Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Thâm Tâm và huyền thoại "Đưa người ta không đưa qua sông"

Thâm Tâm và huyền thoại
"Đưa người ta không đưa qua sông"

Phong trào Thơ mới dù đã đem đến cho độc giả nhiều bài thơ hay, song cũng sẽ khiến ta có cảm giác trống vắng nếu như thiếu đi một “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.

Gia tài văn học của ông để lại không nhiều. Cho mãi đến năm 1988, Nhà xuất bản văn học mới tập hợp xuất bản một tập thơ “Thơ Thâm Tâm” độ chừng vài chục bài. Ít ỏi là vậy nhưng với một thi tài độc đáo, tác phẩm của ông đã và sẽ sống mãi với thời gian.
Một bài thơ nổi tiếng của phong trào thơ mới
Nhà thơ Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh 12/5/1917 tại Hải Dương, trong một nhà giáo nền nếp. Thuở nhỏ, từ năm 1938 ông học tiểu học ở Hà Nội, từng vẽ tranh để kiếm sống. Từ những năm 1940, ông tham gia viết báo, viết văn và thường được đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ năm và Truyền bá quốc ngữ… Ông từng thử sức trên nhiều thể loại nhưng thành công hơn cả vẫn là thơ.
Viết ít và mất quá sớm, nhưng chỉ với một “Tống biệt hành” đã đủ để tên tuổi Thâm Tâm mãi mãi neo lại với đời. Phong trào Thơ mới dù đã đem đến cho độc giả nhiều bài thơ hay, song cũng sẽ khiến ta có cảm giác trống vắng nếu như thiếu đi một “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.
Đó là một bài thơ có nhiều điểm độc đáo cả về nội dung và hình thức. “Đưa người, ta không đưa qua sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng?/ Bóng chiều không thắm, không vàng vọt/ Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?…”.
“Tống biệt hành” – bài thơ được viết theo thể hành – một thể thơ cổ phong có đặc điểm là khá tự do phóng túng, vốn thịnh hành ở thời Hán Ngụy (Trung Quốc). Thể thơ này đến thời Thơ mới ít được dùng, và cũng không mấy tác giả thành công. Vì lẽ ấy mà ngoài yếu tố hay, “Tống biệt hành” còn có một vị trí riêng.
“Tống biệt hành” là một thi phẩm thuộc vào hàng đỉnh cao. Về nhạc tính, có thể nói đây là bài thơ có cách phối nhạc rất đặc biệt, các chữ va nhau nghe như chuông. Để tạo được hiệu quả này, tác giả sử dụng nhiều điệp ngữ, điệp vần. Còn về hình ảnh, tuy nói cuộc chia tay không diễn ra ở một nơi có sông có nước, ở một thời điểm có bóng hoàng hôn, nhưng những hình ảnh ấy vẫn tràn ngập không gian thơ. Cộng với những hình ảnh rất giàu biểu cảm như sen cuối hạ, trời chưa vào thu, hình ảnh chiếc khăn tay, hạt bụi, người đi, lá bay… bài thơ đã tạo nên được những dư ba trong lòng người. Ngoài việc mở đầu bằng những câu “rắn rỏi, gân guốc” (chữ của Hoài Thanh) rất hợp với nội dung cần thể hiện, bài thơ còn chinh phục người đọc bằng những câu có giai điệu “ngọt xớt”, kiểu như:
“Ta biết người buồn sáng hôm nay/ Giời chưa mùa thu tươi lắm thay…” hoặc:“… Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực/ Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say”.
Rất mềm mại mà chuyển tải được bao tình ý. Có thể khẳng định, ngoài cái khoáng đạt của nội dung, “Tống biệt hành” còn thực sự lôi cuốn người đọc bởi một thứ nhạc tính tung tẩy, sảng khoái. Và, một điều thật đáng nói, trong phong trào Thơ mới, đã có những bài hay mà ý tứ và cấu trúc giai điệu tương đối giống nhau, song ở cả hai phương diện nói trên, không có bài nào “na ná” như “Tống biệt hành” của Thâm Tâm.
Ông viết không nhiều. Nhưng lạ lùng thay, văn chương không phục tùng quy luật của số lượng, mà chỉ tuân theo quy luật về chất. Với “Tống biệt hành”, với vài ba truyện ngắn, như “Thuốc mê”, Thâm Tâm vĩnh viễn có chỗ đứng riêng trong nền văn chương nước nhà.
Một nhà thơ – chiến sĩ
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thâm Tâm tham gia văn hóa Cứu quốc, ở trong Ban biên tập báo Tiên Phong (1945-1946). Sau đó ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (nay là báo Quân đội Nhân dân). Nói đến Thâm Tâm là phải nói tới ông với tư cách là nhà thơ-chiến sĩ, một nhà báo-liệt sĩ.
Trong kháng chiến chống Pháp, khi nền thơ còn chập chững, bài thơ “Chiều mưa đường số năm” đã là bài thơ hay, vững vàng về cốt cách lẫn tình cảm. Với tư cách là phóng viên mặt trận Báo Vệ quốc quân (tiền thân của Báo Quân đội nhân dân hiện nay), Thâm Tâm đã có mặt ở hầu hết các chiến dịch lớn, các trận đánh quan trọng ở Việt Bắc, Đông Bắc và đồng bằng liên khu III.
Với tư cách là thư ký tòa soạn của Báo Vệ quốc quân, Thâm Tâm luôn luôn là một người làm báo mẫn cán và sáng tạo. Nhà báo Trần Cư từng nhận xét: “Thâm Tâm là “nhà thơ tiền chiến” nhưng nổi tiếng là một người đã đi, đi biền biệt, đã ngồi ngồi rất dai”. Nhà văn Nguyên Hồng có lần từ Hội văn nghệ sang chơi tòa soạn báo Vệ quốc quân đã phải thốt lên khi thấy Thâm Tâm ngồi bên chồng bản thảo rằng: “Hình như cột sống của tác giả Tống biệt hành làm bằng sắt!”.
Hình ảnh Thâm Tâm còn được người đương thời nhớ trong những buổi thuyết trình tại ban biên tập báo, tại các hội nghị. Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trong một bài tường thuật in trên tờ Văn nghệ số 11/12/1949 đã viết: “Ngày 12 tháng 4, câu chuyện rất dài của Thâm Tâm về văn thơ bộ đội, những bài thơ ở bộ đội mà ra, vì bộ đội mà có, những sáng tác này trở lại ảnh hưởng bộ đội rất mạnh”.
Ông mất đột ngột vào ngày 18/8/1950 trên đường tham gia chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950 tại bản Pò Noa, xã Phi Hải, huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng. Năm ấy, nhà thơ mới 33 tuổi. Thâm Tâm được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.
Ngô Trọng Bình
.Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...