Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Nhà thơ Thâm Tâm và "Nỗi ân hận dài"

 Nhà thơ Thâm Tâm và "Nỗi ân hận dài"

Nỗi ân hận dài là cuốn tiểu thuyết duy nhất còn lại của nhà thơ Thâm Tâm, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Tác phẩm được ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn.
Nhà thơ của những cuộc “lên đường”
Trong số 46 gương mặt thi sĩ được đưa vào Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân, Thâm Tâm chỉ được chọn duy nhất bài Tống Biệt hành. Nhưng bài thơ đã trở thành một dấu ấn nghệ thuật chói sáng trong đời thơ ngắn ngủi của thi sĩ. Và hơn thế, nó đã đi vào lịch sử thơ ca hiện đại Việt Nam với một vị thế riêng biệt. Bài thơ đã đem lại cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả một lớp thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở, bi phẫn và đôi khi bế tắc trước hiện trạng của đất nước thuở bấy giờ. Ở tư cách nhà thơ, Thâm Tâm đã để lại cho đời một giọng điệu không dễ lẫn.
Nhà thơ thường xúc cảm day dứt về những cuộc ra đi:
Tôi quyết đi rồi, tôi phải đi
(Lưu biệt)
Trời hỡi, mai này tôi phải đi
Thơ này rồi chẳng đọc ai nghe
Đời nhiều nhưng có dăm người bạn
Thì viễn ly không có đường về
(Ngược gió)
Thâm Tâm đã thể hiện một cách chân thực những biến động, những xáo trộn đang diễn ra trong tâm hồn con người trước thời cuộc ấy:
Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Bóng chiều không thắm không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
(Tống biệt hành)
Thơ ông mang cốt cách cổ điển, in đậm âm hưởng bi phẫn, giang hồ. Ba bài thơ viết theo thể hành bộc lộ rõ giọng thơ này: Tống biệt hành, Can trường hành, Vọng nhân hành.
Phiếm du mấy chốc đời như mộng
Ném chén cười cho đã mắt ta
Thà với mãng phu ngoài bến nước
Uống dăm chén rượu quăng tay thước
Cái sống ngang tàng quen bốc men…
(Can trường hành)
Thời thế chuyển mình, cái nhìn hiện thực của Thâm Tâm vì thế lại càng sâu sắc hơn. Trong cảm nhận của Thâm Tâm, con người trong hiện thực ấy còn lắm những bất an, còn nhiều những suy tư, trăn trở. Bởi lẽ họ nhận thức được rằng thời cuộc còn chưa dừng lại:
Thơ ngâm giở giọng, thời chưa thuận
Tan tiệc quần anh, người nuốt giận
Chim nhạn, chim hồng rét mướt bay
Vuốt cọp chân voi còn lận đận
(Vọng nhân hành)
“Chí lớn chưa về bàn tay không”, câu thơ đầy khí phách phản ánh được những cung bậc tình cảm trong lòng con người, trong lòng thời đại, cũng là nét riêng trong cảm quan nghệ thuật của Thâm Tâm. Phải chăng vì tính chất bi phẫn khao khát đổi thay, khao khát “lên đường” ấy mà khi gặp cách mạng Thâm Tâm đã sớm đứng vào hàng ngũ. Thơ ông chuyển từ chân trời lãng mạn sang cách mạng một cách tự nhiên, khá êm thấm. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, khi phần lớn các nhà thơ Mới đang loay hoay “tìm đường” thì bài thơ Chiều mưa đường số 5 của Thâm Tâm đã có độ chín cả về tư tưởng lẫn cảm xúc:
Chiều mưa đồng rạ vắng
Đất tề sông quạnh vắng
Ngồi kín dưới nhà tranh
Nghe gió lùa nằng nặng
Đôi mắt sao đăm đăm
Chứa cả trời mây nặng
Miền Việt Bắc xa xăm
Ôi núi rừng thương nhớ
Hiện nay tại nhà riêng của nhà thơ Trần Huyền Trân, trong căn phòng lưu niệm, trên tường vẫn còn treo bài thơ của Thâm Tâm do chính tay Trần Huyền Trân viết trên tấm giấy khổ lớn:
Hôm nay
thơ lên đường
Hồn chàng ra thiên hạ
Ta vừa nghe lã chã dòng sương
Ngâm thôi
quăng bút cười ha hả
hơn một loài hoa khác hải đường
(Thâm Tâm – 1942)
Có thể coi đó như một tuyên ngôn nghệ thuật, một phương châm sống của những người nghệ sĩ trong đêm trước của cách mạng. Tình bạn, tình thơ và tài năng của ba thi sĩ trong Hội tam anh( Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân) đã để lại trong lịch sử văn học Việt Nam một trường phái thơ ca với những dấu ấn không thể phai mờ!
Nhà tiểu thuyết với “Nỗi ân hận dài”
Thâm Tâm – nhà thơ đã được bạn đọc nhiều thế hệ quen thuộc. Nhưng còn một Thâm Tâm khác, tác giả của cuốn tiểu thuyết Nỗi ân hận dài thì vẫn còn là một ẩn số. Cách đây gần 20 năm, khi thực hiện bộ Từ điển Tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945), chúng tôi có nhiệm vụ khảo sát, tìm hiểu các tác phẩm văn xuôi ra đời trong thời gian này. Khi tìm thấy và đọc cuốn tiểu thuyết Nỗi ân hận dài của tác giả Nguyễn Tuấn Trình, chúng tôi đã nghĩ đây là tác phẩm của nhà thơ Thâm Tâm. Vì nhân vật chính trong đó mang nhiều chi tiết giống như cuộc đời thực của nhà thơ. Khi hỏi nhà văn Tô Hoài, ông cho biết trước Cách mạng, Thâm Tâm có in một cuốn tiểu thuyết. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không dám khẳng định. Cho đến khi đọc được dòng quảng cáo in ở bìa 4 một cuốn sách khác: Mời Độc giả đón đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay Nỗi ân hận dài của Thâm Tâm. Lúc đó chúng tôi mới hoàn toàn yên tâm. Nỗi ân hận dài là cuốn tiểu thuyết duy nhất còn lại của nhà thơ Thâm Tâm, tên thật là Nguyễn Tuấn Trình. Tác phẩm được ra đời trong thời gian ông sống cùng gia đình ở Hà Nội, kiếm sống bằng nghề vẽ tranh và bắt đầu làm thơ, viết văn.
Nội dung cuốn tiểu thuyết có thể tóm tắt như sau: Họa sĩ Lê sống những ngày dài trong nỗi cô đơn buồn bã. Để lấp bớt sự trống vắng chàng lao vào ăn chơi bừa bãi, không thiếu một thứ gì: rượu, cô đầu, nhẩy đầm, thuốc phiện. Tất cả những cái đó làm tiêu mòn sức lực và gây ra cảnh nợ nần chồng chất. Lê chỉ là một chàng họa sĩ nghèo, sống bằng cây bút vẽ.
Một cô gái xuất hiện đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời Lê. Sau này nhớ lại, Lê vẫn coi đó là “một buổi chiều đẹp đẽ làm bằng sự nhân hậu tốt đẹp nhất của loài người”. Người đó là Hoàng. Cô đến nhà Lê qua sự rủ rê tình cờ của một người quen. Hoàng không đẹp nhưng có duyên một cách kín đáo. Cô có đôi mắt buồn thăm thẳm. Con người Hoàng toát lên vẻ giữ gìn và lặng lẽ. Mới thoạt nhìn người ta đã có thể nhận thấy cô mang trong lòng nhiều nỗi đau khổ. Qua câu chuyện, Lê mới biết rằng cô đã gặp anh trong một lần đi vẽ tranh ở Thái Nguyên. Hoàng rất yêu hội họa. Khi xem tranh, cô đưa ra những lời bình phẩm khá sắc sảo. Hơn một tuần sau lần gặp gỡ đó, Lê nhận được thư của Hoàng gửi từ Thái Nguyên. Trong thư cô nhờ anh vẽ lại bức chân dung người mẹ đã mất của cô. Lê đọc thư, vài ngày sau thì quên mất.
Lê bị một trận ốm nặng. Anh chìm đắm trong cảm giác yếu đau, tuyệt vọng. Giữa lúc đó, Hoàng đến, an ủi, chuyện trò, chăm sóc và tạo cho Lê nguồn sinh lực mới. Khi chiều muộn, cô mới ra về. Đêm hôm ấy, giấc ngủ của Lê không có những cơn ác mộng. Chiều hôm sau, thấy người đã đỡ hơn, Lê ngồi dậy vẽ chân dung mẹ Hoàng. Hoàng đến thăm và không cho Lê vẽ vì sợ anh vẫn còn đang mệt. Cô tỏ ra hiểu biết kỹ về cuộc đời Lê. Có khuyên anh sống lành mạnh, trong sạch và có ích cho đời, nên tránh xa những cám dỗ có hại. Hoàng cũng kể cho Lê nghe về cuộc đời của mình. Mẹ cô mất sớm, để lại một đàn em nhỏ dại. Cha cô chơi bời, nghiện ngập, mê một cô đầu rồi lấy làm vợ kế. Bà này lại cờ bạc, đối xử tệ bạc với con chồng. Hoàng chịu khổ trăm bề. Đề. Cô gặp một người và yêu tha thiết, nhưng đã bị lừa dối. Hoàng căm hờn, uất ức, mất lòng tin vào con người. Nhân dịp bố đổi lên Thái Nguyên, Hoàng cùng gia đình chuyển lên đó. Có một vài đám dạm hỏi nhưng Hoàng đều từ chối. Hoàng đã bị lao xương, cổ mọc đầy tràng nhạc, phải quàng khăn để che giấu mọi người.
Tình yêu nẩy nở giữa hai người. Cuộc đời họ từ đó thêm ý nghĩa. Khi ở xa, Hoàng viết thư cho Lê đều đặn. Mỗi dịp về Hà Nội cô lại quấn quýt bên anh. Nhưng sức khỏe Hoàng ngày càng giảm sút. Lê thương yêu Hoàng và thấy mình phải có trách nhiệm hơn. Anh về quê, kể chuyện với mẹ và xin được lấy Hoàng làm vợ. Mẹ Lê là một người nhân hậu, thương con, nhưng vốn là một nhà nho thanh bạch lại góa chồng từ sớm, nên không muốn con trai vướng vào gánh nặng gia đình quá vất vả. Lê đau khổ trở về Hà Nội. Một thời gian bặt tin Hoàng, Lê nhớ nhung tê tái, lòng như lửa đốt. Hàng xóm nhà Lê có một cô gái nhảy rất có cảm tình với anh. Thấy Lê buồn, cô rủ anh đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng Lê không sao quên được nỗi nhớ Hoàng. Giữa lúc đó, chị họ Hoàng tìm đến, đưa cho Lê cuốn nhật ký của Hoàng. Lê biết được bệnh tình của cô đã trở nặng, thầy thuốc đành bó tay. Dì ghẻ ngày càng tệ bạc. Chán cảnh nhà, bố Hoàng bỏ đi biệt tăm. Hoàng rất thương nhớ Lê vào lúc nào cũng mong anh hạnh phúc. Hoàng rất cô đơn. Bên cạnh cô giờ đây chỉ còn bà vú già và những người bạn hàng xóm tốt bụng thường sang giúp đỡ. Lê cùng một người bạn tìm đến thăm Hoàng, nhưng cô đã mất trước đó ít lâu. Anh chỉ còn gặp ngôi mộ của Hoàng phủ đầy hương khói. Một nỗi ân hận to lớn day dứt Lê suốt đời. Cuốn sách như một lời nhắn gửi đau xót và chân thành.
Có thể coi đây là tác phẩm tự truyện, với nhiều sự việc, tình tiết gắn với con người tác giả. Cuốn tiểu thuyết được Nhà xuất bản Á châu ấn hành tại Hà Nội năm 1942, có độ dầy 175 trang. Hy vọng đến một lúc nào đó cuốn sách sẽ được in lại để chúng ta hiểu biết một cách đầy đủ hơn về nhà thơ Thâm Tâm.
Lưu Khánh Thơ
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...