Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Một ngày trọng đại trong ký ức nhà thơ Xuân Diệu

 Một ngày trọng đại
trong ký ức nhà thơ Xuân Diệu

Đó là ngày 2/9/1945. Trong cuốn hồi ký Những năm tháng không thể nào quên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có viết, đại ý bản Tuyên ngôn thảo xong, Bác mang ra đọc thông qua tập thể, và Người thú nhận đó là những giớ phút sảng khoái nhất của mình.
Bởi vì trước đó, Bác đã thấy một sự thật là không thể trông chờ ở lòng bác ái của các nhà tư bản, Bác chỉ còn trông cậy vào cuộc đấu tranh, vào lực lượng của bản thân dân tộc mình. Giờ phút này, Bác đang thay mặt cho cả dân tộc hái quả của 80 năm đấu tranh. Bữa đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Chúng tôi đã nhìn thấy rõ niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt còn võ vàng của Bác”.
Hà Nội ngày 2/9/1945, ngày trọng đại của cả dân tộc Việt Nam, của mỗi con người Việt Nam dù họ có mặt hay không có mặt tại Vườn hoa cột cờ Hà Nội (Quảng trường Ba Đình). Không ai ngồi yên cho được. Một màn đêm đen quá dài bây giờ bình minh đang đến. Ai cũng đứng vào một hàng ngũ nào đó, tay cờ tay khẩu hiệu cuồn cuộn đổ về nơi hội tụ. Người ta còn kịp nhớ những câu khẩu hiệu trước đó chưa bao giờ thấy: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Đả đảo chủ nghĩa thực dân Pháp”, “Ủng hộ Chính phủ lâm thời”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh”, “Hoan hô phái bộ Đồng minh”… Đúng 2 giờ chiều của ngày 2/9, đã có thể nhìn thấy các vị đại biểu xuống xe bước lên kì đài. Ở trên đó, trong vòng mấy chục mét vuông, có hàng chục người đang đứng, có Bác Hồ – người vừa được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời của nước Việt Nam mới.
Đúng 14 giờ, trên diễn đàn cao và trang nghiêm, trước hàng chục vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trong đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lời Bác hôm đó điềm đạm, ấm áp, khúc chiết, vang xa. Không khó để tìm thấy trong đó những tình cảm sâu sắc, ý chí kiên quyết, trí tuệ và sức sống tràn đầy trong mỗi câu mỗi chữ, cứ thế tự nhiên đi vào lòng người…
Trong biển người đổ về Ba Đình hôm đó, có thi sĩ Xuân Diệu (1916-1985). Hồi ức về “Ngày Độc lập 2/9/1945” (Tuyển tập Xuân Diệu, 1987), ông nhớ như in lần đầu tiên được trông thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh từ xa tắp. Bác đội một cái mũ màu trắng đã ngả vàng, đi đôi dép cao su, tay cầm chiếc gậy cong đầu như cái cán ô. Bộ quần áo kaki màu vàng, rất ấn tượng. Khi cất tiếng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, thì được nghe một giọng nói đặc biệt như hãy còn pha các thứ giọng trên thế giới, một giọng hãy còn phảng phất chiến khu rừng núi… Rồi quốc dân lạ lùng hơn cả, khi Chủ tịch đứng trên đài cao, chiếc ô trắng che mặt trời, trước máy truyền thanh và hỏi một câu bất ngờ: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”
Nhà thơ Xuân Diệu xúc động viết: “Đến đây thì bao nhiêu bỡ ngỡ giữa Chủ tịch và quốc dân tan đi như khói, và một làn điện lực vô hình bắt đầu truyền đi giữa Chủ tịch và quốc dân… Với một câu hỏi đột ngột thật chẳng ai ngờ đến, Hồ Chủ tịch đã ra ngoài cả lệ luật, tất cả nghi vệ, tất cả đại diện, tất cả chính phủ. Hồ Chủ tịch đã là Cụ Hồ của dân tộc Việt Nam. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Qua cái giây phút ngạc nhiên thấy Hồ Chủ tịch vứt cả sự xếp đặt thường lệ, ai nấy đều nghe tất cả tấm lòng yêu thương của Chủ tịch đối với quốc dân, ai nấy đều thấy dù lỗi lạc Hồ Chủ tịch cũng chỉ là một người như mình, một người với mình. Hồ Chủ tịch ân cần, gần gũi chúng ta, chăm nom han hỏi ta, với cái lòng yêu thương vô hạn…
Đáp lại câu hỏi “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không” của Chủ tịch, một triệu lời đáp lại “Có”! Và đó là tất cả kỉ niệm thân yêu sâu sắc nhất của tôi, cũng như của tất cả đồng bào sau khi dự buổi lễ Ngày Độc lập…”. Quả thật, không dễ gì để có thể viết được những dòng hồi kí chân thành, đầy rung cảm, tinh tế mà lập luận chặt chẽ, hùng biện như thế!
Năm 1945, nhà thơ Xuân Diệu đang ở tuổi 28 phơi phới thanh xuân, tràn trề nhựa sống. Trước khi đến với Cách mạng, Xuân Diệu đã là một nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới (1932 – 1945) . Thơ ông hồi đó đã làm đắm say bao nhiêu bạn đọc giới trẻ. Và cũng nhờ trong ông có ngọn lửa tình say đắm ấy, cùng với khả năng nhận thức thời thế, nhận đường của một trí tuệ và nhân cách lớn, nên khi đến với Cách mạng, với Bác Hồ, Xuân Diệu đã đem niềm say mê thơ ca hòa vào sự say mê lớn của cuộc đấu tranh Cách mạng dân tộc. Nên nhớ, năm 1944, nhà thơ đã tham gia phong trào Việt Minh. Năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Hà Nội. Rồi sau Cách mạng tháng Tám, với tư cách là đại biểu Quốc hội khóa I (1946 – 1960), nhà thơ Xuân Diệu hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu Quốc, Tạp chí Tiền Phong, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Văn Nghệ Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam… Năng lực sáng tạo của ông dồi dào đến mức, chỉ riêng trong năm 1945, hòa vào niềm vui đổi đời của cả đất nước, Xuân Diệu cho xuất bản đến 5 đầu sách, trong đó có hai cuốn nổi tiếng đến hôm nay: Gửi hương cho gió (Tập thơ) và Ngọn quốc kỳ (Tập tráng ca).
Nhớ và ôn lại ngày 2/9/1945, nhà thơ Xuân Diệu như muốn góp phần khẳng định một sự thật, cách mạng quả là ngày hội của quần chúng và ở Việt Nam, giữa ngày hội ấy, người xứng đáng được tôn vinh nhất chính là Bác Hồ. Câu hỏi của Bác tại Ba Đình năm ấy “Tôi nói đồng bào nghe rõ không” và câu đáp “Có” của muôn vạn đồng bào, đã thực sự chinh phục nhà thơ. Ở đây, có lẽ nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô đã “gặp” nhà thơ Xuân Diệu khi vị nhà báo nước ngoài này nêu một nhận xét rất đáng lưu ý sau khi được Bác Hồ tiếp và trả lời phỏng vấn ngày 15/3/1969: “Người không tìm cách dạy tôi một bài học nào về đạo đức hay chính trị. Người chỉ kể lại những chuyện cũ năm xưa. Thế nhưng, càng nghe tôi càng thấy rằng Người vừa nói về một vấn đề lớn của nhà nước, vừa dạy cho tôi một bài học luân lý và chính trị cao siêu nhất!”.
Nguyễn Văn Hùng
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...