Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Đặc sắc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh

Đặc sắc truyện ngắn
Phan Thị Vàng Anh

Thế giới truyện ngắn của Vàng Anh riêng và lạ lắm. Trước hết, nó rất ngắn, ngắn chỉ in vài ba trang mà người ta thường gọi là truyện ngắn mini. Ngắn nhưng lại chứa đựng nhiều ý tưởng, nhiều mối quan hệ đời sống, và tất cả lại được chứa đựng trong ngôn ngữ và kiểu viết tình cờ, tự nhiên như đó không phải là ngôn ngữ văn chương vậy.
Truyện Vàng Anh như nhiều người gọi là truyện không có cốt truyện, nhưng thật ra, khả năng mở sau câu chuyện làm ám ảnh mọi người. Đây phải chăng là một kiểu kết cấu cốt truyện? Có lẽ thời hiện đại, người đọc cần đến loại truyện này như một cách để tiết kiệm thời gian và bộc lộ thị hiếu của mình chăng? Điều đó có cái lý của nó, nhưng theo tôi: Đấy là sự lựa chọn của Vàng Anh.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh
Đó là kiểu văn chương đồng vọng tiếng nói của thế hệ mình, kiểu văn “khi người ta trẻ”. Vì vậy mà tinh tế, bạo liệt, thẳng thắn, dứt khoát, trẻ trung. Sớm già trước kinh nghiệm, Vàng Anh – bằng vốn sống trực tiếp và gián tiếp – đã dựng lại những chi tiết, những lát cắt, những quan hệ tưởng bình thường, bỡn cợt mà thực ra toàn là những vấn đề có tình huống đáng lưu tâm. Nhiều truyện lạnh lùng đến thờ ơ nhưng bên sau toát lên vẻ dịu dàng, nhân ái, dư vang tình đời, tình người. Tất cả đều xuất phát từ cơ sở đời sống và tình yêu thời tác giả đang sống, với một cách nói riêng nên thấm sâu, day dứt. Điều ấy làm nên nét mới của truyện ngắn Vàng Anh.
Vàng Anh có biệt tài dựng chuyện. Những vấn đề tưởng vớ vẩn, được kể một cách tự do nhưng thực ra là cách viết, cốt sao qua đó, người đọc thấy được mối quan hệ bên trong. Con người âu lo, cô đơn luôn tự vấn, không ngừng kiếm tìm và lý giải mọi tồn tại của mình là đặc điểm dễ thấy nữa trong thế giới nghệ thuật truyện ngắn Vàng Anh.
Nhân vật trong truyện của cây bút này thường thấy mình bé nhỏ, hữu hạn so với dòng thời gian đang dào dạt chảy và khát vọng tình yêu vĩnh hằng: “Chiều nay, tôi lên chùa Vĩnh Nghiêm thăm cha. Một nắm tro lặng lẽ. Trời ơi, tôi nghĩ rằng người ta không thể “chết là hết” được… Tôi sợ lắm, rồi cũng có lúc mình phải nằm im dưới đất, mưa nắng chầy chầy trong các nghĩa trang hoặc tồn tại dưới hình thức một nắm tro hay sao” (“Thăm cha”). Đó chính là ý thức mãnh liệt về sự hiện hữu và khát vọng sống của mình trước thời gian vĩnh hằng. Các truyện ngắn: “Phục thiện”, “Hồng ngủ”, “Một ngày”, “Buổi học thêm ở thư viện”… đều phảng phất nỗi ám ảnh ấy. Nhân vật có gì như u uất, cô đơn, mơ hồ nhưng rồi cuối cùng lại muốn hòa nhập vào những vui buồn, bất hạnh và hy vọng của mọi người trên hành trình đi tìm hạnh phúc và điều thiện. Họ muốn thét lên một tiếng thật to, may có cái gì sẽ vỡ, sẽ nổ ra, và biết đâu sẽ vui hơn. Trạng thái nhân thế trong xã hội tiêu dùng và quá trình đô thị hóa cứ bàng bạc trong từng truyện ngắn Vàng Anh nhẹ nhàng mà buốt nhói là thế.
Về tình yêu, truyện của Vàng Anh cũng rất lạ, kiểu tình yêu “khi người ta trẻ” thời hiện tại chưa hoàn thành: Vừa ngộ nghĩnh vừa thực tế; vừa ảo tưởng vừa sợ sệt, khát khao (“Truyện trẻ con”, “Buổi học thêm ở thư viện”). Hai cô bé trong truyện ngắn “Trò dối” thích uống cà phê với vẻ phớt lờ xung quanh, nhưng lại ẩn chứa biết bao nhiêu chuyện. Nhân vật của Vàng Anh có cả tính mạnh. Họ si tình, bốc cháy nhưng có khi không ngần ngại đánh mất nó để được cô đơn. Những trò chơi ú tim trong “Đất đỏ”, “Mười ngày”, “Nghỉ hè”… chẳng qua là một cuộc hiếu động, hiếu kỳ: “Cuối cùng những tình cảm vui buồn cũng chỉ trở thành kỷ niệm chứ không thể trở thành kinh nghiệm. Tình yêu, nhiều khi là một cuộc chơi, một cuộc phiêu lưu, mạo hiểm”.
Vấn đề đạo đức, thế sự tuy không trực tiếp đưa lên bình diện hàng đầu, nhưng mỗi truyện, mỗi chủ đề đều toát lên chiều sâu thấm thía của cuộc sống: Luôn khao khát đi tìm những giá trị nhân bản mới. “Kịch câm” là truyện hay làm cho ta bất giác sững sờ trước những xung đột và diễn biến trong quan hệ truyện. Là sự im lặng đến trống vắng giữa người cha và cô con gái qua màn kịch câm. Nội dung xoay quanh một tờ giấy mà người con gái đọc được, đã bộc lộ bất ngờ sức phản ứng của cô đối với thói đạo đức giả của người bố đang nhân danh nhà giáo. Nhiều truyện khác, đây đó, Vàng Anh cũng để cho nhân vật của mình bộc lộ thái độ sống một cách thẳng thắn. Qua đó, nhân vật bày tỏ quan niệm và thái độ của mình. Cũng cần nói thêm rằng: Với chủ đề này, nhân vật của Vàng Anh cuối cùng bị dằn vặt trong “bi kịch tự nhận thức” (“Kịch câm”, “Hội chợ”, “Khi người ta trẻ”…). Đó chính là yêu cầu của con người hiện đại, là khả năng tự hoàn thiện nhân cách, tự điều chỉnh hành vi đạo đức của mỗi cá nhân mà con người hiện đại cần ý thức vươn đến.
Thời gian nghệ thuật, không gian nghệ thuật của truyện ngắn Vàng Anh cũng khác. Thời gian thường qua nhanh; khoảnh khắc lo âu, vui buồn đều qua nhanh đến nỗi con người không kịp nhận biết. Thời gian tâm trạng, thời gian sinh học, vì vậy, càng nhức nhối hơn nhiều. Không gian nghệ thuật thường hẹp, dồn nén trong một căn phòng, một góc nhỏ, một quán cà phê… Với kiểu không gian, thời gian ấy, con người thường dễ bộc lộ suy nghĩ và tâm trạng của mình, cũng là của con người thời hiện đại sâu nhất, nhức nhối nhất.
Với lối nói lạnh mà sâu; nhẹ nhàng, tươi vui mà dồn dập, gấp gáp; với cách hành văn và dung lượng rất ngắn của truyện, Vàng Anh đã thực sự tạo cho truyện ngắn của mình một chất thơ hàm súc, nhiều nghĩa ẩn, mang hơi thở của sự sống thật. Chính vì vậy, kiểu truyện không có cốt truyện của Vàng Anh được coi như một tìm tòi, thể nghiệm. Không gian, thời gian mở sau kết thúc truyện giúp người đọc hiểu từng nhân vật và tự suy ngẫm mình. Chúng tôi coi đó là cốt truyện ngầm. Đây là nét riêng của Vàng Anh.
25/4/2020
Hồ Thế Hà
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...