Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Giải một nghi vấn Thâm Tâm và T.T.Kh

 Giải một nghi vấn Thâm Tâm và T.T.Kh

Đành rằng bài này viết ra sẽ làm cho một số người yêu văn thất vọng, nhưng tôi cứ phải viết, trước hết là vì vấn đề trung thực văn nghệ, mà sau là vì muốn tránh cho văn học một sai lầm. Năm gần đây, có một số người bàn tán xôn xao nên việc thành ra có một tầm quan trọng đáng lý không cần có; dù sao cứ để nghi vấn ấy không giải ra thì cũng là một điều thắc mắc cho văn nghệ.
Nhiều người tham khảo nhiều nhà văn thơ về vụ này.
Nhiều người khuyên tôi đừng viết, nhưng có nhiều người khác lại khuyên cứ viết ra, nên hôm nay tôi đã gạt bỏ hết cả những thơ mộng xây đắp chung quanh vụ này mà nói lên một sự thật – sự thật về Thâm Tâm T.T.Kh nhân bài thơ Hai sắc hoa ti gôn đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào tháng 9 năm 1937.
Tại sao có câu chuyện tình này?
Khởi thủy là một truyện ngắn của Thanh Châu Ngô Hoan đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 174 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 1937. Truyện đó nhan đề là Hoa ti gôn.
Hồi ấy, nói cho thật đúng Tiểu Thuyết Thứ Bảy chạy, nhưng chưa có nhiều tiểu thuyết hay. Thư ký tòa soạn là Ngọc Giao, trợ bút chính yếu là Thanh Châu, còn những nhà văn viết bài ngoài gồm có Nguyễn Trẩm Dự, Hiên Chi, Vũ Lang và vài người khác nữa. Lan Khai, Lê Văn Trương… chưa viết bài đều đều hàng tuần. Truyện đăng tải hầu hết đều là chuyện tình ướt át, không có gì mới lạ. Truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu Ngô Hoan đã bật lên trong số các truyện hay đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy hồi đó. Truyện này lấy một họa sĩ làm vai chính: Lê Chất, mà tôi biết rõ Thanh Châu muốn nói đến Lê Phổ, một họa sĩ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ ở Bắc Việt cùng với nữ họa sĩ Lê Thị Lựu.
Truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu là một truyện rất buồn, văn hay, lời đẹp, có một nghệ thuật cao. Tôi còn nhớ ngay hồi đó, truyện này đăng lên, nhiều độc giả đã say mê như kiểu say mê Tố Tâm, Tuyết Hồng lệ sử, nhưng không hiểu sao về sau này, sưu tập các truyện ngắn để in vào mấy số Phổ Thông Bán Nguyệt San, Thanh Châu lại không lựa truyện ấy để đăng vào tuyển tập truyện ngắn của anh mà lại thích những truyện như Tà áo lụa, Bốn cô con gái bác sĩ March… Tôi không có dịp nào hỏi Thanh Châu về vụ đó, nhưng tôi biết Thanh Châu có một lúc đã lấy làm đắc ý về truyện Hoa ti gôn. Lúc ấy, anh ở một mình tại một căn gác ở đường Ngõ Trạm, mà tôi thì ở đầu Hàng Da. Từ nhà tôi sang nhà anh chỉ độ năm mươi bước, nên chúng tôi thường gặp gỡ nhau luôn, chuyện trò văn chương, bàn tán về nghề báo, vì ngoài tờ Tiểu Thuyết Thứ Bảy, chúng tôi còn làm thêm tờ Nam Cường của ông Phạm Lê Đổng với người bạn quá cố là Micro Bùi Xuân Như, em Bùi Xuân Học.
Hôm nay, chúng tôi đăng nguyên văn truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu trong số này. Các bạn đọc truyện đó xong rồi sẽ hiểu thêm liên hệ đó với bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh và những bài như Bài thơ thứ nhất, Đan áo cho chồng và Bài thơ cuối cùng cũng của T.T.Kh.
Các nhà yêu thơ và phê bình văn học đã nói gì về liên hệ giữa Thâm Tâm và T.T.Kh?
Sau khi truyện Hoa ti gôn in được ít lâu, một hôm tòa soạn Tiểu Thuyết Thứ Bảy nhận được một phong bì dán kín, trong có bài thơ Hai sắc hoa ti gôn dưới ký tên T.T.Kh.
Ngay lúc ấy, có người đã nhận xét như sau: Trong thơ T.T.Kh có những câu:
Bảo rằng: “Hoa dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”.

Buồn quá, hôm nay xem tiểu thuyết,
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ,
Và đỏ như màu máu thắm pha.

Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ,
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Nếu trở lại truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu, ta thấy có những câu mà T.T.Kh bắt chước hình ảnh rất rõ ràng: “Hoa ti gôn hình ảnh quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu, như nhuộm máu đào”. Và “… đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa ti gôn màu máu đào, hình quả tim vỡ làm mấy mảnh”.
Truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu thật tình nổi bật hẳn lên sau bài thơ của T.T.Kh. Nhiều nhà văn, thi sĩ thấy Hoa ti gôn có tiếng vang cũng muốn nhân đó bước vào trong cuộc và góp tiếng nói vào trong, mong được T.T.Kh nhận là bạn văn chương tri kỷ.
Thi sĩ Lê Bái (bút hiệu J. Leiba), lúc ấy hay làm thơ trường thiên trên tờ Ngọ Báo, sao lại nguyên văn bài Hai sắc hoa ti gôn kèm theo một bài thơ của Lê Bái mở đầu bằng:
Anh chép bài thơ tự trái tim
Của người thiếu phụ lỡ làm duyên
Lời thơ tuyệt vọng ca đau khổ
Yên ủi anh và để tặng em.
Thâm Tâm viết nhiều thơ sau đó như Gửi T.T.Kh, Dang dở, Màu máu ti gôn. Tự nhiên T.T.Kh thành ra một huyền thoại, làm cho nhiều nhà văn đổ xô vào mà tán tỉnh, như: Anh Đào, trong báo Nhân Loại, ngẫm về người chồng của T.T.Kh; Thanh Hồ, trong nguyệt san Triều Sóng Xanh, thuật lại lời của ông Giang Tử quả quyết T.T.Kh là người tình của Thâm Tâm; ông Y Châu, trong Thi Tuyển của nhà xuất bản Ly Tao, nhất định T.T.Kh là người thật đã đến thăm thi sĩ Thâm Tâm đôi ba lần; ông Tôn Đạt Dân, trong báo Chuông Mai, lại cho một tin thật xúc động lâm ly là nghe tin Thâm Tâm đã chết, T.T.Kh có làm một bài thơ đề là Trả lại cho đời cánh hoa tim; Nguyễn Tố trên báo Sống lại viết hồi ký tuyên bố “đã sống với T.T.Kh”; lại có người bảo T.T.Kh là chiết tự tên Tạ Thành Kỉnh tức Thẩm Thệ Hà của nhà văn Nguyễn Bá Thế… Còn Hoài Thanh thì viết lờ mờ: “Ai biết người con gái vườn Thanh bây giờ ra thế nào? Liệu rồi đây người có thể lặng ôm nỗi buồn riêng cho đến khi về chín suối?”.
Làm tổng kết các nghi vấn và luận cứ được nêu ra từ lâu nay quanh vụ Thâm Tâm – T.T.Kh, hai ông Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng trong Việt Nam thi nhân tiền chiến đặt câu hỏi và không trả lời dứt khoát:
– T.T.Kh là Thâm Tâm.
– T.T.Kh là Thâm Tâm Khánh.
– T.T.Kh là Trần Trình Khánh.
– T.T.Kh là Trần Thị Khánh, người tình của Thâm Tâm?
– T.T.Kh là nhân vật mà Thâm Tâm dựng lên nhân đọc truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu?
– T.T.Kh là một đệ tam nhân nào đó, không phải là Trần Thị Khánh, nhân tình của Thâm Tâm.
Sự thực, chỉ vì có mấy bài thơ mà đặt nhiều câu hỏi như thế cũng hơi nhiều. Tôi không phải là một nhà suy tưởng. Tôi cũng không sành về thơ. Chính tôi không muốn nói gì thêm về vụ này, nhưng vì số báo này là một chủ đề về Thâm Tâm, bạn tôi, liên quan đến T.T.Kh, tôi xin lấy danh nghĩa một nhân chứng đã làm Tiểu Thuyết Thứ Bảy hơn mười năm, quen biết đủ các nhà văn Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông, Truyền Bá, Ích Hữu mà nói lên mấy điều tôi biết về vụ này.
Chính ra ngay lúc bài Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, dư luận không hề nói nhiều quá đến như bây giờ. Tôi nhớ chắc một điều: Thanh Châu lúc viết truyện nói với tôi là anh viết về Lê Phổ. Truyện của anh tả, một phần lớn, là truyện của người con gái vườn Thanh sau này. Trong truyện ấy ta thấy có đoạn: “Lê Chất được gặp nàng vài bận nữa rồi thôi, mà ngôi nhà hình như không có chủ nhân ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông lão già cuốc cỏ ở trong vườn”. Sau này, Nguyễn Bính làm thơ Dòng dư lệ cũng đặt câu chuyện vào trong một khung cảnh như thế:
Tìm nàng chẳng thấy nàng đâu,
Lá rơi lả tả bên lầu như mưa.
Chợt người lão bộc năm xưa,
Từ đâu mang mảnh guồng tơ lại nhà.
Rút lại ta thấy gì?
Ai cũng muốn chiếm T.T.Kh!
Ta thấy bài thơ Hai sắc hoa ti gôn của T.T.Kh được nhiều nhà thơ, nhà văn thích thú nên đua nhau viết văn, viết thơ “tặng T.T.Kh” mong được T.T.Kh lưu ý vì nhà thơ nào cũng giàu tưởng tượng! Trong số các nhà văn, nhà thơ ấy, được lưu ý nhất là Thâm Tâm, vì Thâm Tâm làm nhiều thơ T.T.Kh nhất, vì thi phẩm của Thâm Tâm cũng như T.T.Kh, đều là những bài thơ gợi cảm, vì Thâm Tâm “mơ mộng nhất”, đã coi T.T.Kh trong tưởng tượng là người tình có thực của anh, với những câu như:
Tiếng xe trong vết bụi hồng,
Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ.
Tiếng xe trong xác pháo xưa,
Nàng đi có mấy bài thơ gửi về.
Hay:
Quên làm sao được buổi ban đầu,
Một cánh ti gôn dạ khắc sâu,
Một cánh hoa xưa màu hy vọng,
Nay còn dư ảnh trái tim đau.
Hay:
K… hỡi! Người yêu của tôi ơi,
Nào ngờ em giết chết một đời,
Dưới mồ đau khổ anh ghi nhớ,
Hình ảnh em hoài mãi thế thôi.
Những lời thơ như thế làm cho người đọc cảm thấy thực hết sức và gần như khắp mọi người đều cảm giác là Thâm Tâm đã dệt ân tình với K. (mà người ta quả quyết là T.T.Kh). Bởi thế, trong tất cả các thi sĩ văn sĩ lên tiếng với T.T.Kh hồi đó, nổi tiếng nhất là Thâm Tâm và cũng vì tình cờ, có người tán T.T.Kh là Thâm Tâm – Khánh, nên có nhiều người quả quyết T.T.Kh là nhân tình của Thâm Tâm.
Sự thực T.T.Kh là ai?
Nói sự việc này ra thì có phũ phàng một chút, thô lậu một chút, mà lại “giết” hồn thơ đi một chút, nhưng thiết tưởng trước sau gì cũng nên nói, may ra có chấm dứt được một nghi vấn hầu giúp cho nhiều người đỡ thắc mắc phần nào.
Thâm Tâm là một thi sĩ được rất nhiều cảm tình của cả bạn trai và bạn gái. Trong số các bạn gái đó có người sinh trưởng nơi khuê các, có người chẳng may lạc vào nơi hí viện, có người tên A, có người tên H, có người tên K, nhưng T.T.Kh không bao giờ là người yêu của Thâm Tâm, bởi một lẽ rất giản dị là không bao giờ có T.T.Kh bằng xương bằng thịt. Nhà thi sĩ thường sống bằng tưởng tượng, bằng cái đẹp, thi nhân là người gieo rắc cái đẹp cho đời, đan mộng cho mình, lấy giả làm chân, lấy mộng làm thực, bởi thế một Thâm Tâm, một Nguyễn Bính, một Trần Huyền Trân tưởng tượng có người yêu mình, mà người ấy có thực, đã sống với mình thực, đã phụ mình thực vì “vấn đề gia đình”, chuyện đó không lạ mà không phải chỉ bây giờ mới có.
Thi nhân sung sướng về chỗ đó và tự mình là một ông trời của mình cũng vì lẽ đó. Sau khi bài thơ Hai sắc hoa ti gôn ra đời, đi sát luôn với Thanh Châu, tôi biết rằng chính Thanh Châu là người đã đẻ ra T.T.Kh! Cũng như tất cả các nhà văn trẻ, đại khái như Vũ Trọng Phụng, anh muốn rằng văn của anh được người đời lưu ý ngay. Vì thế, ngồi nói chuyện với anh em, anh hay nhắc đi nhắc lại truyện Hoa ti gôn (vì lẽ đó tôi mới biết họa sĩ Lê Chất trong truyện là Lê Phổ). Trong các bạn thân của Thanh Châu hồi đó, có vài người là Micro Bùi Xuân Như, Thanh Tùng Tử Lê Bái (J. Leiba), Văn Thu, Thượng Sỹ và tôi. Trong số bạn ấy, Thanh Tùng Tử hợp với Thanh Châu nhất. Mặc dầu ở ngoài không mấy ai biết rõ, nhưng ngay lúc bài thơ T.T.Kh ra đời, người ta đã biết đó là Thanh Tùng Tử (Lê Bái) tức là J. Leiba cảm đề và “nâng” truyện Hoa ti gôn của Thanh Châu lên, nhưng chẳng lẽ anh em với nhau lại khen “thẳng thừng” e bất tiện, nên Thanh Tùng Tử đã không đăng trên Ngọ Báo mà lại mượn một tên khác, tên Trần Thị Khánh, để gửi đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tuần báo văn nghệ lúc ấy được nhiều người chú ý hơn tờ nhật báo anh làm việc (tức là tờ Ngọ Báo). Nhờ bài ấy, người ta nhắc nhở đến truyện Hoa ti gôn nhiều hơn và tên T.T.Kh bật lên từ đó. Tất cả tôi biết đúng như thế, còn những bài như Đan áo cho chồng, Bài thơ cuối cùng, tôi không biết chắc là của Thanh Tùng Tử không hay là của một người nào khác. Và tôi đã có lần tự hỏi sao những bài sau này lại không thể là của Thanh Châu – vì tôi biết Thanh Châu là một nhà văn, một nhà báo có tài học, mà lại kiêm một nhà thơ rất lả lướt, rất dồi dào tứ hay.
Để làm chứng cho sự việc tôi vừa nói trên đây về bài Hai sắc hoa ti gôn, hiện bây giờ còn một nhân chứng nữa là Ngọc Giao (vì hồi ấy Ngọc Giao làm hai buổi ở Tiểu Thuyết Thứ Bảy sau khi thôi làm tòa án), còn hầu hết đã qua đời rồi, tuy rằng anh em Tiểu Thuyết Thứ Bảy còn nhiều người nhưng không sống trực tiếp với chúng tôi trong thời kỳ đó.
Hôm nay, đập vỡ một cái mộng văn chương, tôi không ngại nói ra T.T.Kh là Lê Bái tức Thanh Tùng Tử, bạn thân của Thanh Châu Ngô Hoan. Tại sao “cô gái vườn Thanh”? Thanh Châu là người Thang Mộc ấp (Thanh Hóa), có một người yêu ở đó, nhưng không hiểu làm sao hai bên không lấy được nhau. Thanh Châu bỏ Thanh Hóa, cùng một lớp với Nguyễn Tuân, ra ở Hà Nội làm báo, viết văn và đã biết nhiều bạn gái khác, trong số có một cô học trường Đồng Khánh tên là Kh… Có lẽ lúc làm thơ Hai sắc hoa ti gôn gửi đến Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng tải, Lê Bái ký là T.T.Kh cũng vì nhớ đến cô bạn tên là Kh… chăng? Cái đó, tôi cũng không hỏi Thanh Tùng Tử và Thanh Châu bao giờ. Micro Bùi Xuân Như, cũng như tôi, lúc ấy lo ăn lo chơi nhiều hơn là lo văn nghệ, cũng không tò mò hỏi xem sao lại ký là T.T.Kh…
Như trên kia đã nói, tôi không biết đích xác các bài như Đan áo cho chồng, Bài thơ cuối cùng có phải của Thanh Tùng Tử, Thanh Châu hay của một nhà thơ nào khác, nhưng tôi quả quyết nhiều bài thơ sau này, ký tên T.T.Kh là “thơ giả” cũng như giấy bạc giả, văn bằng giả. Đáng buồn nhất là ký bậy ký bạ như thế, nhiều bài thơ lại không ra “cái trò gì”, không có một “hồn thơ” nào ở trong, thí dụ bài Trả lại cho đời cánh hoa tim trong có mấy câu như:
T… hỡi người yêu của tôi ơi (!)
Hồn thiêng anh ở tận phương trời,
Biết chăng muôn thuở tình căm hận(?)
Tình chết em mang lại cõi đời(?!)
Thâm Tâm, Thanh Châu, Thanh Tùng Tử! Các anh đều là bạn tôi. Hai anh đã chết, một anh còn sống, nhưng dù chết hay sống, xin các anh thông cảm với tôi và chắc các anh vui lòng để cho tôi tiết lộ bí mật về T.T.Kh…
Bởi vì tôi biết rằng thời đại đã qua rồi, các anh biết rõ hơn ai hết là những cái “trò” như thế chỉ là để chơi giỡn với nhau trong nhất thời, không bao giờ nên đem ra làm một đối tượng mổ xẻ và nghiên cứu – trong khi có nhiều điều đáng mổ xẻ và nghiên cứu hơn, ngay ở trong quỹ đạo thơ văn, nghệ thuật.
Tôi mong rằng công việc tiết lộ này sẽ giải được một điều thắc mắc lâu ngày của làng thơ văn và, nhân đó, chấm dứt một nghi vấn chỉ vì có người muốn biết T.T.Kh có phải là nhân tình của Thâm Tâm Nguyễn Tuấn Trình hay không.
Sài Gòn 12-3-1970 
Văn Học số 103 (15-3-1970)
Vũ Bằng
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...