giới như ý chí và ý tượng, bị người ta bỏ quên.
Schopenhauer bắt đầu diễn giảng tại đại học Berlin từ 1820, nhưng ông cũng lại bị thất lạc trước triết học duy lý của Hegel đang làm mưa làm gió tại đại học Berlin lúc đó. Từ năm 1822 tới năm 1831 Schopenhauer du lịch qua Ý, Thụy Sĩ. Lúc nào cũng chỉ có một mình. Cuối cùng, năm 1831, ông hẳn tại Frankfurt – am – Main, nơi ông sống hoàn toàn trong cô liêu. Ông mất tại Frankfurt ngảy 21 tháng chín năm 1860.
Có một khía cạnh trong cá tính và tư tưởng Schopenhauer thường được liên tưởng tới mỗi khi tên ông được nhắc đến: bi quan. Tuy nhiên, không có dụng ngữ nào khó dùng như chữ “bi quan”. Đôi khi, bi quan triệt để lại chính là nguồn gốc của nỗi hân hoan cùng cực như Nietzsche, môn đệ của Schopenhauer, đã chứng minh. Người ta ghê sợ, xa lánh, không muốn nói tới ông không phải vì tính chất bi quan phi lý của ông nhiều cho bằng vì sự tàn bạo của ông. Quả thực, ông là một người vô cùng tàn bạo. Không một người nào, ngay cả Beethoven, lại có thể duy trì được cơn thịnh nộ hung bạo lâu đến như ông. Khi Nietzsche tìm cách “Làm thế nào triết lý với một cây búa”, chúng ta phải hiểu rằng, chính Schopenhauer đã cho Nietzsche mượn cái cán búa ấy.
Có một điểm mà tất cả những người đọc Schopenhauer phải công nhận, dù họ thích triết lý của ông hay không, đó là sự kiện Schopenhauer là một nhà văn tài ba. Sau Platon, trước Nietzsche và Bergson, Schopenhauer là một triết gia có một bút pháp vô cùng quyến rũ, đến nỗi chính Nietzsche, trong cuốn khảo luận Schopenhauer, nhà giáo dục (Schopenhauer als Erzicher) trong bộ Những suy tưởng phi thời (Unzeil – gemmaisse Betrachtungen) cũng phải nhìn nhận rằng: “Bút pháp của Schopenhauer đôi khi khiến tôi nhớ đến bút pháp của Goethe, nhưng không nghĩ tới một mẫu mực nào khác ở Đức. Vì ông biết nói một cách đơn giản những điều thật sâu xa, khiến người ta cảm động mà không cần tu từ pháp, và diễn tả những chân lý hoàn toàn có tính cách khoa học mà không thông thái rởm…”. Chỉ có bút pháp của Lessing và Montaigne họa may mới có thể sánh được với ông.
Schopenhauer lên án những lối viết khoa trương rỗng tuếch. Ông chỉ trích nặng nề những kẻ chuyên dùng đao to búa lớn; những tên tiên tri thấu thị giả mạo, chuyên nói chuyện trên trời dưới bể, viết như có thể hô phong hoán vũ, khạc ra lửa, mửa ra mật đen mật vàng ở trang trước để rồi, ngay ở trang sau thôi, quỵ và lụy xuống những tình cảm yếu đuối, con người (Schopenhauer’s Ausdruck erinnert mich hier und da ein wenig an Goethe, sonst aber überhaupt nicht an deutsche Muster. Denn er versteht es, das Tiefsinnige einfach, das Ergreifende ohne Rhetorik, das streng Wissenschaftliche ohne Pedanterie zu sagen…), quá con người, kể lể dài dòng, mơn trớn rối rít đến thảm bại, ca và ngợi mãi được lòng thương xót mà trong lòng chúng không có đến một giọt. Ông lột mặt nạ một cách tàn nhẫn những kẻ bịp bợm chuyên dùng khiếm khí giả, viết những câu, những chữ trừu tượng, khó hiểu để, thay vì diễn tả điều mình muốn nói, lại che dấu đi, bởi trong thâm tâm, chúng biết rằng những điều ấy quá tầm thường không hấp dẫn nổi ai: chúng sợ bị hiểu. Ông cũng không tha thứ những tên ma giáo chỉ có ngoại kích mà thiếu nội công, chuyên dùng loạn đao, chửi bới lung tung đập phá lung tung hay ca tụng lung tung, tâng bốc lung tung thì cũng vậy, như một cách duy nhất để tiến thân.
Với tất cả những kẻ ấy, Schopenhauer cảnh báo rằng:
Chỉ là mảnh vải thô chướng thôi, man trá đem lau chùi hay bôi xóa những hoành phi câu đối vàng son mà hy vọng trở thành hoa gấm ư? Hư vọng lắm thay! Mi sẽ rớt xuống như một tấm rẻ rách bẩn thỉu!
Hãy là mình, thẳng thắn nhìn nhận con người mình, dù yếu đuối hay bất tài.
Hãy viết thành thực và một cách bình dị, tất cả những điều mình thấy, biết, cảm nghiệm, dù xấu xa hay tầm thường.
Vì thành thực là bí quyết của một bút pháp hay và đơn giản chính là yếu tính của thiên tài.

Bút pháp là diện mạo của tâm hồn và là dấu chỉ tính tình bảo đảm hơn nét mặt. Bắt chước bút pháp của người khác chẳng khác nào đeo mặt nạ, chẳng những không bao giờ đẹp đẽ hơn mà lại còn lập tức tạo ra sự kinh tởm và gớm ghiếc, bởi vì nó vô sinh; đến nỗi ngay cả khuôn mặt xấu xí nhất cũng vẫn còn hơn. Từ đó những kẻ nào viết bằng tiếng La Tanh và mô phỏng cách viết của những tác giả cổ điển có thể bị coi như nói qua một cái mặt nạ; độc giả, thực tế, nghe thấy họ nói gì nhưng không thể quan sát diện mạo họ; không thể thấy bút pháp họ. Với những tác phẩm La Tanh của những tác giả suy nghĩ cho mình, trường hợp lại khác hẳn, và bút pháp của họ biểu lộ; nhà văn, tôi muốn nói tới những người không chịu hạ mình chấp nhận bất cứ một hình thức bắt chước nào, như Scotus Erigena, Petrarch, Bacon, Descartes, Spinoza, và nhiều người khác nữa. Sự làm bộ trong bút pháp giống như sự nhăn mặt. Hơn nữa, ngôn ngữ trong đó nhà văn sử dụng còn là diện mạo của quốc gia ông ta; và từ đây có nhiều sự sai biệt rõ rệt và dễ thấy ngay, bắt đầu từ ngôn ngữ của người Hy Lạp tới ngôn ngữ của thổ dân đảo Caribbean.
Hình thành một sự thẩm định hẹp hòi về giá trị của sáng tác phẩm của một nhà văn, không trực thiết bằng hiểu biết về đề tài mà nhà văn đó suy tưởng, hay điều ông ta nói: việc đó bao hàm việc đọc toàn bộ tác phẩm của ông ta. Đại để, hiểu ông ta suy tưởng cách nào là đủ rồi. Điều này, nghĩa là tính tình chủ yếu hay tính chất đại cương của tâm trí ông ta, có thể xác định rõ rệt bởi bút pháp của ông ta. Bút pháp một người cho ta thấy đặc tính hình thái của toàn thể tư tưởng hắn – đặc tính tình thái không bao giờ thay đổi, dù đề tài hay đặc chất của tư tưởng hắn có thể thế nào đi chăng nữa. Nó như thể bột nhồi làm bánh mà mọi nội dung của tâm hồn hắn được nặn thành. Khi được hỏi đi sang làng bên cạnh mất bao lâu, Eulenspiegel trả lời có vẻ phi lý: Đi. Ông ta muốn tìm ra khoảng cách con người có thể đi trong một thời gian chỉ định bằng cách đi của người ta. Tương tự như vậy, khi tôi đọc vài trang của một tác giả, tôi biết rất rõ hắn có thể mang tôi đi xa đến đâu.
Tất cả mọi nhà văn tầm thường đều cố gắng che đậy bút pháp tự nhiên của chính mình, bởi vì trong thâm tâm, họ biết sự thật của điều mà tôi đang nói đây. Thoạt tiên, họ bị bắt buộc phải chấm dứt bất cứ toan tính muốn được thẳng thắn hay chân thật nào – một đặc ân chỉ dành cho những tâm hồn siêu đẳng, ý thức về giá trị của chính mình và do đó tự tin nơi mình. Điều tôi muốn nói là những nhà văn tầm thường tuyệt đối không thể quả quyết viết như họ nghĩ, bởi vì họ cảm tưởng rằng, nếu họ làm vậy, tác phẩm của họ có thể sẽ rất trẻ con và ngây ngô. Dầu sao, nó không phải là không có đôi chút giá trị. Nếu họ bắt tay vào việc một cách lương thiện, và nói, một cách đơn giản những điều họ suy nghĩ thực sự, và đúng y như họ nghĩ về chúng, những nhà văn này có thể đọc được và trong phạm vi riêng của họ, còn có tác dụng giáo huấn nữa.
Nhưng thay vì thế, họ cố gắng làm cho độc giả tin rằng tư tưởng của họ còn đi xa hơn thế rất nhiều và sâu xa hơn thực tế. Họ nói điều phải nói bằng những câu dài quanh co ngoắt ngéo , câu thúc và thiếu tự nhiên; họ đặt ra những chữ mới và viết những câu văn rườm rà đi vòng quanh, vòng quanh ý tưởng và bao bọc nó trong một hình thức trá hình giả dối. Họ giao động giữa hai mục đích khác hẳn nhau: thông tri điều họ muốn nói và che đậy nó. Mục tiêu của họ là trang điểm nó để nó có vẻ trí thức hoặc sâu sắc, hầu cho độc giả có cảm tưởng rằng trong đó nó chứa đựng nhiều hơn lúc mắt mới nhìn qua rất nhiều. Hoặc họ ghi chép ý tưởng họ từng mảnh vụn một, tóm lại, những câu mơ hồ và mâu thuẫn, bề ngoài có vẻ hàm ngụ nhiều ý nghĩa hơn họ nói – về lối viết này, những bài luận thuyết về triết học tự nhiên của Schelling là một thí dụ điển hình; hoặc họ diễn thuyết tràng giang đại hải và dài dòng không chịu nổi như thể sự lê thê không dứt cần để độc giả hiểu ý nghĩa thâm trầm của câu văn họ, trong khi nó có vẻ hơi ngây ngô nếu thực không phải là ý tưởng tầm thường được lặp đi lặp lại, thí dụ về lối viết này có thể tìm thấy vô số trong những tác phẩm phổ thông của Fichte, và trong những cuốn chuyên thư triết học của hàng trăm tên khờ khạo đáng thương khác không đáng kể ra ở đây; hoặc, họ còn cố gắng viết bằng một vài bút pháp đặc biệt mà họ say mê sử dụng và nghĩ rằng đó một bút pháp cao siêu sâu sắc và khoa học tuyệt với, mà độc giả có thể bị giầy vò tới chết đi được bởi hiệu quả ru ngủ của những câu cú dài lê thê không chứa đựng một mảy may ý tưởng nào trong đó cả - như được cung cấp trong một phạm vi đặc biệt bởi những con người trơ trẽn nhất trên đời, những môn đồ của Hegel; hoặc có thể đó là một bút pháp trí thức mà họ cố gắng đạt tới, bút pháp trong đó hình như đối tượng hoàn toàn phát điên; v.v… trong nhiều trường hợp khác. Tất cả mọi bút pháp này cố gắng dời lại việc nascetur ridiculus mus (cố gắng Thái Sơn đẻ ra con chuột nhắt) – tránh trình bầy cái sinh vật tí hon sinh ra từ những nỗi thống khổ lớn lao này – thường làm cho người ta khó hiểu thực sự chúng muốn nói gì. Và rồi, họ viết lia lịa có khi cả chục câu trọn vẹn, mà không gắn bó một chút ý nghĩa nào vào đó cả, nhưng lại hy vọng rằng một số người nào đó sẽ mọi móc từ đó ra được đôi chút ý nghĩa.
Và đâu là nền tảng của tất cả những thứ đó? Không gì khác hơn là một cố gắng bán chữ cho tư tưởng không biết mệt, một lối buôn bán luôn luôn cố gắng khai trương lại cho chính mình và những thành ngữ kỳ cục, đảo câu và kết hợp đủ mọi kiểu, hoặc mới hoặc cũ trong một ý nghĩa mới, để tạo ra một vẻ trí thức hầu thay thế cho cái cảm thức khiếm khuyết đớn đau.
Thú vị biết bao khi thấy những nhà văn nhằm đối tượng này thử hết kiểu thức cầu kỳ này đến kiểu thức cầu kỳ khác như thể họ đang đeo mặt nạ trí thức! Chiếc mặt nạ này có thể đánh lừa được kẻ thiếu kinh nghiệm trong chốc lát, cho đến khi người thấy rõ nó là một vật chết, không có chút sự sống nào trong đó cả; rồi nó bị chế giễu và được thay bằng cái khác. Một tác giả thuộc loại này có lúc viết một cách sôi nổi như thể hắn đang say sưa, nhưng có lúc, ngay trang sau thôi, hắn sẽ phách lối, nghiêm khắc, uyên bác và luộm thuộm, ấp úng trong một cách nói luống cuống ngập ngừng nhất và chẻ sợi tóc ra làm tư; giống như nhà văn quá cố Christian Wolf; chỉ trong bộ cánh tân thời hơn thôi. Sống dai dẳng nhất là cái mặt nạ của sự khó hiểu; nhưng cái mặt nạ này chỉ có Đức, nơi nó được du nhập vào bởi Fichte, được làm cho hoàn hảo thêm bởi Schelling và được đưa lên tới chóp đỉnh trong tác phẩm của Hegel – luôn luôn nó gặt hái được kết quả tốt đẹp nhất.
Tuy nhiên, không có gì dễ hơn là viết khiến cho không ai hiểu gì cả, ngược lại, không có gì khó hơn là diễn tả những điều sâu xa bằng một cách mà tất cả mọi người, từ ngu phu ngu phụ, đều nhất thiết phải hiểu được. Tất cả mọi nghệ thuật và mánh lới tôi vừa kể trên trở thành vô dụng nếu tác giả quả thật có chút đầu óc; vì điều đó cho phép hắn trình bầy con người thực của hắn, và chứng thực cho mọi thời đại câu châm ngôn của Horace nói rằng không ngoan là suối nguồn và khởi nguyên của bút pháp:
Scribendi recte sapere est el principium et fons.
(Minh triết là khởi nguyên và nguồn gốc của văn hay)

Nhưng những tác giả tôi đã kể tên giống như một số công nhân kim loại, thí nghiệm hàng trăm hợp kim để thay thế vàng – một kim loại duy nhất không bao giờ thay thế được. Tệ hơn thế nữa, không gì khiến nhà văn sơ hở hơn là cố gắng lộ liễu trưng bầy trí thức của mình hơn thực sự có; bởi vì điều đó khiến độc giả nghi ngờ rằng hắn hiểu biết rất ít; vì bao giờ cũng vậy, nếu một người làm bộ có bất cứ điều gì, thì y như rằng hắn khiếm khuyết điều đó.
Đó là lý do tại sao chúng ta ca ngợi một nhà văn khi nói rằng ông ta ngây thơ: điều đó có nghĩa rằng ông ta không cần trốn tránh việc tự biểu lộ con người chân thật của ông ta. Nói chung, ngây thơ đồng nghĩa với việc quyến rũ, trong khi thiếu tự nhiên nơi nào cũng bị cự tuyệt. Thực thế, chúng ta thấy rằng bất cứ một nhà văn vĩ đại thực sự nào cũng cố gắng trình bầy tư tưởng ông ta càng thuần khiết, minh bạch, xác đáng và gọn gàng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Sự đơn giản bao giờ cũng được coi như một dấu hiệu của sự thật, nó còn là một dấu hiệu của thiên tài. Bút pháp nhận được vẻ đẹp từ câu văn nó diễn tả; nhưng với những triết gia giả mạo, người tưởng rằng tư tưởng sở dĩ đẹp là nhờ bút pháp. Bút pháp không là gì hết ngoài cái bóng của tư tưởng, và một bút pháp tối tăm hay tồi tệ có nghĩa là một đầu óc trì độn hay rối loạn.
Vậy thì, qui luật thứ nhất cho một bút pháp hay, là tác giả có điều gì để nói; hơn nữa; điều này, trong tự thể, hầu như là tất cả những gì cần thiết. A, nó bao hàm biết bao ý nghĩa! Sự lơ là với qui luật này là một nét căn bản của lối văn triết luận; và quả thực, của toàn thể mọi thứ văn chương trầm tư mặc tưởng, của đất nước tôi, đặc biệt bắt đầu từ Fichte. Tất cả những nhà văn này đều cho thấy họ muốn tỏ ra như thể họ có điều gì để nói; trong khi họ chẳng có gì để nói cả. Lối viết lách kiểu này được mang vào bởi những ngụy triết gia ở các Đại học đường và bây giờ nó thông dụng khắp nơi, ngay cả trong đám danh sĩ số một của thời đại. Nó đẻ ra thứ văn chải chuốt và mơ hồ, có vẻ hai nghĩa hay nhiều hơn nữa trong cùng một câu; nó còn đẻ ra lối diễn tả lê thê và bừa bãi, gọi là style empesé; chưa hết nó còn đẻ ra lối văn phí phạm vô ích tuôn chữ nghĩa ra như một trận lụt lội; cuối cùng, nó đẻ ra một sự dối trá che đậy sự nghèo nàn ý tưởng đáng ghê tởm nhất dưới hình thức một cuộc nói bá láp lộn xộn không bao giờ dứt, lè nhè như chè thiu và hoàn toàn mê muội – chuyện cũ rích mà người ta có thể đọc hàng giờ liền mà không thâu lượm được một mảy may ý tưởng diễn tả minh bạch và xác định nào. Tuy nhiên, người ta thường dễ tính, và họ có thói quen đọc hết trang này đến trang khác của mọi loại nhảm nhí dài dòng này mà không có bất cứ một ý niệm đặc biệt nào về điều tác giả thực sự muốn nói. Họ say mê nói đúng như số phận nó, và không khám phá ra rằng tác giả đó viết chỉ để mà viết.
Ngược lại, một nhà văn có tài, ý tưởng phong phú, chẳng bao lâu sẽ khiến độc giả của mình tin tưởng rằng, khi ông ta viết, thì thực sự và đúng là ông ta có điều gì muốn nói; và điều đó khiến cho độc giả thông minh đủ kiên nhẫn chăm chú theo dõi ông ta. Một tác giả như vậy, chỉ bởi vì quả thực ông ta có điều gì để nói, không bao giờ thất bại trong việc diễn tả mình bằng một cách đơn giản nhất và thẳng thắn nhất, bởi vì mục đích của ông không ta ngoài việc đánh thức chính cái ý tưởng tương tự trong độc giả mà ông mang trong mình. Bởi thế ông ta có thể khẳng định cùng với Boileau rằng tư tưởng ông ta ở khắp nơi mở phơi ra ánh sáng thanh thiên bạch nhật, và thi ca ông ta luôn luôn nói lên một điều gì; mặc dầu nó nói hay dở:
Ma pensée au grand jour partout s’offre et s’expose.
Et mon vers, bien ou mal, dit toujours quelque chose.
Trong khi về những nhà văn đã nói trên, ta có thể quả quyết vẫn bằng ngôn ngữ của nhà thơ đó, rằng họ nói nhiều mà kỳ thực chẳng bao giờ nói điều gì cả - qui parlant beaucoup ne disent jamais rien.
Một đặc tính khác của những nhà văn này là họ luôn luôn tránh phán quyết xác định bất cứ nơi nào họ có thể làm, hầu chừa sẵn một lối thoát trong trường hợp, cần thiết. Vì thế họ chẳng bao giờ sao nhãng việc chọn lựa lối diễn tả trừu tượng hơn; trong khi đó người thông minh sử dụng lối cụ thể hơn, bởi vì cách sau mang sự việc vào sâu hơn trong lãnh vực biểu thị thực tại, suối nguồn của tất cả mọi minh nhiên.
Có nhiều thí dụ chứng tỏ sự yêu chuộng cách diễn tả trừu tượng này; và ta có một thí dụ đặc biệt lố bịch là việc dùng động tự tạo điều kiện trong ý nghĩa gây ra hay tạo ra mang lại. Người ta tạo điều kiện cho việc gì thay vì gây ra nó, bởi vì khi trừu tượng và bất định nó nói ít; nó khẳng định rằng A không thể xẩy ra nếu không có B, thay vì A được tạo ra bởi B. Một cái cửa hậu bao giờ cũng mở ngỏ; và cái cửa đó thích hợp với những người mà sự ngầm biết về sự bất tài của mình khiến họ thường trực kinh sợ mọi phán quyết xác định; trong khi với người khác nó chỉ là hiệu quả của khuynh hướng, theo đó, mọi cái ngu ngốc trong văn chương hay tồi tệ trong cuộc đời được mô phỏng ngay tức khắc – một sự kiện chứng minh trong trường hợp này hay trường hợp khác, bằng cách trong đó nó có trải ra nhanh chóng. Người Anh dùng phán đoán của chính mình trong bất cứ điều gì hắn viết cũng như trong bất cứ việc gì hắn làm; nhưng không có nước nào mà tán từ học lại kém thành thực như của nước Đức. Hậu quả là chữ nguyên nhân ngày xưa hầu như biến mất trong ngôn ngữ văn chương, và người ta chỉ nói tới điều kiện. Sự kiện này đáng được nêu ra bởi vì nó đặc biệt lố bịch.
Chính sự kiện những nhà văn tầm thường này không bao giờ có quá bán ý thức khi họ viết đủ giải thích sự trầm trệ của tâm trí và những cái tẻ ngắt họ tạo ra. Tôi nói họ chỉ có bán phần ý thức, bởi lẽ chính họ không thực sự hiểu ý nghĩa những chữ họ sử dụng: họ cóp nhặt những chữ làm sẵn và ghi sâu vào trí nhớ. Từ đó khi họ viết, những chữ họ kết hợp lại với nhau không nhiều bằng những câu nguyên – phrases banales. Điều đó giải thích cho sự khiếm khuyết tư tưởng diễn tả minh bạch sờ sờ kia trong điều họ nói. Sự thực là họ không có con mộc để đóng cái dấu triện đó lên điều họ viết: tư tưởng minh bạch riêng tư chính là cái họ không có. Và chúng ta tìm thấy gì trong chỗ đáng lẽ là của ý tưởng ấy? – một sự trộn lẫn chữ nghĩa mơ hồ, bí hiểm, những câu thông dụng, những từ ngữ lặp lại, những thành ngữ hợp thời trang. Kết quả là cái chất liệu tối mù họ viết giống như một trang sách in bằng những rất cũ.
Ngược lại, một tác giả thông minh thực sự nói với chúng ta khi họ viết, và đó là lý do tại sao họ có thể khiến chúng ta thích thú và đàm đạo với chúng ta. Đây chỉ tác giả thông minh mới có thể kết hợp những chữ đơn lại với nhau với một ý thức trọn vẹn về ý nghĩa của chúng, và lựa chọn chúng với một sự chủ định chín chắn. Do đó, luận văn của ông ta đứng vào chỗ nhà văn đã tả trên, giống như một bức tranh được vẽ thực sự, nhiều hơn là bức hình được tạo ra bởi miếng kim loại đục lỗ theo hình họ muốn in ra. Trong trường hợp này, mỗi chữ, mỗi nét cọ, đều có một mục đích đặc biệt; trong trường hợp kia, tất cả đều được làm một cách máy móc. Cùng một sự phân biệt tương tự có thể thấy trong âm nhạc. Cũng như Lichtenberg nói rằng tâm hồn Garrick hình như ở trong thân thể ông ta, cũng vậy vô sở bất tại tính của tinh thần luôn luôn và ở khắp nơi biểu thị chân tướng tác phẩm của thiên tài.
Tôi đã ám chỉ tính chất tẻ ngắt đánh dấu tác phẩm của những nhà văn này, và trong mối liên quan đó, chúng ta nhận thấy đại để, sự tẻ ngắt gồm có hai loại: khách quan và chủ quan. Một tác phẩm tẻ ngắt một cách khách quan khi nó chứa đựng sự khiếm khuyết trong vấn đề; nghĩa là, khi tác giả của nó không có ý tưởng minh bạch toàn bích hay hiểu biết để truyền đạt. Vì nếu một người có bất cứ ý tưởng minh bạch hay hiểu biết nào, mục tiêu của hắn sẽ là truyền đạt nó và hắn sẽ điều khiển những năng lực của hắn tới mục đích ấy; đến nỗi những ý tưởng mà hắn đem lại đều được diễn tả một cách sáng sủa ở mọi chỗ. Kết quả là hắn không rườm rà, không vô nghĩa cũng chẳng lộn xộn, và do đó, không tẻ nhạt. Trong trường hợp này, ngay cả dầu cho tác giả sai lầm tại căn đề, sự sai lầm ấy, dầu sao cũng được thi hành minh bạch và suy nghĩ thấu đáo, đến nỗi ít ra nó cũng đúng về phương diện hình thức; và vì thế tác phẩm cũng bao hàm đôi chú giá trị. Nhưng cũng chính vì lý do đó, một tác phẩm tẻ ngắt về phương diện khách quan, không có bất cứ một chút giá trị nào cả.
Thứ tẻ ngắt kia chỉ có tính cách tương đối: một độc giả có thể thấy một tác phẩm buồn tẻ hơn bởi vì hắn không thấy thích thú vấn đề được đề cập tới trong đó, và điều ấy có nghĩa là tri thức của hắn bị giới hạn. Do đó, một kiệt tác có thể tẻ ngắt một cách chủ quan, tẻ ngắt, tôi muốn nói cho một cá nhân này hay một cá nhân kia; cũng như thế, ngược lại, một tác phẩm tệ nhất cũng có thể lôi cuốn một chủ quan một cá nhân này hay một cá nhân khác, thích thú với vấn đề được đề cập tới trong đó, hay với tác giả cuốn sách.
Đại để nó có thể giúp nhà văn một cách đắc lực nếu họ có thể thấy rằng, trong khi một người, nếu có thể, suy nghĩ như một thiên tài lớn, hắn lại nói phải cùng một ngôn ngữ như bất cứ một người nào khác. Tác giả phải dùng những tiếng thông thường để nói về những điều khác thường. Nhưng họ lại làm ngược lại. Chúng ta thấy họ cố gắng bao bọc những ý tưởng tầm thường bằng những danh từ đao to búa lớn, và che đậy những tư tưởng vô cùng bình thường bằng những câu phi thường nhất, bằng những cách diễn tả xa lạ nhất, thiếu tự nhiên nhất và lạ thường. Câu văn của họ vĩnh viễn kênh kiệu như đi trên cà kheo. Họ vô cùng mê luyến sự khoa trương và viết bằng một bút pháp dài lê thê, rỗng tuếch, cầu kỳ chải chuốt, thùng rỗng kêu to và leo dây múa rồi đến độ kiểu mẫu đầu tiên của họ phải là Ancient Pistol; người có lần đã bị bạn là Falstaff gắt lên bảo hắn hãy nói điều hắn phải nói như tất cả mọi người trên thế gian 
[1] này.
Không có một từ ngữ nào trong bất cứ một ngôn ngữ nào có thể tương ứng với từ ngữ style empesé của Pháp; nhưng thực tại đó tự nó hiện hữu khắp nơi. Khi vướng vào sự kiểu cách cầu kỳ, thì trong văn chương nẩy sinh ra cái mà sự kẻ cả và lên mặt nghiêm trang đứng đắn trong xã hội và đều không thể tha thứ được như nhau. Sự tẻ ngắt của trí óc thích mặc bộ cánh này giống như trong đời sống bình thường chính bọn ngốc là bọn thích đoan trang và kiểu cách.
Một tác giả viết bằng bút pháp nghiêm nghị giống như người ăn mặc đồ lớn để tránh khỏi bị đặt lên cùng bình diện với đám đông – một việc mà không bao giờ một nhà quí phái làm, dù trong bộ quần áo tồi tệ nhất của ý. Kẻ hạ lưu có thể bị người ta nhận ra bởi quần áo phô trương lòe loẹt và bởi ước mong muốn có tất cả một sự ngăn nắp và sạch như li như lau; tương tự cách đó, người tầm thường bị tố giác bởi bút pháp của hắn.
Tuy nhiên, một tác giả đuổi theo một mục đích sai lầm khi cố gắng viết đúng hết như hắn nói. Không có bút pháp viết lách nhưng phải có dấu vết nào đó của liên hệ thân tộc với kiểu kiến trúc bia mộ, quả thực là tổ tiên của mọi bút pháp. Vì một tác giả viết như hắn nói cũng đáng trách bị hệt như mắc phải lỗi lầm ngược lại, là nói như hắn viết, vì điều đó mang lại cho điều hắn nói một tác dụng mô phạm, và đồng thời khiến hắn trở nên khó hiểu.
Một cách diễn tả tối tăm và mơ hồ luôn luôn và ở khắp mọi nơi là một dấu hiệu vô cùng xấu. Trong chín mươi chín phần trăm trường hợp nó bắt nguồn tự sự mơ hồ của tư tưởng; và lại một lần nữa điều đó hầu như bao giờ cũng có nghĩa rằng có một cái gì triệt để sai lầm và bất ổn về chính tư tưởng – tắt một lời, tư tưởng sai lầm. Khi một ý tưởng đúng đắn khởi lên tâm trí, nó gắng sức đạt tới cách diễn tả và nó không mất nhiều thì giờ đạt tới điều đó, vì ý tưởng minh bạch dễ dàng tìm thấy chữ thích hợp với nó. Nếu một người có thể suy nghĩ về bất cứ điều gì, thì bao giờ hắn cũng có thể diễn tả nó bằng những từ ngữ trong sáng, dễ hiểu và khúc chiết . Những nhà văn nào tạo ra những câu văn khó hiểu, tối tăm, rắc rối và mơ hồ đa số chắc chắn không hiểu đúng điều họ muốn nói là điều gì: họ chỉ một ý thức mờ tối về điều đó, điều đang còn ở trong giai đoạn tranh đấu để định hình là tư tưởng. Quả thực, họ thường có ước muốn giấu chính họ và những người khác rằng, thực tình, họ chẳng có gì để nói cả. Họ muốn tỏ ra hiểu biết điều họ không biết, suy nghĩ điều họ không nghĩ. Nếu một người có điều cần phải truyền đạt thực sự, hắn chọn cách diễn tả nào – một cách diễn tả mập mờ hay một cách minh bạch? Ngay cả Quintilian cũng phải nhận thấy rằng những điều người học thức cao nói ra thường dễ hiểu và sáng sủa; và một người học thức càng thấp kém bao nhiêu, viết lách càng tăm tối bấy nhiêu – plerumque accidit ut faciliora sint ad intelligendum et lucdiora multo quae a doctissimo quoque dicuntur… Erit ergo etiam obscurior quo quisque deterior.
Tác giả phải tránh những câu bí hiểm; hắn phải biết rằng hoặc hắn muốn nói một điều gì hoặc hắn không muốn nói điều đó. Chính sự do dự này khiến bút pháp của biết bao nhà văn trở nên lạt lẽo vô vị. Trường hợp duy nhất cung hiến một luật trừ cho luật lệ này phát khởi khi cần phải nêu ra một ghi nhận, mà một cách nào đó, không phải thích đáng.
Vì sự phóng đại thường tạo ra một hiệu quả trái ngược với hiệu quả người ta nhắm đến, nên lời, thực tế , dùng để làm cho ý hẳn trở nên dễ hiểu – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó thôi. Nếu lời chồng chất lên nó, ý trở lại thành càng ngày càng tối tăm thêm. Tìm kiếm xem mức độ nằm ở đâu là vấn đề của khả năng phê bình; vì một chữ thừa luôn luôn làm hỏng mục tiêu. Đó chính là điều Voltaire muốn nói khi ông phát biểu rằng tĩnh từ là kẻ thù của danh từ. Nhưng, như chúng ta đã thấy, đa số cố gắng che đậy sự nghèo nàn của ý tưởng mình dưới câu văn dài giòng tràng giang đại hải.
Chiếu theo đó chúng ta, hãy tránh mọi sự rườm rà, đồng thời hãy luôn luôn ghi nhớ nhận xét: điều đó vô nghĩa không đáng đọc. Một nhà văn phải tiết kiệm thì giờ, lòng kiên nhẫn, sự chú ý của độc giả hầu như độc giả tới ngay chỗ tin tưởng rằng tác giả của mình viết cái đáng nghiên cứu cẩn thận và thời gian dùng vào việc đó sẽ được đền bù. Lược bỏ một vài điểm hay ho nào đó bao giờ cũng tốt hơn thêm thắt điều không đáng nói chút nào. Đó là chúng ta áp dụng đúng phương châm của Hesiod: pleon hemisy pan tos [2] – một nửa tốt hơn toàn thể. Le secret pour être ennuyeux, c’est de tout dire (Bí quyết để trở nên tẻ ngắt là nói tất cả). Do đó, nếu có thể, chỉ nói cái cốt yếu thôi! Chỉ có tư tưởng dẫn dạo thôi! Không nên nói điều gì độc giả có thể tự suy nghĩ được.
Dùng nhiều lời để truyền đạt ít ý là dấu hiệu không thể lầm lẫn được của tầm thường ở khắp nơi. Thâu tóm nhiều ý trong ít lời đánh dấu thiên tài.
Chân lý đẹp nhất khi trần truồng và ấn tượng nó tạo ra càng sâu sắc nêu sự diễn tả của nó càng đơn giản. Được vậy một phần bởi nó thu nhiếp trọn vẹn tâm hồn người nghe không trắc trở, và không để cho hắn những tư tưởng phụ làm hắn đãng trí, một phần, cũng bởi tại hắn cảm thấy ở đây hắn không bị sa đọa hay lường gạt bởi tu từ pháp, nhưng mọi hiệu quả của những gì được nói đến phát khởi từ chính sự việc. Chẳng hạn, có lời phát biểu nào về tính cách phù hoa của kiếp nhân sinh khéo nói hơn những lời của Job? “Con người sinh ra từ một người nữ, chỉ có một thời gian ngắn để cuộc sống đầy cơ cực. Nó vươn lên rồi bị hạ xuống, như một bông hoa; nó vụt lao nhanh như bóng tối, và chẳng bao giờ ở lâu tại một chỗ.”
Cũng chính vì lý do đó, thi ca hồn nhiên của Goethe vĩ đại vô song so với tu từ thi pháp của Schiller. Và cũng lại chính lý do đó khiến nhiều bài dân ca vô cùng cảm động Cũng như trong ngành kiến trúc, cách mạng trí thái quá cần phải tránh, cũng vậy trong nghệ thuật văn chương một nhà văn phải phòng ngừa mọi tinh luyện tu từ học, mọi phóng đại vô ích, mọi tính cách thừa thãi của cách diễn tả nói chung, tắt một lời, hắn phải gắng sức đạt tới sự bình dị của bút pháp. Tất cả mọi chữ có thể bớt đi đều gây tổn hại đến nó, được giữ lại. Luật đơn giản và hồn nhiên vẫn còn hiệu lực trong mọi bộ môn kỹ thuật, bởi vì rất có thể đơn giản đồng thời phi phàm.
Tính chất vắn tắt đích thực của cách diễn tả ở khắp nơi hệ tại việc chỉ nói cái gì đáng nói và tránh những chi tiết tẻ nhạt mà bất cứ người nào cũng có thể tự cung cấp lấy cho mình. Điều đó liên can tới sự biện biệt đúng đắn giữa cái cần thiết và cái thừa thãi vô ích. Một nhà văn không bao giờ được vắn tắt mà thiếu sáng sủa, không được nói điều gì ngoài điều hợp văn phạm. Nó cho thấy khuyết điểm phán đoán đáng tiếc làm muội lược cách diễn tả của một tư tưởng hay làm còi cọc ý nghĩa của một nguyên câu, để phục vụ cho việc dùng ít chứ hơn mức cần thiết. Nhưng đó chính là cố gắng của sự vắn tắt giả tạo rất thịnh hành ngày nay, diễn tiến bằng cách gạt bỏ những chữ ích dụng và ngay cả bằng cách hy sinh văn phạm và luân lý. Không những những nhà văn đó tiết kiệm một chữ bằng cách biến một động từ hay một tĩnh từ đơn giữ chức vụ của một số nguyên câu khác nhau, đến nỗi có thể nói độc giả, phải sờ soạn lần mò tìm đường qua chúng trong bóng tối; họ còn thực hành, trong nhiều phương diện khác, một số sự tiết kiệm ngôn từ không thích đáng trong nỗ lực thực hiện cái mà một cách điên cuồng họ cho là sự diễn tả vắn tắt và bút pháp gọn ghẽ minh bạch. Trong khi gạt bỏ cái đáng lẽ mang lại ánh sáng trên toàn thể câu văn, họ chuyển nó thành một câu đố hắc búa mà độc giả phải ráng giải đáp bằng cách đọc đi đọc lại mãi.
Chính sự phong phú và sức nặng của tư tưởng chứ không phải điều gì khác mang lại sự vắn tắt cho bút pháp, và khiến nó gẫy gọn nhiều ý nghĩa. Nếu ý tưởng của nhà văn quan trọng, sáng sủa, và thường thường đáng truyền đạt, những ý tưởng ấy cần được cung cấp đầy đủ vật liệu để tạo thành những nguyên nhân dồi dào cho ý tưởng biểu lộ và khiến tất cả những câu này trong mọi phần vừa hợp văn phạm và đầy đủ về phương diện từ ngữ; và đây là phần lớn những trường hợp mà người ta không bao giờ thấy chúng giả dối trống rỗng hay yếu đuối. Cách chọn lời chỗ nào cũng sẽ vắn tắt và hàm xúc, và cho phép ý tưởng tìm được lối diễn tả sáng sủa dễ dàng, lại còn phơi bầy và chuyển vận duyên dáng uyển chuyển.
Do đó thay vì thâu ngắn từ ngữ và những hình thức ngôn từ, hãy để nhà văn trải rộng ý tưởng của hắn.
Nếu một người gầy mòn vì bệnh tật và thấy quần áo mình quá rộng, thì không phải hắn phải làm cho chúng vừa vặn như trước bằng cách cắt bớt đi, nhưng bằng cách phục hồi lại tính trạng thân thể bình thường.
Ở đây tôi xin nêu ra sự sai lầm của bút pháp, rất thịnh hành ngày nay, và, trong tình trạng sa đọa của văn chương và xao lãng cổ ngữ, luôn luôn càng ngày càng gia tăng; tôi muốn nói tính cách chủ quan. Một nhà văn phạm phải lỗi lầm này khi hắn nghĩ rằng chính mình hắn biết hắn nói gì và điều hắn muốn nói là đủ và không thèm đếm xỉa gì đến độc giả, muốn dẫn dắt độc giả đi đến đâu cũng được. Như thế chẳng khác nào như thể tác giả đang độc thoại, trong khi đáng lẽ phải là một cuộc đối thoại; và dù là một cuộc đối thoại đi chăng nữa, hẵn cũng phải diễn tả mình hết sức minh bạch như thế hắn không thể nghe những câu hỏi của người đối thoại.
Chính vì lý do đó, bút pháp không được chủ quan mà phải khách quan, và bút pháp sẽ không khách quan trừ phi chữ được xếp đặt cách nào để chúng trực tiếp cưỡng bách độc giả phải suy nghĩ cùng một điều đúng như tác giả nghĩ khi hắn viết chúng. Kết quả này cũng chẳng thể đạt tới trừ phi tác giả luôn luôn thận trọng nhớ rằng tư tưởng tuân theo luật trọng lực nhiều đến nỗi nó đi từ đầu óc xuống giấy dễ dàng hơn từ giấy lên tới đầu óc rất nhiều; bởi thế hắn phải trợ lực cho cuộc hành trình sau bằng mọi phương tiện trong khả năng của hắn. Nếu hắn làm như vậy, chữ viết của một nhà văn sẽ có một hiệu lực thuần túy khách quan, như hiệu lực của một bức tranh sơn dầu hoàn mỹ; trong khi bút pháp chủ quan không chắc chắn có tác dụng được như những chấm đen trên tường, chỉ trông giống những bức hình bởi kẻ nào mà ngẫu nhiên chúng khêu gợi lên được một ảo tưởng, những người khác không thấy gì ngoài những chấm đen lem luốc. Sự khác biệt trên áp dụng cho toàn thể phương pháp văn chương; nhưng nó cũng thường được thiết định bởi những trường hợp đặc thù. Chẳng hạn trong tác phẩm mới ấn hành gần đây tôi tìm thấy câu sau: “Tôi không viết để gia tăng con số những cuốn sách hiện đang có”. Điều này có nghĩa khác hẳn điều nhà văn muốn nói và đồng thời vô nghĩa.
Kẻ nào viết một cách cẩu thả, kể đó thú nhận ngay từ đầu rằng hắn chẳng chú trọng bao nhiêu tới chính tư tưởng hắn. Bởi vì chỉ nơi nào một người tin chắc vào chân lý và tầm quan trọng của những ý tưởng mình hắn mới cảm nhận thấy sự say sưa thiết yếu cho nỗ lực siêng năng và không biết mệt để tìm cách sáng sủa nhất, tao nhã nhất và mãnh liệt nhất, như phải tìm ra rương bạc hay vàng để cất những thánh tính hoặc những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Chính cảm thức này đã đưa những tác giả thượng cổ, nhưng người mà tư tưởng, được diễn tả trong chính chữ của họ, đã trường cửu muôn ngàn năm, dầu phải mang nhãn hiệu cổ điển, tới chỗ viết một cách thận trọng. Quả thực Platon, như người ta nói, đã viết phần giới thiệu cuốn Cộng Hòa của ông hơn bẩy lần bằng nhiều lối khác nhau.
Cũng như sự ăn mặc cẩu thả tố cáo sự khiếm nhã đối với người bạn ta gặp, cũng vậy một bút pháp khinh suất, vô ý, tồi tệ cho thấy một thái độ thiếu tôn kính đối với độc giả, người này trừng phạt tức thì bằng cách từ chối không đọc cuốn sách. Thật tức cười khi thấy những ký giả tạp chí chỉ trích tác phẩm của người khác bằng bút pháp cẩu thả nhất của họ - bút pháp của một kẻ viết mướn. Như thể một ông quan tòa ra trước pháp đình trong tấm áo choàng và dép đi trong nhà! Nếu thoạt tiên tôi cảm thấy đôi chút do dự không muốn nói chuyện với một người khi thấy hắn ăn mặc bê bối và dơ dáy, thì khi cầm một cuốn sách mà tôi nhận thấy ngay bút pháp cẩu thả, tôi sẽ gạt nó đi.
Văn hay phải tuân theo qui luật sau đây là trong một lúc, một người chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt về một điều mà thôi, và do đó, người ta không nên mong đợi hắn suy nghĩ về hai điều hoặc có khi nhiều điều hơn nữa trong cùng và đồng thời một lúc. Nhưng điều này chính là điều xẩy ra khi một nhà văn phá vỡ câu chính thành những phần nhỏ với mục đích lấp đầy những khoảng trống như thế tạo ra hai hay ba ý tưởng bằng cách dùng những ngoặc đơn, do đó, làm rối đầu óc người đọc một cách không cần thiết và vô cớ. Và chính lỗi này đồng bào của tôi mắc phải nhiều nhất. Đức ngữ thích hợp với lối viết này nhưng không thể biện minh cho nó. Không có thể văn xuôi nào dễ đọc hơn hoặc thú vị hơn Pháp văn, vì như một quy luật, Pháp văn thoát khỏi lỗi lầm trên. Người Pháp hết sức bó kết ý tưởng của họ lại với nhau, theo một trật tự hợp luân lý và tự nhiên nhất và bởi thế lần lượt đặt chúng trước độc giả thuận tiện cho sự xét đoán, khiến cho mỗi một ý tưởng có thể nhận được sự chú ý không phân hóa. Người Đức, ngược lại, đan bện chúng lại với nhau trong câu văn mà hắn vặn vẹo và bắt chéo , bắt chéo và vặn vẹo nữa; bởi hắn muốn nói mươi mười ý tưởng thay vì tuần tự ý tưởng nọ kế tiếp ý tưởng kia. Mục đích của hắn phải là thu hút và nắm giữ sự chú ý của độc giả; nhưng lơ là với mục đích này, hắn yêu cầu người đọc cho hắn thách thức qui luật kể trên và suy nghĩ ba bốn ý tưởng khác nhau cùng một lúc; mà, vì điều đó không thể được, mà mỗi một ý tưởng của hắn sẽ thành công nhanh chóng như sự rung động của giây đàn. Bằng cách này một tác giả đặt nền móng cho style empesé của hắn, bút pháp được đem tới chỗ thành công bởi việc sử dụng những cách diễn tả rườm rà, hào nhoáng để truyền đạt những điều đơn giản nhất, và những xảo thuật tương tự.
Trong những câu dài lê thê đầy rẫy ngoặc đơn ngoặc kép đó, tựa một cái hộp có nhiều hộp con, cái nọ lồng trong cái kia và được nhồi nhét như một con ngỗng nhồi đầy táo, chính trí nhớ phải làm việc cực nhọc nhất; trong khi trí thông minh và óc phán đoán thay vì cần phải được vận dụng, lại vì lẽ đó mà bị ngăn trở và làm muội lược đi. Loại câu này chỉ cung cấp cho độc giả những bán câu, đòi hỏi độc giả thu nhận cẩn thận và tàng trữ trong ký ức, như thể chúng ta là những mảnh vụn của một lá thư rách nát sau đó phải được bổ túc và làm cho lọn nghĩa bởi những bán câu khác mà chúng hỗ tương phụ thuộc. Người ta yêu cầu hắn tiếp tục đọc thêm chút nữa mà không vận dụng bất cứ tư tưởng nào, mà chỉ vận dụng có trí nhớ của hắn, với hy vọng rằng, khi hắn đọc đến hết câu, hắn có thể thấy ý nghĩa của nó và do đó nó nhận được điều gì để suy tưởng; và vì thế hắn được trao cho rất nhiều điều để học thuộc lòng trước khi thâu lượm được dăm ba điều để lãnh hội. Điều đó sai lầm rõ rệt và là một sự lạm dụng tính kiên nhẫn của độc giả.
Chắc chắn nhà văn tầm thường ưa chuộng bút pháp này bởi vì nó khiến độc giả mất thì giờ và bối rối trong việc lãnh hội điều lẽ ra hắn hiểu trong giây lát không cần suy nghĩ; và nó khiến cho tác giả dường như có vẻ sâu sắc và thông minh hơn độc giả nhiều. Quả thực đó là một trong những xảo thuật đã nói trên; xảo thuật theo đó những tác giả tồi cố gắng che đậy vẻ nghèo nàn ý tưởng của họ và cho thấy một bề ngoài ngược lại một cách vô thức và dường như bởi bản năng. Sự ngây thơ ở đây thật đáng ngạc nhiên.
Hiển nhiên ngược lại với mọi lương tri khi đặt một ý tưởng tà vạy lên trên một ý tưởng khác, như thể cả hai ý tưởng cùng họp thành một cây thập tự gỗ. Nhưng điều này được thể hiện nơi nào một nhà văn ngắt điều hắn đã bắt đầu nói với mục đích xen vào một vài yếu tố không quan hệ, do đó đặt độc giả trước một bán câu vô nghĩa và buộc độc giả giữ nó cho đến khi nào phần bổ túc đến. Nó cũng như thể một người trao những thực khách của mình một cái đĩa không với hy vọng có một cái gì sẽ hiện ra trong đó. Và những dấu phết được dùng cho một mục đích tương tự thuộc về cùng một gia đình như những ghi chú ở cuối trang và những dấu ngoặc ở giữa bản văn, đúng hơn, cả ba chỉ khác nhau về mực độ? Nếu thảng hoặc Demosthenes và Cicero có thêm chữ vào bằng cách dùng những dấu ngoặc, có lẽ tốt hơn họ nên nhắc lại.
Nhưng bút pháp của lối văn này trở nên phi lý cùng độ khi những dấu ngoặckhông những lồng vào khuôn khổ câu văn mà còn chêm vào để phá tan nó ra từng mảnh nữa. Nếu ngắt lời người khác là một điều hỗn xược thì ngắt lời mình cũng là một điều hỗn xược và không thích đáng không kém. Nhưng tất cả những nhà văn tồi, cẩu thả và hấp tấp, bôi bác nguệch ngoạc với hình ảnh cơm áo trước mắt, dùng sáu bẩy lần bút pháp của lối văn này trong một trang mà còn thích thú vì điều đó. Nó hệ tại việc – nên nêu ra nguyên tắc và thí dụ kèm theo bất cứ nơi nào có thể phá vỡ cơ cấu một câu văn để dính vào câu khác. Không những chỉ vì lười biếng họ viết như thế. Họ còn làm vậy vì ngu ngốc; họ tưởng điều đó một vẻ légèreté quyến rũ” 
[3]; họ tưởng rằng nó đem lại sự linh động cho điều họ nói. Chắc chắn có rất ít trường hợp mà lối văn này có thể miễn thứ được.
Ít người viết theo lối một kiến trúc sư xây nhà cửa, người này trước khi bắt tay vào việc, phác họa đồ hình và nghĩ tới nghĩ lui tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Còn đa số chỉ viết như để họ chơi domino và, cũng như trong trò chơi này, quân được xếp đặt một nửa bởi sự trù tính, một nửa bởi tình cờ; sự phối hợp và nối kết câu cú của họ cũng vậy. Họ chỉ có một ý niệm về hình thức tổng quát các tác phẩm họ sau này, và về mục đích mà họ đặt ra trước mình. Nhiều người còn không biết tới cả điều đó, và viết như những con sâu san hô chồng chất; nguyên câu tiếp nối nguyên câu và chỉ có trời mới biết tác giả muốn gì.
Ngày nay cuộc sống lao nhanh; và sự kiện đó tác động trên văn chương bằng cách khiến nó trở nên cực kỳ hời hợt và luộm thuộm.

Chú thích:
[1] King Henry IV, Phần II, hồi V, màn 3 - N.H.H
[2] Trong cuốn Công việc và ngày tháng.
[3] Pháp văn trong nguyên tác: nhẹ nhàng, khinh khoái - N.H.H
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn. Bản điện tử do talawas thực hiện. Bản đăng trên talawas với sự đồng ý của dịch giả.
15.8.2006
Nguyễn Hữu Hiệu dịch
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...