Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

Hồ Xuân Hương, người đẹp, người tình

 Hồ Xuân Hương,
người đẹp, người tình

Từ một người mà Lữ Hồ ở trong Nam vào năm 1958 còn không chắc là có thật (“Có chăng một bà Hồ Xuân Hương?”, Sáng Tạo số 24 ra tháng 9/1958) cũng như Hoàng Trung Thông ở ngoài Bắc đến năm 1986 còn viết:

Người ta nói nhiều về
Hồ Xuân Hương
Nhưng người đó là ai?
Thật mỉa mai
Không ai biết rõ
Như có như không như không như có…
ngày nay, trái lại, chúng ta đã biết khá nhiều về bà.
 Một nhà thơ chữ Hán
Nhờ Trần Thanh Mại công-bố về sự phát hiện của tập thơ Lưu Hương Ký vào hai năm 1963-64 (trên Tạp chí Văn học ở Hà-nội), chúng ta khám phá ra một Hồ Xuân Hương làm thơ chữ Hán mà một cụ bà rất giỏi Hán-Nôm ở hải-ngoại mô-tả là “tình tứ triền miên” một “người ít học không thể làm nổi loại thơ ấy.”
 Gần như cùng lúc, Trần Văn Giáp và Cao Huy Giu cũng tìm ra tám bài thơ chữ Hán của bà mang tên “Đồ-sơn bát cảnh.” Đến năm 1983, Hoàng Xuân Hãn ở Pháp công-bố 5 bài thơ đề Vịnh Hạ-long mang tên bà trong sách Đại-Nam dư-địa-chí ước-biên mà dịch-giả Lê Xuân Giáo ở Sài-gòn cho biết là của Cao Xuân Dục, một tác-giả rất cẩn trọng và có uy-tín. Rồi đến lượt Bùi Hạnh Cẩn cho biết còn tìm được ra trong tủ sách gia-đình của ông Trần Văn Hảo, làng Quần-phương, huyện Hải-hậu, Nam-định, một chùm 9 bài thơ mang tên Hương-đình Cổ Nguyệt Thi-tập (“Tập thơ Cổ Nguyệt ở Vườn Thơm”), cũng gần như chắc chắn là của bà bởi một nét đặc-sắc của bút-pháp Hồ Xuân Hương là chơi chữ:
Cổ Nguyệt = trong chữ Nho hai chữ này nhập lại thành chữ “Hồ,” họ Hồ
Hương-đình có nghĩa là “Vườn Thơm” nhưng cũng có chữ “Hương” ở trong đó, nhắc cho ta tên của bà (Xuân Hương).
 Cũng tựa như mấy chữ ghi bên cạnh tên sách Lưu Hương Ký: “Hoan-trung Cổ-nguyệt-đường Xuân Hương nữ-sử tập.” Tức đây là một cách ký tên của bà vào những tác-phẩm đó.
Do đó, ngày nay ta có thể mạnh miệng khẳng-định mà không sợ sai: Hồ Xuân Hương, “bà chúa thơ Nôm,” còn là một nhà thơ chữ Hán xuất chúng.
      Một giai-nhân
Đã có lúc người ta dựa vào bài thơ Nôm “Quả mít” của bà để gán cho bà hai chữ xấu xí (“Da nó xù xì”), thậm chí có người còn mường tượng ra là bà mặt rỗ. Đó là quan-niệm của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trong sách Giai-nhân di-mặc (1915), cuốn sách đầu tiên hư-cấu-hoá đời của bà, một quan-niệm được Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa khai triển ra thành một thuyết của Freud về “ẩn-ức” đem ứng-dụng vào văn thơ Việt-nam (trong “Cái ám ảnh của Hồ Xuân Hương,” Tiến hoá số 1, tháng 1/1936, và trong sách Văn nghệ bình dân VN, Thanh-hoá, 1951). Song thuyết này hiển-nhiên không đứng vững khi như sau này, người ta khám phá ra bài “Quả mít” chính ra là một tác-phẩm của Đặng Thị Huệ, tức Bà Chúa Chè, người phi sủng-ái của Trịnh Sâm (1767-82), một người nếu không nghiêng nước nghiêng thành thì cũng không ai có thể nói được là không có nhan-sắc.
Thật ra, những bằng-chứng cụ-thể mà ta có về Hồ Xuân Hương đều nói đến một người đẹp. Như khi bà còn trẻ, chỉ khoảng 15-16 tuổi, một “danh-sĩ” ở làng Quỳnh-đôi, tức cùng làng với bà, Dương Tri Tạn, đã viện cớ “vịnh cái điếu bát của Cô” để mà làm mấy câu cợt nhả nhưng chắc cũng có phần nào gần sự thật:
 Eo lưng thắt đáy thậm là xinh!
Điếu ai hơn nữa điếu cô mình?
Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa,
Càng núc càng say nỗi tính tình.
 Trong thơ chữ Hán của những người giao thiệp với nàng, không ít bài ca tụng nhan-sắc có thể chim sa cá lặn của nàng. Ông Tốn Phong, chẳng hạn, khi mới gặp nàng đã tán tụng:
 “Hồng nhan nghi thị thác sinh nhân!” mà tôi đã từng dịch là “Ngỡ là Người Đẹp thác sinh xuống trần!” (trong bài “Tao huyền huyền thượng xuất Tao thần”). Theo cụ Hãn, đã có lần Tốn Phong đi gặp Hồ Xuân Hương về, sướng quá đã tưởng mình là “ông chài ở Vũ-lăng chèo thuyền tới Nguồn Đào, được gặp tiên.” (“Hồ Xuân Hương với Vịnh Hạ Long,” Tập san Khoa học xã hội số 11-12, tháng 12/1983)  
 Nhưng trong cái đẹp của nàng, nó như có cái gì bất thường. Bởi khi nàng về theo cha để mở trường dạy học ở làng Mương (nay là xã Sơn-dương, huyện Phong-châu, tỉnh Vĩnh-phú) thì có câu thơ:
 Đánh gốc, bốc trà, may Tú Điếc;
Cá Kình mắc lưới, phúc Nho Trâm.
 Cả ba người, Tú Điếc, Nho Trâm và “Tổng” Kình (tức Tổng Cóc) đều theo đuổi cô con gái xinh đẹp con của ông đồ Nghệ, nhưng chỉ có Tổng Kình “mắc lưới” còn hai người kia thì được xem như là thoát (“may” và “phúc”). Vậy rõ ràng nàng có thể đẹp nhưng cũng có cái nét gì để cho người ta phải coi là không được, là cần tránh. Nên khi Tổng Kình (Tổng Cóc) bắt được nàng thì lại bị coi là “mắc lưới,” chắc là do nàng tung ra.
 Phải chăng nàng là một người lẳng lơ, sẵn sàng sấn tới (“Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa”), “aggressive” kiểu như người ta hay nói về một loại người đàn bà ở Mỹ–một loại “sexpot”?
 Bởi về sau, khi đã lớn tuổi rồi, không còn bao nhiêu hứng thú trong chuyện làm tình, bà vẫn còn bị Chiêu Hổ hạ cho một đôi câu đối khá ác:
Người Cổ lại còn đeo thói Nguyệt,
Buồng Xuân chi để lạnh mùi Hương?
  Những người tình trong đời bà
Cụ Hoàng Xuân Hãn đã dựa vào thơ còn lại trong Lưu Hương Ký để vẽ ra một lịch-trình người tình của Hồ Xuân Hương mà ta có thể làm thành một bảng vắn tắt như sau:

Tên Các Người Tình

Khoảng năm

Chức tước

Nguyễn Du (1765-1820)

1790-1793?

Sinh-đồ

Mai Sơn Phủ

1799-1801?

Không rõ

Tốn Phong

1807-1808

Thư-sinh

Trần Quang Tĩnh

1808-1809

Hiệp-trấn

Trần Phúc Hiển

1813- . . . .

Tham-hiệp

Tốn Phong trở lại thăm, đề tựa LHK

1814

Thư-sinh

Trần Ngọc Quán

1815-1816

Hiệp-trấn

Trần Phúc Hiển cưới làm vợ bé

1816

Tham-hiệp

bị tù

1818 (thg 5 ta)

 

bị xử tử

1819 (thg 5 ta)

 

Xuân Hương mất

1821-1822?

 

 Trên đây là ta theo cụ Hãn và trong chi-tiết ta có thể không đồng-ý điểm này điểm nọ. Nhưng có điều chắc chắn là những dan díu trên đây là có thật. Người thật, việc thật!
 Như trường-hợp Nguyễn Du, hai nhà thơ thuộc vào hạng lớn nhất của ta ở đầu thế-kỷ XIX có thể thương yêu nhau, ít nhất là “ba năm vẹn,” phải được xem là một mối tình khá đẹp–mà ta lại còn có bằng-chứng trong bài thơ “Cảm cựu kiêm trình Cần-chánh Học-sĩ Nguyễn-hầu” với tiểu ghi: “Hầu Nghi-xuân Tiên-điền nhân” (“Ông là người làng Tiên-điền, huyện Nghi-xuân” nghĩa là không thể nhầm được).
Rồi đến Mai Sơn Phủ với những trang đẹp nhất trong thơ chữ Hán của bà dành cho ông, một người yêu chắc phải ăn ý lắm vì bà đã dành cho ông những câu thơ nồng nàn nhất (như trong bài “Xuân-đình-lan điệu”):
 Tâm tại Vu-phong
Hồn tại Vu-phong
Ân ái thử tao phùng…
 khi ta biết Vu-phong tức Vu-sơn, nơi Sở Tương-vương nằm mơ thấy đêm làm mây mưa (= làm tình) với Vu-sơn thần-nữ. Hay trong bài “Thuật ý kiêm giản hữu-nhân Mai Sơn Phủ” (“Thuật lại lòng mình cùng để thư cho ông bạn Mai Sơn Phủ”) bà viết:
 Nhất tự sầu phân duệ
Hà nhân noãn bán khâm?
(“Từ lúc buồn chia biệt
“Ai người ấm nửa chăn?”)
 Còn trong một bài thơ Nôm tặng Mai Sơn Phủ để nói lên nỗi nhớ da diết của bà, bà viết:
 Nước mắt trên hoa là lối cũ,
Mùi hương trong nệm cả đêm thâu.
Vắng nhau mới biết tình nhau lắm:
Này đoạn chung-tình biết với nhau.
 Để kết
Như vậy, ta có thể nói mà không sợ sai, Hồ Xuân Hương chủ-yếu là một nhà thơ tình, trong cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm, trong loại thơ truyền-tụng của bà. Nếu trong thơ chữ Nôm của bà, chuyện làm tình không bao giờ xa ý của bà lắm, nó chỉ được giấu trong những ẩn-dụ mà ai cũng đọc ra được, thì trong thơ chữ Hán nó cũng không xa lắm, chuyện làm tình trong một số bài còn hiển hiện hơn nữa, thậm chí đi đến chỗ “bơ bải” nghe có vẻ phờ phạc (“Năm canh hồn bướm thêm bơ bải,” bà kết trong một bài thơ Nôm trong Lưu Hương Ký).
 Thế còn những mối tình khác của bà như ta được biết trong thơ Nôm thì sao?
Cụ Hoàng Xuân Hãn bác bỏ tin cho rằng “Khóc ông phủ Vĩnh-tường” là do bà làm ra bởi, theo cụ, tên “phủ Vĩnh-tường” mãi đến năm 1833 dưới thời Minh Mạng mới có mà theo cụ, Hồ Xuân Hương đã chết khoảng năm 1821-22. Song năm chết của bà như cụ phỏng-đoán là không đảm bảo. Có khá nhiều bằng-chứng để cho ta thấy bà còn sống sang đến thời Minh Mạng.
Riêng chuyện tình với Tổng Cóc thì có lẽ nhiều cay đắng hơn là thương yêu:
 Cong cóc đi đâu chẳng bảo tôi!
Nòng nọc đứt đuôi từ đấy nhé!
Nghìn năm không chuộc dấu bôi vôi.
 Song thế vẫn không có nghĩa là đã không có lúc hai người ăn ở với nhau. Thành thử với Hồ Xuân Hương ta có một nữ-lưu rất tân-thời, rất hiện-đại, ngay cả trong vấn-đề đạo đức, phụ-nữ-quyền. Không còn tam tòng, tứ đức nữa mà là một phụ nữ khẳng-định chỗ đứng độc-lập của mình trong xã-hội, kể cả sự lựa chọn lấy ai, ăn nằm với ai.
 Trong nghĩa này, Hồ Xuân Hương phá vỡ cái luân-lý Nho-giáo và đi trước thời-đại. Bà là một George Sand của văn-học Việt-nam, song bà còn đi trước cả George Sand (1804-1876) nữa bởi bà sống ở cuối thế-kỷ XVIII-đầu thế-kỷ XIX, nghĩa là trước nữ-sĩ người Pháp gần nửa thế-kỷ.
Nguyễn Ngọc Bích
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...